BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM
Lê Mạnh Thát Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. HCM 2005
PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM ĐẤU TRANH
CHỐNG CHÍNH
QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM TRƯỚC NĂM 1963
Lê
Cung* – Phan Văn Hoàng **
Theo
dõi quá trình vận động chính trị của Ngô Đình Diệm và
chủ thuyết “nhân vị” do Ngô Đình Nhu chủ xướng, ngay
từ tháng 6-1954, khi Ngô Đình Diệm vừa mới được Nhà Trắng
đưa về làm thủ tướng bù nhìn “Quốc gia Việt Nam”, giới
lãnh đạo Phật giáo miền Nam đã khẳng định rằng: “Dưới
chế độ Diệm cuộc sống sẽ trở nên hiểm nghèo hơn so
với bất cứ thời gian nào dưới thời Pháp thuộc. Chúng
ta chắc chắn phải trải qua những ngày tháng khó khăn hơn”
.[1]
Đúng
như giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam đã nhận định, sau
khi nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm với sự hỗ trợ của
Mỹ đã ra sức phá hoại hiệp định Genève, ngăn chặn hiệp
thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đi liền
với chính sách đó, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành
chính sách đàn áp, khủng bố hết thảy mọi tầng lớp nhân
dân miền Nam, ác liệt nhất là chính sách “tố Cộng, diệt
Cộng”, rồi Luật 10/59, ... Đối với Phật giáo, cũng từ
khi mới lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm và tay chân đã đẩy
mạnh chính sách kỳ thị trên tất cả các lãnh vực từ tư
tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội đến văn hoá - giáo
dục. Chính sách này ngày càng được tăng cường nhằm thực
hiện âm mưu loại Phật giáo ra khỏi đời sống tín ngưỡng,
tôn giáo của nhân dân miền Nam. Dưới chế độ Diệm mâu
thuẫn xã hội biểu hiện qua “lăng kính tôn giáo” rất
đậm nét. Điều này giải thích tại sao, Tăng Ni, Phật tử
đã cùng với toàn thể nhân dân miền Nam liên tục tiến hành
đấu tranh chống chế độ độc tài, gia đình trị, giáo trị
Ngô Đình Diệm, mà đỉnh cao là phong trào Phật giáo miền
Nam Việt Nam năm 1963. Bài viết này góp phần tìm hiểu: “Phong
trào Phật giáo miền Nam đấu tranh chống chính quyền Ngô
Đình Diệm trước năm 1963”, để từ đó giúp chúng ta hiểu
về một trong những tiền đề quan trọng dẫn đến phong trào
Phật giáo miền Nam với qui mô hết sức rộng lớn trong năm
1963.
1.
Những cuộc đấu tranh của tín đồ Phật giáo địa phương.
-
Trong âm mưu đẩy lùi những hoạt động kinh tế của tín
đồ Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tìm cách vu
khống họ là hoạt động chính trị. Nạn nhân bị bắt, bị
tra tấn, có người bị tịch thu gia sản, kết án khổ sai,
có người bị giết. Ông Vĩnh Cơ, Hội trưởng Hội Phật
giáo nguyên thuỷ Việt Nam tại Đà Nẵng, một thương gia buôn
bán gạo ở Đà Nẵng đã bị Toà đại hình sơ thẩm ngày
28-8-1956 của chính quyền Ngô Đình Diệm kết án 10 năm khổ
sai và tịch thu gia sản. Phản ứng lại bản án nguỵ tạo
của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 15-10-1956, trong đơn
gởi Ngô Đình Diệm, Ban Quản trị Tổng hội Phật giáo nguyên
thuỷ Việt Nam tại Đà Nẵng đã đưa ra nhiều chi tiết chứng
minh cho sự vô tội của ông Vĩnh Cơ, rằng: “Ông Vĩnh Cơ
là người hiền lành luôn luôn có nhiệt tâm với những công
cuộc từ thiện, đã có công sáng lập ra hội Phật giáo nguyên
thuỷ Việt Nam được toàn thể đạo hữu tín nhiệm và mến
ái.
“Đứng về phương diện tôn giáo, ông Vĩnh Cơ cũng là một
tín đồ Phật giáo rất chân thật, luôn luôn tôn trọng ngũ
giới và giáo lý của đức Phật đã được chư tăng thừa
nhận. Gia tài hiện hữu của ông Vĩnh Cơ cũng do sự làm ăn
buôn bán cần cù lâu năm mà đã có từ trước” [2] .
-
Để chống lại việc chính quyền Ngô Đình Diệm cưỡng bức
về Vĩnh Long “thụ huấn nhân vị”, nhiều cán bộ viên
chức đã phản ứng bằng cách này hoặc cách khác để lẫn
tránh. Chính Công văn số 17096/YT/VP ngày 22-8-1958 của Bộ Y
tế gởi các bộ, đã tiết lộ: “Bộ tôi nhận thấy trong
mỗi khoá, khi danh sách khoá sinh đã lập xong và với sự thoả
thuận của các bộ, vẫn có những can thiệp vào giờ phút
cuối cùng để giữ nhân viên lại, làm xáo trộn danh sách
và nhiều khi, không đủ số khoá sinh đã định.
“Vì vậy, Bộ tôi quyết định, kể từ nay không chấp nhận
sự can thiệp tương tự và đối với những trường hợp
chạy chữa riêng để khỏi đi dự huấn luyện, Bộ tôi sẽ
trình lên Tổng thống định đoạt” [3] .
-
Tại các “khu dinh điền” ở Tây Nguyên, có tín đồ Phật
giáo tuy đã bị buộc cải đạo qua Thiên Chúa giáo để tránh
được những khó khăn do chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra
trong cuộc sống, thế nhưng sự đề kháng cá nhân của họ
trước chính sách kỳ thị của chính quyền Ngô Đình Diệm
được biểu hiện qua việc họ vẫn giữ vững niềm tin đối
với tôn giáo của mình. Một nhân chứng cho biết: “Có một
lần phái đoàn Phật giáo chúng tôi lên thăm tín đồ ở các
“khu dinh điền” Tây Nguyên, xe chúng tôi cần nước để
làm nguội động cơ, nhưng đi mãi chỉ thấy toàn là nhà của
đồng bào Thiên Chúa, vì nhà nào cũng có thánh giá ở phía
trước. Chúng tôi cho xe dừng lại, vào một ngôi nhà cạnh
đường để xin nước. Khi chúng tôi bước vào nhà, thấy
ở căn nhà có thờ tượng Đức Mẹ. Người chủ nhà với
tâm trạng đầy bức xúc nói với chúng tôi: “Chúng con quá
khổ thầy ơi! Khi thầy lên đây bị người ta bắt ép đủ
điều. Chúng con buộc phải theo Thiên Chúa giáo mới nhận
được “bông gạo” hàng tháng, còn không thì mọi khó khăn
tai ương sẽ ập tới. Rồi người chủ nhà kéo chúng tôi
lui phía sau, chỉ cho chúng tôi thấy một bàn Phật, thờ ở
bên trong một vựa đựng lúa *” [4] .
-
Tại Quảng Ngãi, trên núi Thiên Bút vốn có nền chùa cũ của
Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách cưỡng chiếm
để cho Thiên Chúa giáo xây cất nhà thờ. Vụ này đã vấp
phải sự phản kháng mạnh mẽ của tín đồ Phật giáo địa
phương. Chính kết quả điều tra của chính quyền Ngô Đình
Diệm cũng buộc phải thừa nhận: “Tỉnh cho công giáo được
phép xây dựng nhà thờ trên núi Thiên Bút (chưa xây), Phật
giáo khiểu nại còn nền chùa cũ. Đêm 25-3-1961, một số Phật
tử đưa tượng Phật lên núi và phao đồn có Phật lồi,
tạo cản trở an ninh ngày bầu cử tổng thống” [5] . Cuộc
đấu tranh giành lại chùa ở núi Thiên Bút kéo dài cho đến
đầu năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải hoãn
việc xây dựng nhà thờ: “Ngày 7-2-1963, Bộ Nội vụ hoãn
việc xử dụng núi Thiên Bút để xây cất cơ sở phụng tự,
vì lý do an ninh - Phật giáo và công giáo đều được thông
báo” [6] .
-
Tại Cà Mâu, ngày 27-7-1961, trong lúc 200 đồng bào và sư sãi
Khmer họp tại chùa Cao Dân, xã Tân Lộc để làm lễ nhập
hạ, binh lính Diệm đã bắn hàng loạt súng cối vào chùa
làm hơn 20 đồng bào và sư sãi chết và bị thương, chùa
bị thiệt hại nặng. Lập tức, hằng trăm sư sãi đồng bào
Khơme đã kéo vào thị xã Cà Mâu đòi nguỵ quyền bồi thường
sinh mạng và tài sản, đòi trừng trị bọn tội phạm. Vị
sư trú trì chùa đã mang hai đầu đạn súng cối đến
tỉnh lỵ, cực lực phản đối tên thiếu tá tỉnh trưởng,
rồi đi Cần Thơ tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm đối với
các chùa, thánh thất của các tôn giáo khác. Được sự đồng
tình cảu các tôn giáo khác, vị sư trú trì lại đi Sài Gòn,
vẫn mang theo hai đầu đạn đến Bộ Quốc phòng Diệm đấu
tranh và yêu cầu đại sứ Campuchia can thiệp...
-
Sự phản kháng của tín đồ Phật giáo đối với chính sách
áp bức của chính quyền Ngô Đình Diệm có lúc được thể
hiện ngấm ngầm, nhưng không kém phần quyết liệt để bảo
vệ tôn giáo truyền thống của họ. Điều này được thể
hiện trong việc phát triển hệ thống chùa làng. Có thể nói
rằng dưới chế độ Ngô Đình Diệm chùa chiền được xây
dựng nhiều nhất. Số tín đồ Phật giáo cũng gia tăng với
tốc độ cao. Chính Ngô Đình Diệm cũng thừa nhận có tới
80% dân số miền Nam là Phật giáo.
Giải
thích như thế nào về hiện tượng trên đây khi mà chúng
ta biết rằng chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành một
chính sách kỳ thị Phật giáo hết sức khắc nghiệt. Một
nhà sư trong giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam lúc đó cho
chúng ta một sự giải đáp hết sức thú vị: “Những năm
ông (Ngô Đình Diệm) trị vì, chùa được làm nhiều nhất...
Nhưng sự làm nhiều chùa dưới chế độ ông Diệm thì qủa
thực là hiện tượng “áp lực cao thì phản lực cường”
[7] . Mặt khác, dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, những ai
không theo một tôn giáo là vô thần. Mà vô thần dưới chế
độ Ngô Đình Diệm bị xem là cộng sản, bị đặt ngoài
vòng pháp luật, tức là sẽ bị khủng bố, tù đày, bắn
giết. Do đó, để phản đối việc Diệm bắt ép vào Thiên
Chúa giáo, nhất là phản đối việc vu cáo là cộng sản,
người dân miền Nam đa số tìm đến với Phật giáo “với
ý thức tỏ lòng yêu nước, mến mộ một thứ đạo đã ăn
sâu vào tâm linh dân chúng từ bao đời nhờ phẩm chất cao
quý đó, thứ phẩm chất kết hợp được Đạo pháp và Dân
tộc, kết hợp được cả tình yêu Tổ quốc và lòng thiết
tha thương quý đồng bào, đồng loại của mình” [8] .
2.
Những cuộc đấu tranh được sự lãnh đạo của Tổng hội
Phật giáo Việt Nam.
-
Cuộc đấu tranh “đòi ngày Phật đản”. Dưới thời Pháp
thuộc, số ngày nghĩ lễ của Phật giáo hằng năm bằng một
nửa so với Thiên Chúa giáo. Năm 1955, Tổng hội Phật giáo
Trung Phần đã gởi văn bản “thỉnh cầu” chính quyền Ngô
Đình Diệm huỷ bỏ quy định bất công về số lễ và ngày
nghĩ lễ tôn giáo. Sự “thỉnh cầu” không được đáp ứng,
mà còn dẫn đến hậu quả ngược lại. Ngày 9-1-1956, Ngô
Đình Diệm ra Dụ số 4 huỷ bỏ ngày lễ Phật đản trong
danh sách những ngày nghỉ lễ tôn giáo dành cho công chức
và binh sĩ.
Hành
động trên đây chứng tỏ chính quyền Ngô Đình Diệm đã
vượt xa hơn cả thực dân Pháp trong chính sách kỳ thị Phật
giáo và lập tức gây nên sự công phẫn trong dư luận xã
hội nói chung và Tăng Ni, Phật tử miền Nam nói riêng. Ngày
13-1-1956, Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội
Phật giáo Việt Nam gởi kháng thư đến Ngô Đình Diệm: “Chúng
tôi rất xúc động thấy báo Tin Điển số 380 ra ngày 12-1-1956,
nơi trang nhất, dưới đầu đề “Những ngày lễ được
nghỉ và lảnh lương” có đăng Dụ số 4 ngày 9-1-1956 ấn
định ngày khánh tiết hàng năm, nội dung có 13 ngày nghỉ
mà Phật giáo chỉ có 01 ngày, ... Sự công bằng đúng bản
tâm và chính sách Ngài Tổng thống chúng tôi không được
thấy mà các ngày nghỉ đã có lại bị giảm đi, nhất là
giảm ngày lễ Đản sanh của Đức giáo chủ tôn giáo chúng
tôi, một ngày lễ quốc tế. Điều đó gây cho chúng tôi một
sự xúc động và kinh ngạc cực độ. Chúng tôi nghĩ báo Tin
Điển đã lầm, chúng tôi không thể tin sự thật có như thế”
[9] .
Sau
kháng thư của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng
hội Phật giáo Việt Nam, nhiều đại hội Phật giáo các cấp
được tổ chức và đã gởi kháng thư đến Ngô Đình Diệm
đòi công nhận ngày Phật đản là ngày lễ quốc gia. Đại
hội Hội Phật học Nam Việt họp tại chùa Phước Hoà (Sài
Gòn) từ 15 đến 17-1-1956 gởi thỉnh nguyện thư yêu cầu chính
quyền Ngô Đình Diệm:
“1.
Tái lập ngày lễ Khánh đản (Phật giáng sinh) ngày 8-4 âm
lịch, được nghỉ trọn ngày).
2.
Cho phép nghỉ sớm mai ngày Trung nguyên (rằng tháng 7 âm lịch)
thay cho buổi chiều” [10] .
Ngày
20-1-1956, Chủ tịch Hội Tăng già miền Bắc tại miền Nam
gởi Ngô Đình Diệm kháng thư yêu cầu “xét lại vấn đề
này một cách công bình, hầu đem lại sự vui mừng cho 90%
dân số Việt Nam tin Phật đang mong muốn” [11] .
Ngày
21-4-1956, Đại hội lần thứ nhất của Tổng hội Phật giáo
Việt Nam tổ chức tại chùa Ấn Quang (Sài Gòn). Đại hội
đã gởi văn bản yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm công
nhận ngày lễ Phật đản nằm trong danh sách các ngày nghỉ
lễ tôn giáo hằng năm dành cho công chức và binh sĩ.
Trước
sự phản kháng mạnh mẽ của các tổ chức Phật giáo, chính
quyền Ngô Đình Diệm các cấp cho đây là một mối nguy hại
đe doạ đến sự sống còn của chế độ nên đã có những
kiến nghị gởi Ngô Đình Diệm yêu cầu thoả mãn những đòi
hỏi của Phật giáo, như ngày 3-2-1956, Toà Đại biểu Chính
phủ tại Trung Việt gởi cho Ngô Đình Diệm công điện đề
nghị: “Trước ngày bầu cử Quốc hội, chúng tôi kính xin
Tổng thống cho sửa sắc lệnh gấp để gây ảnh hưởng tốt
trong giới Phật giáo” [12] , hoặc Công văn ngày 13-4-1956 của
Toà đại biểu Chính phủ tại Nam Việt gởi cho Ngô Đình
Diệm viết: “Nhận thấy vấn đề này liên quan đến mối
tín ngưỡng của đa số đồng bào, chúng tôi kính xin Tổng
thống chấp nhận điều thỉnh cầu của Hội Phật giáo Việt
Nam”. Vấp phải sự chống đối cả từ nhiều phía, kể
cả một bộ phận chính quyền Sài Gòn, Ngô Đình Diệm trong
cái thế “chẳng đặng đừng” phải chấp nhận những đòi
hỏi của Phật giáo. Song Ngô Đình Diệm không ban hành dụ
mới thay cho Dụ số 4 mà chỉ thị cho Đổng lý Văn phòng
Phủ Tổng thống ra Thông báo số 5-TTP/TTK “quyết định cho
các công sở nghỉ việc trọn ngày Phật đản”.[13]
Tuy
vậy, năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn loại bỏ ngày
Phật đản ra khỏi ngày nghỉ chính thức trong năm. Trong bản
kê những ngày lễ chính thức của năm 1957 do chính quyền
Sài Gòn công bố ngày 14-12-1956 vẫn không có ngày nghỉ của
lễ Phật đản. Điều này khiến dư luận xã hội và phía
Phật giáo tiếp tục phản đối. Nổi bật nhất là Đại
hội đồng Hội Việt Nam Phật học (Trung Phần) họp vào tháng
3 năm 1957 tại chùa Từ Đàm (Huế) đã sôi nổi thảo luận
về vụ này và đã gởi bức điện sau đây đến Tổng hội
Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn: “Tổng hội đồng lần
thứ 25 toàn hội Việt Nam Phật học gồm có liệt vị chứng
minh đại đạo sư trong Giáo hội tăng già và đại biểu 14
tỉnh hội đại diện cho 565 đơn vị họp tại chùa Từ Đàm
Huế trong các ngày 8-9-10 và 11 tháng 3 năm 1957 kính đặt niềm
tin tưởng vào Tổng hội. Yêu cầu liên tục tích cực can
thiệp lên Chính phủ và Quốc hội công nhận ngày Phật đản
mồng Tám tháng Tư âm lịch là ngày lễ hợp pháp của quốc
gia. Chủ tịch đại hội đồng: Thích Thiện Minh”[14]
.
Trước
áp lực ngày càng gia tăng, ngày 19-3-1957, Chủ tịch Quốc hội
Sài Gòn đã có Công văn số 959/VPCP gởi Ngô Đình Diệm, nêu
rõ: “Vì lý do chánh trị có ảnh hưởng sâu xa đến tín
ngưỡng của một số đồng bào, tôi hân hạnh kính xin Tổng
thống chấp nhận điều thỉnh cầu của Hội Phật giáo Việt
Nam và ra một thông cáo cho phép các công sở và trường học
nghỉ vào dịp lễ ấy như mọi năm” [15] . Và khi thấy tình
hình không thể không ghi ngày Phật đản vào danh sách ngày
nghĩ lễ, Ngô Đình Diệm đành buộc chấp nhận, ngày 5-4-1957,
Văn phòng Phủ Tổng thống ra Thông cáo 9-TTP/TTK với nội dung:
“Thể theo lời thỉnh cầu của các cơ quan Phật giáo,
Tổng thống cho các công sở nghỉ việc trọn ngày lễ Phật
đản năm nay, nhằm ngày thứ 3 mùng 7 tháng 5 năm 1957” [16]
.
Phong
trào đấu tranh “đòi ngày Phật đản” của Tăng Ni, Phật
tử miền Nam bước đầu giành được thắng lợi. Điều các
nhà nghiên cứu cần chú ý là dù cho ngày Phật đản được
công nhận trở lại, dưới chế độ Ngô Đình Diệm số lễ
và ngày nghĩ lễ của Phật giáo luôn luôn ít hơn số lễ
và ngày nghĩ lễ của Thiên Chúa giáo. Theo bản kê các ngày
nghỉ (Bản tin số 4287 ngày 1-12-1962) cho năm 1963 “Thiên Chúa
giáo có 4 ngày lễ, ngày nghĩ: 2 ngày rưỡi; Phật giáo có
2 lễ, ngày nghỉ: 1 ngày rưỡi”[17] .
-
Cuộc đấu tranh chống chính sách khủng bố của quyền Ngô
Đình Diệm. Do chính sách khủng bố của chính quyền Ngô Đình
Diệm, mà nổi bật nhất là việc bắt ép tín đồ Phật giáo
cải đạo qua Thiên Chúa giáo với nhiều biện pháp tàn nhẫn,
cuộc đấu tranh chống chính sách kỳ thị Phật giáo của
chính quyền Ngô Đình DiệmTrước lúc phong trào Phật giáo
năm 1963 bùng nổ là vào cuối năm 1961, đầu năm 1962, hàng
loạt đơn khiếu nạn của tín đồ Phật giáo cũng như các
cấp Phật giáo từ khuôn hội, quận hội, tỉnh hội, tổng
hội gởi các cấp của chính quyền Ngô Đình Diệm từ địa
phương đến trung ương. Nội dung các đơn khiếu nại vạch
rõ nỗi thống khổ của tín đồ Phật giáo trước sự khủng
bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở các địa phương,
đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách bình đẳng
tôn giáo, tập trung nhất là ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định,
Quảng Ngãi.
Đơn
khiếu nại đề ngày 18-7-1961 của Chi hội trưởng Chi hội
Phật giáo Tuy Hoà gởi Quận trưởng quận Tuy Hoà cho biết
trong cuộc hội nghị do Khuôn hội Phật giáo xã Hoà Quang tổ
chức có tới 400 hội viên có cả đại diện của chính quyền
xã ấy tham dự, những tín đồ Phật giáo bị áp bức, khủng
bố đã can đảm “đứng lên trần tố một cách đau đớn
là họ bị ban truyền giáo của hội công giáo... khủng bố
bắt ép phải bỏ Phật giáo mà vào công giáo, nếu không nghe
theo thì gán cho tội này tội nọ... nhất là bị oan thân và
theo cộng sản v.v...” [18] . Đoạn kết thúc, đơn viết: “Chúng
tôi xin yêu cầu quý quận trượng khẩn xét tình hình hiện
tại để cứu vãn được an ninh để cho toàn thể nhân dân
được tự do tín ngưỡng khỏi bị hăm doạ bắt buộc, vu
oan một cách tàn nhẫn” [19] .
Giấy
báo cáo đề ngày 15-12-1961 của Khuôn trưởng Khuôn hội Phước
Thắng gởi Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Định viết:
“Chúng tôi được báo cáo của các Vức hội toàn khuôn thì
hiện nay chính quyền địa phương (cán bộ hành chánh xã thôn)
lấy thế lực để uy hiếp tinh thần đạo hữu không cho đến
chùa tịnh độ hằng đêm, cùng trong những buổi lễ sám hối
bằng cách: Nếu đạo hữu nào đến chùa thì họ sẽ để
ý ghi tên sau ghép vào tội tình nghi đưa di dân hoặc không
đi di dân thì dùng mánh khoé bắt nạt, dụ dỗ bảo đạo
hữu bỏ đạo để qua Thiên Chúa giáo”. Kết thúc báo cáo
là sự kêu cứu khẩn thiết: “Để tránh tình trạng bi đát
đau khổ kể trên, để công tác Phật sự chạy đều và để
un đúc tinh thần đạo hữu hồi tâm vững mạnh tránh sự
hoang mang dao động quay cờ thôi chuyển, chúng tôi thiết tha
kính trình tỉnh hội thẩm trường, và kính thỉnh cầu tỉnh
hội có phương thức nào cứu giúp kịp thời để hầu tránh
sự tan rã của các chùa vức hội sau này”[20] .
Đơn
khiếu nại của Tuần chúng Giáo hội Tăng già Bình Định
tại quận Tuy Phước gởi Quận trưởng quận Tuy Phước đã
tố cáo tính chất bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm
trong chính sách di dân: “Nếu phải đi di dân theo tiêu chuẩn
thì dù ở Phật giáo hay công giáo cũng thế mới công bằng
và hợp lý, chứ tại sao khi ở Phật giáo thì có tiêu chuẩn
đi di dân mà cũng con người ấy khi vào công giáo thì mất
tiêu chuẩn” [21] .
Đặc
biệt, ngày 20-2-1962, hội Phật giáo Trung phần đã gởi kháng
thư cho Ngô Đình Diệm và Quốc hội y vạch rõ chính sách
khủng bố, áp bức, giết hại Phật giáo đồ của chính quyền
Ngô Đình Diệm đang diễn ra khắp nơi: “Những kẻ chủ động
vừa có quyền hành tại các xã, vừa là nhân viên ban truyền
giáo công giáo tiến hành, đã lợi dụng quyền hành nhà chức
trách để bắt nạt, khủng bố dân lành. Có người bị chôn
sống như trường hợp ông Nguyễn Chuyển, thôn Mậu Lâm, mà
toà án Tuy Hoà đã chứng kiến khi thân nhân bới lên, có kẻ
bị hành hạ bị tắt thở tại Phú Yên, có người đập đầu
vào nhà để chết vì uất ức hay tự tử vì bất công ở
Bình Định. Cho đến việc lợi dụng sự bất an để sát
hại hội viên thuần thành của chúng tôi như ở Quế Sơn,
Quảng Nam” [22] . Kháng thư khẳng định: “Hằng ngày chúng
tôi nhận được thư từ kêu van từ nhiều nơi gởi về tỏ
sự khủng bố, áp bức, bất công ở hạ tầng đối với
Phật giáo chúng tôi không kể xiết” và yêu cầu Ngô Đình
Diệm “công minh xét đoán gấp những nguyện vọng khẩn thiết
trên cho hàng Phật tử” [23] .
Trong
kháng thư gởi Quốc hội Diệm, sau khi vạch rõ những nỗi
thống khổ của tín đồ Phật giáo do chính sách kỳ thị
Phật giáo của chế độ Diệm gây nên, giới lãnh đạo Hội
Phật giáo Trung Phần cho hay đã đến lúc tôn giáo của họ
cần phải được bảo vệ: “Tình trạng giết chóc, bắt
bớ, đàn áp bất công ở hạ tầng đã gây nên sự hoang mang,
khủng khiếp trong hàng Phật tử chúng tôi và làm cho họ gần
như mất hết tin tưởng cần thiết.
“Đề
đạt tập hồ sơ này đến quốc hội, chúng tôi muốn tránh
cho dân tộc một chấm đen đồng thời muốn ngăn ngừa một
tai hoạ quốc gia khi mà hàng Phật tử chúng tôi thấy cần
bảo vệ đúng mức tôn giáo của mình” [24] .
Những
sự kiện trên đây cho chúng ta thấy rằng trước lúc bùng
nổ phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (7-5-1963),
cùng với các tầng lớp nhân dân miền Nam, cuộc đấu tranh
của Tăng Ni, Phật tử miền Nam chống chính quyền Ngô Đình
Diệm dưới hình thức bình thường, ẩn hiện, âm ỉ đã
diễn ra liên tục. Thời gian càng đi tới, sự công phẫn càng
được tích luỹ, do đó mà đối với Tăng Ni, Phật tử, họ
thấy “đã đến lúc tôn giáo của họ cần phải được
bảo vệ”.
Tuy
nhiên, cũng cần phải thấy rằng cho tới trước ngày 7-5-1963,
phản ứng của Phật giáo trước chính sách kỳ thị Phật
giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm chỉ dừng lại ở trong
khuôn khổ “thỉnh cầu” chế độ giải quyết, chứ chưa
đề ra được những mục tiêu và hành động đấu tranh cụ
thể khi mà những nguyện vọng của họ không được chính
quyền Ngô Đình Diệm thoả mãn. Tinh thần này được tỏ
rõ trong quan điểm của giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam
vào đầu năm 1963. “Chúng ta hy vọng rằng, sẽ thực hiện
tinh thần bình đẳng không còn có những “kỳ thị tôn
giáo”, xem tôn giáo này là trọng, tôn giáo kia là khinh, nếu
những tôn giáo ấy đã được lịch sử nhân loại chứng
minh là xứng đáng. Người Phật tử “chân chính”, từ xưa
đến nay, không bao giờ có tư tưởng hay hành động kỳ thị
tôn giáo, nên cũng rất ước mong rằng, tín đồ các tôn giáo
khác đối với đạo Phật cũng thế, để hàn gắn bớt nỗi
đau thương cho con người và hoàn thành danh nghĩa “tự do,
bình đẳng” mà mọi người đang hô hào, đang chờ đón”
[25] . Và chính vì vậy, mà quần chúng Phật tử chưa thật
sự được huy động vào cuộc đấu tranh dầu cho họ đã
muốn “nhập cuộc”. Hồi ký của một Phật tử viết: “Cuộc
khủng bố vẫn tiếp diễn ở Phú yên, Bình Định, Quảng
Ngãi. Phật tử bị chôn sống, bị thủ tiêu, áp bức đủ
điều. Các báo cáo dồn dập gởi về cho Ban Hướng dẫn Gia
đình Phật tử Trung Phần. Lần nữa trò phải hỏi thầy:
Đến nước này mà Hội và quý thầy khống đối phó thì
chắc chết hể, mà anh em Gia đình Phật tử chúng tôi chết
trước” [26] .
Dĩ
nhiên, không phải giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam không
nắm bắt được những đau khổ cũng như sự công phẫn của
quần chúng Phật tử đã lên cao trước chính sách kỳ thị
Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng theo họ
điều kiện cần thiết cho việc phát động một phong trào
đấu tranh chưa đến. Trả lời những thắc mắc trên đây
cho tín đồ Phật tử, một vị sư trong giới lãnh đạo Phật
giáo miền Nam đã nói: “Biết vậy, nhưng chưa đến lúc”
[27] .
Tóm
lại, cho đến trước khi phong trào Phật giáo miền Nam bùng
nổ năm 1963, cùng với phong trào đấu tranh cách mạng của
nhân dân miền Nam, cuộc đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử
miền Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm, lúc bình thường,
lúc ẩn hiện và ở những mức độ khác nhau nhưng đã diễn
ra khá liên tục. Tuy chưa tiến đến một cao trào đấu tranh
trên quy mô rộng lớn, song những cuộc đấu tranh của Tăng
Ni, Phật tử miền Nam đã góp phần làm suy yếu thế đứng
chính trị của chính quyền Ngô Đình Diệm, làm cho nội bộ
chúng mâu thuẫn, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho
phong trào cách mạng miền Nam phát triển. Trong điện chào
mừng Đại hội các nhà sư, họp ngày 18-10-1961, Uỷ ban Trung
ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam miền
Đông Nam Bộ khẳng định: “Từ 7 năm qua, giới Tăng Ni và
Phật tử đã luôn anh dũng xả thân vì nguyện hoà bình, độc
lập, thống nhất của nhân dân, đã cùng với tầng lớp đồng
bào đấu tranh chống kẻ thù xâm lược là bọn đế quốc
Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm. Nhiều vị đã anh dũng hy sinh.
Thành tích đó đã làm rạng rỡ giới Phật giáo và góp phần
quan trọng vào việc mở rộng đoàn kết giáo lương, dân tộc,
đưa đến sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền
Nam Việt Nam ngày nay” [28] . Mặt khác, thông qua những cuộc
đấu tranh, Tăng Ni, Phật tử miền Nam càng nhận rõ bản chất
độc tài, phản dân tộc của chính quyền Ngô Đình Diệm,
bước đầu hình thành, chuẩn bị đội ngũ, đón thời cơ
cho một phong trào đấu tranh rộng lớn và quyết liệt hơn.
*
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học, ĐHSP, Đại học Huế.
**
Tiến sĩ Sử học, ĐHSP TP. Hồ Chí Minh.
1
Jerrold Schecter. The New Face of the Buddha. John Weatherhill, Tokyo,
Japan, 1967, tr.156.
2
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 11-HS.178L.
3
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 01-HS.2421.
*
Trong bài “Ánh đuốc Quảng Đức và một vài điều chưa
nói về Phật đản 1963”, Hoàng Nguyên Nhuận cho biết thêm
một chi tiết tương tự: “Trong một chuyến công tác của
phái đoàn Phật giáo lên Cao nguyên thăm đồng bào Phật tử
tại các khu dinh điền. Phái đoàn chứng kiến: Có một gia
đình hai vợ chồng và năm người con, mời phái đoàn vào
nhà đóng cửa lại rồi chỉ nhãn hiệu bao hương có hình
Phật Bà Quan Âm dán nơi cột nhà làm bàn thờ, đêm đêm cả
nhà xúm quanh cột nhà niệm Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ
Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát”. Chuyển luân,
Website, tháng 5-2005”.
4
Phỏng vấn Pháp sư Thích Giác Đức ngày 20-10-1995 tại Boston
(USA)
5
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8356
6
Như chú thích 1.
7
Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam.
Tuần báo Hải Triều Âm, số 17, ngày 19-8-1964, tr.2.
8
Bùi Thị Kim Quỳ. Một số đặc điểm của Phật giáo trong
khung cảnh chính trị và tư tưởng của xã hội miền Nam trong
thời kỳ lịch sử 1954 - 1975 trong “Mấy vấn đề về Phật
giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam”. Uỷ ban Khoa học Xã
hội Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội, 1986, tr.168.
9Trung
tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 11-HS. 22462.
10
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 11-HS.
22462.
11
Như chú thích 1.
12
Như chú thích 1.
13
Như chú thích 1.
14
Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb. Văn học, Hà
Nội, 1994, tr. 386.
15
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC. 11-HS.
22462.
16
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu BT.542.
17
Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam.
Tuần báo Hải Triều Âm, số 15, ngày 30-7-1964, tr.2.
18
Hồ sơ gởi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo
Trung phần ngày 20-2-1962 (bản đánh máy), tr. 6.
19
Hồ sơ đd., tr. 7.
20
Hồ sơ đd., tr. 39.
21
Hồ sơ đd., tr. 35.
22
Hồ sơ đd., tr.2.
23
Hồ sơ đd., tr. 3.
24
Hồ sơ đd., tr. 3.
25
Nguyệt san Liên Hoa (của Hội Phật giáo Trung phần), Huế,
ngày 8-2-1963, tr. 3-4
26
Tâm Phiệt. Những đốm lửa đấu tranh trong “Trước cơn
sóng gió”. Ban Hướng dẫn gia đình Phật tử Trung phần xuất
bản, Huế, 1964, tr. 11
27
Tâm Phiệt. Tài liệu đã dẫn, tr.11.
28
Hùng Lý. Tôn giáo miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Nxb.
Phổ thông, Hà Nội, 1962, tr. 34.