Phần II - Bài 2
MỘT VÀI KHÁI NIỆM VỀ TRIẾT LÝ
TRONG ÐẠO PHẬT
Phật-Ðiển Hành-Tư
DẪN NHẬP
Nói đến đạo Phật,
một câu hỏi thường được đặt ra: Ðạo Phật là tôn giáo hay là triết học?
Qua bao nhiêu giấy mực bàn cãi sôi nổi, giới học thuật Ðông Tây hiện nay
chung quy đưa đến kết luận rằng đạo Phật không phải là tôn giáo, cũng
không phải là triết học, nếu căn cứ theo định nghĩa của các khái niệm
này một cách đơn thuần. Bởi vì, đạo Phật không chủ trương có một chủ tể
toàn quyền toàn năng sáng lập vũ trụ, không nương dựa thần quyền và cũng
không phải là những phiếm luận hão, những bàn thảo suông. Nhưng chỉ vì
sinh hoạt con người luôn phải đặt để vào hai phạm trù trên cho nên, vấn
đề lại cứ được - hay "bị"- nêu lên, và câu giải đáp khả thể là: Nếu là
tôn giáo thì đạo Phật là một tôn giáo cá nhân, và nếu là triết học thì
đạo Phật là một triết học thực tiễn. Tôn giáo cá nhân, bởi vì đạo Phật
không có giáo quyền, không có giáo hội tập trung bắt buộc giáo đồ phải
tuân phục theo những giáo lệnh do các giáo sĩ cấp cao đặt để ra và gán
ghép cho là lời thánh phán của một đấng giáo chủ nào đó; tín đồ đạo Phật
hoàn toàn được tự do khi phát nguyện tuân giữ những giới luật vốn không
phải là những luật lệ nghiêm cấm bắt buộc mà chính là những phương tiện
có mục đích nâng cao đời sống tinh thần của người trì giữ giới đã thọ,
gồm cả hai giới xuất gia và tại gia. Triết học thực tiễn, bởi vì đạo
Phật không thiết lập những nguyên lý chỉ để bàn cãi hay quảng diễn bằng
danh từ ngôn thuyết, mà chính là để áp dụng những nguyên lý đó vào cuộc
sống tu tập của mỗi cá nhân với mục đích tự đạt đến giác ngộ.
Trong phạm vi bài
này, chúng ta chỉ lược qua một vài ý niệm về triết lý của đạo Phật mà ý
nghĩa sâu rộng đã có nhiều sách vở bàn đến rồi. Khi nói đến triết lý
của đạo Phật, ai cũng nghĩ ngay đến Trung quán và Duy thức, hai trường
phái lớn đã phát huy và xiển dương tư tưởng triết học Ðại thừa đến tột
đỉnh. Hai hệ thống triết lý này, riêng ở phương Tây hiện nay đã có hàng
trăm tác phẩm khảo luận nghiêm túc, đưa triết học đạo Phật làm đối tượng
nghiên cứu cách khoa học và logic. Ở đây, ta trở về lại ngay chính
nguồn cội của hiện tượng được gọi là triết lý của đạo Phật, tức trở về
lại với Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni và bài pháp đầu tiên mà Ngài tuyên bố,
khai mở một trong những hệ thống tư tưởng lớn của nhân loại.
NỘI DUNG
Bài pháp đầu
tiên, được thâu tóm trong kinh Chuyển Pháp Luân
(Dhamma-cakkappa-vattana-sutta), làm căn bản cho nền tư tưởng và sinh
hoạt tâm linh của đạo Phật. Ðó là lời tuyên bố khẳng định của Bậc Giác
ngộ về Tứ diệu đế (Bốn chân lý):
1. Ðời là khổ (dukkha);
2. Khổ có nguyên nhân nơi tham ái (dukkha-samudaya);
3. Khổ có thể tiêu diệt được (dukkha-nirodha); và
4. Do tu tập theo con đường (dukkha-nirodha-gàminpatipadà) gọi là 37 phẩm trợ đạo, trong đó có Bát chánh đạo và Ngũ lực.
Lời
tuyên bố này được chia làm 2 vế: vế trước bao gồm hai chân lý đầu, là
một mô tả về thực tại tương đối, và vế tiếp, gồm hai chân lý sau, là lý
tưởng về thực tại cần phải được đạt tới. 1. Khổ (Khổ đế)
2. Nguyên nhân của Khổ (Tập đế) -- Thực tại tương đối (Tục đế)
3. Khổ có thể diệt (Diệt đế)
4. Con đường thoát Khổ (Ðạo đế) -- Lý tưởng đạt tới (Chân đế)
Cũng
giống như một bệnh nhân tìm thầy thuốc trị bệnh, người thầy thuốc nói:
ông có bệnh, đây là lý do ông bị bệnh, bệnh này có thể chữa khỏi, và đây
là toa thuốc trị hết bệnh. Như thế, đây là một thái độ hết sức tích
cực, đưa đến kết quả thực tiễn, không nương dựa theo một thần quyền nào,
và cho con người một tự do chọn lựa tuyệt đối: uống thuốc hay không
uống thuốc là tùy bệnh nhân muốn hết bệnh hay không. Nói cách khác, hai
chân lý đầu là một mô tả khách quan về Tục đế, và hai chân lý sau là lý
tưởng về Chân đế. Xưa nay, có nhiều quan niệm sai lầm, thiển cận, cho
rằng đạo Phật yếm thế, than van đời là khổ, là tiêu cực và bi quan. Nếu
Ðức Phật dừng lại ở chân lý đầu, tuyên bố "hễ có sự sống là có khổ" rồi
thôi, thì đúng thật nguồn đạo mà chúng ta đang tu tập theo quả là yếm
thế, và như vậy, đã không có thể tồn tại đến hôm nay. Nhưng mà, tuyên bố
"đời là khổ" chính là một lời sấm sét đánh thức con người trong cơn mê,
là một mô tả đúng thật về một thực tại chứng nghiệm được để đưa đến mục
đích là "phải thoát ra cái khổ" đó.
Thế nào là Khổ?
Sinh, già, bệnh, tử (hay thành, trụ, hoại, diệt); yêu nhau phải xa cách,
ghét mà phải gần hoài, cầu mà không được; những sự kiện đỗi thay ảnh
hưởng đến năm uẩn... Nói chung, tất cả những gì khiến con người không
được thỏa mãn gọi là Khổ. Ðây là một chân lý phỗ quát, không tùy thuộc
vào thời gian và không gian, hễ có sự sống là có sự bị tùy thuận vào
điều kiện sinh diệt, đồng thời có cơ hội cho con người nỗ lực vượt thoát
những điều kiện khiến con người cứ trôi lăn trong vòng sinh tử luân
hồi. Cho nên Ðức Phật Thích Ca tuyên bố giáo pháp của Ngài, cũng như của
chư Phật quá khứ, là: "Cũng như nước biển chỉ có vị mặn, Ðạo của ta chỉ
có một vị, đó là vị giải thoát".
Do vậy, sở dĩ gọi
là "chuyển pháp luân", chính vì Tứ diệu đế là cơ sở căn bản, là động
lực chính yếu đưa đến một hiện tượng hi hữu là đạo Phật. Bởi lẽ, mỗi một
chân lý đều bao gồm rất nhiều nguyên lý của đạo Phật, thí dụ như trong
Khổ đế, đã có nói đến nguyên lý vô ngã, vô thường, không v.v..., từ đó
các học phái về sau triển khai ra chi tiết như ngã không, pháp không,
ngã vô thường, pháp vô thường, tịch không, chân không diệu hữu, v.v...
làm cơ sở cho học phái của họ. Nói cách khác, hai chân lý trước là một
mô tả lục đạo luân hồi, còn hai chân lý sau là con đường đưa đến giải
thoát, Niết bàn. Cho nên, đạo Phật không yếm thế, không bi quan; trái
lại, rất tích cực, rất thực tiễn trong mục đích giải quyết những thắc
mắc tâm linh về sự hiện hữu của con người và của vũ trụ.
Có thể nói,
Chuyển Pháp Luân là bài pháp độc đáo, nhất quán, siêu việt, thâm áo, bao
hàm toàn thể tất cả những học thuyết, những hệ phái, dù theo pháp học
hay pháp hành, của đạo Phật. Cho nên chúng ta cần thấu triệt tư tưởng Tứ
diệu đế, một giáo lý tích cực, có mục tiêu hướng thượng và có con đường
(phương pháp) để đạt kết quả giải thoát một cách cụ thể. Chỉ có một
thấu triệt như thế ta mới có thể sáng suốt triển khai chân lý này nơi
các học thuyết và học phái, nhất là các phái thuộc Ðại thừa của đạo Phật
mà ta sẽ bàn đến sau.
Ở đây, ta thử
nhận định về Bát chánh đạo, một phần của chân lý thứ 4, 37 phẩm trợ đạo,
mà thông thường được diễn đạt theo hàng dọc:
(1) Chánh kiến
(2) Chánh tư duy
(3) Chánh ngữ
(4) Chánh nghiệp
(5) Chánh mạng
(6) Chánh tinh tấn
(7) Chánh niệm
(8) Chánh định
Theo
diễn đạt này, ta không thể giải thích thỏa đáng tại sao Chánh kiến lại
dẫn đầu để rồi kết thúc với Chánh định. Ðã gọi là chúng sinh đang đắm
chìm trong vô minh nên phải lăn lộn trong sinh tử luân hồi, thì làm sao
có được Chánh kiến, điều kiện tiên quyết để thực hiện trọn Bát chánh
đạo? Vậy tất yếu phải có một diễn đạt khác, không có điểm khởi đầu cũng
không có điểm kết thúc:
Chánh kiến |
Chánh tư duy |
Chánh ngữ |
Chánh định |
Bát chánh đạo |
Chánh nghiệp |
Chánh niệm |
Chánh tinh tấn |
Chánh mạng |
Bởi,
"Kiến" (thấy biết) ở đây không phải là thiên kiến, biên kiến hạn cuộc
bên này hay bên kia, mà là một cái "thấy" đúng sự thật. Do vậy có thể
nói, Chánh kiến không phải là điểm khởi đầu của một chuồi thực hành theo
con đường thẳng, theo chiều dọc, mà là kết quả của một chuồi thực hành
liên hoàn tám chi phần trong Bát chánh đạo. Bởi vì, để có được Chánh
kiến, hành giả cần phải biết nghe, rồi suy nghĩ về những điều nghe đó và
sau hết tu tập theo những điều nghe đó. Nghe gì? Nghe đạo pháp của Ðức
Phật Thích Ca, bắt đầu bằng Tứ diệu đế, các nguyên lý căn bản khác như
Nhân quả, Duyên sinh, Vô thường, Vô ngã v.v..., rồi tự suy tư về giá trị
của những nguyên lý trên, từ đó hành giả bắt đầu tu tập, hành trì dựa
trên căn bản của một nguyên lý nào phù hợp với căn cơ của chính mình. Từ
đó, ta thấy Bát chánh đạo đã là một mạng lưới bối cảnh bao quát tất cả
các vấn đề thuộc phương diện pháp học và pháp hành của đạo Phật. Ðể có
Chánh kiến, đòi hỏi trước tiên phải Văn - Tư - Tu, nhưng trong Tư (suy
nghiệm) thì đã có yếu tố đưa đến Chánh tư duy, trong lúc Tu (thực hành
sự tu tập) đòi hỏi không những chỉ Chánh ngữ là để giữ giới khẩu, Chánh
nghiệp giữ giới ý, Chánh mạng giới thân, mà cả luôn Chánh tinh tấn,
Chánh niệm và Chánh định, là một hành trình tu tập thiền quán tâm linh,
rồi tuệ mới có thể sinh khởi làm điều kiện phát sinh Chánh kiến. Do đó,
Bát chánh đạo có thể được hiểu là một vòng liên hoàn, không thể nào
thiếu mất một chi phần, cũng không thể nói chi phần nào là bắt đầu, bởi
chi phần này làm điều kiện cho những chi phần kia cùng là thao tác
chúng, cũng như ngược lại.
Cũng từ cơ sở
liên hoàn như thế, nên khi Thái tử Tất Ðạt Ða kiên trì thiền định dưới
cội Bồ đề ròng rã 49 ngày đêm, Ngài đã nghiệm chứng nguyên lý Duyên khởi
(paticca-samuppàda), vì cái này có cho nên cái kia có, vì cái này không
cho nên cái kia không, không có điểm bắt đầu, nhưng ngôn từ đòi hỏi một
phân tích cho nên thông thường được đề cập khởi sự bằng từ vô minh, vô
minh sinh hành, hành sinh thức, ..., vô minh diệt thì hành diệt, hành
diệt thì thức diệt..., hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử
diệt, mỗi khi chuồi xích này bị phá vỡ thì giải thoát, giác ngộ có mặt.
Ngày nay, học giả cũng như các nhà hoằng pháp tại phương Tây đều nhất
trí quan điểm rằng, sự vô thượng của Ðức Phật Thích Ca ở nơi Ngài là
người đầu tiên duy nhất ở cõi Ta bà này đã khám phá ra lý Duyên sinh,
gồm 12 khoanh liên hoàn nhau, và cũng chính sự khám phá này làm nguyên
nhân tối thắng đưa Ngài đến Chánh đẳng giác, sự giải thoát, giác ngộ rốt
ráo.
Trong tiếng Anh có nhiều các dịch ngữ cho từ này như: Interdependent Origination, Conditioned Co-production, Dependent Co-arising,
v.v... Có thể nói, với nguyên lý Duyên sinh, ngay từ đầu đạo Phật đã
không chấp nhận quan niệm về một đấng tối cao, một đấng tạo hóa, bởi vì
không có một sinh thể nào có thể hiện hữu một cách tự lập, tự tạo, không
từ nhiều nguyên nhân và điều kiện khác phối hợp lại mà có thể hình
thành. Nguyên lý này đưa địa vị con người lên tột đỉnh, không quỵ lụy
khuất phục run sợ hay bị sai khiến cúi đầu trước một chủ tể thần linh
nào, mà con người được tự do tuyệt đối chọn lựa "định mệnh" của mình,
nói theo thế gian, làm chủ lấy mình và giải quyết thân phận của mình nếu
biết tu tập theo đúng tinh thần Duyên khởi như chính Ðức Phật đã thể
nghiệm qua.
Triết lý Trung
quán, đặt nền tảng trên bộ luận Trung Quán (Madhyàmàka-sàstra) do Bồ tát
Long Thọ (Nagarjuna) tạo, được xem như là biện chứng pháp tuyệt đỉnh
của triết lý đạo Phật, là dựa trên nguyên lý Duyên sinh này. Bốn vế tám
câu lừng danh của ngài Long Thọ, "Bất sinh diệc bất diệt, bất cấu diệc bất tịnh, bất tăng diệc bất giảm, bất thường diệc bất đoạn"
có thể tóm tắt vào hai câu: "Vì cái này có nên cái kia có, cái này
không cho nên cái kia không", xuyên suốt cả thời gian (sinh diệt, tăng
giảm) và không gian (cấu tịnh, thường đoạn), hai nguyên tố tiên khởi làm
điều kiện cho mọi sinh thể, trong đó có con người, hiện hữu. Nguyên lý
này, Ðức Phật đã dạy, tức là vào buỗi sơ thời đạo Phật đã đặt nền tảng
cơ sở cho những triển khai của triết lý Ðại thừa rồi. Và cũng từ nơi lý
Duyên sinh này mà Pháp Tạng (643-712), được xem như là đệ nhất tổ Hoa
Nghiêm tông Trung Hoa, nỗi tiếng với bộ Kim sư tử chương, dùng kính ảnh
kính chiếu các tượng sư tử trước cung đình Võ Tắc Thiên để biện giải
thuyết "trùng trùng duyên khởi" trong triết học Hoa Nghiêm. Cho nên
không phải không có lý khi Ðại thừa quan niệm trong năm thời giáo của
Ðức Phật, sau khi Ngài chứng đắc Tam miệu Tam bồ đề (Sammyak Sambodhi)
thì lại giảng về Hoa Nghiêm (Hoa Nghiêm thời), nhưng vì thính chúng
không ai thấu triệt được nguyên lý biện chứng Sinh khởi này, cho nên Ðức
Phật mới lại phải tuyên bố về thực tại tương đối trước (A Hàm thời).
Kinh Hoa Nghiêm được xem như là bộ kinh thâm áo nhất của Phật giáo.
Ngoài nguyên lý
Duyên sinh, mà Trung luận là đại biểu sâu nhất cho Luận bộ và Hoa Nghiêm
cao nhất cho Kinh bộ, Ðại thừa còn thêm một hệ tư tưởng khác sánh vai
với Trung luận đã đi vào dòng triết học thế giới, nhất là triết học Tây
phương, một cách thuyết phục mà hiện tại đã trở thành một khuynh hướng
tâm lý thực nghiệm ứng dụng để làm trị pháp tâm linh, đó là triết lý Duy
thức. Duy thức (Vijnanaptimàtra) hay Duy tâm (Cittamàtra) hay Du già
(Yogàcàra), đặt cơ sở trên nguyên lý tất cả hiện hữu chỉ do thức. Ngoài
thức, không có gì tất cả. Thức, hay Tâm, của nền triết học do Bồ tát Thế
Thân (Vasubandhu) xiển dương, lại cũng là một quảng diễn lời dạy của
chính Ðức Phật: "Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm làm chủ, Tâm tạo tác..."
trong phẩm "Song yếu" của kinh Pháp Cú (Dhammapàda). Từ những lời dạy
căn bản này, cũng chính ngài Thế Thân đã trước tác bộ A-tì-đàm Câu-xá
luận (Abhidharmakosa-sàstra) thuộc khuynh hướng Nhất thiết hữu
(Sarvastivàda) và Tì bà sa (Vaibhàsika) của Nguyên thủy, rồi sau đó, lại
phát huy khuynh hướng Ðại thừa với hai bộ luận ngắn: Duy thức Nhị thập
tụng (Vimsatika) và Duy thức tam thập tụng (Trimsika-vijnäàpti-kàrikà),
làm căn bản cho Duy thức học Ðại thừa Ấn Ðộ, để rồi ngài Huyền Tráng dựa
theo để soạn Thành Duy Thức luận (Vijnanàptimàtratasiddhi), lập thành
Duy thức học Trung Hoa.
Duy thức được
giải thích trên nền tảng "chủng tử" (bìja), là nơi chất chứa và phát
sinh ngũ uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức - tạo thành sinh thể; và do
vì sinh thể chỉ là do ngũ uẩn hợp thành, cho nên sinh thể không có tự
tính thật sự độc lập; nói cách khác, những gì là Duyên sinh thì Vô ngã.
Ta thấy, một tràng lý giải về vai trò tâm thức trong đạo Phật như thế,
đã được Ðức Phật giảng giải tận tường hơn hai ngàn năm trăm năm về trước
rồi, không phải đợi đến Freud hay Carl Jung nhắc đến mới hình thành. Và
tất cả cũng đều quy tụ về đích điểm: con người. Khi còn trong vòng vô
minh, thì thấy "cái ta" hiện hữu, khi ngộ đạt rồi thì tất cả đều không:
"Vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức...".
Dựa trên nguyên
lý Vô ngã, Phật giáo Nguyên thủy bắt đầu bằng Ngã để tu tập tiến đến Vô
ngã của hành giả, không nhấn mạnh khía cạnh cứu độ chúng sinh; trong khi
Ðại thừa bắt đầu bằng vô ngã đi đến chỗ thấy không có chúng sinh để độ.
Cả hai quan niệm chỉ khác biệt nhau từ điểm xuất phát, cùng đưa đến
đích điểm là giải thoát, phối hợp cả hai pháp học và pháp hành, quán sát
chân tánh của thực tại (Chân đế) xuyên qua thực nghiệm trạng thái của
hiện tượng (Tục đế).
KẾT LUẬN
Ngoài Bát chánh
đạo áp dụng cho cá nhân hành giả, thì một cụm khác trong 37 phẩm trợ
đạo, Ngũ lực, gồm Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh và Tuệ lực, lại còn làm động lực
cho các học phái lớn phát triển, trong đó, Tấn lực, tinh tấn, là yếu tố
và điều kiện tiên quyết. Trong 37 phẩm trợ đạo, có bốn nơi nhắc đến Tấn
hạnh (vìrya): Tứ chánh cần (catursamyak-prahànàni), một danh nghĩa khác
để gọi Chánh tinh tấn, một chi quan trọng trong Bát chánh đạo; Tinh tấn
giác chi trong Thất giác chi (sapta-bodhyanga); và là một trong Ngũ lực
này. Ðó là không kể Lục độ, trong đó Tinh tấn Ba la mật là điều kiện
phải có để thực hiện Thiền định Ba la mật, v.v... Những điều đó cho thấy
rằng đạo Phật không xem trọng tư duy bằng hành động, và chủ trương lý
luận phải thực tiễn; con người lúc nào cũng phải tinh tấn, không được
giải đãi, mới có thể tiến phát trên đường tu. Tu tập Ngũ lực hoàn toàn
sẽ đạt được quả La hán (kinh Tạp A Hàm XLVIII.IV.II.ii), nhưng về sau,
các hành giả và trí giả có khuynh hướng triển khai riêng một trong Ngũ
lực để từ đó đạt giác ngộ, do vậy mà phát sinh các học phái khác nhau.
Thí dụ như Trung quán thì triển khai Tuệ lực, Thiền hay Du già tức Duy
thức triển khai Ðịnh lực, Tịnh độ thì Tín lực và Mật tông thì Niệm lực.
Do đó, nhìn nguyên tắc tu tập 37 phẩm trợ đạo từ góc độ triết lý, ta
thấy Ngũ lực có thể được xem như là căn bản để thiết lập tư tưởng Trung
quán, Thiền hay Du già (Duy thức), Tịnh độ và Mật, bốn khuynh hướng lớn
của triết học Phật giáo.
Chúng ta thường
mỗ xẻ các hệ luận trong đạo Phật một cách riêng biệt, theo chiều dọc hay
chiều ngang bằng con đường thẳng bị cắt thành từng đoạn và từ nhiều góc
độ, phương pháp cũng như mục đích khác nhau, điều này giống như người
mù sờ voi, không thể có một cái nhìn toàn diện và siêu việt ý niệm về sự
hiện hữu của một sinh thể gọi là "con voi". Cũng thế, vì chúng ta không
có được cái nhìn nhất quán về đạo Phật, cho nên có những tranh cãi theo
biên kiến, cho rằng Nguyên thủy là truyền thống còn Ðại thừa là sai
lạc; hoặc tự cho Ðại thừa là lợi tha, còn Nguyên thủy ích kỷ, v.v...
Nhưng thật ra, những hành động hy sinh vô bờ bến của những quan niệm về
Bồ tát hạnh trong Ðại thừa đã có mặt trong các truyện Tiền thân của Ðức
Phật rồi. Có điều, Nguyên thủy quan niệm chỉ có một Bồ tát, đó là những
tiền thân của Ðức Phật, trong khi Ðại thừa thì quan niệm ai cũng có thể
lập hạnh hy sinh vô bờ bến như Bồ tát cả.
Cho nên, nếu nhất
quán, ta sẽ thấy tất cả các nguyên lý căn bản của đạo Phật, đều đã được
Ðức Phật Thích Ca thuyết giảng ngay buổi sơ thời, làm cơ sở cho gốc cây
truyền thống nguyên thủy để cho thân cây vươn lên sừng sững chắc thật
với bao cành lá hoa trái tươi đẹp xum xuê cho bao người được lợi lạc.
Không có gốc cây khi không có cành lá hoa trái, nhưng không có hoa trái
lá cành thì cũng không ai biết đến gốc cây. Mà nhất quán chỉ có những
lời dạy nguyên thủy từ chính kim khẩu của Ðức Phật để rồi qua thời gian,
triển khai thành tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn nào đưa đến giải
thoát, đến Niết bàn thì đó là Chánh pháp.
Bởi vì, Chánh
pháp không phải là một con đường trong nhiều con đường, mà chính là Con
đường (Ðạo). Không phải vì chúng ta theo đạo Phật mà mù quáng bênh vực
và tự cho là triết lý đạo của mình độc tôn, như những thái độ bảo vệ tôn
giáo khác của các tín đồ của họ, nhưng vì Ðạo pháp được trình bày một
cách minh bạch và chính xác, hai điều kiện làm cơ sở thiết yếu cho khoa
học chứ không phải cho tôn giáo, trình bày những phương pháp và luật tắc
phỗ cập để con người có thể đạt đến Giác ngộ mà không cần đến một thần
quyền nào, có thể nghiệm chứng được một cách logic, do đó là những điều
kiện mà Ðạo pháp đặt làm căn bản và là phương tiện để đạt đến. Cho nên
Ðạo pháp không phải là một trong những con đường đưa đến Niết bàn, mà là
nguyên lý cơ bản, là logic, của mọi con đường. Sự biến mất của Ðạo
không đồng nghĩa với sự tiêu diệt của một tôn giáo, mà là sự biến mất
của phương tiện đưa đến Niết bàn. Sự biến mất đó có thể kéo dài đến hàng
triệu năm, cho đến khi một vị Phật ra đời, để con đường giải thoát một
lần nữa được khám phá ra, được tu tập theo, và được tuyên bố xiển dương.
Sự vĩ đại của Ðức Phật Thích Ca không phải là Ngài chứng đắc Niết bàn,
mà ở chồ, sau hàng trăm triệu năm, Niết bàn lại một lần nữa được Ngài
diễn đạt cách thực tiễn, không phải cho riêng Ngài, mà là cho vô số
chúng sinh, vì lợi ích, vì hạnh phúc an lạc cho số đông.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của bài pháp đầu tiên mà Ðức Phật thuyết sau khi thành đạo.
2. Trình bày nguyên lý cơ bản trong triết học Phật giáo.