Phần III - Bài 1
BÀI ĐỌC THÊM
ÐẶC TRƯNG CỦA ÐẠO PHẬT
Thích Phước Sơn
Trăn trở
trước nỗi trầm thống của kiếp người, Thái tử Tất Ðạt Ða đã dũng cảm từ
bỏ cuộc sống vàng son nhung lụa, từ bỏ địa vị của một bậc nhân vương mà
mình sắp kế thừa, dấn thân vào nẻo đường gió bụi đi tìm chân lý. Cuối
cùng, Ngài đã tìm được phương thuốc kỳ diệu cứu khổ cho nhân loại, trở
thành đấng Vô thượng Y vương; và phương thuốc mà Ngài đã tìm ra đó chính
là 4 Thánh đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế. Vậy Khổ đế là gì?
"Sinh là khổ, già
là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, phải kết hợp với những gì mình không
ưa là khổ, phải xa lìa những gì mình thích là khổ, không đạt được những
gì mình khao khát là khổ; tóm lại, chấp chặt vào năm uẩn là khổ".
Nguyên nhân của Khổ đế (Tập đế) là gì?
"Chính khát ái
dẫn đến tái sinh, thích thú nơi này nơi kia; đó là khao khát những dục
lạc (Dục ái: Kàmatanhà), khao khát được hiện hữu (Hữu ái: Bhavatanhà) và
khao khát sự diệt tận (Vô hữu ái: Vibhavatanhà)".
Diệt đế là gì?
"Ðó là sự đoạn tận chính khát ái này không còn để sót, từ bỏ nó, buông xả nó, giải thoát khỏi nó".
Con đường chính dẫn đến Diệt khổ (Ðạo đế) là gì?
"Ðó là Tám Chánh
đạo, gồm có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh
mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định".
Dù chư Phật có
xuất hiện hay không, Bốn Diệu đế này vẫn có trong vũ trụ. Chư Phật chỉ
phát hiện những chân lý này khi chúng tiềm ẩn trong vực thẳm của thời
gian.
Giải thích theo khoa học, pháp có thể được gọi là định luật nhân quả. Hai yếu tố này bao gồm toàn bộ giáo lý đạo Phật.
Ba chi đầu tiêu
biểu triết lý Phật giáo, chi thứ tư tiêu biểu luân lý Phật giáo, căn cứ
vào triết lý trên. Tất cả 4 chi này đều dựa vào chính cái thân này. Ðức
Phật đã nhận định: "Căn cứ vào chính cái thân dài một trượng này với tri
giác và tư duy, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, chung
cục của thế giới, và con đường dẫn đến chung cục thế giới". Ở đây, danh
từ "thế giới" dùng để chỉ đau khổ.
Ðạo Phật đặt nền
tảng trên trục đau khổ, nhưng không vì thế mà cho Phật giáo là bi quan.
Nó chẳng phải hoàn toàn bi quan, hay hoàn toàn lạc quan; trái lại, Phật
giáo dạy một chân lý ở giữa hai cực đoan ấy. Chúng ta có thể có lý khi
bảo Ðức Phật là một người bi quan nếu Ngài chỉ tuyên bố chân lý về đau
khổ mà không đưa ra một phương pháp để chấm dứt khổ đau. Ðức Phật đã
nhận thấy tính phỗ biến của đau khổ và chính Ngài đã đề ra một phương
thuốc để chữa trị căn bệnh phỗ biến này của nhân loại. Theo Ðức Phật,
hạnh phúc cao cả có thể nhận thức được là Niết bàn, đó là đoạn tận đau
khổ.
Trong Từ điển
Bách khoa của Anh, tác giả ở mục nói về chủ nghĩa bi quan, viết: "Chủ
nghĩa bi quan chỉ rõ một thái độ thất vọng về cuộc đời, một quan niệm
đại khái mơ hồ về đau khổ và tội lỗi, chúng chi phối những hành vi của
con người. Giáo lý nguyên thủy của Ðức Phật thực sự lạc quan như bất cứ
một chủ nghĩa lạc quan nào khác của phương Tây. Bảo nó là chủ nghĩa bi
quan chỉ là áp đặt cho nó một nguyên lý đặc biệt Tây phương, theo đó,
không thể có hạnh phúc nếu không có bản ngã. Người Phật tử chân chính
nhiệt thành mong đợi được thể nhập vào cảnh an lạc vĩnh cửu".
Thông thường, sự
hưởng thụ dục lạc là khoái lạc duy nhất của người thế tục. Hiển nhiên là
có thứ hạnh phúc nhất thời trong khi ta mong đợi thỏa mãn và hồi tưởng
những lạc thú vật chất thoáng qua như vậy, nhưng chúng thực là hão
huyền, tạm bợ làm sao! Theo Ðức Phật, không chấp thủ mới là niềm an lạc
cao quý hơn hết.
Ðức Phật không
mong các tín đồ của Ngài lúc nào cũng nghĩ đến khổ đau và sống một cuộc
đời bất hạnh khốn cùng. Ngài khuyến khích họ phải luôn vui tươi và hoan
hỷ, vì hỷ (piti) là một trong những yếu tố giác ngộ.
Hạnh phúc chân
thật được tìm thấy trong nội tâm, và không được định nghĩa bằng tài sản,
con cái, vinh quang và những sự xâm lấn chiếm đoạt. Nếu những sở hữu
được thủ đắc không chính đáng, do ức hiếp, chiếm đoạt bất công mà có,
thậm chí nhìn chúng quyến luyến không rời, thì chúng sẽ là nguyên nhân
đau khổ cho kẻ sở hữu.
Thay vì cố dùng
lý lẽ để giải thích đau khổ, Phật giáo thừa nhận nó là điều hiển nhiên
và tìm nguyên nhân để diệt trừ nó. Chừng nào còn khát ái thì còn đau
khổ. Chỉ có thể diệt trừ đau khổ bằng cách bước theo con đường Bát chánh
và đạt đến an lạc tối thượng của Niết bàn.
Bốn chân lý này
có thể được xác chứng bằng thực nghiệm. Vì thế, Phật pháp không căn cứ
trên lòng sợ hãi về cái không được biết, mà đặt nền tảng trên các sự
kiện mà chúng ta có thể thí nghiệm và minh xác bằng chính kinh nghiệm
của chúng ta. Do đó, Phật giáo rất hợp lý và thực tiễn.
Một hệ thống hợp
lý và thực tiễn như thế không thể chứa những nghi lễ bí truyền và mật
truyền. Do đó, lòng tin mù quáng rất xa lạ đối với đạo Phật.
Nơi nào không có
lòng tin mù quáng thì nơi đó không có sự cưỡng bức, đàn áp và cuồng tín.
Ðối với uy danh cao cả của đạo Phật, ta phải nói rằng trải qua tiến
trình suốt 2500 năm không đỗ một giọt máu nào vì nhân danh Ðức Phật,
không một thế lực quân chủ nào dùng lưỡi gươm đầy quyền uy của mình để
truyền bá chánh pháp, và không có sự hóa đạo nào phải dùng đến bạo lực
hay những giải pháp cưỡng bách. Tuy vậy, Ðức Phật đã là nhà truyền đạo
đầu tiên và vĩ đại nhất từng sống trên thế gian này.
Alodux Husley
viết: "Trong tất cả các tôn giáo lớn của thế giới, chỉ riêng đạo Phật đi
con đường của mình mà không cần đàn áp, kiểm duyệt, thẩm tra ai cả".
Huân tước Rusell
ghi nhận: "Trong những tôn giáo lớn của lịch sử, tôi thích đạo Phật hơn
cả, đặc biệt ở hình thức nguyên thủy của nó, vì nó ít có tính cách khủng
bố nhất từ xưa đến nay".
Ðạo Phật lôi cuốn
người ta trên phương diện tri thức hơn là phương diện tình cảm, chú
trọng đến nhân cách của tín đồ hơn là sức mạnh của số đông.
Trường hợp Upali,
một tín đồ của Nigantha Nataputta, đến gần Ðức Phật, nghe Phật thuyết
pháp, ông hoan hỷ đến độ tức thì bày tỏ ý muốn trở thành một đệ tử của
Phật. Nhưng Ðức Phật đã khuyên ông nên cẩn thận: "Này gia chủ, đối với
chân lý, ông nên tìm hiểu thấu đáo, như vậy sẽ tốt hơn đối với một người
xuất sắc như ông".
Rất vui sướng
trước ý kiến bất ngờ của Ðức Phật, Upali thưa: "Bạch Thế Tôn, nếu con
trở thành một tín đồ của một tôn giáo khác, thì các tín đồ của tôn giáo
ấy sẽ công kênh con, rước đi quanh ngoài đường phố và tuyên bố rằng:
"Một triệu phú như thế đấy, đã từ bỏ tín ngưỡng trước của y và đi theo
chúng ta". Nhưng với Thế Tôn, Ngài lại khuyên con hãy tìm hiểu thấu đáo
đã. Qua ý kiến này của Thế Tôn, con càng vui sướng hơn. Bạch Thế Tôn,
một lần nữa, con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng".
Phật giáo tràn
ngập tinh thần tự do cầu thị và hoàn toàn bao dung như vậy. Ðạo Phật là
đạo có tâm hồn khai phóng và trái tim cảm thông, soi sáng và làm ấm áp
toàn thể vũ trụ với hai tia sáng từ bi và trí tuệ; hào quang kỳ diệu của
nó chiếu xuống tất cả chúng sinh đang lặn hụp trong biển sinh tử.
Ðức Phật bao dung
đến nỗi Ngài cũng không hề dùng uy quyền để ra lệnh cho các tín đồ tại
gia của Ngài. Thay vì dùng mệnh lệnh, Ngài nói: "Bỗn phận các con nên
làm điều này, bỗn phận các con không nên làm điều kia". Ngài không ra
lệnh nhưng khuyến khích.
Ðức Phật trải rộng lòng bao dung đến mọi người và mọi loài hữu tình.
Chính Ðức Phật
lần đầu tiên đã cố hủy bỏ chế độ nô lệ và kịch liệt phản đối hệ thống
giai cấp hủ lậu đã mọc rễ sâu xa trên mảnh đất Ấn Ðộ. Theo giáo lý Ðức
Phật, người ta trở thành kẻ hạ tiện hay cao quý không phải do giòng dõi
mà do hành vi của mình. Giai cấp hay màu da không làm cản trở một người
muốn trở thành một Phật tử hay gia nhập Tăng đoàn. Người chài lưới, kẻ
đỗ rác, gái giang hồ, cả đến những võ tướng và những người Bà la môn,
đều tự do gia nhập Tăng đoàn, được hưởng sự đối xử bình đẳng, và cũng
được giao cho những địa vị tương xứng. Ví dụ như Tôn giả Upali, thợ hớt
tóc, giành được ưu thế hơn tất cả những người khác, đứng đầu trên phương
diện giới luật. Sunita, người đỗ rác nhút nhát, được chính Ðức Phật
nhận cô vào hàng ngũ Tăng già và đã đắc quả A la hán. Angulimala, tên
tướng cướp và tội phạm, đã được giáo dục thành một bậc Thánh từ bi.
Alavaka kiêu hãnh, tìm đến quy y Phật và đã trở thành một vị Thánh. Cô
gái giang hồ Ambapali gia nhập vào Tăng đoàn và đắc quả A la hán. Những
điển hình như thế thường thấy rất nhiều trong Tam tạng, chứng tỏ cánh
cửa của đạo Phật mở rộng cho tất cả, bất kể giai cấp, màu da hay chủng
tộc.
Ðức Phật cũng
nâng cao địa vị của những người phụ nữ bị chà đạp, không những khiến cho
họ ý thức được vị trí quan trọng của mình trong xã hội, mà còn thành
lập Giáo hội Ni giới sống độc thân đầu tiên cho phụ nữ với những kỷ luật
và những giới điều.
Ðức Phật không hạ
thấp nữ giới, mà chỉ xem họ như những người có bẩm tính yếu đuối hơn
nam giới. Ðức Phật thấy rõ tính thiện bản nhiên của cả nam và nữ giới,
và quy định cho họ địa vị xứng đáng trong giáo pháp của Ngài. Giới tính
không làm chướng ngại cho sự chứng đắc Thánh quả.
Danh từ Pàli
Matugàma đôi khi dùng để chỉ cho phụ nữ, nghĩa là hạng người mẹ hay xã
hội những người mẹ. Là một người mẹ, người phụ nữ giữ được vị trí danh
dự trong đạo Phật. Thậm chí người vợ còn được xem như là "người bạn
tuyệt hảo" (paramà sakhà) của chồng.
Những người phê
phán vội vàng chỉ nhận định hời hợt bề ngoài khi họ trách Phật giáo là
đố kỵ phụ nữ. Mặc dù ban đầu Ðức Phật đã từ chối thu nhận phụ nữ vào
Tăng đoàn, trên cơ sở hợp lý, nhưng về sau, Ngài đã nhượng bộ lời cầu
xin của di mẫu Ngài là Ba Xà Ba Ðề Kiều Ðàm Di (Pajapati Gotami) và
thành lập Giáo đoàn Tỳ kheo ni. Giống như hai vị A la hán Xá Lợi Phất
(Sariputta) và Mục Kiền Liên (Moggallana) đã được đặt làm hai đệ tử
thượng thủ trong Giáo đoàn Tỳ kheo, Ðức Phật đã chỉ định các A la hán
Khema và Uppalavannà như là hai vị thượng thủ trong hàng nữ đệ tử. Nhiều
nữ đệ tử khác cũng được chính Ðức Phật gọi là những đệ tử thuần thành
và ưu tú của Ngài.
Một dịp nọ, vua Kosala không hài lòng khi hay tin hoàng hậu sinh một bé gái, Ðức Phật đã nói với nhà vua:
"Thưa Ðại vương, một bé gái biết đâu sau này có thể chứng tỏ là người con còn tốt hơn một nam nhi!".
Nhiều phụ nữ đáng
lẽ đã bị rơi vào quên lãng, lại tỏ ra xuất chúng trong nhiều mặt và đạt
được giải thoát nhờ hành trì chánh pháp và gia nhập giáo đoàn. Trong
giáo đoàn mới này đã chứng tỏ là một môi trường phước báu đối với nhiều
phụ nữ; các hoàng hậu, những công chúa, các cô gái của những nhà quý
tộc, các sương phụ, quả phụ, những phụ nữ bần cùng, các cô gái giang hồ
đáng thương; tất cả những người này, dù giai cấp và địa vị xã hội khác
nhau, đã gặp nhau trên cùng một chỗ thuyết giảng, cùng hưởng niềm an ủi,
thanh tịnh tối thượng, và cùng hít thở bầu không khí tự do mà những kẻ
sống giam hãm trong các túp lều tranh hay nơi cung điện đều không thể
nào có được.
Chính Ðức Phật
cũng đã cấm sát hại những con vật đáng thương để tế lễ, và khuyên tín đồ
của Ngài mở rộng lòng từ với tất cả chúng sinh, thậm chí đối với những
sinh vật nhỏ bé nhất bò dưới chân mình. Không một ai có quyền hủy hoại
mạng sống của một sinh vật khác, vì đời sống thực là quý báu đối với tất
cả mọi loài.
Người Phật tử
chân chính phải thể hiện lòng từ bi với tất cả chúng sinh và phải tự
đồng nhất mình với tất cả, không được phân biệt một chút nào về phương
diện chủng tộc, màu da hay giới tính.
Chính lòng từ bi
này của đạo Phật đã đạp đỗ mọi bức tường ngăn cách giữa người này và
người khác. Không có lý do gì để tách rời mình ra khỏi những người khác
chỉ vì họ thuộc về một tín ngưỡng hay một dân tộc khác. Trong "Sắc dụ
khoan hồng" cao cả ấy, dựa trên các kinh Tiểu Phân Biệt và Ðại Phân Biệt
(Culla Vyùha and Mahà Vyùha), vua A Dục (Asoka) nói: "Chỉ có hòa hợp là
cao đẹp nhất, tất cả đều phải có thiện chí lắng nghe giáo lý mà người
khác tin theo".
Ðạo Phật không
giới hạn vào bất cứ một quốc gia hay một dân tộc đặc biệt nào. Ðạo Phật
là tôn giáo đại đồng. Phật giáo không phải là một chủ nghĩa dân tộc, nói
cách khác, chủ nghĩa dân tộc này là một hình thức giai cấp dựa trên một
nền tảng rộng lớn hơn. Ðạo Phật là một chủ nghĩa siêu dân tộc, nếu được
phép nói như vậy.
Ðối với một Phật
tử, không có kẻ sơ hay người thân, kẻ thù hay người ngoại quốc, kẻ phản
giáo hay người cùng đinh, vì tình thương đại đồng được thể hiện qua sự
cảm thông tạo nên tình huynh đệ giữa mọi loài chúng sinh. Một Phật tử
xem toàn thế giới như quê mẹ, và tất cả mọi người như anh chị em mình.
Do đó, đạo Phật
thực là độc đáo nhờ ở đức tính khoan dung, bất bạo động, hợp lý, thực
tiễn, hiệu nghiệm và tính đại đồng của nó. Ðó là ảnh hưởng cao cả nhất
trong mọi ảnh hưởng kết hợp lại, và là đòn bẩy duy nhất có thể nâng thế
giới lên cao.
Ðấy là một số nét
đặc sắc của đạo Phật, và trong số giáo lý căn bản có thể kể đến một số
vấn đề khác như: nghiệp hay định luật đạo đức nhân quả, thuyết tái sinh,
vô ngã và Niết bàn.
(Dịch từ "Buddhism in a Nutshell", Narada Thera)