BÌNH ĐẲNG
1. ĐỊNH NGHĨA:
a. Bình đẳng khác với
san bằng quyền lợi.
San bằng quyền lợi là buộc mọi người chỉ nhận
được một số quyền lợi giống nhau, dù họ có phước khác nhau, dù họ bỏ ra công sức
khác nhau, dù họ đem lại hiệu quả khác nhau.
Chữ Lục hòa trong cách sống
của chư Tăng nhiều khi cũng được hiểu là san bằng quyền lợi như vậy, mọi người
đều có quyền lợi như nhau, không ai nhiều quyền lợi hơn ai. Trong cộng đồng
người tu, điều này có thể chấp nhận được vì người tu không đòi hỏi quyền lợi dù
công sức bỏ ra rất nhiều. Nhưng sẽ là rất khó nếu điều này được áp dụng trên
toàn xã hội.
Hầu hết ai cũng có vị kỷ tiềm ẩn, ai cũng muốn được công
bằng. Người làm nhiều phải được hưởng nhiều. Công bằng cũng là tính chất của
luật Nhân Quả. Nghĩa là người nào có phước nhiều, họ phải được hưởng sung sướng
nhiều hơn.
Trong xã hội, người nào đóng góp công sức nhiều, người đó phải
được hưởng quyền lợi nhiều hơn. Đó là tính công bằng của xã hội. Cho nên, xã hội
không thể buộc mọi người phải hưởng quyền lợi giống nhau, trong khi khả năng của
họ khác nhau. Người thông minh hơn, tài năng hơn, làm việc hiệu quả hơn, không
thể hưởng mức lương như người không có tài năng, không có trí tuệ. Nếu buộc mọi
người hưởng quyền lợi giống nhau dù họ đem lại hiệu quả khác nhau sẽ phá vỡ sự
phấn đấu cá nhân, vì thực tế là ai cũng còn tâm lý vị kỷ, và đòi hỏi sự công
bằng.
Do đó, san bằng quyền lợi, buộc mọi người hưởng quyền lợi giống
nhau là một điều không thể thực hiện được. Đó là việc làm phá vỡ luật công bằng
và làm nhiều người nảy sinh tâm lý chán nản.
Chỉ trong môi trường của
người tu theo đạo Phật, điều này mới có thể thực hiện được ở một chừng mực nào
đó. Trong đạo Phật, trong một đại chúng, có người làm được nhiều việc, có người
làm được ít việc. Nhưng người làm được nhiều việc thường không chấp, họ buông xả
được tính vị kỷ của mình, chấp nhận đời sống san bằng quyền lợi. Tất nhiên,
việc san bằng quyền lợi, chỉ áp dụng được trong chùa một phần thôi, có khi không
được hoàn toàn. Đó là khi trong chúng có những người phước bổng vượt lên. Họ là
người tu tập được nhiều, đóng góp được nhiều cho đại chúng. Dù không mong nhiều
quyền lợi, vẫn muốn chia đều quyền lợi nhưng phước đến không kéo lại được nữa.
Họ bắt đầu được nhiều Phật tử mến mộ. Do phước tự nhiên, trí tuệ họ được mở
mang, họ có thể thuyết pháp, giảng kinh, làm được nhiều việc nổi bật hơn. Thế
là, những vị Trụ trì, những Thầy bậc trên ưu ái, dành cho họ những đặc quyền đặc
lợi. Dù không muốn nhưng họ cũng bắt đầu được hưởng. Rồi chúng khác cũng không
lấy làm khó chịu vì phước của họ xứng đáng được hưởng như thế.
Như vậy,
buộc mọi người phải sống bằng nhau trong quyền lợi là điều rất khó thực hiện.
Trên tâm nguyện, người tu theo đạo Phật có học pháp Lục hòa nên dễ dàng chấp
nhận hưởng quyền lợi bằng Huynh đệ cho dù họ đóng góp nhiều hơn. Nhưng có những
trường hợp, chùa cũng không làm được điều đó vì phước của mỗi người có sự sai
biệt.
Ngoài xã hội, điều này tuyệt nhiên không thể thực hiện được. Những
người có tài năng, có trí tuệ phải được hưởng quyền lợi nhiều hơn. Như vậy, bình
đẳng không phải là san bằng quyền lợi.
b. Bình đẳng là thái độ Đạo đức trong giao tiếp với
mọi người.
Nếu san bằng quyền lợi là cơ chế của tổ chức, ở trong
chùa hay ngoài thế gian, thì bình đẳng là thái độ của Đạo đức khi đối xử với mọi
người.
Hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Trong đối xử, bình
đẳng ngược với sự thiên vị. Người xuất gia, đối với Phật tử phải có sự bình
đẳng. Phật tử đến chùa, có người nghèo, người giàu. Trước hai hạng người như
vậy, nếu giữ được sự bình đẳng, chúng ta sẽ không có sự phân biệt đối xử với họ.
Như vậy, chúng ta là người có Đạo đức bình đẳng. Nhưng giữ được thái độ này là
điều hoàn toàn không đơn giản, không phải ai cũng có thể làm được.
Người
ngoài thế gian cũng như người trong Đạo thường có nhiều lý do để đối xử thiên
vị.
Thứ nhất, chúng ta thường đối xử thiên vị người có duyên với mình từ
những kiếp trước,( duyên ở đây có nghĩa là duyên lành).Trong những kiếp trước,
có thể họ đã ưu ái, đã giúp đỡ mình. Kiếp này gặp lại, dù không cố ý nhưng tự
nhiên chúng ta vẫn thiên vị họ, vẫn đối xử tốt với họ hơn những người
khác.
Chẳng hạn, do duyên kiếp trước chi phối nên có người đến xin xuất
gia, Thầy trụ trì nhận ngay, có người lại bị từ chối. Trong đối xử, nếu không có
sự bình đẳng cũng do duyên đời xưa. Mặc dù trong lòng không có sự phân biệt,
không thương ai nhiều hay ghét ai nhiều hơn, nhưng duyên đời xưa chi phối rất
mạnh nên chúng ta có sự thiên vị, không bình đẳng trong đối xử. Chỉ vì đây là
điều thuộc về Nhân quả nên chúng ta rất khó vượt qua.
Ngay cả trong gia
đình, cha mẹ đối với con cái cũng không đồng đều, vẫn có sự thiên vị . Thực ra,
con nào cũng do mình sinh ra nên không có lý do gì để cha mẹ ghét bỏ, đối xử
phân biệt. Nhưng do duyên chi phối nên nhiều khi cha mẹ lại thương những đứa con
quậy phá tày trời mà những đứa ngoan hiền lại không để ý đến. Có những tình cảm
kì lạ như thế.
Những sự thiên vị đó, chúng ta chỉ có thể giải thích được
bằng nguyên nhân thuộc về duyên đời trước mà thôi.
Thứ hai, chúng ta
thường đối xử thiên vị với những người có nhiều ưu điểm. Điều này cũng đã được
nhắc đến trong bài Tâm từ. Người có ưu điểm là người có nhan sắc, có vẻ đẹp nổi
trội hoặc sang trọng hơn so với người khác. Mặc dù người ta không có duyên với
mình lắm, nhưng vì những điểm nổi trội đó mà chúng ta hay để ý đến họ, thiên vị
họ. Sự thiên vị nhiều khi cũng ẩn chứa một sự cầu cạnh, mong rằng người ta sẽ
đoái hoài tới mình, giúp đỡ mình. Dù khác nhau về mức độ nhưng nó vẫn là biểu
hiện của sự vị kỷ.
Thiên vị không phải là Đạo đức, và đó là điều mà tất
cả chúng ta, người xuất gia hay cư sĩ, cũng đều dễ phạm phải. Nếu tu tập không
vững chắc, đạo lực không mạnh, chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng đối xử thiên
vị.
Hiện nay, tình trạng người xuất gia đối xử phân biệt với cư sĩ đến
chùa, phân biệt giữa người giàu và người nghèo là một trình trạng rất phổ biến
và bị than phiền khắp nơi. Nếu quý Phật tử nào chưa rơi vào trường hợp ấy là
người có phước, đã gặp được những vị tu hành chân chính. Không ít người tỏ ra
rất bất mãn khi thấy có nơi, các Thầy chỉ ân cần, vồn vã với những Phật tử giàu
có và tỏ ra lơ là với những người nghèo khổ.
Để lý giải điều này với Phật
tử, chúng ta chỉ có thể nói rằng vì đời trước những người ấy đã tạo phước, biết
quan tâm đến người khác. Phước sẽ hiện ra trên gương mặt rạng rỡ, ánh mắt khả
ái, tiền bạc nhiều, tướng người sang trọng….nên họ có một lực thu hút sự chú ý
của người khác, đi đâu cũng được người ta trân trọng. Khi đến chùa, họ cũng thu
hút sự chú ý của người xuất gia. Người nghèo thường là người ít phước, họ không
được sự chú ý của người khác. Đó là luật công bằng, công bằng đến nghiệt ngã mà
chúng ta phải chấp nhận.
Nhưng về phía người xuất gia, nếu biết tu tâm,
biết giữ tâm mình thanh tịnh, đứng trước mọi người, mọi cảnh, tâm vẫn không chạy
theo. Họ luôn luôn kiểm soát tâm mình. Đứng trước hai đối tượng ấy, có thể phước
của người giàu thu hút tâm họ, nhưng vì sức định trong lòng họ vững chắc nên
tâm họ không bị hút về đó. Họ vẫn ở lại với tâm mình. Bởi vậy, dù người kia có
giàu sang, gương mặt rạng rỡ, nhưng họ vẫn ở lại với tâm, không bị chi
phối.
Dù là niệm Phật hay tu Thiền, người biết tu tập thường không bị chi
phối bởi ngoại cảnh. Có khi đang niệm Phật, tuy nói chuyện với người khác nhưng
họ vẫn ở lại với câu niệm Phật trong tâm mình, tâm không hướng ra ngoại cảnh.
Người tu Thiền lúc nào cũng kiểm soát tâm mình, xem tâm tịnh hay động. Mặc dù
nói chuyện với người khác hoặc làm việc gì đó nhưng lúc nào họ cũng ở lại với
tâm, kiểm soát tâmï. Sức định càng sâu, họ càng ít bị ngoại cảnh chi
phối.
Đây là vấn đề tế nhị của tâm và cũng là vấn đề khó hiểu. Người
không tu tập vững chắc, thừơng bị ngoại cảnh lôi cuốn tâm ra bên ngoài. Còn
người có công phu tu tập vững chắc, họ sẽ ở lại với tâm của mình. Vì vậy, giữa
hai người giàu và nghèo, không ai có thể cuốn hút họ được. Điều này biểu hiện
ra ở cách ứng xử bên ngoài. Đó là lòng từ bi, lòng bình đẳng.
Người giữ
được tâm mình trong định là người có trí tuệ. Vì là người có trí tuệ nên họ
thường chú ý đến người nghèo khổ nhiều hơn. Sở dĩ như vậy là do họ biết người
nghèo khổ dễ bị mặc cảm, mặc cảm về thân phận nghèo hèn của mình. Khi đến chùa,
những người ấy thường không dám gặp thầy Trụ trì. Họ loanh quanh làm lụng việc
gì đó hoặc khi nghe Thầy nói chuyện, họ cũng chọn một chỗ ngồi kín đáo, không
dám lộ mặt ra.
Nếu có công phu tu hành vững chắc, tâm ổn định, người
xuất gia sẽ nhận ra được thái độ mặc cảm, buồn tủi của người nghèo, nhất là
người tật nguyền, để tỏ lòng thương và quan tâm đến họ nhiều hơn. Chính tình yêu
thương và sự quan tâm đúng mực của chúng ta sẽ giúp họ vơi đi những mặc cảm vốn
tồn tại cố hữu trong lòng họ. Đó là Đạo đức bình đẳng. Thực ra, trong trường hợp
này, đối với những người có trí tuệ, sự bình đẳng lại mang một ý nghĩa khác,
linh hoạt hơn. Bình đẳng nhưng lại thiên vị đối với người nghèo. Những người
giàu có thường sinh tâm kiêu ngạo về sự giàu sang của mình. Nếu được ân cần vồn
vã, họ càng dễ kiêu ngạo hơn. Với những người như vậy, chúng ta không thiên vị
cũng không sao, vì chùa này không quan tâm sẽ có chùa khác quan tâm.
Có
những Phật tử cậy chỗ giàu sang, khi cúng dường công quả thường yêu cầu chùa
phải làm theo ý mình. Gặp những trường hợp ấy, chúng ta phải dứt khoát, không
bao giờ nghe theo. Chúng ta không đồng ý là để diệt cái ngã của họ, diệt tâm
kiêu mạn về sự giàu có của họ. Tất nhiên, sự lạnh lùng nghiêm khắc của chúng ta
có khi không đem lại hiệu quả vì người ấy có thể đến chùa khác và sẽ được ân cần
đón tiếp. Hoặc kết quả có thể xảy ra ngược lại, người ấy không bao giờ đến chùa
nữa. Nhưng chúng ta vẫn phải kiên quyết để cho họ một bài học. Có thể họ được
đón tiếp ân cần ở chùa khác, nhưng dù sao họ cũng hiểu rằng, có ít nhất một nơi
không có chỗ cho tâm kiêu mạn của họ ngự trị.
Những người nghèo thường
lui tới chùa là những người mến chùa, cần tình yêu thương. Nếu chúng ta không
tiếp, họ sẽ cảm thấy lạc lõng, mặc cảm cho thân phận mình. Vì vậy, chúng ta phải
thương yêu những người nghèo khổ, bù đắp cho họ những thiếu thốn trong đời sống
tinh thần. Đối với những người tật nguyền, chúng ta càng phải quan tâm hơn nữa
để xoá dần trong họ những nỗi mặc cảm, giúp họ tự tin hoà nhập với cuộc
đời.
Nếu là người quản chúng, chúng ta phải tạo cơ hội đồng đều cho
chúng tu học và công quả, không phân biệt dòng dõi, tài năng. Như vậy là chúng
ta đã giữ được Đạo đức bình đẳng.
Người tu hành thường có ba việc: tu,
học và làm việc.
Tu bao gồm nhiều việc ngồi Thiền, lễ Phật, tụng Kinh.
Học có thể hiểu một cách rộng rãi: học trên lớp, tự học ở nhà, học với
Thầy….Người quản chúng phải đào tạo điều kiện cho chúng thực hiện hai điều này.
Phải tạo điều kiện cho họ nhưng không được thiên vị. Người có điều kiện học,
chúng ta phải giúp cho họ được học, giúp cho họ có thì giờ để tu. Đối với người
xuất gia, tu là việc quan trọng nhất. Vì vậy, lười biếng, không tu tập là điều
không thể chấp nhận được. Người tu hành có thể học ít, nhưng tu là phải luôn
luôn tinh tấn, không tinh tấn tu hành thì không xứng đáng làm một người xuất
gia.
Vấn đề ở đây là không thiên vị. Người Trụ trì, Giáo thọ, Tri sự hay
quản chúng phải tạo điều kiện đồng đều cho họ học hành, tu tập.ï Có khi có
duyên với người này nhiều, với người kia ít, nhưng chúng ta phải quan tâm đến
tất cả mọi người, quan tâm đến từng người, từng căn cơ một. Nếu để cho người nào
đó lôi cuốn bởi cái phước của họ, chú ý nâng đỡ họ thì chúng ta là người không
có đạo lực. Trong từng lúc, từng nơi, chúng ta phải cẩn thận, đừng để thiên vị
bởi phước của người khác. Vì thiên vị với người có phước sẽ làm cho chúng ta mất
đi Đạo đức bình đẳng.
Nếu là người có trách nhiệm, chúng ta nên chú ý
nhiều đến những người trí tuệï kém cỏi, căn cơ còn kém, tánh tình chưa được đàng
hoàng. Vì dù sao họ cũng đã có chí nguyện xuất gia. Những người có phước, tự
mình có thể đi được, có thể đứng vững trên đôi chân của mình được. Người không
có phước, chúng ta phải kèm cặp, quan tâm nhắc nhở nhiều hơn. Đó chính là Đạo
đức của người quản chúng.
Việc công quả với người tu hành cũng rất quan
trọng. Vì thế, chúng ta phải lưu ý tạo điều kiện cho họ công quả. Nếu không công
quả, người xuất gia không thể nào tiến Đạo.
Người Trụ trì thường mắc phải
sai lầm ở chỗ hay phạt những người có tánh xấu, thường phạm lỗi bằng cách bắt họ
làm những việc nặng nhọc. Đó là điều nguy hiểm cho đại chúng về sau. Vì sai họ
làm như vậy, chúng ta cứ tưởng là phạt họ nhưng thực chất là tạo điều kiện cho
họ công quả. Sau này họ sẽ có phước, sẽ là người lãnh đạo trong chùa. Một khi
người có tánh tình xấu làm lãnh đạo trong chùa, điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn
chùa không còn là nơi tu hành nghiêm túc nữa. Những người tu tốt sẽ không chịu
đựng được, cuối cùng sẽ bỏ đi .
Sẽ có người thắc mắc tại sao người không
tốt lại được làm lãnh đạo? Đây cũng là điều hợp lý, hợp lý theo luật Nhân Quả.
Vì trước kia, họ bị người lớn ghét, bắt công quả nhiều, bây giờ họ được hưởng
phước, được làm người lãnh đạo.
Bởi vậy, theo luật Nhân Quả, chúng ta cần
lưu ý: những người có Đạo đức, muốn đào tạo để thành người lãnh đạo tốt sau này,
chúng ta phải bắt công quả nhiều hơn. Người lãnh đạo chúng có Đạo đức sẽ rất tốt
cho chùa. Những chùa có người lãnh đạo như vậy sẽ là nơi tu học nghiêm túc, là
nơi Phật tử có thể chọn làm chỗ nương tựa vững chắc cho mình. Những chùa tốt sẽ
góp phần làm cho Phật pháp ngày càng hưng thịnh.
Về căn bản, chúng ta
tạo cơ hội cho đại chúng công quả đồng đều, để họ có phước, tu hành được tinh
tấn. Nhưng chỉ công quả trong chùa chưa đủ, người xuất gia phải biết làm công
quả ở ngoài chùa. Vì nếu công quả giới hạn trong phạm vi chùa, mỗi người lo làm
việc tốt cho nhau thì người tu chỉ tiến được Đạo đức chứ không tiến được phước.
Người Trụ trì phải tạo điều kiện cho chúng công quả ngoài chùa, thường xuyên làm
việc từ thiện để tạo phước về sau.
Có những ngôi chùa làm được những
việc rất đáng tán thán, ngợi ca. Có một ngôi chùa, khi cần thiết, có đến 42
người trong chúng hiến máu. Phải thấy rằng, không có phước gì lớn bằng phước
hiến máu cứu người. Người ta có thể cho tiền bạc, nhưng hiến máu không phải ai
cũng làm được. Người ta gọi đó là bố thí nội tài.
Chúng ta cần lưu ý,
không thiên vị, nhưng cũng không san bằng quyền lợi. Vì như đã nói ở trên, san
bằng quyền lợi là phá vỡ Nhân Quả. Trong chúng, khi đối xử với mọi người, chúng
ta phải luôn luôn tạo cơ hội đồng đều cho họ. Tuy nhiên, làm được hay không còn
tùy thuộc vào họ. Có người , đến giờ tu, rất tinh tấn nhiếp tâm. Có người vẫn
ngồi đó nhưng tâm không ở với họ mà đi lang thang. Có người lễ Phật với lòng tôn
kính thiết tha. Nhưng cũng có người lễ Phật một cách hời hợt. Như vậy, Nhân Quả
lúc này là tự họ gieo chứ không phải chúng ta nữa. Trách nhiệm của chúng ta là
tạo điều kiện đồng đều cho tất cả mọi người. Còn dụng tâm, nỗ lực đến đâu là tuỳ
họ. Càng về sau, phước của mỗi người sẽ tách ra dần dần. Người tốt sẽ đi theo
con đường tốt. Người chưa tốt tự nhiên sẽ dừng lại, sẽ bị rơi lại đằng sau. Đó
là lẽ đương nhiên, chúng ta không thể cưỡng lại được, mặc dù lòng mình vẫn bình
đẳng thương yêu. Đừng bao giờ nghĩ rằng, bình đẳng là điều gì cũng phải bằng
nhau. Nghĩa là, mọi người chưa đạt được điều này thì người khác cũng không thể
đạt được điều kia. Hiểu như vậy là sai lầm, là kìm hãm sự phát triển, sự tu hành
tinh tấn của mỗi cá nhân.
Chẳng hạn, khi có người tu tốt, trí tuệ mở
ra, được nhiều Phật tử quý mếnï, duyên giáo hóa của họ cũng đã đến, chúng ta
không nên cản lại. Chúng ta đừng vì lý do bao nhiêu người khác chưa ra giáo hóa,
giảng dạy mà ngăn cản việc giảng pháp của họ. Làm như vậy là chúng ta bắt đầu
rơi vào bệnh san bằng quyền lợi. Khi phước của họ đã khác, duyên của họ đã đến,
chúng ta phải tùy duyên mà tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng, làm những
việc Phật sự lớn hơn. Đó không phải là sự thiên vị . Đó là một hành xử đúng với
luật Nhân Quả.
Trong đối xử, chúng ta cần phải giữ sự trung đạo. Nghĩa
là lòng chúng ta vẫn thương yêu đồng đều, không thiên vị, vẫn muốn cho mọi người
đều tốt. Nhưng khi ứng xử hành động, chúng ta phải tùy duyên, tùy phước, tùy
nhân quả của mỗi người, không nên áp đặt và không san bằng quyền lợi. Hay nói
cách khác, giữa bình đẳng và san bằng quyền lợi có sự khác nhau, chúng ta phải
phân biệt cho rõ để áp dụng cho đúng, tránh phạm phải những sai lầm. Đây là điều
khó mà những bậc Trụ trì cần lưu ý. Nếu không cẩn thận, không giữ được tâm,
chúng ta sẽ thiên vị trong đối xử.
Nếu một lúc nào đó, chúng ta rơi vào
cực đoan, không thấy được Nhân Quả nên san bằng quyền lợi, trong khi phước của
mỗi người bắt đầu có sự sai biệt là chúng ta đã cưỡng lại Nhân Quả. Như vậy,
chúng ta đã phạm sai lầm. Đây là chỗ người tu phải cẩn thận. Bởi vậy, nói đến
Đạo đức bình đẳng là nói đến việc phán xét bên ngoài nhiều hơn, mặc dù có sự
kiểm soát tâm mình.
2.BÌNH ĐẲNG BIỂU LỘ
ĐẠO LỰC.
Người có phước luôn luôn tạo sự thu đối với mọi người.
Ngược lại, người có tội, người nghèo khổ thường tạo ra sự thờ ơ ghẻ lạnh. Nếu tu
tâm từ bi ít, không thương người nghèo khổ, chúng ta sẽ bị phước của người giàu
sang thu hút, trở nên thiên vị. Lúc ấy, chúng ta sẽ thành một người cục bộ,
thiên vị cá nhân. Như vậy, làm sao chúng ta xứng đáng là tàng cây che mát cho
mọi người?
Bởi vậy, đối với chúng ta, tu tập tâm từ bi là yêu cầu căn
bản, là điều kiện tiên quyết để hiểu sâu sắc những vấn đề về Đạo đức và áp dụng
có hiệu quả những vấn đề ấy trong cuộc sống. Tâm từ bi không chỉ tu ngày một,
ngày hai mà phải tu tập cả một đời. Mỗi ngày, khi lễ Phật, khi ngồi Thiền, chúng
ta phải quán từ bi, thương yêu mọi người. Chừng nào khi tiếp xúc, những người
nghèo làm cho chúng ta thương yêu nhiều hơn là lúc ấy chúng ta đã đi đúng con
đường của kẻ tu hành. Trong đối xử, chắc chắn chúng ta sẽ biểu lộ được Đạo đức
bình đẳng.
Người có đạo lực là người không bị sự sai biệt của ngoại cảnh
chi phối, không bị kẻ có phước kéo tâm mình chạy về phía họ. Bởi vậy, trong giao
tiếp, chúng ta cần giữ được tâm từ bi đồng đều với mọi người dù đó là người
phước nhiều hay kẻ phước ít. Tăng Ni hiện đang bị phê phán rất nhiều về thái độ
vồn vã với người giàu và thờ ơ với người nghèo.
Chúng ta nên nhớ rằng,
đối với những người giàu sang, chúng ta có đối xử ân cần hay không, điều ấy
không quan trọng. Đi đâu họ cũng được đối xử ân cần. Họ đến chùa nào cũng được
như vậy và đến với bạn bè, họ cũng được điều đó. Có những người giàu rất thán
phục khi thấy chúng ta đối xử tốt với người nghèo. Còn ân cần vồn vã với họ, có
khi chúng ta lại bị coi thường. Có một số Phật tử giàu sang tỏ ra khinh thường
khi thấy người tu chúng ta đến thăm. Họ nghĩ rằng, chúng ta đến cầu sự cúng
dường của họ. Bên ngoài nhiều khi không biểu hiện, nhưng trong tâm họ đã xuất
hiện tâm lý coi thường. Người tu chúng ta phải cẩn thận, dè dặt khi tiếp xúc với
những người giàu có. Tất nhiên, chúng ta không “vơ đũa cả nắm”, nhưng phải thừa
nhận rằng, người giàu thường kiêu ngạo và dễ nghĩ xấu cho người tu. Bởi vậy,
chúng ta cần phải giữ thái độ bình thản khi giao tiếp với họ. Tuyệt đối không
được đối xử lạnh nhạt, thờ ơ với người nghèo mà ân cần vồn vã với người giàu.
Phải cho họ thấy được sự khác biệt giữa chúng ta với người đời.
Để thực
hiện được điều đó, người tu phải có một bản lĩnh, bản lĩnh vượt lên trên cái
thường tình, có thể thờ ơ bất cần với người giàu, nhưng lại ưu ái với người
nghèo
Nói như vậy, không phải ai đến chùa chúng ta cũng xem xét vấn đề
giàu nghèo. Sở dĩ chúng ta thương người nghèo, vì họ dễ bị mặc cảm, dễ tủi thân.
Còn cái chúng ta quan tâm, chú ý thật sự đối với những Phật tử khi đến chùa là
cái tâm. Tâm ở đây nghĩa là tâm Đạo, là mức độ hiểu Đạo, mức độ ham thích tu tập
của họ. Vì vậy, xét về mặt này, chúng ta không nên phân biệt giàu nghèo. Có
trường hợp đến với chùa là những người giàu sang nhưng có tâm Đạo. Chúng ta nên
quý trọng họ. Một khi hiểu Đạo, những người ấy sẽ không nghĩ xấu, nghĩ lệch lạc
khi được chúng ta đối xử tốt.
Tóm lại, trong cách cư xử, nếu là người
“sáng mắt”(hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), chúng ta sẽ nhận ra ở người
giàu tâm Đạo của họ đến mức nào và sẽ có thái độ thích hợp. Nếu là người kiêu
ngạo, chúng ta giữ thái độ thờ ơ, lạnh lùng để cho họ một bài học Đạo đức trong
cách sống. Nếu là người có tâm Đạo, chúng ta phải đối xử tối với họ như bao
người khác.
3. ÁP DỤNG ĐẠO ĐỨC BÌNH ĐẲNG
TRONG ỨNG XỬ.
a. Với Phật tử:
Chúng ta cố
gắng đối xử từ ái với người nghèo khổ vì họ rất dễ mặc cảm. Người giàu có trong
cuộc sống vốn dễ được ưu ái, và vì thế cũng dễ sinh tâm kiêu mạn. Chúng ta dành
cho họ sự hờ hững cũng rất cần thiết để chữa căn bệnh kiêu mạn ấy. Đối với người
có tâm, chúng ta luôn luôn đối xử tốt.
b. Với Huynh đệ:
Chúng ta đừng
kết thân riêng với một vài người tạo thành mầm mống chia rẽ cho Tăng đoàn về
sau. Vì khi kết thân với một vài người, có thể người cùng ở chung liêu, người có
duyên với mình, chúng ta sẽ hay lui tới, gắn bó với người đó mà không quan tâm
đến những người xung quanh. Lâu ngày, điều đó sẽ trở thành mầm mống của sự chia
rẽ.
Bởi vậy, chúng ta phải cẩn thận. Dù là người có duyên với mình hay là
người có nhiều ưu điểm, chúng ta cũng cố gắng giữ thái độ bình thường như với
người khác. Chúng ta có thể gần gũi với những người ấy để học hỏi, nhưng đừng vì
vậy mà kết thân riêng. Chính sự kết thân riêng sẽ tạo nên sự ích kỷ, dẫn đến
ganh tỵ.
c. Với chúng do mình
kiểm soát:
Trong chúng, rất nhiều người sống với nhau, chắc chắn
sẽ có người tốt với chúng ta, có duyên với chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cố gắng
giữ lòng mình, để đối xử một cách bình đẳng, không phân biệt. Đây là điều rất
khó, không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được. Nếu không cố gắng, chúng ta sẽ
mất Đạo lực, sẽ quen thiên vị , đối xử không bình đẳng với mọi người. Dần dần,
khi đi làm việc Đạo, chúng ta sẽ bị thái độ thiên vị đó chi phối và trở nên cục
bộ địa phương.
Nếu là Trụ trì, Tri sự, chúng ta hãy cho mọi người cơ hội
đồng đều trong việc tu học, đừng bao giờ ưu tiên người này, chèn ép người khác.
Nếu có vài người ngang bướng với mình, chúng ta không nên ác cảm mà hãy thương
yêu để hoá độ họ.
d. Người cư sĩ
cũng phải đối xử bình đẳng với nhau.
Trong xã hội, có nhiều tầng
lớp người, bên cạnh những người giàu có còn không ít những người nghèo khổ,
những kẻ bất hạnh. Người cư sĩ nên đối xử bình đẳng với nhau. Những người nghèo,
mình nên quan tâm, thương yêu giúp đỡ nhiều hơn. Với những người biết Đạo, dù ít
hay nhiều, mình cũng nên quý mến. Nếu là người biết Đạo nhiều, hãy coi đó là
những người thiện tri thức của mình, cùng đi với nhau để học hỏi. Những người
chưa biết Đạo nhiều, hãy quan tâm giúp đỡ để họ hiểu thêm về Đạo.
Ví dụ,
nghe ở đâu có Thầy giảng hay, mình nên rủ mọi người cùng đi. Hoặc có cuốn băng
nào hay, phải chuyền cho nhau nghe, cuốn sách nào hay, phải khuyên nhau
đọc…Người hiểu Đạo phải tạo điều kiện cho những người khác đến với Đạo. Những
Phật tử nếu có tu tập từ bi sẽ làm được điều đó.
Đối với Tăng Ni, người
cư sĩ nên tôn kính nhưng cũng phải bình đẳng, nghĩa là không nên thiên vị Thầy
này hay Cô khác. Mặc dù có những vị đáng cho mình học, có những vị còn phải tu
tập nhiều nhưng cư sĩ đều phải tôn kính, đều phải học hỏi. Những Phật tử khi Quy
y cũng cần lưu ý một điều này, Quy y Tăng có nghĩa là Quy y mười phương Tăng. Vì
vậy, không phải chúng ta chỉ biết một mình Thầy Bổn Sư, mà đi bất cứ nơi nào,
nếu gặp những vị Tăng Ni tu hành chân chính, chúng ta đều phải kính
trọng.
Có một thời gian, Phật tử có quan niệm là, đối với Tăng Ni, dù
lầm lỗi thế nào họ cũng một mực kính trọng. Quan niệm này cũng có nhiều cái hay,
thể hiện sự bao dung, độ lượng của Phật tử đối với người tu hành. Nhưng vô tình,
quan niệm ấy đã góp phần nuôi dưỡng những phần tử xấu trong Phật pháp, làm ảnh
hưởng đến uy tín của Đạo, làm cho Phật pháp nhanh chóng suy tàn. Phật tử cần
phải khắt khe hơn nữa, phải đặt lòng tôn kính cúng dường của mình đúng chỗ, đúng
đối tượng. Có như vậy, chúng ta mới gạn lọc dần những đối tượng kém phẩm chất,
lợi dụng Phật pháp để thoả mãn nhu cầu của mình.
Xây dựng lại Phật pháp,
không chỉ là trách nhiệm, là sự cố gắng tu hành của Tăng Ni, mà trong đó còn có
trách nhiệm của Phật tử. Nếu Phật tử đồng lòng khắt khe trong việc đánh giá
người tu hành, chắc chắn sẽ không còn người xuất gia tùy tiện, bừa bãi. Như vậy,
trong quá trình làm cho Phật pháp hưng thịnh trở lại, có sự đóng góp không nhỏ
của quý Phật tử.
Đức Phật luôn luôn biểu lộ thái độ hiền lành, đúng mực
trong cư xử. Có chuyện kể rằng, vào thời Đức Phật, một lần một số chư Tăng cãi
cọ với nhau. Các vị này chắc tu hành cũng chưa cao, không như những vị A La Hán.
Khi có điều bất hòa, họ gây gổ với nhau và chia thành hai phe. Thấy vậy, Đức
Phật khuyên với giọng rất từ tốn:
-Này các Tỳ Kheo, các ông đừng cãi cọ
với nhau nữa, đừng tranh cãi nữa, đừng bất hòa nữa.
Phật nói rất từ tốn
nhưng các vị đang trong cơn hăng say, trong cơn hơn thua hiếu thắng nên không
nhịn được và trả lời:
-Thế Tôn cứ nghỉ ngơi cho khỏe, việc này tụi con
phải nói cho ra lẽ.
Đức Phật nói:
-Thôi đủ rồi, các ông đừng có
tranh cãi nữa, đừng có bất hòa nữa.
Các ông ấy lại nói :
-Bạch
Thế Tôn ! Hãy lui về yên nghỉ cho có sức khỏe, Ngài hãy để các con làm cho ra
lẽ.
Đức Phật khuyên ba lần mà các vị ấy vẫn không nghe, vẫn cứ cãi nhau.
Đức Phật cảm thấy những người ấy bướng quá, Ngài không nói nữa mà dùng biện pháp
khác. Ngài không ở lại chùa nữa mà ra đi. Khi Ngài đi rồi, Phật tử làm ầm lên.
Họ kéo đến trách chư Tăng và tuyên bố từ nay sẽ không cúng dường
nữa.
-Quý Thầy cần thì hãy đi nơi khác khất thực, không được ở làng mạc,
thị trấn của chúng tôi nữa. Chúng tôi sẽ dứt lòng, không ai cúng dường cho quý
Thầy nữa, nếu các Thầy còn tranh cãi để Đức Thế Tôn phải rời chỗ này ra
đi.
Lúc đó, Đức Phật đi đến khu rừng Sừng Bò, nơi có ba vị Tôn giả A La
Hán đang sống. Đó là ngài A-nu-rud-dha, Nan-di-ya và Kim-bi-la. Ba Ngài sống với
nhau rất hòa hợp. Đức Phật đến thăm ba vị và nói chuyện với họ rất lâu. Sau
này, chúng ta đã dựa vào cuộc trò chuyện ấy soạn thành một bài kinh. Đó là kinh
Sống hòa hợp.
Trước sự đấu tranh dữ dội của các Phật tử, trước áp áp
lực kinh tế và áp lực của các tín đồ, các Thầy không dám tranh cãi nữa. Lúc đó,
Đức Phật trở về chùa tiếp tục dạy dỗ các chư Tăng.
Như vậy, thái độ của
cư sĩ đối với Tăng Ni cũng rất quan trọng.
Quý Phật tử phải giữ thái độ
bình đẳng, không nên thiên vị hay cục bộ địa phương. Phật tử đừng có quan niệm,
mình là người địa phương nào thì tìm chùa của địa phương đó để ủng hộ. Làm như
vậy là quý Phật tử đã thiên vị trong đối xử. Còn một điều nữa cũng xin lưu ý các
Phật tử. Đó là việc nhiều Phật tử không đánh giá quý Thầy, quý Cô trên đức hạnh,
mà đánh giá trên cơ sở những cảm nhận bên ngoài hời hợt, cảm tính của mình.
Chẳng hạn, Phật tử thường tỏ ra ngưỡng mộ những vị Thầy có giọng tụng kinh hay,
có gương mặt hảo tướng, hoặc những Thầy có Phật tử đông, có uy thế… Đó là sự
đánh giá không chính xác. Những Phật tử có sự đánh giá chân chính là những người
biết nhìn vào đạo hạnh, vào tâm của người Thầy. Nếu chú ý về đạo hạnh, chúng ta
sẽ chọn được người xứng đáng để đặt lòng tôn kính của mình, để thừa sự học hỏi.
Đó là sự gạn lọc khách quan cũng là Đạo đức bình đẳng của người tu
sĩ.
4. PHẢI TUỲ BỆNH CHO THUỐC:
Bình đẳng có nghĩa là tâm mình không thiên vị, là thương yêu tất
cả mọi người. Nhưng cách chúng ta cư xử mỗi người sẽ mỗi khác vì tâm tình,
trình độ của mỗi người không giống nhau.
a. Với người còn tự ái:
Những
người này khi phạm lỗi, chúng ta chưa thể nói thẳng lỗi của họ. Vì người hay tự
ái, khi bị chỉ lỗi sẽ dễ nổi giận. Chúng ta chỉ khuyên họ lễ Phật và tác ý khiêm
hạ. Một khi đã lễ Phật, đã tác ý khiêm hạ, coi thân mình như cỏ rác, cát bụi thì
họ sẽ không còn tự ái như trước. Lúc đó, chúng ta có thể nói lỗi của họ một cách
thẳng thắn mà không sợ họ nổi giận. Chẳng những không giận, họ còn cố gắng tu
tập, sửa lỗi.
b. Với người tự ti
mặc cảm:
Người tự ti mặc cảm là người cho rằng mình kém cỏi. Ơû
đây, chúng ta cần phân biệt hai loại người. Có người cho rằng mình kém cỏi vì họ
có tâm khiêm hạ. Có người cho mình kém vì họ tự ti, mặc cảm. Người nghĩ rằng
mình kém (vì khiêm hạ) là người có Đạo đức, chắc chắn họ sẽ tiến bộ. Còn người
nghĩ mình kém rồi sinh ra buồn bã, chán nản, không còn nghị lực phấn đấu nữa thì
không phải là người có Đạo đức . Đó là người đã rơi vào bệnh mặc cảm, tự
ti.
Những người này thường chưa đủ tự tin. Họ không tin rằng mình sẽ làm
được điều tốt, không tin mình sẽ tiến đạo khi tu tập. Với họ, chúng ta đừng
khuyến khích bằng cách khen ngợi. Vì nếu khen không đúng, chúng ta sẽ làm họ
tăng bản ngã. Từ bịnh tự ti, họ có thể sinh bịnh tự tôn với lời khen hão huyền.
Với những người này, chúng ta chỉ khuyên họ tạo phước, vị tha hy sinh. Phước vị
tha sẽ đem lại tự tin. Đây là hệ quả rất kỳ lạ. Nếu không giúp đỡ người khác,
chúng ta sẽ rụt rè, mất tự tin; nếu sống tốt với mọi người, chúng ta sẽ tự tin
hơn.
c. Với người không có
duyên:
Với người không có duyên, chúng ta đừng cầu cạnh làm mất
tư cách của mình và cũng dễ bị họ khinh thường. Nhất là đối với những người giàu
mà không có duyên với mình, nếu cứ ân cần, vồn vã, chúng ta sẽ bị họ khinh
thường.
Bổn phận của chúng ta là đối xử tốt với mọi người, đừng cầu cạnh
ai dù đó là người giàu sang hay quyền thế. Đối với những người như vậy, chúng
ta chỉ hóa độ bằng cách cứ bình thản làm lợi ích cho người khác. Thấy chúng ta
lo lắng cho mọi người, dần dần họ sẽ hiểu.
d. Với người có duyên, ưu ái mình.
Chúng ta nên cẩn thận để giữ duyên, nghĩa là đừng nhận của người
ta nhiều quá. Chúng ta không nên ỷ lại vào sự ưu ái của họ, đến lúc hết duyên,
hết nợ lại xa nhau. Nếu thấy người đó đáng quý, có tư cách, muốn tình cảm được
bền bỉ dài lâu, chúng ta nên đem đạo lý cho họ, và ít nhận tiền bạc của họ. Có
như vậy, duyên mới giữ được lâu bền.
Có một Hòa Thượng nổi tiếng, đến ở
nhờ nhà của một Phật tử. Người đó chăm sóc rất chu đáo, còn cất một cái cốc sau
vườn để Hoà thượng tu cho yên tĩnh. Được ba năm, hình như nợ hết, người Phật tử
có điều gì bất mãn về Hòa Thượng. Hòa Thượng không thể ở được nữa, phải ra đi.
Từ đó hai bên không nhìn nhau nữa. Có thể đó là do mình đã hưởng hết duyên với
người khác nên ê chề cay đắng như thế.
Như vậy, trong vô lượng kiếp
luân hồi, chúng ta đã gieo duyên với người khác. Nếu gieo duyên đời trước bền bỉ
thì người ta sẽ gắn bó với mình mãi mãi. Ngược lại, duyên gieo không nhiều, gặp
một thời gian ngắn rồi cũng sẽ ra đi. Từ đó, chúng ta rút ra bài học: khi đối xử
tốt với con người, lòng tốt của mình cũng phải bền bỉ và vô hạn, đừng vì một lý
do nào mà ngừng lại nửa chừng. Bất đắc dĩ phải xa nhau vì hòan cảnh thì đành
chịu. Còn nếu có thể gặp được, lúc nào chúng ta cũng phải cố gắng sống tốt với
nhau để giữ duyên bền bỉ trong vô lượng kiếp luân hồi sắp tới.
e. Với người có lỗi:
Với người
ít kiêu mạn, tinh thần chưa vững mạnh, nếu họ phạm lỗi, chúng ta phải chăm sóc,
nhắc nhở nhiều hơn. Có như vậy, họ mới vượt qua lỗi lầm và đi tiếp con đường tu
hành. Nếu chúng ta lạnh lùng, ghét bỏ, hoặc căn cứ theo luật quá nghiêm khắc, họ
sẽ không tiếp tục theo Đạo được nữa. Lúc đó, Đạo của chúng ta sẽ mất đi một
người.
Ví dụ, trong chúng có người phạm tội ăn cắp. Với người tu hành,
đó là tội rất nặng, không chấp nhận được. Nhưng chúng ta cũng đừng vội căn cứ
theo luật mà đuổi họ ra khỏi chùa. Lúc ấy, chúng ta phải bình tâm quan sát tâm
tính, quá khứ của họ, nguồn gốc gia đình họ như thế nào, vì sao họ phạm tội ăn
cắp…. Nhiều khi, đối với người có thể chữa được, chúng ta không chữa để họ tốt
hơn, chúng ta cũng tổn từ bi. Như vậy, Đạo sẽ mất một người, Phật cũng mất một
chúng sinh. Trong khi Phật muốn tất cả chúng sinh đều được Đạo để tu, chúng ta
khắt khe quá làm chúng sinh xa rời Đạo cũng là điều không đúng.
Trong
cuốn Tình yêu cuộc sống (tiếng Anh là Love of life ), có câu chuyện về một người
bị lạc. Họ lạc vào một vùng ven bờ biển, không có lương thực nên đói kinh khủng.
Cho đến một ngày, có một chiếc tàu ghé vào bờ. Người trên tàu tìm thấy anh ta
đang nằm lả và mang lên tàu, cứu sống. Khi tỉnh lại, trong suốt tuần đầu, họ
thấy anh ta có miếng bánh nào đều bỏ vào bọc ni lông, cất giấu dưới giường. Thủy
thủ thấy lạ báo cho thuyền trưởng biết. Thuyền trưởng nói, “không phải anh ta là
người xấu. Người nào vừa thoát chết đói cũng đều bị cái đói ám ảnh quá nặng nên
mắc bịnh như vậy, bịnh tích lũy lương thực”.
Có những người xuất thân từ
một gia đình quá nghèo, cha mẹ ra ngoài đường thấy cái gì cũng nhặt nhạnh mang
về. Những người con sinh từ gia đình đó, cũng bị ảnh hưởng, đôi khi thành ra ăn
cắp lặt vặt. Cho nên, lâu ngày trở thành cái tập khí, tập khí xuất thân từ gia
đình hèn kém đáng thương. Nếu biết họ vừa ăn cắp món đồ của huynh đệ, chúng ta
phải suy xét để có cách xử sự hợp lý, hợp tình. Nếu lỗi của họ do tập khí gia
đình để lại, chúng ta nên khuyên bảo, tìm cách dìu họ đứng lên, không được ruồng
bỏ họ. Đó là đạo đức của người tu.
Nhưng với những người kiêu mạn, khó
bảo, đôi khi sự im lặng, lạnh lùng là cần thiết.
Người kiêu mạn rất khó
được dạy dỗ. Chính Phật cũng thú nhận rằng rất khó độ cho người kiêu mạn. Trong
Kinh Pháp Hoa diễn tả ý này khi để cho 500 Tỳ kheo bỏ pháp hội ra đi. Người kiêu
mạn phạm lỗi rất khó nói. Nhiều khi, chúng ta chỉ dùng sự im lặng. Thấy thái độ
im lặng của mình, dần dần họ phải xét lại và bớt đi cái ngã.
Như vậy,
mặc dù lòng rất bình đẳng, không thiên vị, nhưng chúng ta phải tuỳ bịnh cho
thuốc.
5. THANH QUY CỦA CHÙA PHẢI ĐẶT
TRÊN NỀN TẢNG BÌNH ĐẲNG.
Chùa phải có thanh quy đặt trên nền
tảng của sự bình đẳng. Nếu thanh quy của chùa lỏng lẻo, trong chúng sẽ kết thân
riêng từng nhóm, gây chia rẽ. Hoặc nếu cho tiếp xúc với Phật tử một cách dễ dãi,
tu sĩ sẽ nảy sinh tình cảm thiên vị, tạo thành những Phật tử riêng. Nguyên nhân
chính là do đường lối, tổ chức của chùa kém. Chúng ta hy vọng lớp Tăng Ni trẻ
sau này có cách thức quản trị chặt chẽ hơn. Muốn vậy, chúng ta phải nghiên cứu
về quản trị hành chánh. Có thể đến lớp học hoặc mượn sách về đọc để tìm hiểu xem
các công ty xí nghiệp, các cơ quan, các tổ chức … ở thế gian, họ tổ chức quản
trị hành chánh như thế nào. Từ đó, áp dụng trong đường lối của chùa mình cho
chặt chẽ, nghiêm túc.
6. VẤN ĐỀ HỢP TÁC
VỚI NGƯỜI CÓ DUYÊN VÀ CÓ KHẢ NĂNG.
Trong cuộc sống, để đạt được
hiệu quả công việc, chúng ta phải gắn bó hợp tác với người có khả năng và có
duyên với mình. Tuy nhiên, đừng để mất sự quan tâm đến người khác. Vì nếu không
cẩn thận, chúng ta sẽ rơi vào thái độ thiên vị trong đối xử.
7. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC DÀNH ƯU TIÊN.
Theo
Đạo đức bình đẳng, chúng ta chấp nhận cho người có phước hưởng thành quả nhưng
vẫn quan tâm, ưu ái đến những người chưa đủ khả năng, chưa đủ
phước.
8. VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG NAM NỮ TRONG
XÃ HỘI.
Trong xã hội, tuỳ theo quan niệm của mỗi địa phương, mỗi
thời đại mà giữa người nam và người nữ có sự đối xử khác nhau. Có nơi người ta
rất coi trọng phụ nữ. Ngược lại, có xã hội, người phụ nữ không được coi trọng
dúng mức.
Ví dụ: Trong xã hội Âu Mỹ, người nữ bao giờ cũng được ưu tiên(
Lady first ). Người đàn ông được xếp hàng thứ năm, sau súc vật. Nhưng ở xã hội
Hồi Giáo, người đàn bà chỉ là công cụ cho người đàn ông. Như vậy, trong đối xử
luôn có sự biến thiên, không có sự bình đẳng.
Ở nước ta, trong xã hội
phong kiến, người phụ nữ bị coi thường, không có vai trò vị trí gì trong xã hội.
Họ tồn tại gần như là cái bóng của người đàn ông. Trong xã hội hiện nay, vấn đề
bình đẳng giữa nam giới và nữ giới rất được quan tâm. Giữa họ đã có sự bình
đẳng. Người phụ nữ ngày càng giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, chiếm ưu
thế so với người nam. Trong xã hội văn minh, hiện đại, mọi công việc dần dần đều
được thay thế bằng máy móc, người phụ nữ có nhiều cơ hội hơn. Họ vẫn có thể đảm
nhiệm được những việc quan trọng nhưng lại không phải bỏ ra quá nhiều công sức,
không phải lao động tay chân.
Như vậy, giữa nam và nữ đã có sự bình đẳng.
Tuy nhiên, còn một vấn đề cần phải quan tâm nữa. Đó là quan niệm về nghiệp của
con người. Từ xưa đến nay, người ta vẫn quan niệm rằng người nữ nặng nghiệp hơn
người nam, bởi vậy, lúc nào người nữ cũng phải chịu thiệt thòi, thua sút người
nam một chút. Đó là quan niệm không đúng. Quan niệm này chỉ do các “đấng mày
râu” đặt ra để có lợi cho họ mà thôi.
Theo quan niệm của Đạo Khổng,
người phụ nữ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, đau khổ. Đàn ông có quyền năm thê
bảy thiếp trong khi đó, phụ nữ chỉ chính chuyên một chồng. Còn nhiều điều bất
công khác mà người phụ nữ phải chịu đựng, nhất là những luật tục cổ
hủ.
Tuy nhiên, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội
có sự biến thiên theo thời gian, tuỳ theo từng xã hội. Có nơi, người vợ đi lấy
chồng và có thể lấy được nhiều người. Có xứ, người phụ nữ đi làm dâu, làm vợ,
tức là làm dâu làm vợ cho tất cả mấy anh em trong một gia đình. Mỗi lần đi chợ,
người vợ chỉ cần ra lệnh mua cái gì, còn những người kia răm rắp làm
theo.
Có xã hội, người vợ được quyền làm chủ. Nhưng cũng có những xã
hội người vợ chỉ làm đầy tớ. Khi chồng ăn cơm, vợ phải đứng hầu. Như vậy, rõ
ràng quan niệm cho rằng người phụ nữ nặng nghiệp là không đúng. Vì nếu nặng
nghiệp, tại sao có xã hội lại tôn trọng, ưu tiên người phụ nữ nhiều hơn nam giới
?
Chúng ta không nên quan niệm nam hay nữ nặng nghiệp. Điều đó tùy thuộc
vào mỗi người. Nếu ai quen ngược đãi phụ nữ, coi phụ nữ là công cụ, kiếp sau sẽ
bị đầu thai thành người nữ trong xã hội Hồi Giáo (xã hội ngược đãi phụ
nữ).
9. VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG TĂNG NI -BÁT
KỈNH PHÁP.
Người ta kể rằng, vào thời Đức Phật, Dì của Đức Phật
xin xuất gia, Ngài không cho. Khi ngài A Nan năn nỉ tha thiết quá, Phật đồng ý
nhưng với điều kiện phải tuân thủ tám điều. Trong tám điều đó, Phật có yêu cầu:
Dù người Ni một trăm tuổi hạ vẫn phải tôn kính đảnh lễ một Tỳ kheo Tăng dù chỉ
một tuổi hạ.
Vấn đề ở đây là Phật đã đặt giai cấp của người Ni thấp hơn
hẳn giai cấp của Tăng. Từ đó hình thành quan niệm cho rằng người nữ nặng nghiệp
hơn người nam. Thực ra, nếu đặt vào bối cảnh lúc bấy giờ chúng ta sẽ hiểu đúng
hơn ý nghĩa lời yêu cầu của Đức Phật . Bối cảnh lúc đó là người Ni đầu tiên lại
là Dì của Phật. Nếu để một cách bình thường, Tăng Ni bình đẳng thì những Tỳ kheo
khác sẽ rất sợ bà. Họ sợ cũng là điều hợp lý vì bà là Dì Đức Thế Tôn, người đã
từng nâng niu, bú mớm cho Phật từ khi còn nhỏ. Công của bà rất lớn. Hơn nữa, bà
thuộc dòng dõi Hoàng tộc, lại xuất gia khi đã lớn tuổi. Những Tỳ kheo Tăng nhỏ
tuổi, những người thuộc giai cấp khác gặp bà, chỉ dám gọi là Lệnh Bà. Như vậy,
đối với những Tỳ kheo Ni khác xuất gia theo bà, các tỳ kheo tăng phải đối xử như
thế nào? Họ cũng phải một mực kính trọng. Từ đó, sẽ nảy sinh tình trạng các Tỳ
kheo Ni coi thường các Tỳ kheo Tăng, làm mất tôn ti trật tự, không còn bình
đẳng nữa. Như vậy, thực tế lúc đó, nếu Phật để mọi người bình đẳng thì sẽ sinh
ra mất bình đẳng. Nghĩa là từ chỗ sợ Dì Đức Phật, người Tăng sẽ có truyền thống
cung kính với người Ni.
Phật sợ tình trạng đó xảy ra nên đã đặt ngược vấn
đề, dù lớn tuổi hạ, Tỳ kheo Ni vẫn phải tôn kính Tỳ kheo Tăng. Nhờ vậy, sau này,
những người Ni xuất gia không dám dựa thế Kiều Đàm Di Mẫu mà coi thường quý
Tăng. Nếu không triệt cái ngã của họ, chẳng những họ không tu được mà trong đạo
Phật còn xuất hiện truyền thống người Tăng gặp người Ni phải sợ hãi, cung kính.
Dần dần sẽ gây nên sự bất bình đẳng giữa Tăng và Ni.
Hiện nay, người
Tăng được đứng ở vị trí cao hơn người Ni. Điều đó cũng có lợi, nhưng đôi khi do
cách xưng của người Việt Nam ( Thầy-Con), chúng ta có cảm giác người Ni bị hạ
thấp quá. Ở nước ngoài, đại từ nhân xưng đơn giản hơn ( I- You) nên không thấy
rõ sự cách biệt đó. Tuy nhiên, khi xưng hô khiêm tốn và có vẻ hạ mình như vậy,
qúy Cô đã hạ được cái ngã của mình rất nhiều, nên có Đức. Ngược lại, khi được
quý Cô xưng con, cái ngã của quý Thầy lại tăng lên. Khi đó, quý Thầy bị tổn
Đức.
Những Thầy có Đạo đức, rất sợ điều này. Còn những Thầy không biết,
cho rằng Bát kỉnh pháp là chân lý tuyệt đối, luôn coi thường quý Cô. Những người
đó, kiếp sau sẽ được làm Ni, để hiểu rằng trong một đất nước mà Bát kỉnh pháp
nặng nề như vậy, làm Ni sẽ được đối xử như thế nào.
Ngày xưa, sống trong
rừng núi vắng vẻ, người Ni phải ở gần người Tăng để được Tăng bảo vệ. Thời đó,
trộm cướp hoành hành khắp nơi. Trong luật Tứ Phần, người ta còn ghi lại chuyện
một Tỳ Kheo Ni bị hãm hiếp. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho người Ni, Phật dặn Tỳ
Kheo Ni phải an cư những nơi gần đó có Tỳ Kheo Tăng. Nghĩa là Tăng có trách
nhiệm bảo vệ Ni.
Bây giờ, vấn đề an ninh được Nhà nước chú trọng tăng
cường nên ít xảy ra những bất ổn đối với người Ni. Hơn nữa, các Tỳ Kheo Ni sống
thành từng cộng đồng, có tổ chức nên an toàn hơn. Bởi vậy, chúng ta chủ trương
cần bình đẳng hơn trong quan hệ giữa Tăng và Ni. Nhiều khi do giữ Bát kỉnh pháp,
người Ni vẫn xưng con với các Thầy . Điều đó cũng không có gì sai, nhưng người
có Đạo đức bình đẳng sẽ tỏ ra băn khoăn. Họ sợ không giữ được tâm mình, cái ngã
của mình tăng lên.
Đối với Phật tử cũng vậy, sự tôn kính nên để trong
lòng. Có thể các Phật tử đến chùa không nhất thiết phải xưng con với người xuất
gia.
Tóm lại, con người thường có sự sai biệt về phước. Đó là chênh lệch
rất tự nhiên và hợp lý. Trước tình trạng đó, chúng ta không được san bằng quyền
lợi. Tuy nhiên, cũng không vì những sai biệt về phước mà chúng ta đối xử quá
thiên vị, quá chênh lệch giữa người này với người kia. Một điều cần lưu ý là Đạo
đức của người tu buộc chúng ta phải quan tâm đến người khác, phải chú ý nhiều
hơn đến thân phận những người thấp kém. Họ là những người nghèo khó, tật nguyền,
những người ít học , vv….
Ngoài việc đối xử bình đẳng, chúng ta phải
biết quan tâm đến người khác. Điều đáng quan tâm ở họ không phải là giàu sang
hay nghèo hèn mà là cái tâm của họ, tâm Đạo của họ. Dù giàu hay nghèo, nếu có
tâm Đạo, họ đều đáng để chúng ta yêu thương, trân trọng. Và trước sự sai biệt
như vậy, chúng ta cũng phải tùy bệnh cho thuốc. Có trường hợp, chúng ta đối xử
ân cần sẽ đem lại lợi ích cho họ. Có trường hợp, chúng ta nên hờ hững, lạnh lùng
để họ nhận ra và sống tốt hơn. Phải đặc biệt lưu ý, trong đối xử, chúng ta đừng
bao giờ nghĩ đến lợi ích của mình, đừng cầu cạnh quyền lợi cho mình. Điều quan
trọng là chọn thái độ cư xử như thế nào để có lợi cho người khác.