Giáo
lý Duyên khởi là căn bản của hệ thống triết học Phật giáo. Nhận thức
đúng giáo lý Duyên khởi sẽ giúp cho các học viên, hành giả thấy rõ sự
thật của con người, cuộc đời và giá trị hạnh phúc. Do vị trí nền tảng
trong toàn bộ giáo lý Phật giáo nên các học viên cần nghiên cứu và suy
tư về nội dung bài giảng này một cách kỹ lưỡng.
Sau đây, Ban
Hướng dẫn Chương trình PHHT trân trọng giới thiệu đề cương bài giảng về
giáo lý Duyên khởi của Thượng tọa tiến sĩ Thích Chơn Thiện. Nội dung này
nguyên là đề cương bài giảng của Thượng tọa tại các Học viện PGVN.
Ngoài nội dung được giới thiệu ở đây, học viên cần tham khảo thêm phần
triển khai giáo lý này trong các tác phẩm Phật học khái luận, lý thuyết
nhân tính hiển lộ qua kinh tạng Pàli, cùng tác giả.
BAN HƯỚNG DẪN CHƯƠNG TRÌNH PHHT
-ooOoo-
I. TỔNG QUÁT:
- Theo Tương Ưng Bộ kinh, tập II (tập 16, 17, đại 2, 85a);
- Theo kinh Phật Tự Thuyết (Udàna), Tiểu Bộ kinh;
- Theo kinh Ðại Bỗn, Trường Bộ kinh II, Ðại tạng kinh Việt Nam (ÐTKVN);
- Theo kinh Ðại Duyên, Trường Bộ kinh II, ÐTKVN;
- Theo kinh Trường Ðại Bỗn Duyên, Trường A Hàm I, ÐTKVN;
- Theo kinh Ðiển Tôn, Trường A Hàm I, ÐTKVN, và nhiều kinh khác thuộc Nam tạng, Bắc tạng (Pháp Hoa...).
Duyên khởi là
giáo lý mà từ đó Thế Tôn giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế
Tôn Thích Ca Mâu Ni và chư Thế Tôn quá khứ đều giác ngộ Vô thượng giác
từ giáo lý Duyên khởi (vì Duyên khởi là thực tính, thực tướng của tất cả
pháp).
- Kinh 28, Trung Bộ kinh I (Tượng Tích Dụ Ðại kinh).
- Tương Ưng III, tr.144 (bản dịch của Hòa thượng Minh Châu, ÐTKVN);
- Tiểu Bộ kinh I, tr.48 (bản dịch của Hòa thượng Minh Châu, ÐTKVN);
Ghi lại lời Thế Tôn dạy rằng: "Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Ta (Phật)".
Từ đấy, thấy
Duyên khởi triệt để quả là một cái thấy của một vị Phật. Thấy Duyên khởi
là thấy sự thật Vô ngã của các pháp (hữu vi và vô vi), đây là cái thấy
độc đáo nhất trong lịch sử tôn giáo và triết học xưa nay. Chính Vô ngã
là nét đặc thù của giáo lý Phật giáo, khác biệt hẳn với mọi triết
thuyết, tín ngưỡng của thế gian: Giữa khi 62 học thuyết của Ấn Ðộ đương
thời và giữa khi nhân loại đang chấp thủ ngã và ngã sở (Ta, của ta) để
chìm sâu vào sinh tử thì Ðức Phật nói lên tiếng nói Vô ngã (không phải
ta, không phải của ta).
Tóm lược sự kiện giác ngộ vào đêm cuối cùng sau 7 tuần lễ (có tài liệu ghi 4 tuần lễ) thiền quán dưới cội bồ đề của Thế Tôn...
Kết luận:
* Vào cuối canh 1: Thấy nhân quả ở tự thân (thấy rõ nhân quả qua Túc mệnh).
* Vào cuối canh 2: Thấy nhân quả ở chúng sanh (Minh và Thiên nhãn minh).
* Vào cuối canh 3: Thấy rõ nhân quả và sự thật của Tứ đế (đắc Lậu tận minh).
* Vào cuối canh 5: Chứng ngộ Vô thượng Bồ đề sau khi thiền quán xuôi ngược chiều Duyên khởi.
Chứng ngộ Duyên
khởi, Nhân quả và Tứ đế cùng lúc cuối canh 3 (đó là toàn bộ nội dung
chứng ngộ Vô thượng Bồ đề của Thế Tôn). Từ ba giáo lý căn bản đó, Phật
giáo ra đời. Và cũng từ đó, sau đó 18 bộ phái Phật giáo ra đời. Ðấy là
Phật giáo!
II. ÐỊNH NGHĨA DUYÊN KHỞI:
Duyên khởi là gì? Thế Tôn định nghĩa:
- "Do vô
minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh;
do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ
sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do
hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay
toàn bộ Khổ uẩn sinh. Ðây gọi là Duyên khởi". (Tương Ưng Bộ kinh II,
tr.1-2).
- "Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt;..., sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.
Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Này các Tỳ kheo, như vậy là đoạn diệt" (Ibid, tr.1-2).
Khi 12 nhân duyên sinh khởi thì đồng nghĩa với khổ uẩn khởi.
Khi 12 nhân duyên đoạn diệt thì đồng nghĩa với khổ uẩn diệt.
Tất cả đó gọi là Duyên khởi. -
"Pháp Duyên khởi ấy, dù Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú
là giới tánh ấy, pháp quyết định ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn
chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên thuyết, tuyên bố, khai triển, khai
thị, minh hiển, minh thị. Ngài dạy: "Duyên vô minh, này các Tỳ kheo, có
các hành,... Như vậy, này các Tỳ kheo, ở đây là như tánh, bất hư vọng
tánh, bất dị như tánh, y duyên tánh ấy. Này các Tỳ kheo, đây gọi là
Duyên khởi", (Ibid, tr.31).
[Ghi chú: Do
duyên nên các pháp khởi lên, tồn tại nên gọi là pháp trú tánh ấy
(Dhammatthitatà). Các duyên ra lệnh hay an trú các pháp, do vậy được gọi
là Pháp quyết định tánh ấy. Các duyên của sanh, già, bệnh, chết... là
các duyên đặc biệt gọi là y duyên tánh ấy].
* Thế nào là pháp do duyên mà sinh (Duyên sinh pháp)? "Gọi là duyên sinh pháp là các pháp được tác thành, hữu vi, biến hoại, tan rã, đoạn diệt, vô thường" (Ibid, tr.31).
* Trong kinh Phật Tự Thuyết (Udàna; Tiểu Bộ kinh), Duyên khởi được tóm tắt như sau: - Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
- Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt.
- Do cái này sinh, nên cái kia sinh.
- Do cái này diệt, nên cái kia diệt.
III. NỘI DUNG CỦA 12 CHI PHẦN DUYÊN KHỞI:
- Vô minh
(Avijjà): "Không hiểu rõ Tứ đế gọi là Vô minh" (Tương Ưng II, tr.4). Có
thể phát biểu cách khác rằng, không hiểu rõ Duyên khởi, Vô ngã là Vô
minh.
- Hành (Sànikharà): "Gồm có thân hành, khẩu hành và ý hành" (Ibid, tr.4).
- Thức (Vinänäànà): "Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức" (Ibid, tr.4).
- Danh sắc
(Nàma-rùpa): "Danh gồm xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư (có nơi trình bày
Danh sắc gồm có Thọ, Tưởng, Hành và Thức uẩn). Sắc là tứ đại và các pháp
do tứ đại sanh" (Ibid, tr.4).
- Lục nhập
(Chabbithàna: sáu xứ): "Gồm có 6 nội xứ (nhãn căn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân
và ý căn) và 6 ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp)" (Ibid,
tr.4).
- Xúc (Phassa): "Có 6 xúc: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc" (Ibid, tr.4).
- Thọ (Vedàna): "Có 6 thọ: thọ do nhãn xúc sanh..., và thọ do ý xúc sanh" (Ibid, tr.4).
- Ái (Tanhà): "Sắc ái, thanh, hương, vị, xúc và pháp ái; hay dục ái, sắc ái, và vô sắc ái" (Ibid, tr.4).
- Thủ (Upàdàna): "Có 4 thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ" (Ibid, tr.3).
- Hữu (Bhava): "Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu" (Ibid, tr.3).
- Sinh (Jàti):
"Cái gì thuộc loài chúng sinh bị sinh, xuất sinh, giáng sinh, đản sinh,
xuất hiện các uẩn, thành tựu các xứ thì gọi là sinh". (Ibid, tr.3).
- Lão tử
(Jarà-marana): "Cái gì thuộc các loài chúng sinh bị già, yếu, suy nhược,
răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuỗi thọ lớn, các căn chín muồi thì gọi là
già. Cái gì thuộc các loài chúng sinh bị từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, các
uẩn tàn lụn, thân thể vứt bỏ, tử vong thì gọi là chết" (Ibid, tr.3).
IV. CÁC HỆ LUẬN TỪ DUYÊN KHỞI:
1. Hệ luận 1: Các pháp do duyên mà sinh nên thật sự chúng là không có tự ngã.
Nói khác đi, cái gọi là tự ngã thì rồng không. Ðây là ý nghĩa "Nhất thiết pháp vô ngã".
2. Hệ luận 2: Các pháp hữu vi do duyên mà sinh nên biến dịch không ngừng.
Ðây là ý nghĩa: Các pháp hữu vi là Vô thường (các hành = vô thường).
3. Hệ luận 3: Các pháp hữu vi do 12 nhân duyên mà sinh (trong đó có ái, thủ) nên khổ đau (do vô thường mà khổ đau).
4. Hệ luận 4: Cái gì vô thường, cái ấy là vô ngã. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ đau. Cái gì khổ đau, cái ấy là vô ngã.
5. Hệ luận 5:
Do vì vô ngã là sự thật của các pháp, mà sự thật là Niết bàn, nên vô
ngã là Niết bàn và là pháp tánh, Phật tánh (hữu vi và vô vi đều vô ngã).
6. Hệ luận 6: Giác ngộ sự thật toàn triệt là chứng đắc Niết bàn, nên chứng đắc Niết bàn là chứng đắc thực tại Vô ngã hay thể nhập Pháp tánh.
7. Hệ luận 7:
Do vì sự thực rốt ráo là Vô ngã nên chứng đắc Niết bàn hay chứng đắc
thực tại vô ngã là không chứng đắc (do chủ thể và đối tượng của chứng
đắc đều là vô ngã). Có thể nói rằng đắc cái vô đắc là thật đắc, là thực
sự thể nhập Pháp tánh.
8. Hệ luận 8:
"Vô đắc" hay đắc "Vô đắc" thì ở ngoài phạm trù tương hệ giữa chủ thể và
đối tượng; do vậy ở ngoài trí của thế gian: Ðây gọi là trí xuất thế
gian (xuất thế gian trí).
9. Hệ luận 9:
Nếu Duyên khởi hay Vô ngã không phải là sự thật, thì sự kiện "Vô đắc"
hay "Ðắc vô đắc" không có mặt, do vậy "Giải thoát" và "Tri kiến giải
thoát" không được thành lập. Nhưng vì sự thật có giải thoát nên Duyên
khởi hay Vô ngã quyết định là sự thật.
10. Hệ luận 10:
Vì sự thật là Vô ngã hay Duyên khởi nên nó không thể được gọi là
thường, đoạn, khứ, lai, nhất, dị, sanh là diệt (Ðây là ý nghĩa của Bát
Bất Trung đạo).
11. Hệ luận 11:
Từ sự thật của 12 chi phần Duyên khởi, vận hành của một chi là sự vận
hành của 11 chi còn lại (hay là vận hành của toàn thể 12 chi). Các pháp
hiện hữu, do vậy, tất cả đều là vận hành của 12 chi Duyên khởi. Ðiều này
có nghĩa là một là tất cả hay tất cả là một, hoặc tất cả là tất cả; và
đây chính là kia, kia chính là đây; quá khứ, hiện tại, vị lai là một và
do vậy có các loại thần thông tự tại.
12. Hệ luận 12:
Vì tất cả các tông phái Phật giáo đều chủ trương Duyên khởi, Vô ngã là
sự thật duy nhất và tối hậu, nên Câu Xá tông, Thành Thật tông, Trung
Quán luận (hay Tam Luận tông) Duy Thức tông và Hoa Nghiêm tông đều cơ
bản là "Nhất thừa" hay "Ðại thừa". (Nếu cho rằng Câu Xá và Thành Thật
tông là Tiểu thừa; còn Duy Thức tông là bán Ðại thừa, v.v... thì là lầm
lẫn!).
13. Hệ luận 13:
Có thể nói rằng Phật giáo là Duy Duyên khởi hay Duy Vô ngã (tương tự Vô
duy: nonism), Duy thức là Duy Duyên khởi (hay Duy hành, Duy danh sắc,
Duy xúc, v.v...); Bát Nhã, Hoa Nghiêm, ..., là Duy Duyên khởi, Vô ngã.
14. Hệ luận 14:
Vì hết thảy các pháp là Vô ngã, nên khi diễn đạt sự chứng ngộ toàn
triệt thực tại của Thế Tôn, các luận sư có thể phát biểu không có Niết
bàn (không thể thành lập khái niệm về Niết bàn: nhất thiết vô Niết bàn).
Do không có khái niệm Niết bàn nên không có khái niệm về "Phật Niết
bàn", không có "Niết bàn Phật" [Bởi vì chủ thể chứng đắc Niết bàn là Vô
ngã và đối tượng chứng đắc ấy (là Niết bàn) là Vô ngã]. Ðây là điểm giáo
lý truyền thống.
15. Hệ luận 15:
Vì Duyên khởi là sự thật tối hậu của thực tại (Vô ngã cũng thế), nên
Duyên khởi là nền tảng của tất cả giáo lý, bộ phái, tôn giáo, triết
thuyết nào nói về sự thật. Ðây là điểm thống nhất giáo lý các bộ phái.
Sự khác biệt giữa các bộ phái chỉ là sự khác biệt về thể thức, phương
thức trình bày, và khác biệt về pháp môn hành trì đi đến giải thoát cho
tự thân và cho số đông quần chúng, mà không phải là sự khác biệt về bản
chất.
16. Hệ luận 16:
(về bảo vệ môi sinh): Vì không gian là Vô ngã (kia là đây, đây là kia),
nên môi sinh là các cá nhân, các cá nhân là môi sinh. Không thể tách ly
cá nhân và môi sinh, tập thể xã hội.
17. Hệ luận 17:
(về xây dựng nền văn hóa mới): Nền văn hóa thế gian là nền văn hóa do
sự vận hành của Hữu ngã (hay của Vô minh) chỉ dẫn đến khổ đau và những
tác nhân gây ra khổ đau như bạo động, chiến tranh. Một nền văn hóa dẫn
đến hòa bình, an lạc, hạnh phúc, do vậy phải là nền văn hóa Vô ngã.
18. Hệ luận 18:
Một hệ thống giáo dục thường xây dựng các mẫu người giáo dục, các lý
thuyết về nhân tính như là các lý thuyết về sự hiện diện một tự ngã
(Self-ego), do vậy bất ỗn, chỉ dẫn đến các lúng túng. Chính Duyên khởi,
Vô ngã hay Ngũ uẩn là mẫu giáo dục hay mẫu nhân tính dẫn đến an lạc,
giải thoát cần được xây dựng.
19. Hệ luận 19: (phủ
nhận nguyên nhân đầu tiên): Vì sự thật là Vô ngã nên không có nguyên
nhân đầu tiên (bởi nguyên nhân đầu tiên được dựng lên bởi ý niệm hữu
ngã).
Vì sự thật là sự thật chính nó nên nó không thể do bị sinh.
20. Hệ luận 20: [Phủ nhận các câu hỏi về nguồn gốc hay bản chất của sự vật - cái bản chất được hiểu như là noumène (nomeno)].
Phủ nhận Siêu hình học phương Tây.
21. Hệ luận 21:
(≈ Kinh Kim Cương): Phủ nhận các chủ trương cho rằng có cái ngã tuyệt
đối như là sự thật tối hậu (bởi sự thật tối hậu là Duyên sinh, Vô ngã).
22. Hệ luận 22:
(≈ Hoa Nghiêm, Pháp Hoa): Vì thực tại là Duyên khởi, trùng trùng Duyên
khởi, nên giáo lý Duyên khởi là Hiện tượng luận (Phenomenology) của Phật
giáo (là toàn thể tính Duyên sinh; thoát ly nhị kiến, nhị biên hay nhị
nguyên).
23. Hệ luận 23:
(về Tứ đức Niết bàn mà một số học giả Phật giáo đề cập: Thường, Lạc,
Ngã, Tịnh): Vì thực tại là Trung đạo hay Vô ngã, nên Thường là sự thật
thoát ngoài ý nghĩa của thường và đoạn; Lạc là ý nghĩa thoát ngoài lạc
và khổ của Thọ uẩn; Ngã là thật ngã Vô ngã; Tịnh có nghĩa là dập tắt hết
Khổ, hết Lậu hoặc, hết Ái, Thủ.
24. Hệ luận 24:
(ba nguyên lý căn bản của tư duy của Aristotle): Vì thực tại là Vô ngã,
nên tư duy nhị nguyên đầy ngã tính thì khác với thực tại, nó là những
gì của vọng niệm sinh diệt.
25. Hệ luận 25:
Do nhất thiết pháp là Duyên khởi nên hữu tình, vô tình đều là Duyên
khởi, do thế mà có lời nguyện: "Tình dữ vô tình (≈ tam hữu), giai cọng
thành Phật đạo).
V. CÁC CÂU HỎI VỀ DUYÊN KHỞI:
Câu hỏi 1:
Khi Thế Tôn giảng
về Duyên khởi, Tôn giả Moliya Phagguna hỏi: "Bạch Thế Tôn, ai cảm xúc?
Ai thọ? Ai khát ái? Ai chấp thủ? (Tương Ưng Bộ kinh II, tr. 15-16).
Ðức Phật dạy:
"Như Lai chỉ dạy xúc, thọ, ái, thủ..., chớ không dạy người nào xúc, thọ,
ái, thủ..., nên câu hỏi của Tôn giả không phù hợp với định lý Duyên
khởi. Câu hỏi phù hợp là: "Do duyên gì, xúc sinh? Thọ sinh? v.v..."
(Tương Ưng II, tr.16).
Câu hỏi 2:
Ngoại đạo lõa thể
Kassapa (Tương Ưng II, tr.22) và ngoại đạo du sĩ Timbakura (Tương Ưng
II, tr.26) đặt câu hỏi với Thế Tôn rằng: "Có phải khổ do mình làm ra hay
do người khác làm ra? Hay do mình và người khác làm ra? Hoặc khổ do tự
nhiên sinh?".
Ðức Phật dạy nghĩa Trung đạo rằng: "Khổ do duyên sinh" (khổ do xúc sinh).
Tương Ưng II
(tr.20) ghi, một hôm Ðức Phật cắt nghĩa với Tôn giả Kaccayana rằng: Ai
không chấp thủ, vị ấy không nghĩ đây là tự ngã của tôi, thì khi khổ sinh
thì xem là sinh, khi khổ diệt thì xem là khổ diệt, mà không xem có tôi
khổ, hay tôi hết khổ.
Câu hỏi 3:
Nếu là Vô ngã thì ai tu? Ai chứng đắc? Ai luân hồi?
Các câu hỏi này
tương tự như câu hỏi của Moliya Phagguna bạch hỏi Thế Tôn. Câu trả lời
đã có: Câu hỏi không phù hợp với sự thật Duyên khởi! (Vô minh chính là
nội dung thấy có cái "Ai", cái ngã hiện hữu. Giải thoát là giải thoát
khỏi tham ái, chấp thủ ngã ấy).
Câu hỏi 4:
Kimura Taiken,
trong "Ðại thừa Phật giáo tư tưởng luận" (bản dịch: Thích Quảng Ðộ, Tu
thư Vạn Hạnh, 1969) cho rằng Duyên khởi cũng không ngoài tâm mà có, gốc
của nó là cái Tâm. Ðây cũng là một ngộ nhận rất lớn và rất tế nhị! Thực
ra Tâm (hay Thọ, Tưởng, Hành và Thức) là do "Duyên khởi" sinh. Tu tâm là
tu để đoạn trừ tham ái tâm, chấp thủ tâm để thể nhập được thực tại Vô
ngã. Thế đấy!
VI. VẬN HÀNH CỦA DUYÊN KHỞI:
Có nhiều sự trình
bày về sự vận hành của Duyên khởi bằng cách chia 12 chi phần nhân duyên
ra làm 3 nhóm của Quá khứ (Vô minh và Hành), Hiện tại (8 chi kế tiếp)
và Tương lai (hai chi sau cùng) như Câu Xá và A Tỳ Ðàm và nhiều nơi
khác. Ðây chỉ là một ngộ nhận! Hãy đi vào sự vận hành của 12 nhân duyên
thì ý nghĩa trên sẽ hiển lộ.
Từ định nghĩa 12
chi phần nhân duyên ở phần trước (III), ta thấy rõ Vô minh là suối nguồn
của sinh tử và khổ đau. Chính nó cũng không có như một thực thể, mà là
do duyên mà sinh. Nó không phải là nguyên nhân đầu tiên.
Không biết rằng
Vô minh là do duyên (hay 11 chi phần còn lại) mà sinh là Vô minh. Ðấy là
hiện tượng Vô minh chồng chất. Do đó, con người chấp thủ rằng: Có tự
ngã. Do tà kiến và tà tưởng này, con người đi tìm kiếm sự thật hay
nguyên nhân đầu tiên của thế giới, và khởi lên lòng tham ái, sân hận, si
mê vốn là động cơ của các hành (của hành động của thân, lời và ý).
Khi tư duy Hữu
ngã vận hành, thì thức có mặt và vận hành. Sự vận hành của thức đòi hỏi
sự có mặt của chủ thể và đối tượng nhận thức (Lục nhập, Danh sắc) hay
thế giới bên ngoài (Tam hữu); sự gặp gỡ của chủ thể và đối tượng nhận
thức là Xúc; bấy giờ Cảm thọ tức thì có mặt. Như thế các chi phần Vô
minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Hữu cùng có mặt trong
mọi quá trình vận hành của tâm lý. Cảm thọ bao gồm phản ứng tâm lý (Tham
và Si hay Sân và Si); Ái ấy bao hàm chấp thủ. Chúng là vô cùng và biểu
hiện dưới vô vàn hình thức bất tận. Ðiều này hẳn là một lần nữa đòi hỏi
sự hiện diện của Tam hữu (Tibhava).
Nói tóm, một khi
tư duy Hữu ngã vận hành thì toàn thể 12 chi phần Duyên khởi vận hành.
Các chi phần Duyên khởi và các pháp bị tác thành đều vận hành theo Vô
ngã. Vô thường và Khổ đau. Con người là một pháp hữu vi (Sànkharà) là sự
vận hành của 12 chi phần nhân duyên dẫn đến Khổ đau nếu tư duy bị chế
ngự bởi chấp thủ tự ngã, hay nếu bị tư duy Hữu ngã chế ngự. Nếu giác
tỉnh Vô ngã và tư duy vận hành trong thế giới Vô ngã thì sự vận hành tâm
lý sẽ dẫn đến sự đoạn diệt Khổ đau. Bấy giờ, thế giới (hay Tam giới)
vẫn còn nguyên ở đó, nhưng lại hiện diện trong vận hành Vô ngã của tâm
lý. Bấy giờ giấc mơ dài của sự an lạc và hạnh phúc trở thành hiện thực;
giấc mơ đẹp của văn hóa, giáo dục trở thành hiện thực.
Chỉ cần sự có mặt
của hai chi phần Chánh kiến và Chánh tư duy của Bát Thánh đạo là đủ để
mở ra một hướng vận hành của văn hóa và giáo dục, mở ra một vận hội mới
cho trái đất đi ra các khủng hoảng của xã hội và môi sinh.
Tại đây, giáo lý
Duyên khởi không phải xuất hiện như một giáo lý Phật giáo, mà là một
triết lý, lý thuyết của một nền giáo dục hiện đại của thế kỷ XXI vậy.
VII. DUYÊN KHỞI VÀ CÁC GIÁO LÝ KHÁC:
Vì Duyên khởi là
sự thật mở ra đạo Phật, nên Duyên khởi là suối nguồn của các giáo lý
Phật giáo, từ đó có sự ra đời của Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng. Nay
thử đi vào từng giáo lý cụ thể.
1. Duyên khởi và Tứ Thánh đế:
Từ định nghĩa
Duyên khởi (II), Khổ đế hay Khổ uẩn là kết quả của sự vận hành của 12
chi phần nhân duyên khởi đầu là Vô minh. Diệt đế là khổ diệt, kết quả
của sự vận hành của Duyên khởi khởi hành từ sự giác tỉnh Vô ngã (hay Vô
minh diệt); do Vô minh diệt, mà hành diệt..., khổ diệt. Tập đế là Ái
(dục ái, hữu ái và vô hữu ái), hay 12 chi phần Duyên khởi, bởi vì sự vận
hành của Ái là sự vận hành của 12 chi phần Duyên khởi ấy. Ðạo đế là 37
phẩm trợ đạo, hay Bát Thánh đạo, khởi đầu là sự vận hành của Chánh kiến
và Chánh tư duy (hay là sự vận hành của Vô minh diệt); do Vô minh diệt
mà dẫn đến Diệt đế (hay sầu, bi, khổ, ưu, não diệt).
Duyên khởi tập
khởi thì Khổ uẩn tập khởi: Ðây là ý nghĩa và nội dung của Khổ, Tập đế.
Duyên khởi vận hành theo chiều đoạn diệt thì khổ uẩn diệt: Ðây là ý
nghĩa và nội dung của Ðạo, Diệt đế.
Khi Ðức Phật, ở
dưới cội bồ đề vào đêm cuối cùng thành đạo, thấy rõ lý Duyên khởi thì
cùng lúc thấy rõ Tứ đế. Nói rằng bài pháp Sơ Chuyển Pháp Luân là Tứ đế
cũng hệt như nói rằng bài pháp đầu tiên là Duyên khởi. Vận chuyển bánh
xe pháp là ý nghĩa vận chuyển Duyên khởi và Tứ đế vậy.
2. Duyên khởi và Ngũ uẩn:
Ngũ uẩn là Sắc
uẩn, Thọ, Tưởng, Hành và Thức uẩn. Vận hành của năm uẩn đúng là vận hành
của Danh sắc; vận hành của 4 uẩn còn lại là vận hành của Danh trong
Danh sắc. Vận hành của Danh sắc đúng là vận hành của Duyên khởi.
Vận hành của Thọ uẩn là vận hành của chi phần Thọ (chi thứ 7) của 12 chi nhân duyên, và là vận hành Duyên khởi.
Vận hành của Hành uẩn là vận hành của Hành (chi thứ 2) của 12 chi nhân duyên, và là vận hành của Duyên khởi.
Vận hành của Thức uẩn là vận hành của Thức (chi thứ 3) trong 12 chi nhân duyên, và là vận hành của Duyên khởi.
Năm uẩn không thể hiện hữu tách rời nhau nên vận hành của Ngũ thủ uẩn đích thị là vận hành của Duyên khởi.
Như thế giáo lý Duyên khởi, Tứ đế và Ngũ thủ uẩn thực chất chỉ là một.
3. Duyên khởi và Nhân quả:
Duyên khởi được
trình bày theo vận hành nhân quả: Vô minh là nhân, hành là quả; hành là
nhân, thức là quả v.v... sinh là nhân, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não là
quả.
Khi nói vận hành
của Vô minh chính là vận hành của Duyên khởi, điều này có nghĩa là Vô
minh có mặt trong 11 chi phần còn lại; và 11 chi phần còn lại có mặt
trong Vô minh. Nói khác đi, Vô minh chính là Hành, là Thức, ..., là sầu,
bi, khổ, ưu, não. Nếu theo quy luật nhân quả phải đồng loại thì quả
thực Vô minh và đau khổ quả là đồng loại khổ. Tương tự, đối với các chi
còn lại.
Ðức Phật, ở dưới
cội bồ đề vào thời điểm giác ngộ, đã thấy rõ con đường nhân quả của tự
thân và nhân quả của mọi loài chúng sinh ngay sau khi đắc Tam minh vào
cuối canh 3, lúc mà Ngài giác ngộ hoàn toàn định lý Duyên khởi. Ðiều này
nói lên sự thật Duyên khởi bao trùm Tứ đế và Nhân quả. Nói khác đi, bốn
giáo lý Duyên khởi, Nhân quả, Ngũ uẩn và Tứ đế thực chất chỉ là một.
Rốt cùng mà nói,
toàn bộ giáo lý Phật giáo chỉ là sự triển khai của Duyên khởi, chỉ là sự
triển khai của sự tập khởi và đoạn diệt của toàn bộ Khổ uẩn, như chính
Ðức Thế Tôn đã nhiều lần xác nhận: "Ta chỉ nói khổ và con đường diệt
khổ".
4. Duyên khởi và 3 (hay 4) Pháp ấn:
Như đã được đề
cập ở phần hệ luận Duyên khởi, 3 pháp ấn (hay 4 pháp ấn) chỉ là hệ luận
từ Duyên khởi. Quả thực, Duyên khởi quyết định tánh của tất cả hiện hữu
nên ấn định các tính chất đặc biệt của hữu vi là Vô ngã, Vô thường và
Khổ đau. Nhìn pháp hữu vi từ Duyên khởi (Nikàya rất hiếm bàn đến pháp vô
vi, nếu đề cập thì chỉ đề cập dưới hình thức gián tiếp và phủ định) thì
thấy rõ 3 tính chất ấy. Thực ra 3 tính chất chỉ là một: Vô ngã = Khổ
đau; Vô thường = Khổ đau, hay hữu vi là Khổ đau, tam giới là Khổ đau,
hoặc là cuộc đời là Khổ đau.
[Ghi chú: Vô ngã (ở Nikàya) ≈ Vô ngã và Không ở giáo lý Phát triển Ðại thừa].
5. Duyên khởi và Duy thức:
a/ Trong "Bát
Thức Quy Củ" do Pháp sư Huyền Tráng sáng tác, Pháp sư cắt nghĩa từ Duy
thức như sau: "Duy thức nghĩa là chỉ có Thức, không có sự vật nào ngoài
thức mà có được. Do tất cả sự vật đều phải nhờ cái duyên của Thức mới
thành sự vật nên gọi là Duy thức Duyên khởi; do tất cả sự vật đều phải
nhờ cái duyên của Thức mới có tướng, có danh nên gọi là Duy thức biến
hiện. Lại bản tính của Thức là pháp giới tính, pháp giới tính Duyên khởi
ra tất cả sự vật thì cùng là Thức tính Duyên khởi ra tất cả sự vật.
Xét như vậy thì
biết do lấy một tâm niệm làm trung tâm chi phối các vật trong pháp giới
nên gọi là Duy thức. Ngược lại, nếu lấy một hạt bụi hay một quả núi làm
trung tâm chi phối các sự vật trong pháp giới tính thì cũng có thể gọi
là Duy Hạt Bụi hay Duy Quả Núi". (Bản dịch của cư sĩ Lê Ðình Thám, Tu
thư Phật học Vạn Hạnh sưu tập, 1982, tr.2)
Thức ở đây, dù
hiểu chức năng có phần sai khác với 6 thức được trình bày ở Nikàya, cũng
chỉ là chi phần thức (chi thứ 3) của 12 chi phần nhân duyên. Nó cũng là
Hữu vi, Vô ngã, Vô thường và dẫn đến Khổ đau (trừ Bạch tịnh thức). Nói
khác đi, Duy thức nếu được nhìn dưới ánh sáng Duyên khởi thì sẽ sáng tỏ
và dễ nhận hơn nhiều.
b/ Bài tụng 17 của "Tam thập tụng" viết:
"Thị chư Thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt,
Do thử, bỉ giai vô
Cố nhất thế Duy thức"
(Các thức ấy chuyển biến
Thành chủ thể và đối tượng phân biệt
Vì chủ thể và đối tượng đều không (vô ngã)
Nên nói hết thảy là Duy thức).
Nói Duy thức là nói nghĩa Duyên sinh, Vô ngã ấy.
c/ Bài tụng 28 viết:
"Nhược thời ư sở duyên
Trí đô vô sở đắc
Nhĩ thời trú Duy thức
Ly nhị thủ tướng cố".
[Nếu không có cái để làm duyên
Bấy giờ trú vào Duy thức
Trí đều không sở đắc
Do vì rời chấp thủ năng, sở
(Chủ thể và đối tượng)].
Ở đây, thực tánh Duy thức là Vô ngã tánh hay Duyên sinh tánh vậy.
6. Duyên khởi và Pháp Hoa:
a/ Mở đầu kinh
Pháp Hoa ghi Thế Tôn nhập "Vô lượng nghĩa xứ định" rồi xuất "Vô lượng
nghĩa xứ định" mới tuyên thuyết Pháp Hoa. Hình ảnh biểu tượng ấy chỉ vô
lượng nghĩa là thoát ly ý nghĩa. Thoát ly ý nghĩa là thoát ly niệm, là
rời tất cả tướng. Nói khác đi, thật tướng trong định ấy là Vô ngã tướng.
Tuyên thuyết Pháp Hoa là chỉ rõ con đường thể nhập Phật tri kiến, cái
tri kiến thể nhập Vô ngã tướng. Ðây là sự thật Duyên khởi.
b/ Phẩm Phương tiện (phẩm hai) chép:
"Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng Duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa".
[Chư Phật đầy đủ Trí và Hạnh
Biết pháp luôn vẫn vô tánh
Quả Phật do từ Duyên mà khởi
(hay từ Duyên khởi)
Cho nên bảo là Nhất thừa].
Qua
đó, giác ngộ quả vị Phật là giác ngộ Duyên khởi, Vô ngã tánh ấy, quả
Phật cũng từ duyên sinh ấy mà khởi (nếu Vô minh tận diệt, ái diệt, thủ
diệt, thức tận diệt thì viên thành Phật quả).
c/ Trong 3 điều
kiện để thành một pháp sư tuyên thuyết Pháp Hoa (Nhập Như Lai thất,
trước Như Lai y, tọa Như Lai tòa), thì ngồi tòa Như Lai là ngồi vào chỗ
"Nhất thiết pháp không": Không ở đây là Vô ngã tính hay Vô tự tánh
(không có ngã tính). Thế là, Pháp Hoa cũng là kinh phát triển đang phát
triển giáo lý Duyên khởi.
7. Duyên khởi và Kim Cương (Bát Nhã):
a/ Tâm kinh Bát Nhã ghi:
"Thấy năm uẩn là không thì liền thoát ly khổ ách"
(Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách).
Ngũ uẩn đây là
con người và pháp giới. Thấy con người và pháp giới là Vô ngã hay không
tự tính thì liền rời xa tham ái, chấp thủ và đoạn tận khổ đau. Ðấy là
thấy rõ thật nghĩa của Duyên khởi thật nghĩa của các pháp hữu vi do
duyên mà sinh. nội dung tinh yếu của Bát nhã Tâm kinh nói trên cũng là
điểm tinh yếu rút rà từ Duyên khởi.
b/ Kinh Kim Cương
thì tập chú vào công phu đoạn trừ 8 ngã tưởng: Ngã tưởng, Nhân tưởng,
Chúng sanh tưởng, Thọ giả tưởng, Pháp tưởng, Phi pháp tưởng, Tưởng và
Phi tưởng. Ðoạn trừ 8 ngã tưởng là đoạn trừ chấp thủ các ngã tưởng. Ðấy
là sự vận hành khổ diệt của Duyên khởi.
Chặng giữa kinh,
vị Bồ tát được gọi là Ðại Bồ tát, theo Kim Cương, là vị thể nhập được Vô
ngã pháp (thực ra thì chỉ cần thông đạt mà thôi). Ðây là vị nhuần
nhuyễn pháp hữu vi theo Duyên khởi vậy.
Cuối bản kinh Kim Cương dạy:
"Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào ảnh
Như lộ, diệc như điển
Ưng tác như thị quán".
(Hãy khởi lên cái nhìn các pháp do duyên sinh là như mộng, không thật, như bọt nước, như sương, như ánh chớp).
Ðấy là
cách để thông đạt sự, lý kinh Kim Cương. Thấy như thế, an trú vào cái
thấy như thế thì tâm hành giả sẽ rời khỏi tham ái, chấp thủ mà đắc thực
tại Vô ngã.
Kim Cương hay Bát Nhã cũng là nội dung triển khai, phát triển giáo lý Duyên khởi là cơ bản.
8. Duyên khởi và Trung luận: - Trung quán luận (hay Tam luận tông).
Có 3 bản văn chính của Trung quán luận là:
a/ Trung quán
luận (Mandhyamika) của Long Thọ, Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch ra Hoa ngữ.
Trung quán luận bài bác các tà kiến của Bà La Môn, Tiểu thừa, và một số
sai lầm của Ðại thừa.
b/ Thập nhị môn
luận (Dvàdasa-dvàra) của Long Thọ, bản Phạn đã thất lạc, chỉ còn dịch
bản Hoa văn, Thập nhị môn luận là bàn về Duyên khởi và hiệu chính các
sai lầm của các nhà Ðại thừa.
c/ Bách luận
(Sata Sastra) của Ðề Bà (Aryadeva: Thánh Thiên), đệ tử của Long Thọ. Bản
luận này nhằm bác các tà kiến của Bà La Môn giáo.
Bản dịch gọn bằng Hoa ngữ về Bát bất Trung đạo là như sau:
Ngài La Thập dịch:
"Bất sanh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất nhị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết nhị nhân duyên
Thiện diệt chư hý luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết Trung đệ nhất".
Tạm dịch: (Không sanh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không đồng nhất cũng không khác biệt
Không đến cũng không đi
Ngài dạy đó là nhân duyên
Khéo dập tắt các hý luận
Con nay đảnh lễ Phật
Bậc đệ nhất trong các bậc đạo sư).
Bản tiếng Anh như sau: The perfect Buddha
The foremost of all teachers.
He has proclaimed
The principle of (Universal) relativity
is like Blissfull (Nirvàna)
Quiescence of plurality
There is nothing disappears, nor anything appears.
Nothing has an end, nor is there anything eternal.
Nothing is identical (with itself)
Nor is there anything differentiated
Nothing moves
Neither hither nor thither.
Tạm dịch: (Ðấng toàn giác
Bậc đạo sư vô thượng
Ngài đã tuyên thuyết
Nguyên lý tương đối của vũ trụ (≈ Duyên khởi)
Như Niết bàn,
Tịch lặng mất tính sai biệt.
Không có gì biến mất
Cũng chẳng có gì xuất hiện.
Không có gì đoạn
Cũng chẳng có gì thường.
Không có gì đồng nhất với chính nó
Cũng chẳng có gì dị biệt.
Không có gì di chuyển
Ðến chỗ này hay chỗ kia).
Hán ngữ tóm tắt 8 phủ định trên thành: Không sanh, không diệt (No production, no extinction).
Không đoạn, không thường (No annihilation, no permanence).
Không nhất, không dị (No unity, no diversity)
Không lai, không khứ (No coming, no departure).
Thực thì, có một bài kệ khác về Trung đạo do ngài Long Thọ sáng tác như sau: (theo Takakusu)
Anh văn:
"What is produced by causes
That, I say, is identical with void
It is also identical with merename
It is again the purport of the Middle Path".
Hán văn: "Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc danh thị giả danh
Diệc danh trung đạo nghĩa".
Việt văn: (Cái gì do nhân duyên mà sanh
Tôi nói cái ấy đồng nhất với Không (hay không tự tính)
Cái ấy cũng đồng với cái tên ròng (chỉ là tên gọi)
Ðó là nghĩa trung đạo).
Như
thế, tinh yếu của Trung luận hay Trung quán luận, hoặc Trung đạo thực
chất là Duyên khởi: Cái gì do duyên mà sanh thì cái ấy rồng không tự ngã
(vô tự tính); nó chỉ là cái tên gọi mà khởi chớ không có hiện hữu như
một thực thể (tự ngã); cái ấy nghĩa là Trung đạo (Duyên khởi ≈ Trung
đạo).
Thế nên Trung
luận mới thành lập Bát bất: Bát bất là phủ nhận 8 phạm trù Hữu ngã biểu
trưng. Phủ nhận 8 phạm trù ngã tính ấy là phủ nhận tất cả ngã tính: tất
cả ngã tính (ngã tướng) ấy chỉ ròng là tên gọi mà không thực, bởi sự
thật là Trung đạo (hay duyên sinh tính).
Ðây chỉ là nghĩa
triển khai của Duyên khởi: Chỉ có nhân duyên sinh diệt mà không có các
ngã thể sinh diệt: đó là nghĩa Trung đạo, hệt như ý Ðức Phật dạy như đã
được trình bày ở các phần các câu hỏi về Duyên khởi.
Chỉ có Duyên khởi của Phật giáo mới bài bác các tà thuyết về ngã của Bà La Môn (hay 62 học thuyết ở Ấn).
9. Duyên khởi và Lăng Già:
Lăng Già thì đề
cập rất nhiều vấn đề tâm thức và thế giới. Sau bài kệ tán Lăng Già đầu
kinh đã gợi ý đến các điểm giáo lý Lăng Già nhắm đến:
Bài 1:
Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm
(Thế gian rời sanh diệt
Cũng như hoa đốm giữa hư không
Trí chẳng đắc hữu, vô
Mà hưng khởi tâm đại bi).
Bài 2: Nhất thiết pháp như huyễn
Viễn ly ư tâm thức
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng đại bi tâm.
(Các pháp như ảo huyễn
Xa rời với tâm thức
Trí chẳng đắc hữu, vô
Mà hưng khởi tâm đại bi).
Bài 3: Viễn ly ư đoạn, thường
Thế gian hằng như mộng
Trí bất đắc hữu, vô
Nhi hưng đại bi tâm.
(Rời khỏi đoạn và thường
Thế gian thường như mộng
Trí chẳng đắc hữu, vô
Mà hưng khởi tâm đại bi).
Bài 4: Tri nhân, pháp Vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng đại bi tâm.
(Biết người, Pháp đều Vô ngã
Phiền não cùng sở tri chướng
Vẫn thường bặt các tướng-ngã tướng
Mà hưng khởi tâm đại bi).
Bài 5: Nhất thiết vô Niết bàn
Vô hữu Niết bàn Phật
Viễn ly giác, sở giác
Nhược hữu, nhược vô hữu
Thị nhị tất câu ly.
(Thảy thảy không có Niết bàn
Không có Phật Niết bàn
Xa rời chủ thể biết, đối tượng biết (chứng)
Dù hữu, dù vô hữu
Ðều xa rời hai thứ ấy).
Bài 6: Mâu ni tịch tịnh quán
Thị tắc viễn ly sanh
Thị danh vi bất thủ
Kim thế, hậu thế tịnh.
(Quán tịch tịnh tất cả tướng
Làm sinh khởi tâm viễn ly
Quán ấy gọi là không chấp thủ
Ðời này, đời sau tịnh).
Các
bài kệ nói trên tóm tắt các nét về sự thật của các pháp, và nói đến
hướng vào giải thoát (sự thật là rời khỏi phiền não để vào giải thoát mà
không nỗ lực để nói lên sự thật là gì).
Các nét giáo lý
chính là: Các pháp tánh là Duyên khởi tánh nên chúng rời khỏi cá cặp nhị
nguyên của đoạn, thường, hữu, vô, sinh, diệt; chủ thể giác và đối tượng
giác, rời khỏi tất cả ngã tướng. Do giác tỉnh như vậy mà tâm ly tham,
ly thủ đi vào giải thoát, đi vào thực tại Duyên sinh.
* Trong chương
"Kiến lập Niết bàn" của Lăng Già, vì thế, dạy: "Ta nói vọng tưởng thức
diệt là Niết bàn". Do Vô minh, Hành (chấp thủ, tham ái) mà Thức sinh,
theo Duyên khởi. Khi thức diệt - vọng tưởng thức - thì Hành diệt, Vô
minh diệt. Hành diệt, Vô minh diệt là nghĩa Niết bàn vậy.
Cách trình bày
thực tướng và ngõ vào giải thoát của Lăng Già, dù nỗi bật sắc thái rất
triết học, cũng chỉ là hình thức triển khai giáo lý Duyên khởi.
10. Duyên khởi và Hoa Nghiêm:
- Giáo lý trùng
trùng Duyên khởi của Hoa Nghiêm và Thập Huyền Môn luận của kinh này đều
chỉ là những hệ luận, triển khai của giáo lý Duyên khởi từ kinh tạng
Nikàya và Agama.
- Về "Ðại Lâu Các
Trang Nghiêm Tạng" (Vairochara - Vyùha Alankara - Garbha) mà Ðức Phật
Di Lặc hóa hiện, Thiện Tài đồng tử phát biểu:
"Ðại lâu các này
là trú xứ của những ai đã hiểu ý nghĩa của Không, Vô tướng và Vô nguyện
(Vô dục), của những ai đã hiểu rằng hết thảy các pháp là vô phân biệt,
rằng pháp giới vốn là vô sai biệt, rằng chúng sanh giới vốn là bất khả
đắc, rằng hết thảy các pháp vốn là vô sinh. Ðây là trú xứ, nơi thường
thích ở đối với những ai biết rằng hết thảy các pháp đều không tự tánh,
những ai không phân biệt pháp theo bất cứ loại tướng nào... (Suzuki,
Thiền luận, cuốn hạ, Tuệ Sỹ dịch, tr.173).
Ðấy là những gì đang nói về Duyên khởi, đang nói về các pháp được nhìn từ Duyên khởi.
VIII. DUYÊN KHỞI VÀ CÁC LÝ THUYẾT VỀ NHÂN TÍNH:
(Xem luận án Ph.D., cùng tác giả)
Các lý thuyết gia
về "Nhân tính" (Personality) nỗ lực để phát hiện con người như thật là
gì để áp dụng vào kỹ thuật và nội dung giảng dạy của nhà trường thế kỷ
XX và XXI. Tất cả lý thuyết nhân tính vì vậy đều rất thiết thực và hữu
ích. Duy chỉ do giới hạn của lý tính (Rationality) và của tư duy Hữu ngã
mà các lý thuyết ấy bị hạn chế về mặt giá trị.
Thực sự, giáo lý
Duyên khởi đã trình bày rất sống động con người ấy là Danh sắc, là Duyên
khởi (12 chi nhân duyên) hay là Ngũ thủ uẩn. Con người ấy rất là thực
tại, như là những gì nó đang là. Qua đó, Duyên khởi có thể soi sáng mặt
giới hạn của các lý thuyết Hữu ngã trên, và giới thiệu một "Nhân tính"
như thật. Chỉ khi thấu rõ con người thật sự là gì thì học đường mới có
một hướng phát triển ỗn định. Ðây là vấn đề có vẻ giản dị nhưng thật vô
cùng quan yếu: Học đường cần có hướng đi rất là nhân bản, thống thiết
tình Người, tính Người và phát triển một xã hội rất là Người và rất hòa
điệu.
1. Duyên khởi và vấn đề môi sinh:
Hướng giáo dục và
văn hóa nhiều thế kỷ qua của nền khoa học, kỹ nghệ hiện đại của nhân
loại đang đưa nhân loại đến giới vức báo động của sự kiện môi sinh ô
nhiễm trầm trọng. Hướng văn hóa giáo dục đó đang đi sâu vào các khủng
hoảng về đạo đức, xã hội và môi sinh, và đang cần có giải đáp giải quyết
khủng hoảng. Chẳng hạn, đang cần một hướng phát triển văn hóa, giáo dục
có cơ sở vừa khoa học vừa triết lý (triết lý tôn giáo) thuyết phục được
đại đa số quần chúng hưởng ứng tích cực bảo vệ môi sinh thoát khỏi mọi
hình thức ô nhiễm.
Duyên khởi thực sự có thể giới thiệu một triết lý như thế.
2. Duyên khởi và các vấn đề văn hóa giáo dục:
Như được trình
bày ở trên, Duyên khởi quyết định "cái nhìn" đúng như thật về con người,
thế giới, tương hệ giữa con người và xã hội, thiên nhiên, và gồm cả con
đường sống dẫn đến khổ đau hay hạnh phúc nên giữ một vai trò rất chủ
yếu trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa giáo dục vì an lạc, hạnh
phúc lâu dài cho con người và tập thể.
a/ Nhân sinh quan và Vũ trụ quan:
Khảo sát nguồn
gốc, hay bản chất của nhân sinh và vũ trụ là công việc chính của lãnh
vực siêu hình học. Nó giữ một vị tí quan trọng trong triết học. Vấn đề
môi sinh và vũ trụ đã được khảo sát từ buỗi bình minh của tư tưởng Hy
Lạp, Ấn Ðộ và Trung Hoa. Ðấy là sự tìm hiểu bản chất của vạn hữu liên
quan đến vấn đề "Thường" và "Ðoạn", "Ngã" và "Vô ngã", "Thực tại" và "Hư
vô", "Sáng tạo chủ" và "Sáng tạo vật" v.v...
Ðức Phật Gotama,
đấng đã tự mình chứng đạt chân lý tối hậu, xem các vấn đề siêu hình là
trống rồng. Ngài thường ngồi im lặng không trả lời các câu hỏi siêu hình
như thế, bởi vì theo Ngài, các vấn đề siêu hình không thiết thực liên
hệ đến mục tiêu giải thoát sau cùng mà một số tu sĩ Phật giáo nhắm đến.
Thái độ tâm lý thực nghiệm này của Ngài đã được đề cập trong nhiều kinh
thuộc kinh tạng Pàli. Tuy thế, trên đường tìm hiểu con người và vũ trụ,
thì con người đang cùng vũ trụ hiện hữu trong hiện tại và tại đây. Làm
sao con người có thể biết được sự thật của vũ trụ khi con người không
thể biết được sự thật của chính mình? Thế nên, điều thực tiễn cho con
người là quay trở về chính mình để biết mình là ai, đang ở đâu để có thể
loại trừ hết thảy các thứ ngăn che mình khỏi sự thật của vạn hữu. Muốn
làm thế, con người phải đi theo phương pháp thực tiễn của hiện tượng
luận (và của Phật giáo) và phương pháp chứng nghiệm tâm lý của Ðức Phật.
Về vật chất, Ðức
Phật tuyên bố do tứ đại hình thành như nhiều nhà tư tưởng Ấn trước Ngài
đã tuyên bố: Ðó là yếu tố đất, nước, gió, lửa. Các yếu tố này là vận
động và Vô thường, nên vạn hữu do chúng làm nên cũng Vô thường. Câu hỏi
về nguồn gốc của tứ đại đối với sự thật Duyên khởi thì trở nên vô nghĩa
và không được chấp nhận.
Theo Duyên khởi,
thế giới hiện tượng là do duyên mà sanh, là Vô ngã và rồng không; con
người chỉ là tập hợp của năm thủ uẩn, là Vô uẩn và rồng không; con người
và thế giới thì trường tồn, bất khả phân ly. Tại đây vũ trụ hiện ra như
là một phần cơ thể con người cần được bảo vệ.
Một lần, theo
kinh Pàtigamya (Tiểu Bộ), Ðức Phật Thích Ca nói đến thế giới vô vi
(Asankhàra) là thế giới hiện hữu ngoài các phạm trù "Ði, đến", "Sanh,
diệt" v.v... và tuyên bố đây là thế giới của đoạn tận Khổ đau, đoạn tận
Chấp thủ. Ðiều này nói lên rằng thế giới mà con người đang thấy và biết
là thế giới của chấp thủ.
Ðức Phật dạy:
"Bất cứ khi nào một người chứng đắc Giải thoát, thanh tịnh, người ấy
thấy rằng thế giới là thanh tịnh". (Discourse on Pàtika, Long
Discourses, tr.382).
Từ đây, vấn đề
giáo dục của Ðức Phật là dạy con người tu tập đoạn tận lậu hoặc để thấy
rõ mình, thế giới và hạnh phúc cùng lúc, mà không phải là vấn đề đi tìm
nguồn gốc của con người hay vũ trụ...
b/ Con người và tập thể, văn hóa, truyền thống:
Từ sự thật Duyên
khởi, cá nhân con người hay Danh sắc (Nàma-rùpa) thì cọng sinh, cọng tồn
với Tam hữu (Tibhava) nghĩa là với tha nhân, xã hội và thiên nhiên, bao
gồm cả văn hóa và truyền thống...
IX. DUYÊN KHỞI VÀ THIỀN ÐỊNH (SAMATHA & VIPASSANA):
- Ðiểm khác biệt
giữa thiền định Phật giáo và thiền định Bà La Môn giáo (hay thiền định
ngoại đạo) là: Thiền định Phật giáo thì có cả hai Samtha (Chỉ) và
Vipassana (Quán), trong khi thiền định Bà La Môn giáo chỉ có Samatha
(Chỉ). Nét đặc thù của thiền định Phật giáo là Vipassana. (Vi+Passana =
thấy rõ sự vật như sự vật đang là).
- Thấy sự vật như
sự vật đang là cái nhìn của Vipassana. Chỉ khi nào hành giả kiểm soát
hết thảy mọi phản ứng tâm lý của người can thiệp vào đối tượng nhìn thì
sự vật sẽ xuất hiện như chính nó. Bấy giờ là lúc hành giả đã chế ngự
được tham, sân, si, ngũ cái và các tâm lý loạn động khác. Khi sự can
thiệp của tâm lý hoàn toàn được dập tắt, là khi các lậu hoặc của tâm đã
bị loại trừ, thì sự vật (trong thân cũng như ngoài thân) sẽ tự phơi bày
thực tướng Duyên sanh của chúng - Bởi tất cả hiện tượng đều do duyên mà
sinh, đều là Duyên sinh. Ðây trọn vẹn là cái nhìn trí tuệ của thiền
định, là cái nhìn Duyên khởi thấy rõ thực tại Duyên khởi.
- Hành giả sẽ
khởi đầu nhìn sự vật kèm theo với sự phân tích nhân duyên; rồi tiến đến
nhìn đơn thuần (pure attention); rồi đến nhìn đi ra khỏi Năm triền cái
và đi vào Tứ sắc định; rồi tiếp đến nhìn đi ra khỏi Mười kiết sử. Ðây là
công phu giải thoát rất trí tuệ qua cái nhìn và cái nhìn Duyên khởi.
(cái nhìn từ Tứ sắc định có thể làm thêm mạnh hoạt động của Chánh tư
duy, nghĩa là bao gồm Chánh kiến và Chánh tư duy...).
X. DUYÊN KHỞI VÀ SỰ ÁP DỤNG DUYÊN KHỞI VÀO CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI:
Bởi Duyên khởi là
sự thật tối hậu và là sự thật của tất cả hiện hữu nên mọi hình thức
sinh hoạt cá nhân và cộng đồng đều được soi sáng dưới ánh sáng Duyên
khởi.
1. Về cá nhân:
* Nhận thức quan
trọng nhất cho cá nhân để tu tập giải thoát là ghi nhớ mãi công thức sau
đây, và thực hành công thức này đối với 5 thủ uẩn, hay đối với mọi hiện
hữu:
Cái này không phải là tôi, không phải là của tôi và không phải là tự ngã của tôi.
(N'esoham, N'eso mama, Na m'eso attà' ti).
*
Cá nhân ý thức rằng mình cùng gia đình, xã hội và thiên nhiên là cọng
sinh, cọång tồn để có thái độ sống theo lẽ đạo. (Nho giáo nói: Thuận
thiên giả dĩ tồn; Nghịch thiên giả dĩ vong)
* Sống là thể hiện lẽ sống, lý tưởng sống, mà không phải đi tìm sự thật từ các câu hỏi và các câu trả lời.
* Tâm lý, vật lý
và sinh lý là một tập hợp thể có ảnh hưởng qua lại mật thiết với nhau.
Không thể xem nhẹ một hiện hữu nào trong 3 hiện hữu đó. Chúng cùng cọng
sinh và cọng tồn.
* Con đường sống
dẫn đến tối tăm và đau khổ cho mình và người là nuôi dưỡng và phát triển
dục vọng. Ngược lại, là con đường sống đi vào hạnh phúc trong hiện tại
và trong tương lai.
2. Về xã hội:
Thế giới là một
ngôi nhà chung: Rối loạn, khổ đau ở chỗ này cũng là rối loạn khổ đau ở
chỗ kia. Tất cả đang hiện hữu trong một tương quan mật thiết với nhau.
Từ nhận thức này, thế giới nếu đi vào hòa hợp, hợp tác xây dựng hòa
bình, an lạc sẽ là quyết định tốt nhất, khôn ngoan nhất (Một viên sỏi
được ném vào biển, thì tất cả biển đều động).
Trong một quốc
gia, các sinh hoạt quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo
dục đều có mối tương quan mật thiết và dây chuyền. Cần thực hiện sự
phát triển quân bình, mất quân bình là rối loạn.
Cá nhân và tập
thể cùng cọng sinh và cọng tồn. Thiên về một hiện hữu nào trong hai hiện
hữu đều là thiên lệch, lệch hướng sống, dễ đi vào rối loạn, hay ít nhất
sẽ làm ngưng trệ sự phát triển xã hội.
Cá nhân và các cá nhân khác cũng thế, có ảnh hưởng hỗ tương. Cần thể hiện sự công bằng xã hội.
Cá nhân và môi
sinh cùng cọng sinh, cọng tồn. Vì thế, cần bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm
như là đang bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của cá nhân.
Về vật chất và tinh thần, tim và óc cũng thế, chúng là cọång sinh và cọng tồn. Xem nhẹ phía nào cũng đi vào rối loạn cả.
Về vấn đề hưng
thịnh bền bỉ của một xứ sở cũng cần thể hiện theo nguyên lý vận hành của
các pháp. Miễn cưỡng sẽ đi vào rối loạn v.v...
XI. KẾT LUẬN:
Từ những gì được
trình bày khái lược về giáo lý Duyên khởi, chúng ta (người đọc) có thể
đi đến một số điểm nhận định về giáo lý ấy, nói riêng, và Phật giáo nói
chung, rằng:
1. Giáo lý Duyên khởi là nền tảng của các giáo lý Phật giáo thuộc các bộ phái.
2. Giáo lý Duyên khởi là linh hồn của thiền quán Phật giáo (thiền định).
3. Giáo lý Duyên
khởi là căn bản của nhận thức luận, giá trị luận và bản thể của Phật
giáo. Nó cũng là nền tảng của luận lý học Phật giáo.
4. Giáo lý Duyên
khởi không phải để hiểu như là triết lý, mà là để thực hiện giải thoát.
Các bước đi giải thoát sau cùng sẽ giúp hành giả thấy rõ sự thật của bản
thân, xã hội, thế giới và hạnh phúc.
5. Giáo lý Duyên
khởi vì là sự thật của vạn hữu nên nó là ánh sáng chỉ đường cho các tư
duy có giá trị xây dựng hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho các cá nhân và
cộng đồng.
6. Ngoài giá trị
giải thoát, Duyên khởi còn là một lý thuyết về nhân tính làm cơ sở cho
tâm lý học, tâm lý giáo dục và triết lý giáo dục mở ra một hướng văn
hóa, giáo dục mới.
7. Giáo lý Duyên khởi là cơ sở thống nhất giáo lý các bộ phái.
8. Giáo lý Duyên khởi có thể là ánh sáng chỉ hướng phát triển tốt cho các ngành xã hội, khoa học và tổ chức xã hội.
9. Giáo lý Duyên khởi là nội dung của Hiện tượng luận Phật giáo (Buddhist Phenomenology).
10. Sau hết (hẳn
nhiên là có thể triển khai thêm nhiều điểm nữa). Duyên khởi hay Phật
giáo ngoài ý nghĩa tôn giáo còn có ý nghĩa triết học, và đặc biệt là ý
nghĩa Phật giáo được hiểu như là một con đường giáo dục thiết thực, nhân
bản và trí tuệ.
11. Con đường
nghiên cứu Phật học ngày nay phát triển rất mạnh trên thế giới, được
nghiên cứu như là một khoa học Phật học, vì vậy đòi hỏi sinh viên và các
nhà nghiên cứu có cái nhìn mới mẻ về nhiều mặt lịch sử, văn bản, ngôn
ngữ, tư tưởng và tông chỉ để Phật giáo các bộ phái và Phật giáo tự thân
được hiểu đúng nghĩa của nó.
12. Các quan điểm
phân biệt về Tiểu thừa, Ðại thừa, Bán Ðại thừa, về Hữu tông, Không
tông, Pháp tướng, Pháp tánh, v.v... cần được hệ thống lại và soát xét
lại thế nào để phù hợp với ý nghĩa tôn giáo của một đấng Giáo chủ duy
nhất, của một sự thật tối hậu duy nhất, và cùng với một nguồn Kinh, Luật
được kết tập gần hệt nhau ở kỳ đại hội kết tập lần thứ nhất và lần thứ
hai.
Tinh thần của
Phật học là phê phán dựa vào kinh nghiệm thực nghiệm của cá nhân. Tinh
thần căn bản của đại học cũng là tinh thần phê phán. Vì thế, người học
cần tiếp thu giáo lý với tinh thần phê phán ấy để vấn đề giáo nghĩa ngày
một thêm sáng tỏ và nhất quán.
Duyên khởi sẽ là giáo lý, là chỗ dựa cho tinh thần phê phán ấy vậy.
* Tài liệu tham khảo (giới hạn)
1. Tương Ưng Bộ kinh II, III, ÐTKVN;
2. Trung Bộ kinh I, ÐTKVN, (kinh số 28);
3. Trường Bộ kinh II, ÐTKVN, (kinh Ðại Bỗn);
4. Trường Bộ kinh II, ÐTKVN, (kinh Ðại Duyên);
5. Trường A Hàm I, kinh Ðiển Tôn, ÐTKVN;
6. Kinh Trường A Hàm I, Sơ Ðại Bản Duyên, ÐTKVN;
7. Tiểu Bộ kinh I, ÐTKVN;
8. Phật học khái luận, Thích Chơn Thiện, 1997, Viện NCPHVN;
9. Kinh Hoa Nghiêm;
10. Kinh Lăng Già;
11. Kinh Kim Cương;
12. Kinh Pháp Hoa;
13. Duy thức Tam thập tụng;
14. Tam Luận tông - Trung Quán luận (Madhyamika);
15. Bát Nhã Tâm kinh.
-ooOoo-
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Trình bày nội dung của giáo lý Duyên khởi.
2. Trình bày sự vận hành của Duyên khởi.
3. Giáo lý Duyên khởi có ý nghĩa như thế nào trong toàn bộ giáo lý Phật giáo?