CAN ĐẢM
1. ĐINH NGHĨA.
Xét trên khía cạnh
Đạo đức, can đảm là dám đương đầu với nguy hiểm để làm điều tốt. Trong đạo Phật,
đó là Hùng lực hay Dũng trong Bi- Trí -Dũng.
Can đảm khác với táo tợn,
liều lĩnh khi làm điều không chính đáng. Vì vậy, hành động cướp giật của một tên
cướp không phải là hành động can đảm mà là táo tợn, liều lĩnh mặc dù phải rất có
gan hắn mới làm được điều đó. Ở đây, chữ can đảm bao hàm ý nghĩa Đạo
đức.
Trong đạo Phật, một vị Thánh hay một người đệ tử Phật chỉ xứng đáng
được ca ngợi khi phải hội đủ ba đức tính là Bi- Trí - Dũng. Bi là lòng thương
yêu chúng sinh. Trí là trí tuệ, hiểu rõ mọi điều. Nhưng Bi, Trí chưa đủ, phải có
Dũng-sự gan dạ, can đảm- mới có thể làm được những điều tốt. Vì không phải mọi
điều tốt trên đời này đều dễ dàng thực hiện. Có rất nhiều điều tốt nằm trong
hoàn cảnh nguy hiểm, khó khăn. Nếu không đủ hùng lực, dũng cảm, chúng ta sẽ
không thực hiện được.
Trong cuộc sống, khi muốn làm việc thiện, chúng ta
có thể đối diện với vô vàn những nguy hiểm, khó khăn. Trong đó, nguy hiểm nhất
là cái chết. Có khi để làm được một việc thiện, chúng ta phải đánh đổi bằng cả
sinh mạng của mình. Nếu dám hy sinh như vậy, chúng ta được coi là người rất dũng
cảm. Nguy hiểm đứng thứ hai sau cái chết là sự thương tật. Khi cứu người khác,
chúng ta có thể sẽ bị thương tật, phải chịu đựng những đau đớn. Ngoài ra, những
nguy hiểm chúng ta có thể gặp là bị tù đày, có khi phải hứng chịu sự căm ghét,
sự phỉ báng của người khác… Quả thật, làm việc thiện không phải lúc nào cũng đơn
giản. Nhưng bù lại những nguy hiểm, khó khăn ấy, chúng ta có thể làm được vô số
những điều tốt. Đó là cứu người khi lâm nguy, dấn thân trên chiến trường để bảo
vệ đất nước, lên tiếng bày tỏ sự thật mặc dù sự thật đó làm cho mọi người bất
bình, căm ghét hay vạch trần sự bất công, chống lại tội ác - nhất là những tội
ác được tổ chức rất chặt chẽ, tinh vi….
Như vậy, khái niệm Can đảm chỉ
được dùng cho những hành động hướng về điều thiện. Trong cuộc sống, nhiều khi
chúng ta phải đối diện với những nguy hiểm, và trong những trường hợp đó, can
đảm là yếu tố cần thiết giúp chúng ta vượt lên hoàn cảnh và sống tốt hơn. Cuộc
đời vốn không bình yên, phẳng lặng như mặt hồ thu mà luôn chứa đựng những bất
trắc, những nghịch cảnh éo le, những nguy hiểm. Chúng ta, những đệ tử Phật phải
xác định được điều đó và sẵn sàng vượt qua bằng lòng can đảm của
mình.
Trong quá trình làm việc Đạo, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp
thuận lợi, dễ dàng. Ngay cả những việc thiện đơn giản trong đời sống cũng đòi
hỏi lòng can đảm. Chẳng hạn, khi có một món tiền lớn, chúng ta có thể sẵn sàng
bớt ra giúp đỡ người khác một trăm ngàn mà không cần băn khoăn, tính toán. Vì số
tiền nhỏ đó không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Nhưng nếu chỉ có trong tay
năm chục ngàn, người khác lại rơi vào hoàn cảnh cấp bách cần cả số tiền đó, liệu
chúng ta dám nhịn ăn để cho họ hay không? Đây chính là lúc đòi hỏi chúng ta phải
có đức hy sinh, lòng can đảm. Tất nhiên, điều này cũng không khó bằng việc phải
nhảy vào đám lửa để cứu người vì khi nhảy vào đám lửa có thể chúng ta phải đánh
đổi cả sinh mạng của mình. Phải có một quyết tâm rất cao, phải có lòng can đảm,
chúng ta mới làm được điều đó.
Chúng ta biết rằng, cái phước có được ở
kiếp sau của con người được tính bằng một công thức. Công thức phước ấy được
tính bằng tích số giữa việc làm lợi ích cho người khác với sự cố gắng của chính
bản thân mình. Ví dụ, khi có trong túi một triệu đồng, chúng ta cho người khác
một trăm ngàn thì sự cố gắng không có bao nhiêu. Và phước chúng ta có được sẽ
không lớn. Nhưng nếu chỉ có năm chục ngàn đồng, người ta cần, chúng ta cho sẵn
sàng tất cả thì lúc này sự cố gắng rất cao. Như vậy, số tiền tuy ít nhưng nhân
với hệ số cố gắng lớn, phước của chúng ta sẽ lớn hơn.
Từ ví dụ đơn giản
ấy, chúng ta thấy hành động nhảy vào lửa để cứu người đòi hỏi một sự cố gắng
vượt bậc. Vì lúc đó, người nhảy vào lửa biết mình có thể bị phỏng, bị nguy hiểm
đến tính mạng mà vẫn cố gắng làm. Vì vậy, cái phước có được sẽ rất
lớn.
Chúng ta nhớ lại câu chuyện kể về tiền thân Đức Phật. Trong một
kiếp, Đức Phật là một vị Sa Môn tu hành. Một lần, Ngài thấy một con chim Cắt,
loài chim ăn thịt các con vật khác, đang rượt đuổi một con chim Bồ Câu. Chim Bồ
Câu sợ quá bay núp vào người Ngài. Chim Cắt nói rằng, đây là bữa ăn của nó. Nếu
Ngài cứu con chim Bồ Câu thì nó sẽ đói. Đây là sự công bằng của cuộc sống. Nó đi
săn được mồi để sống, Ngài giành con mồi của nó chắc chắn nó không chịu. Nghe
vậy, Ngài đành phải cắt một miếng thịt của mình cho chim Cắt ăn, thay cho mạng
sống của chim Bồ Câu. Như vậy, Ngài sẵn sàng chịu thương tật đau đớn để cứu mạng
chú chim Bồ Câu tội nghiệp. Đó là một thái độ, một hành động rất dũng cảm, người
thường không làm được. Câu chuyện thực ra mang tính ngụ ngôn hơn là có thật,
nhưng cũng giúp chúng ta hiểu được tấm gương sáng về lòng can đảm, đức hy sinh
cứu người của Đức Phật. Sau này, nhiều chùa đã vẽ biểu tượng ấy lên tường với ý
nghĩa Đức Phật đã từng cắt thịt cho chim Cắt ăn để cứu mạng chim Bồ
Câu.
Trong thực tế, chúng ta cũng gặp không ít những gương hy sinh cứu
người rất cảm động. Không chỉ người lớn mà trẻ em cũng làm được điều đó. Báo chí
đã từng đưa tin về một bé gái dám hy sinh thân mình để cứu bạn. Khi cùng với bốn
người bạn đi chơi ngoài bờ đê, dòng nước chảy xiết đã làm bốn người bạn rơi
xuống đê. Trong tình huống nguy cấp đó, đứa bé đã nhảy xuống lần lượt kéo từng
bạn vào bờ. Nó vốn bơi giỏi nhưng kéo được người thứ ba thì sức gần như cạn
kiệt. Biết còn người bạn nữa đang cần sự giúp đỡ của mình, đứa bé lại nhảy xuống
tiếp tục cứu. Khi đưa được người thứ tư vào bờ thì nó kiệt sức và bị dòng nước
cuốn đi mất. Như vậy, trong lúc quá mệt nhưng nghĩ đến người bạn đang sắp chết
đuối ngoài kia, đứa bé đã hết sức cố gắng. Đó là sự cố gắng vượt bậc. Khi vớt
được xác đứa bé, người ta đã an táng đàng hoàng và mọi người đến viếng với lòng
quý trọng, tiếc thương vô hạn. Với sự cố gắng đánh đổi cả sinh mạng của mình để
cứu người, công đức của cô bé vô cùng lớn và chắc chắn cô sẽ được lên cõi trời
sau khi chết.
Hoặc câu chuyện sẵn sàng chịu tù đày thay bạn của một người
trong giới xã hội đen cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Người ta kể rằng, một
lần nọ do nóng giận, người này đã đánh người kia đến chết. Khi Công an ập tới
bắt thủ phạm đánh chết người, một người khác, bạn của anh ta đứng ra nhận mình
là thủ phạm vì vợ của người kia có mang gần đến ngày sinh nở. Người này đã chấp
nhận ở tù cực khổ để bạn mình ở lại nuôi vợ con. Thái độ ấy tưởng đơn giản nhưng
thực ra rất can đảm. Dù không đồng tình, thậm chí còn lên án những hành động làm
ăn phi pháp, giết người tàn bạo của bọn giang hồ trong giới xã hội đen nhưng
chúng ta cũng thừa nhận rằng, họ sống rất hào hiệp, rất tình nghĩa, sẵn sàng hy
sinh để bảo vệ nhau.
Hành động dấn thân ngoài mặt trận, sẵn sàng đối
diện với cái chết của những người chiến sĩ cũng là hành động can đảm vì điều
tốt. Nếu là một người lính chiến đấu trong cuộc chiến tranh phi nghĩa thì tội sẽ
rất nặng vì họ cầm súng giết người, vừa phạm tội sát sanh vừa mang tội cướp
nước. Nhưng người lính chiến đấu chống xâm lăng, bảo vệ đất nước thì phước của
họ rất lớn. Khi đối diện với cái chết, trong tâm họ vẫn nghĩ đến sự bình yên cho
đất nước, nghĩ đến hạnh phúc của nhân dân. Chính vì thế, không ít những nhà văn,
nhà thơ, nhạc sĩ… đã viết lời ngợi ca họ: “Một ba lô cây súng trên vai. Người
chiến sĩ quen với gian lao. Đường dài đêm thâu, bóng tối quân thù trước mặt .
Nặng tình quê hương anh dâng trọn tuổi đời thanh xuân. Cho em thơ ngủ ngon, và
vui bước sớm hôm đến trường…”
Những người dám đứng ra bảo vệ sự thật,
vạch trần sự bất công, chống lại tội ác đều là những người can đảm. Vì họ dám
đương đầu với nguy hiểm để làm điều tốt. Đó có thể là những ký giả ở một số nước
tham gia đấu tranh chống tiêu cực. Trong những năm qua, người ta thống kê trên
thế giới có khoảng ba đến bốn ngàn ký giả bị bắt, bị giết, bị tù đày vì họ dám
nói lên sự thật để chống lại những bất công đang tồn tại trong xã hội. Khi sự
thật được phơi bày, điều xấu sẽ bị khống chế. Nếu sợ hãi, không dám lên tiếng
bảo vệ sự thật thì cái xấu sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển. Bởi vậy, nói điều
đúng, nói điều có lợi cũng sẽ tạo nên công đức lớn.
2. SỰ TẠO THÀNH
Tâm can đảm được tạo
thành bởi hai điều: Một là tinh thần mạnh mẽ, vững vàng. Hai là sự thúc đẩy của
Thiện tâm.
Tinh thần mạnh mẽ là cái không thể định nghĩa được. Nó cũng
giống như tình thương yêu, lòng từ bi vậy. Trong bài Tâm từ, chúng ta đã hiểu
tình thương yêu không thể định nghĩa được bằng lời. Chúng ta chỉ nhìn thấy biểu
hiện của nó và biết rằng lúc ấy tình thương đang hiện diện. Tinh thần mạnh mẽ
cũng vậy. Chúng ta chỉ hiểu, chỉ cảm nhận được tinh thần ấy trong những trường
hợp bị thử thách mà vẫn quyết đoán, vẫn bền gan, vững chí. Đó chính là những
biểu hiện của tinh thần mạnh mẽ.
Một chuyện rất đơn giản là đi qua cầu
khỉ của người miền Tây cũng đòi hỏi ở chúng ta lòng can đảm. Những người chưa
đi quen sẽ rất sợ hãi khi nhìn chiếc cầu bắc qua dòng nước đang cuộn trôi chỉ là
một thân cây trơ trọi. Nếu lần đầu tiên về miền Tây và tập đi cầu khỉ, chúng ta
phải hết sức can đảm, tinh thần phải vững vàng, không dao động. Lúc bấy giờ ,
nếu sợ hãi, chúng ta sẽ bị ngã xuống sông. Khi qua rồi, chúng ta sẽ thấy mình
làm được điều đó là nhờ có một lòng can đảm, một quyết tâm rất cao.
Hoặc
chuyện kể về những người dẫm chân đi trên than hồng thật khó tin nhưng đó là
điều có thật. Lửa than cháy đỏ rừng rực, họ dẫm chân lên, miệng tụng những câu
thần chú bí hiểm. Thực ra, đó không phải là điều gì mầu nhiệm. Những câu thần
chú ấy sẽ làm cho họ vững tâm hơn, có niềm tin hơn. Khi đã vững tâm, họ bước đi
một cách tự nhiên mà chân không hề bị bỏng.
Người ta kể rằng, có một ông
Thầy dạy đệ tử mình đi trên than hồng. Thầy rải than và bắt đệ tử đi trên đám
lửa cháy đỏ rực. Trước khi thực hành, Thầy đi qua một lần cho họ xem nhưng những
đệ tử vẫn không dám đi. Lúc ấy, Sư phụ yêu cầu họ lấy mỗi người một tờ giấy và
viết lên đó nỗi sợ hãi của mình. Tất cả đều viết: “Bước lên sợ nóng chân, sợ
phỏng chân”. Sư phụ cầm những tờ giấy đứng niệm điều gì đó một lát. Niệm xong,
ông đốt đi và nói : “Thầy đã đốt hết những sợ hãi. Bây giờ các con không còn sợ
hãi nữa, hãy dẫm lên mà đi, chân sẽ không bị cháy”. Nghe lời Thầy, họ vững tin
đứng lên than và đi được một cách dễ dàng.
Hoặc có người biểu diễn cho
người khác xem bằng cách cầm cái chai đập vào đầu, nhưng chai vỡ mà đầu không
vỡ. Người ta cho rằng đó là kết quả của việc rèn luyện ý chí chứ không có gì
đặc biệt. Khi cầm cái chai, họ cứ chí nguyện quyết đập vỡ cái chai mà đầu không
vỡ. Khi lòng tin đã vững, họ đập mạnh một cái, chai sẽ vỡ mà đầu không hề
gì.
Tinh thần, ý chí của con người có sức mạnh ghê gớm như vậy. Sức mạnh
đó luôn tiềm ẩn trong tâm mỗi người mà chúng ta chưa phát huy được. Chính tinh
thần mạnh mẽ, vững vàng ấy làm cho con người gan dạ, can đảm hơn khi đối diện
với nguy hiểm. Trước cái chết, trước những hoạn nạn, khó khăn, họ vẫn vượt qua
được.
Can đảm còn được tạo thành bởi sự thúc đẩy của Thiện tâm - tâm
thương người, vì người. Chẳng hạn, khi thấy một đứa bé rơi xuống sông đang loi
ngoi vật lộn với cái chết trong khi nước sông lại sâu, lòng sông lại rộng, sức
mình bơi không nổi nhưng vì tình thương trỗi dậy, chúng ta liều nhảy xuống để
cứu nó. Thấy vậy, những người khác tiếp tục quăng phao xuống cứu và cả hai thoát
chết. Thực ra, bình thường chúng ta không phải là người can đảm nhưng vì tình
thương đối với đứa bé mà mình trở nên can đảm và làm được việc tốt.
Ngày
xưa, vào thời nhà Trần, quân Mông - Nguyên đã ba lần đem quân sang xâm lược nước
ta. Chúng đi tới đâu, chém giết tới đó, cỏ cây cũng không mọc nổi dưới vó ngựa
của chúng. Triều đình phải tổ chức tiêu thổ kháng chiến. Nghĩa là người dân bồng
bế, dắt díu nhau mang theo lương thực vào rừng ẩn náu. Sau đó, quân đội tổ chức
chiến đấu. Có những người do căm phẫn tột độ trước sự độc ác của quân thù đã
tham gia vào quân đội để chiến đấu. Lòng căm phẫn ấy xuất phát từ tình yêu đối
với quê hương, đất nước, đối với nhân dân. Chính tình yêu thương đã tạo cho họ
lòng can đảm, thúc đẩy họ làm những điều tốt, sẵn sàng xả thân vì đất nước :
“Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa”, họ
vẫn cam lòng.
Người không có khả năng, trí tuệ, sức khỏe, thế lực… khó có
một tinh thần mạnh mẽ. Thậy vậy, khi không đủ trí tuệ để phán đoán, nhận định
một sự vật, hiện tượng nào đó, người ta thường cảm thấy bất an khi đối diện với
nó. Chẳng hạn, chúng ta hay nghe người đời nhắc đến ma. Khi còn nhỏ, nhiều người
rất sợ ma và khi đã trở thành người lớn, không ít người vẫn còn sợ. Ngay trong
một ngôi chùa, khi nghe có người kể là đã nhìn thấy ma, ai đi lại ban đêm cũng
sợ. Có lần vào lúc nửa đêm, nghe chó sủa quá, một Thầy sợ ăn trộm vào chùa nên
thức dậy xem. Khi đi từ nhà tăng qua nhà khách, Thầy thấy một người không rõ nam
hay nữ cầm một vật rất sáng, theo sau là một đám trẻ con, nhưng tất cả đều bước
đi rất nhẹ, chân không chạm đất. Khi qua chiếc cầu bắc ngang con suối nhỏ, cả
đoàn nhảy lên cây sộp và biến mất. Lúc ấy, Thầy vẫn còn nghe léo nhéo tiếng trẻ
con nói: “Cho ăn gì, đói quá!”. Có lẽ mấy ngày Tết vì quá mệt, chùa cúng thí
thực không đàng hoàng nên thế giới siêu hình ăn không được no. Sau khi nghe kể
chuyện, chùa đã bày một mâm cơm ngon lành cúng cho họ. Nhưng cũng từ đó, nhiều
người không dám qua cầu ban đêm nữa vì tin ở đó có ma.
Như vậy, vì sao
trong nhiều trường hợp, người ta tin và sợ ma ? Có lẽ người ta sợ ma vì không
biết rõ về nó. Vì là “hồn ma bóng quế” nên chúng thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc vô
hình khiến người ta sợ hãi . Nếu biết rõ ma ở đâu, đi lại ra sao, gương mặt như
thế nào, có lẽ con người không còn sợ chúng nữa. Trong cuộc sống cũng vậy, những
điều làm chúng ta sợ hãi thường do chúng ta không biết rõ về nó. Hay nói đúng
hơn là do chúng ta không có trí tuệ để nhận định.
Trường hợp người ta
hay đồn về những ông thầy bùa cũng vậy. Ông ta có thể yểm, có thể thư người
khác được. Nếu ghét người nào, ông chuốc bùa người đó bệnh rồi chết. Nghe đồn
như vậy, đa phần ai cũng sợ thầy bùa. Sở dĩ chúng ta sợ vì chúng ta không biết
rõ bùa là gì . Nếu biết rõ về nó, về lực của bùa chú, chúng ta sẽ không sợ. Thực
ra, bùa cũng có tác dụng nhất định. Bùa có tác dụng của tâm linh, của niềm tin
nhờ sự luyện tập lâu ngày và nhờ định lực của thầy bùa. Nhưng tác dụng bùa chú
còn lệ thuộc vào nghiệp. Ví dụ, một cái đánh của người khác tác động lên cơ thể
làm chúng ta đau, nhưng nó lệ thuộc vào nghiệp. Nếu không bị cái nghiệp nào đó
thì người ta không đánh mình được. Bùa cũng vậy. Nếu không mắc cái nghiệp gì đó
thì người ta không đánh bùa mình được. Nó không phải là cái gì quá huyền bí, quá
siêu nhiên mà con người không thể biết được. Khi hiểu về nó, chúng ta sẽ không
còn sợ hãi nữa.
Nói đến bùa chú, chúng ta không thể không liên hệ đến
chuyện ngài A Nan với Ma Đăng Già. Vì ngài A Nan rất đẹp nên cô Ma Đăng Gìa gặp
vài lần đã đem lòng thương nhớ rồi lâm bệnh. Người mẹ tìm hiểu và cô đã kể thật
mọi điều. Thương con nhưng bà mẹ không biết làm cách nào cho con khỏi bệnh. Nghe
lời mách, bà đến nhờ một thầy bùa. Thầy bùa làm phép và cô gái đã tỉnh ra. Đợi
ngài A Nan khất thực đi ngang, cô gái bước ra chào để cúng dường. Do sự thúc đẩy
vô hình không ngờ được trong tâm mình, ngài A Nan tự nhiên đi theo cô gái vào
nhà. Khi Ngài đi vào, cô Ma Đăng Già nói lời yêu thương tha thiết. Tâm đạo Ngài
rất vững nhưng bị bùa khống chế nên bị lung lay. Lúc ấy, Phật biết chuyện nên
dùng thần thông hóa độ cho Ngài thoát ra. Sau đó, Phật cũng độ cho cô Ma Đăng
Già xuất gia luôn.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy tác dụng của bùa chú
thật ghê gớm. Ngài A Nan là người đã tu tập đàng hoàng vậy mà vẫn bị năng lực
của bùa chú tác động. Sự thật, điều này còn do nghiệp quá khứ. Trong quá khứ,
ngài A Nan và Ma Lăng Già đã từng có duyên vợ chồng với nhau, đã từng thương yêu
nhau thắm thiết nên bây giờ gặp nhau, duyên xưa trỗi dậy. Cả hai yếu tố hợp lại
khiến tâm Ngài bị lung lay chứ không hoàn toàn do bùa chú.
Cũng có
trường hợp nhiều người đi trên xe bị người ta đánh bùa, lấy sạch đồ đạc. Điều
này không chỉ do bùa mà còn do nghiệp của người ấy trong quá khứ. Có thể trước
kia, họ cũng đã làm điều gì đó nên bây giờ đến lúc phải trả nghiệp. Khi hiểu
được điều này, hiểu nhân quả chi phối, chúng ta sẽ không sợ hãi thế lực siêu
nhiên nữa. Nếu ai nói ông thầy bùa này ghê gớm, cao tay ấn, chúng ta cũng không
sợ. Chỉ cần giữ được đạo đức, giữ lòng tôn kính Phật và siêng năng làm việc
thiện, chúng ta sẽ không sợ bất cứ thế lực nào, kể cả những thế lực siêu
nhiên.
Như vậy, can đảm cũng do trí tuệ mà có. Nếu đã có Trí, có Bi,
chúng ta cũng dễ dàng có được cái Dũng.
Tinh thần mạnh mẽ khiến chúng ta
trở nên gan dạ, có thể đối diện với hiểm nguy còn được tạo nên nhờ sức khỏe.
Một người không có sức khỏe, cơ thể yếu đuối, thường có tinh thần bạc nhược. Khi
có sức khỏe, chúng ta cảm thấy xốc vác trong công việc, dám làm mọi việc dù rất
khó khăn, vất vả. Cũng nhờ có sức khỏe, tinh thần chúng ta vững vàng hơn và dám
làm được những điều mà người khác e ngại. ( Tất nhiên, trừ một số trường hợp
ngoại lệ ). Nếu chùa có việc gấp, dù giữa trưa nắng chang chang hay giữa lúc mưa
tầm tã, chúng ta cũng sẵn sàng nhận lãnh.
Chúng ta cũng gặp không ít
trường hợp người có thể chất yếu đuối nhưng tinh thần vô cùng mạnh mẽ. Có được
điều đó là nhờ họ có phước. Chính phước cũng tạo nên tinh thần mạnh mẽ cho con
người.
Những người có khả năng, giỏi giang sẽ có sự tự tin, tinh thần
cũng vững vàng và làm được nhiều việc. Gặp bất cứ việc gì họ cũng có thể làm
được. Ngược lại, những người không có khả năng dễ mất tự tin, tinh thần cũng yếu
đuối, không mạnh dạn bắt tay vào việc. Ai nhờ làm việc gì, họ cũng ngại không
dám nhận lời. Bởi vậy, sự vụng về, thiếu khả năng cũng làm cho con người ta
xuống tinh thần, luôn mang mặc cảm và khó thành công.
Người có tiền bạc,
có địa vị, có thế lực thường là người có tinh thần mạnh mẽ. Nếu có một cơ sở vật
chất vững chắc, khi ngoại giao hay trao đổi làm ăn với ai, chúng ta cảm thấy
mình có một tư thế vững vàng. Nếu quá nghèo khó, tiếp xúc với người khác, chúng
ta thường rụt rè, không đủ tự tin. Hoặc một người có quyền hành trong tay thường
quyết định mọi việc một cách dễ dàng. Những người này tinh thần cũng mạnh mẽ.
Trong khi đó, những người không có quyền hành gì, thường là dân đen, chỉ biết
nghe theo lời người khác. Tinh thần họ cũng trở nên yếu đuối.
Như vậy,
người có trí tuệ, có khả năng, có sức khỏe, có tiền bạc, có địa vị… thường là
những người có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng. Tất cả những điều ấy có được đều
do phước. Hay nói cách khác, người có phước sẽ có tinh thần mạnh mẽ. Dựa vào đó,
chúng ta có thể đánh giá được những người sống quanh mình. Nhìn người nào có
tinh thần mạnh mẽ, chúng ta biết người đó có phước bên trong. Những người tinh
thần bạc nhược, yếu đuối, lúc nào cũng rụt rè sợ sệt, muốn nói mà không dám nói,
muốn làm cũng không dám làm thường là người thiếu phước.
Trên cơ sở đó,
chúng ta cũng có thể đánh giá được cái phước có được nơi bản thân mình. Nếu từ
trước đến nay, bản thân là người xốc vác, dám nói, dám làm, chúng ta biết mình
là người có phước. Hiểu như vậy, chúng ta cố gắng nuôi dưỡng, giữ gìn. Còn nhận
ra bản thân mình lúc nào cũng sợ sệt, rụt rè, chúng ta biết mình thiếu phước,
phải cố gắng làm phước nhiều hơn. Mỗi ngày, chúng ta nên giúp đỡ mọi người, làm
lợi ích cho Phật pháp. Dần dần, tinh thần chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Nếu chịu
khó quan sát chúng ta sẽ thấy điều này rất hiệu nghiệm. Nhiều người khi mới vào
chùa trông hiền lành, thậm chí còn khờ khạo, ai nói gì cũng nhịn, ai sai gì cũng
làm nhưng lại cặm cụi lo công quả, tu tập. Sau này, người đó rất có uy đức, trở
thành cột trụ của Phật pháp.
Một điều chúng ta cần nhớ là khi đã có
phước, tinh thần, cá tính được mạnh mẽ, chúng ta không nên lấn át người khác vì
nếu sử dụng không đúng chỗ, phước dần dần sẽ hết. Khi đó, tinh thần của chúng ta
lại trở nên yếu đuối. Thói thường, những người được nhiều người khen, được nhiều
người cung kính hay xuất hiện tâm tự hào. Một khi tâm tự hào xuất hiện, họ bắt
đầu chấp vì danh lợi và coi thường người khác. Bởi vậy, khi tu có tiến bộ, có
những kết quả, được người khác sùng bái, khen ngợi, chúng ta phải cẩn thận, phải
chuẩn bị một đạo lý, một công phu gì đó để làm cho nó trở nên vô hiệu.
Sự
tham lam ích kỷ, thù hận có thể thúc đẩy con người dám làm những điều nguy hiểm.
Ví dụ, những tên cướp dám hành động giữa ban ngày hoặc những tên trộm, ban đêm
dám leo tường vào cạy cửa nhà người ta để trộm tiền bạc, của cải đều là những
người có “gan to”. Nhưng cái gan của họ có được không phải do tinh thần mạnh mẽ,
do sự thúc đẩy của Thiện tâm hoặc do trí tuệ mà do lòng tham. Chính lòng tham đã
thúc đẩy họ dám làm những việc khó khăn, nguy hiểm ấy.
Ở nông thôn, có
nhiều người ăn trộm rất liều. Họ thường lẻn vào nhà người khác lúc xâm xẩm tối,
khi chủ nhà chưa đóng cửa và chui xuống gầm giường nằm im ở đó. Khi gia đình
người ta đã tắt đèn đi ngủ, người ăn trộm từ từ bò ra lấy đồ đạc và mở cửa tẩu
thoát. Họ ăn trộm một cách nhẹ nhàng mà táo bạo như vậy. Tất nhiên, sự gan dạ ấy
có được là do họ còn phước. Khi hết phước, họ sẽ rơi vào trạng thái yếu đuối, sợ
hãi. Trường hợp “Phước tám ngón” là một ví dụ. Đây là một tên cướp nổi tiếng,
từng cướp của, giết người không gớm tay, dám đưa ngón tay mình ra chặt trước
mặt mọi người, Công an phải truy nã bao nhiêu năm mới bắt được. Nhưng khi vào
tù, phước hết nên tinh thần cũng xuống. Ngày bị đem ra pháp trường xử bắn, anh
ta run sợ, chân không bước nổi nữa. Sở dĩ phước của những tên cướp như “Phước
tám ngón” không còn khiến tinh thần bị sa sút trầm trọng vì trước kia họ đã gây
nên quá nhiều lầm lỗi.
Ngược lại, những người thật sự có Thiện tâm, tinh
thần sẽ mạnh dần đến lúc chết. Lịch sử còn ghi lại những tấm gương sáng về tinh
thần chiến đấu, hy sinh vì quê hương đất nước của những chiến sĩ cách mạng. Họ
chiến đấu dũng cảm, đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, tinh thần họ vẫn
vững vàng. Liệt sĩ Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị bắt trong
cuộc khởi nghĩa Yên Bái, khi bị đưa lên đoạn đầu đài vẫn hiên ngang, không hề
run sợ. Trước lúc chết, người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn còn hô lớn: “Việt Nam
muôn năm !” Sở dĩ tinh thần của những chiến sĩ mạnh mẽ cho đến phút cuối cùng vì
họ có phước lớn. Họ đã sống và chiến đấu vì quê hương đất nước, vì tâm
thiện.
Trong cuộc sống, nhìn vào tinh thần của những người già, chúng ta
cũng sẽ biết trong suốt cuộc đời, họ có làm nhiều điều thiện hay không. Những
người lớn tuổi mà đầu óc vẫn minh mẫn sáng suốt, tinh thần vẫn vững vàng, mạnh
mẽ là những người suốt cả một đời chất chứa điều thiện. Ngược lại, những người
già có tinh thần yếu đuối, hiu hắt như ngọn đèn trước gió thường là những người
không làm được bao nhiêu điều thiện trong cuộc đời mình.
Nếu nhìn thấy
những người thân của mình có một tinh thần yếu đuối, các Phật tử hãy khuyên họ
làm phước. Chúng ta biết rằng, người sắp lìa khỏi cuộc đời mà tinh thần yếu đuối
thì khi chết sẽ không được đi về cõi siêu thoát. Ngược lại, những người đến lúc
chết vẫn vững vàng sáng suốt, hiền lành, tỉnh táo thì khi chết sẽ được đi về nơi
sang quý, về cõi trời. Đặc biệt, những người còn trong độ tuổi thanh xuân thường
có sức khỏe tốt nên tinh thần mạnh mẽ. Nếu ở vào tuổi này mà cảm thấy tinh thần
yếu đuối, chúng ta phải lo làm phước, sống một đời hy sinh cho người
khác.
3. MỘT VÀI TẤM GƯƠNG.
Tìm hiểu một vài tấm gương của người xưa, chúng ta sẽ có thêm
những bài học quý trong việc rèn luyện tinh thần, ý chí. Ngày xưa, vào thời Đức
Phật, trong những khu rừng Ấn Độ có rất nhiều thú dữ, nhất là cọp, beo, sư tử,
mãng xà… sinh sống. Vậy mà, có những lúc Phật chấp nhận sống một mình cô đơn
trong rừng sâu để tu tập, nhất là trong 49 ngày Ngài ngồi thiền nhập định, trước
khi thành tựu Phật quả. Đó là một thử thách ghê gớm đòi hỏi phải có một lòng can
đảm đặc biệt. Khi nhập được định vào khoảng Nhị thiền, những ảo ảnh Ma Vương
hiện ra quấy phá Ngài. Trong những cảnh quấy phá ấy có cảnh Ma Vương muốn làm
cho Ngài phải khiếp sợ, phải di động cơ thể để mất Thiền định. Muôn ngàn Ma quân
cầm gươm dao chém tới tấp vào Ngài. Cảnh hiện ra trông như thật chứ không phải
là ảo ảnh. Chỉ cần cơ thể nhúc nhích, tâm dao động là Ngài sẽ mất ngay Thiền
định. Nhưng lúc ấy, Ngài vẫn không nhúc nhích. Vì trước khi bắt chân lên ngồi,
Ngài đã phát lời đại nguyện : “Nếu không thành tựu vô thượng chánh đẳng chánh
giác, ta thà tan xương, nát thịt chớ không rời khỏi tòa này” - một lời thề thật
quyết liệt. Vì vậy, khi muôn cảnh hiện ra với những người cầm dao chém tới tấp,
Ngài coi như mình đã chết, ngồi yên không cử động. Nhưng tất cả vẫn không chém
được Ngài bởi đó chỉ là ảo ảnh. Một lần khác, khi Ma quân cầm cung tên bắn vào
người Ngài, Ngài vẫn ngồi đó, chấp nhận chết, quyết không nhúc nhích cơ thể.
Nhưng kỳ lạ thay, những mũi tên ấy bay tới biến thành những đóa hoa rơi lả tả
quanh Ngài.
Đây là một câu chuyện đẹp và lãng mạn ca ngợi tinh thần dũng
cảm, lòng can đảm, cái đại hùng đại lực của một người trên đường đi tìm sự giác
ngộ vì con đường đi đến giác ngộ không phải là con đường đơn giản.
Hoặc
chuyện ngài Quy Sơn Linh Hựu đối diện với cọp trên núi cũng là một gương sáng về
lòng can đảm. Một thầy Địa lý đã nói cho ngài Bá Trượng, ngài Quy Sơn một thắng
cảnh tốt có thể quy tụ cả một ngàn năm trăm người. Ngài Quy Sơn xin đi về vùng
núi đó. Khi đến nơi, Ngài chỉ cất một cốc nhỏ, một am tranh để ở và tu. Trên
đường đi, có khi Ngài phải lượm trái rừng mà ăn, có khi còn gặp cọp, beo… nhưng
Ngài vẫn không sợ. Chúng ta biết, cọp là loài vật hung dữ, có tướng đi vững
chắc, oai vệ, đôi mắt sáng rực, tiếng gầm vang cả núi rừng. Người yếu đuối đứng
trước mặt một con cọp sẽ bủn rủn tay chân, có khi ngất xỉu vì quá sợ hãi trước
thần lực của nó. Muông thú trong rừng đều sợ họ nhà cọp. Nhiều con vật khi đã
gặp nó, không đủ sức chạy nữa vì sức thôi miên của nó. Nhưng tinh thần ngài Quy
Sơn Linh Hựu vẫn vững vàng. Thấy con cọp chặn đường, Ngài nói : “Nếu ta có duyên
với núi này, ngươi tránh qua bên; còn nếu ta không có duyên, ngươi cứ ăn thịt”.
Nói rồi, Ngài xăm xăm đi tới. Nhưng con cọp đã tránh qua một bên. Thần lực của
Ngài rất vững vàng, tinh thần của Ngài rất mạnh mẽ đến cọp cũng phải
nể.
Chuyện cọp vào quy y với ngài Hư Vân cũng thật kỳ lạ. Hòa thượng Hư
Vân là người rất đặc biệt. Khi Ngài giảng Kinh trong chùa, một con cọp trên núi
cũng xuống vào chùa xin quy y. Gần đây nhất là câu chuyện ngài Hư Vân dám đi
thẳng vào quân trại gặp thống binh Lý Căn Nguyên để ngăn chặn việc phá chùa, bắt
Tăng ở Trung Hoa. Khi Cách mạng Tân Hợi thành công (1911) đánh đổ được triều đại
nhà Mãn Thanh, chấm dứt triều đại phong kiến tồn tại hàng mấy ngàn năm và thành
lập nước Trung Hoa Dân quốc, Tôn Văn ( là Tôn Dật Tiên ) lên làm Tổng thống đầu
tiên của Trung Hoa. Ông là người theo Tây học và có theo đạo Thiên Chúa. Vì vậy,
chính quyền của ông rất có ác cảm với đạo Phật và ra lệnh đập phá chùa chiền,
bắt Tăng sĩ. Trong đó, thống binh Lý Căn Nguyên là người cực đoan, chống lại đạo
Phật rất quyết liệt. Ông đem quân tràn xuống miền Vân Nam, nơi ngài Hư Vân đang
ở, bắt Tăng sĩ giam vào tù, phá dỡ hết chùa chiền. Nghe nói ngài Hư Vân rất nổi
tiếng, là người thuộc hàng lãnh đạo của Phật giáo, ông ta có ý định sẽ đến đó
bắt giam luôn Ngài. Ông đưa quân về đó lập doanh trại nên Tăng chúng trong các
chùa đều xin đi nơi khác, không ai dám ở lại. Ai cũng lo sợ, khuyên Ngài hãy đi
lánh nạn nhưng Ngài nói: “Các vi muốn đi thì cứ đi. Nếu phải trả nghiệp báo thì
lẩn trốn có ích chi. Ta sẵn sàng đem thân mạng mình hy sinh cho Phật pháp”. Rồi
Ngài đích thân một mình đi đến doanh trại xin gặp ông thống binh. Khi tới cổng
trại, những người lính biết Ngài là bậc chân tu đã khuyên Ngài nên trốn đi, nếu
không tai họa sẽ ập đến. Nhưng Ngài nói : “Không, cho tôi vào gặp thống binh” và
đi thẳng vào doanh trại. Vốn không có cảm tình gì lại thấy Ngài dám vào nói
chuyện với mình, thống binh Lý Căn Nguyên sắc mặt nóng giận hỏi Hòa
thượng:
- Phật giáo dùng để làm gì, có ích lợi chi ?
Hòa thượng Hư
Vân đáp:
- Ân đức giáo hóa của Thánh nhân thật vô lượng.… Phật giáo dùng
để cứu đời, làm lợi ích cho nhân dân. Từ lời dạy đơn sơ đến lý lẽ thâm sâu đều
vì tạo việc lành, dẹp trừ điều ác… Phật giáo dạy người trị bịnh trong tâm. Tâm
là gốc của muôn ngàn sự vật. Nếu gốc chân chính thì muôn việc đều bình an, trời
đất luôn thái bình.
Nghe Hòa thượng trả lời như vậy, ông ta hỏi
tiếp:
- Vậy chứ còn tượng đồng, tượng gỗ để làm gì vậy, chỉ tốn hao tiền
của dân chúng thôi chứ ích lợi gì ?
……
- Nếu thế, tại sao các tăng
sĩ không làm những việc tốt mà lại đi làm các việc kỳ quái, như những kẻ phế
thải trong xã hội ?
…….
Khi nói chuyện, ông ta công kích đạo Phật
rất dữ dội. Tất nhiên, trước sự công kích của người khác, chúng ta phải suy nghĩ
lại. Chúng ta phải nghĩ xem trong thời đó, quý Thầy đã làm gì để người ta kết
luận sự hiện diện của đạo Phật không đem lại ích lợi cho cuộc đời này mà đem lại
sự tốn kém; còn các Tăng sĩ như những kẻ phế thải trong xã hội ? Suy nghĩ về lời
phê phán nặng nề của người khác một cách sâu sắc, chúng ta sẽ thấy được lỗi của
mình. Trong trường hợp này, ngài Hư Vân đã bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của
ông thống binh bằng đạo lực và uy đức của mình. Nhờ vậy, từ một con người công
kích đạo Phật rất nặng, bắt hết Tăng sĩ, dọa bắt luôn ngài Hư Vân, vị thống đốc
kia trở nên có cảm tình với Ngài và cảm tình với đạo Phật. Ông ta đã nhận ra
Phật pháp thật cao siêu . Sau này, vị tướng họ Lý vào chùa xin quy y, nguyện xin
làm đệ tử của Hòa thượng và thỉnh Ngài làm tổng trụ trì toàn núi Kê
Túc.
Câu chuyện cho thấy tấm gương can đảm của ngài Hư Vân. Nếu không do
đức tu hành khổ hạnh và lòng can đảm, làm sao Hòa thượng có thể chuyển tâm được
viên tướng Lý Căn Nguyên trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế? Chuyện
ngợi ca những gương can đảm trong đạo Phật như vậy rất nhiều. Chúng ta chỉ nêu
một vài chuyện tiêu biểu để làm gương.
Trong chiến tranh, có biết bao
tướng sĩ dũng cảm xông pha vào chỗ chết để chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
Chúng ta từng nghe sử sách kể về tấm gương can đảm của ông Trần Bình Trọng. Vào
thời nhà Trần, quân Mông Cổ đem quân xâm lược nước ta. Bọn chúng là những kẻ
hiếu sát và khát máu. Gặp quân ta, chúng giết ngay chứ không cần bắt làm tù
binh. Nhưng khi bắt được Trần Bình Trọng, bọn chúng không giết mà yêu cầu ông
hợp tác và hứa nếu ông đồng ý, chúng sẽ phong Vương cho ông. Trần Bình Trọng trả
lời một cách khảng khái : “ Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất
Bắc”. Câu trả lời nổi tiếng của ông đã đi vào sử sách và tên tuổi của ông đã
được lưu danh muôn thuở.
Tuy sự nghiệp của Trần Bình Trọng không được sử
sách viết nhiều nhưng là người tu học, chúng ta phải suy luận xem ông có uy đức
gì khiến những tên lính khát máu đó phải nể phục ? Có thể nói, Trần Bình Trọng
có một thần thái phi thường, phát ra bên ngoài ở sự cương nghị, ở phong thái
đĩnh đạc và tư thế hiên ngang, bất khuất. Nếu không bị bắt, không bị giết chết,
có lẽ ông sẽ có nhiều cống hiến lớn lao hơn cho đất nước. Con người ấy rất phi
thường mà chúng ta không thể nào khai thác hết được.
Hoặc chuyện kể về
Nguyễn Biểu cũng được lịch sử ghi lại như một tấm gương sáng về lòng can đảm.
Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, ông đại diện cho Lê Lợi đến thương lượng
với giặc. Một mình ông dám đi vào doanh trại của giặc trong khi bọn chúng đang
tìm cách tiêu diệt lực lượng kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn. Khi tiếp kiến,
bọn giặc đã chặt đầu một tù binh đem hấp, mắt còn mở trừng trừng và đặt lên bàn
để đãi ông. Nhưng ông vẫn bình tĩnh lấy đũa gắp hai con mắt bỏ vào miệng nhai
nuốt trước sự ngạc nhiên của bọn giặc. Con người ấy quả thật có một lòng can
đảm, một tinh thần mạnh mẽ, vững vàng.
Lật lại từng trang lịch sử dựng
nước và giữ nước của dân tộc từ xưa đến nay, chúng ta còn thấy lấp lánh biết bao
tấm gương khác về lòng can đảm, về tinh thần dũng cảm, không khuất phục trước kẻ
thù. Chúng ta rất tự hào khi tổ tiên mình có những con người phi thường như
thế…
Hiện nay, trên thế giới vẫn đang tồn tại những tổ chức tội ác rất
tinh vi như: Mafia ở Âu Châu hay Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông… Bọn Mafia hoạt động
có tổ chức rất chặt chẽ và có một quy định gần như thành luật, luật bất thành
văn gọi là luật im lặng. Nghĩa là thấy chúng giết người hay làm bất cứ việc gì ở
đâu, mọi người đều phải im lặng. Nếu không, chúng sẽ trừng trị thẳng tay, không
tha thứ. Vì vậy, suốt một thời gian dài, không ai dám tố cáo bọn tội phạm đó.
Chúng vẫn lộng hành nhưng cảnh sát không thể nào điều tra được. Cuối cùng, không
chịu đựng nổi, toàn dân Ý đã đứng lên chống lại. Họ chấp nhận chết, quyết không
chịu im lặng. Nhờ phá vỡ luật im lặng ấy mà tổ chức tội phạm Mafia dần dần bị
tiêu diệt. Trong cuộc chiến đấu chống lại bọn tội phạm ấy, có những vị quan tòa
đã phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình. Tiêu biểu cho những con người kiên
quyết chống lại bọn Mafia ấy là Falcon. Ông chiến đấu chống bọn tội phạm rất có
hiệu quả. Nhưng cuối cùng, bọn chúng điều tra và nắm được lộ trình của ông. Một
lần trên đường đi về từ sân bay, xe ông bị chúng đặt bom làm nổ tan tành. Ông đã
phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình. Những người sau vẫn kế tục sự nghiệp
chống bọn tội phạm của ông một cách gan dạï, kiên trì, không mệt
mỏi.
Trong cuộc đời, nếu nhiều người dám chống lại tội ác, không hề sợ
hãi, tội ác sẽ dần dần bị đẩy lùi. Nếu chúng ta lúc nào cũng dè dặt, sợ hãi,
tội ác sẽ lan tràn mãi, lan tràn mãi như cỏ dại gặp mùa xuân.
4. CÔNG ĐỨC.
Chúng ta biết rằng, tạo
phước trong điều kiện dễ dàng, phước sẽ không nhiều. Chính sự cố gắng quá độ mới
đem lại cho chúng ta phước lớn. Nếu tạo phước trong điều kiện nguy hiểm thì
công đức vô cùng lớn. Đây là điều chúng ta cần khẳng định lại.
Trong
hoàn cảnh thế giới hiện nay, Phật pháp còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu nghĩ rằng
Phật pháp hiện nay đang phát triển trong hoàn cảnh thuận tiện, chúng ta sẽ mất
đi ý thức phấn đấu để giáo hóa chúng sinh, để xây dựng Phật pháp. Sở dĩ đạo Phật
gặp nhiều khó khăn là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết,
bên cạnh những cán bộ có thiện cảm, giúp đỡ cho đạo Phật phát triển, vẫn có
nhiều viên chức Nhà nước còn ác cảm với đạo Phật, luôn gây khó khăn, cản trở
những người làm Phật sự. Đây là một sự thật. Vì vậy, hoạt động Phật pháp trong
hoàn cảnh có nơi chính quyền có thiện cảm với đạo Phật, có nơi không có thiện
cảm, chúng ta sẽ rất vất vả. Nhiều cán bộ còn ảnh hưởng tư tưởng cho rằng đạo
Phật, tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng theo tín ngưỡng cũng đồng nghĩa với
mê tín. Vì thế, họ luôn luôn gây khó khăn cho chúng ta. Nhiều khi họ còn nghi kỵ
những người về vùng hẻo lánh mang Phật pháp, đạo đức đến cho con người. Họ cho
rằng những người ấy có liên quan đến chính trị và luôn theo dõi, rình rập. Những
lúc như vậy, nếu sợ hãi, không dám đương đầu với nguy hiểm, chúng ta sẽ không
làm được việc cho Phật pháp. Mỗi người phải can đảm, cứ tiếp tục làm việc Phật
pháp để giáo hóa chúng sanh. Chính những việc làm tốt của chúng ta, chính nhân
cách đạo đức của chúng ta sẽ giúp họ hiểu ra sự thật.
Bên cạnh đó, còn
có không ít những quần chúng còn chỉ trích tu sĩ. Đó là những người không có tín
ngưỡng, không có niềm tin vào Phật pháp. Nhiều khi nhìn thấy người tu, họ còn
xem thường, thậm chí công kích. Tất nhiên, người xuất gia chúng ta cũng cần xem
lại nhân cách, tư cách đạo đức của mình. Có thể có trường hợp “một con sâu làm
rầu nồi canh”, khiến họ “vơ đũa cả nắm” và có ác cảm với người tu. Bổn phận của
chúng ta là phải cố gắng, phấn đấu rèn luyện tư cách đạo đức của mình để làm
gương cho những người đi sau. Chúng ta làm sao cho tất cả những người tu đều có
đạo đức tốt, đều có lòng thương yêu chúng sanh, có lý tưởng thiết tha hướng về
sự giác ngộ giải thoát. Có như vậy, cuộc đời này sẽ bớt đi người xấu và quần
chúng bên ngoài bớt đi sự công kích. Đó cũng là cách để chúng ta đền ơn Phật.
Chúng ta quyết không để vì một người xấu mà ảnh hưởng đến uy tín của đạo
Phật.
Ngoài những nguyên nhân trên, các cuộc cạnh tranh tôn giáo cũng
gây khó khăn cho sự phát triển của đạo Phật. Đạo Phật vốn rất hiền lành, thậm
chí nhu nhược trong khi các tôn giáo khác luôn âm thầm có những kế hoạch lôi kéo
tín đồ. Chẳng hạn, một người trong đạo lấy chồng hay lấy vợ đều phải chọn người
theo đạo hoặc buộc người khác phải theo đạo của họ. Hoặc con cái sinh ra phải
theo đạo của cha mẹ. Trong khi đó, đạo Phật không quan tâm đến điều này. Nhiều
người theo đạo Phật nhưng khi lấy chồng, lấy vợ lại bỏ đạo để theo đạo của chồng
hoặc vợ mình. Có khi, cha mẹ theo đạo Phật nhưng lại không hướng cho con cái
theo đạo Phật, cứ quan niệm khi lớn lên, tùy con cái lựa chọn tín ngưỡng cho
mình… Đó là thái độ vô trách nhiệm của Phật tử hiện nay mà người tu chúng ta cần
phải lưu ý.
Không chỉ đơn giản là giành tín đồ, một số tôn giáo còn có
những kế hoạch phá đạo Phật rất thâm hiểm. Chúng ta biết rất rõ điều đó. Mặc dù
lòng vẫn từ bi, không thù ghét nhưng chúng ta cũng phải hiểu đây là một sự đe
dọa lớn đến việc phát triển đạo Phật.
Đối với đạo Thiên Chúa, việc
truyền bá đạo cũng nằm trong khuôn khổ luật pháp nên không gây nhiều khó khăn
cho các tôn giáo khác. Nhưng Hồi giáo là một trong những đạo tranh giành tín đồ,
tranh giành đất đai bằng súng đạn. Tại những vùng đạo Hồi phát triển, thân phận
người theo đạo Phật rất nguy hiểm. Có những vùng trước kia là đạo Phật, bây giờ
trở thành đạo Hồi cũng bằng con đường bạo lực, bằng sự mạnh mẽ, cuồng tín của
họ. I-ran, Ba Tư ngày xưa được coi là những nước có đạo Phật phát triển mạnh,
bây giờ trở thành một nước chỉ có đạo Hồi ngự trị. Hay một đất nước Ấn Độ rộng
mênh mông, trước kia đạo Phật chiếm lĩnh, bây giờ thành đất nước của Hồi giáo,
của Ấn Độ giáo. Những vùng như Indonesia, Mã Lai cũng là nơi đạo Phật phát triển
bây giờ đã thành vùng đất của Hồi giáo. Hay ở Thái Lan, Phật giáo vốn là Quốc
giáo, bây giờ miền Nam Thái Lan đang dần dần trở thành đất của Hồi
giáo….
Hiện nay, tại Việt Nam, một số đền thờ Hồi giáo đã xuất hiện. Họ
cũng đang ngấm ngầm nhận được sự tài trợ để truyền bá đạo của mình. Nếu chúng ta
cứ thờ ơ, không nhìn xa, nhìn rộng, không thấy được trách nhiệm của mình đối với
đạo Phật thì tiền đồ của Phật pháp sẽ không thể nào tươi sáng. Ngay từ đầu,
chúng ta đã xác định là không có hành động tranh giành tín đồ nhưng mỗi người
phải có trách nhiệm đem Phật pháp giáo hóa rộng rãi khắp nơi để mọi người biết
được luật Nhân Quả. Không biết luật Nhân Quả là một thiệt thòi lớn cho chúng
sinh. Vì vậy, chúng ta phải truyền bá Phật pháp để truyền được luật Nhân Quả,
đem ánh sáng trí tuệ đến cho con người. Nếu chúng sinh tin được luật Nhân Quả,
họ sẽ có chánh kiến vững chắc để đi trong luân hồi bớt đau khổ. Đồng thời, họ
được soi mình trong ánh sáng của Phật pháp.
Trong đạo Phật còn có lý
tưởng, có con đường đưa đến sự giải thoát giác ngộ. Đó là nơi hạnh phúc, an vui
thật sự tuyệt đối mà các đạo khác không có. Chính vì vậy, chúng ta luôn luôn cố
gắng đem Phật pháp truyền bá cho mọi người. Tuy nhiên, lý tưởng thật cao đẹp
nhưng do tinh thần yếu đuối, nhu nhược nên cuối cùng chúng ta đã để biết bao
nhiêu chúng sinh rơi vào tà kiến của các tôn giáo khác. Đó là một nhược điểm mà
chúng ta phải khắc phục.
Hiện nay, ngay trong nội bộ đạo Phật cũng chưa
có sự đoàn kết, vẫn còn những phần tử kết bè phái để mưu hại người tốt. Đây là
điều đau lòng nhất trong Phật pháp. Không ít người tuy mang hình thức Tăng sĩ
nhưng sự thật là người không tốt. Có những người do quen biết, có thế đứng trong
Giáo hội, nắm được thế lực nhưng lại dùng thế lực ấy để hà hiếp người khác, vơ
vét quyền lợi cho mình, không lo lắng gì cho Phật pháp. Sống trong những môi
trường như vậy, chúng ta cũng phải can đảm, không ngần ngại khi nói ra sự thật
này. Có những lúc không đấu tranh được, chúng ta phải biết chịu đựng nhưng cũng
chịu đựng với một thái độ gan dạ.
Một điều nữa chúng ta cũng cần phải
quan tâm. Đó là những cách thức có tính hủ bại trong sinh hoạt của Tăng sĩ. Ở
đây chúng ta không tiện phân tích kỹ nhưng sự thật có nhiều chuyện rất đau lòng,
cần phải được chấn chỉnh. Nói ra điều này, chấn chỉnh điều này chắc chắn chúng
ta sẽ gặp những phản ứng gay gắt, thậm chí còn bị nhiều người thù ghét, công
kích và tìm cách mưu hại. Trong hoàn cảnh hiện nay, sự căm ghét, mưu hại cũng là
một trong những mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối phó trong quá trình sinh
hoạt Phật giáo. Khi bước ra làm việc đạo, chúng ta phải xác định rằng mình phải
đi trong chông gai, trong sóng gió, biết bao hiểm nguy đang rình rập. Bởi vậy,
ngay từ bây giờ, chúng ta phải trang bị cho mình lòng can đảm cao độ để có thể
vượt qua những khó khăn, nguy hiểm để có thể làm được nhiều điều lợi ích cho
chúng sinh, góp phần xây dựng Phật pháp. Và quan trọng hơn nữa là để chúng ta
đền ơn chư Phật, chư Thánh, đền ơn những vị Tôn túc đã đi trước dẫn dắt chúng
ta. Được sống trong môi trường yên ả, thanh bình để tu học, chúng ta hoàn toàn
nhờ vào công lao của những bậc Tôn túc đi trước, gần nhất là quý Thầy trong Ban
Giám hiệu, xa hơn nữa là bao nhiêu vị Hòa thượng chân tu đã tiếp nối giáo hóa
Phật pháp. Chính các vị đã giáo hóa rất nhiều Phật tử cho những thế hệ đi sau
mình. Chúng ta phải hiểu rằng, việc hộ đạo luôn luôn là việc của cư sĩ. Không có
họ, chúng ta khó có thể duy trì được Phật pháp. Nghĩ đến điều đó, chúng ta phải
tiếp tục giáo hóa để Phật tử về sau lại tiếp tục hộ đạo, duy trì Phật pháp, nuôi
dưỡng chư Tăng ở thế hệ sau. Đó cũng là trách nhiệm vô cùng thiêng liêng của mỗi
chúng ta.
5. NHỮNG PHẢN ỨNG PHỤ.
Tâm can đảm cũng có những phản
ứng phụ. Trước hết, sự can đảm dễ trở thành sự kiêu mạn; người can đảm cũng dễ
là một người kiêu mạn. Vì qua một lần sử dụng sức mạnh của tinh thần, tự nhiên
bản ngã được kích động và lớn dần lên.
Ví dụ, một lần nọ, mấy tay du côn
ở đâu kéo đến chùa, tấn công mọi người. Trong chùa, có một Thầy biết võ, gan dạ
đứng ra đánh lại bọn chúng bảo vệ chùa, bảo vệ Tăng đoàn, Tăng chúng. Sự can
đảm, chiến thắng những kẻ du côn hung bạo đó đã làm cho người ấy kiêu mạn, tự
hào. Đó là tâm lý rấât dễ xuất hiện trong mỗi người. Bởi vậy, chúng ta phải xác
định, đi tìm sự giải thoát phải vừa can đảm, vừa khiêm hạ. Dũng là một đức tính
rất cần thiết của người tu nhưng trong gian nguy, làm được điều gì cho Phật
pháp, chúng ta cũng phải thấy mình chỉ là cỏ rác, cát bụi mà thôi. Có như vậy,
tâm kiêu mạn mới không có dịp khởi lên.
Sự can đảm cũng dễ tạo thành
tính nóng nảy. Thông thường, những người có tinh thần mạnh mẽ, xốc vác, dám xông
pha vào những nơi khó khăn cũng là người dễ nổi sân. Vì kiêu mạn nổi lên thì sân
sẽ đi theo. Do đó, chúng ta phải lưu ý điều này. Chúng ta rất gan dạ, rất can
đảm nhưng cũng rất hiền lành, điềm đạm. Đó là tính cách đặc biệt của người theo
đạo Phật.
Đọc những câu chuyện viết về cuộc đời ngài Hư Vân, chúng ta
thấy con người này có phong thái ung dung, tính tình vô cùng hiền lành nhưng khi
gặp nguy hiểm lại can đảm đối diện, không hề sợ hãi. Chúng ta phải học theo tinh
thần ấy của Ngài. Nếu gặp khó khăn nguy hiểm, chúng ta sẵn sàng gánh vác cho mọi
người nhưng lúc nào cũng giữ thái độ khiêm tốn, phong thái hiền lành, nhẹ
nhàng.
Một điều chúng ta cũng thường thấy là sau một khó khăn, nguy hiểm
để hoàn thành công việc tốt, người ta dễ sinh tâm niệm cậy công. Đó là sự kể
công, là nhớ công lao của mình. Ví dụ, một người rất can đảm, từng xông xáo
trong đám lửa cháy rừng rực để cứu của, cứu người thoát nạn nhưng sau đó cứ nhớ
mãi việc làm của mình. Thỉnh thoảng, người ấy nhắc lại với một niềm tự hào, một
chút cậy công theo kiểu: “Nếu không nhờ tôi, tất cả bây giờ đã trở thành tro bụi
…”.
Tâm niệm cậy công cũng là một điều làm chướng đạo. Chúng ta phải
tránh tâm niệm ấy. Trong hiểm nguy, gian khó, nếu đã quyết tâm làm được điều gì
tốt thì chúng ta phải để công lao đó bay theo mây, theo gió, đừng bao giờ nhớ
đến nữa, cũng đừng mong ai phải nhớ điều đó nữa. Thử liên hệ đến truyền thống
đánh giặc giữ nước của dân tộc, chúng ta sẽ thấy không phải ngẫu nhiên mà cha
ông ta ngày xưa đã để cho câu chuyện “Thánh Dóng” kết thúc một cách hoang đường
kỳ lạ như vậy. Người anh hùng làng Dóng sau khi đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ
cõi nước nhà đã phi ngựa lên núi Sóc Sơn, cởi nón sắt, giáp sắt bỏ lại, một mình
một ngựa bay thẳng lên trời biến mất. Đó cũng là biểu hiện của tấm lòng vì
nước, vì dân, sẵn sàng chiến đấu nhưng không cần người đời ghi nhớ và biết
ơn.
Tâm can đảm còn có một phản ứng phụ khác. Đó là sau khi đối diện
với hiểm nguy, chết chóc trở về, con người dễ trở thành những người tàn nhẫn.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Nhiều người lính từng có những năm tháng gian
khổ, cận kề với cái chết từ chiến trường trở về đã có những biểu hiện rất tàn
nhẫn. Họ ra đi chiến đấu vì chính nghĩa là điều hoàn toàn đúng. Nhưng khi đối
diện với nguy hiểm, lòng can đảm, sự gan dạ sẽ tăng lên. Rồi bản ngã, sự tàn
nhẫn vì thế cũng tăng lên theo. Khi trở về hậu phương, nếu không biết tu sửa,
kiềm chế, họ dễ có những hành động thô bạo. Nhiều khi chỉ cần người khác nói
điều gì không vừa ý, họ có thể đánh đập môït cách tàn nhẫn.
Hiểu được
những phản ứng phụ đi theo tâm can đảm như vậy, chúng ta phải rất cẩn thận. Một
mặt, chúng ta phải can đảm gan dạ, đối diện với nguy hiểm nhưng mặt khác lại hết
sức từ bi, thương yêu con người. Đó là lý do vì sao Phật đưa yếu tố Bi lên trước
Trí và Dũng.
Là đệ tử Phật, chúng ta phải tu tập tâm từ thuần thục, ngày
đêm quán từ bi cho thật kỹ để làm nền tảng cho tính can đảm ( Hùng lực). Quán từ
bi là việc rất quan trọng nên chúng ta phải huân tập lâu dài. Khi quán được tâm
từ bi, chúng ta sẽ thấy mọi việc trong cuộc sống dần dần thay đổi và thái độ của
chúng ta đối với con người cũng thay đổi. Được như vậy, sau này chúng ta sẽ làm
được nhiều việc tốt cho Phật pháp nhưng vẫn giữ được đức khiêm tốn, vẫn thương
yêu con người, vẫn không xem mình là quan trọng.
Khi còn là Tăng sinh,
dù được quý Thầy che chở , được sống trong môi trường bình yên, nhưng biết can
đảm, dũng lực, là một đức tính quan trọng của người tu Phật, chúng ta phải tập
dấn thân vào nguy hiểm, khó khăn để rèn luyện đức tính ấy. Khi có việc khó khăn,
cực nhọc hoặc nguy hiểm, chúng ta không ngần ngại giành lấy về mình, không được
tránh né hay tỏ ra sợ hãi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tích lũy phước từng
chút để tinh thần được mạnh mẽ. Chính tinh thần mạnh mẽ là yếu tố cơ bản để tạo
nên tính can đảm về sau. Nếu tinh thần yếu đuối, khi gặp chuyện nguy hiểm, chúng
ta sẽ không dám đương đầu.