Phật Học Cơ Bản - tập 4


Ban Hoằng pháp Trung ương, GHPGVN
21/06/2011 16:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 19396
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ðạo lý uyên nguyên của dân tộc Việt - Ngọc Kinh Lang Hoàn

Phần III - Bài 5

ÐẠO LÝ UYÊN NGUYÊN CỦA DÂN TỘC VIỆT

Ngọc Kinh Lang Hoàn

Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy, đạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, cho đến Khương Tăng Hội là vị Tăng sĩ có sử tích đầu tiên trong lịch sử (sinh khoảng năm 190, mất năm 280 Tây lịch) và để lại nhiều tài liệu viết, dịch; từ ấy đến nay đã gần hai ngàn năm. Nhưng dân tộc Việt Nam lại thường tự hào là có một truyền thống hơn bốn ngàn năm văn hiến, kể từ đời Hồng Bàng với Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ tiên chung dựng nên nước Văn Lang tối sơ. Vậy thử hỏi, hai ngàn năm trước khi đạo Phật du nhập Việt Nam, dân tộc chúng ta có hay theo đức tin tôn giáo - tín ngưỡng nào?

Ở đây, chúng tôi không lạm bàn về dân tộc, chủng tộc, văn minh, sử địa, hay tôn giáo học, vì đã có rất nhiều học giả, nhất là các học giả Việt Nam thuộc Ủy ban Khoa học xã hội, vào những thập niên 60 và 70 của thế kỷ chúng ta, đã luận thảo rất nghiêm túc và chi tiết về nhiều phương diện khác nhau rồi. Chúng tôi chỉ muốn ghi lại nơi đây một vấn đề mà gần hai mươi năm nay vẫn thường thắc mắc: Chắc chắn phải có một đức tin tôn giáo hay một tín ngưỡng sơ khai nhưng mãnh liệt và thực tiễn nào đó làm thành tố giúp cho dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào với truyền thống anh dũng và uy hùng để giữ vững đất nước và bản tính đặc thù của dân tộc cho đến ngày nay. Ði tìm thành tố đó, có nghĩa là chúng ta phải tìm trở về nguồn với những thần thoại và truyền thuyết dân gian của thời tiền sử, thời kỳ đồ đá và đồng thau, vốn là những chất liệu căn bản tạo thành tôn giáo địa phương hay bản địa (indigenous religion) của mỗi một dân tộc.

Dựa vào những biên khảo của các học giả đi trước, tất cả đều đồng ý rằng, đứng đầu các truyện thần thoại và truyền thuyết của dân Việt là:

1. Truyện họ Hồng Bàng với Lạc Long Quân và AÂu Cơ sinh ra một bọc nở trăm trứng, nói lên nguồn gốc nòi giống con Rồng cháu Tiên cùng ý nghĩa "đồng bào" của dân tộc ta;

2. Truyện Thần Tản Viên, hay Sơn Tinh, đào sông lấp núi trị thủy, nói lên công trình xây dựng đất nước, kình chống với những đe dọa của thiên tai.

3. Truyện Thánh Gióng, hay Phù Ðỗng Thiên Vương, nói lên tinh thần giữ gìn bờ cõi đất nước chống cự ngoại xâm bất kỳ từ phương nào tới.

Cả ba nhân vật thần thoại này được kể lại như là những thần tích truyền kỳ, những người khổng lồ biểu trưng cho sự khổng lồ của lịch sử mở nước, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ đó, ta nhận ra rằng, truyền thuyết và thần thoại của người dân Việt mang đầy đủ tính chất hào hùng và kỳ vĩ trong quá trình hình thành và phát triển đất nước; và cho đến khi bước vào thời kỳ chính sử cho đến ngày nay, tính chất hào hùng và kỳ vĩ đó đã tạo thành một truyền thống đặc thù là lý tưởng hóa các anh hùng dân tộc qua những chiến công hiển hách của họ bằng cách tôn xưng họ thành thần, những linh khí oai đức có năng lực bảo vệ hạnh phúc cho con người và thanh bình cho đất nước.

Ngoài ba huyền sử này, ta lại còn có:

4. Truyện Chử Ðồng Tử nhường khố cho cha, nói lên lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà, một đạo lý căn bản của nòi giống Việt.

Truyền thuyết và thần thoại của ta, do vậy "quan hệ đến cương thường phong hóa của dân tộc" (theo Vũ Quỳnh, trong Lĩnh Nam chích quái) và mang theo vào bản thân của những truyện đó một ý niệm đạo đức và tôn giáo, tạo thành một đặc thái của tôn giáo bản địa của người dân Việt.

Qua truyện đứng đầu về họ Hồng Bàng, ta còn khám phá được rằng, tổ tiên chúng ta chỉ để tâm đến việc xác định nguồn gốc của dân tộc và đất nước, chứ không đặt nặng vấn đề giải thích căn nguyên của vũ trụ và loài người. Có lẽ chính vì không cần thiết tìm hiểu căn nguyên vũ trụ như thế cho nên mặc dù dân ta thờ Trời như là một hạo khí linh thiêng, nhưng mà ý niệm về Trời của dân tộc ta rất là độc đáo, khác ngược hẳn với khái niệm về một đấng thần linh sáng tạo vũ trụ của các tôn giáo lớn phương Tây và Trung Ðông, chỉ biết có bắt tín đồ phải run sợ và phục tùng tuyệt đối, bằng không sẽ bị trừng phạt. Dân tộc Việt không cần thiết một thần linh tàn ác như thế, mà một cơn nổi giận có thể dâng nước hủy diệt hết nhân gian và sự sống toàn thế giới.

Ngoài những chuyện xem Trời là đấng thần linh gần gũi và đầy bản tính con người như "con cóc là cậu ông Trời", dân ta lại còn có lúc "bắc thang lên hỏi ông Trời"... khi có việc bất bình phải đi hỏi cho ra lẽ, thì quả thật ít có một dân tộc nào có được một đầu óc cách mạng và ngang cuồng đến thế. Vì vậy mà đôi khi ta "ngắn cổ kêu không thấu Trời" - kêu cứu mà vẫn không cầu khẩn hay quỵ lụy, nhưng ta chỉ tuân phục Ngài khi Ngài tốt, mang lại mưa thuận gió hòa cho dân gian; ngược lại, nếu Ngài gây tai họa thì dân ta vẫn có thể "bẻ nạng chống Trời" lắm!

Cùng với thái độ thờ Trời độc đáo đó, dân tộc ta lại tỏ lòng tôn kính các bậc anh hùng dân tộc - thuộc truyền thuyết huyền thoại cũng như lịch sử - bằng cách thờ cúng họ và tôn xưng làm thần. Các vị thần đó, đối với dân tộc ta, khi sống thì bảo vệ đất nước, thác rồi linh khí lại trở về phò hộ dân gian, cho nên xứng đáng được hưởng sự sùng bái của họ. Ðây cũng là một đặc thái đạo đức của dân tộc ta, biểu dương và ghi nhớ công đức dựng nước và giữ nước của các anh hùng dân tộc qua đức tin: "sống làm tiết nghĩa, chết nên phúc thần". Ðại diện là thần Tản Viên, đệ nhất phúc thần, linh khí của núi non hùng vĩ. Cũng như Trời là linh khí hạo nhiên, các vị thần này là những sức sống thiêng liêng, chở che và bảo dưỡng vạn vật theo luật tuần hoàn sinh, trưởng, hoại, tàn của vũ trụ. Cho nên được dân gian kính ngưỡng tôn thờ mà không khiếp sợ run rẩy như đứng trước bạo chúa dã man. Thật khác hẳn với đấng thần linh của các tôn giáo phương Tây, đã là tối cao mà lại còn có những cơn thịnh nộ bạo tàn và nguyền rủa tiêu diệt tất cả những gì có sự sống trên mặt đất này - trong đó có loài người, do chính thần đó tạo dựng nên, thì đem so với bạo chúa Tần Thủy Hoàng, thần này còn đáng khủng khiếp gấp vạn triệu lần.

Các vị thần của dân tộc ta gần gũi để chở che ban phước cho con người, cho nên con người sống gần gũi với núi sông thì thờ thần sông, thần núi; ở đồng bằng thì thờ thần nông; ở phố thị thì thờ Thành hoàng, Thổ địa, ông Táo v.v... Mà đã có thờ cúng, nhất là trên bình diện quốc gia, như giỗ Tổ Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Ðức Thánh Trần v.v..., thì đó là tín ngưỡng tôn giáo bản địa của toàn dân tộc Việt. Một điều đáng chú ý là tuy Việt Nam bị ảnh hưởng văn minh và tôn giáo của Trung Hoa rất lâu dài mà dân tộc ta không hề tôn thờ trên bình diện quốc gia một vị thần nào gốc tích là người Trung Hoa cả. Thí dụ điển hình là Quan Thánh Ðế Quân, hay, Quan Công, Quan Vân Trường, được người dân miền biển tôn xưng là Tổ của ngành đánh cá và hàng hải; hàng năm, những vùng Phan Thiết, Khánh Hòa, Vũng Tàu v.v... tổ chức lễ hội cúng tế ngài linh đình kéo dài 3 - 4 ngày, nhưng cũng chỉ thuộc cục bộ địa phương chứ chưa bao giờ được tất cả người Việt thờ kính như Phạm Ngũ Lão, Hoàng Hoa Thám, Lê Lai... Hoa Ðà là Tổ ngành thuốc của Trung Hoa, thì Việt Nam ta cũng có Tổ Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông v.v... Ðặc thái của đức tin tôn giáo của dân tộc Việt chính là đây.

Qua thời huyền thoại, khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên sử kỳ với những sử tích đứng đầu kiêu dũng chống xâm lăng của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan, v.v... thì cũng là lúc đạo Phật du nhập Việt Nam từ ngả Ấn Ðộ, với Tăng sĩ Khương Tăng Hội là nhân vật có thật được biết đến trước tiên trong lịch sử khởi nguyên Phật giáo Việt Nam. Ðạo Phật mang đến dân tộc ta một nền tảng đạo đức cho bản thân con người trong tương quan với xã hội qua Năm giới luật căn bản để mang lại hạnh phúc, an lạc cho cá nhân và trật tự hòa bình cho xã hội. Từ nguyên thủy, đạo Phật cũng không đặt nguồn gốc vũ trụ thành vấn đề, cho nên không mâu thuẫn mà trái lại, hài hòa với quan niệm về Trời của dân bản địa. Ðạo Phật cũng quan niệm có thần thánh, là một (Thiên đạo) trong lục đạo của vòng luân hồi, cho nên chấp nhận và khuyến khích thái độ tôn thần của dân gian, không ngăn trở và nhất là không dùng bạo lực triệt hạ tín ngưỡng bình dân này, như các tôn giáo phương Tây từng làm khi họ nhân danh vị thần tàn bạo dã man gấp vạn triệu lần Tần Thủy Hoàng của họ vào các nước Trung AÂu, Mehico, các nước Nam Mỹ v.v...

Người Phật tử Việt Nam trước tiên là người dân Việt Nam, cho nên ngoài việc thờ Phật là Ðấng Giác Ngộ, họ còn thời Trời, tế lễ Hùng Vương, Ðức Thánh Trần, cúng bái Thành hoàng, ông Ðịa, ông Táo, v.v... Qua hai ngàn năm lịch sử, đạo Phật và tín ngưỡng dân tộc Việt đã hiện hữu song song nhau để trở thành là một. Không có vấn đề người Phật tử là người có thâm tâm nào khác bên ngoài là của người dân Việt. Qua bao lớp sóng hưng phế tang thương của lịch sử, người Phật tử - Tăng đoàn cũng như tín đồ - đều đặt quốc gia lên trên, đất nước trước hết. Cuộc sống của dân tộc, đứng trước đe dọa xâm lăng từ phương Bắc mấy ngàn năm qua và thực tế thuộc địa phương Tây vài trăm năm trở lại đây và còn có thể dài dẳng hàng ngàn năm sau, chỉ vì địa thế đặc biệt của đất nước trong tương quan Ðông-Nam Á và toàn cầu, đã không cho con người Việt Nam nhiều thì giờ để thắc mắc về vũ trụ luận hay nguyên nhân luận. Ước mơ nhỏ bé của người dân Việt, gồm có người Kinh và các tộc thiểu số, là chỉ cầu mong được có một cuộc sống an lành, đầy đủ và hạnh phúc dưới sự che chở của thần linh gần gũi. Khi những ước mơ nhỏ bé đó bị hăm dọa bởi những mưu đồ ngoại lai, người dân nhỏ bé của giống nòi Lạc Việt không ngần ngại đứng lên tranh đấu để bảo vệ những vị thần linh đó và đối lại, tin tưởng những thần linh này che chở cho họ trong cuộc đấu tranh ấy. Con người, đức tin của tôn giáo bản địa và Phật giáo, đất đai, quê hương, Tổ quốc, do đó chỉ là một. Con người hy sinh ngay cả đến tính mạng để giữ nước cho quê hương và đức tin thuần thành về Phật, Trời bằng một thái độ phóng khoáng, tự do, quân bình, chứ không cuồng nhiệt theo lập luận phản gốc ngoại lai thà mất nước chứ không chịu để mất vị thần của họ, đã từng vì một cơn thịnh nộ mà gây nạn hồng thủy để tiêu diệt hết thế gian!

Một khi Phật giáo hội nhập với dân tộc tức là hội nhập với tôn giáo bản địa, với truyền thống dân gian, biến thái những chuyện Phật phổ biến trong dân gian và đưa chuyện dân gian vào hình thức tín ngưỡng trong đạo Phật. Ðể rồi không còn biết rõ rằng, chuyện Phật là gốc hay chuyện dân gian là gốc, thì khi đó không còn phân biệt gì nữa giữa đạo Phật và tín ngưỡng dân tộc. Nhưng đây không thể kể là bước thoái hóa hay cuộc đảo lộn giá trị giữa căn bản triết lý của đạo Phật với những sáng tạo địa phương; mà lại được xem như là một tương nhập hài hòa giữa tôn giáo bản địa và hình thức tôn giáo của đạo Phật mà thôi. (Hình thức tôn giáo, vì ngoài nó, đạo Phật còn có một nền triết lý uyên thâm thuộc pháp học bao quát và siêu việt mọi vấn đề triết học khi sánh với của phương Tây, cũng như là còn có thêm nữa một công phu thiền định tu tập thuộc pháp hành mà không có trong các tôn giáo lớn hay triết học phương Tây). Và từ đó, ta đi đến hệ luận rằng, Phật giáo Việt Nam không phải là Phật giáo Ấn Ðộ, hay Phật giáo Myanmar, Sri Lanka, hoặc Phật giáo Tây Tạng v.v..., lại càng không phải là Phật giáo Trung Hoa.

Tuy về mặt hình thức nghi lễ tế tụng, chùa chiền Việt Nam phần lớn mang sắc thái sinh hoạt của chùa chiền Trung Hoa, nhất là ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề kể từ thời Vân Thê-Châu Hoằng (thế kỷ XVII) đến nay, nhưng nếu điểm qua những cuộc lế tế thần linh đình tại các đình chùa, đền miếu như tại chùa Keo chẳng hạn, có lễ Phật lại có rước kiệu, cung phụng Thánh Tổ, hội Gióng v.v..., hay những sắp đặt nơi đất Phật như là chùa Hương, hai hiện tượng âm dương đối nghịch như núi Cô núi Cậu, động Ông hang Bà, lên Trời xuống AÂm v.v... thì chúng ta thấy ngay một phối hợp hài hòa tương nhập tương kính giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian. Bốn ngôi chùa mang tên Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Ðiện được thành lập vào khoảng thế kỷ II lúc Phật giáo tiên khởi tại Việt Nam - là một điển hình cụ thể nhất: Phật giáo vừa du nhập là hài hòa ngay với nếp sống nông nghiệp và tín ngưỡng thờ các thần che mưa đỡ nắng cho mùa màng được nẩy lúa đơm bông. Một thí dụ nữa là trong thời Lý, tuy đạo Phật cực thịnh, hầu như là quốc giáo, mà Lý Thánh Tông cũng sắc chỉ rước Hậu Thổ phu nhân "tinh đất nước Nam" ở cửa Hoàn về lập miếu thờ tại An Lãng; hoặc dựng đàn Phong Vân (đời Nguyễn là đàn Nam Giao) tế sơn hà xã tắc; mỗi Rằm tháng Giêng lập hội Thề ở miếu Ðông Cô, các quan đọc lời thề kính cáo Trời Ðất, thần núi lớn (Sơn Tinh), sông to (Thủy Tinh), lập nguyện "vi thần tận trung, vi quan thanh bạch"; cho thấy ngay thời đạo Phật thịnh hành nhất, những yếu tố Lão và Khổng cùng tín ngưỡng dân gian cũng đã hòa điệu với nhau rồi.

Qua dòng lịch sử sơ lược kể trên, ta đã ý niệm được đạo lý sinh động đang thấm nhuần khắp Tổ quốc giang sơn: tôn giáo nào đến với dân tộc mà hòa nhập và tôn trọng tín ngưỡng địa phương thì đều được hoan nghênh và phổ biến trở thành làm một với đức tin dân gian. Tôn giáo nào dùng bạo lực để tàn diệt tín ngưỡng địa phương để độc bá và thống trị qua danh nghĩa tôn giáo, thì chỉ như là một cưỡng chiếm nhất thời của kẻ có nhiều vũ khí, quyền lực hơn mà thôi. Ðạo lý sinh động đó chính là động lực kết hợp và thúc đẩy con người Việt Nam trở thành một dân tộc hào hùng với nhiều chiến công hiển hách, với bao thành tích giữ nước và dựng nước huy hoàng.

Ðạo lý đó là Việt đạo, đạo giáo của dân tộc Việt, không phải là Lão giáo của Trung Hoa, vì từ thái độ thờ Trời cho đến tôn xưng các thần huyền thoại hay thần lịch sử, tất cả đều là nhân vật Việt Nam. Ngay cả Ðức Quán Âm Bồ tát được sùng bái khắp nơi từ Tây Tạng qua đến Nhật Bản, từ Trung Quốc xuống đến Indonesia, khi đến Việt Nam cũng trở thành là Quán Âm Thị Kính với cuộc sống bình thường, hết sức gần gũi với dân dã, chứ không còn phải là Quán Âm Diệu Thiện công chúa cao sang xa cách. Căn bản Việt đạo phải nói chính là ở nơi phổ biến và bình dân như thế.

Rất tiếc là về sau này, từ khi tín ngưỡng về Bà Chúa Liễu Hạnh thịnh hành đến nay, đạo lý đó bị pha trộn với màu sắc suy hoại của tôn giáo, của Lão giáo vốn đã là một hình thức phóng khí của Ðạo gia ở Trung Hoa, chuyên chú đến bùa phép chú thuật để thỏa mãn nhu cầu ích kỷ của cá nhân, khiến sinh ra những tệ đoan như đồng bóng, lên cốt, bà nhập v.v... Ðến nổi khi phương Tây xâm chiếm nước ta, họ viết nhiều tài liệu về tín ngưỡng Việt Nam, nhất là về Phật giáo, theo lập trường tôn giáo thống trị của họ, nên cố ý dụng tâm miệt thị và xuyên tạc những hình thức phóng khí này, cho tất cả đó là tà giáo (paganism). Ðiều đáng buồn là về phía Việt Nam cũng lại không có một phản ứng hay đối kháng nào trước các sách vở xuyên tạc này. Có lẽ vì thực tế quả có phần đúng như vậy.

Kể từ đời Trần, chúng ta biết đã có những dâm từ rải rác đó đây trong dân gian và bị Ðiều Ngự Giác Hoàng phế bỏ khi ngài vân du truyền bá đạo Phật. Nhưng mãi đến triều Lê, hình thức phóng khí của Việt đạo mới thịnh hành dưới dạng thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, và sự thành lập phái Nội Ðạo đã đưa đến những nghi thức tế lễ dựa trên mê tín dị đoan của đồng cốt quàng xiên, và vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm cho đến ngày nay, không chỉ tại quốc nội mà ngay cả ở hải ngoại nữa. Ảnh hưởng đến nổi ngay cả đến những sách nghiên cứu về văn học và tín ngưỡng dân gian của Ủy ban Khoa học xã hội hiện tại cũng không dám phê phán, hay cải cách, mà chỉ đại khái ghi rằng: "Cần nên trả lại đạo Thánh ý nghĩa đẹp đẽ của dân gian, của tâm thức dân tộc, khắc phục và bài trừ những trò mê tín dị đoan làm ô danh các Thánh" (Vũ Ngọc Khánh, tr.25). Trong lúc ấy, tác giả này giống như các vị khác lại cũng phạm phải một lỗi lầm căn bản là cứ liệt kê thần Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh là Tứ bất tử, thì quả thật là không ổn chút nào, dựa theo đạo lý uyên nguyên đã ghi ở trước. Bởi vì, địa vị của Lạc Long Quân là Quốc Tổ Hùng Vương sẽ không còn ý nghĩa gì trong Việt đạo, nếu cứ theo liệt kê Tứ bất tử này. Và có lẽ cũng chính vì thế mà chúng ta cứ lẩn quẩn trong vòng phóng khí của tín ngưỡng dân gian, không có được một căn bản vững chắc để đối kháng với những miệt thị xuyên tạc của những người cố tình triệt hạ đạo lý uyên nguyên ngàn đời của dân tộc Việt.

Ngoài ra, Thánh mẫu Liễu Hạnh cũng chỉ mới xuất hiện gần bốn trăm năm trở lại đây mà thôi, không đủ thời gian tính và dân tộc tính để có thể được liệt kê ngang hàng với ba vị thần Tản Viên, Thánh Gióng và Chử Ðồng Tử được. Bởi vì ngoài Thánh mẫu Liễu Hạnh, còn có những vị được sùng bái không kém như Thiên Y Ana, như Thánh mẫu Chúa Xứ núi Sam, v.v... thì ta phải đặt họ vào đâu? Do đó, chúng tôi thử đặt lại vấn đề đi tìm một nguồn cội cho đạo lý uyên nguyên của dân tộc Việt. Nói cách khác, chúng ta cần phân giải xem ta có một triết lý cơ bản nào làm căn cứ cho nền tôn giáo bản địa cho dân tộc chúng ta không.

Từ xưa nay, tuy đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu nghiêm túc về tín ngưỡng và văn hóa bình dân cùng các lễ hội quốc gia, nhưng vẫn chưa ai dám hay có thẩm quyền để chính thức nhìn nhận tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt là một nền tôn giáo bản địa cả. Sở dĩ như thế là vì ta cứ đinh ninh hai chữ "tôn giáo" có nghĩa là phải có thế quyền, có chính phủ bảo trợ, có các tổ chức học tập, có tài liệu giảng đạo một chiều, và nhất là có lực lượng xâm lăng thuộc địa (mượn danh nghĩa Thánh để bành trướng giáo hội do con người dựng nên). Nghiên cứu lịch sử tôn giáo phương Tây sẽ minh xác những lời trên, đúng thật từ thời đại đế Alexander cho đến ngày nay và thực hành ở khắp nơi trên thế giới.

Do đó, ta cần những người có ý thức dân tộc, mang thao thức cội nguồn, đi tiên phong làm công việc cố gắng hệ thống hóa tư tưởng về nguồn gốc dân tộc theo nhân chủng học và văn minh học để đưa Quốc Tổ, gia thần, các đẳng thần, v.v... vào quan niệm tôn giáo thuần túy, lập thành một hệ thống đạo lý bản địa của dân tộc Việt (gọi là Việt đạo), nói lên một thách thức hiên ngang đối với những dụng ý tiêu diệt tín ngưỡng địa phương của thực dân Pháp và các lực lượng ngoại lai theo sau, là đằng sau tín ngưỡng địa phương có vẻ mê tín dị đoan đó, có cả một triết lý uyên nguyên làm nền tảng cho đức tin anh dũng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện được mục tiêu vừa nêu, ta cần phải giải quyết một vấn đề cơ bản, là sự nhầm lẫn quan niệm về Tứ bất tử với tín ngưỡng tôn thờ Tứ phủ. Sự nhầm lẫn này rất tai hại vì đã khiến Việt đạo bị hiểu lầm, xuyên tạc, miệt thị, còn Việt giáo đồ thì mê tín dị đoan bị hạng buôn thần bán thánh lường gạt.

Trong cố gắng "trả lại cho đạo lý uyên nguyên của Việt giáo ý nghĩa đẹp đẽ của dân gian, của tâm thức dân tộc", chúng tôi xin được đề nghị một phân biệt rõ ràng giữa Tứ bất tử và Tứ phủ như sau đây:

A. Tứ bất tử gồm có:

1. Quốc Tổ Hùng Vương, là nguồn gốc tổ tiên của dân tộc Việt; Ngài lại còn dạy dân trồng lúa, là mạng mạch của kinh tế quốc gia;

2. Thần Tản Viên, tức Ðức Thánh Tản hay Sơn Tinh, biểu trưng tinh thần dựng nước, dùng ý chí con người mở mang đất nước, chinh phục những sức mạnh tàn phá của thiên nhiên (như lũ lụt, tượng trưng bằng sự thất bại của Thủy Tinh). Ðức Thánh Tản còn là Thánh sư hay Bách nghệ Tổ sư, đã dạy dân làm ra lửa, khai phá đất đai để cày thành vườn ruộng trồng lúa, hoa màu, săn bắn, bắt cá, dệt vải, v.v...;

3. Phù Ðỗng Thiên Vương, hay Ðức Thánh Gióng, biểu trưng tinh thần giữ nước, dùng sức mạnh đoàn kết chống ngoại xâm bảo vệ lãnh thổ, giữ vững quyền làm chủ bất khả xâm phạm của dân tộc con Rồng cháu Tiên;

4. Chử Ðồng Tử hay Chử Ðạo Tổ, biểu trưng đạo hiếu và phát triển đất nước để xây dựng một xã hội ổn định, biết cách đối nhân xử thế, thờ cúng tổ tiên ông bà, cứu độ chúng sanh, phát triển thương nghiệp.

B. Tứ phủ: Trong khi đó, ngược lại, Tứ phủ chẳng có gì liên hệ đến Tứ bất tử cả. Tứ phủ gồm có bốn, mỗi phủ do một vương mẫu trông coi, gọi là Thiên phủ, Nhạc phủ, Thủy phủ và Ðịa phủ, tức bốn lĩnh vực của thế giới: bầu trời trên không, rừng núi, sông biển và đất đai.
1. Bà Chúa Liễu Hạnh là linh khí của Ðịa vương mẫu, cai quản đất đai của Ðịa phủ. Ngài giáng phàm hiển thánh cùng với tả hữu Thiên sứ Thụy Hoa và Quế Hoa; cả ba cùng được tôn xưng là Tam tòa Thánh mẫu.

2. Truyền thống tín ngưỡng này không đề cập nhiều đến ba phủ kia, nhất là liên hệ Ðịa phủ và Thiên phủ. Vấn đề đặt ra là, cả hai phủ đều đồng đẳng nhau, hay khác. Xuyên qua tiểu sử của Bà Chúa Liễu Hạnh, được cho là con của Trời, vì động lòng trần, xin cha là Ngọc hoàng Thượng đế xuống thế đầu thai trong gia đình bình dân, thì có lẽ Thượng đế trông coi, ngự trị và vượt lên trên hết bốn phủ; có nghĩa là Thiên phủ phải chịu sự cai quản của Trời - Thượng đế.

3. Về mặt tín ngưỡng, có thể nói phái Nội Ðạo thờ Thánh mẫu (Tam tòa hay riêng Bà Chúa Liễu Hạnh) giống như Phật tử thờ Ðức Quán Âm Bồ tát (còn gọi là Phật Bà Quan Âm); tuy rằng truyền thống tôn thờ Ðức Bồ tát phổ quát và lâu đời hơn, ảnh hưởng từ Tây Tạng qua Trung Hoa, Triều Tiên cho đến Nhật Bản, từ Mông Cỗ, Mãn Châu chí đến Cambodge, Sri Lanka và Indonesia từ những thế kỷ VII, VIII và thịnh hành đến ngày nay. Trong lúc đó thì tục thờ Bà Chúa Liễu chỉ thuộc cục bộ địa phương của Việt Nam và chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVI, XVII trở lại đây mà thôi. Tuy nhiên, cường độ của tín ngưỡng về cả hai ngài đều giống nhau, đều thuộc lĩnh vực tâm linh, là đức tin cho quyền được sống và được hưởng hạnh phúc của con người. Ðức tin này không ảnh hưởng đến triết lý uyên nguyên của đạo Phật thuộc trí tuệ, cũng như đến đạo lý về Tứ bất tử, tuy rằng có sự nhầm lẫn là đặt Bà Chúa Liễu Hạnh vào hàng Tứ bất tử này.

Chỉ có một phân biệt rõ ràng như trên, chúng ta mới có hy vọng khơi sáng lại nền đạo Việt, tôn giáo bản địa của dân tộc Việt Nam từ hơn bốn ngàn năm qua để hài hòa thể nhập cùng đạo Phật là tôn giáo phổ cập thế giới siêu việt thời-không, vì cả hai cùng một cơ bản nhân sinh quan. Từ đó minh chứng điều mà lịch sử hai ngàn năm qua đã xác quyết: đạo Phật và Việt đạo là một; dân tộc với Việt đạo không hai thì đạo Phật và dân tộc chẳng khác. Ðạo Phật đã sống trong lòng dân tộc vì đã tiếp nhận và chuyển hóa Việt đạo thành một đức tin mang đặc thái của đạo Phật Việt Nam, không bí ẩn khắc khổ như đạo Phật Ấn Ðộ, cũng không triết lý xa vời như đạo Phật Trung Hoa. Việt đạo cũng phải nương theo các triết lý căn bản về nhân sinh quan của Phật đạo để vươn lên thành một đức tin đời đời kiếp kiếp của dân tộc Việt: "Trong ý nghĩ dân gian, còn tổ tiên là còn đất nước, mà đất nước chúng ta thì không bao giờ có thể bị tiêu diệt, cho nên Việt đạo vẫn còn sống mãi trong lòng dân gian". Từ đó, ta có thể kết luận rằng:

Yếu tố tạo nên sức mạnh dân tộc là niềm tự hào về quá khứ uy dũng, về lịch sử vẻ vang của tổ tiên, niềm tin tưởng vào vận mệnh của non sông đất nước. Hướng đi của dân tộc là thế: "Không có một bạo lực nào, dù là chính trị hay tôn giáo ngoại lai phản dân tộc, có thể áp bức người dân Việt Nam bỏ đi truyền thống bảo vệ đất nước, thờ cúng ông bà tổ tiên và tôn làm phúc thần các anh hùng huyền thoại hay lịch sử của dân tộc ta". Căn bản Việt đạo là đây, căn bản của Phật đạo Việt Nam cũng là đây.

SÁCH THAM KHẢO

- Bình Nguyên Lộc - Nguồn gốc Mã Lai Á của dân tộc Việt, Saigon, Khai Trí, 1969

- Coulet, George, Cultes et religions de l'Indochine Annamite, Saigon, 1927, Ðinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên - Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Ðại học, 1972

- Dumoutier, G. Les cultes Annamites, Hanoi, 1907

- Eliade, Mircea, Aspect du Mythe, Paris, 1963

- Hưng Thế Nguyên, Việt giáo phục hưng, 1967

- Lê Quý Ðôn, Kiến văn tiểu lục, Saigon, 1963

- Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, Saigon, 1961

- Maspéro, Henri, Le Taoisme, Paris, 1967

- Nguyễn Ðổng Chi, Kho tàng cổ tích Việt Nam, UBKHXH, 1967

- Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994

- Tạ Chí Ðại Trường, Thần, Người và Ðất Việt, Los Angeles, Cali., Nxb Văn nghệ, tái bản, 1989

- Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Saigon, Nam Chi tùng thư, 1967, 2 quyển

- Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Saigon, 1970

- Viện Văn hóa Dân gian, Lễ hội cổ truyền, chủ biên: Lê Trung Vũ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992

- Vũ Ngọc Khánh & Ngô Ðức Thịnh, Tứ bất tử, Nxb Văn hóa dân tộc, 1990

- Cùng các sách ngoại ngữ Anh, Pháp khác viết về tôn giáo Việt Nam. Ðặc biệt là bộ 3 tập của Joseph Campbell, The Mask of God:

1. Pimitive Mythology;
2. Oriental Mythology;
3. Occidental Mythology.


Âm lịch

1/2025
CN T2 T3 T4 T5 T6 T7
 
 
 
 
 
 
1
2/12
2
3
3
4
4
5
5
6
6
7
7
8
8
9
9
10
10
11
11
12
12
13
13
14
14
15
15
16
16
17
17
18
18
19
19
20
20
21
21
22
22
23
23
24
24
25
25
26
26
27
27
28
28
29
29
1/1
30
2
31
3
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ảnh đẹp