Phần III - Bài 3
VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ HỘI NHẬP
CỦA PHẬT GIÁO VÀO NỀN
VĂN HÓA VIỆT NAM
Minh Chi
Từ thời
lịch sử xa xưa, dân tộc Việt Nam đã có ý thức về vị trí địa lý văn hóa
của đất nước mình, là nằm giữa hai trung tâm văn hóa lớn nhất của thế
giới là Ấn Ðộ về phía Tây và Trung Hoa ở phía Bắc. Cũng qua các thời kỳ
lịch sử, dân tộc Việt đã có sự giao thoa và chịu ảnh hưởng của các nền
văn hóa trên. Còn trung tâm văn hóa thế giới thứ ba là trung tâm ở Hy
Lạp, vùng Lưỡng Hà và Ai Cập thì ở quá xa về Tây Bắc, cho nên ảnh hưởng
đến nền văn hóa nước ta không có mấy, không rõ nét.
Vị trí địa lý -
văn hóa đặc biệt đó, dù dân tộc Việt có muốn hay không, cũng tạo ra một
sự hội nhập văn hóa, không phải một sự hội nhập văn hóa bình thường, mà
một sự hội nhập văn hóa kéo dài hơn hai mươi thế kỷ, một sự hội nhập của
những tinh hoa đến từ hai trung tâm văn hóa tầm cỡ thế giới là Ấn Ðộ và
Trung Hoa. Những tinh hoa văn hóa đó, được kết tinh trong các tôn giáo
lớn, Phật giáo từ Ấn Ðộ và Khổng, Lão giáo từ Trung Hoa.
Một sự hội nhập
lấy cơ thể văn hóa bản địa làm chủ thể. Ðúng vậy, bản thân văn hóa của
dân tộc Việt Nam là cơ thể văn hóa chủ nhà. Nó tiêu hóa các yếu tố văn
hóa ngoại lai, tiếp thu yếu tố này, loại bỏ yếu tố khác, biến những yếu
tố ngoại nhập thành xương máu, da thịt của cơ thể mình, giúp cho cơ thể
văn hóa chủ nhà tồn tại, phát triển và thăng hoa. Mô hình hội nhập này
thường được gọi là mô hình hữu cơ (1).
Mô hình thứ hai,
theo tôi, chỉ là hệ quả của mô hình hữu cơ, mặc dù người đề xướng là
Walter Lebenthal, gán cho nó một nhãn hiệu khó dịch là stimulus
diffusion. Ý tứ là văn hóa ngoại nhập tác động như chất xúc tác, tạo ra
một hiện tượng văn hóa có giá trị dân tộc đích thực, mặc dù yếu tố xúc
tác đó là ngoại lai. Lebenthal minh họa mô hình này bằng ví dụ của Phật
giáo Ấn Ðộ, sau khi du nhập vào Trung Hoa, đã tác động như một chất xúc
tác, giúp người Trung Hoa tạo ra một Phật giáo về cơ bản là Phật giáo
Trung Hoa.
Một mô hình hội
nhập thứ ba do Arthur Link gợi ý, như là sự hỗn hợp (amalgam) của yếu tố
văn hóa ngoại nhập và các yếu tố văn hóa bản địa. Với trường hợp cụ thể
của Phật giáo Ấn Ðộ hội nhập vào nền văn hóa Trung Hoa, thì tác giả
nhận định như là một tỗng hợp của tư tưởng Ấn Ðộ và những khái niệm, lý
tưởng Trung Hoa (a Synthesis of Indian thought and Sinic concepts and
ideals) (2).
Tôi cho rằng hai
mô hình hội nhập thứ hai và thứ ba, trên thực tế chỉ là một biến tướng
của mô hình thứ nhất mà thôi, tức là mô hình hữu cơ (organic model).
Trong đó, nền văn hóa chủ nhà được xem như là một cơ thể tiêu hóa, gạn
lọc các yếu tố văn hóa ngoại nhập, đào thải mọi yếu tố mà dân tộc Việt
Nam cho là có hại, tiêu cực, tiếp thu mọi yếu tố mà dân tộc Việt nhận
định là có ích, tích cực, hỗ trợ cho sự tồn tại, phát triển và thăng hoa
của dân tộc Việt Nam, như là một dân tộc độc lập, tự do, tự cường.
Ðó là một sự hội
nhập mà dân tộc Việt Nam làm chủ, lợi ích của dân tộc và đất nước là
chuẩn mực cao nhất của sự hội nhập, sự hội nhập đó lại được thử thách và
kiểm nghiệm bằng một bề dày lịch sử hai mươi thế kỷ. Trong đó, đỉnh cao
nhất, rực rỡ và vinh quang nhất là hai triều đại Phật giáo Lý - Trần,
với những ông vua vừa là nhà Phật học, Thiền sư, hay là Phật tử thuần
thành. Trong suốt lịch sử nước ta, có thể nói, không thời kỳ nào mà tôn
giáo - cụ thể là Phật giáo, hỗ trợ cho chính trị và xã hội một cách hiệu
quả đến thế. So với hai triều đại Ðinh và Tiền Lê, hai triều đại độc
lập đầu tiên sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, thì hai triều đại Phật giáo Lý
và Trần rõ ràng là tương đối ổn định, với mỗi triều đại kéo dài trên
dưới 200 năm, trong khi đó thì hai triều đại Ðinh và Tiền Lê cộng lại
không đầy 50 năm.
Qua thực tế lịch sử cho thấy rằng, Phật giáo sau khi hội nhập vào nền văn hóa nước ta đã tạo ra một thế ỗn định xã hội kéo dài.
Phật giáo đến từ
Ấn Ðộ và Trung Hoa trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử, nhờ công
lao sáng tạo của các Thiền sư Việt Nam, đã tạo ra một nền văn hóa Việt
Nam đích thực. Một nền văn hóa trong đó, những giá trị nhân bản sâu sắc,
thực chất là siêu dân tộc và quốc gia, lại mang hình thức dân tộc và
quốc gia Việt Nam. Và chỉ có như vậy, những giá trị nhân bản cao cả của
đạo Phật, một đạo có tầm cỡ quốc tế, mới có thể bén rễ sâu sắc và cắm
gốc vững bền trong tâm hồn người Việt chúng ta.
Nhân dân Việt
Nam, qua các thế hệ đã làm được điều này, một phần là nhờ ở tính uyển
chuyển không giáo điều, tính bao dung không cố chấp của đạo Phật, nhưng
một phần không nhỏ là do sức sáng tạo của mình.
Viết một bài
nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về thuyết nghiệp báo đăng lên báo Giác
Ngộ, có thể được một số trí thức ưa thích, thế nhưng vài ngàn chữ của nó
e rằng ảnh hưởng không bằng hai chữ tội nghiệp thốt ra một cách tự
nhiên ở đầu lưỡi người Việt Nam mỗi khi chứng kiến một tai nạn, một sự
cố xảy ra cho mọi người hay một số người. Nhân dân Việt Nam truyền đạo
theo ngẫu hứng sáng tạo của mình, điều này dù là Tam tạng Pháp sư như
Huyền Tráng cũng không thể làm được.
Bà mẹ Việt Nam
mắng con "mày lục tặc lắm!". Thật là hay, tất nhiên không thể thay được,
nhưng có thể hỗ trợ tốt cho câu trong kinh tạng Pàli: "Chánh niệm tỉnh
giác, hộ trì các căn...". Chúng ta giải thích: "Hộ trì các căn", đề
phòng gì? Chính là đề phòng 6 tên giặc (lục tặc) sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp thường xuyên xâm nhập và quấy rối thân tâm con người.
Cũng không cần nói dông dài như Lão Tử trong Ðạo Ðức kinh, chương 12:
"Ngũ sắc linh nhân mục manh,
Ngũ vị linh nhân nhĩ lung..."
Nghĩa là: "Năm sắc khiến người mù mắt,
Năm âm khiến người tai điếc..."
Các
bà mẹ Việt Nam chỉ cần mắng con "lục tặc", thay vì cả chương 12 cuốn
"Ðạo Ðức kinh", hay là đoạn câu hàm ý trong kinh tạng Pàli đã nêu. Có
những giáo lý cao siêu của Phật giáo, qua sự sáng tạo của nhân dân Việt
Nam, bèn trở thành dễ hiểu, mà cũng nhờ dễ hiểu nên dễ thực hành, chẳng
hạn: "Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ,
thứ ba tu chùa..."
Hay là: Phật ở trong nhà,
Cầu Thích Ca ngoài đường v.v...
Ðó chính là hạt ngọc giáo lý: "Phật tại tâm, Phật tức tâm, tu Phật là tu tâm, biện tâm".
Một giáo lý khích
lệ mọi người rằng, ở đâu tu cũng được, làm gì cũng tu được, rõ ràng là
đã khai thông con đường giác ngộ và giải thoát cho mọi người, biến tu
hành thành một nếp sống, đạo lý nhà Phật thành một đạo lý sống.
Khác với các tôn
giáo thần quyền sùng bái một Thượng đế xa vời, đáng sợ hãi, Phật giáo
Việt Nam tạo ra hình ảnh một ông Bụt thân thương, gần gũi phò hộ cho cô
Tấm hiền lành, trong truyện "Tấm Cám".
Ðạo Phật hòa nhập
vào nền văn hóa của dân tộc Việt Nam như sữa hòa vào với nước, đến mức
không phân biệt được đâu là yếu tố của đạo Phật, đâu là yếu tố của dân
tộc. Ðức Phật đã gần gũi người dân như vậy thì chùa Phật không thể xa
dân. Nếu ngôi đình biểu trưng cho ngôi thứ, tôn ti trật tự của Nho giáo,
thì ngôi chùa lại thể hiện tinh thần bình đẳng, dân chủ của Phật giáo:
"Ðất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt"
Chùa
không phải là của sư trụ trì mà là của tập thể dân làng. Sư chỉ là ông
thầy hướng dẫn đời sống đạo đức và tâm linh của dân chúng mà thôi. Chùa
là trung tâm văn hóa của làng hay của nhiều làng, nếu đó là một ngôi
chùa lớn, một tỗ đình. Chùa là nơi tỗ chức các lễ hội tôn giáo, đồng
thời là trường học, là nhà thương, là nơi nghỉ tạm của khách qua đường,
thậm chí còn là nơi trọ thường xuyên của những kẻ không nhà, không cửa. Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tỗ tông.
Hai
câu thơ của Huyền Không thật là tiêu biểu rõ nét cho sự quyện chặt giữa
đạo Phật và dân tộc. Cũng chính sự gắn bó lâu đời giữa đạo Phật và dân
tộc đã tạo cảm hứng cho nhà thơ hiện đại Hồ Dzếnh viết nên ý thơ: "Trang sử Phật
Ðồng thời là trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất..."
Tuy
Nho giáo du nhập vào Việt Nam ta đã lâu, nhưng mức độ phổ cập của nó
không thể nào so sánh được với đạo Phật. Chứng cớ là tâm sự của nho sĩ
Lê Quát đời Trần được chép trên một văn bia đặt tại chùa Thiên Phúc (Bắc
Giang):
"... Ta từ lúc
nhỏ đọc sách, chăm lo việc cổ kim, cũng rõ được ít nhiều đạo lý thánh
hiền, để khai hóa thứ dân, mà chưa được người trong một làng tin ta. Ta
thường đi du lãm sơn xuyên, cùng Nam cực Bắc, tìm những chỗ gọi là học
cung, là văn miếu, thì rất ít thấy, vì vậy ta rất hỗ thẹn với Phật đồ,
cho nên mới viết ra bài này...".
Bài văn bia của
Lê Quát, một nho sĩ không có thiện cảm gì với đạo Phật, có thể xem là
một sử liệu đáng giá, cho thấy mức độ phổ cập của đạo Phật, và sở dĩ
được như vậy là vì đạo Phật của phái thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân
Tông kiêm Thiền sư sáng lập, đã thật sự được lòng dân, đã giải đáp được
những nhu cầu tâm linh và tình cảm của dân chúng, hướng dẫn họ sống theo
nếp sống 5 giới, 10 thiện, tránh điều ác, làm điều lành.
Tin ở sức mình,
tin ở dân tộc và đất nước mình, tin ở luật nhân quả nghiệp báo, động
viên toàn dân hướng tới chân-thiện-mỹ, đó là công lao của văn hóa Phật
giáo, là sự sáng tạo của nhân dân Việt Nam.
Làng là hạt nhân
của sinh hoạt xã hội Việt Nam. Ðạo Phật đi vào làng với những chùa làng;
hầu như làng Việt Nam nào cũng có chùa, thậm chí có tới hai, ba chùa.
Chùa nằm ở rìa làng, thậm chí ngay ở gần chợ và được gọi là chùa chợ.
Ngoài ra, còn có chùa núi, chùa hang, thường là nơi hành hương chiêm bái
của nhân dân cả một vùng, hay thậm chí của cả nước, nếu đó là một thắng
cảnh nổi tiếng. Trẩy hội chùa hàng năm là một nét độc đáo và tốt đẹp
của sinh hoạt dân tộc, và cũng là đề tài gợi cảm hứng cho nhiều thi sĩ,
như nhà thơ của hồn quê Việt Nam đã viết:
"Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Lần làn tràng hạt niệm Nam mô!"
Con
người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, vừa là kẻ hưởng thụ văn hóa,
đồng thời cũng lại là đối tượng, là nguồn cảm hứng vô tận, là kho chủ đề
không bao giờ cạn của sáng tạo văn hóa, nghệ thuật... Chừng nào mà Phật
giáo Việt Nam cung cấp được cho nền văn hóa Việt Nam những chân giá trị
nhân bản, tôn vinh con người, làm đẹp cuộc sống con người thì Phật giáo
sẽ mãi mãi trường tồn trên đất nước này. Ðó chính là chức năng, là sự
nghiệp của những người con Phật ở Việt Nam, không kể người đó là tu sĩ
hay tại gia, mỗi người hãy tùy tâm, tùy sức đóng góp vào sự nghiệp
thiêng liêng và cao cả đó, một sự nghiệp mà tự thân nó đã là nguồn khích
lệ, cổ vũ cho những người tham gia rồi, không kể thành tích đạt được
như thế nào.
-ooOoo-
Ghi chú:
(1) Mô hình này
chính là cơ sở cho thuyết sử học của các triết gia hàng đầu như Hegel,
Spengler, Toynbee. Anh ngữ thường gọi là organic model (H.Robinson -
1967. Early Madhyamika in India and China).
(2) Xem Early
Madhyamika in India and China (phái Trung luận sơ kỳ ở Ấn Ðộ và Trung
Hoa). Richard Robinson, Madison, Milwaukee and London, 1967, tr.7.