HIỂU VÀ TÔN KÍNH PHẬT
1. Tôn kính Phật là công hạnh căn bản.
Hiểu
và Tôn kính Phật là đạo đức căn bản của mọi đạo đức khác. Tuy nhiên hầu
như chúng ta bỏ quên, xem thường, và không thấy hết tầm quan trọng của
tâm hạnh vô cùng đặc biệt này. Mỗi ngày chúng ta vẫn lễ Phật, không ít
thì nhiều, nhưng sẽ lễ với tâm hời hợt dần theo ngày tháng. Vì vậy
chúng ta không đạt được những công đức vi diệu từ việc lễ lạy đó.
Tôn
kính Phật là công đức căn bản sinh ra mọi công đức khác, là tâm hạnh
căn bản sinh ra mọi tâm hạnh khác. Là đệ tử Phật, nhất là người xuất
gia, chúng ta cũng mong ước dựng lập nơi mình vô lượng tâm hạnh tốt đẹp
để chính cuộc đời mình được an lạc và đủ tư cách để làm lợi ích cho
chúng sanh. Nhưng vô lượng tâm hạnh đó không thể thành tựu nếu thiếu
tâm hạnh ban đầu là tôn kính Phật.
Ví dụ chúng ta muốn tâm
mình tràn đầy lòng Từ bi thương yêu tất cả chúng sinh vì chúng ta biết
lòng thương yêu chúng sinh là một lý tưởng đẹp, đẹp như một ánh trăng
rằm mà tất cả thánh nhân đều ngợi ca, tất cả thế gian đều nương tựa.
Chúng ta suốt đời hướng tới, phấn đấu những mong đạt được lý tưởng Từ
bi đó. Nhưng hầu như ai cũng nhận ra rằng dù đã cố gằng nhiều mà tâm Từ
bi chúng ta vẫn phát triển rất ít. Chấp ngã từ ngàn đời luôn cản trở
không cho ta thương yêu mọi người một cách dễ dàng. Chúng ta không đủ
tâm thương yêu huynh đệ chung quanh mình, vẫn còn những phiền não giận
hờn trách móc chê bai lẫn nhau mãi.
Thế chúng ta đã thiếu sức mạnh gì khiến mình không phát triển được lòng Từ bi như thế?
Chúng ta đã thiếu công hạnh Tôn kính Phật !
Hoặc
ví dụ như hạnh nhẫn nhục cũng là một tâm lý đạo đức quan trọng của
người tu hành. Đó là tâm bình thản bất động đối với những nghịch cảnh,
sự xúc phạm, sự trái ý. Nhiều khi chúng ta đã buồn bực, giận hờn, đau
khổ vì mọi điều trong cuộc sống để rồi phải bày tỏ thái độ gay gắt, cáu
kỉnh, hậm hực, nóng nảy… khiến cho người ngoài nhìn vào đánh giá là
thiếu đạo lực. Nhất là người xuất gia thì sự bình thản trước nghịch
cảnh còn quan trọng hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta đã thiếu sức mạnh
tinh thần nào đó khiến chúng ta yếu đuối không còn vững vàng.
Chúng ta đã thiếu công hạnh Tôn kính Phật !
Người
xưa có nói ”Kính thầy mới được làm thầy”, thì ở đây cũng vậy, chúng ta
có tôn kính Phật thì chúng ta mới dần dần đạt được những đức tính của
Phật nơi tâm của mình. Chúng ta có tôn kính một bậc Thánh nào đó thì
chúng ta mới thành tựu một phần các tính chất của bậc Thánh đó. Dĩ
nhiên chúng ta chỉ thành tựu một phần thôi vì không thể nào bì được với
công đức tu hành từ nhiều kiếp của vị đó.
Có một câu chuyện
đẹp về ý nghĩa này. Đôi vợ chồng nghèo gặp một vị Alahán có dung mạo
rất đẹp. Họ phát tâm cúng dường vị Alahán một sấp vải để thay thế tấm y
rách rưới tả tơi của ngài sau nhiều ngày tháng ẩn cư trong thâm sơn
cùng cốc. Vị Alahán bước vào bụi rậm để khoác lên tấm y mới và bước ra
với dáng vẻ đường bệ bội phần. Người vợ buột miệng nói :
- Xin cho chúng con được dự vào quả vị như Ngài đã chứng !
Vị
Alahán mỉm cười hứa khả và khẽ chào quay đi. Ngài biết mình đã chứng
Alahán nhưng đôi vợ chồng kia không biết. Dù thế nào thì lời nguyện đó
cũng sẽ thành tựu trong đời vị lai.
Không ngờ khi ngài mỉm cười thì dung mạo càng đẹp hơn nữa. Khi ngài đi rồi thì người vợ khen mãi:
- Trời ơi, ngài đẹp như một tài tử !
Người chồng gật đầu đồng ý.
Nhiều
kiếp trôi qua đến khi Phật Thích Ca xuất hiện thì đôi vợ chồng kia cũng
tái sinh sau đókhông lâu. Người vợ sinh trong gia đình gánh hát nên làm
nử tài tử đi hát từ vùng này sang vùng khác. Người chồng mê cô đào hát
nên trốn nhà đi theo. Họ có với nhau một mụn con. Người chồng thường bị
nói xa nói gần là vô tích sự vì thật sự anh không biết biểu diễn như
vợ. Tự ái, anh học trình diễn và cũng trở thành tài tử.
Một
lần đang biểu diễn đu quay trên cây sào cao 20 thước, anh chợt nhìn
thấy đức Phật từ xa đi đến với oai nghi trầm hùng rực rỡ nên anh giữ
bất động để ngắm Ngài. Phật cũng thấy nhân duyên của anh đã chín muồi,
nên hướng về anh đọc một bài kệ với nội dung xem cuộc đời cũng là một
trò xiếc mà người trí phải biết thoát ra. Anh chứng đạo ngay đó và bay
xuống đảnh lễ Ngài.
Người chồng xuất gia, và người vợ cũng
xuất gia theo rồi cũng chứng đạo luôn, đúng như lời nguyện kiếp xưa mà
họ đã mong muốn. Dĩ nhiên ta cũng biết là họ cũng phải đã từng có nhiều
kiếp tu hành thật sự chứ không phải chỉ do nhân duyên cúng dường sấp
vải.
Câu chuyện trên cho chúng ta một minh họa sinh động về sự thành tựu những tính chất giống như vị thánh mà mình đã tôn kính.
Và
vượt hơn tất cã những vị thánh khác, đức Phật là vị thánh tuyệt đối của
toàn vũ trụ với vô số những đức tính cao cả tuyệt vời. Chúng ta đặt lên
Ngài lòng Tôn kính là chúng ta đã gieo vào tâm mình hạt giống của những
thánh tính tuyệt đối. Ngày nào đó chúng ta cũng sẽ thành tựu dần dần
những tính chất cao đẹp của Phật.
Nhân cách được nâng cao
Kết
quả ban đầu dễ nhìn thấy từ hạnh Tôn kính Phật là nhân cách chúng ta từ
từ được nâng cao lên. Nếu ngày xưa chúng ta thô tháo, vụt chạc, vội
vàng, nhìn vấn đề không sâu sắc… thì sau một thời gian lễ kính Phật, ta
sẽ thấy mình điềm đạm chững chạc lại, trông có vẻ khả kính hơn.
Tư
cách oai nghi đó không phải do gắng gượng làm bộ ra vẻ mà được, mà thật
sự do nhân quả tạo thành một cách tự nhiên. Người không có công đức, dù
có làm bộ ra vẻ đàng hoàng đoan trang một thời gian rồi cũng bộc lộ bản
chất kém cỏi.
Người có tư cách thật sự, dù ở trước đám đông
hay ở trong phòng vắng cũng không khởi ra một cử chỉ sai lầm làm mất
oai nghi. Lúc nào người này cũng giữ oai nghi đàng hoàng đẹp đẽ cho dù
không ai nhìn thấy, chính tâm họ tự biết kiểm soát lấy từng động tác
của mình một cách nhẹ nhàng kỹ lưỡng.
Do công đức lễ kính Phật
mà trong sâu thẳm, tâm ta có sức mạnh và có trí tuệ biểu lộ ra thành
nhân cách khiến mọi người nể trọng. Cũng chính trí tuệ này giúp ta phát
hiện ra lỗi lầm tiềm tàng của mình. Thật vậy, người nào lễ Phật một
thời gian đều bắt đầu thấy ra được lỗi lầm mà trước đây tự mình không
nhìn thấy. Có khi người khác chỉ cho mà mình cũng không công nhận. Bây
giờ nhờ công đức lễ Phật mà tự mình hiểu rằng đó là lỗi. Khi đã biết
lỗi rồi thì lỗi đó đang hết dần.
Ví dụ trước đây chúng ta sống
ích kỷ chỉ lo cho mình, bây giờ chân thành lễ Phật một thời gian, chợt
chúng ta thấy ra từng cử chỉ nhỏ, từng ý nghĩ nhỏ nào có mang theo tâm
ích kỷ. Vì vậy chúng ta tự biết phải thay đổi chứ không thể để như vậy
mãi.
Ý chí vi diệu xuất hiện
Kế đến một loại ý chí vi diệu xuất hiện giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh, vượt qua cám dỗ.
Chúng
ta đã phân biệt hai loại ý chí, một loại khởi lên từ bản ngã, và một
loại khởi lên từ ý chí. Ý chí khởi lên từ bản ngã là do gắng gượng mà
có, ráng sức mà có. Loại này càng khởi lên chừng nào thì càng làm tăng
trưởng ngã chấp kiêu mạn chừng nấy.
Còn loại Ý chí khởi lên từ công đức thì vừa mãnh liệt vừa nhẹ nhàng, nhưng rất hiệu quả.
Ví
dụ như có người nói điều gì làm chúng ta buồn. Chúng ta thấy người biết
tu mà buồn thì không hay nên muốn bỏ. Nhưng nếu chúng ta chỉ đơn thuần
ráng mà thôi sẽ thấy mệt mõi mà nỗi buồn vẫn cứ đeo đẳng hoài. Còn nếu
chúng ta có công đức thì ngay khi muốn hết buồn, quyết định dừng lại
nỗi buồn, thì tự nhiên bên trong có một sức mạnh gì đó, rất lạ, tiêu
diệt nỗi buồn liền.
Ý chí là con dao hai lưỡi là vậy, sẽ làm tăng bản ngã nếu thiếu công đức.
Rồi
trong suốt cuộc đời tu hành chúng ta sẽ gặp không biết bao nhiêu là
nghịch cảnh cay đắng. Nếu không có ý chí, chúng ta sẽ chán nản bỏ cuộc
giữa đường. Nếu có ý chí, chúng ta sẽ chịu đựng để tiến bước. Rồi chúng
ta cũng sẽ đối diện với biết bao nhiêu cám dỗ mời gọi. Nếu không có ý
chí, chúng ta cũng sẽ dừng lại để hưởng thụ. Ý chí cần thiết như thế,
nhưng phải là loại ý chí đến từ công đức thì mới không bị hậu quả phụ
tai hại là làm phát triển bản ngã.
Vì vậy, chúng ta phải khôn
ngoan biết lễ kính Phật để tạo cho mình một nền tảng công đức vững chắc
nhằm giúp cho đời tu của mình an ổn hơn.
Quy y Phật
Bước
đầu đến với đạo Phật ai cũng làm lễ Quy y Tam Bảo, căn bản là quy y
Phật. Quy y Phật nghĩa là nguyện trọn đời tôn thờ Phật, trọn đời xin
làm con của Phật, trọn đời đem thân tâm này dâng lên cúng dường Phật,
trọn đời sống trong Giáo pháp của Phật. Ý nghĩa quy y rất lớn mà đa
phần chúng ta không hiểu hết và đôi khi xem thường, hoặc hiểu khác
nghĩa đi.
Trước hết ta phải xác định rằng Phật là Đấng Chánh
Giác với sự giác ngộ tối thượng, mà đại biểu cụ thể nhất chính là đức
Phật Thích Ca có thật trong trong lịch sử. Chúng ta là những chúng sinh
si mê trầm luân, nay có duyên lành gặp được Phật Pháp nên nguyện đem
trọn cuộc đời đi theo Phật. Đó là ý nghĩa chuẩn mực rất cơ bản, rất
bình thường, và rất chính xác.
Nếu chúng ta hiểu theo cách
thức dịch từng chữ là Quy là trở về, Y là nương tựa, thì sẽ thấy rất
hời hợt nhẹ nhàng. Đó là lý do tại sao nhiều Phật tử dễ dàng bỏ đạo khi
gặp duyên hôn nhân, khi đi ra nước khác sinh sống.
Ngày xưa một người tại gia gặp Phật quỳ xuống phát nguyện : Con xin suốt đời Quy y Thế Tôn, Quy Y Pháp, Quy y Chư Tăng.
Họ nói với tất cả quyết tâm và sự chân thành vì lúc đó trước mặt họ là đức Phật cao siêu vĩ đại.
Bây
giờ quý thầy cô làm lễ Quy y cho Phật tử có khi không gieo được vào
lòng Phật tử niềm xúc động sâu xa ở cái buổi ban đầu vào đạo. Người
Phật tử không được may mắn như các cư sĩ thời đức Phật là có được cảm
xúc mãnh liệt với Đạo. Sau này có một số Phật tử ít gắn bó với chùa,
lập gia đình với người đạo Kitô hay đạo Hồi liền bỏ đạo để làm lễ cưới
theo họ. Các đạo kia bắt buộc nghiêm khắc tín đồ phải làm lễ cưới tại
giáo đường của họ, cũng có nghĩa là buộc người phối ngẫu phải theo đạo.
Đây là một cách dùng phương tiện hôn nhân để đưa người vào đạo rất hiệu
quả. Và nguồn cung cấp thêm tín đồ cho các tôn giáo bạn chính là đạo
Phật của chúng ta vì chúng ta đã không giúp cho người Phật tử có lòng
kính tin Phật tuyệt đối.
Bây giờ là lúc phải điều chỉnh lại,
phải giúp cho Phật tử hiểu ý nghĩa thiêng liêng của việc Quy y Phật là
trọn đời thiết tha sống theo giáo pháp của Phật mà không gì có thể lung
lay được.
Chúng ta hãy cảnh giác về ý nghĩa quy y Phật là quy
y tự tánh vì không đúng với ý nghĩa căn bản chuẩn mực vốn cần thiết cho
đời sống tâm linh tu hành. Nếu nói quy y Phật là quy y tự tánh thì có
ai đã thấy được tự tánh của mình ra sao để mà quy y đâu.
Hỏi
Phật ở đâu, ta bèn chỉ vào trong tâm mình. Hỏi tâm ở đâu, ta đành chỉ
trên đầu hoặc trong tim, hoặc dưới bụng. Nhưng cái gì đang ẩn chứa
trong tâm ta?
Trong tâm ta luôn luôn đang tồn tại một bản ngã
cực kỳ nguy hiểm. Bản ngã đó bí mật chi phối toàn bộ ý nghĩ hành vi của
ta, thường khiến tâm ta khởi lên vô số phiền não, tham lam, sân hận…
Chúng ta chưa bao giờ chứng được vô ngã, chỉ tưởng tượng có một cái tự
tánh cao siêu nào đó ở trong tâm để tôn thờ, vô tình đã tôn thờ lầm bản
ngã. Ngay cả một số vị đã đắc định, thấy tâm rỗng rang sáng tỏ cũng
chưa phải là đã thoát hẳn ngã chấp. Chỉ những ai thành tựu được tam
minh lục thông như Phật mới được xem là chấm dứt chấp ngã. Còn hiện tại
dù ta có được một số kết quả trong nội tâm thiền định gì đi nữa vẫn
chưa hết được chấp ngã. Vì vậy, chúng ta phải khôn ngoan cảnh giác về
nội tâm đang còn chứa đựng bản ngã này hơn là tôn thờ cái tâm được chút
ít an ổn đó. Kẻo không, tâm kiêu mạn sẽ tăng trưởng nhanh chóng làm tan
vỡ đạo đức của mình.
Có câu chuyện vị khách tăng từ phương xa
đến viếng chùa quê, cùng với vị tăng ở bổn tự đàm đạo vui vẻ. Khách nói
qua lãnh vực tự tánh. Chủ thắc mắc hỏi:
- Thầy nói
tự tánh nơi chính mình, vậy thầy đi từ trên đó về đây thì tự tánh có đi
theo chăng? Rồi thầy giã từ ở đây để về nơi đó trở lại thì tự tánh có
theo thầy về không?
Khách im lặng không đáp. Chủ hỏi tiếp:
-
Nếu tự tánh đó theo thầy đi tới đi lui như vậy thì không phải là bất
động. Còn nếu tự tánh là bất động thì không theo thầy đi tới đi lui như
thế; và nếu không theo thầy đi tới đi lui thì tự tánh đó không phải ở
nơi thầy, mà là ở chỗ khác.
Chúng ta sẽ thấy rằng cái đi tới
đi lui theo mình có lẽ là bản ngã thì đúng hơn. Còn thể tánh tuyệt đối
thì phủ trùm không gian và thời gian, vượt qua ý niệm về không gian và
thời gian.
Nếu chúng ta chấp nhận ý nghĩa quy y tự tánh thì
rất dễ rơi vào tình trạng tôn thờ bản ngã và làm cho tâm kiêu mạn xuất
hiện. Mà tâm kiêu mạn là tai họa của người tu.
Ví dụ như một
người mới vào chùa xuất gia, ngoài sư phụ mà người này phải kính thờ
nhu thuận còn có nhiều sư huynh đã tu trước mình. Vì vậy người này phải
vâng lời cả chùa, phải vui vẻ nghe lời rầy la dạy bảo của cả chùa. Đây
là thời gian đẹp nhất của cuộc đời đi tu vì nhờ nhu thuận vâng lời hết
mọi người nên bản ngã được diệt trừ dần dần. Thời gian này càng kéo dài
nhiều năm thì phước người này càng lớn. Điều “bất hạnh” xuất hiện khi
sư phụ nhận thêm đệ tử mới, nghĩa là người này bắt đầu lên chức sư
huynh, bắt đầu có sư đệ để dạy bảo sai khiến. Khi có người nghe lời sai
bảo của mình thì bản ngã của người này đang thức dậy, phước sẽ giảm dần
dần. Nếu càng có nhiều sư đệ thì bản ngã càng nhanh chóng phát triển
hơn.
Chúng ta thấy nhiều khi mình chưa biết vô ngã là gì, chỉ
có hạnh nhu thuận vâng lời mà bản ngã đã giảm rất nhiều, công đức đã
được dựng lập rất nhiều. Công đức trong thời gian ban đầu đó có khi đủ
giúp ta đi qua cả một đời tu hành yên ổn. Còn khi bắt đầu có sư đệ,
hoặc khi có đệ tử thì người này phải giữ tâm vô ngã bằng những phép tu
chuyên sâu hơn. Nếu không thì địa vị lớn chỉ là môi trường thuận lợi
cho bản ngã lớn mạnh hơn mà thôi.
Khi quy y Phật, chúng ta
thật sự tôn kính Phật; đó là một đối tượng bên ngoài, một vị thánh siêu
tuyệt không có một sơ hở nhỏ trong nhân cách. Chúng ta may mắn hơn các
tín đồ của tôn giáo khác khi vị giáo chủ của chúng ta có một thánh tính
tuyệt đối như thế. Và thật là bất hạnh nếu bây giờ chúng ta bỗng nhiên
quay lại tôn thờ quy y bản ngã của mình, gọi đó là tự tánh, rồi xem
thường mọi người, xem thường cả Phật và Bồ tát. Cứ cho rằng bất cứ cái
gì ở bên ngoài mình đều là vô nghĩa, mà Phật Bồ tát cũng là ở ngoài,
nên chúng ta hờ hững với chư Thánh. Phước chúng ta sẽ sụp đỗ không lâu!
Vì
vậy chúng ta không nên bẻ ý nghĩa Quy y Phật trở thành quy y tự tánh.
Hơn nữa, một đệ tử Phật mà không hiểu Phật, không tôn kính Phật thì rất
đáng bị nghi ngờ về đạo đức. Dù người này có trình bày đạo lý cao siêu
như thế nào, nhưng nếu họ thiếu lòng tôn kính Phật thì chúng ta khoan
cho đó là người tốt. Phải có lòng tôn kính Phật làm nền tảng trước khi
chúng ta xây dựng tiếp những công hạnh khác trong Phật Pháp.
Tôn kính Phật nhiều chừng nào, đạo quả cao chừng nấy
Chúng
ta hãy xem hình ảnh một chiếc máy bay để gợi ý cho sự tu tiến đạo quả.
Đầu tiên chiếc máy bay chạy chậm, rồi nhanh dần, nhanh dần, cho đến khi
nó tăng tốc thật nhanh đủ để cất lên cao khỏi mặt đất.
Khi nó
đã bay lên cao rồi thì đáp xuống không phải dễ; cũng phải hạ thật khéo
xuống đường băng với tốc độ thật lớn, rồi giảm dần, giảm dần cho đến
khi ngừng hẳn.
Một chiếc xe lửa cũng vậy, khi đã chạy nhanh
rồi mà muốn dừng lại cũng không dễ, phải giảm vận tốc cả mấy trăm mét
mới dừng hẳn được.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta tôn kính Phật,
sống một đời vị tha thương yêu muôn loài, khiêm hạ kín đáo. Đó là chiếc
máy bay đang chạy lấy đà. Rồi những tâm lý đạo đức đó lớn dần, lớn dần
cho đến khi đủ mạnh để cất cánh lên cao thì gọi là chúng ta chứng được
đạo quả Tuđàhoàn, gọi là vào dòng thánh –nhập lưu. Người chứng đạo quả
Tuđàhoàn được Phật ấn chứng là vĩnh viễn không còn đọa vào 3 ác đạo của
địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sở dĩ như vậy vì cái đà đã đủ mạnh để
người này không còn bị rơi trở lại trong sai lầm tội lỗi. Cửa 3 ác đạo
đã vĩnh viễn đóng lại với vị này. Rồi đến một kiếp nào đó chưa định
chắc, người đó sẽ phải chứng được đạo quả Niết bàn. Có thuyết cho rằng
vị Tuđàhoàn sẽ tái sinh bảy lần rồi mới chứng Niết bàn; nhưng thật ra
không chắc như thế.
Tương tự với những chúng sinh sống với tâm
ác độc, ích kỷ, không tôn trọng thần thánh. Họ cũng đang tạo thành một
cái đà đi về đọa xứ. Khi đời sống bất thiện như thế đủ mạnh thì họ sẽ
đọa vào ác đạo không có ngày trở lên. Trước hết họ sẽ xuống địa ngục.
Thoát kiếp địa ngục, họ sẽ làm quỷ đói; thoát kiếp quỷ đói, họ sẽ làm
súc sinh. Nhưng vì trước đây họ có nhiều ác tâm nên họ sẽ làm một loài
ác thú ăn thịt sống. Rồi do giết hại các cầm thú khác để ăn thịt nên họ
không còn có cơ hội để tái sinh làm một loài khá hơn, chỉ đọa dần thành
sâu bọ nhỏ nhoi. Khi đã làm sâu bọ rồi thì cái chuyện trở lại làm người
là dường như không thể xảy ra nữa. Rất là đáng thương!
Chúng
ta phải tích lũy lòng tôn kính Phật đủ để cất cánh lên bầu trời công
đức bao la thì mới không sợ lui sụt. Máy bay mà chưa cất cánh thì có
thể dừng lại dễ dàng, lòng tôn kính Phật mà chưa vượt bực thì đạo tâm
có thể thoái chuyển cũng dễ dàng như vậy. Khi nào chúng ta chứng được
quả vị Tuđàhoàn mới có thể tạm yên tâm là đối với Phật pháp không còn
quay bước.
Nếu lòng tôn kính Phật của chúng ta đạt đến tuyệt
đối thì chúng ta chắc chắn đã có cái nhân của quả vị Alahán. Nhưng như
thế nào là lòng tôn kính Phật đạt đến tuyệt đối?
Đây là chỗ không dùng ngôn ngữ để diễn tả được, chỉ tâm ta tự biết mà thôi.
Nếu
ai mỗi ngày quỳ xuống trước Phật với trọn lòng thiết tha tôn kính đến
tuyệt đối, cảm thấy thân tâm này, mạng sống này đều dâng lên Phật, từng
ý nghĩ đều theo Phật, thì người này về sau sẽ chứng thành đạo quả vô
lượng vô biên.
Mỗi người đều có từng lễ Phật nhưng thật ra tâm
kính Phật không giống nhau, phần đông theo nghi thức chung bên ngoài
chứ trong tâm rất hời hợt. Nếu lễ Phật hời hợt quá thì khó có phước tu
tiến lâu dài về sau.
Muốn kính Phật phải hiểu Phật
Muốn
tôn kính phật, chúng ta phải hiểu Phật, phải hiểu Phật rất là sâu sắc.
Chúng ta không thể trọn lòng kính Phật nếu chưa hiểu Phật. Muốn hiểu
Phật thì chúng ta phải:
- Biết khá rõ về cuộc đời siêu việt phi thường của Phật
- Biết nhiều về những lời dạy thiêng liêng cao quý của Phật
- Biết nhiều chi tiết về cuộc đời giáo hóa kỳ vĩ của Phật
- Tinh tấn tu chứng để cảm nhận giá trị mầu nhiệm của Phật Pháp.
Trước
hết là phải biết nhiều về cuộc đời của Phật với những công hạnh cao cả,
với những chi tiết nho nhỏ nhưng cảm động lạ thường. Hầu hết chúng ta
có đọc qua một số sách viết về sử Phật, nhưng nếu không có trí tuệ
chúng ta sẽ không có cảm xúc nhều mà chỉ đọc như đọc truyện tiểu
thuyết. Có khi là do người viết không diễn tả được hết những điều hay
trong cuộc đời Phật, nhưng cũng có khi là do người đọc không nhận ra
những điều hay trong đó. Nếu có trí tuệ chúng ta sẽ nhận ra sự vĩ đại
của Phật từ những đoạn diễn tả đơn giản.
Ví dụ trong kinh Đại
giáo giới Lahầula, Một lần Phật cùng với Lahầula đi khất thực buổi
sáng. Đó là một hình ảnh đẹp của 2 cha con vương tử trở thành 2 thầy
trò cùng nhau đặt những bước chân vân du trên các nẻo đường nhân thế để
giáo hóa. Phật thấy cơ duyên đã đến. Đang đi nửa chừng, chợt Phật dừng
chân, rồi quay lại nhìn Lahầula với cái nhìn của con voi chúa. Phật
thuyết pháp cho Lahầula nghe về ý nghĩa vô thường và vô ngã.
Chỉ
có đoạn ngắn nói về cái nhìn của con voi chúa có thể làm chúng ta xúc
động. Câu nói tuy ngắn nhưng hàm chứa trong đó cả một nội tâm an định
vững vàng và mênh mông của Phật, vì chỉ có một nội tâm như thế mới hiện
ra ánh mắt như thế. Chúng ta thấy rằng Phật có oai nghi đẹp đẽ, trầm
hùng trong từng cử chỉ nhỏ nhất như ánh mắt chẳng hạn. Nơi đức Phật,
từng cái nhấc tay cất chân đều tràn đầy uy lực, trầm tĩnh, đẹp đẽ thu
hút chinh phục mọi người. Chỉ cần nhìn đức Phật ngồi yên, chúng sinh
cũng bị thuyết phục lạ lùng vì thần uy vô hình từ kim thân Phật tỏa
mạnh ra chung quanh.
Mỗi cử động của Phật như gói trọn trong
đó vô lượng giải thoát, vô lượng bình an, vô lượng trí tuệ. Đó là ba
ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh của Phật và chư Đại Bồtát. Một vị Phật
như thế thì lâu lâu trên Trái đất mới xuất hiện một lần, rất là hiếm
hoi. Còn các vị Thánh bình thường, Alahán, thiền sư thì thỉnh thoảng
chúng ta vẫn thấy có xuất hiện.
Năm 12 tuổi, lúc còn là thái
tử, Phật đã theo vua cha Sudodana ra đồng làm lễ Hạ điền vào đầu mùa
trồng lúa. Trong lúc mọi người đang vui chơi, Thái tử lặng lẽ đến gốc
cây ngồi thiền. Ngài nhanh chóng nhập vào Sơ thiền và ngồi quên thời
gian. Đến khi vua cha sực nhớ cho người đi tìm thì thấy Thái tử vẫn
ngồi trong bóng cây. Nhìn tàng cây, vua cha lấy làm lạ vì thấy những
cành lá của cây như đang cố kéo nhau về mặt trời để tiếp tục che mát
cho Thái tử.
Chúng ta hiểu rằng muốn nhập được Sơ thiền thì
trước đó phải thuần thục Chánh niệm tỉnh giác, có nghĩa là tâm không
bao giờ xao lãng trong pháp môn tu hành. Muốn thành tựu chánh niệm tỉnh
giác thì trước đó tâm phải thuần thiện. Muốn tâm thuần thiện thì chúng
ta phải bỏ ra năm mười năm thanh lọc nội tâm mình trong từng ý nghĩ nho
nhỏ không cho một tư tưởng sai lầm nào tồn tại. Nhưng muốn từ bỏ những
ý nghĩ sai lầm bất thiện thì trước hết chúng ta phải can đảm tự đánh
giá chính mình, tự biết đó là những ý nghĩ sai lầm. Hầu hết con người
vẫn luôn cho ý nghĩ mình là đúng; ít ai tự cho rằng mình đã suy nghĩ
sai; và đó cũng là lý do ít ai là người tu hành chân chính. Người tu
hành chân chính phải là người nhận ra được ý nghĩ sai lầm của mình để
tự trừ diệt, vì ý nghĩ trong tâm mình có ai thấy để nhắc nhở giùm đâu.
Sau
khi thanh lọc nội tâm đến mức thuần thiện rồi chúng ta mới chuyển sang
giai đoạn kiểm soát tâm động hay tĩnh. Đó là bước sang giai đoạn tu tập
chánh niệm tỉnh giác. Tu tập chánh nhiệm đến mức độ không bao giờ bị
xao lãng nữa thì mới có thể chứng được Sơ thiền. Chúng ta hiểu rằng Sơ
thiền không dễ thành tựu. Nhiều người vào tu, đã vội vã muốn nhiếp tâm
mà không đi qua giai đoạn thanh lọc nội tâm thuần thiện, cũng đã được
một ít yên tĩnh. Nhưng không bao lâu tâm sẽ dấy động trở lại vì cái yên
tĩnh đó không có căn bản của nội tâm thuần thiện.
Thế mà khi còn bé Phật đã thành tựu sơ thiền dễ dàng, cho thấy công đức Phật từ quá khứ rất lớn.
Chúng
ta cũng cần hiểu thêm rằng chứng được Sơ thiền tức là không cần dụng
công nữa, tâm tự động giữ lấy chính nó trong yên tĩnh. Một đứa bé 12
tuổi mà vào được Sơ thiền không cần dụng công nữa thì thật là vĩ đại.
Ngay
như việc Thái tử mạnh mẽ từ giã cung vàng điện ngọc vợ đẹp con ngoan để
xuất gia tìm đạo là điều không dễ làm. Hãy tưởng tượng chúng ta trong
hoàn cảnh tương tự sẽ thấy rằng chúng ta không đủ can đảm để dứt bỏ như
thế. Những gì đem cho chúng ta lạc thú đều khiến chúng ta chấp thủ giữ
gìn. Một câu khen ngợi cũng làm chúng ta cả đời không buông nỗi huống
hồ là tài sản quyền uy.
Đơn giản như nếu chúng ta có mười lạng
vàng, chúng ta không đủ gan dạ bỏ ra 3 lạng để làm việc thiện; nếu có
cũng chỉ lấy ra chừng vài trăm ngàn, chứ không dám rộng rãi bố thí.
Địa
vị quyền lực là nỗi ám ảnh khát khao của vô số người trên trần gian
này. Họ đã cực khổ biết bao nhiêu để giành lấy chức tước, đôi khi phải
dùng đến những thủ đoạn đê hèn để chiếm lấy. Còn Phật đã từ bỏ một cách
nhẹ nhàng dứt khoát. Cái thái độ từ bỏ nhẹ nhàng dứt khoát đó là cả một
sức mạnh phi thường của lòng khát khao chân lý. Chỉ có lý tưởng phi
thường mới khiến ta xem nhẹ những giá trị trần gian khác.
Đặt trường hợp chúng ta làm một chủ tịch phường là mình đã bỏ không nỗi, phải nơm nớp giữ gìn vì sợ người khác đoạt lấy.
Rồi
trong cuộc đời, nhất là đối với người tại gia, tình yêu là cái gì rất
lớn lao quan trọng. Ai được một người vợ đẹp cũng yêu quý giữ gìn như
giữ vàng ngọc. Nhất là khi đó là một người yêu đẹp người đẹp nết, giỏi
giắn, dịu dàng, đảm đang, nhân hậu, chung thủy, đoan chính… thì không
ai đành lòng bỏ đi tu cả. Công nương Yashodara là người phụ nữ như thế,
vậy mà Phật cũng quay lưng ra đi để tìm một chân lý cao cả cho nhân
loại.
Rồi những tháng ngày lang thang từ khu rừng này qua
thung lũng kia để tìm thầy học đạo, đến khi thực hành khổ hạnh khốc
liệt mà trên thế gian này chưa ai làm nỗi. Dĩ nhiên chúng ta cũng phải
lưu ý đến yếu tố nội lực phi thường của Phật do luyện tập khí công
(yoga) khi còn ở trong hoàng cung đã trợ giúp rất nhiều cho Phật trong
giai đoạn tu hành cực khổ.
Rồi từ trí tuệ vô biên vô lượng,
Phật nói lên những bài Pháp vô giá, giống như vô số ngọc ngà để lại cho
nền văn hóa của nhân loại. Bây giờ chúng ta có tài giỏi gì cũng chỉ là
lập lại, mở rộng thêm, giải thích rõ hơn… chứ không đủ sức mở ra cả một
hệ thống lý thuyết tu tập vĩ đại như thế. Càng về sau thì các nhà trí
thức trên thế giới càng ca ngợi đạo Phật là hay nhất so với các tôn
giáo khác. Nhiều tôn giáo bị lạc hậu khi khoa học tiến bộ; nhưng đạo
Phật thì ngược lại, càng sáng tỏ khi khoa học tiến bộ. Người ta càng
khâm phục đức Phật khi thấy rằng hơn 2000 năm trước mà có một người
trên hành tinh này đã nói được những điều chuẩn xác cao siêu như thế.
Rồi
như giáo lý Tứ vô lượng tâm, là lòng từ bi thương yêu tất cả chúng sinh
không còn giới hạn, chỉ được nói lên bởi Phật mà thôi. Không một giáo
chủ nào khắp cả Đông Tây kim cổ đã nói lên được lòng thương yêu tuyệt
đối như thế. Từ xưa đến giờ cũng có nhiều vị Thánh của các tôn giáo kêu
gọi con người tu tập đạo đức nhân ái, nhưng đều có giới hạn nào đó.
Jesus của Kitô dạy yêu cả kẻ thù; Khổng Tử khuyến khích lòng nhân từ
–trong phạm vi con người. Mahomet giới hạn tình thương trong phạm vi
tín đồ Hồi giáo – được quyền giết người ngoại giáo(!)
Chỉ có
đức Phật mới dạy về một lòng từ bi không còn giới hạn, phủ trùm muôn
loài vạn vật, phủ trùm cả vũ trụ mênh mông, lan cả vào thế giới siêu
hình mà mắt người không trông thấy được.
Trong một tiền thân
Phật làm vua nỗi tiếng nhân từ thương dân. Vì thương dân quá nên ngài
bị nhược điểm là không dành nhiều khả năng cho việc xây dựng quân đội
quốc phòng lớn mạnh. Do thám của nước láng giềng báo về cho vua của họ
điều đó. Ông vua láng giềng chợt khởi tâm tham, bèn khởi binh qua để
đánh chiếm. Bồ tát (tiền thân Phật) suy nghĩ rằng vị vua láng giềng
cũng rất giỏi trị dân, cũng thương dân và biết làm cho dân tình ổn định
sung sướng.Đất nước của ông ta hình luật rõ ràng. Ông ta có cai trị dân
mình thì dân cũng sướng chứ chẳng hại gì. Còn bây giờ mà đánh nhau thì
máu sông xương núi khổ sở cho biết bao gia đình.
Nghĩ vậy
Bồtát ra lệnh binh sĩ không được chống đỡ, phần Ngài trốn đi mất. Vị
vua kia vào tận hoàng cung mà không gặp bất cứ sự phản kháng nào, sau
đó sát nhập hai quốc gia thành một và cai trị ổn thỏa. Ông ta chỉ sợ
Bồtát dấy binh chống lại nên ra lệnh truy nã ngài.
Bồtát trốn
trong rừng núi đến nỗi quần áo rách tả tơi. Một lần nơi bìa rừng ngài
gặp một người Bàlamôn hỏi đường về kinh đô tìm vị vua cũ là ngài để
cầu xin giúp đỡ cho hoàn cảnh khổ sở cùng cực của ông.
Đến
khi biết người trước mặt ông chính là vị vua nỗi tiếng nhân từ thì ông
khóc vì tuyệt vọng. Bồtát suy nghĩ một lát rồi bảo ông ta nên bắt ngài
đem nộp sẽ được trọng thưởng. Vì Ngài thuyết phục quá nên cuối cùng
Bàlamôn đồng ý trói Ngài đem nộp. Vị vua mới mừng rỡ ban thưởng cho
Bàlamôn xong hỏi vì lý do nào bắt được Ngài. Người Bàlamôn kể lại câu
chuyện. Vị vua mới sững sờ kinh ngạc. Thật ra ông ta cũng là người tốt,
chỉ vì còn tham thôi. Đến khi biết được lòng tốt phi thường của Bồtát,
ông bị cảm hóa mạnh mẽ. Ông bèn kết tình anh em với Bồtát, trả lại quốc
gia và sống hòa bình với nhau.
Trong nhiều kiếp Phật luôn luôn sống hoàn toàn vị tha như thế.
Bây
giờ chúng ta thử tu tập lòng từ bi rồi sẽ thấy khó khăn như thế nào. Có
khi chúng ta tu qua vài tháng rồi mà vẫn chưa thật sự thương yêu được
những huynh đệ chung quanh mình. Đôi khi huynh đệ bị bệnh ốm mà ta vẫn
thờ ơ quên lãng. Với người nào có duyên ở kiếp trước thì chúng ta dễ
khởi lòng thương mến; còn ai không có duyên thì ta rất khó thương, chứ
đừng nói đến thương yêu tất cả chúng sinh. Thật là huyền hoặc. Sau này
tu tiến hơn một chút, có lòng từ bi hơn một chút, ta nhìn lại những năm
tháng hời hợt trước đó và sẽ thấy hối hận vì mình đã không đủ lòng
thương yêu với những người gần gũi với mình, mà thời gian thì đã qua
đi, không còn cơ hội để sống chung với nhau để có thể chuộc lại nữa.
Như vậy rồi chúng ta mới cúi đầu kính phục Phật đã thương yêu chúng
sinh một cách tràn đầy, dễ dàng và bao la như vậy.
Phật đã dạy
nhiều về lòng Từ bi như thế và nhiều vị Thánh đệ tử đã được an lành từ
tâm hồn thương yêu như thế. Chúng ta hôm nay cũng sẽ nguyện lòng tu tập
theo lòng Từ bi Phật dạy.
Chúng ta cần phải hiểu về ý nghĩa
Thành đạo của Phật để thấy sự vĩ đại như thế nào. Nào giớ chúng ta chỉ
hiểu trên ngôn từ rằng Phật đắc đạo, Phật giác ngộ, Phật giải thoát,
Phật có thần thông… nhưng cũng chỉ là nghe trên ngôn từ chứ chưa cảm
nhận sâu xa những ý nghĩa đó. Vì không hiểu nhiều về tâm chứng của Phật
nên lòng tôn kính Phật của ta cũng hời hợt ít oi. Dĩ nhiên chưa đắc đạo
như Phật thì không ai có thể hiểu được Phật, nhưng chúng ta cũng có thể
nhờ thiện căn và trí tuệ để cảm nhận được sự vĩ đại của tâm chứng đó.
Thật
ra trước khi Thành đạo Phật cũng đã có sức định rất sâu. Ngài nhanh
chóng chứng được vô sở hữu xứ định với vị thầy đầu tiên là Aølàra
Kàlàma; rồi chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ định với vị thầy thứ hai
là Uddaka Ramaputta. Hai vị thầy đó đều khâm phục Phật và đều ngõ ý mời
Ngài cùng nhận trách nhiệm lãnh đạo đồ chúng với họ. Nhưng với trí tuệ
của một vị Phật sắp thành, Ngài đã mơ hồ nhận ra rằng còn một cái gì đó
chưa thỏa đáng, chưa rốt ráo nơi sở chứng này.
Phật đã hỏi
hai vị đạo sư đó về vấn đề Bản ngã. Nơi mức định đó Bản ngã còn hay
hết? Nếu Bản ngã đã hết thì ai biết được rằng mình đang nhập định? Nếu
còn Bản ngã thì chưa phải thật sự giải thoát.
Hai vị đạo sư bấy giờ đều không thể trả lời vấn nạn sâu sắc này, và đành nhìn Gotama chào ra đi.
Sau
này Thành đạo, Phật đã giải quyết vấn đề này thấu đáo, và mục tiêu Vô
ngã trở thành điểm son chói lọi trong giáo lý đạo Phật. Sau này chúng
ta sẽ có duyên đào sâu về giáo lý vô ngã kỳ diệu đó.
Phật tìm
về một khu rừng gần thị trấn Uruvela để thực hành khổ hạnh trong cô
độc. Những gì được Phật về sau kể lại thật là kinh khủng đối với chúng
ta. Ngài đã ăn rất ít, mỗi ngày vài hạt đậu, vài hạt mè. Ngài đã thử
nhịn thở. Những cảm giác đau đớn hành hạ Ngài cực kỳ khốc liệt. Một
tiềm lực bí mật nào đó, có lẽ vừa do phước quá khứ, vừa do nội lực tập
luyện khí công, đã duy trì mạng sống của Ngài. Nhiều người bày tỏ nghi
ngờ tại sao Phật có thể chịu đựng sự suy dinh dưỡng cùng cực suốt nhiều
năm như vậy mà không chết. Trên đời vẫn có nhiều chuyện lạ lùng phi
thường mà ta không thể giải thích hết được, trong đó, chuyện Phật không
chết cũng là một huyền thoại có thật như thế. Hiện nay cũng có nhiều
người có khả năng đặc biệt mà ta vẫn nghe báo chí đăng tải.
Cuối cùng Phật cũng phải từ bỏ khổ hạnh vì thấy rõ là vô ích.
Sở
dĩ Phật phải đi qua khổ hạnh cùng cực để rồi từ bỏ, thứ nhất là câu trả
lời hùng hồn cho khuynh hướng đương thời cứ xem khổ hạnh là cao quý hơn
các công hạnh khác; thứ hai là tránh cho đệ tử Phật về sau bị áp lực
phải sống cực khổ quá đáng không cần thiết.
Phật quay lại tìm
sự giác ngộ bằng thiền định. Ngài dùng thực phẩm trở lại để có sức khỏe
rồi dồn nỗ lực vào thiền định. Chúng ta không xứng đáng để bàn về công
phu thiền định của Phật vì chúng ta làm sao chứng đạt điều gì để hiểu
được tâm chứng của Phật! Ơû đây chúng ta nếu vì tôn vinh Phật mà diễn
tả các từng bậc thiền định cũng chỉ là dựa vào kinh điển và luận giải
của các vị Thánh nhân ngày xưa.
Phật trải cỏ lót chỗ ngồi dưới
gốc cây mà ngày nay ta gọi là cây Bồđề. Ngài ngồi theo thế kiết già hoa
sen, và bắt đầu nhập lại các mức thiền trước kia Ngài đã chứng. Trước
hết là sơ thiền.
Sơ thiền là mức thiền chứng được đầu tiên.
Nơi mức thiền này, tâm tự động giữ lấy chính nó trong định. Miễn là
hành giả đừng tác ý xuất định thì tâm cứ tự động sáng tỏ, thanh tịnh,
rỗng rang. Những ý niệm tế về đạo lý vẫn còn xuất hiện, nhưng sẽ tự
động bị sức tỉnh giác của tâm trừ diệt. Hành giả không cần phải làm gì
cả. Cứ duy trì lâu dài Sơ thiền cộng với những công đức khác trong đời
sống, hành giả sẽ nhập Nhị thiền.
Nhị thiền tắt hẳn vọng
tưởng, tâm tự tại phủ trùm trời đất, có một số thần thông vừa phải,
kiến giải lanh lợi, đôi khi cho mình đã chứng được chân ngã theo quan
niệm của Yoga Ấn giáo.
Tam thiền là cả một thế giới khác hẳn.
Người chứng Tam thiền thành tựu thần thông quảng đại, thấy cả thế giới
làm bằng chất liệu của tâm chứ không còn là vật chất như trước nữa. Sắt
đá gỗ đất cũng đều làm bằng tâm như những ý nghĩ. Ý nghĩ và vạn vật đều
là tâm như nhau. Vì vậy người chứng tam thiền có thể điều khiển vật
chất bằng ý nghĩ, có thể đi xuyên qua tường vách như không khí. Còn
chúng ta có bắt chướt xem bức tường này là tâm thì chỉ u đầu sứt trán
chứ không thể đi xuyên qua được.
Tứ thiền là tận cùng của tâm
thức. Nơi tứ thiền này, Phật đã khởi tác ý nhớ lại vô lượng kiếp quá
khứ của mình, thành tựu túc mạng minh. Ngài cũng tác ý quan sát sự lưu
chuyển của chúng sinh qua các nẻo luân hồi theo nghiệp duyên thiện ác,
thành tựu thiên nhãn minh. Ngài đã bứng nhỗ tận cùng gốc vô minh, ngã
chấp sâu thẳm nhất để thành tựu lậu tận minh. Ngài trở thành một Đấng
Giác Ngộ của thế giới sau nhiều thời đại không có một đức Phật nào đã
xuất hiện.
Nơi cảnh giới chứng ngộ niết bàn tuyệt đối này,
không gian vô biên dường như chỉ là một điểm, nhưng ở đâu vẫn là ở đấy
không lẫn lộn với nhau. Ví dụ Trái đất và sao Hỏa cách nhau 60 ngày
bay; nhưng với cái nhìn của Phật thì hai chỗ đó chỉ là một, nhưng vẫn
không lẫn lộn với nhau.
Thới gian vô tận cũng như chỉ là một
điểm nơi Niết bàn này, dù vẫn không lẫn lộn với nhau. Ví dụ thời điểm
cách đây 5 ngàn năm văn minh Ai cập với bây giờ cũng như là đồng thời,
dù vẫn không lẫn lộn với nhau.
Thiền sư Mật Ấn nói một thiền
ngữ rất thú vị về ý niệm này rằng: ”Ai cũng biết một giọt nước gieo vào
hồ to, mấy ai biết cả đại dương gieo vào giọt nước.”
Chúng ta
gượng gạo trình bày một phần nào để cảm nhận được tâm chứng vĩ đại của
Phật, để thấy cái nhỏ bé tầm thường của mình. Nếu Phật là một đại
dương, mình chưa là một giọt nước; nếu Phật là ngọn cao sơn, mình chưa
là hạt bụi nhỏ. Vì vậy lòng tôn kính Phật bao nhiêu cũng không đủ.
Có
một chú cư sĩ là giáo viên cấp 3 phổ thông trung học, mùa hè rảnh rỗi
đến ngôi chùa quê vắng vẻ để công quả tu hành. Sau này gặp một tu sĩ
khác, chú than rằng vị thầy trụ trì tại ngôi chùa quê đó không tinh tấn
tu hành bằng chú vì từ khi có chú, thầy đó thường xuyên để chú công phu
bái sám một mình. Người tu sĩ kia bênh vực chống chế rằng tại vì quý
thầy tu từ nhỏ tụng kinh lạy Phật nhiều quá rồi nên bây giờ nghỉ ngơi
chút đỉnh có sao đâu.
Thật ra đó chính là nhược điểm của
người xuất gia, vì không đủ lòng tôn kính Phật nên tự cho rằng lễ Phật
bấy nhiêu năm là đủ rồi. Dù cho chúng ta có lễ Phật muôn ngàn kiếp cũng
không tôn vinh hết được thánh tính vĩ đại của Phật. Chính vì không hiểu
được thánh tính cao siêu vĩ đại của Phật mà ta đã không phát tâm thiết
tha lễ bái Phật thật nhiều. Nếu không lễ bái cung kính Phật thường
xuyên tha thiết, phước tu hành của chúng ta sẽ cạn dần. Người xuất gia
mà hết phước thì sẽ bị hoàn tục. Còn giữ được màu áo tu, còn được người
quý trọng vì còn phước; nếu hết phước thì mọi chuyện đó chấm dứt.
Điều gì làm cho chúng ta hết phước?
Lúc
mới vào chùa công quả tu hành, chúng ta tích lũy phước bằng cách tôn
trọng sư trưởng, nhu thuận huynh đệ, siêng năng công quả, tinh cần lễ
bái. Nhờ nhiều công hạnh đó mà chúng ta tăng trưởng được phước duyên tu
hành, giới lạp bước lên. Nhưng ngày nào đó mà những công hạnh đó yếu
dần, nghĩa là không còn sư trưởng cho ta tôn kính, không còn sư huynh
cho ta nhu thuận, không siêng làm các việc công đức Phật sự, thờ ơ với
việc lễ bái kính Phật, thêm vào đó là hưởng thụ sung sướng, thích được
cung kính, kiêu căng tự đại vân vân… thì phước xưa đang từ từ cạn dần.
Ngày
nào đó mà phước làm tăng đã hết thì chúng ta bị hoàn tục. Trước khi
hoàn tục người này bỗng nhiên cảm thấy không còn ưa thích đời sống xuất
gia, ý nghĩ rời bỏ đời sống xuất gia khởi lên trước.
Giống
như Chư Thiên ở cõi trời khi sắp bị hết phước cõi trời để sinh xuống
cõi người cũng có những dấu hiệu hiện ra như vòng hoa trang sức bị héo,
hương thơm nơi người hết, hào quang nơi thân mất, thân cảm nghe bệnh,
đặc biệt là cảm thấy chán thiên giới, muốn đi về một nơi khác. Chính ý
nghĩ chán thiên giới thúc đẩy vị đó mất thọ mạng cõi trời và sinh về
cõi người.
Người xuất gia cũng vậy, khi phước làm Tăng sắp
hết, sắp sửa hoàn tục, tự nhiên trong lòng cảm thấy chán làm người xuất
gia. Trước kia khi phước còn thì thấy màu áo này thiêng liêng, dù chết
cũng bảo vệ màu áo này tới cùng, dù chết cũng sẽ mang màu áo này mà
chết. Đến khi phước làm Tăng hết thì lại nghĩ khác, cho rằng người đã
thông hiểu đạo lý thì đâu chấp gì màu áo, để tóc hay cạo trọc cũng vậy
thôi, ăn mặn ăn chay cũng vậy thôi. Thế là trở thành cư sĩ hồi nào
không hay.
Người như thế dù trong tâm cứ cho rằng mình tự tại
theo Chân tâm Phật tánh vốn không hình không tướng, không tới không
lui, nhưng trên hình thức thì người này đã hết phước làm Tăng. Bây giờ
người này có bướng bỉnh cãi rằng phước tội cũng là không thì lập tức
mắc thêm một lỗi nặng nữa là bài bác Nhân quả! Tội bài bác Nhân quả thì
dễ đọa làm súc sinh.
Vì vậy chúng ta hãy siêng năng lễ kính
Phật, chúng ta hãy hiểu rằng tâm Phật luôn luôn phủ trùm che chở chúng
ta trong từng giây từng phút. Mỗi ngày chúng ta lễ Mười Phương Phật,
nhưng đừng nghĩ là Phật ở rất xa trong mười phương cõi nước nào đó.
Ngay khi ta hướng tâm tôn kính Phật thì lập tức sự cảm ứng đã xuất hiện
tận trong sâu thẳm của tâm hồn ta, trong từng hơi thở của ta. Ngay khi
chúng ta thành tâm cầu nguyện thì luôn luôn được Phật gia hộ. Dĩ nhiên
sự gia hộ của Phật cũng tương thích với Nghiệp duyên của chúng ta. Nếu
chúng ta cầu được quả báo tiền bạc thì khó vì còn phải lệ thuộc Nhân
quả của mình, nhưng nếu cầu Phật gia hộ để dựng lập đạo đức, để có cơ
hội giúp người, làm việc từ thiện thì rất dễ đạt được.
Ví dụ
như chúng ta cảm thấy tâm mình thiếu từ bi; hãy lễ Phật và cầu sự gia
hộ thi 2tự nhiên tâm từ bi dễ xuất hiện hơn. Hoặc khi ta chí thành làm
một Phật sự lợi ích cho mọi người nhưng gặp trở ngại; hãy lễ Phật cầu
nguyện và ta sẽ thấy sự gia hộcủa Phật giúp mình vượt qua khó khăn.
Chúng
ta hãy thấy một cách xác quyết rằng cuộc đời của mình, thân tâm của
mình xin cúng dường Phật, là thuộc về Phật. Hãy thấy rằng từng bước đi,
từng ý nghĩ, từng lời nói này là của Phật, từ nay không có gì là của
mình hết. Nếu ai đạt được điều này thì duyên phước đối với Phật Pháp là
bất thoái chuyển.
Đa số chúng ta vẫn còn hời hợt, ít có cảm
nhận được Phật luôn hiện diện bên cạnh mình trong từng phút giây ccủa
cuộc sống. Sự nỗ lực của bản thân là điều lành để gây nhân, nhưng chấp
vào bản thân hoàn toàn cũng là kiêu mạn. Phải biết rằng sự cảm ứng của
Phật luôn phủ trùm cho chúng ta.
3. Thực hành lễ kính Phật
a. Lễ Phật
Nội
dung nào rồi cũng phải biểu hiện ra hình thức; tấm lòng nào rồi cũng
phải biểu lộ ra hành động. Cũng vậy, lòng tôn kính Phật phãi được bày
tỏ bằng công hạnh lễ kính mỗi ngày. Hạnh lễ kính Phật phải được duy trì
suốt đời suốt kiếp, và sẽ tạo thành công đức cho chúng ta hết kiếp này
sang kiếp khác.
Mỗi ngày chúng ta nên có thời lễ Phật cá nhân.
Vì sao? Bởi vì, khi lễ Phật chung với đại chúng ta dễ bị phân tâm do
phải để ý hòa theo mọi người trong lời tụng và cử động nên không dồn
hết tâm thành. Còn khi lễ Phật một mình, không bận tâm vì nghi thức,
chúng ta dễ dàng dồn hết tâm thành để tôn kính Phật vô lượng vô biên.
Cũng có thể nhiều người cùng lạy chung trong chánh điện rộng, nhưng
mạnh ai nấy lạy, không bận tâm hòa theo nhau, để dành trọn tâm thành.
Còn khi vào khóa tụng niệm chung thì vẫn theo chúng để lễ tụng như
thường.
Ngay cả cư sĩ cũng phải có thời lễ Phật mỗi ngày để
tăng trưởng phước duyên. Cư sĩ cũng phải siêng năng lễ Phật chứ không
được coi thường. Nhà cư sĩ cũng phải thiết trí bàn Phật nơi mà mình có
thể lễ lạy được; chứ đừng để bàn thờ ở trên cửa buồng đi ra vào phía
dưới. Góc thờ Phật phải tương đối tách rời với sinh hoạt hoặc tiếp
khách để việc thờ cúng được trang nghiêm và việc lễ bái được thanh
tịnh. Không nên chỉ thắp nhang rồi gõ chuông vài tiếng là coi như xong
bổn phận.
Chẳng những người cư sĩ biết tu mà còn phải cưỡng
bách con mình cùng tu theo để gieo duyên với Phật Pháp cho nó. Tại sao
chúng ta phải bắt buộc con cái mình tu theo? Vì con trẻ không hề tự
biết điều gì đúng điều gì sai. Ngay cả như việc học văn hóa khi đến
tuổi đi học cũng vậy, nếu để cho con trẻ tự giác thì chắc chắn chẳng
đứa trẻ nào chịu đến trường. Cha mẹ cũng phải dỗ ngọt, răn đe, cưỡng
bách rồi mới đưa trẻ đến trường được.
Phật Pháp cũng vậy, nếu
không bắt buộc thì con trẻ cũng chẳng biết đạo đức nhân quả là gì. Và
đó sẽ là cái tội của cha mẹ đã không hết trách nhiệm đối với con cái.
Sau này lớn lên chúng hư hỏng thì cha mẹ cũng phải chịu tội một phần.
Do đó một gia đình đạo Phật gương mẫu phải có nề nếp chặt chẽ chứ
không để lõng lẻo được .
Khi lễ Phật với lời tán thán công hạnh nào, chúng ta dần dần sẽ thành tựu công hạnh đó.
Núi có thể lung lay
Nhưng Người là bất động
Tâm bình an của Người
Còn hơn cả hư không
Rất nhỏ nhiệm sâu mầu
Đến tận cùng tuyệt đối
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật (1 lạy)
Cứ
chí thành lễ bái như vậy tự nhiên một thời gian sau tâm chúng ta trở
nên bất động vững vàng trước ngoại cảnh. Ca ngợi Phật điều gì, ta sẽ
thành tựu điều đó nơi chính mình. Nhiều gia đình cư sĩ cùng nhau lễ lạy
như vậy rồi cũng thấy có nhiều điều tốt đẹp xảy đến cho họ. Đó là những
kết quả phụ ngoài mục tiêu chính là thành tựu đức hạnh.
Có
những đứa trẻ vốn là học sinh kém, nhưng sau một thời gian chuyên cần
lạy Phật như thế bỗng trở nên học sinh khá hơn, làm toán làm văn dễ
dàng hơn khiến cho cha mẹ rất vui mừng. Chúng cũng bớt nghịch ngợm quậy
phá làm cho cha mẹ vui mừng hơn mong đợi. Chư Phật quả thật rất nhiệm
mầu, rất từ bi. Chỉ vì chúng ta không đủ lòng tôn kính, không làm tròn
bổn phận nên không nhận được những điều tốt đẹp. Nếu chúng ta siêng
năng lạy Phật thì điều tốt lành chắc chắn sẽ đến với chúng ta.
Khi
lạy Phật chúng ta nên phát những lời nguyện kèm theo chứ đừng lạy
suông. Ví dụ, nếu thấy mình kém tinh tấn, hay vin vào cớ này cớ kia để
bỏ một thời ngồi thiền, chúng ta nên lạy Phật phát nguyện cầu tinh tấn:
Xin cho con được dũng mãnh tinh tấn, dù gặp khó khăn trở ngại cũng
không bao giờ thối tâm, dù trong hoàn cảnh nào con vẫn siêng năng tu
tập để thành tựu được đạo quả. Rồi một thời gian sau tự nhiên ta tinh
tấn rõ rệt không ngờ. Chúng ta phát nguyện chừng 3 năm như vậy thì lời
nguyện đó đã trở thành xương thành tủy, thành chủng tử cho nhiều kiếp
về sau. Sau đó ta không phát lời nguyện đó nữa để phát qua lời nguyện
khác, nhưng lời nguyện tinh tấn vẫn tồn tại mãi không hết.
Trừ
một trường hợp xảy ra làm chúng ta mất thiện nhân tinh tấn là sau này
chúng ta có chê bai ai không tinh tấn, chê với lòng khinh ghét thiếu từ
bi thì cái nhân tinh tấn của ta mới từ từ mất dần. Chê ai cái gì, chúng
ta sẽ giống như thế.
Thế thì phát những lời nguyện khác là làm sao?
Đó
là do có tu hành chúng ta mới phát hiện ra những nhược điểm còn tồn tại
nơi chính mình. Nếu không chịu khó tu hành, chúng ta chẳng thấy mình có
lỗi lầm gì cả. Càng tinh tấn tu hành, chúng ta sẽ càng thấy ra nhiều
lỗi mà trước đây mình không thấy.
Ví dụ như một hôm chúng ta
chợt phát hiện ra mình thiếu lòng từ bi nên phát nguyện từ bi: con
nguyện trải lòng thương yêu đến tất cả chúng sinh, kể cả kẻ oán thù;
xin cho con thương yêu cả những người tội lỗi, những người xúc phạm đến
con… Cứ cầu nguyện như vậy mãi thì khoảng 3 năm sau chúng ta tự nhiên
sẽ trở nên người rất từ ái. Có những người trước kia ta ghét, bây giờ
không ghét nữa; có những người trước kia ta khinh, bây giờ không khinh
nữa. Bây giờ với lòng từ bi, chúng ta nhìn những người thiếu phước hay
thiếu nhân cách bằng con mắt khác, không khắt khe hẹp hòi như trước
nữa. Chúng ta biết những người đó cũng đã gây nghiệp không lành nên bây
giờ kém giá trị như thế, dễ bị người khác khinh thường. Nhưng nhờ có
lòng từ bi, chúng ta vẫn thoát khỏi cái nghiệp của họ để vẫn thương họ.
Một người đàn ông nghèo khổ đến xin cơm ăn lúc quý thầy đang ăn cơm. Có
thầy bực mình vì biết người đàn ông này kém nhân cách, bê tha rượu chè
nên lâm vào hoàn cảnh ngày nay. Một thầy khác vẫn bảo chú điệu xới cơm
cho ông, và quay lại bảo các thầy khác rằng: “Mình tu ở chùa thì sẽ có
nhiều chúng sinh đến làm phiền mình lắm. Nhưng dù sao thì cũng phải
ráng bình tĩnh mà thương họ.”
Thật ra người đã thiếu phước thì
thế nào cũng có nhược điểm này nọ. Nếu không có nhược điểm thì đã không
thiếu phước. Nhiều đoàn cứu trợ ủy lạo của các chùa đến tặng quà cho
những đồng bào nghèo, than rằng có những người đã nhận quà rồi nhưng
vẫn tìm cách đi vòng lại để nhận thêm làm thiếu phần của người khác.
Chúng ta phải hiểu những điều đó để mà đừng bao giờ khởi tâm ghét họ.
Muốn
thương được những người gian người xấu thì tâm từ bi phải lớn lắm, mà
muốn tâm từ bi lớn thì chúng ta phải lễ kính Phật, ca ngợi lòng từ bi
của Phật.
Chúng con sống yên vui
trong từ bi của Người
ngập tràn như không khí
trùm phủ khắp muôn loài
vị tha và độ lượng
bao la và gần gũi…
Người cao cả thiêng liêng
Người bao la vời vợi
Mà chúng con nhỏ bé
Tầm thường và tội lỗi
Thật
ra lòng từ bi không phải dễ khởi. Chúng ta phải nương vào công đức, sự
gia hộ và uy lực của Phật mới có thể khởi lên tâm từ bi lớn. Chúng ta
vừa chân thành phát nguyện, vừa chí thành lễ kính Phật thì tâm từ bi sẽ
dần dần xuất hiện. Một vị Bồtát cũng phải trải qua rất nhiều kiếp huân
tập đại nguyện chứ không phải vài ba mươi năm có thể thành tựu được.
Trong
suốt đời tu hành, một người phải phát dần dần rất nhiều lời nguyện. Một
số lời nguyện được phát qua vài ba năm, đến khi thấm sâu rồi tự nhiên
những tâm nguyện khác lại hiện ra để được phát tiếp. Những lời nguyện
đó chính là sự định hướng cho sự tu hành của chúng ta trong vô lượng
kiếp sắp tới.
b. Khi tọa thiền
Khi
bắt chân lên ngồi Thiền cũng vậy, trước hết chúng ta chắp tay tác ý tâm
nguyện tôn kính Phật vô lượng vô biên. Kế đến cầu Phật giữ gìn cho mình
đi đúng đến mục tiêu vô ngã.
Chúng ta nói thêm một chút về
mục tiêu vô ngã này. Ai tu thiền cũng mong nhiếp được tâm vào định.
Nhưng tâm có định rồi, hết vọng tưởng rồi, vô niệm rồi vẫn còn là si
định vì cái định đó không có định hướng. Khi có định, tâm người này rất
rỗng rang sáng tỏ; nhưng vẫn bị gọi là si định vì thiếu định hướng. Tại
sao? Tại vì nếu không có định hướng rõ rệt về mục tiêu vô ngã, định lực
sẽ tự nhiên làm phát sinh thần thông, kiến giải. Lúc đó hành giả âm
thầm tự cho mình tài giỏi hơn người. Tuy có định mà tâm kiêu mạn vẫn
phát triển, và còn phát triễn mạnh hơn cả người thường. Rồi chính sự
kiêu mạn thái quá này lại làm phát sinh những quan điểm kỳ cục sai lầm
nối tiếp, khiến hành giả trở thành tà lúc nào không hay.
Nếu
ngày nào đó chúng ta tu thiền và nhiếp được tâm vào an định rỗng rang
sáng tỏ, rồi cứ nắm giữ, an trú trong cái trạng thái đó mãi thì vẫn bị
gọi là si định vì không biết hướng về mục tiêu vô ngã. Chúng ta phải
hiểu rằng dù một người có chứng được đại định phi phi tưởng có thần
thông đi xuyên qua vách vẫn còn bản ngã. Bản ngã còn thì một trong hai
trường hợp có thể xảy ra, hoặc vị này tích lũy tiếp công hạnh để chứng
tiếp diệt tận định để chấm dứt hoàn toàn chấp ngã, hoặc vị này tự mãn
kiêu mạn để lúc nào đó thoái đọa trở lại.
Vì vậy, để tránh
sai lầm đáng tiếc, dù đang an trú trong định, chúng ta phải biết bản
ngã chưa hết, chúng ta vẫn phải nhắm đến mục tiêu vô ngã. Định với mục
tiêu vô ngã, đó là chánh định. Và chánh định thì chắc chắn sẽ đưa đến
giải thoát.
Chúng ta cũng phải cẩn thận với quan điểm tự tôn
vinh cái tâm an định, rỗng rang sáng tỏ đó là cao siêu, là đồng với
Phật, là tự tánh vân vân, vì như vậy vô tình tôn vinh luôn bản ngã nằm
ẩn núp trong đó. Và bản ngã sẽ phát triển. Chúng ta nên nhớ rằng bản
ngã ẩn núp rất sâu kín, niệm tưởng không còn mà bản ngã vẫn còn. Phải
hết sức cẩn thận không được chủ quan.
Khi ngồi thiền, ta phải xác định mục tiêu vô ngã rõ ràng, phải cầu Phật gia hộ cho ta đi đúng hướng vô ngã như thế.
c. Trong mọi công việc
Có
2 cực đoan mà người tu chân chính phải tránh. Một là chỉ cho tự sức
mình là đủ, rồi đi dần đến chủ quan kiêu mạn; hai là lúc nào cũng cầu
xin lệ thuộc vào thần thánh mà không biết nỗ lực tinh cần, rồi đi dần
vào mê tín bạc nhược.
Trung đạo đúng nghĩa là vừa nỗ lực bản
thân nhưng vẫn khiêm hạ nương nhờ công đức của Phật. Và trung đạo thì
luôn luôn đem lại kết quả tốt đẹp. Khi nỗ lực làm việc thiện, chúng ta
cũng cần phải biết cầu nguyện sự gia hộ của Phật, phải nhớ đến tâm từ
bi của Phật. Đừng nghĩ mình làm điều tốt rồi cho mình là tốt và ai cũng
phải lo cho mình. Đó là ý nghĩ kiêu mạn và sai lầm.
Người
ngoại đạo cầu xin Thần Thánh để được hưởng quả, ví dụ như cầu được giàu
sang, đỗ đạt, may mắn. Còn người đệ tử Phật cầu nguyện Phật gia hộ cho
mình gieo nhân, ví dụ như cầu cho có cơ hội để giúp người, để đắp
đường, để khuyên bảo người khó bảo… Đây là chỗ khác nhau giữa người tin
Thần Thánh mà không tin Nhân quả, với người tin Phật và tin Nhân quả.
Như
bình thường một vị giảng sư trước khi lên pháp tòa phải thầm cầu nguyện
Phật gia hộ. Nhưng thật ra như vậy cũng là muộn rồi. Phải cầu nguyện
Phật gia hộ ngay khi soạn bài; như vậy cũng còn muộn, phải cầu nguyện
Phật gia hộ từ khi nhìn thấy Phật Pháp chưa hưng thịnh, lúc mới bắt đầu
biết tu. Chúng ta phải cầu Phật gia hộ cho mình giảng đúng ý Phật để
chúng sinh được lợi ích.
d. Nguyện giữ gìn và phát triển Phật Pháp
Vì
tôn kính Phật, chúng ta phải phát lời nguyện quan trọng là bảo tồn và
phát triển Phật Pháp. Chúng ta đã nói đến đạo Phật đang bị yếu thế,
hoặc bị lui bước trước các tôn giáo khác, hoặc bị lu mờ trước sự tiến
bộ của khoa học. Hôm nay chúng ta không để cho tình trạng đó kéo dài
nữa. Chúng ta phải sao để cho đạo Phật được phục hưng trở lại, mạnh mẽ
lại, lan tràn trở lại, phải làm sao để nhiều người biết được Chánh pháp.
Chúng
ta đã khẳng định đạo Phật là chân lý, là lợi ích vô lượng cho chúng
sinh thì chúng ta không có quyền thụ động để cho đạo Phật suy yếu, mà
ngược lại, chúng ta phải nỗ lực bằng mọi cách làm cho mọi người biết
tới Phật Pháp, làm cho Phật Pháp đến với mọi người.
Chính sự
nhu nhược thụ động của quý Thầy Cô lây lan sang các Phật tử khiến cho
Phật tử cũng chỉ biết lo tu hành cho bản thân mình mà không hề lo giáo
hóa cả nhà cùng theo Phật. Công đức Phật hóa gia đình của cư sĩ rất là
yếu. Một người biết đạo thường không đủ mạnh mẽ khiến mọi người trong
gia đình biết đạo theo. Sự nhu nhược thụ động đó phải được hiểu là xuất
phát từ quý Thầy Cô. Cứ mỗi người thụ động một chút là đủ để Phật Pháp
suy tàn. Thái độ đó bây giờ không được phép tồn tại nữa.
Trong
thời đại mới này, người tu sĩ phải vừa tinh tấn hành thiền tu tập cho
chính mình, vừa nỗ lực giáo hóa chúng sinh. Cả hai công hạnh đều phải
được thực hiện nhiệt thành như nhau, không được thiên lệch bên nào,
cũng nhưb không được lười nhác cả hai.
Chúng ta cũng hay nghe
ca ngợi sự thực hành thiền định trong cô tịch của những ẩn sĩ dấu mình
trong rừng sâu núi thẳm hay khép cửa một mình trong am vắng. Những hình
ảnh đó quả thật đáng kính, vì chỉ có một nội tâm rất bình an mới chịu
đựng được cái cô đơn vây phủ. Nhưng chúng ta hiểu lầm để cho rằng hễ là
tu theo đạo Phật thì phải tránh mọi người để ở yên một mình.
Thật
ra Phật hay các thiền sư ca ngợi các ẩn sĩ độc cư là để tôn vinh khả
năng thiền định của vị đó đã đạt được mức độ lắng sâu đủ để thắng được
cảm giác cô độc chứ không phải Phật và các thiền sư chủ trương một đạo
Phật trốn tránh cuộc đời. Chúng ta phải hiểu rằng luật Nhân quả chi
phối mọi điều hết sức công bằng và kỹ lưỡng. Khi ở một mình, lo cho bản
thân mình, không bận tâm lo cho ai thì đương nhiên chúng ta sẽ không có
phước, không tạo thêm được phước mới, cũng có nghĩa là mất phước từ từ.
Đó
là lý do tại sao có nhiều vị nhập thất 20 năm ra rồi tâm hạnh tầm
thường hơn hồi mới vào thất, đời sống cũng khó khăn chật vật hơn, tâm
linh cũng chẳng có gì khả quan, đôi khi còn kém hơn ngày trước. Chỉ vì
người như vậy không có phước tích lũy đời trước nhiều, đời này không
khéo léo tạo thêm phước mà lại trốn trong thất vắng hưởng thọ sự dâng
cúng nuôi nấng của người trong thời gian quá dài, nên cuối cùng phước
cạn!
Tâm linh có thể tiến được là do sự đóng góp quan trọng
của phước, bên cạnh nhiều yếu tố khác như tinh tấn, phương pháp vân
vân… Hiểu được điều này chúng ta phải vừa siêng tu vừa lo làm lợi ích
chúng sinh. Hai điều đó sẽ hỗ trợ nhau rất kỳ diệu. Chúng ta cứ tưởng
việc gây tạo công đức khiến chúng ta bận tâm và bất an khó nhiếp tâm.
Không ngờ rằng càng bận tâm làm phước chừng nào thì khi ngồi thiền tâm
lại yên nhiều hơn chừng nấy.
Nếu chúng ta chỉ lo tu mà không
lo giúp người thì không có phước để tiến xa. Nếu chúng ta chỉ lo giúp
người mà không lo tu thì sẽ không có đạo lực để ứng xử mọi điều, nhất
là khi gặp rắc rối nghịch cảnh. Vì vậy, muốn tu giỏi thì phải lo giáo
hóa chúng sinh; muốn giáo hóa chúng sinh thì cũng phải lo tu cho giỏi.
Thế
kỷ tới nhân loại cạnh tranh kinh khủng. Mọi giá trị lý thuyết đều bị
đem ra đối chiếu so sánh lẫn nhau để xem cái nào hợp lý nhất. Vì vậy
người đệ tử Phật phải nỗ lực nhiều hơn bao giờ hết để phát huy Phật
Pháp. Chúng ta phải xét trong 24 giờ của một ngày chúng ta làm và tu
như thế nào, giờ nào tu, giờ nào giúp người; có giờ nào bị bỏ trống
lãng quên hay không. Nếu có giờ bị bỏ trống là ta có tội với Phật Pháp
đó.
Nghiệp duyên cho chúng ta cuộc đời với những tháng ngày
rộng dài như thế để ta sử dụng thật đúng. Nếu bỏ trống thời gian, chúng
ta cũng sẽ mang tội giống như chúng ta đã phí phạm đổ bát cơm vào thùng
rác, hay phí phạm xé bỏ quần áo lành lặn cho vui. Phí phạm cơm áo thì
sau này chúng ta mắc quả báo là không có cơm ăn áo mặc; phí phạm thời
gian thì sau này chúng ta mắc quả báo là không có thời gian nữa, nghĩa
là không được quyền sống lâu nữa.
Người biết quý thời gian
thì ngay cả lúc mệt mõi nằm nghỉ cũng lặng lẽ nhiếp tâm chứ không suy
nghĩ vẩn vơ bậy bạ. Còn khi khỏe khoắn thì ngồi dậy bắt chân ngồi
thiền; buông chân xả thiền ra thì đi làm việc cho đại chúng, thừa sự Sư
trưởng, phpụ giúp huynh đệ. Có những huynh đệ đã được thầy cho phép đi
ra ngoài làm việc sớm thì mình ở chùa cũng tìm cách hỗ trợ ngấm ngầm để
Phật sự của huynh đệ thuận lợi hơn.
Việc ăn uống cũng không
được coi thường, phải tương đối đủ chất để có sức khỏe làm việc đạo.
Aên uống thiếu thốn khiến cho thân thể yếu đuối cũng là có lỗi với Phật
Pháp. Chúng ta cần một thân thể khỏe mạnh để tu hành và lo cho Phật
Pháp mai sau.
Mong sao 20 năm sau, mỗi người chúng ta đều đã góp phần làm cho Phật Pháp đến với rất nhiều người trên Trái đất này.
4. DẤU HIỆU CỦA CÔNG ĐỨC
Sau
một thời gian dài chịu khó lễ kính Phật, chắc chắn chúng ta sẽ thấy
xuất hiện nhiều dấu hiệu tốt lành của công đức. Tuy nhiên, chúng ta chỉ
nên chú ý đến một dấu hiệu thuộc về đạo đức , đó là trí tuệ thấy được
lỗi của mình.
Tại sao trí tuệ thấy được lỗi là công đức?
Từ
trước đến giờ chúng ta ít nhận ra lỗi của mình, thường tự cho mình là
đúng, thường tự bênh vực ý nghĩ và việc làm của mình. Chính vì không
thấy được cái sai của mình nên chúng ta đã gây rất nhiều nghiệp bất
thiện mà không hay biết. Hạnh phúc lớn của người hiểu đạo là thấy được
lỗi của mình để dừng lại. Các vị cổ đức đã nói, Bồtát sợ nhân, chúng
sinh sợ quả. Bồtát có trí tuệ nên tránh sai lầm ngay từ đầu; còn chúng
sinh phải đợi khi quả báo hiện ra khổ sở mới biết sợ.
Nhờ công đức lễ Phật nên chúng ta mỗi ngày tránh xa dần lầm lỗi và nhân cách cao vời lên rõ rệt.
Ví
dụ khi trông thấy một huynh đệ phạm lỗi, nếu như trước đây thì chúng ta
sẽ mắng người đó một trận nên thân; nhưng bây giờ có trí tuệ, chúng ta
nhanh chóng thấy như vậy là không hay, phải nói một cách khác, cũng
nghiêm khắc, nhưng từ bi, và giữ được phong cách đàng hoàng của mình.
Còn
vô số điều hay khác trong cuộc sống mà khi có công đức và trí tuệ,
chúng ta sẽ thấy được từng chút điều sai và đúng trong từng đường tơ kẻ
tóc. Sự tinh tế đó giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc đời tu hành, và
cực kỳ đặc biệt là sẽ giúp chúng ta trong việc thuyết pháp độ sinh. Một
bài pháp hay là bài pháp tinh tế, kỹ lưỡng, cặn kẽ, thực tế, dễ áp
dụng, mới lạ bất ngờ. Mới lạ không phải vì chúng ta nêu ra vấn đề mới,
mà vì chúng ta phát hiện ra những điều sâu kín dấu trong những vấn đề
rất cũ.
Chắc chắn không có ai hoàn toàn đúng khi chưa chứng
đạo rốt ráo. Chỉ có Phật mới thật sự không có một chút sơ hở nhỏ như
Phật đã tuyên bố: Không một chúng sinh nào từ cõi trời đến súc sinh có
thể tìm thấy lỗi của Như Lai.
Còn những vị Thánh, những thiền
sư… đều vẫn còn chưa thông suốt hết chuyện của Tam giới. Vì vậy, nếu
chúng ta tu đã lâu mà thấy mình hình như không có lỗi lầm gì cả, thì
xin thưa rằng chúng ta đang thiếu công đức trầm trọng.
Nếu
chúng ta siêng năng lạy Phật thì cứ từng ngày trôi qua, chúng ta lại
phát hiện được những lỗi mới của mình. Sáu năm sau nhìn lại bây giờ
chúng ta sẽ ngạc nhiên vì sao bây giờ mình sai lầm nhiều như vậy. Ngay
cả một giảng sư giỏi cũng sẽ phát hiện ra trước đây mình giảng chưa hay
lắm, nếu giảng sư đó có lạy Phật đều đặn. Và dĩ nhiên khi biết như vậy
thì sẽ giảng hay hơn nữa.
Kết thúc bài này, chúng ta chắp tay
nguyện cầu cho tất cả chúng sinh đều biết tôn kính Phật chí thành để có
công đức ban đầu cho việc thoát khổ về sau.