Phần II - Bài đọc thêm
Lịch sử kết tập Pháp tạng lần thứ tư
Thích Phước Sơn
I- Thuyết thứ nhất
Sau
Phật Niết bàn khoảng 400 năm, tại nước Kiền Ðà La (Gandhàra) có vua Ca
Nị Sắc Ca (Kanishca) trị vì, đất nước phú cường, danh vang khắp nơi ,các
nước xung quanh đều quy phục. Trong những lúc rảnh rỗi việc triều đình,
nhà vua thường đọc kinh Phật. Mỗi ngày vua thỉnh một vị cao tăng vào
cung thuyết pháp. Nhưng vua thấy quan điểm mỗi người một khác, không ai
giống ai, nên rất băn khoăn, không biết làm sao để giải tỏa. Vì vậy vua
liền thỉnh giáo Hiếp Tôn Giả (Parsva), Hiếp Tôn Giả liền thưa: " Tâu Ðại
vương, vì đức Như Lai nhập diệt trải qua năm tháng đã lâu, các đệ tử
thường dựa theo quan điểm của thầy mình, có những nhận thức bất đồng, do
đó mà sinh ra mâu thuẫn với nhau".
vua nghe
nói thế rất lấy làm buồn lòng, trầm ngâm hồi lâu, rồi bạch với tôn giả:
"Trẫm nhờ hưởng được phúc đức của tổ tiên, nên được kế thừa tông miếu,
cai trị muôn dân, nay tuy xả cách Thánh nhân (Phật), nhưng còn may mắn
nếm được pháp vị. Trẫm muốn quên sự hèn kém của mình, dốc lòng thiệu
long chánh pháp, mở đại hội kết tập pháp tạng để thống nhất những quan
điểm riêng của các bộ phái".
Hiếp Tôn
Giả tán thán: "Ðại vương đã gieo trồng căn lành từ đời trước, nên đời
này đủ phước lộc, lại lưu tâm đến Phật pháp,thực là hợp với nguyện vọng
của bần tăng". Thế rồi, vua truyền lệnh triệu tập các bậc thánh triết xa
gần. Nhận được sắc chỉ, các bậc minh triết thông đạt tam tạng, những
bậc hiền tài xuất chúng từ bốn phương vân tập về kinh thành.Vua bèn
thiết lễ cúng dường suốt 7 ngày, và bàn kế hoạch mở đại hội kết tập.
Nhưng thấy số người khá đông đúc, sợ khó tránh khỏi ô hợp, nên vua đem
điều thao thức của mình trình lên Tăng chúng rồi truyền lệnh: "Những vị
nào đã chứng đắc Thánh quả thì ở lại, những vị nào còn triền phược xin
hãy trở về chỗ cũ". Tuy vậy, chúng hội vẫn còn quá đông, nên vua lại ra
lệnh: "Các bậc vô học (chứng quả A la hán) xin hãy ở lại,còn các bậc hữu
học hãy ra về. Thế nhưng số người vẫn còn nhiều, vì thế vua lại hạ
lệnh: "Những vị đầy đủ tam minh lục thông hãy ở lại, còn những vị khác
đều hãy trở về". Nhưng hội chúng vẫn còn đông, buộc lòng vua phải hạ
lệnh một lần cuối cùng: "Những ai đối với nội giáo thì tinh thông Tam
tạng, đối với ngoại điển thì quán triệt ngũ minh, xin mời ở lại, còn
những vị khác xin hoan hỷ lui về trú xứ".
Chung cục,
sau bốn lần gạn lọc, số người còn lại tính được 499 người.Lúc ấy, nhà
vua thấy trong nước mình hay mưa nắng bất thường, sợ làm khổ nhọc các vị
tôn túc, nên định đưa hội chúng đến thành Vương Xá - nơi thạch thất mà
tôn giả Ca Diếp xưa kia đã kết tập giáo pháp - mở đại hội kết tập.Nhưng
Hiếp Tôn Giả cùng các vị tôn túc can rằng: "Thưa Ðại vương, không nên.
Vì ở đó có nhiều ngoại đạo, nhiều luận sư khác phái rất phức tạp. Chúng
ta sẽ phải bận rộn thù tiếp,giao tế với họ mất hết thì giờ, ắt hẳn sẽ
gây trở ngại công việc kết tập và soạn ra luận giải. Hơn nữa, đại chúng
giờ đây đều nhất trí muốn thực hiện việc kết tập tại nước này. Vì đất
nước này ở bốn phía có núi non kiên cố,có thần Dược Xoa gìn giữ, đất đai
phì nhiêu , sản vật phong phú, là nơi thánh hiền vân tập, các bậc thần
tiên qua lại,và hiện giờ Tăng chúng đang quy tụ tại đây". Sau khi nghe
trình bày, vua thấy hợp lý, nên chuẩn thuận đề nghị ấy.
Thế rồi, vua truyền lệnh cho công nhân xây dựng lo thiết lập già lam tại thành Ca Thấp Di La (Kasmira) để kết tập pháp tạng.
Lúc bấy
giờ, các vị A la hán thấy tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) mặc y phục luộm
thuộm, đang đứng trước hành lang, bèn nói với tôn giả: "Ông chưa đoạn
trừ kiết sử, nếu luận nghị giáo pháp sẽ vấp phải sai lầm, vậy ông nên
rời khỏi đây mà đi nơi khác".
Thế Hữu
nói: "Nay chư hiền đối với chánh pháp không có điều chi nghi ngờ, muốn
thay Phật để tuyên dương nên mới tập họp nơi đây mà luận bàn Phật pháp.
Tôi tuy không được thông tuệ, nhưng cũng hiểu giáo pháp ít nhiều, văn
chương u huyền của tam tạng và những lý luận khúc chiết của ngũ minh
cũng đã từng nghiên cứu và đạt được những ý thú nhất định".
Các vị A
la hán nói: "Lời nói suông không có gì làm bằng chứng, nếu vậy thì thầy
hãy ẩn cư nơi vắng vẻ một thời gian, lo tu tập gấp để chứng đạt quả vô
học, rồi mới tham dự cũng chưa muộn".
Thế Hữu
nói: " Tôi xem quả vô học cũng như đàm dãi, chí tôi chỉ cầu Phật quả,
chẳng thèm đi con đường nhỏ". Bèn vò cái y rách ném đi.Khi chiếc y chưa
rơi tới đất, thì tôn giả (tuyên bố mình) chứng được thánh quả vô học.
Lúc ấy,
các vị A la hán lại khiển trách: "Kẻ Tăng thượng mạn chính là người này
đây. Quả vô học được chư Phật hết lời tán thán, đâu có thể chứng đắc dễ
dàng như thế?"
Muốn cho
mọi người hết mối ngờ vực, Thế Hữu bèn ném chiếc y lên hư không, chư
Thiên bèn tiếp lấy và cung kính thỉnh cầu: "Tôn giả nên chứng Phật quả
để sau này kế thừa Ðức Từ Thị (Di Lặc), làm bậc tôn quý nhất trong ba
cõi, và làm chỗ nương tựa cho bốn loài, chứ giờ đây tôn giả chứng quả
nhỏ làm chi?".
Bấy giờ
các vị A la hán thấy sự ly kỳ như thế bèn tạ lỗi, và mời tôn giả tham
gia đại hội kết tập cho đủ số 500 người. Ðồng thời hội chúng suy cử Thế
Hữu làm đệ nhất và Hiếp Tôn Giả làm đệ nhị chủ tọa cuộc kết tập để quyết
đoán những ý kiến bất đồng của cử tọa.Những vấn đề của kinh điển, sau
khi được hội nghị thảo luận và biểu quyết, bèn biên tập thành ba bộ
luận, đó là:
1. Bộ luận "Ưu Ba Ðề Xá" gồm 10 vạn bài tụng, dùng để giải thích Kinh tạng.
2. Bộ luận "Tì Nại Da Tì Bà Sa" cũng gồm 10 vạn bài tụng, để giải thích Luật tạng.
3. Bộ luận " A Tì Ðạt Ma Tì Bà Sa" cũng gồm 10 vạn bài tụng, để giải thích Luận tạng.
Như vậy cả
ba bộ gồm 30 vạn bài tụng, chín trăm sáu mươi vạn lời (9.600.000), giải
thích đầy đủ ba tạng giáo điển. Trong đó, không có chi tiết nào là
không bàn bạc tận cùng, không có chỗ sâu xa nào là không cứu xét rốt
ráo. Những nghĩa lý thâm u được làm cho sáng tỏ, những lời nói còn mù mờ
được làm cho rõ ràng. Thành quả này nhằm truyền lại muôn đời cho hậu
thế dùng làm cương lĩnh.
Kế đến,
vua Ca Nị Sắc Ca bèn sai thợ đúc đồng dùng đồng đỏ dát thành lá mỏng, để
chép luận văn, rồi đem cất vào trong hang đá, xây thép lên trên để cúng
dường. Vua lại sai thần Dược Xoa phòng vệ khắp nước, không để cho ngoại
đạo mang bộ luận ấy ra khỏi lãnh thổ. Những ai muốn học tập nó thì phải
đến đó mà học .
Sau khi
xong việc, vua bèn thiết lễ trai tăng cúng dường rất trọng hậu để chúc
mừng đại hội kết tập vừa thành công viên mãn (Ðại Ðường Tây Vức, quyển
ba, Sa môn Biện Cơ soạn tại chùa Từ Ân, ÐTK 51, ký hiệu 2087, tr 886b).
Tóm tắt:
1/ Lý do kết tập: vì chư Tăng của các bộ phái có những kiến giải bất đồng về kinh điển,nên mới mở đại hội kết tập.
2/ Thời gian kết tập: Khoảng 400 năm sau Phật Niết Bàn.
3/ Ðịa
điểm kết tập: tại thành Ca Thấp Di La (Kasmira), tên cũ gọi là Kế Tân,
nước Kiền Ðà La (Gandhàra) thuộc miền Tây Bắc Ấn Ðộ.
4/ Vị chủ tọa cuộc kết tập: Tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) với sự trợ thủ của Hiếp Tôn Giả.
5/ Số người tham dự kết tập: 500 vị Hiền thánh (kể cả vị chủ tọa) đã đạt địa vị vô lậu, tức quả A la hán.
6/ Người khởi xướng cuộc kết tập: vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka), vị hộ pháp được xem là có công tương đương với hoàng đế A Dục.
7/ Thành quả cuộc kết tập: Soạn ra ba bộ luận: kinh sớ, luật sớ, và luận sớ, gồm ba mươi vạn bài tụng, 9.600.000 lời.
8/ Phương
thức bảo quản: Vua ra sắc lệnh sai thần Dược Xoa bảo vệ không cho ngoại
đạo hay người nào mang bộ luận này ra khỏi nước.
II- Thuyết thứ hai
1. Thời gian kết tập: Sau Phật Niết bàn 500 năm, và thời gian biên tập xong các bộ luận kéo dài đến 12 năm.
2. Ðịa điểm kết tập: Tại Kế Tân, tức Ca Thấp Di La (Kasmira)
3. Vị chủ tọa cuộc kết tập: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử, và Bồ tát Mã Minh chấp bút.
4. Số người tham dự: 500 vị La hán và 500 vị Bồ tát.
5. Thành
quả: Soạn một bộ luận gồm 8 kiền độ (tức 8 phần), đặt tên là Phát Tuệ
luận (hay Phát Trí luận) gồm 5 vạn bài kệ. Sau 12 năm mới hoàn thành,
giả thích rộng rãi, gồm thành 100 vạn bài kệ.
6. Phương
thức bảo quản: Các thánh giả dùng thần lực khiến các thần linh bảo vệ
không cho bất cứ một ai mang bộ luận này ra khỏi nước (Bà Tẩu Bàn Ðậu -
Vasubandhu) pháp sư truyện, Chân Ðế đời Trần dịch, ÐTK 50, ký hiệu 2049,
tr 189a).
III- Thuyết thứ ba
1.Thời gian kết tập: Vào thời vua Bà Tha Già Mã Ni (Vattagàmani) cai trị Tích Lan (ước chừng 400 năm sau Phật nhập diệt (?).
2. Ðịa điểm kết tập: tại thôn Mã Ðặc Lê, phía Ðông A Lư Ca, nước Tích Lan.
3. Vị chủ tọa cuộc kết tập: Thượng tọa La Hi Da Ðại.
4. Số người tham dự: 500 vị Tỳ kheo.
5. Người khởi xướng và bảo trợ: Vua Ba Tha Già Mã Ni (Vattagàmani).
6. Thành
quả kết tập: Kỳ kết tập này đọc lại giáo điển 3 tạng của Thượng tọa bộ,
hiệu đính lại những chú thích của ba tạng, sắp xếp lại thứ tự của kinh
điển, viết một bộ Tam tạng bằng tiếng Pàli, và làm bản chú thích bằng
văn Tăng Già La (Tích Lan) (đảo sử Tích Lan, theo sự dẫn lại của Phật
Quang Ðại từ điển, tr 5189a).
* Vài điều ghi nhận
- Thuyết thứ nhất, tư liệu lấy từ Tây Vức ký, một
tác phẩm viết khá súc tích, khúc chiết và chặt chẽ, khá nổi tiếng, nhất
là về phương diện sử liệu. Do đó, gần như hầu hết các học giả đều công
nhận học thuyết này.
- Thuyết thứ hai lấy từ Bà Tẩu Bàn Ðậu pháp sư truyện. Văn của tập truyện này viết chuệch choạc rời rạc, các dữ kiện phần lớn không giống với Tây Vức ký. Tuy cũng được xem là lần kết tập pháp tạng thứ tư, nhưng rất ít học giả công nhận giá trị của nó.
- Thuyết
thứ ba, tư liệu còn ghi lại đầy đủ trong Ðảo sử. Ðịa điểm và thành phần
tham dự hoàn toàn khác hẳn với cuộc kết tập tại Ca Thấp Di La. Tuy vậy,
các học giả đều công nhận đây là lần kết tập thứ tư của Phật giáo Thượng
tọa bộ tại Tích Lan.
- Nếu như
nước Kiền Ðà La hay miền Tây-Bắc Ấn Ðộ được xem là cái nôi, là căn cứ
địa mà Phật giáo đại thừa thai nghén và phát triển, rồi từ đó truyền
sang các nước thì trái lại, Tích Lan chính là trung tâm của Phật giáo
của các nước khác trong vùng.
- Thời
điểm vua Ca Nị Sắc Ca ra đời có tới 5 mảng tư liệu đề cập đến, xê dịch
từ 300 đến 700 năm, nhưng chỉ có thuyết cho rằng ông ra đời vào khoảng
400 năm sau Phật nhập diệt, là được các học giả đồng tình hơn hết (Xem
thêm Phật Quang đại từ điển, tr.3976b)./.