1. BIẾT ƠN LÀ TÍNH CHẤT CỦA ĐẠO ĐỨC.
Sống trên cuộc đời này, chúng ta đã chịu ơn rất nhiều người.
Nhưng đối với vấn đề ơn nghĩa, con người thường có hai thái độ: Một là biết ơn
ân nhân của mình và luôn nghĩ đến chuyện đền trả. Hai là tỏ thái độ vô
ơn.
Ở đây, chúng ta thừa nhận một điều : Người biết ơn là người có Đạo
đức, còn người vô ơn là người không có Đạo đức. Nhưng tại sao thái độ biết ơn là
biểu hiện thuộc về Đạo đức ? Phân tích rõ điều này, chúng ta sẽ chọn cho mình
một cách sống thích hợp.
Ngay ở tiêu đề, chúng ta đã định nghĩa biết ơn
là một tính chất của Đạo đức. Để hiểu điều này, chúng ta phải dựa trên một cơ sở
lý luận. Trước hết, mỗi người là sở hữu chủ của chính mình và phải tự lo cho bản
thân mình, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Dẫu lâm vào cảnh nghèo khổ,
đói rách, không người giúp đỡ, chúng ta cũng không có quyền trách bất cứ ai.
Hoặc thấy người hàng xóm đói khổ, chúng ta không quan tâm cũng chẳng ai trách
móc hay bắt tội mình. Đó là lý thường tình trong cuộc đời. Nghĩa là trên nguyên
tắc, điều đó không ai bắt buộc được ai. Đây là một nguyên tắc căn bản. Nếu trong
cuộc sống, con nguời có sự san sẻ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn là nhờ những
nguyên tắc ứng xử giữa người với người khi đạo đức xã hội phát
triển.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng tự
lo được cho mình một cách chu đáo. Có những lúc, thực sự chúng ta không đủ sức
để lo cho mình. Đó là những lúc rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn, ốm đau mà ngay đến
những việc đơn giản nhất trong sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, tắm rửa, giặt
giũ…, chúng ta cũng không tự làm được. Những lúc ấy, có người đến chia sẻ trách
nhiệm đó với mình hay nói đơn giản hơn là đến giúp đỡ mình, chúng ta cảm thấy đó
là điều rất quý. Khi quý trọng sự giúp đỡ của người khác, trong chúng ta xuất
hiện một tâm lí gọi là biết ơn. Như vậy, biết ơn là quý trọng sự giúp đỡ, là
luôn nhớ đến ân nhân của mình với lòng quí mến và mong có dịp đền ơn.
Từ
tâm lí đó, chúng ta có thể suy ra biết ơn cũng có nghĩa là quý trọng lòng tử tế,
sự hy sinh của người khác. Vì hành động giúp đỡ của người khác đối với chúng ta
là biểu hiện của đức hy sinh, lòng tử tế. Người yêu thích sự tử tế, xem trọng sự
tử tế nghĩa là xem trọng tính thiện của con người trong cuộc đời. Từ đó, chúng
ta cũng xuất hiện một tâm lý là chính mình sẽ cư xử tử tế với người khác. Theo
định nghĩa, Đạo đức là những khuynh hướng tốt ở trong tâm, được biểu lộ ra bên
ngoài trở thành sự ứng xử tốt đẹp giữa người và người với nhau. Vì vậy, biết ơn
là tính chất của Đạo đức.
Trái với lòng biết ơn là thái độ vô ơn. Vô ơn
nghĩa là không quý trọng sự tử tế, sự giúp đỡ của người khác đối với mình. Chẳng
hạn, một lần rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn, chúng ta được người khác giúp đỡ
nhưng khi đã vượt qua cơn khó khăn đó, chúng ta lại không quan tâm, không nhớ
đến, nghĩa là không quý trọng sự giúp đỡ của họ. Như vậy, đối với sự tử tế trong
cuộc sống, chúng ta đã không trân trọng. Điều đó cũng có nghĩa là chính mình
không cần tử tế với ai. Vô ơn là thái độ trái với Đạo đức, với lẽ phải nên
thường bị người đời lên án, chỉ trích.
2. CẢ MỘT ĐỜI TRĨU NẶNG ÂN NGHĨA.
Nhìn
lại quãng đời đã qua, chúng ta sẽ thấy mình mang nặng ơn nghĩa của không biết
bao nhiêu người. Trước hết, là ơn của cha mẹ. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này sâu
sắc hơn trong đề tài Hiếu. Tuy nhiên, nói đến lòng biết ơn, chúng ta không thể
không nhắc đến ơn cha mẹ. Vì đây là công ơn trời bể.
Cha mẹ đã sinh ta
ra, cho ta hình hài thể xác để đựợc làm người trên cuộc đời này. Chỉ như thế
thôi, công ơn ấy đã không có gì so sánh được. Khi chúng ta chưa thể tự lo cho
mình, cha mẹ đã không quản sớm hôm, nhọc nhằn vất vả để nuôi dạy chúng ta nên
người. Ân nghĩa ấy không thể cân đong đo đếm được. Dẫu có ví với “núi Thái Sơn”
hay “nước trong nguồn chảy ra” cũng không diễn tả hết được công ơn “sinh thành
dưỡng dục” của cha mẹ. Nhiều người trong chúng ta bước vào con đường tu hành quá
sớm nên chưa thấm thía được công ơn của cha mẹ. Ngoài đời, không ít người tâm sự
khi đã có gia đình mới biết thương cha mẹ. Khi có con, phải lo lắng, thức khuya
dậy sớm chăm sóc trong những hôm con trái gió trở trời, họ mới nhận ra ngày xưa
cha mẹ mình cũng vất vả như thế và càng thấm thía hơn công ơn của cha
mẹ.
Bây giờ thử nghĩ lại, những lúc bị bệnh không giặt nổi quần áo phải
nhờ huynh đệ giặt giúp, chúng ta thấy cảm đôïng và biết ơn vô cùng. Vậy mà,
những việc ấy cha mẹ đã làm giúp chúng ta cả hàng ngàn lần. Hoặc hôm nào đó lỡ
đường, bụng đói, được người khác tốt bụng, mời cơm nước tử tế, chúng ta luôn
biết ơn họ. Trong cuộc đời, không biết đã bao nhiêu lần cha mẹ cho ta ăn no,
mặc đẹp. Từ lúc mới chào đời, chúng ta đã được cha mẹ cho bú mớm, nâng niu để
nên vóc nên hình. Ân nghĩa đó lớn như trời bể. Chưa kể những lúc chúng ta ốm
đau, mẹ cha phải thức canh hôm sớm. Nếu một lần đi đường, lỡ bị ngã chân đau
không thể nào đi được và người nào đó đã cõng chúng ta cả cây số đến trạm xá để
cấp cứu, chúng ta sẽ biết ơn họ vô cùng. Và cũng vì thế mà chúng ta thấm thía
hơn công ơn cha mẹ. Vì cả quãng đời thơ ấu của mình, cha mẹ đã bồng ẵm, nâng
niu, đã vất vả biết bao nhiêu mỗi khi chúng ta đau bệnh. Viết bao nhiêu, kể bao
nhiêu cũng không hết được ơn nghĩa ấy.
Bây giờ, có thể ký ức tuổi thơ
trong mỗi chúng ta đã nhạt nhòa theo năm tháng. Chúng ta không nhớ được tất cả
những hình ảnh ấy. Những lo toan, vất vả trong việc chăm sóc con cái để gợi nhớ
công ơn cha mẹ, chúng ta cũng không thể trải qua. Nhưng chắc chắn ai cũng hiểu
rằng, ơn nghĩa đó không thể so sánh với bất kỳ ơn nghĩa nào khác. Nghĩa là trong
cuộc sống của chúng ta từ đây cho tới khi lìa khỏi cuộc đời này, sẽ không bao
giờ có một ân nghĩa thứ hai nào có thể so sánh được với ân nghĩa của cha mẹ. Khi
đã trưởng thành, nhìn mái tóc pha sương của cha mẹ, chúng ta mới thấm thía nghĩ
rằng mái tóc ấy bạc là để tóc con ngày một xanh hơn. Hay nhìn dáng mẹ cha gầy
yếu, lưng còng, chúng ta càng hiểu rằng lưng mẹ cha còng xuống là do đã dành
trọn sức lực của cuộc đời mình cho con khôn lớn, trưởng thành.
Đúng ra,
chúng ta phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình nhưng cha mẹ lại lo cho
chúng ta từng ly, từng tí. Công ơn đó lớn không sao tính kể được. Bởi vậy, chúng
ta phải biết ơn cha mẹ. Biết ơn là một trong những tính chất của lòng Hiếu. Để
làm tròn đạo Hiếu, con cái phải biết ơn, đền ơn cha mẹ, kính thương, chăm sóc
phụng dưỡng cha mẹ khi người tuổi cao sức yếu. Theo quan niệm Đông phương, Hiếu
có nghĩa là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của người con đối với cha mẹ. Trong
tiếng Anh, người ta không có khái niệm về chữ hiếu, chỉ có chữ obedient là
ngoan, vâng lời, dễ bảo; hoặc chữ pious là ngoan. Vì vậy, có thể nói khái niệm
biết ơn cha mẹ của người Tây phương không sâu sắc bằng người phương Đông chúng
ta.
Người thế gian phải đền ơn cha mẹ bằng lòng hiếu. Còn người xuất
gia chúng ta đền ơn cha mẹ bằng cách nào? Người thế gian còn sống với gia đình
nên có trách nhiệm phải lo cho cha mẹ lúc tuổi già để đáp đền ơn nghĩa. Nhưng
người xuất gia không còn cơ hội đó nữa. Vì chúng ta đã từ giã gia đình vào chùa
đi tu là nhận lấy trách nhiệm đối với Phật pháp. Chúng ta được quyền không đền
ơn cha mẹ như cách của người thế gian, nghĩa là không cần phải chăm sóc, phụng
dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta không được quên ơn cha mẹ và phải luôn luôn có ý thức
đền ơn theo cách của người tu. Là người xuất gia, chúng ta đền ơn cha mẹ bằng
cách làm cho công lao của cha mẹ không dừng lại nơi mình. Nghĩa là đem công lao
tạo thành hình hài cho chúng ta của cha mẹ biến thành sự tu tập, sự thương yêu,
sự lợi ích cho tất cả chúng sanh. Như vậy, công lao cha mẹ tạo ra mình không còn
dừng lại nơi mình mà trở thành lợi ích cho toàn thể chúng sinh. Chúng ta làm cho
cha mẹ có một phước đức vô lượng vì đã may mắn tạo ra mình. Đó là sự đền ơn vô
cùng lớn lao.
Hiểu như vậy, chúng ta phải cố gắng làm sao để trong cuộc
đời tu hành của mình có vô số chúng sinh được lợi ích. Nghĩa là chúng ta sẽ tu
học, thực hành cho tốt để sau này đem Giáo pháp trang trải khắp nơi. Đó chính là
cách đền ơn cha mẹ có ý nghĩa nhất.
Nhắc đến lòng hiếu của người xuất
gia, chúng ta nhớ lại câu chuyện về “Hòa Thượng Cua”. Ngày xưa, ở miền Bắc Việt
Nam có một gia đình nọ, người chồng chết, chỉ còn hai mẹ con sống với nhau. Bà
mẹ rất thích ăn cua, hay đi bắt cua hoặc ra chợ mua cua về ăn. Một hôm, bà sai
người con đi bắt cua nhưng người con không chịu. Khi bà bắt cua về, người con
đem giỏ cua đổ đi vì thấy thương quá. Bà giận con, rượt đánh nó. Cậu bé đâm đầu
chạy trốn trận đòn rồi đi luôn, không bao giờ trở lại. Qua trận đòn đó, bà vô
cùng hối hận và bỏ tất cả công việc để đi tìm con. Bà lang thang ăn xin nơi này,
nơi khác để mong tìm được con mình, nhưng tin tức của con ngày một vắng. Ba, bốn
chục năm sau, bà đã già và cũng sống bằng cách xin ăn bên đường. Một hôm, một vị
Hòa thượng gặp bà và hỏi :
- Nhà bà ở đâu? Tại sao bà ngồi đây ăn xin?
Con của bà đâu?
Bà già trả lời:
- Tôi không có con. Tôi chỉ có một
đứa nhưng một lần tôi giận đánh, nó đã bỏ tôi đi và không bao giờ trở lại. Bao
nhiêu năm nay tôi vừa ăn xin, vừa đi tìm con nhưng chưa gặp.
Nghe vậy,
Ngài nói:
- Thôi, bây giờ bà về chùa làm công quả, sống không nhà, không
cửa lang thang xin ăn như vậy rất khổù.
Bà đồng ý và về chùa cùng Hòa
Thượng. Ngài cho bà ăn chay, mặc áo nâu sòng, chỉ công quả quét lá và niệm Phật
vì bà tuổi già, sức yếu. Một hôm, trước khi đi vắng, Ngài dặn Tăng chúng trong
chùa:
- Thầy đi rồi có thể bà già mất. Nếu bà mất, các con đừng chôn,
quàn để đó chờ Thầy về.
Quả thật, khi Ngài đi rồi, bà già đã qua đời. Vì
có đạo nhãn hay đã đắc đạo nên Ngài biết được cả quá khứ lẫn vị lai. Khi Ngài
về, xác bà cụ vẫn còn để đó. Ngài đứng trước hòm và nói:
- Kinh nói là
khi một người thành Đạo thì cha mẹ bảy đời được siêu sinh lên cõi trời. Nếu đúng
như vậy thì mẹ Ngài phải được sinh lên cõi trời. Nếu không đúng thì lời chư Phật
nói là dối.
Ngài vừa nói xong, bà cụ hiện lên giữa hư không với hào
quang sáng chói, với hình ảnh của một thiên nữ. Bà nói ra những điều kì lạ,
chứng tỏ bà đã được sanh về cõi trời, rồi biến mất. Lúc đó, Tăng chúng hiểu được
hai điều: Điều thứ nhất là Ngài đã thành Đạo. Điều thứ hai là bà già làm công
quả đó chính là mẹ Ngài. Vậy mà, lâu nay Ngài đã giấu kín trong lòng, không nói
cho ai biết.
Thực ra, Ngài vẫn hiểu nỗi nhớ con, nỗi đau khổ tìm con
trong bao nhiêu năm qua của người mẹ. Nó ray rứt, thấm thía lắm. Nếu biết đã tìm
được con mình, chắc bà sẽ rất hạnh phúc. Hạnh phúc ấy vô cùng lớn lao và không
thể diễn tả thành lời. Hiểu như vậy, đúng ra Ngài đã cho bà hạnh phúc đó, đúng
ra Ngài đã nói cho bà biết mình là con ruột của bà. Là người có trí tuệ, Ngài
hiểu rằng hạnh phúc đó sẽ mang theo mầm họa. Khi biết bà là mẹ mình, Ngài không
thể nào bỏ rơi bà nên đã đem bà về chùa nuôi. Nhưng nếu biết mình là mẹ của một
vị Trụ trì, bà sẽ xuất hiện lòng kiêu mạn, sẽ đối xử với Tăng chúng không đàng
hoàng. Từ trước đến nay, bà vốn không phải là người tu, là người hiểu Đạo. Mấy
chục năm qua sống lang thang ngoài đường xin ăn, không biết gì đến việc tu tập,
bây giờ bất ngờ trở thành mẹ của một vị trụ trì danh giá, chắc chắn tâm kiêu mạn
của bà sẽ khởi lên. Chính tâm kiêu mạn này sẽ làm cho bà thoái đọa về sau. Là
người tu, Ngài thấy rằng cho bà hạnh phúc tìm lại được con không quý bằng giữ
cho bà tâm khiêm hạ. Vì tâm khiêm hạ quý hơn những hạnh phúc tạm bợ, nhỏ nhoi,
ngắn ngủi đó. Nếu giữ được tâm khiêm hạ khi có người con đi tu đắc đạo, sau này
bà sẽ được hưởng phước một cách trọn vẹn.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy
trí tuệ của Ngài rất siêu việt. Ngài luôn quý trọng Đạo đức, quý trọng tâm khiêm
hạ. Đồng thời, câu chuyện của Ngài cũng cho chúng ta thấy lòng hiếu đặc biệt của
người xuất gia. Đó là mong cho mẹ mình được an vui lâu dài về sau chứ không chỉ
đem lại hạnh phúc tạm bợ nhỏ nhoi trong cuộc đời thường. Câu chuyện cảm động về
lòng hiếu của Hòa thượng Cua đã đem lại cho chúng ta bài học quí báu. Chúng ta
cũng sẽ cố gắng tu hành đắc đạo, làm lợi ích cho chúng sinh để đền ơn cha mẹ
mình. Hiện tại, chúng ta phải biết giữ tâm khiêm hạ vì nó quý hơn tất cả mọi
hạnh phúc khác, mọi niềm vui tạm bợ trên thế gian này.
Ngoài việc chịu
ơn cha mẹ, chúng ta còn chịu ơn anh chị, em trong gia đình. Đó là những người
gần gũi thân yêu nhất của chúng ta. Trong suốt thời gian sống bên nhau dưới một
mái ấm gia đình, anh chị em đã thương yêu và thường xuyên giúp đỡ nhau. Trong
đó, những người em thường chịu ơn anh chị nhiều hơn. Vì bao giờ cũng vậy, anh
chị lớn tuổi hơn nên phải chịu đựng, gánh vác nhiều trách nhiệm. Ông bà ta từng
dạy: “Làm chị lành, làm anh khó”. Bởi vậy, sự nâng đỡ nhau của những người thân
trong gia đình đã trở thành ơn nghĩa lớn trong cuộc sống này mà mỗi chúng ta
phải luôn ghi nhớ.
Trong quan hệ xã hội, chúng ta còn chịu ơn của nhiều
người khác. Trước hết, đó là ơn của thầy cô giáo. Đây cũng là ơn nghĩa lớn. Ngày
xưa, người Á Đông theo đạo Nho rất coi trọng công ơn của người thầy. Họ đã đặt
sự tôn trọng theo thứ bậc : Quân – Sư – Phụ. Quân là Vua. Hiểu theo bây giờ là
những viên chức nhà nước, những người có công điều hành đất nước, giữ gìn đất
nước bình yên để người dân có thể sống yên vui, yên tâm học hành, làm việc. Với
người dân, ơn bảo vệ sự ổn định cho đất nước là một ơn nghĩa lớn. Hơn nữa, ngày
xưa, người ta tôn Vua lên hàng đầu còn vì quan niệm Trung quân. Người được tôn
kính thứ hai sau Vua là Sư- người thầy. Sau đó, mới đến Phụ- người sinh thành ra
mình. Đây là điều rất lạ.
Vậy, tại sao người xưa lại coi công ơn thầy cô
nặng hơn công ơn cha mẹ ? Phân tích điều này, chúng ta mới thấy đựơc sự sâu sắc
trong cách nghĩ của người phương Đông. Quan niệm như vậy vì người ta cho rằng
công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái không thể tính kể được
nhưng dẫu sao công ơn đó cũng mang ý nghĩa vật chất. Cha mẹ cho chúng ta hình
hài, nuôi chúng ta khôn lớn…. nhưng tất cả những điều đó đều thuộc về vật chất.
Còn thầy cô cho chúng ta trí tuệ, đời sống tâm hồn. Đó là những yếu tố thuộc về
giá trị tinh thần nên có ý nghĩa lớn lao. Thử nghĩ, nếu không biết đọc, biết
viết, không được dạy dỗ về lẽ sống, về cách cư xử…, chúng ta sẽ sống như thế nào
? Chúng ta sẽ không hiểu biết gì về cuộc sống, chúng ta tỏ ra hỗn láo với người
lớn tuổi, sẵn sàng gây gổ với mọi người. Lúc ấy, chúng ta không có một chút giá
trị nào vì giá trị của con người được đánh giá trên khía cạnh tinh thần hơn là
vật chất. Điều này được biểu hiện qua trí tuệ, đạo đức, khả năng ứng xử với mọi
người. Người tu hành, người đệ tử Phật hay người thế gian sống trong cuộc đời
này đều cần những điều ấy để làm tăng giá trị của mình. Bởi vậy, thân tuy quan
trọng nhưng giá trị tâm hồn, giá trị tinh thần còn quan trọng hơn. Người Á Đông
đã khẳng định điều đó. Đây là điều rất sâu sắc, táo bạo mà người phương Tây
không nghĩ đến.
Nhưng giá trị tinh thần ấy có được phần lớn là nhờ công
ơn dạy dỗ của thầy cô giáo. Nhờ được học hành mà chúng ta có trí tuệ, hiểu sâu
sắc những vấn đề về tự nhiên - xã hội, biết nói năng lễ độ, biết cư xử đúng mực,
không xâm phạm đến quyền lợi của người khác vv... Chính vì thế mà người phương
Đông đã đặt công lao của người thầy trên công lao của cha mẹ. Cho đến hôm nay,
truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” đều được mỗi thế hệ người
dân Việt Nam gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, theo hệ thống giáo dục ngày nay, từ
khi mới chập chững vào trường cho đến khi thành tài, chúng ta đã được rất nhiều
thầy cô dạy dỗ, chăm sóc. Mỗi người lớn lên đều mang theo biết bao nhiêu hình
ảnh thầy cô trong trái tim mình. Vì vậy, để bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả
những người đã dạy dỗ mình không phải là điều đơn giản. Năm tháng qua đi, cuộc
sống có biết bao thay đổi, nhiều khi hình ảnh các thầy cô giáo đã dõi theo bước
chân mình một thời thơ ấu cũng dần nhạt phai. Đôi lúc nghĩ lại, chúng ta cũng
cảm thấy bùi ngùi xúc động, biết ơn thầy cô vô vàn nhưng có thể sẽ không bao giờ
được gặp lại. Vì vậy, biết ơn thầy cô, chúng ta chỉ cần sống tốt, tu dưỡng tài
năng, đạo đức từng ngày góp phần đem lại lợi ích cho chúng sinh. Đó cũng là cách
đền ơn có ý nghĩa nhất đối với những người đã có công bồi dưỡng cho chúng ta
những giá trị tinh thần.
Trong cuộc đời, không ai có thể sống mà không
có bạn bè. Bên cạnh những người thân trong gia đình, những người bạn tốt cũng có
thể chia sẻ với chúng ta những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Những lúc gặp
khó khăn, bạn bè sẽ giúp đỡ chúng ta vượt qua để cùng hướng về phía trước. Nếu
có những người bạn tốt, chúng ta có thể san sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau
những điều hay lẽ phải để cùng tiến bộ. Chúng ta cũng phải quý trọng và biết ơn
những người bạn ấy.
Khi đọc cuốn Trở về từ cõi sáng của Nguyên Phong,
chúng ta sẽ thấy có một chi tiết hơi khó hiểu. Nội dung chuyện kể về một người
đàn ông, sau khi chết, ông ta gặp một vị Thiên sứ trong thế giới vô hình. Ông
nói với vị Thiên sứ về ý nguyện của mình là muốn đi theo lý tưởng phụng sự cho
Chúa. Nghe xong, vị Thiên Sứ trả lời rằng: “Muốn đạt được ý nguyện đó, ông phải
sống một đời cô độc, không vợ con, không bè bạn, chấp nhận mọi nghịch cảnh đau
khổ…”. Những điều kiện khác có thể hiểu được nhưng không có bè bạn là điều rất
lạ, rất khó lý giải.
Con người sống cũng không thể tách rời mối quan hệ
với cộng đồng, xã hội. Trong cuộc đời, chúng ta còn chịu ơn của láng giềng, của
bà con hàng xóm. Ông bà ta thường nói : “Bà con xa không bằng xóm giềng gần”.
Những lúc “tối lửa tắt đèn”, những khi gặp khó khăn hoạn nạn, hàng xóm láng
giềng là người gần gũi nhất có thể giúp đỡ chúng ta.
Càng trưởng thành,
càng hiểu biết nhiều, chúng ta càng thấy rõ tương quan xã hội là một ân nghĩa
lớn. Chúng ta gần như bị đặt trong mối tương quan ơn nghĩa chằng chịt của xã
hội. Bát cơm chúng ta ăn là kết quả những ngày lao động vất vả “một nắng hai
sương” của người nông dân. Quần áo chúng ta mặc có công lao của những người thợ
dệt. Những vật dụng hằng ngày chúng ta vẫn sử dụng như: cây bút, quyển vở, bàn
ghế, tủ giường, chén đũa vv… có công lao không nhỏ của những người công nhân –
kỹ thuật, những người thợ. Chúng ta phải biết ơn tất cả những con người ấy. Vì
thế, khi ăn cơm xong, chúng ta thường thấy các vị chủ lễ tụng bài Hồi
hướng:
Thân phi nhất lũ, thường tư chức nữ chi lao.
Nhật
thực tam xan, mỗi niệm nông phu chi khổ…
Thân phi nhất lũ - thân này mặc
một manh áo thô sơ phải nghĩ đến nỗi cực nhọc của những cô gái làm nghề dệt
(thường tư chức nữ chi lao). Nhật thực tam xan, mỗi niệm nông phu chi khổ - mỗi
ngày ăn ba bữa, trong mỗi bữa ăn vẫn nghĩ đến công lao khó khổ của người nông
dân. Cái hay của đạo Phật là vậy. Khi ăn cơm vẫn nhắc người tu nhớ đến ân nghĩa
chằng chịt trong cuộc sống mà mình phải chịu. Trong đó, ơn nghĩa của những người
đáp ứng hai nhu cầu căn bản nhất của con người (ăn và mặc) là ơn nghĩa lớn nhất,
đáng ghi nhớ nhất.
Suy rộng ra, trong cuộc sống còn rất nhiều người
chúng ta cần phải biết ơn. Đối với người tu, lòng biết ơn càng phải lớn hơn, sâu
sắc hơn. Không chỉ biết ơn người nông dân tạo ra lương thực, người thợ dệt tạo
ra vải vóc, chúng ta còn biết ơn tất cả những người đã góp phần xây dựng cuộc
sống này, xã hội này. Bất kể họ đã làm được điều gì, miễn là có ích cho xã hội,
đều tạo thành ơn nghĩa đối với chúng ta. Những người cảnh sát giữ gìn an ninh
trật tự đem lại cho mọi người cuộc sống bình yên cũng làm chúng ta biết ơn. Nếu
không có họ, xã hội sẽ rối loạn, mạnh ai nấy sống, chúng ta cũng không thể yên
tâm tu hành. Bệnh tật là một nỗi khổ lớn của con người. Những bác sĩ, những thầy
thuốc đã cố gắng xoa dịu phần nào nỗi đau khổ về bệnh tật cho chúng ta. Mỗi
người chúng ta ai cũng phải biết ơn họ. Những người lãnh đạo trong bộ máy Nhà
nước (trừ những người lãnh đạo độc tài, tham nhũng, vơ vét, bóc lột nhân dân… )
đều là những người chúng ta phải biết ơn. Vì họ đã “đứng mũi chịu sào”, lo cho
dân, cho nước, tìm cách làm cho xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ. Nếu chúng ta
luôn mong cho xã hội được phát triển, tăng tiến về mặt Đạo đức, ai cũng biết
thương yêu nhau thì những người làm trong bộ máy Nhà nước mong xây dựng một đất
nước có nền kinh tế phát triển, vật chất dư thừa, đời sống người dân ổn định vv…
Nói đến điều này, chúng ta nhớ đến một sự kiện xảy ra gần đây ở Đài Loan khiến
nhiều người phải ngạc nhiên. Sau khi tốt nghiệp Đại học, mấy chục sinh viên
không đi làm việc mà vào chùa tu hành. Một vị lãnh đạo cao cấp của Đài Loan,
trong một bài diễn văn, cho rằng đây là một ngày ảm đạm của đất nước. Vì bao
nhiêu nhân tài đã bỏ công lao học tập để đi tu. Nhưng qua tìm hiểu, người ta tỏ
ra rất nể phục vị Hòa thượng đã làm cho những con người trẻ tuổi đầy mơ ước ấy
dám khước từ tương lai phía trước để đi vào cuộc sống tu hành đạm bạc. Phải là
người tu hành chân chính, đầy uy đức, vị Hòa thượng mới có thể làm được điều
đó.
Qua sự kiện này, chúng ta thấy suy nghĩ của vị Tổng thốâng không
giống với suy nghĩ của những người tu. Chúng ta cảm thấy vui mừng khi có những
người tuổi trẻ, học cao chọn con đường tu hành làm lý tưởng cho cuộc đời mình.
Vì những người có trình độ như vậy, khi đi đi tu, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi
ích cho Phật pháp, có thể đem chánh pháp đến cho chúng sinh. Chính điều này sẽ
góp phần làm cho xã hội tăng trưởng đạo đức, tăng điều thiện, giảm đi cái xấu,
cái ác. Sự chọn lựa của họ không những không gây trở ngại cho sự phát triển của
đất nước mà còn đem lại nhiều lợi ích.
Tuy lý tưởng của người tu và lý
tưởng của những người trong bộ máy lãnh đạo của chính quyền có nhiều điểm không
giống nhau nhưng chúng ta vẫn biết ơn họ vì họ phải lo lắng ưu tư, có khi phải
làm việc vất vả suốt ngày đến quên ăn, quên ngủ để tìm ra kế sách đưa đất nước
đi lên.
Sống trong thời bình, nhiều người không nghĩ đến công ơn của
những chiến sĩ đã từng chiến đấu ngoài mặt trận. Nhưng nếu sống trong hòan cảnh
đất nước có chiến tranh, chúng ta mới thấy được công ơn của họ lớn đến mức nào.
Họ không tiếc tính mạng, tuổi xuân của mình, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho Tổ
quốc, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Gần đây nhất là cuộc chiến tranh
chống bọn Khơmer Đỏ trên chiến trường Campuchia. Sau năm 1975, ở Campuchia, bọn
Khơmer Đỏ lên nắm chính quyền. Chúng tiến hành cuộc thanh lọc chủng tộc rất tàn
bạo. Người nào bị liệt vào danh sách không tốt đối với việc xây dựng chủ nghĩa
cộng sản, chúng đập đầu cho đến chết. Khoảng hai triệu người dân đã bị giết
trong cuộc thanh lọc đó. Trong khi đó, tổng số dân Campuchia lúc bấy giờ chỉ
vào khoảng bốn triệu người. Thật khủng khiếp! Chưa hết, chúng còn tràn qua vùng
Châu Đốc, vào làng Ba Chúc, giết hàng loạt người dân Việt Nam. Hiện nay, Nhà
nước ta còn trưng bày hàng đống sọ để ghi lại tội ác của bọn chúng. Đó là vào
khoảng năm 1979. Không chịu nổi sự tàn bạo ấy, Nhà nước ta đã lập kế hoạch đem
quân qua đánh đuổi Khơmer Đỏ, giải phóng Campuchia. Lúc bấy giờ, sự diệt chủng
của quân Khơmer Đỏ mới tạm dừng lại. Ngày nay, người dân Campuchia phải biết ơn
chính phủ ta. Nếu không có bộ đội ta đổ biết bao xương máu để giải phóng họ
thoát khỏi tay bọn Khơmer Đỏ thì liệu Nhà nước Campuchia có còn tồn tại và nhân
dân Campuchia còn được bao nhiêu người sống sót ? Vậy mà, lúc ấy, Quốc tế lại
cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia và lên án chúng ta. Đối với Campuchia, Việt
Nam là ân nhân của họ. Người dân Campuchia đến bây giờ vẫn chưa biết cái ơn đó
mặc dù chúng ta đã cứu họ bằng xương máu của mình. Cho đến mười mấy năm sau, bộ
đội Việt Nam vẫn tiếp tục qua Campuchia chống bọn Khơmer Đỏ trong rừng. Số bộ
đội chết còn nhiều hơn trong chiến tranh hai chục năm trước. Nhà nước ta đã
không kể công vậy mà Quốc tế cứ lên án Việt Nam đi xâm lược. Nhưng sự thật vẫn
luôn là sự thật. Chúng ta đã đổ bao nhiêu máu xương để giúp nhà nước Campuchia
đồng thời giữ được sự bình yên cho miền Tây Nam bộ của đất nước mình. Chúng ta
không thể phủ nhận công lao và sự hy sinh của những chiến sĩ trong những năm
tháng ấy.
Cho đến hôm nay, mỗi khi nghe lại những bài hát viết về anh bộ
đội, lòng chúng ta vẫn bùi ngùi xúc động và vô cùng biết ơn họ. Sống ở hậu
phương, xa rời tiếng bom, tiếng súng, chúng ta cứ thanh thản ăn ngủ và làm việc.
Trong khi đó, suốt cả ngày đêm, ngoài trận tuyến, những anh bộ đội phải đối diện
với quân thù, đối diện với cái chết từng ngày, từng giờ. Vì vậy, ơn nghĩa của họ
đối với quê hương, đất nước to lớn vô cùng. Nếu chỉ biết thỏa mãn với đời sống
yên lành như hôm nay, chúng ta sẽ không hiểu được sự hy sinh thầm lặng của họ
ngày hôm qua.
Nói tóm lại, chúng ta phải luôn nhớ rằng, sống trong cuộc
đời này mình đã chịu biết bao ơn nghĩa chằng chịt và mỗi người phải có ý thức
đền ơn.
3. ƠN TAM BẢO LÀ VÔ BIÊN VÔ
LƯỢNG
Chúng ta biết rằng, thân xác này đến một lúc nào đó sẽ tan
hoại, không thể tồn tại vĩnh viễn. Cho nên, ơn nghĩa về vật chất mà bao nhiêu
người đã cho chúng ta cũng tương đối tạm bợ, không lâu bền. Cuộc đời này lại lắm
niềm vui, nhiều đau khổ và cũng đầy sự đày đọa. Có lúc con người sống giàu sang
sung sướng, có khi lại rơi vào nghèo khổ lầm than. Nói như vậy để chúng ta hiểu
một điều, trong cuộc sống này, chúng ta mang ơn rất nhiều người nhưng cũng chịu
không ít những vui buồn sướng khổ mà cuộc đời đem lại. Vì vậy, ơn nghĩa mà chúng
ta chịu của bao nhiêu người có khi rất quý, cũng có khi không còn quý
nữa.
Lấy ví dụ từ câu nói đơn giản của một đứa trẻ, chúng ta có thể hiểu
được điều này. Có một đứa bé đang chơi thì bị muỗi cắn. Nó khóc và trách mẹ:
“Trời ơi, sao đẻ con ra làm chi để cho muỗi nó cắn con”. Lời trách rất trẻ con
nhưng cũng gợi cho chúng ta những suy nghĩ. Đúng là cha mẹ cho chúng ta cuộc
sống này; thầy cô giáo chăm sóc, vun đắp cho chúng ta cuộc sống này; người nông
dân, người thợ dệt, người bác sĩ, kỹ sư … góp phần đem lại cho chúng ta cuộc
sống này. Nếu hạnh phúc, chúng ta sẽ vô cùng biết ơn họ. Nhưng cuộc sống lại có
khi vui sướng, có khi khổ đau tê tái. Đôi lúc quá đau khổ, chúng ta đâm ra hận
những người đã cho mình cuộc sống này và không biết ơn họ nữa. Điều đó chẳng
khác gì lời trách của đứa bé đối với mẹ.
Vì vậy, tuy biết ơn mọi người
nhưng chúng ta vẫn hiểu cuộc sống này chỉ tương đối, vừa ngắn ngủi vừa khổ vui
đắp đổi. Ơn nghĩa của bao nhiêu người cho ta vô cùng nặng nhưng cũng tương đối,
cũng ngắn ngủi, cũng tạm bợ vậy thôi. Nói như thế không phải chúng ta tỏ ra vô
ơn mà để so sánh với một ơn nghĩa khác lớn lao hơn, vĩnh hằng hơn, thiêng liêng
hơn, bất diệt hơn. Đó là ơn Tam Bảo, ơn của người cho chúng ta con đường về với
ánh sáng vô tận, cho chúng ta con đường đi đến nơi an lạc vĩnh hằng, đến nơi
giải thoát không còn biên giới. So sánh như vậy để chúng ta thấy cái ơn mà chúng
ta phải chịu đối với Tam Bảo là vô biên vô lượng, không thể tính kể
được.
Mặt khác, chúng ta cũng biết luân hồi vốn vô tận. Nghĩa là trong
mỗi kiếp sống, chúng ta đã thọ ơn và cũng đã đền ơn. Khi đã chết, qua kiếp sống
khác, chúng ta lại thọ ơn và lại đền ơn. Cứ tiếp tục như vậy, thật là đắng cay
và mỏi mệt. Quả thật, chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với bản thân mình nhưng
cũng chịu bao nhiêu sự giúp đỡ của người khác nên phải biết ơn. Nhưng những cái
ơn ấy cũng chỉ lẩn quẩn trong luân hồi, ràng buộc, cay đắng, mỏi mệt. Vì vậy, dù
chịu ơn rất nhiều người, chúng ta vẫn khổ đau chứ không có an vui, hạnh phúc
thật sự.
Trong vòng luân hồi này, Nhân Quả thật đáng sợ. Chỉ cần làm một
điều lỗi là chúng ta phải trả giá ngay, chỉ cần làm một điều lỗi là quả báo đến
liền. Có người chỉ lỡ nói một câu không đúng mà bị hóa điên bao nhiêu năm trời
mới khỏi. Hoặc có người trong lúc giận, lỡ đánh người khác một cái, quả báo trả
đến năm, mười năm chưa hết. Nhân Quả đáng sợ như vậy, cho nên, sống trong cuộc
đời này, ơn nghĩa bao nhiêu người vẫn không bằng ơn của một người cho chúng ta
ánh sáng, đường đi và chân lý. Chỉ riêng giáo lý về Nhân Quả thôi đã cho chúng
ta con đường để đưa cuộc đời mình đi về nơi bình yên, thánh thiện và hạnh phúc.
Nhờ hiểu được Nhân Quả của Phật dạy, chúng ta cẩn thận trong từng hành vi, từng
lời ăn tiếng nói, tránh Nhân xấu, mãi mãi cố gắng gây tạo những Nhân lành. Nhờ
gây tạo Nhân lành, cuộc đời chúng ta dần dần phát triển. Có thể chặng đầu của
cuộc đời, chúng ta là con người tầm thường, nghèo khổ nhưng nhờ biết tin theo
lời Phật dạy, biết làm phước giúp người, biết làm việc công quả mà quãng đời còn
lại chúng ta sống sung sướng hơn. Khi chết, qua kiếp sau, chúng ta còn vinh
quang hơn nữa. Như vậy, chỉ nhờ biết Nhân Quả mà cuộc đời chúng ta đã dần dần
chuyển sang hướng tốt đẹp, yên vui thánh thiện.
Cao hơn nữa, với giáo lý
Giải thoát, Thiền định…, Phật đã mở cho chúng ta con đường thoát khỏi tam giới
ngục tù này. Trong vô lượng kiếp trước, chúng ta là những kẻ còn lang thang
trong luân hồi, không có ánh sáng, không có lối ra. Mãi mãi chúng ta sẽ chìm sâu
trong bóng tối của vô minh, của si mê, của tham lam hờn giận, chỉ biết sống cho
mình, giành giật đấu tranh chém giết và gây tạo nhiều điều lầm lỗi nếu không có
Đức Phật mở ra con đường đi về nơi ánh sáng, thoát khỏi luân hồi đầy đắng cay và
mỏi mệt này. Trên con đường ấy, chúng ta biết vượt qua chính mình, thoát khỏi sự
hận thù nhỏ nhoi, tầm thường, ích kỷ; biết trải lòng thương yêu, lo cho tất cả
mọi người. Chính những Nhân lành ấy giúp chúng ta đi trong luân hồi bớt đau khổ.
Nhân lành ấy cũng giúp chúng ta đi dần ra khỏi luân hồi, khỏi tam giới hướng về
phía ánh sáng.
Một khi chúng ta đã giác ngộ, bước ra khỏi luân hồi thì
niềm vui, niềm hạnh phúc có được là bất tận, không có giới hạn. Vì vậy, khi làm
lễ giỗ Hòa thượng Thiện Hoa, Thầy mình, Hòa thượng Thanh Từ có nói một câu rất
hay : “Cha mẹ con cho con cái hình hài này, rồi sau mấy chục năm cũng phải tan
hoại. Nhưng Thầy cho con trí tuệ, mà một khi con mắt trí tuệ này mở thì đường
luân hồi vĩnh viễn bước ra”. Đây là sự nhận định rất sâu sắc, chính xác đối với
Tam Bảo. Chúng ta có được ngày hôm nay, có được giá trị này đều nhờ ơn của người
đầu tiên là Đức Phật. Nếu không có luật Nhân Quả, chúng ta không biết cuộc đời
mình hôm nay sẽ ra sao.
Mỗi ngày đi lại trên đường phố, chúng ta vẫn
thường thấy những con người nghèo khổ không nhà cửa, trong đêm mưa bão phải co
ro nấp vào mái hiên của người khác hay trú dưới những gầm cầu. Chúng ta cảm thấy
thương họ khi bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng như thế. Nhưng xét trên Nhân Quả,
có lẽ trước kia họ đã gây nên những lầm lỗi gì đó nên bây giờ phước không còn,
họ phải chịu quả báo như vậy. Khi nghĩ đến điều này, chúng ta biết ơn Tam Bảo vô
hạn. Chính nhờ Phật dạy dỗ luật Nhân Quả, nghiệp báo mà từ nhiều kiếp trước,
chúng ta đã cố gắng giữ được tư cách của con người, biết làm điều hay, lẽ phải,
biết tránh những điều xấu, điều ác nên bây giờ có một cuộc sống bình yên. Là
Tăng Ni, chúng ta được thảnh thơi tu hành. Là Phật tử, chúng ta cũng là người có
giá trị trong cuộc sống, không ai dám khinh bỉ.
Chỉ giáo lý đó thôi mà
Phật đã mở ra cho cuộc đời chúng ta không biết bao nhiêu an vui, hạnh phúc. Khi
tin được Nhân Quả, biết làm điều thiện, giáo lý đó in sâu vào lòng chúng ta từ
kiếp này sang kiếp khác. Cứ như vậy, ở kiếp nào chúng ta cũng dễ gặp được Phật
pháp, dễ làm được những điều thiện và tránh rơi vào đau khổ. Cũng nhờ tin được
giáo lý Giải thoát, nhờ phát tâm tu tập Thiền định, phát những lời nguyện đi về
phía giải thoát mà kiếp này sang những kiếp khác, chúng ta luôn luôn gặp được
Phật pháp để tu hành. Chúng ta biết niệm Phật, biết ăn chay, biết giữ giới, thực
hành thiền định… để từng bước, dần dần đi ra khỏi luân hồi đau khổ. Vì vậy, ơn
nghĩa mà chúng ta chịu đối với Phật rất lớn, không thể tính kể được.
Thử
so sánh niềm vui có được trong cuộc sống bình thường tạm bợ, ngắn ngủi này với
niềm vui Tam Bảo đem lại, chúng ta sẽ thấy sự bình yên, thánh thiện, niềm vui,
niềm hạnh phúc… mà Phật pháp cho chúng ta thật cao cả và trường cửu. Niềm vui đó
vượt hơn hẳn vật chất tầm thường. Chúng ta đã thừa nhận giá trị của con người là
ở tâm hồn, mà Phật pháp làøđỉnh cao của giá trị tinh thần nên sự bình yên thánh
thiện mà Tam Bảo đem lại cho chúng ta là vô giá. Vì vậy, lòng biết ơn của chúng
ta đối với Tam Bảo là vô hạn.
Mặt khác, vì giá trị của sự giác ngộ siêu
thoát là tuyệt đối nên lòng biết ơn của chúng ta đối với Phật là tuyệt đối. Khi
mới bước vào con đường tu hành, nghe nói điều này, nhiều khi chúng ta chưa cảm
nhận được. Một ngày nào đó, khi đã cố gắng tu hành, lễ Phật, cố gắng tu tập
Thiền định, làm bao nhiêu điều lành và bất ngờ đạt được sự giác ngộ, đạt được
một sự bừng ngộ thật sự, tâm hoàn toàn chuyển sang một trạng thái khác vô cùng
an lạc; lúc đó chúng ta mới có cảm xúc mãnh liệt đối với ơn nghĩa của chư Phật,
đối với ơn của Tam Bảo.
Ngày nay, gặp được Phật Pháp, chúng ta biết ơn
vô số các bậc tôn túc, Tổ sư đã giữ gìn chánh pháp. Đó là những người tu hành
sâu sắc, trí tuệ lỗi lạc, gây được ảnh hưởng và phát triển được Phật pháp. Như
chúng ta biết, Phật pháp đã trải qua nhiều giai đoạn, tâm tình con người luôn
thay đổi, lời Phật dạy lại cô đọng. Nếu không có các vị Tổ sư sáng suốt, tùy tâm
tình mà phát triển làm phong phú thêm cho Phật pháp, gây được ảnh hưởng lâu dài
đối với con người thì ngày hôm nay, chúng ta có còn gặp được Phật pháp hay
không ? Vì vậy, ơn nghĩa của các vị Tổ sư cũng vô cùng lớn lao.
Hiện
nay, chúng ta được tu học trong trường là nhờ công lao của các bậc tiền bối Tôn
sư. Vì chính các vị ấy đã có công giáo hóa, dạy dỗ những tín đồ cư sĩ giúp đỡ
chúng ta tu học. Biết ơn đàn na tín thí cũng có nghĩa là chúng ta biết ơn những
vị Hòa thượng, những bậc tiền bối Tôn sư ấy.
Chưa hết, chúng ta còn biết
ơn của Bổn sư quy y đầu tiên, người đã cho chúng ta thọ được tam quy ngũ giới.
Khi quy y, có nhiều vị Bổn sư giỏi đã dạy cho đệ tử được nhiều điều hay trong
cuộc sống. Chúng ta không thể không nhớ ơn người có công đầu tiên ấy. Bên cạnh
đó, chúng ta còn biết ơn vị Bổn sư thế độ, người đã cho mình xuống tóc để bước
vào hàng ngũ của Tăng sĩ. Khi vì nhân duyên học hỏi, chúng ta tìm đến với một
vị Y chỉ để nương tựa. Công lao của vị này cũng rất lớn, chúng ta phải nhớ ơn.
Khi đã bước vào cuộc sống tu hành, chúng ta phải biết ơn Giới sư, những người đã
có công truyền giới, dạy luật cho chúng ta.
Trong thời gian đang tu học
tại trường, chúng ta phải biết ơn của Giáo thọ, Giám viện, Giám hiệu. Đó là
những vị đã cưu mang, lo lắng cho chúng ta từng ly, từng tí. Cứ nhìn ra ngoài
thế gian, thấy nỗi vất vả, khó nhọc của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái
như thế nào, chúng ta sẽ hiểu được nỗi cực nhọc của quý Thầy lớn trong Ban giám
hiệu khi lo lắng cho bao nhiêu người chúng ta yên tâm tu học. Công lao đó lớn vô
cùng. Thực ra, quý Thầy quan tâm lo lắng như vậy không phải vì lợi ích của bản
thân mình sau này mà vì tiền đồ của Phật pháp. Tạo điều kiện cho thế hệ sau tu
học là quý Thầy mong chúng ta trở thành người tốt, lớn lên giữ gìn Phật pháp,
đem Phật pháp giáo hóa lại cho vô số những chúng sanh về sau.
Ngoài ra,
để được yên tâm tu học, chúng ta còn biết ơn của Giáo hội, Tăng đoàn. Đạo Phật
chúng ta có truyền thống tập hợp các chư Tăng lại trong một tổ chức đểø giúp đỡ,
nương tựa lẫn nhau. Trong đó, những vị trong Giáo hội thường là người gánh vác
trách nhiệm nhiều nhất (trừ một vài trường hợp cá biệt, đó là những người ở
trong Giáo hội nhưng ích kỷ, không lo được cho Tăng chúng).
Nói tóm lại,
để được ổn định tu học như ngày hôm nay, chúng ta đã chịu ơn vô biên vô lượng từ
Tam Bảo. Ở đâu, lúc nào, chúng ta cũng có thể nhìn thấy được công ơn
đó.
4. ĐỀN ƠN.
Biết ơn
là một tính chất của Đạo đức. Bởi vậy, từ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả
những ơn nghĩa đã thọ trong cuộc sống, chúng ta nguyện sẽ đền ơn xứng đáng.
Nhưng ân nghĩa mà chúng ta đã thọ nhận trong suốt cuộc đời này là vô hạn, không
tính kể được trong khi cuộc đời chúng ta thì ngắn ngủi, đôi tay chúng ta lại nhỏ
bé, làm sao để đền ơn cho xứng đáng ? Làm sao chúng ta có thể đem đôi tay nhỏ bé
này, cuộc đời hữu hạn này để đền được công ơn vô hạn của bao nhiêu người đã cho
ta trong cuộc sống này ?
Để đền đáp công ơn vô hạn ấy, chúng ta nguyện
lòng đem cả cuộc đời này sống vì Phật pháp, sống để làm lợi ích cho chúng sinh.
Nghĩa là, chúng ta phải thực hiện một cuộc sống vị tha trọn vẹn. Vì khi đã hiểu
được ơn nghĩa mà mình đã thọ nhâïn như vậy, nếu chỉ sống cho mình, chúng ta
không xứng đáng làm người đệ tử Phật nữa. Nếu trong tâm còn tồn tại, dẫu rất ít
ỏi, dấu hiệu của sự vị kỷ thì không bao giờ chúng ta đền được ơn nghĩa lớn lao
mà trong đời mình đã thọ nhận. Chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là nguyện sống
trọn đời vị tha. Trong mỗi lời nói, hành động cũng như trong những ý nghĩ thầm
kín, chúng ta đều vì mọi người, không bao giờ vì bản thân mình. Phải tích lũy
hết kiếp này đến kiếp khác chúng ta mới có thể đền được ơn nghĩa lớn lao mà
người khác đem đến cho chúng ta từ bên ngoài thế gian cũng như trong Đạo. Như
vậy, sống vị tha là cách đền ơn hay nhất đối với Tam Bảo. Trong đó, quan trọng
nhất là chúng ta phải làm cho mọi người đều biết Phật pháp.
Sự thật,
trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có thể trực tiếp đền ơn trở lại
người mà mình đã thọ ơn. Chẳng hạn, khi đã lớn, thấu hiểu công ơn cha mẹ, chúng
ta muốn đền đáp công ơn to lớn ấy nhưng cha mẹ lại không còn nữa. Hoặc một lần
nào đó trong đời, chúng ta rơi vào tình cảnh éo le, giữa đường bị trộm vét sạch
túi. Lúc bấy giờ, một người tốt bụng đã cho tiền chúng ta về xe. Chỉ gặp nhau
trong thoáng chốc giữa đường luân hồi vô tận này rồi người ta đi mất, biết bao
giờ chúng ta tìm được họ để đền ơn ?
Một cư sĩ kể rằng, một lần, khi trở
về từ một làng quê, trong túi anh ta không còn lấy một đồng trong khi bụng đói,
lại phải cuốc bộ trên con đường rất dài giữa trưa nắng. Lúc ấy, trông thấy một
ngôi chùa, anh ghé vào xin cơm ăn. Nghe anh nói rất thành thật, Sư cô đã vồn vã,
ân cần mời anh ăn cơm, sau đó còn cho anh tiền về xe nữa. Ân nghĩa đó suốt đời
anh không quên. Vì trong lúc khốn cùng, anh đã được người ta giúp đỡ lại giúp
trong thái độ ưu ái. Sau này, nghĩ đến điều đó, lòng anh cứ canh cánh một điều
mong tìm lại chốn cũ để đền ơn Sư cô, đền ơn ngôi chùa đó. Nhưng do bận sinh kế,
vợ con hàng ngày, anh chưa có điều kiện trở lại. Khi tâm sự với một Thầy trụ trì
ngôi chùa gần nhà, Thầy đã khuyên anh đừng bận tâm nghĩ đến chuyện đền ơn ngôi
chùa và Sư cô đã giúp mình mà có thể giúp đỡ bất cứ người nào xung quanh mình
bằng tình thương yêu như Sư cô đã từng giúp anh. Làm được như vậy nghĩa là anh
đã đền ơn được Sư cô ấy. Nghe lời khuyên, anh đã hiểu ra và nguyện sẽ sống tốt
với mọi người. Từ khi thay đổi quan niệm về cách trả ơn, anh cảm thấy lòng mình
tự nhiên rộng mở hơn.
Như vậy, nhiều khi chúng ta không đền ơn trực tiếp
mà chỉ đền ơn gián tiếp với những người khác. Điều ấy còn cao cả hơn, quý giá
hơn là mong đền ơn trực tiếp với ân nhân của mình. Chỉ nghĩ đến việc trả ơn
người đã giúp mình, tâm chúng ta còn quá nhỏ hẹp. Hãy nghĩ rằng, không đền ơn
trực tiếp được cho cha mẹ, chúng ta sẽ đền ơn bằng cách làm lợi ích cho bao
nhiêu người khác; không đền ơn được Phật, chúng ta đem Phật pháp cứu giúp những
người khác. Đó là cách đền ơn tốt nhất. Tương tự như vậy, đối xử tốt với mọi
người là chúng ta đã trả được ơn đối với ân nhân của mình.
5. SỰ ĐỀN ƠN CÓ Ý NGHĨA NHẤT.
Trong tất
cả những sự đền ơn, việc đem Phật pháp đến với chúng sinh là sự đền ơn có ý
nghĩa nhất. Vì sao như vậy? Vì vật chất luôn tạm bợ. Nếu chúng ta cho người khác
tiền của nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không có ý nghĩa vì đến lúc nào đó, tiền
của cũng hết. Nhưng nếu cho mọi người lòng tin hiểu Nhân Quả để đi trong luân
hồi, chúng ta có thể cứu họ thoát khỏi đau khổ. Đó mới là điều đáng quý. Vì vậy,
chúng ta đền ơn Phật, đền ơn Tam Bảo không phải chỉ biết lạy Phật, cúng dường
tiền bạc mà phải tiếp tục đem Phật pháp cao quý đến những người chưa biết. Chúng
ta phải xem việc những người xung quanh mình chưa biết Phật pháp là nỗi đau khổ
của chính mình. Chừng nào người biết Phật pháp còn ít, chừng đó thế gian này
bóng tối còn nhiều hơn ánh sáng. Khi nhìn thấy trên cuộc đời này còn nhiều người
nhởn nhơ, sống một cách theo cảm tính, không có ánh sáng, không có đạo lý, chúng
ta phải biết đau xót và nguyện lòng đem Phật Pháp đến cho họ. Làm được như vậy
nghĩa là chúng ta đã đền ơn Phật, đền ơn Tam Bảo.
Từ những người xung
quanh mình, chúng ta mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Hiện nay, thế giới có khoảng
năm tỷ người. Trong đó chỉ có hơn ba trăm triệu người biết Phật pháp. Trong khi
đó, Thiên Chúa giáo chiếm khoảng hơn một tỷ, Hồi giáo hơn một tỷ… Ngoài ra, một
số ít người theo Ấn Độ giáo và đạo địa phương, số còn lại không có đạo. Đó là
nỗi đau của tất cả những người con Phật có lương tâm, có lòng biết ơn Tam Bảo.
Chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu tỷ người trên thế giới này chưa biết Phật pháp,
phải nhận đó là trách nhiệm của mình và phải có sự phát nguyện lớn - phát nguyện
làm cho họ biết Phật pháp.
Trước hết, chúng ta không được sống tầm
thường, tu cho qua ngày hay tu vì mục đích lớn lên làm trụ trì, làm giảng sư cho
có tiếng tăm. Chúng ta phải nghĩ đến thế giới còn nhiều người chưa biết đến Phật
pháp. Ơn nghĩa chúng ta nhận được là vô hạn nên chúng ta cũng phải làm điều gì
có ý nghĩa lớn lao để đền lại ơn ấy. Hãy bắt đầu bằng lòng vị tha, sau đó đem
Phật pháp đến cho mọi người và xa hơn nữa là làm cho tất cả mọi người trên trái
đất này đều có Đạo đức. Chúng ta cứ phát nguyện như vậy. Một khi đã biết ơn Tam
Bảo, đã nguyện lòng đền trả thì dù gặp bao nhiêu khó khăn, dù kiếp này hay nhiều
kiếp nữa, chúng ta cũng phải thực hiện cho bằng được.
Một điều nữa là
chúng ta phải cho mọi người giáo lý Thiền định để họ đi dần ra khỏi luân hồi. Vì
chỉ có Thiền định mới là con đường đi ra khỏi luân hồi sinh tử. Muốn dạy người
khác giáo lý Thiền định, chúng ta phải thực hành trước, phải tu hết sức tinh
tấn, hết sức hoàn hảo vì nếu còn nhiều điểm sơ hở, chúng ta rất khó giáo hóa
người khác. Tất nhiên, bây giờ chúng ta không thể đạt đến sự tuyệt đối nhưng
phải khá hoàn hảo, ít có tì vết để có thể đủ sức mạnh đem giáo pháp đến với mọi
người.
Tóm lại, muốn đền ơn Tam Bảo, muốn đền ơn cuộc đời này, chúng ta
phải sống rất vị tha, phải làm lợi ích cho mọi người và đem Phật pháp đến cho
họ. Và muốn đem Phật Pháp đến cho mọi người, chính chúng ta phải tu hành cho
tinh tấn.
6. VÀI KHÍA CẠNH KHÁC.
Như chúng ta đã biết, sự sống của con người có tương quan chặt
chẽ với thiên nhiên. Chúng ta không thể tồn tại được nếu không có rừng cây,
không khí, sông nước, mặt trời… Bởi vậy, không chỉ biết ơn con người, biết ơn
Tam Bảo, chúng ta còn phải biết ơn thiên nhiên. Hãy nhớ rằng, yêu thiên nhiên
cũng là một tính chất của Đạo đức, nhất là đối với nguời tu sĩ. Biết ơn thiên
nhiên, mỗi người phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên. Điều này chúng ta sẽ tìm
hiểu sâu sắc hơn trong bài Yêu thiên nhiên.
Nói đến biết ơn và trả ơn,
chúng ta cũng cần lưu ý một điều: Biết ơn nhưng chúng ta cũng biết cách đền ơn
theo chánh pháp vì có nhiều khi ân nhân chưa phải là người chân chính, chúng ta
không nên lệ thuộc vào họ. Chẳng hạn, một tên tướng cướp thường có nhiều lâu la,
nhiều tay chân vì kiếp trước, những tên tay chân đó đã thọ ơn của tên cướp ấy.
Vì mang ơn nên bây giờ khi người đó làm tướng cướp, những người này phải đi theo
và nghe lời sai bảo. Hoặc người giúp việc trong một gia đình Phật tử (vì kiếp
trước có mắc nợ gia đình ấy) chắc chắn cũng bị ảnh hưởng Phật pháp. Hàng ngày,
thế nào chủ nhà thường sai người ấy thắp nhang, lau tượng Phật, đem kinh cho
người khác, đem gạo cho hàng xóm…
Như vậy, thọ ơn một người xấu, chúng ta
phải đi theo con đường xấu; thọ ơn người tốt, chúng ta sẽ đi theo con đường tốt.
Nhưng cái khó là chúng ta không biết kiếp trước mình đã thọ ơn ai. Có khi chúng
ta đã lỡ thọ ơn người xấu nhưng phải cẩn thận, phải tỉnh táo, không bao giờ được
lệ thuộc bởi ân nhân của mình. Có thể chúng ta đã mắc nợ ơn nghĩa của họ nhưng
quyết không trả nợ bằng cách để họ sai xử. Chúng ta phải tỉnh táo thoát ra và
trả ơn họ bằng cách khác, đúng với chánh pháp.
Đối với người tu chúng
ta, ơn phải nhớ, thù phải quên. Trong cuộc sống, nếu được người khác giúp đỡ,
chúng ta không được phép quên. Nhưng nếu bị người khác nói nặng lời, gây gổ hoặc
mưu hại, chúng ta phải quên, phải gạt ra khỏi tâm. Chúng ta phải biết dùng tình
thương xóa bỏ hận thù, biết đền ơn nhưng không trả oán.
Điều cuối cùng
chúng ta cần nhớ là trước khi ngồi thiền phải cố gắng nghĩ đến những ơn nghĩa mà
mình đã thọ trong cuộc sống này. Như vậy, chúng ta sẽ được tăng thêm sức mạnh
của sự tinh tấn. Mỗi khi ngồi thiền gặp khó khăn, tâm không nhiếp được, chúng ta
lắng lòng nghĩ đến ơn nghĩa của Tam Bảo, của cha mẹ, của đàn na tín thí, của
Thầy trưởng, Sư trưởng…. rồi quyết nhiếp tâm, không nản chí, chúng ta sẽ đạt
được. Trong cuộc sống tu học cũng vậy, nhiều lúc gặp những khó khăn, trở ngại,
chúng ta hãy nhớ rằng mình đã chịu ơn nhiều quá, không thể lui bước mà phải tấn
tới, thực hiện trọn vẹn lý tưởng của Phật pháp để sau này đền ơn tất cả. Lòng
biết ơn cũng làm cho chúng ta tăng thêm sức mạnh, tăng thêm sự tinh tấn.