KÍN ĐÁO
1. KÍN ĐÁO LÀ KHÔNG NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH CHO
NGƯỜI KHÁC BIẾT.
Thông thường, sự kín đáo không nói về bản thân
mình cho người khác biết được xét trên hai phương diện: một là Đạo đức, hai là
sự khôn ngoan. Đang học về Tâm lý Đạo đức cho nên chúng ta chỉ tìm hiểu sự Kín
đáo như một hạnh đẹp của Đạo đức.
Là một người tu hành, dù là cư sĩ hay
người xuất gia, vì Đạo đức, chúng ta ít nói về bản thân mình. Ngay cả khi có
những điều hay, chúng ta cũng không nói cho người khác biết. Trong khi đó, theo
tâm lý thường tình của con người, khi thấy mình có những điều hay, người ta dễ
bộc lộ ra bên ngoài hoặc kể lại cho người khác nghe. Có chút tài năng gì, có một
tài sản gì, họ cũng nói ra. Hoặc làm được một việc phước lành, họ cũng kể cho
người khác biết. Hay nói cách khác, những gì làm cho mình có giá trị trước mắt
mọi người, họ đều thích kể cho nhiều người biết.
Thích nói ra những cái
hay, cái tốt của mình cho người khác biết, đó là tâm lý thường tình của con
người. Vì người ta nghĩ rằng, những điều đó làm cho họ tăng thêm giá trị và
khiến người khác phải nể phục. Tâm lý thèm khát sự cảm phục của người khác là
tâm lý rất mãnh liệt của con người. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, Kín đáo-
không kể những điều tốt của mình cho người khác biết là một biểu hiện của Đạo
đức. Vì trong thâm sâu, chúng ta không thấy mình là người quan trọng, không cần
sự nể phục của người khác nên cũng không cần phải kể những chuyện tốt của mình.
Đây là Tâm của một người có chấp ngã tương đối nhẹ. Thường những người ấy đã đạt
được Thiền định rất tốt sẽ không thấy mình là quan trọng. Thực ra, họ không muốn
kể cho ai nghe về mình chứ không phải giấu giếm điều gì về mình. Chúng ta phải
phân biệt được hai trường hợp như vậy. Vì có những người vẫn thấy mình quan
trọng nhưng muốn giấu người khác nên không nói ra. Tâm của những người này chưa
thật sự hợp với Đạo.
Ví dụ, một người thấy mình có một món tiền kha khá
nên rất tự hào vì nghĩ mình có giá trị hơn mọi người nhưng họ vẫn giấu, không
nói ra vì sợ phải giúp đỡ những người khác. Rõ ràng, trường hợp này cũng giấu,
cũng kín đáo không nói về bản thân mình nhưng không phải là biểu hiện của Đạo
đức. Điều này hoàn toàn khác với người biết mình có nhiều tiền hơn người khác
nhưng cho rằng như vậy không có gì quan trọng. Trên thực tế, số tiền ấy cũng
chưa cần phải giúp ai nên họ không cần nói ra. Bởi thấy những gì thuộc về mình
không quan trọng nên khong cần phải bày tỏ cho người khác biết. Đây là yếu chỉ
căn bản nhất của hạnh Kín đáo.
Khi nói ra những cái hay của mình nghĩa
là chúng ta đang khoe khoang, trong tâm chúng ta đang ngầm có sự kiêu mạn về
điều hay, điều tốt đó của mình. Đây là sự tổn thất trong Đạo đức, chúng ta phải
cẩn thận. Khi lớn lên, càng tu hành, càng giữ giới, càng làm được nhiều việc
thiện, chúng ta càng có công đức với Phật pháp và phước cũng tăng lên. Sự ngưỡng
mộ của người khác cũng dần dần xuất hiện. Lúc đó, chúng ta dễ chấp vào nó và
sinh tâm kiêu mạn. Chính kiêu mạn là cái gốc làm nên sự khoe
khoang.
Trong bài Khiêm hạ, chúng ta đã nói rất nhiều về kiêu mạn, kiêu
mạn ở trong tâm. Bây giờ, sự kiêu mạn dễ nhìn thấy hơn khi đã thốt lên thành lời
khoe khoang. Thật vậy, có những lỗi trong tâm mình, chúng ta không dễ dàng nhìn
thấy, trong đó có sự kiêu mạn. Nhưng khi buột miệng nói ra lời khoe khoang, tự
nhiên chúng ta sẽ sực tỉnh: “Thì ra mình vừa mới khoe khoang, mình đã có sự kiêu
mạn”. Như vậy, trường hợp không đủ trí tuệ để nhìn thẳng vào tâm, để thấy kiêu
mạn trong tâm mình, chúng ta sẽ nhờ lời nói để biết được lầm lỗi tiềm tàng trong
tâm mình.
Chúng ta biết rằng, tâm của con người rất phức tạp, thường có 2
phần: ý thức và vô thức. Ý thức là phần tâm mình thấy được. Vô thức là những
hoạt động của tâm mà mình không tự thấy được. Ví dụ, những suy nghĩ, hình ảnh mà
chúng ta có thể tưởng tượng, hình dung được, biết được đều thuộc về ý thức. Hoặc
một người nào đó nói một câu nặng làm mình buồn. Cái buồn đó chúng ta có thể
thấy được, cảm được nên thuộc về ý thức. Ngoài ra, trong con người còn có nhiều
tâm phức tạp của vô thức. Hoạt động của vô thức rất nhiều, rất bí mật, chúng ta
không thể nhìn thấy được. Muốn thấy được hoạt động của vô thức, chúng ta phải
vào trong Định rất sâu. Bình thường, ranh giới giữa ý thức và vô thức trong con
người chúng ta không rõ ràng. Điều này tùy thuộc vào trí tuệ bẩm sinh của mỗi
người. Có người, sự ý thức rất hạn chế, nghĩa là tâm nào rất thô mới nhìn thấy,
còn tâm hơi tế một chút, họ sẽ không nhìn thấy được. Trong khi đó, có người trí
tuệ rất sáng, ý thức rất sâu nên có thể thấy được nhiều tâm bí mật trong lòng
họ. Người ta gọi đây là người có trí tuệ. Những người này, khi phạm lỗi, họ sẽ
thấy ngay hoặc chỉ cần người khác nhắc nhẹ là họ nhận ra ngay lỗi của mình. Vì
họ nhìn rất sâu vào trong tâm họ, những lỗi lầm tiềm ẩn họ đều nhìn thấy. Đây là
người có căn cơ tu hành. Ngược lại, những người kém trí tuệ, chỉ nhìn thấy tâm
thô, thường khó nhìn thấy lỗi mình. Những người này căn cơ thấp, rất khó
tu.
Có khi kiêu mạn phát ra thành hành động. Trong mỗi trường hợp, hành
động phát ra sẽ khác nhau. Nhờ hành động, chúng ta sẽ biết mình đã bị kiêu mạn
chi phối. Ví dụ, một người mới vào chùa để làm điệu tu hành. Trong chùa có một
ông già vốn là trí thức nhưng thất cơ, lỡ vận phải vào nương chùa ở để sống qua
ngày. Cứ một, hai ngày, đứa con gái của ông ta lại vào thăm cha và tiện thể nhờ
cha giảng bài cho. Một hôm, chú tiểu đang nằm võng ở nhà kho xem kinh, ông già
đến hỏi một bài Hoá học (có lẽ cô con gái lại vào nhờ cha giảng giúp bài vở).
Chú tiểu thấy bài quá dễ nên vẫn nằm trên võng, tay cầm lấy cuốn vở của ông già
và giải thích cho ông ta. Khi hiểu ra được, ông rất vui, vội cầm vở chạy về
phòng mình để giảng lại cho con gái. Sau đó, một Thầy lớn thấy vậy đã nhắc chú
tiểu rằng hành động của chú đã sai. Vì chú là người mới tu, còn nhỏ nhưng khi
nói chuyện với một người lớn tuổi như thế vẫn nằm trên võng. Rõ ràng, trong tâm
người ấy có sự kiêu mạn tiềm tàng và đã bộc lộ bằng hành động. Điều ấy không
chối cãi được. Nhờ bộc lộ bằng hành động và được người khác nhắc nhở mà người ấy
biết rằng mình đã kiêu mạn mà bản thân không nhìn thấy được.
Trong cuộc
sống có nhiều trường hợp tương tự như vậy. Điều quan trọng là khi được nhắc nhở,
chúng ta phải chân thành nhận lỗi và phải sám hối ngay, tuyệt đối không được
chối cãi. Vì đây chính là chỗ mà chúng ta không đủ trí tuệ để nhìn thấy chính
mình. Một khi đã nhận ra được lỗi và cố gắng sửa, có tâm nguyện sửa, chắc chắn
chúng ta sẽ vượt qua được.
Người hiếu danh thường khoe khoang về mình.
Bởi vậy, không nói về mình cho người khác biết nghĩa là chúng ta không hiếu
danh, không mong muốn được kính trọng. Chữ danh ngoài nghĩa là tên còn có nghĩa
là tiếng khen, là danh dựï, là sự cảm phục trong lòng người khác. Thói thường,
con người chúng ta hay mắc một bệnh, bệnh thèm khát sự cảm phục của người khác.
Nhiều khi vì sự thèm khát ấy trỗi dậy quá mãnh liệt, người ta đã giả mạo, đã bịa
đặt bao nhiêu chuyện để lừa dối mọi người. Sự cảm phục về người này chỉ xuất
hiện trong tâm người kia nhưng có thể làm cho họ sung sướng khi biết người khác
cảm phục mình. Đều này có sức mạnh thật ghê gớm. Trong cuộc đời, người ta theo
đuổi rất nhiều thứ: tiền bạc, tình yêu, danh lợi…Trong đó, thèm muốn sự cảm phục
của người khác cũng là điều khiến con người đuổi theo một cách dữ dội. Đây cũng
có thể xem là nhu cầu của con người, một nhu cầu rất tai hại.
Chúng ta
từng nghe người ta nói với nhau về công án của ngài Động Sơn. Ngài nói: “Ta có
tiếng tăm ở đời, ai có thể vì ta trừ dẹp nó”. Một vị Tăng trả lời bằng cách xoè
tay ra:“ Hòa Thượng cho con đi”. Ngài Động Sơn nói:“ Vậy là tiếng tăm ta đã
hết”. Nghĩa là vị Tăng kia thấy được sự cảm phục của người khác nằm trong tâm
của người ta chỉ là một cái gì đó giả dối, không cầm, không nắm được. Vậy mà,
con người cứ chấp nó là có thật để rồi vui buồn theo nó. Khi được người ta cảm
phục thì vui. Khi bị người ta khinh ghét lại buồn. Xòe bàn tay ra xin Hòa Thượng
cho tiếng tăm là vị Tăng muốn nói cái đó không có thật, không cụ thể như cơm ăn
áo mặc, vô hình, giả dối. Bởi vậy, ngài Động Sơn đã nói : “Tiếng tăm của ta đã
hết”. Thực ra, đó là một lời khen, khen vị Tăng kia đã hiểu được bản chất vấn
đề.
Khi còn nhỏ, trong chúng ta không ít người được người lớn khen vài
lần. Nếu từng được người khác khen ngợi và tỏ ra cảm phục, chúng ta sẽ rất khó
quên cảm giác sung sướng ấy. Đó là cảm giác rất mạnh, rất rõ mà chính chúng ta
cũng không sao hiểu nổi. Như vậy, được người khác cảm phục cũng là một hạnh phúc
và điều ấy luôn được người ta đeo đuổi, thèm khát. Cũng chính nó đã gây nên biết
bao nhiêu thảm cảnh, bao nhiêu oan trái trong cuộc đời này.
Chúng ta
phải nhìn thấy tâm thèm khát sự cảm phục của người khác là điều rất nguy hiểm,
là một ảo tưởng, ảo vọng, giả dối và phải vượt qua được điều đó. Chúng ta nên
chấp nhận sống một đời thanh bai, kín đáo, không cần ai biết đến mình. Có thể
trong cuộc đời, chúng ta sẽ làm được nhiều việc tốt cho Đạo, được nhiều người
biết đến và nể phục. Những lúc ấy, chúng ta càng cần phải cẩn thận, đừng rơi vào
trạng thái thèm khát sự cảm phục của người khác.
2. KÍN ĐÁO KHÁC VỚI THÂM HIỂM.
Kín đáo trong Đạo là không mong sự cảm phục của người khác, vì
chúng ta không muốn sinh tâm kiêu mạn, không muốn thấy mình là quan trọng trước
mắt moi người. Như vậy, xét trên khía cạnh Đạo đức, chúng ta cần phải sống kín
đáo, không khoe khoang về mình. Nhưng trong thế gian, không phải bao giờ người
kín đáo cũng là người tốt. Có những người kín đáo vì thâm hiểm. Thâm nghĩa là
sâu. Hiểm là hiểm độc. Người thâm hiểm thường giấu kín ý định xấu của mình để
thừa cơ hội ra tay thực hiện. Những ý định xấu đó là mưu hại người, làm những
điều ác độc với cuộc đời. Bề ngoài, lúc nào cũng thấy họ ít nói, chỉ im lặng
hoặc mỉm cười nhưng bên trong họ là người thâm hiểm, sẵn sàng làm bất cứ điều gì
để hại người khác.
Trong cuộc sống, chúng ta gặp nhiều người rất ít nói.
Có người ít nói vì hiền lành. Tâm họ rỗng rang, thanh thản, không bận tâm nên
không có gì để nói. Theo khoa học, đó là người có vùng não của ngôn ngữ không
hoạt động nhiều nên ít nói. Những người như vậy là người có căn tu, hiền lành,
hợp với Đạo. Nhưng có trường hợp ít nói không phải là hiền lành. Họ vẫn có thể
là người độc ác hoặc cộc cằn. Chúng ta phải cẩn thận khi đánh giá hai loại đối
tượng này để tránh nhầm lẫn. Muốn biết một người ít nói là hiền lành, hợp với
Đạo hay thâm hiểm, chúng ta nên nhìn vào đôi mắt của họ. Người ta nói :“Đôi mắt
là của sổ của tâm hồn”. Quả thật như vậy. Nếu nhìn đôi mắt họ từ ái, thong dong,
thư thả, chúng ta biết đó là người hiền lành. Còn nhìn vào đôi mắt sâu hiểm,
chúng ta biết ngay con người ấy cộc cằn và ác độc.
Không ít người từng
rơi vào hòan cảnh thất điên bất đảo cũng vì những con người có bề ngoài tưởng
như hiền lành ấy. Một Thầy kể rằng, khi được Thầy lớn giao về Trụ trì một ngôi
chùa trong làng để giữ khu đất mới khai khẩn, các Phật tử họp bàn, đồng ý và
Thầy đã về nhận chùa. Khi về, chùa đã có sẵn một người giữ chùa, gọi là chủ
chùa. Nhờ các Phật tử thuyết phục, ông ta đồng ý cho Thầy ấy về Trụ trì. Ở đấy,
ai cũng bảo rằng ông ta hiền. Ông ta rất ít nói nhưng khi đã tiếp xúc, mới biết
đây là con người rất thâm hiểm và ác độc. Được một tuần, vào lúc trời vừa rạng
sáng, thừa lúc chùa không có ai, ông ta vào chùa và yêu cầu vị Trụ trì mới phải
rời chùa ra đi. Thì ra, bao nhiêu Thầy, bao nhiêu Ni cô đến đây đều phải ra đi
vì bị ông ta đuổi đi một cách bí mật. Những người ấy cũng ngại điều gì đó nên
không nói cho ai biết, lặng lẽ xách gói ra đi. Riêng vị Trụ trì này không chấp
nhận yêu cầu của ông ta, cũng không tự ái nên đã đề nghị hỏi ý kiến Phật tử. Tối
hôm đó, Phật tử và cả mặt trận chính quyền họp lại. Tất cả đều ủng hộ vị Trụ
trì đó. Cuối cùng, chính ông ta đã bỏ đi khỏi chùa. Sau đó, ông ta vẫn nuôi hận
trong lòng và mưu hại vị Trụ trì kia thật thê thảm. Con người được mọi người cho
là hiền lành, ít nói ấy thực chất là như vậy.
Cũng có những trường hợp,
người ta giấu sở trường, giấu tài sản, giấu ưu thế, giấu thực lực… của mình. Đây
là loại người có bản lĩnh. Chúng ta chưa nói như vậy là xấu hay tốt nhưng phải
thừa nhận rằng họ là người có bản lĩnh. Có khi chúng ta cũng phải biết áp dụng
cái bản lĩnh ấy trong cuộc sống. Không nói ra thực lực, sở trường của mình trước
hết là vì Đạo đức, sau nữa là vì khôn ngoan. Người khôn ngoan thường không nói
ra những gì mình có được, nhất là về tiền bạc. Trong thế gian, những người hay
khoe cái mình có thường là người không có bản lĩnh. Trường hợp người không có
tiền của cũng cố gắng chạy vạy mua sắm cho bằng thiên hạ càng cạn cợt hơn nữa.
Những người như vậy rất khó làm nên việc lớn.
Những người có dịp tiếp
xúc với giới xã hội đen đều cho rằng, những tay trùm, những tay anh chị thường
là những người tỏ ra hiền lành, nói năng lịch sự, khác hẳn với bọn đàn em luôn
tỏ ra dao búa, gặp đâu gây đó, nói năng thô tục. Đó là những người có bản lĩnh,
biết giấu thực lực của họ để không bị người khác nhòm ngó. Trong giới kinh doanh
cũng vậy, những người làm ăn lớn thường không cho người khác biết thực lực của
mình vì sợ bị cạnh tranh. Hiện nay, việc “ăn cắp” kỹ thuật trong sản xuất để
cạnh tranh là một trong những vấn đề bức xúc nhất trên thế giới. Bởi vậy, người
ta thường giấu những bí mật về công nghệ, về kỹ thuật. Ngày xưa, người Việt Nam
ta và người Trung Hoa thường có hiện tượng “giấu nghề”, nhất là những nghề gia
truyền. Cho nên, có nhiều nghề dần dần bị mai một đi và thất truyền, bây giờ
không còn nữa.
Trong khi đó, ở phương Tây, khi phát minh ra những lý
thuyết về khoa học, người ta thường công bố cho mọi người cùng biết. Ví dụ, một
nhà khoa học người Anh phát minh ra một kỹ thuật hiện đại trong chế tạo máy hơi
nước. Sau đó, nhà khoa học người Đức lại tiếp tục nghiên cứu và phát minh ra kỹ
thuật khác hiện đại hơn. Nền văn minh của họ vì thế mà tiến bộ vượt bậc. Hiện
nay, về khoa học - kỹ thuật, chúng ta phải học theo phương Tây rất nhiều. Có thể
nói, họ gần như cho không nhân loại về công nghệ kỹ thuật. Tuy nhiên, khi xã hội
có sự canh tranh gay gắt về kinh tế, người ta cũng bắt đầu giấu sở trường, giấu
những cái hay, sự tiến bộ của mình. Bởi vậy, luật bảo vệ tác quyền của con người
ra đời. Tất cả những sáng chế, phát minh đều được đăng ký bảo vệ. Nếu ai bắt
chước, tác giả có thể nhờ luâït pháp can thiệp. Nhưng sau 50 năm, những sở hữu
trí tuệ đó đều trở thành của chung nhân loại, ai cũng có quyền sử dụng. Nhờ vậy
mà nhân loại ngày càng tiến bộ.
Như vậy, người có bản lĩnh, khôn ngoan,
thường giấu sở trường của mình. Nhưng không phải bao giờ người khoe khoang cũng
là người cạn cợt, không đáng sợ, không làm được việc lớn. Có trường hợp, khoe
khoang mà vẫn khôn ngoan, thủ đoạn. Đó là trường hợp khoe khoang để lừa đảo.
Chúng ta thường gặp đối tượng này trên hai lĩnh vực : tôn giáo và kinh
tế.
Trong tôn giáo, những người này thường bắt chước Phật và Chúa. Khi
Phật đắc đạo, Ngài tuyên bố là Ngài thành Phật, thành đấng Giác Ngộ. Chúa cũng
nói Ngài là con của Đức Chúa Trời. Nhưng cuộc sống của các Ngài đã chứng minh
những lời nói đó là thật. Chúng ta phải thừa nhận rằng, những giáo pháp mà Đức
Phật để lại thật tuyệt vời. Trước Ngài, không ai nói được như vậy. Và sau Ngài,
cũng không ai có thể nói hay hơn. Ngày nay, người ta nói rất nhiều, sách viết về
Phật còn nhiều hơn Phật thuyết. Nhưng tất cả đều phải dựa vào những điều Phật đã
nói. Cuộc sống của Phật là cả một bức tranh Đạo đức tuyệt vời, không ai có thể
sánh bằng. Bởi vậy, những điều Ngài nói về Giác ngộ đã được Ngài chứng tỏ trong
suốt cuộc sống rất Thần thông, Trí tuệ và rất Đạo đức của Ngài. Chúa cũng chỉ đi
giảng đạo 3 năm rồi mất nhưng Ngài đã thể hiện được thần thông, phép lạ, Trí tuệ
và Đạo đức của mình.
Về sau, nhiều tôn giáo đã được thành lập bởi những
giáo chủ cũng lớn tiếng khoe khoang, quảng cáo về mình. Họ tự xưng mình là Thần,
là Thánh và mười người nghe được cũng có đến hai, ba người tin. Bởi vậy, gặp
những đối tượng nói như đinh đóng cột là đã chứng đạo, chúng ta phải cẩn thận,
không khéo họ thuộc về trường hợp này. Ví dụ, giáo chủ của đạo Aum Shrykyu cũng
từng tuyên bố là mình đã đắc đạo. Nhiều người nghe hấp dẫn quá đã tin theo và
cúng cho ông ta bao nhiêu là tiền bạc. Ông ta cho xây dựng những trung tâm chế
tạo vũ khí, chế tạo chất hoá học với mục đích chiếm và cai trị luôn nước Nhật.
Cuối cùng, việc đã không thành, ông ta và các tín đồ đã bị bắt.
Ở miền
Tây nước ta, trước kia có một người tên là Nguyễn Long Châu cũng tự xưng là
Thần, Thánh. Ai chống lại sẽ bị ông ta bí mật cho người hạ thủ ngay. Hoặc có một
thời, người ta truyền cho nhau nghe cuộn băng thu giọng nói của một người đàn bà
tự xưng là được Thượng đế nhập để giảng đạo. Những điều bà ta nói không có gì
sâu sắc, giọng nói cũng không có vẻ gì thần lực. Nhưng nhiều người vẫn tin, vẫn
lạy lục để bà ta ban phép…
Người đời cũng lắm kẻ dễ tin. Cho nên, lợi
dụng lòng tin của con người, nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng đã được thành lập.
Mục đích của những tôn giáo ấy là lừa bịp để thỏa mãn những tham vọng cá nhân.
Trong đạo Phật của chúng ta cũng có người cố làm ra vẻ mình là người đã đắc đạo
để tìm sự ngưỡng mộ của Phật tử. Tuy trường hợp này trong đạo Phật không nhiều
vì có giới cấm, nhưng chúng ta phải cẩn thận.
Ở những quốc gia cho tự do
tín ngưỡng, tự do tôn giáo, nhiều người đã lập nên nhiều đạo kỳ quái, truyền bá
những tư tưởng sai lầm, đem lại tà kiến cho con người. Tất nhiên, sau khi chết,
những kẻ ấy phải đoạ địa ngục để trả lại những điều dối trá mà họ đã gây nên.
Nhưng trong cuộc sống hiện tại, bước đầu họ đã đạt được tham vọng, chiếm được sự
quy phục, ngưỡng mộ của một số người dễ tin.
Trên lĩnh vực kinh tế, có
nhiều trường hợp khoe khoang về thực lực của mình để lừa người khác. Thực tế đã
cho thấy, không ít người tan cửa nát nhà vì tin vào sự giàu có của người khác.
Tiền bạc họ dành dụm được từng đồng đã góp cho các chủ hụi để rồi trắng tay, chỉ
còn cách ngửa mặt kêu trời. Nhiều vụ án động trời xảy ra gần đây phần lớn đều có
liên quan đến vấn đề kinh doanh của những công ty lớn. Các vị Giám đốc không
ngần ngại phô trương tài sản của mình để vay thế chấp Ngân hàng và lao vào vòng
quay nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường. Cuối cùng, khi mọi việc vỡ lỡ, người
ta mới biết rằng đó cũng là một cách lừa đảo vay chỗ này, thế chấp chỗ kia. Đây
là trường hợp khoe khoang nhưng hoàn toàn không phải do cạn cợt mà là thủ
đoạn.
3. TRONG SỰ TU HÀNH, HẠNH KÍN ĐÁO
LÀ QUAN TRỌNG
Đó là vấn đề kín đáo, khoe khoang đối với người
đời. Trong sự tu hành, hạnh Kín đáo là điều quan trọng. Vì khi nói cho người
khác biết về cái hay của mình thì điều không hay sẽ xuất hiện. Đó cũng là lý do
tại sao cuộc sống của chúng ta lại lắm thăng trầm. Thăng vì đôi lúc chúng ta
biết khiêm hạ nhưng trầm vì chúng ta còn mắc bệnh khoe khoang.
Ví dụ,
một người thấy mình có nhiều ưu điểm: giỏi giang, siêng năng, lanh lợi, làm việc
chu đáo, liền đem khoe với người khác, sau đó điều không hay đã xảy ra ngay. Họ
làm việc gì cũng gặp điều xui xẻo, không thành công. Không chỉ riêng người tu
hành, các Phật tử cũng thường mắc phải điều này. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, hễ
cái gì mình tự cho là hay, cái không hay đó sẽ đến ngay.
Về công phu tu
tập mỗi ngày, chúng ta cũng phải kín đáo. Nếu nói ra cho người khác biết, chúng
ta sẽ gặp trở ngại, không thực hành được nữa. Ví dụ, một người ngồi Thiền rất
siêng năng, mỗi ngày ngồi ba thời đều đặn. Một hôm, trong lúc nói chuyện với
người khác, người ấy bộc lộ: “Một ngày tôi ngồi Thiền được ba lần”. Bỗng dưng
qua ngày sau, người ấy không ngồi Thiền được nữa. Đến giờ ngồi Thiền, chuyện
không đâu tự nhiên kéo đến: khi bệnh hoạn, ốm đau, khi trở ngại công việc... Cứ
thế, có khi họ phải bỏ luôn cả tháng trời không ngồi Thiền được.
Hoặc
một người tu pháp môn niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi…họ đều niệm Phật. Nếu chỉ
niệm trong tâm thì không ai biết. Nhưng vì muốn khuyến khích Phật tử tu hành,
người ấy đã nói cho Phật tử biết: “Thầy lúc nào cũng vậy, đi, đứng, nằm, ngồi
đều niệm Phật”. Sau đó, người ấy gặp nhiều khó khăn trở ngại trong việc niệm
Phật. Nhiều khi cũng niệm Phật nhưng Thầy toàn nghĩ đến những chuyện đâu đâu.
Câu niệm Phật vì thế cũng biến đâu mất.
Nói chung, chúng ta không được lộ
công phu thực hành ra cho người khác biết. Ngay cả lúc ngồi Thiền, chúng ta cũng
phải tìm chỗ kín đáo, không được ngồi chỗ trống trải nhiều người biết, trừ khi
ngồi Thiền tập thể ở trong chúng. Nếu ở gia đình, quý Phật tử tập ngồi Thiền
cũng cần phải kín đáo. Đến giờ ngồi Thiền, mỗi người nên vào phòng đóng cửa lại,
không cho ai biết. Có như vậy, việc ngồi Thiền của chúng ta mới được lâu bền. Đó
chính là công phu tu tập của chúng ta.
Có một vị Sư từng khoe là mình tu
Thiền rất tốt. Một lần, ông ta đắp y, mặc áo vàng, ngồi Thiền trên một tảng đá.
Vị trí ngồi Thiền của vị Sư ấy rất trống trải, ai qua lại cũng nhìn thấy. Ngồi
được ngày thứ nhất, ngày thứ hai, rồi sau đó ông chẳng bao giờ ngồi Thiền được
nữa. Lý do thứ nhất là vị Sư ấy đã khoe khoang công phu của mình bằng lời nói,
sau đó là khoe khoang về hành động. Ngồi Thiền nhưng ông đã chọn vị trí mà những
Phật tử đi qua đi lại đều nhìn thấy. Công phu của ông vì thế mà mất
hết.
Như vậy, một lời nói có khi làm mất công phu của mình đến hàng
tháng, có khi vài ba năm hoặc vài ba kiếp. Nhiều khi đã nhìn thấy lỗi, chúng ta
phải sám hối đến mấy tháng sau mới lấy được công phu trở lại. Có những trường
hợp, vì lỡ một lời mà vài ba năm hoặc vài chục năm sau, có khi vài ba kiếp sau,
chúng ta mới lấy lại được. Bởi vậy, chúng ta phải cẩn thận trong lời nói, đừng
bao giờ khoe khoang.
Chúng ta cũng không nên nói về kết quả đạt được vì
sẽ bị thối thất. Trong cuốn Luận về Nhân Quả, tác giả có dẫn câu chuyện về ngài
Trí Khải và một vị Tăng trong Tùng Lâm tuyển tập. Khi ngài Trí Khải đến gặp vị
Tăng, ông ta không thèm ngồi dậy chào mà chỉ nói về Định mà mình có được. Ông
cho rằng, mình đã được Định. Nhờ Định này, khi nghe trong núi có một chấn động,
hướng tâm về đó, ông ta biết có một vị Tăng đang quán lý Vô thường và quán rất
đắc lực. Cho nên, khi thần lực đó phát ra, ở đây nhờ có Định, ông ta nhận được
điều đó. Vị Tăng hỏi ngài Trí Khải: “Đó là định gì ?”. Ngài Trí Khải trả lời:
“Đó là biên Định, chưa sâu, mới chỉ bên ngoài nhưng vì nói ra nên mất”. Nghe
nói, ông ta giật mình, đứng lên và nói: “Mất rồi”. Ông vừa nói xong, tự nhiên
Định đang có trong Tâm mấy tháng nay, mấy năm nay đã biến mất. Muốn lấy lại Định
đó không phải là chuyện đơn giản, có khi phải mất hai ba chục năm sau. Vì nguy
hiểm như vậy nên chúng ta phải cẩn thận, không nói về những kết quả tốt mà mình
đạt được.
Ví dụ, khi tu Thiền đã nhiếp tâm được vào trong Định, chúng ta
sẽ cảm thấy an lạc, hạnh phúc. Cảm giác sung sướng, hạnh phúc, an lạc ấy không
thể diễn tả được bằng lời. Đôi khi không kiềm chế được, chúng ta bộc lộ cho
người khác biết. Như vậy, chúng ta sẽ mất ngay cái Định đó. Nhưng vì sao chúng
ta lại nói ra cái hay của mình ? Quá trình này thường trải qua hai giai đoạn.
Trước hết, trong tâm chúng ta tự công nhận mình có cái hay và sau đó là nói ra
cái hay đó.
Ví dụ, chúng ta là người tu hạnh Nhẫn nhục, tùy thuận ở trong
chúng. Nghĩa là trong chúng ai nói nặng nhẹ điều gì, chúng ta cũng hoan hỷ,
không giận hờn ai. Đây là điều tốt mà chúng ta có được trong nhiều năm nay. Một
hôm, thấy người này người kia hay cãi nhau, hay sân với nhau, chúng ta bỗng so
sánh và chợt nhận ra mình là người nhẫn nhục. Nghĩa là trong tâm ta đã tự công
nhận mình là người nhẫn nhục trước. Khi đã thừa nhận điều này, một lúc nào đó,
khi nói chuyện với người khác, chúng ta bỗng nói : “Tôi là người rất nhẫn nhục”.
Nói như vậy, tưởng không có gì quan trọng nhưng sau đó chuyện bực mình đã liên
tiếp xảy ra khiến chúng ta nổi giận. Nghĩa là sự nhẫn nhục không còn
nữa.
Đó là những chuyện nhỏ. Trong quá trình tu tập, có những chuyện lớn
hơn, quan trọng hơn nhất là công phu tu tập, những Trí tuệ đạt được, những Định
đạt được…, chúng ta phải hết sức kín đáo. Khi có điều gì hay và chúng ta đã tự
công nhận thì phải nhớ tâm niệm: “ Điều ấy chưa chắc chắn đâu”. Nếu nói ra, tất
cả điều tốt ấy sẽ mất hết, sẽ tan vỡ hết. Chúng ta phải luôn ý thức rằng, vì
chưa thật sự chứng Thánh nên hạnh mà mình có được, điều hay mình có được chưa
chắc chắn. Hoặc tuy có hạnh tốt ngày hôm nay nhưng có thể chưa qua thử thách,
khi gặp khó khăn, trở ngại chưa chắc mình giữ được vv…Hễ vừa phát hiện ra điều
tốt của mình, chúng ta phải tự nhủ điều ấy. Vượt qua giai đoạn thứ nhất, chắc
chắn chúng ta không vấp phải sai lầm ở giai đoạn thứ hai là nói lời khoe
khoang.
Có những điều hay mất đi chỉ vài tháng sau chúng ta có thể lấy
lại, nhưng cũng có những cái trầm trọng đến vài ba kiếp sau mới lấy lại được.
Nói như vậy hoàn toàn không cường điệu. Có vị tu Thiền đắc đạo, phát ra được trí
tuệ, bát nhã, thong dong, tự tại, đối đáp Thiền ngữ như mây, như gió. Trong
những bài giảng pháp, vị này nói rằng chỉ một cái tâm này là Phật, cái tâm rỗng
rang như không, cái tâm trùm khắp pháp giới. Nghĩa là, người ấy diễn tả cái tâm
mình chứng được và nói tâm đó là Phật, nghĩ mình là triệt ngộ bằng Phật, không
cần tìm đâu nữa. Đến khi chết, ông ta ngồi kiết già tịch đàng hoàng. Đến mức độ
như vậy, chúng ta cũng nghĩ rằng chưa chắc chắn. Vì sao? Vì qua kiếp sau, tùy
phước, có khi ông ta lên làm vua. Qua một kiếp làm vua như vậy, nhân ái dục đã
gieo sẽ kéo dài đến bao nhiêu kiếp mới có thể lấy lại được. Có khi đi qua hai ba
chục kiếp dần dần vị ấy mới hiểu được lỗi của mình và cố gắng lấy lại công phu
trong kiếp mình chứng được. Chúng ta biết rằng, công phu ngồi kiết già tịch phải
mất hai chục kiếp sau mới có thể lấy lại đúng trình độ đó.
Chúng ta ít
nhiều đều biết đến Tô Đông Pha ( Trung Quốc ), con người có tâm hồn phóng khoáng
nhưng lại lận đận trong chốn quan trường. Người ta kể rằng, kiếp trước ông ta là
Sư Giới, tu ở chùa Ngũ Tổ. Vị Thiền sư Sư Giới này có sức ngộ rất khủng khiếp.
Bao nhiêu người dùng Thiền Ngữ đối đáp với ông đều thất bại. Vì sắc bén như vậy
nên ông được các Thiền sư khác khen ngợi. Khi chết, ông đầu thai thành Tô Đông
Pha. Vậy, tại sao người ta biết Tô Đông Pha là hậu thân của Ngũ Tổ Sư Giới ?
Chuyện kể rằng, một lần, nhân có công việc gì đó, ông Tô Đông Pha đã đi đến vùng
nọ. Trong khi đó, có ba người, kể cả hai vị sư nữa cũng đi đến đó. Khi đến nơi,
ba người cùng kể là đêm qua mình nằm mơ thấy Ngũ Tổ Sư Giới. Họ không hiểu tại
sao hôm nay người mình gặp chính là Tô Đông Pha. Lúc ấy, ông Tô Đông Pha mới nhớ
ra rằng, khi còn nhỏ (khoảng bảy, tám tuổi ), ông thường nằm mộng thấy mình là
một vị Tăng ở ngôi chùa mà kiếp xưa có ông Ngũ Tổ Sư Giới tu tại đó. Từ những
câu chuyện như vậy mà người ta cho rằng ông Tô Đông Pha là hậu thân của Ngũ Tổ
Sư Giới. Cả cuộc đời, ông Tô Đông Pha chịu biết bao long đong, lận đận, bị đày
lên, đày xuống trong chốn quan trường. Trong khi đó, đời trước ông từng là một
vị Tăng xuất sắc.
Như vậy, có những trường hợp chỉ lỡ một lời hay có sự
hiểu sai về một điều gì đó, con người phải chịu biết bao gian truân, và những
công phu, những điều hay có được bị mất đi đến hai, ba kiếp hoặc có khi hai, ba
chục kiếp sau mới lấy lại được. Bởi vậy, chúng ta phải luôn có câu “thần chú” gì
đó để hộ mạng mình, để giữ miệng mình không bật ra lời nói khoe
khoang.
Trong cuộc sống, có những kế hoạch làm việc, đôi khi chúng ta
cũng không nên nói sớm. Những người hay nói trước điều mình định làm thường hay
gặp trở ngại trong công việc. Quả thật, sống lâu ở ngoài đời, chúng ta sẽ thấy
điều này rất đúng. Dân gian ta có câu: “Nói trước bước không tới”. Còn ngạn ngữ
phương Tây cho rằng: “ Một trong những bí quyết giúp con người thành công là
phải giữ bí mật đến cùng”. Để rút ra những kinh nghiệm như vậy, chắc chắn người
xưa phải trải qua những thất bại cay đắng lắm.
Vì vậy, có những công
việc, thường là dự định việc gì, chúng ta chỉ bàn với những người có bổn phận,
có trách nhiệm và với những người có quyết tâm, không nên nói rộng rãi cho người
khác biết. Khi đã nói ra dự định, chúng ta có cảm giác như mình đã làm rồi, đã
hưởng được danh dự rồi và vì thế mà không làm được nữa. Điều này nghe có vẻ kì
lạ, không giải thích được nhưng lại là điều có thật, chúng ta cần phải lưu
ý.
Ví dụ, có người gặp ai cũng luôn miệng nói : “ Mai mốt, chắc chắn tôi
đi tu, tôi sẽ làm Phật”. Thực tế cho thấy, người ấy không bao giờ đi tu được
nữa, đừng nói là được làm Phật. Có một Thầy kể rằng, khi chưa xuất gia, Thầy
cùng với một người bạn ước hẹn với nhau là sẽ đi tu và chỉ có hai người biết
điều này thôi. Nhưng mấy hôm sau, không ngờ những người bạn khác cũng biết
chuyện đó, biết chuyện người bạn định đi tu. Rồi ý định của hai người không thực
hiện được vì không hiểu sao hoàn cảnh lúc ấy rất khó khăn, duyên hình như cũng
chưa đến. Cho đến khi bất ngờ, duyên hiện ra, người này không nói với ai hết và
vào chùa luôn. Sau này, người ấy mới biết anh bạn cùng ước hẹn với mình khi xưa
đã lập gia đình, không bước chân vào con đường tu hành.
Không chỉ riêng
trong việc tu hành, việc ngoài đời cũng vậy. Những kế hoạch làm việc, nếu nói
sớm quá, người thế gian cũng khó thành công. Bởi vậy, làm bất cứ việc gì, chúng
ta cũng nên âm thầm, lặng lẽ, lặng lẽ một cách khiêm tốn, không khoe khoang,
chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
4.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP CÓ THỂ KỂ VỀ ƯU ĐIỂM CỦA MÌNH.
Tuy nhiên, trong
cuộc sống cũng có những trường hợp có thể kể về những ưu điểm của mình. Đó là
những người có sự hiểu biết uyên thâm, có được nhiều điều hay. Khi tự biết mình
được mười, người ấy có thể kể một hoặc hai khi cần khuyến khích người khác. Ví
dụ, khi thấy một người vào chùa tu hành nhưng ít lạy Phật, chúng ta khuyên người
ấy nên cố gắng lạy Phật. Để có sức thuyết phục, chúng ta có thể kể những điều
mình có được khi siêng năng lạy Phật. Nhưng phải lưu ý một điều, những cái đạt
được có thể rất đặc biệt, chúng ta chỉ nói rất ít thôi. Chẳng hạn, nhờ siêng
năng lạy Phật, tự nhiên chúng ta có được trực giác, có thể biết chuyện này,
chuyện kia. Hoặc khi lạy Phật nhiều, đi đến nơi nào, chúng ta cũng đem may mắn
đến cho người khác. Hoặc ai đối xử tốt với mình, hôm sau họ sẽ gặp may mắn
vv…Tất cả những điều ấy, chúng ta phải giấu, không nên nói ra. Khi khuyên người
khác lạy Phật, chúng ta chỉ kể một chút rất nhỏ để khuyến khích họ. Chúng ta có
thể nói cho họ biết, nhờ lạy Phật mà đạo tâm mình vững hơn, lỗi lầm mình bớt
phạm hơn.
Một ví dụ khác, khi thấy một người vào chùa mà không siêng năng
công quả, chúng ta biết người ấy sẽ không có phước. Người đã xuất gia phải sống
một đời hết sức vị tha, lo cho Tam Bảo, cho Phật pháp; lo cho huynh đệ, cho
chúng sinh, lo cho tất cả mọi người, không bao giờ chỉ lo cho bản thân mình hay
đi tìm sự nhàn nhã. Có như vậy, phước mới dần dần tăng trưởng. Có thể người ấy
hiểu Đạo chưa sâu nên lười công quả. Chúng ta phải khuyên người ấy cố gắng công
quả, siêng năng làm việc, coi như lấy công quả để cúng dường Tam Bảo. Chúng ta
có thể nói, nhờ siêng năng công quả mà mình cảm thấy đời sống được dễ chịu, khi
cần cái gì tự nhiên không bao lâu sẽ lại có được… Kể về những điều có được của
bản thân mình cho huynh đệ biết là để khuyến khích, sách tấn họ. Sự thật, kết
quả đạt được do công quả gấp mười lần như vậy nhưng chúng ta không nói. Khi
siêng năng công quả, tâm Vị tha sẽ phát triển. Rồi tâm Vị tha sẽ là nguồn sức
mạnh ủng hộ cho Thiền định rất hiệu quả. Siêng năng công quả sẽ tạo nên Phước,
Phước đi sâu vào trong đầu, Trí tuệ được mở ra, bỗng nhiên chúng ta học rất
sáng, học rất giỏi, có thể thuyết Pháp rất sâu…Những điều hay do công quả chúng
ta không nói hết, chỉ nói những cái phước nhỏ để khuyên huynh đệ mình. Đây là
trường hợp được mười mà chỉ kể một, hai.
Trường hợp thứ hai có thể nói
chuyện mình đó là người đã tu đến chỗ không thấy mình nữa. Tuy kể chuyện mình mà
người ấy vẫn thấy như chuyện của người khác. Vì thấy rằng, đó là quy luật tất
nhiên phải xảy ra.
Ví dụ, khi gặp một Phật tử, chúng ta nói: “Đường sá
trong làng hay hư, quý Phật tử cố gắng làm, đắp đường có phước lắm. Tôi rất
siêng đắp đường. Ở đâu có đường hư là vác cuốc đi làm, tìm đắp những ổ gà, có
chút tiền là thuê người phụ làm đường. Sau này, khá hơn một chút, lại làm những
con đường lớn hơn. Nhờ vậy mà bây giờ tôi có xe hơi đi”. Cách nói như vậy không
hay lắm. Hãy kể giống như vậy, nhưng giả định câu chuyện đó thuộc về một người
khác: “Ngày xưa có một người hay siêng năng đắp đường….”. Kể chuyện của chính
mình nhưng chúng ta làm như kể chuyện của người khác, không xem mình là quan
trọng nữa.
Trường hợp thứ ba, chúng ta có thể kể về mình là khi kể một
ưu điểm thì tự kể thêm vài khuyết điểm. Ví dụ, khi khuyên Phật tử cố gắng tu
hạnh Khiêm hạ, chúng ta lỡ lời, tự khoe mình Khiêm hạ, lúc nào cũng thấy mình
như cát bụi, nhờ vậy trong đời sống luôn được huynh đệ thương và mọi chuyện dễ
thành công vv… Sau đó, chúng ta phải kể thêm vài lỗi của mình để bù lại. Trong
cuộc sống, có nhiều người làm chúng ta phải ngạc nhiên vì họ không bao giờ kể
những thành công hay những điều tốt của mình mà toàn kể chuyện xấu, chuyện thất
bại. Những người ấy đáng để cho chúng ta học hỏi.
Trường hợp thứ tư,
chúng ta có thể kể chuyện mình khi tâm hiếu danh không còn nữa. Chúng ta không
có tâm thèm khát sự cảm phục của người khác, không muốn được kính trọng, chỉ kể
để sách tấn hoặc giúp người khác một kinh nghiệm tu hành. Tất nhiên, chúng ta
phải diệt tận gốc tâm hiếu danh, tâm thèm khát được người khác kính trọng. Khi
nói chuyện của mình, chúng ta cũng sẽ bị tổn phước, bị mất công phu nhưng đôi
khi vì kinh nghiệm đó cần thiết, chúng ta cũng phải nói để người khác biết mà tu
hành, nhất là những lắc léo trong Thiền định.
Riêng trường hợp Phật hay
các vị Alahán tuyên bố quả vị mình vì tâm của các Ngài đã hoàn toàn Vô ngã. Phật
tuyên bố vì Ngài hoàn toàn Vô ngã, không còn tâm hiếu danh. Đây cũng là sự cần
thiết để xác định danh nghĩa. Cũng như các vị Alahán khi chứng xong, cái ngã tan
biến, các Ngài cũng tuyên bố:
Ba minh ta chứng được
Lời Phật dạy
làm xong.
Ngài nói một cách vinh quang, rống lên tiếng rống của con sư tử
bởi vì Ngài không còn ngã. Ngài nói câu đó không phải vì tâm tự hào, hiếu danh
nữa. Còn chúng ta không nên nói vì chưa có cái Vô ngã nên nói ra dễ bị lỗi, dễ
bị bản ngã lừa gạt.
Những vị Bồ Tát thị hiện cũng ít khi bộc lộ thân
phận. Các Ngài thường giấu kín thân phận mình. Phật và các vị Alahán còn nói về
mình, các vị Bồ Tát thị hiện bao giờ cũng giấu. Có khi thị hiện vào trong cuộc
đời, các Ngài giả vờ làm vài lầm lỗi để chúng sinh đừng nghĩ các Ngài là cao
siêu. Khi mọi người nghĩ các Ngài cũng bình thường như bao người khác, các Ngài
dễ gần gũi và giáo hoá họ hơn. Và nếu không có lầm lỗi, nếu đặc biệt quá, người
ta sẽ nghi ngờ, sẽ dè dặt, cẩn thận, các Ngài không làm được những chương trình
mà mình đã vạch ra.
Chúng ta hay kể câu chuyện ngài Hư Vân đi triều
sơn, về Ngũ Đài Sơn, đi lễ Bồ Tát Văn Thù, cứ 3 bước lạy 1 lạy. Ngài đi qua mùa
đông tuyết phủ và bị bệnh, Bồ Tát Văn Thù hiện ra làm ông già tên là Văn Cát cứu
chữa cho Ngài. Lúc đi, Ngài thấy ông già đi ngược đường lại. Khi Ngài bệnh, ông
ta săn sóc cho cho Ngài xong rồi đi luôn. Lúc bệnh phải nằm lại, Ngài lại thấy
ông ta. Ông nói: “Tôi vừa mới đi về trở lại”. Cứu chữa cho Ngài xong, ông ta vác
hành lý giúp Ngài Hư Vân để Ngài lạy Bồ Tát. Thấy vậy, ông già nói: “Thôi, lạy
đủ rồi, đừng lạy nữa”. Ngài Hư Vân đâu biết ông là Bồ Tát Văn Thù nên nói một
cách kiên quyết: “Tâm tôi đã quyết, tôi thà sinh mạng bỏ chứ phải lễ Bồ Tát”.
Thấy tội nghiệp quá, ông già bảo: “Thôi, Thầy đưa hành lý tôi xách cho để Thầy
lạy cho khoẻ ”. Thế là ông già, vị Bồ Tát mà Ngài Hư Vân lạy, xách túi đi đằng
sau, còn Ngài cứ đi 3 bước lạy 1 lạy về phía trước. Khi Ngài hỏi: “Tiên sinh tên
gì?” Ông già trả lời : “Tôi tên là Văn Cát”. “Tiên sinh ở đâu?” “Tôi ở núi Ngũ
Đài Sơn. Thầy đến Ngũ Đài Sơn hỏi tôi, ai cũng biết”. Ngài Hư Vân cứ tưởng ông
già hay đi chơi lòng vòng mấy chùa nên ai cũng biết, đâu có ngờ chùa nào ở Ngũ
Đài Sơn lại không thờ Bồ Tát Văn Thù. Sau khi đến nơi, Ngài đi hết chùa này đến
chùa kia và hỏi: “Ở đây có tiên sinh Văn Cát không?”. Không ai biết cả. Sau đó,
khi gặp một Thượng tọïa, Ngài kể lại câu chuyện gặp ông già Văn Cát trên đường
đi triều sơn, Thượng toạ giật mình : “Thôi chết rồi, Bồ Tát Văn Thù đó”. Câu
chuyện nghe rất thấm thía nhưng đó cũng là cách chứng minh các vị Bồ Tát thị
hiện thường giấu kín thân phận.
Đôi khi, bên cạnh chúng ta cũng có một
Bồ Tát thị hiện mà chúng ta không nhận ra vì vẻ ngoài rất bình thường, thậm chí
còn rất ngu ngơ, còn mắc phải những lỗi lầm. Chúng ta phải cẩn thận, không nên
coi thường những người như vậy.
5. NHỮNG
ĐIỀU TRONG TĂNG CHÚNG, KHÔNG NÊN NÓI RA NGOÀI.
Trong Tăng chúng,
có những điều chúng ta phải kín đáo, không nên nói ra ngoài. Ví dụ, chúng ta
không được nói vấn đề tài chính của chùa. Chùa giàu hay nghèo, chỉ những người
trong chùa biết mà thôi. Vì nếu nghèo, chúng ta nói ra ngoài, người ta sẽ cho là
mình tham, cầu cúng dường. Nếu nói rằng chùa giàu, người ta không hiểu sẽ cho là
mình khoe khoang. Điều này rất nguy hiểm.
Hơn nữa, chúng ta không hiểu
hết những dự định của Thầy mình. Đôi khi, Thầy cần tích lũy một số tiền để trùng
tu lại chùa hay làm một việc gì đó nhưng Thầy kín đáo, không nói ra. Nếu đi đâu
cũng khoe về nguồn tài chính tích lũy được của chùa, vô tình chúng ta đã hại
Thầy mình, khiến Thầy không làm được Phật sự lớn như ý nguyện nữa. Bởi vậy, tốt
nhất là chúng ta không nên nói về vấn đề tài chính của chùa cho ai
biết.
Đối với những lỗi lầm của huynh đệ, của Tăng Ni, chúng ta cũng
không nên nói ra ngoài. Ai sống mà không phạm lỗi lầm. Hơn nữa, lỗi lầm đâu phải
là cái cố định, không sửa được. Nhiều khi, hôm trước chúng ta thấy huynh đệ phạm
lỗi đó nhưng hôm sau họ đã sửa rồi. Người xưa thường nói : “ Nhất ngôn ký xuất,
tứ mã nan truy”. Nếu lỡ nói ra ngoài về lỗi lầm của họ, chúng ta sẽ không thu
hồi lại được và người ta sẽ tiếp tục nghĩ xấu cho huynh đệ mình. Vì vậy, chúng
ta đừng nói lỗi lầm của huynh đệ ra bên ngoài mà cố gắng tìm cách chỉ lỗi để
huynh đệ sửa chữa.
Khi lớn lên, đi làm Phật sự bên ngoài, tiếp xúc với
nhiều người, chúng ta sẽ nghe nhiều chuyện động trời về những lỗi lầm của người
tu có thể khiến mình choáng váng. Có những trường hợp, nghe xong chúng ta bàng
hoàng, không hiểu tại sao có thể xảy ra như vậy. Nhưng rồi, chúng ta vẫn phải im
lặng. Im lặng vì chúng ta biết được nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của họ cũng như
tin rằng lỗi ấy không cố định, một ngày nào đó, người ấy sẽ vượt qua được lỗi
lầm của mình. Nếu bây giờ, ai cũng nói lỗi ấy rộng rãi ra ngoài, đến khi người
ta sửa được rồi, tiếng xấu vẫn còn. Do đó, trước lỗi lầm của người khác, chúng
ta phải bình tĩnh. Nghĩa là vẫn hi vọng, vẫn chờ đợi sự sửa đổi, vẫn tin vào
những điều tốt đẹp của con người, không nên nghĩ rằng những lỗi họ phạm là vĩnh
viễn.
Có những dự định đặc biệt của chùa mà điều kiện chưa đủ để thực
hiện, chúng ta cũng không nên nói. Nhiều khi nói ra sớm quá, mọi việc sẽ không
tiến hành được suôn sẻ.
Chúng ta cũng không được khoe khoang uy tín của
Thầy mình, của tông phái mình. Có thể Thầy mình là người tài giỏi, có đức độ,
giáo hoá được nhiều nhưng chúng ta cũng không nên khoe. Thực ra, nói những điều
hay cho người ta quy hướng cũng tốt, nhưng không cẩn thận dễ lẫn bản ngã trong
đó. Vì khoe Thầy cũng có nghĩa là trong đó có bản thân mình. Cho nên, tốt nhất
là chúng ta nên im lặng.
Một điều nữa chúng ta cũng cần phải bàn là lợi
ích về giáo lý và hệ quả của nó - sự ngưỡng mộ. Ví dụ, sau này khi ta đi giáo
hoá, được nhiều Phật tử hay Tăng Ni lắng nghe, hiểu được, tu được và sinh lòng
ngưỡng mộ. Đó là một hệ quả rất tự nhiên, nhưng ta không nên bận tâm về hệ quả
đó. Mục đích của chúng ta là đi giảng dạy, đem lợi ích về giáo lý đến cho mọi
người, làm sao cho người khác nghe, hiểu và tu được. Khi đi giáo hoá, chúng ta
chỉ phát nguyện một điều là đem giáo lý, đem ánh sáng Phật Pháp để khai mở cho
mọi người. Chỉ có vậy thôi. Bởi vậy, khi có hệ quả phát sinh là sự ngưỡng mộ của
Phật tử hay của những người khác, ta phải cắt ngay, tuyệt đối không để vướng
phải điều này. Chúng ta không cần người ta biết tới mình, ngưỡng mộ, kính phục
mình mà chỉ cần họ hiểu được Phật pháp và tu được. Đây là điều rất quan trọng,
người tu phải ghi nhớ. Có thể ban đầu mới đi giảng, người ta chưa ngưỡng mộ
nhiều, chúng ta không bị đắm vào đó. Nhưng một thời gian dài, xuất hiện lòng
ngưỡng mộ, chúng ta rất dễ bị đắm vào sự khát khao ngưỡng mộ ấy. Điều này cũng
có nghĩa là chúng ta bắt đầu sai lầm. Cho nên, mỗi người phải giữ tâm này cho
thật kỹ.
6. MỘT CHÚT Ý NGHĨA VỀ ÂM
DƯƠNG.
Trong bài Hơi thở và xả Thiền, chúng ta có tìm hiểu qua
về Âm Dương. Âm là phần khuất kín bên trong, Dương là phần bộc lộ bên ngoài.
Trong một cấu thể, phần khuất kín là phần quan trọng, phần bộc lộ ra ngoài là
phần dành đề sử dụng. Theo vua Văn Vương (Trung Quốc), tỷ lệ thể hiện sự khôn
ngoan là 5/ 1. (5 âm thì 1 dương). Nếu thực lực bên trong của mình có 5, chúng
ta để lộ ra bên ngoài cho người ta biết chỉ có 1 mà thôi. Hay nói cách khác, làm
được 5 phần, chúng ta chỉ bộc lộ 1 phần, không nên để cho người ta biết nhiều.
Những cái hay mình có được, không nên bộc lộ tất cả ra ngoài. Chỉ có những người
sống gần gũi lâu ngày với mình mới biết được cái hay của mình mà thôi. Có như
vậy, những cái hay, cái tốt của mình mới giữ được bền lâu.
Trong một
ngôi chùa, hình thức ngôi chùa thuộc về dương và nội dung tu hành trong tâm của
Tăng Ni thuộc về âm. Như vậy, nội dung tu hành phải gấp 5 lần hình thức của ngôi
chùa. Nếu chùa nào đạt được tỉ lệ này, chùa ấy sẽ phát triển, sẽ vững bền. Ngược
lại, những ngôi chùa rất đồ sộ, bên ngoài hào nhoáng, đẹp đẽ nhưng bên trong
Tăng chúng ít tu, chỉ sau một thời gian, chùa đó sẽ suy tàn. Cho nên, khi đánh
giá một ngôi chùa, chúng ta cần xem sức tu tập của Tăng chúng như thế nào. Nói
như vậy để chúng ta thấy rằng, hình thức bên ngoài thường phá nội dung tu hành.
Chúng ta phải cẩn thận, luôn luôn chú trọng tâm linh hơn hình thức. Có thể chùa
không đẹp, không lớn nhưng chúng ta tu tốt vẫn có giá trị hơn là sống trong ngôi
chùa đẹp quá, lại khó tu.
Hình thức của y phục cũng vậy. Khi phủi tóc,
mặc áo cà sa đi ra đường, chúng ta đã tự khoe khoang rồi. Vì hình thức ấy đã
ngầm nói với mọi người chúng ta là Thầy tu, là người có Đạo đức. Bởi vậy, chúng
ta phải tu nhiều hơn người ta nghĩ về mình. Nếu người ta nghĩ chúng ta từ bi, độ
lượng, chúng ta càng phải từ bi, độ lượng nhiều hơn, gấp 5 lần điều người ta
nghĩ để bù lại hình thức mà mình đã lỡ khoe khoang ra ngoài. Chưa kể, nếu đeo
thêm một sợi dây chuỗi, đội thêm cái mão Tì Lư, đắp y, mang giầy trịnh trọng
nữa, chúng ta phải tu rất nhiều mới bù lại nổi. Hình thức nhiều bao nhiêu, chúng
ta phải cần nội dung lấp đầy hình thức đó nhiều bấy nhiêu. Ví dụ, khi thấy chúng
ta đeo xâu chuỗi thường xuyên bên mình, người ta sẽ nghĩ chắc là chúng ta siêng
năng niệm Phật, tu chắc cao siêu lắm. Nếu người ta nghĩ mình một ngày niệm cả
trăm xâu chuỗi, chúng ta phải niệm năm trăm xâu chuỗi mới đủ. Nếu chỉ đeo xâu
chuỗi, đi đâu cũng lần tràng hạt, đầu cứ đội mão Tì Lư mà bên trong không tu thì
một thời gian, chúng ta sẽ hết phước và phải hoàn tục vì trong chúng ta, nội
dung không bằng hình thức. Hiểu như vậy, chúng ta phải biết giấu hình thức, cho
nội dung thật nhiều để cuộc đời tu hành của mình được bền bỉ. Đây là điều rất
khó, chúng ta phải cố gắng mới làm được.
Khi làm từ thiện, những đoàn
Phật giáo cũng nên kín đáo, không nên quay phim, chụp ảnh nhiều để phô trương
danh tiếng. Nếu ít khoe khoang thì mọi cái sẽ được bền lâu.