BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM
Lê Mạnh Thát Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. HCM 2005
TUYỆT THỰC TẠI CHÙA TỪ ĐÀM
Hồi ký của Bác sĩ ERICH
WULFF
MINH NGUYỆN dịch
Lời người dịch: Đây
là bài thứ hai trích dịch từ quyển Vietnamesische Lehrjahre (Những năm dạy
học tại Việt Nam), Suhrkamp Taschenbuch Nr. 73, Frankfurt a.M., Germany,
1972, trang 150 - 157, với tên tác giả Georg W. Alsheimer, bút hiệu của Erich
Wulff. Ông làbác sĩ người Đức dạy tại trường Đại học Y khoa Huế từ
năm 1961 đến 1967, trong khuôn khổ viện trợ giáo dục của Tây Đức. Vì
một sự tình cờ, tác giả đã chứng kiến biến cố tại đài phát thanh
Huế đêm 8/5/1963 làm 8 Phật tử bị chết một cách thê thảm và đã
trình bày sự kiện này trước Uỷ ban Điều tra đàn áp Phật giáo Việt
Nam của Liên Hiệp quốc vào tháng 9/1963.
Bài thứ hai này nói về cuộc
tuyệt thực tại chùa Từ Đàm và các cuộc biểu tình của Phật tử Huế
đòi nhà cầm quyền thực thi 5 nguyện vọng của Phật giáo [1].
Sau thời hạn tối hậu thư
14 ngày đối với chính quyền ông Diệm trôi qua, các nhà sư tại Huế bắt
đầu tuyệt thực. Họ đã yêu cầu vị bác sĩ giám đốc Bệnh viện Trung
ương Huế theo dõi sức khoẻ trong khi họ tuyệt thực, nhưng vị này, cũng
như tất cả các bác sĩ khác của thành phố, đã từ chối, ngay cả việc
đặt chân đến cổng chùa. Ba ngày sau đó khi một vài vị sư lớn tuổi bắt
đầu bị hôn mê, họ đã cầu cứu đến chúng tôi. Tôi đến tiếp xúc lần
nữa với bác sĩ khoa trưởng y khoa để yêu cầu ông ta thi hành nhiệm vụ
thầy thuốc của mình, nhưng ông ta vẫn lắc đầu từ chối. Do đó tôi đã
đi cùng với Hans đến chùa Từ Đàm.
Tại cuộc thăm viếng chùa Từ
Đàm lần đầu này tôi mới làm quen với Thượng tọa Thích Trí Quang.
Thân hình mảnh khảnh, nhỏ nhắn của ông ta chỉ như là được dùng để
mang một đầu tượng người La mã được đẻo bằng cẩm thạch. Vần trán
cao, vòm cong, cặp mắt to, với cái nhìn xuyên thâu, lổ mũi rộng và đôi
môi đầy đặn bày tỏ một sự hài hòa trong sự cấu trúc của con người
ông ta. Toàn khuôn mặt đã lôi cuốn cái nhìn đến độ người đối diện
không có cơ hội để ngắm ông ta. Tình cảm hăng say và lòng nôn nóng vẫn
còn ngự trị nơi con người ông, trái với điều mà tôn giáo của ông ta
đòi hỏi. Trong khi nói chuyện Sư Trí Quang chứng tỏ một sự thông minh
tuyệt vời, nắm hiểu rất nhanh điều cốt yếu; Sư cũng có một vốn kiến
thức dồi dào về văn hóa và lịch sử của vùng Đông Á châu. Nhưng ông
ta rất ít quan tâm đến nền chính trị và khung cảnh văn hóa của Tây phương
và có ít nhiều thành kiến về các vấn đề này. Sư ý thức được sức
mạnh lôi cuốn của chính mình đối với đám đông và biết cách để sử
dụng. Bằng những cuộc vận động đám đông quần chúng trong các thành
phố và với áp lực của dư luận quốc tế, Sư hy vọng có thể giành phần
thắng trong cuộc đụng độ này với chế độ ông Diệm. Đây không phải
chỉ là chuyện lật đổ gia đình họ Ngô hay trả lại cho Phật giáo những
quyền lợi từ xưa. Một người giảng nghiệm viên đại học Huế sau này
đã kể lại cho tôi nghe rằng trong cuộc họp quan trọng với các thủ lảnh
thanh niên Phật tử vào sáng ngày 9 tháng 5 1963, Sư Trí Quang đã tuyên bố
rằng cuộc tranh đấu bắt đầu hôm nay sẽ chấm dứt với sự vãn hồi
hòa bình cho đất nước. Tất cả mọi người phải ý thức những ngày
cam go sắp tới và đôi lúc phải chấp nhận những sự thất bại tạm thời.
Sư Trí Quang đã bày ra trước
mặt những bản dịch tiếng Việt của các bài báo tờ Le Monde và New York
Times tường thuật về các biến cố tại Huế. Những lời kêu gọi của Sư
đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant và Tổng thống Kennedy cũng được
nhắc nhở trong các bài báo đó. Những chuyến đi của chúng tôi qua Căm Bốt
hay vào Sai Gòn như thế đã không đến nỗi hoài công. Tuy nhiên sự việc
này cũng vẫn chưa trở thành những hàng tít lớn trên các báo chí thế giới,
mà vẫn còn phải nằm một cách khiêm nhường ở trang 3, 4 hay 5. Chưa ai thấy
được tính cách bùng nổ của cuộc khủng khoảng này.
Trong thời gian các nhà sư tuyệt
thực, lần đầu tiên tôi thấy một cuộc biểu tình lớn của quần chúng
phật tử. Hai đoàn người dài vô cùng từ hai phía khác nhau đã đến tập
trung trước tòa Tỉnh trưởng. Dẫn đầu mỗi đoàn là các vị tu sĩ Phật
giáo bận áo vàng nghiêm trang. Theo sau là các gia đình phật tử, công
nhân, sinh viên, học sinh, tiểu thương cũng như phụ nữ đủ lứa tuổi. Có
khoảng 7000 đến 8000 người biểu tình. Không có gì đáng tiết xảy ra. Cuộc
biểu dương lực lượng diễn ra trong sự im lặng trang trọng. Thỉnh thoảng
đám đông cất lên lời niệm Phật đồng điệu. Trên các biểu ngữ có
ghi những điều đòi hỏi và phản đối của họ bằng tiếng Việt và tiếng
Anh.
Sau đó chúng tôi được biết
rằng viên tỉnh trưởng, vì có cảm tình với Phật giáo nên đã ra lệnh
cho cảnh sát phải tự chế. Và cũng vì điều đó mà ông đã bị cách chức
sáng sớm ngày hôm sau cùng lúc với vị Đại biểu Chính phủ Trung nguyên
Trung phần. Một viên chức thân tín của ông Diệm đã được cử ra Huế
với nhiều quyền hành mới và đã đến nhận nhiệm sở tại Tòa Đại biểu
chính phủ. Ông ta tên là Nguyễn văn Khương (2). Một ngày sau khi nhậm chức
ông ta mời tất cả bác sĩ người Đức đến dự buổi trà đàm ban sáng.
Tôi chỉ biết rằng tôi đã
được mời đến gặp riêng nửa giờ trước các bạn đồng nghiệp khác
khi tôi cùng ngồi với ông ta trên chiếc ghế bành bọc lụa tại phòng
khách giữa các độc bình bằng sứ và các ngà voi to tướng. Ông ta tìm
cách thuyết phục tôi, rằng ông ta muốn biết rõ hết tất cả sự thật
để về trình lại cho Tổng thống Diệm và cũng để thỏa mãn các đòi hỏi
của Phật giáo. Với tư cách là một người phật tử, ông phải có nhiệm
vụ ngăn cản các cuộc đổ máu khác. Ông ta có đầu tóc ngắn cúp ca-rê
và khuôn mặt hơi thô, không phải là không thông minh nhưng nét mặt có vẻ
đầy bí ẩn đã tìm cách nói như rót mật vào tai tôi. Tôi có mất mát
gì đâu? Tôi đã kể cho ông ta nghe tất cả những gì tôi biết về đêm 8
tháng 5, điều mà ông ta hẳn đã biết, vì nếu không tại sao ông ta lại
mời tôi đến sớm hơn các người khác. Ông Khương chăm chú lắng nghe
tôi kể chuyện và làm như là ông ta cám ơn tôi vô cùng. Tôi cũng kể với
ông ta rằng tôi và Hans đã phải chăm sóc các tăng sĩ Phật giáo đang tuyệt
thực, sau khi không có một bạn đồng nghiệp người Việt nào nhận làm
công việc đó. Ông ta tỏ ra rất cảm động vì hành vi này của chúng tôi
và hầu như ra lệnh chúng tôi phải tiếp tục công tác y tế đó. Ông ta
còn hứa sẽ cấp cho tôi giấy phép để được phép đi ngang qua các hàng
rào chắn của cảnh sát, trong trường hợp tôi bị gặp khó khăn. Tất cả
những lời hứa hẹn vàvỗ về này của ông ta thật ra chỉ là ở đầu môi
chót lưỡi, và chính ngay lúc đó có lẻ ông ta đã quyết định bắt giam
tôi vào chiều hôm ấy. Điều này cũng không làm cho tôi sau này bực mình.
Vào cuối cuộc nói chuyện của
chúng tôi thì có các đồng nghiệp Đức xuất hiện, những người này đã
ở trong nhà vào buổi tối đặc biệt nói trên. Họ không muốn bàn thảo
gì cả và nói rằng những chuyện gì xãy ra tại đây không dính dấp gì
đến họ cả. Họ cũng không biết gì nhiều. Nhà cầm quyền ở đây nên
làm những gì cần thiết. Chỉ có bác sĩ nội thương người Thuỵ Sĩ bật
ra lời tiên đoán rằng người nào dùng bạo lực, sẽ chết dưới tay bạo
lực. Ông Khương tức thì trả lời một cách nhã nhặn rằng ông ta không
bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ dùng bạo lực. Ngược lại ông ta đã ra lệnh
tháo gỡ các hàng rào chắn ngăn cản các lối đi đến các chùa. Vấn đề
Phật giáo chỉ được giải quyết bằng thương lượng và lý trí; những
gì đắng cay chỉ làm cho sự việc trầm trọng thêm lên.
Rất tiếc là tôi đã tin vào
những lời hứa hẹn của ông Khương vào lúc đó. Những lời nói này làm
tôi chùn bước và cảm thấy bối rối. Trong lúc ông Khương đang còn nói
chuyện, những lời tụng kinh của các Phật tử lọt vào đến tận phòng
khách, xen lẫn với những lời hô hào càng lúc càng lớn. Các vị đồng
nghiệp có gia đình từ từ xin phép ra về trước; vì trong tình trạng hổn
loạn trên đường phố hiện nay, chúng tôi không thể để gia đình một
mình được, họ nói với ông Khương như thế. Sau rốt chỉ còn lại Hans
và tôi. Oạng Khương đưa chúng tôi ra cửa. Khoảng 150 đoàn viên gia đình
phật tử đang ngồi trước hàng rào kẽm ngai ngăn không cho lên phía chùa
Từ Đàm. Họ đang ngồi xếp bàn thế hoa sen và thầm niệm Phật. Xung
quanh họ gần hàng rào và vườn trồng hoa, có khoảng 500 học sinh và sinh
viên hô các khẩu hiệu lên án chế độ. Khi Hans và tôi xuất hiện thì đám
đông hò reo vang dậy. Những lời hô hào là do một trong những người sinh
viên y khoa của tôi tên là Phan ( 3 ) khởi xướng. Phía bên kia đường là
một đoàn lính trang bị bằng mặt nạ chống hơi ngạt và khiên chống bằng
sắt. Họ đã nhắt lưởi lê lên nòng súng và trông giống như những người
máy tự động trong các phim khoa học giả tưởng. "Trời ơi, các
ông phải kêu gọi các sinh viên này im đi chớ, có thể họ chỉ nghe lời
các ông mà thôi". Có lẻ sự lo sợ đã xâm chiếm tâm hồn ông ta,
vì giữa tòa nhà của ông ta và các người biểu tình không có một toán
lính hay hàng rào chắn nào cả. "Ông hãy bảo đoàn lính không được
đâm chém ai cả", Hans đề nghị như thế. Ông ta vội hứa liền.
Có thể lúc đó ông ta cũng sẽ hứa nhiều điều khác nữa. Ông ta vội chạy
lui vào trong tòa nhà và lẫn vào trong đám người cộng sư viên của ông
ta đang đứng tại phía sau.
Đoàn lính đã không đâm
chém ai cả, nhưng đã quăng nhiều bình lựu đạn màu nâu có chứa một chất
lỏng mau bốc khói vào phía các sinh viên. Những người nào đứng xa như
Hans và tôi, thì cảm thấy như là các chất cay mắt. Ông Khương và các cọng
sự viên của ông đứng phía trong cũng chảy nước mắt tràn xuống má. Họ
chạy đến chúng tôi hỏi phải làm gì để bớt cay. "Quí vị nên
đi rửa mắt ngay liền", tôi khuyên như thế. Nhưng đối với những
người khác thì đã quá trễ. Vì ngoài kia, trước tòa Đại biểu, trên những
con đường dẫn đến chùa Từ Đàm cũng đã xãy ra tình cảnh tương tự.
Các Phật tử, phần nhiều là giới trẻ đã biểu tình ngồi trước các
hàng rào chắn, chung quanh là đám quần chúng bất bình bắt đầu la ó và
do vậy lính đã quăng các bình khí cay kia về phía họ.
Đến tối hôm đó tôi mới
thấy đước hậu quả tai hại : độ chừng 70 Phật tử, phần lớn đang còn
trẻ, đã bị phỏng nặng vì chất khí lỏng màu nâu kia. Toàn thể thân họ
đã bắt đầu nổi lên những hạt bong với một vài vạc da như bị lột
tróc. Vài người trẻ đã bị mù mắt một thời gian ngắn, vài người khác
thì bị bất tỉnh, và chỉ hồi tỉnh lại sau khi được tiêm nước biển
hằng giờ. Nếu không có sự chăm sóc y tế tức thời, có lẻ đã có vài
người bị bỏ mạng. Đây là những thương tích và biến chứng lạ kỳ của
loại lựu đạn cay kia. Cho nên Hans vì có nhiều bệnh nhân như vậy nên đã
tìm cách liên lạc với ông Khương và viên đại tá Chỉ huy trưởng tên
là Đỗ cao Trí đề hỏi về thành phần hóa học của loại khí lỏng cay
kia, hầu tìm cách chửa trị thích ứng. Nhưng anh ta chỉ nhận được những
câu trả lời vu vơ : Vâng nhà chức trách sẽ tìm hiểu thêm, nhưng chắc
chắn đây chỉ là loại đạn cay "thông thường" mà thôi.
Một tháng rưỡi sau đó, tại
Tokyo, nơi bà Lily Abegg làm phóng viên cho tờ Frankfurter Allgemeine đã tìm ra
một phần nào lời giải đáp. Bà đã đọc trong một bài báo từ Đông
Âu cho biết rằng người Mỹ đang thí nghiệm một loại khí độc mới để
chống Việt cộng. Những vết thương và bệnh tình được tả giống y hệt
như những gì chúng tôi đã thấy ở Huế. Bà Abegg, vốn là người Thuỵ
Sĩ rất can đảm để bênh vực cho sự thật, trước đây đã có ý xem đó
là những tuyên truyền vu khống của phe Cộng sản. Nhưng sau khi nghe những
lời thuật của chúng tôi thì bà liền đổi ý. Mặc dầu vẫn còn lập trường
chống cộng kịch liệt, bà ta là người phóng viên Tây phương đầu tiên
đã đưa tin vào tháng 7 -1963 về sự sử dụng các chất độc hóa học của
chính quyền ông Diệm và các cố vấn người Mỹ và đã lên án nặng nề
việc này trong một bài bình luận.
Vài giờ sau khi tham dự buổi
tiếp tân của ông Khương, tôi ngồi trên một chiếc xe xích lô để đi đến
bệnh viện theo một con đường nhỏ. Các con đường lớn đều đã bị chận
cả rồi. Đột nhiên có tiếng rít của một chiếc xe cảnh sát chạy nhanh
đến chận đường trứơc chiếc xe chở tôi. Một người cảnh sát ốm o,
có màu da nâu đậm và mặc áo thường dân nhảy đến với khẩu súng lục
chỉ vào tôi và hét to rằng : "Nhân danh luật pháp tôi bắt ông".
Tôi bị lôi lên xe Jeep mất cả giày dép và chiếc xe lại vội phóng đi.
Tôi bắt đầu lo sợ thật sự
và tìm kiếm những khuôn mặt quen ở hai bên đường nhưng không thấy ai.
Dầu vậy thỉnh thoảng tôi vẫn giơ tay ra ngoài xe để vẫy một người
quen giả tưởng nào đó. Chiếc xe Jeep chạy nhanh qua cầu với còi hụ và
hình như hứơng về phía đường đi ra Quảng Trị. Có lẽ người ta muốn
dẫn tôi đến một chỗ vắng vẻ nào đó để bắn chết tôi và đổ vấy
cho Việt cộng chăng ? Tôi hỏi tên cảnh sát mật vụ kia về giấy phép bắt
giam tôi; một tên mật vụ chính hiệu với chiếc áo sơ mi đen, đeo kính
râm và tóc chải dầu láng cóng. Tên mật vụ trả lời, tôi bắt ông đâu
cần phải có giấy tờ gì. Tôi lấy lại bình tĩnh và từ tốn nói với
anh ta rằng, các bạn bè quen biết đã thấy tôi bị bắt khi nãy và đang
trên đường đi để đến báo động Tòa Lãnh sự Mỹ; cả thế giới sẽ
được thông báo tức khắc về việc tôi bị cảnh sát bắt cóc. Nếu sau
ba tiếng đồng hồ tôi không được thả về, các tờ báo lớn tại Âu
châu và Mỹ sẽ lên án việc bắt bớ bất hợp pháp này. Tôi hỏi anh ta
không lo sợ về các khó khăn ngoại giao quốc tế sẽ do vụ này gây ra hay
sao?. Có lẽ nổi lo lắng của tôi cũng hơi thái quá; cũng có thể các lời
nói của tôi đã làm anh ta suy nghĩ lại. Chiếc xe Jeep lại đổi hướng và
đi vào trong Thành Nội, nơi có Tổng Hành dinh của Sư đoàn I. Ở đó, tôi
bị đưa vào trong một căn phòng nhỏ.
Tôi ở đó một mình không
lâu. Khoảng nửa giờ sau một người trẻ tuổi mặt mày hơi bạc nhược
và có đeo kính bước vào. Những vết thâm quần đen quanh đôi mắt, các
ngón tay run rẩy, được che dấu một cách e thẹn dưới gầm bàn và nụ cười
ngượng ngạo đã tiết lộ sự thất bại của anh ta trong cố gắng giữ
gìn đạo đức và sạch sẽ mà tôn giáo của anh ta và bà Nhu đã biểu anh
ta phải tuân theo. Mặc dầu đeo một chiếc thánh giá nằm phía sau chiếc
áo, anh ta vẫn tự giới thiệu là một Phật tử và là một đồ đệ
trung thành của Thượng tọa Trí Quang. Anh ta chỉ muốn nghe tôi "giảng"
cho anh ta về các chuyện đã xảy ra sáng hôm nay; anh ta mong tôi nói ra tên
của các người sinh viên đã tổ chức cuộc biểu tình. Anh ta muốn tìm
cách cứu các người đó để không bị cảnh sát bắt và muốn làm việc
chung với họ. Anh ta cảm phục tôi đúng theo truyền thống Khổng giáo là
một vị Thầy đáng kính. Anh ta chắc chắn đã chờ đợi rằng tôi không
tin tưởng ở các lời nói của anh ta. Nhưng với những lời lẽ đón rào
và tâng bốc như thế, anh ta muốn tôi nói mà không bị mất mặt. Tôi chờ
đợi anh ta nói xong hết rồi tôi mới nói lời khuyên anh ta rằng hãy điện
thoại cho ông Đại biểu Khương để xin phép thả tôi ra, nếu không ngày
mai đài BBC và các đài quốc tế khác sẽ đưa tin về sự bắt bớ trái
phép người ngoại quốc ở tại Việt Nam. Điều này hẳn đã gây ấn tượng
mạnh lên anh ta. Anh ta đi ra ngoài và để cửa phòng mở. Sau một giờ điện
thoại huyên thuyên đi khắp nơi từ phòng bên cạnh, anh ta trở lại, nói lời
xin lỗi đã bắt "lầm" tôi và mời tôi lên một chiếc xe Jeep để
được đưa về nhà, nhưng lần này người hộ tống không có mang súng ống.
Tôi có gặp lại tên mật vụ này sau đó vào tháng 7-1964 tại phi trường
Sài Gòn, lúc tôi chuẩn bị lấy máy bay để đi Hồng Kông và Đài Bắc.
Như thế sau khi ông Diệm đổ, anh ta vẫn tiếp tục hành nghề như cũ. Anh
ta nóng lòng muốn biết tên những người mà tôi sẽ tìm gặp tại Hồng
Kông. Lần này anh ta tự giới thiệu làm nghề ký giả tự do. Vì vào thời
gian đó tôi có năm người bạn là thành viên của nội các chính phủ,
nên tôi đã dễ dàng cho anh ta ra rìa. Tôi hỏi tên anh ta là gì và nói rằng,
Thủ tướng Phan huy Quát và Bộ trưởng Bùi tường Huân sẽ để ý đến
tài năng đặc biệt của anh ta. Anh ta liền vội vàng từ giã tôi.
Sau khi được thả ra, tôi đi
đến bệnh viện, Hans chỉ cho tôi những người nạn nhân của chất lựu
đạn cay và sau đó tôi lên chùa Từ Đàm để thăm các bệnh nhân khác của
chúng tôi. Thượng tọa Trí Quang vừa cười vừa chào đón tôi. Chỉ nửa
giờ sau khi tôi bị bắt, Thượng toạ đã được thông báo và dự định
tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày mai. Và nay thì cuộc biểu tình đó
được bãi bỏ.
BS ERICH WULFF
(Minh Nguyện trích dịch, Tây Đức
tháng 8-2001)
Ghi chú của người dịch:
[1] Năm nguyện vọng đó là: 1. Yêu
cầu chính phủ Việt Nam Cọng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ
giáo kỳ Phật Giáo; 2. Đòi hỏi Phật giáo phải được hưởng một chế
độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi
trong đạo Dụ số 10; 3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ
và khủng bố tín đồ Phật Giáo; 4. Đòi hỏi cho Tăng Ni Phật Giáo được
tự do truyền đạo và hành đạo; 5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách
xứng đáng cho những nạn nhân vô tội chết oan, và kẻ chủ mưu giết hại
phải đền tội xứng đáng.
Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 mang chữ
ký của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt
Nam, Thượng tọa Thích Mật Nguyện, Đại diện Giáo hội Tăng già Trung phần,
Thượng tọa Thích Trí Quang, Đại diện Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung
phần, Thượng tọa Thích Mật Hiển, Đại diện Phật giáo Thừa Thiên và
Thượng toạ Thích Thiện Siêu, Đại diện Tỉnh hội Phật giáo Thừa
Thiên (Xem Việt Nam Phật giáo Sử luận quyển III, Nguyễn Lang, Nhà xuất
bản Lá Bối , San José, CA-USA, 1993, trang 346-347 và Lịch sử tranh đấu
Phật giáo Việt Nam tập I, Kiêm Đạt, Phật học viện quốc tế xuất
bản , Los Angeles, CA-USA,1981, trang 86 và128).
- [2] Trùng tên với vị tiền nhiệm là ông Hồ Đắc
Khương.
- [3] Hoàng Phủ Ngọc Phan, nay là một nhà thơ và
nhà báo tại Sàigòn.