29/06/2013 21:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 181654
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM
Mục lục

BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM
Lê Mạnh Thát Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. HCM 2005

HUẾ - NƠI MỞ ĐẦU PHONG TRÀO PHẬT GIÁO 
MIỀN NAM VIỆT NAM NĂM 1963

Lê  Cung *

Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 mở đầu ở Huế rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp các đô thị miền Nam. Nó đã góp phần tích cực vào sự cáo chung của chế độ độc tài, gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm (1-11-1963), tạo ra một bước ngoặt quan trọng đối với cục diện chính trường miền Nam có lợi cho phong trào cách mạng và được xem như là “sự mở đầu phong trào đô thị sau hơn 9 năm dưới chính quyền phát-xít Mỹ - Diệm ... được ghi nhận như một sự kiện lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất” [1] .
  
Các công trình nghiên cứu về phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 đều khẳng định Huế là nơi mở đầu phong trào. Song vấn đề đặt ra là tại sao Huế đóng trọn được vai trò này lại chưa được trả lời một cách cụ thể. Tham luận này góp phần lý giải vấn đề đã được đặt ra.
  
Trước hết, Huế là trung tâm chính trị - văn hóa thứ hai ở miền Nam sau Sài Gòn. Huế vốn là kinh đô cũ của nước Việt Nam, nơi tập trung nhiều nhà khoa bảng; Huế có Viện đại học mà đa số con em miền Trung về đây học tập; Huế là nơi mà đa số nhân dân là tín đồ Phật giáo, giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam, kể cả tăng già và cư sĩ đều đóng trụ sở tại Huế, nhưng dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu “Thiên chúa giáo hoá” miền Nam trở thành một trong những chính sách nổi bật; Huế lại ở vị trí tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Điều quan trọng nhất là Huế có cả một bề dày về truyền thống yêu nước, là nơi có phong trào cách mạng diễn ra rất sớm, hết sức sôi nổi và giành được những thắng lợi hết sức to lớn, ... Tất cả đã trở thành một lực cản hết sức to lớn đối với chính sách thống trị của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Huế. 
  
Do tính chất và đặc điểm Huế như vậy cho nên chính quyền Ngô Đình Diệm đã thiết lập ở Huế một bộ máy cai trị “cực mạnh” và cho thi hành một chính sách thống trị hết sức tàn bạo đối với những người kháng chiến và khủng bố một cách ác liệt đối với những người mà chúng cho là đối lập, với tham vọng bắt nhân dân Huế phải đi theo quỹ đạo của chúng, để đẩy lùi lực lượng cách mạng, cột chặt miền Nam nước ta trong sự phụ thuộc vào chủ nghĩa thực dân mới.
  
Bộ máy cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Huế được xem như là một “triều đình thứ hai” sau Sài Gòn, mà kẻ chỉ đạo tối cao là lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn (em ruột Diệm). Ngoài bộ máy chính quyền Thừa Thiên, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thiết lập ở đây một bộ máy cai trị cấp miền (gồm các tỉnh từ Quảng Trị vào Bình Thuận và Tây Nguyên), như: Toà đại biểu Chính phủ, Nha cảnh sát và công an Trung Việt, Toà tổng lãnh sự Mỹ, Đội công tác đặc biệt miền Trung, Đảng Cần lao Nhân vị, Phong trào cách mạng quốc gia của Ngô Đình Cẩn, ..... Cùng với bộ máy cai trị này còn có Ngô Đình Thục (anh ruột Diệm) làm Tổng giám mục địa phận Huế.
  
Dưới bàn tay bạo chúa của Ngô Đình Cẩn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã triển khai chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” hết sức ác liệt với mục đích tiêu diệt tận gốc mầm móng cách mạng trong nhân dân. Những cuộc lùng bắt và tra tấn dã man đối với những người bị chế độ xem là cộng sản và đối lập đã diễn ra trên một quy mô lớn và có tính thường xuyên. Theo Công văn số 164-VP/CT/1-M (16-8-1956) của Tỉnh trưởng Thừa Thiên gửi Đại biểu chính phủ tại Trung Việt thì trong vòng chưa đầy một tháng rưỡi (từ 29-6 đến 08-8-1956), theo lệnh của Ngô Đình Cẩn, nhân viên ban khai thác Nha cảnh sát và công an Trung Việt đã bắt tra tấn và giam cầm 25 người với tội gán cho là “hoạt động cộng sản”, trong đó có tới 22 người trú tại Huế. Về vụ này, chính tay chân chính quyền Ngô Đình Diệm tại Huế cũng phải thú nhận rằng đây là “việc bắt người sai nguyên tắc ...  là những việc đã xảy ra hiển nhiên trong một tỉnh” [2] .
  
Trong những cuộc “chỉnh huấn”, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức nham hiểm nhằm khủng bố những người kháng chiến, những người yêu nước. Có những người không chịu nổi sự truy bức của chúng trong các lớp “chỉnh huấn” đã thắt cổ tự tử, như trường hợp ông Phạm Lách (ở Diêm Tụ, Phú Vang), học viên lớp “chỉnh huấn” tại xã Nghi Giang (quận Vinh Lộc) đã thắt cổ tự tử đêm 16-5-1957 [3] ; ông Dương Cật cũng là học viên lớp nói trên đã tự sát ngày 20-5-1957  [4].
  
Những cuộc tra tấn của thủ hạ Ngô Đình Cẩn hết sức dữ dội. Có người bị bắt, ngay sau “cuộc sơ vấn” của địch đã tìm cách tự sát như ông Phan Châu (ở Phú Lộc) bị bắt lúc 22 giờ ngày 23-8-1956 thì đến 2giờ 20 sáng 24-8-1956 đã nhảy giếng tự tử [5] . Có những người phải tìm cách tự quyên sinh khi biết tin sắp bị bắt như trường hợp ông Nguyễn Đình Cát (ở Phú Lộc) đã uống thuốc độc tự tử ngày 22-02-1957 [6] .
  
Đến đầu những năm 1960, khi phong trào cách mạng miền Nam có những bước phát triển nhảy vọt từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công trực diện vào thành trì của “Việt Nam cộng hoà” thì chính thời kỳ này, chính quyền Ngô Đình Diệm càng ra sức bắt bớ, khủng bố giam cầm những người yêu nước và những người không cùng tín ngưỡng. Ban an ninh Thừa Thiên trong một phiên họp ngày 11-11-1960  đã xử an trí tại Trung tâm cải huấn Thừa Thiên 32 người từ 6 tháng đến 2 năm, trong đó có tới 31 người ở Huế và 1 người bị đưa ra truy tố trước toà án quân sự. Hoặc có trường hợp mãn hạn án 4 năm tù vẫn bị địch bắt quản thúc thêm 4 năm nữa, vì theo chúng “tuy đã mãn hạn án, nhưng thuộc thành phần nguy hiểm, hiện còn mang nặng tư tưởng cộng sản, tha ra không có lợi cho công cuộc an ninh, cần lưu giam để giáo hoá”, như trường hợp của ông Hoàng Giám và Lê Sỹ tức Thiệu đều quán thôn Hiền Sỹ, quận Phong Điền”  [7] .
  
Nhà giam của chính quyền Ngô Đình Diệm tại Huế chật ních tù chính trị. Theo công văn số 3630/TTNA-CT-BM (12-12-1961) của Tỉnh trưởng Thừa Thiên gửi tổng Quản đốc các Trung tâm cải huấn Sài Gòn thì: “Số phòng ốc hiện chứa của Trung tâm cải huấn Thừa Thiên chỉ vừa đủ 600 can nhân mà hiện nay đã giam đến 700 người nên không thể nhận thêm can nhân để hướng nghiệp”[8]  .
  
Đối với Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm xem như là ma quỷ. Cũng như với lực lượng cách mạng, Phật giáo cần phải bị triệt hạ. Do đó, đối với những người muốn “vào Đảng Cần lao là phải tuyên thệ: đem hết thể xác và linh hồn cho đến hơi thở cuối cùng để chống cộng sản vô thần, chống Phật giáo ma quỷ và chống các đảng phái quốc gia” [9] .
  
Huế là nơi mà Phật giáo chiếm đa số trong nhân dân, do đó tại đây, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành một chính sách kỳ thị nặng nề đối với Phật giáo ngay từ những ngày đầu, như  trường hợp một huynh trưởng Phật tử ở Khuôn hội Kim An, Kim Long (Huế) đã bị giết chết một cách thê thảm mà nguyên nhân chỉ vì”đã hoạt động tổ chức đoàn cung nghinh Xá lợi trong đại lễ Phật đản năm 1955” [10] .  Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm huỷ bỏ ngày Phật đản trong danh sách các ngày nghỉ lễ dành cho công chức và binh sĩ. Tiếp theo, những cán bộ và viên chức dù là tín đồ Phật giáo cũng bị chính quyền Ngô Đình Diệm ép buộc phải về Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long để học tập chủ thuyết Nhân vị. Khi về đây, họ chỉ nghe các linh mục giảng gần như hoàn toàn là giáo lý Thiên Chúa giáo, mua chuộc họ theo Thiên Chúa giáo; đồng thời chỉ trích giáo lý của Phật giáo.
  
Những tín đồ Phật giáo có thế lực kinh tế cũng là đối tượng “ưu tiên” bị chế độ đàn áp và khủng bố. Thật vậy, từ năm 1957, Ngô Đình Cẩn và tay chân đã tạo ra “Vụ án gián điệp miền Trung” giả tạo. Với vụ án này, hầu hết các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị vào Khánh Hoà, không có tỉnh nào không có người bị Ngô Đình Cẩn và tay chân ghép vào tội làm gián điệp cho Pháp, song tập trung nhất là tại Huế. Bằng những lời tố cáo của các nạn nhân, Nguyệt Đạm và Phong Thần, tác giả cuốn “Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm” đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh hết sức sinh động về tính chất dã man của những đòn tra tấn hiểm độc; về những thủ đoạn tống tiền; về cách thức phi tang những nạn nhân bị giết hại ... do Ngô Đình Cẩn và tay chân gây ra. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu:
  
Ông Nguyễn Văn Yến, chủ khách sạn Morin (Huế) đã không đồng ý cho Ngô Đình Cẩn mua lại khách sạn với giá rẻ mạt, liền bị gán tội làm gián điệp cho ngoại bang. “Ông Nguyễn Văn Yến đã bị bắt giam ở Chín Hầm và chịu tất cả cực hình: đổ nước, quay điện, cực hình assis debout nhìn bóng đèn 500 watt để da mặt phồng lên, ông này tiêu tan hết sự nghiệp, mẹ và vợ buồn rầu nên qua đời” [11] .
  
Ông Phan Văn Thí, chủ hiệu buôn Đức Sinh, số 77 Trần Hưng Đạo (Huế) bị gán tội làm gián điệp cho Pháp, đã bị bắt giam ngày 12-9-1957 và bị tra tấn hết sức dã man: “Ông Đức Sinh đã phải trả một giá quá đắt: Nộp cho tên trùm mật vụ Phan Quang Đông 1.500.000$00, phải làm văn tự bán cho Đông một cái nhà 2 triệu đồng mà thực ra ông Đức Sinh không lấy một đồng nào cả” [12] .
  
Ông Nguyễn Đắc Phương, thầu khoán ở Huế, bị vu cáo chứa chấp thuốc phiện, buôn lậu và làm gián điệp cho Pháp, bị Ngô Đình Cẩn ra lệnh bắt, tra tấn. Ông Phương bị chết ngày 16-5-1957 do Cẩn ra lệnh xô từ trên lầu xuống. Các điều tra sau đó cho biết ông Phương chết vì “đã được đấu thầu tu bổ điện Thái Hoà và những công tác, trong lúc đó bà Cả Lễ (chị ruột Ngô Đình Cẩn) không được đấu thầu”  [13] .
  
Ông Bửu Bang, chủ hiệu  Rồng Vàng, số 105 Trần Hưng Đạo (Huế) bị bắt cóc ngày 16-5-1960 và bị gán tội hoạt động chính trị, tống giam ở Chín Hầm. Ông Lê Văn Châu, chủ hiệu sách Nam Hưng, số 125 Trần Hưng Đạo (Huế) bị bắt ngày 18-11-1960 phải chịu tống tiền mới được tha.
  
Ông Trần Bá Nam, thầu khoán ở Huế, bị thuộc hạ Ngô Đình Cẩn chặn bắt trong khi đang cùng vợ con đi xe từ Savanakhet về Huế. Ông Nam bị gán tội làm gián điệp cho Pháp và bị tra tấn dã man. Tay chân Cẩn “ép buộc ông Nam nhận tội làm gián điệp để cưỡng đoạt tập chi phiếu ba triệu  đồng, do ngân khố Savanakhet cấp phát.
  Không nhận tội làm gián điệp, không chịu ký chi phiếu, nạn nhân bị đánh đập dần đến chết, thây bị liệng xuống giếng phía sau sở vôi Long Thọ” [14] .
  
Dưới bàn tay bạo chúa Ngô Đình Cẩn có biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng, tín đồ Phật giáo bị chém giết hoặc bị quăng vào nhà giam Chín Hầm. Ngay “bên cạnh chùa Từ Đàm, tháng 2-1962, một tăng sĩ trẻ tên Trần Kim Phú đã bị công an mật vụ chế độ trùm bao bố, bóp cổ bắt cóc đem giam trên Chín Hầm” [15] .
  
Trên lĩnh vực văn học, những tác phẩm nào nặng lời chỉ trích, bôi đen Phật giáo và đề cao Thiên Chúa giáo đều được chính quyền Ngô Đình Diệm đánh giá cao, như tác phẩm “Văn chương bình dân” của Thanh Lãng khi đề cập đến Phật giáo thì cho rằng:”Đối với Phật cũng như đối với hạng thầy tu, dân chúng đều bị coi khinh; theo họ Phật đi tu vì bất mãn tình duyên, nhà sư đi tu vì thích oản chuối ... Người Việt Nam có một quan niệm rất cao siêu về Trời mà họ coi như một Thiên Chúa toàn năng. Người dân quê, qua các tài liệu văn hoá, ta thấy luôn có tích cách chống đối Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo ... nhưng không bao giờ có ý tưởng chống Trời” [16] . 
  
Tác phẩm “Xây dựng trên Nhân vị” của Bùi Tuân viết: “Chân lý mặc khải của đạo công giáo cho ta biết Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài (chỉ có Thiên Chúa, thiên thần và Người là có vị. các loài khác đều vô vị Chú thích của Bùi Tuân).  
  
Triết lý Đông phương cũng như tôn giáo Tây phương thừa nhận rằng căn bản nhân vị là ở chỗ Trời tức là Thượng đế hay Thiên Chúa vậy.
  
Nói cách khác, người do từ Thượng đế mà đến. Ở đây chúng ta chủ trương nhân vị chủ nghĩa tức là mạnh dạn tỏ ra mình có một quan niệm về người và vũ trụ và quan niệm ấy thừa nhận có một đấng Thượng đế tạo dựng nên người là loài có nhân vị ’ [17] .
  
Cả hai tác phẩm trên đều đã được chính quyền Ngô Đình Diệm xếp giải nhất trong số 13 tác phẩm được giải văn chương toàn quốc năm 1957. 
  
Đã thế, từ ngày Ngô Đình Thục về làm Tổng giám mục địa phận Huế, áp lực của Cần lao Thiên Chúa giáo Ngô Đình Cẩn càng đè nặng lên đời sống tinh thần đối với nhân dân Huế nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng. Chính Đỗ Thọ, một tuỳ viên thân tín của Diệm cũng phải thừa nhận: “Tại Huế, hàng năm ngày lễ Giáng sinh được tổ chức rất tưng bừng. Cờ công giáo treo dọc đường ăn lan đến cầu Tràng Tiền. Cổng chào dựng lên khắp nơi, nhất là phía tả ngạn sông Hương. Điều này làm cho quần chúng Phật giáo bất bình. Vì từ xưa những cuộc lễ lớn về công giáo chỉ tổ chức quy mô bên địa phận Phú Cam mà thôi”  [18].
  
Rồi việc Ngô Đình Thục dựa vào thế lực người em làm tổng thống đã buộc thuộc hạ của gia đình họ Ngô chuyển giao viện Bài lao Huế cho toà Tổng giám mục để trọn quyền khai thác. Ngày 2-6-1961, Bộ trưởng Bộ Phủ Tổng thống gửi công văn cho Ngô Đình Thục cho biết: “Phủ Tổng thống chấp thuận việc giao cho Quý Toà (Toà Tổng giám mục địa phận Huế - TG chú thích) quyền khai thác Viện bài lao tại Huế với trọn quyền sở hữu các tài sản liên quan đến Viện này.
  Tôi đã chuyển đến Bộ Tài chánh hồ sơ về việc nói trên để hợp thức hoá vấn đề” [19] .
  
Điều tệ hại hơn nữa, Ngô Đình Thục còn tổ chức một lực lượng vũ trang riêng. Tờ Newsweek (New York) ngày 27-5-1963 cho biết: “Ở vùng biển phía Bắc quanh Huế có nhiều đơn vị nhỏ, trong những đoàn quân ấy được mệnh danh là “quân đội Tổng giám mục” chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng giám mục và có nhiệm vụ chủ yếu là để bảo vệ nhà thờ và linh mục. Các linh mục được trang bị bằng vũ khí Hoa Kỳ và phần nào được cố vấn Mỹ huấn luyện” [20]  .
  
Điều cần chú ý thêm rằng, chính quyền Ngô Đình Diệm còn ban hành nhiều nghị định bắt nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Huế nói riêng, nơi mà đa số là tín đồ Phật giáo phải hạn chế một số hoạt động kinh tế để thực hiện tín điều Thiên Chúa giáo. Chẳng hạn, ngày 06-8-1961, chính quyền Ngô Đình Diệm ra nghị định số 1182-BKT/NTT/NĐ quy định: “Cấm hạ và bán thịt heo trên toàn lãnh thổ Việt Nam cộng hoà 3 ngày trong tuần lễ: thứ Ba, thứ Sáu và Chủ nhật cho đến khi có lệnh mới ... Trong ba ngày cấm trên đây, thịt heo quay, thịt heo ướp lạnh của những ngày trước còn lại cũng không được phép bán cho các tiệm, các chợ mặc dầu dưới hình thức nào” [21] .
  
Chính sách cai tri bạo tàn của chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị chính những nạn nhân vạch trần. Đơn tố cáo ngày 16-11-1963 của ông Đức Sinh Phan Văn Thí viết: “Tại miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Nhu lợi dụng chức vụ cố vấn chính trị cùng vợ y là Trần Lệ Xuân, dùng nhiều biện pháp con buôn chính trị, bóc lột đồng bào, đục khoét ngân khố quốc gia, gây lũng đoạn kinh tế, sát hại nhân tài, tiêu diệt khủng khiếp những phe đối lập và tàn sát Phật giáo đồ. Trong lúc đó, tại Trung phần, Ngô Đình Cẩn với bầy tôi gồm một số sĩ quan và cận vệ khát máu đã nhiễu hại đồng bào, bắt giam trái phép và tra tấn dã man đa số thương gia và kỹ nghệ gia, để cưỡng đoạt tài sản của họ, Ngô Đình Cẩn không biết hỗ mặt là một lãnh chúa miền Trung” [22] .
  
Do chính sách tàn bạo của chế độ, nên “dưới  mắt của trí thức và hoàng tộc Huế, Cẩn chỉ là một con người” nông dân”, một con người” lỗ mãng”, “thất học” và “quá khích”, leo lên ngôi vị sang cả nhờ thời thế đẩy đưa mà thôi. Giới trí thức thượng lưu ở Huế sợ Cẩn, ngán Cẩn nhưng họ rất khinh rẻ Cẩn” . Và người dân Huế “nhìn vào Cẩn, xa hơn nữa họ nhìn vào Nhu và Diệm ở Trung ương, họ chỉ thấy một cái gì khác lạ với con người, một cái mang từ ngoài vào, và không một chút nào dân tộc. Chính quyền Diệm, trong đầu óc người dân Việt Nam, cũng chỉ là một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn đen tối, nội chiến thê thảm và nhất thời” [23] .  
  
Chính sách thống trị của chế độ Ngô Đình Diệm suốt chín năm ở Huế như đã trình bày ở trên là hết sức tàn bạo và rất điển hình, đã động chạm đến hầu hết mọi tầng lớp nhân dân, gây ra trong nhân dân một sự công phẫn cao độ, làm hình thành nên một mặt trận thống nhất chống Mỹ - Diệm hết sức rộng rãi. Trong tinh thần và ý chí của người dân Huế, vấn đề vùng lên đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ còn là cơ hội. Cơ hội đó thực sự đã đến khi chính quyền Ngô Đình Diệm cho đánh đi Công điện số 9195 (6-5-1963) có nội dung cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong dịp Lễ Phật đản năm 1963. Công điện này như “một giọt nước làm tràn ly”, lập tức phong trào Phật giáo ở Huế chính thức bùng nổ vào ngày 7-5-1963. đó là một điều hợp quy luật, bởi lẽ ”áp lực cao thì phản lực cường”.đã thu hút hầu hết các tầng lớp nhân dân tham gia, gồm trí thức, sinh viên học sinh, tiểu thương, tiểu chủ, kể cả những viên chức của chính quyền Ngô Đình Diệm và những tín đồ Thiên chúa giáo; không chỉ nhân dân nội thành mà phong trào nhân dân các huyện nhập thị tham gia đấu tranh hết sức đông đảo. Bài viết này góp thêm một số tư liệu giúp hiểu rõ tại sao Huế đã hình thành một mặt trận thống nhất chống Mỹ-Diệm hết sức sâu rộng và quyết liệt. Nói cách khác là để hiểu rõ hơn về nguyên nhân của phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm trong năm 1963 ở Thừa Thiên Huế.
 
 

* PGS. TS. Khoa Lịch sử ĐHSP, ĐH Huế.
01 Thành uỷ Huế, Sơ thảo lịch sử Đảng bộ thành phố Huế, T.2, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 1995, tr.96
02 Công văn số 164-VP/CT/1-M ngày 16-8-1956 của Tỉnh trưởng Thừa Thiên gửi Đại biều Chính phủ tại Trung Việt. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TNTP-HS.415
03 Công văn mật số 5140/CSCA/TB1.M2 ngày 29-5-1957 của Giám đốc Nha cảnh sát và Công an tại Trung Việt gửi Tổng giám đốc Cảnh sát và Công an Việt Nam cộng hoà. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II . Ký hiệu tài liệu TNTP-HS.315 (2) 
04 Công văn mật số 5398/CSCA/TB1.M2 ngày 4-6-1957 của Giám đốc Nha cảnh sát và Công an tại Trung Việt gửi Tổng giám đốc Cảnh sát và Công an Việt Nam cộng hoà. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TNTP-HS.315 (2)
05 Công văn mật số 1026/CSCA/TB1.M2 ngày 16-8-1957 của Giám đốc Nha cảnh sát  và Công an tại Trung Việt gửi Tổng giám đốc Cảnh sát và Công an Việt Nam cộng hoà. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TNTP-HS.353 (7).
06 Công văn mật số 1937/CSCA/TB1.M2 ngày 4-3-1957 của Giám đốc Nha cảnh sát và Công an tại Trung Việt gửi Tổng giám đốc Cảnh sát và Công an Việt Nam cộng hoà. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TNTP-HS.315 (2).
07 Công văn số 3630/TTNA/CT-BM ngày 12-12-1961 của Tỉnh trưởng Thừa Thiên gửi Tổng quản đốc các trung tâm cải huấn Sài Gòn. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TNTP-HS.120 (1).
08 Công văn số 3630/TTNA/CT-BM ngày 12-12-1961 của Tỉnh trưởng Thừa Thiên gửi Tổng quản đốc các trung tâm cải huấn Sài Gòn. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TNTP-HS.120 (1).
09 Chu Bằng Lĩnh, Đảng Cần Lao, Nxb Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1993, tr.165.
10  Thích Trí Quang, Cuộc vận động Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều âm, số 9, ngày 18-6-1964, tr.2.
11 Nguyệt Đạm & Thần Phong. Chín năm máu lửa dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 227.
12Nguyệt Đạm & Thần Phong, Sđd., tr.289.
13Nguyệt Đạm & Thần Phong, Sđd., tr.300.
14 Nguyệt Đạm & Thần Phong, Sđd., tr.303
15Hồ sơ gửi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần ngày 20-2-1962 (bản đánh máy). Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968, tr. dẫn nhập.
16 Thanh Lãng, Văn chương bình dân. Nxb. Phong trào văn hoá, Hà Nội, 1954, tr. 225-226.
17 Bùi Tuân, Xây dựng trên nhân vị, Nxb Nhận thức, Huế, 1956, tr.23.
18 Đỗ Thọ, Nhật ký Đỗ Thọ, Nxb. Đồng Nai, Sài Gòn, 1970, tr. 59.
19 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.7808.
20 South Vietnam, The Mandarins of Hue, copy from Newsweek, May 27, 1963, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ky hiệu tài liệu: TM-HS, 209, tr.1-3
21 Công báo Việt Nam cộng hoà, ngày 6-11-1961. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu J.412
22 Nguyệt Đạm &Thần Phong, Sđd., tr. 258.
23 Chu Bằng Lĩnh, sđd, tr.135
24 Chu Bằng Lĩnh, sđd, tr. 202


Âm lịch

Ảnh đẹp