Tâm Lý Đạo Đức


Tỳ Kheo Thích Chân Quang
16/07/2011 10:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 110891
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TINH TẤN

1. TINH TẤN LÀ SỰ CỐ GẮNG THỰC HIỆN THIỆN PHÁP.

Nếu Nhẫn nhục là biết chịu đựng nghịch cảnh, đối diện với những quả báo trong quá khứ thì Tinh tấn là đối diện với tương lai, gieo những nhân tốt cho tương lai. 

Tinh Tấn là nỗ lực, là sự cố gắng thực hiện Thiện Pháp cho vị lai. Thiện Pháp có hai loại chính: Một là, tạo công đức để làm lợi ích cho chúng sinh. Hai là, nhiếp tâm trong Thiền định. Thực ra, nghĩa chính của Tinh tấn là nhiếp tâm trong Thiền định, còn tạo công đức, làm lợi ích chúng sinh chưa hẳn gọi là Tinh tấn vì chữ Tinh trong Tinh tấn có nghĩa là tinh tế, tinh xảo, tinh vi. Có lúc chúng ta cũng cố gắng làm những việc tốt, việc thiện nhưng những việc làm ấy vẫn chưa được gọi là tinh, vẫn chỉ là thô. Việc làm thực sự tinh vi, tinh tế phải là sự nỗ lực nhiếp tâm trong Thiền định. Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi ý nghĩa, Tinh tấn còn là những nỗ lực trong những thiện pháp khác, cũng như trong việc làm lợi ích chúng sinh. 

Ngoài ra, cố gắng học hỏi giáo pháp cũng có thể gọi là Tinh tấn, vì cố gắng học để hiểu và đi đúng con đường của đạo Phật cũng đem lại lợi ích cho chúng sinh. Ngày xưa, Đức Phật thường ca ngợi những người đa văn (nghe nhiều). Lúc bấy giờ, ở Ấn Độ nghe có nghĩa là học, nghe người khác nói gọi là văn. Người nghe nhiều có nghĩa là người học nhiều, hiểu nhiều. Bây giờ, chúng ta gọi đó là những người hiếu học. Trong việc học, có những điều rất khó, nhiều khi chúng ta học sai nên càng học càng rối, không biết vận dụng vào việc tu như thế nào. Cũng có trường hợp, vì nghe giảng không đúng dẫn đến thực hành sai khiến cho việc tu hành của chúng ta không tăng trưởng, không đem lại lợi ích. Đây cũng là điều rất nguy hiểm. Thật ra, chân lý chỉ có một khung cửa hẹp, lách qua rất khó. Chúng ta cần phải học thật kỹ. Điều quan trọng là làm sao chúng ta biết được ai là thầy tốt, ai là người dạy đúng để theo học. Chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện Tam Bảo cho mình gặp được Minh sư Thiện trí thức để được nghe những giáo pháp chân chính, từ đó tu tập được đúng đường. 

Thiện pháp thứ tư là công hạnh lễ Phật. Đây là công hạnh rất quan trọng. Chúng ta phải siêng năng lễ Phật để tạo phước căn bản cho mọi công hạnh khác. Đó là sự Tinh Tấn, sự nỗ lực mà chúng ta không được quyền buông bỏ cho đến suốt cuộc đời mình. 

a. Tinh tấn nghĩa là sự nỗ lực, cố gắng. Nhưng đó là cái cố gắng không thể dùng lời để diễn tả được. Chỉ những lúc cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện công việc chúng ta mới hiểu được. 

Chẳng hạn, một lần nào đó, trong khó khăn, chúng ta cố gắng làm một việc cho bằng được. Sự cố gắng đó chỉ chúng ta mới hiểu. Còn dùng lời để diễn tả, để định nghĩa một cách cụ thể, chúng ta không làm được. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, sức Tinh tấn hay còn gọi là Ý chí, là yếu tố thuộc về tinh thần, không phải thể chất. 

Ví dụ: Hai người cùng làm một công việc. Cả hai đều mệt nhưng một người muốn bỏ cuộc, một người muốn làm tiếp, không chịu bỏ cuộc. Như vậy, cảm giác mệt đó thuộc về thể chất, do cơ bắp hoạt động, bị những phản ứng hoá học gây nên. Nhưng người muốn làm tiếp là người sử dụng đến ý chí, có sức Tinh Tấn của tinh thần. Hoặc khi đẩy xe kéo, chúng ta chất đồ đạc lên xe rất nhiều vừa kéo, vừa đẩy. Có những lúc rất mệt, xe phải qua hố, qua ổ gà nhưng chúng ta vẫn cố gắng đẩy. Lúc đó, chúng ta đã gắng sức. Và lực mà chúng ta gồng lên thuộc về thể chất. Nhưng cái tạo nên sức mạnh nơi bắp thịt ấy lại thuộc về tinh thần. Chính Ý chí đã ra lệnh, buộc nó phải gồng lên để vượt qua. Chúng ta phải phân biệt được sự khác nhau đó. 

Cố gắng là gì? Ý chí là gì ? Chúng ta không thể trả lời được. Nhưng nếu đã từng cố gắng, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của nó. Cố gắng là sức mạnh của tinh thần nhưng không phải tự nhiên mà có. Chúng ta phải rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Khi đã qua thời tuổi trẻ, chúng ta rất khó rèn luyện vì Ý chí  sẽ không khởi được nữa. Bởi vậy, khi còn trẻ, nếu có được những cảnh khổ để rèn luyện, chúng ta nên xem đó là một diễm phúc của cuộc đời. Phần lớn những người có một thời tuổi trẻ sung sướng là những người không có ý chí, nghị lực. Những người ấy chưa biết cố gắng là gì nên rất dễ dàng chùn bước trước khó khăn hay gục ngã trước hoàn cảnh. ,

Rèn luyện Ý chí thường đi từ thô đến tế. Thô là sự cố gắng từ những công việc thuộc về lao động tay chân. Dần dần, chúng ta rèn luyện trong những lúc ngồi Thiền. Đến một lúc nào đó, cảm thấy đau, nhưng chúng ta không phải dùng sức nữa, chỉ dùng Ý chí một cách vô hình để chịu đựng. Đó là sự cố gắng thuộc về tinh thần, tinh tế hơn. Mọi việc tu học, làm việc công quả, chúng ta đều phải cố gắng. Tuổi còn trẻ đã khởi được Ý chí, tinh thần thì sức mạnh ấy sẽ tồn tại trong suốt cuộc đời. Khi có tuổi, nếu cần phải cố gắng, chúng ta đã có sẵn sức mạnh để vượt lên khó khăn, không bao giờ trở thành người bạc nhược. 

b. Chúng ta có thể nhầm lẫn cố gắng với bướng bỉnh. 

Người bướng bỉnh là người cố gắng duy trì ý kiến sai, việc làm sai dù đã được người khác nhắc nhở. Đây cũng là mẫu người có cố gắng trong công việc nhưng sự cố gắng của họ không được gọi là Tinh Tấn. Chúng ta dựa vào mục đích, tính chất của sự việc để phân biệt Tinh Tấn và bướng bỉnh. Nếu có trí tuệ soi sáng, chúng ta chọn được con đường đúng để đi, chọn được việc tốt để làm, đó là Tinh Tấn. Ngược lại, thiếu sáng suốt, chọn con đường sai để đi, người khác góp ý, nhắc nhở vẫn không nghe, đó là bướng bỉnh, cố chấp, lì lợm. 

Ví dụ, Huynh đệ trong chùa cảm thấy cần mở một con đường để đi lại cho thuận tiện. Sau khi bàn bạc, mỗi người một việc, ai cũng hăng hái, cố gắng hết mình. Sự cố gắng đó gọi là Tinh Tấn. Nhưng công việc đang tiến hành bỗng có người góp ý rằng mở con đường này sẽ gây nên những bất lợi cho chùa. Họ phân tích rõ ràng những lợi hại. Lúc ấy, mọi người không những không rút lui mà còn cố gắng, quyết tâm làm cho xong. Sự cố gắng đó không gọi là Tinh Tấn mà là cố chấp, bướng bỉnh, lỳ lợm, bởi biết việc không có lợi, không phải là việc tốt đẹp mà vẫn làm, vẫn cố chấp ý kiến của mình. Như vậy, mặc dù Ý chí khởi lên rất giống nhau, nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau nên chúng ta cần phân biệt rõ để thực hiện Tinh Tấn, tránh thái độ cố chấp, bướng bỉnh. Nghĩa là chúng ta phải dùng Trí tuệ để nhận định sự việc. Nếu việc đó sai, chúng ta phải dừng ngay, không được cố chấp. Nếu đó là việc làm đúng, chúng ta phải bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình đến cùng và dù gặp khó khăn hay trở ngại cũng thực hiện bằng được. Đó chính là sự Tinh Tấn, nỗ lực. 

Khi  ngồi Thiền, có lúc chúng ta bị hôn trầm. Nếu ngồi Thiền điều thân đúng, mở mắt và biết rõ toàn thân, ít khi chúng ta bị buồn ngủ. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôn trầm. Có trường hợp hôn trầm vì nghiệp, có trường hợp hôn trầm vì sai phương pháp, vì làm việc nặng nhọc. Tùy theo từng trường hợp mà chúng ta có cách xử lý khác nhau. Nếu cảm thấy trong ngày làm việc quá nặng nhọc, hoặc trước đó thức quá khuya, chúng ta biết ngay là buồn ngủ do sinh lý tự nhiên. Lúc đó, chúng ta nên xả thiền đi ngủ. Nhưng trường hợp không làm việc gì nặng, cũng không thức khuya, chúng ta phải nhận định đây là hôn  trầm do nghiệp. Như vậy, chúng ta phải tìm cách chống lại hôn trầm, sống chết cũng phải chiến đấu với nó, không được xả thiền. Bởi vì chúng ta biết hôn trầm này do ác nghiệp ngăn trở. Lúc này, chỉ có dùng sức mạnh của Ý chí chúng ta mới chiến thắng được nó. 

Câu chuyện Hòa Thượng Kosen viết Thắng Nghĩa Đế trong Góp nhặt cát đá khiến nhiều người phải suy nghĩ. Khi mới xây chùa, ông định viết ba chữ thật đẹp để thợ khắc lên cổng chùa. Lúc đầu, ông viết ba chữ Thắng Nghĩa Đế lên giấy. Có một người đệ tử mài mực tàu cho ông viết và luôn phê bình. Hầu hết khi xem xong, người đệ tử đều lắc đầu cho rằng không đẹp. Ông nghĩ chữ khắc ngay ở cổng chùa mà có người chê là không ổn nên bỏ tờ giấy đó và viết chữ lên tờ khác. Viết xong, đệ tử  của ông vẫn cho là  không đẹp. Ông lại bỏ và viết lại. Cứ thế, hai thầy trò người mài mực, người viết suốt một buổi sáng, không biết hết bao nhiêu giấy. Đến tờ thứ tám mươi rồi mà người đệ tử vẫn lắc đầu, không hài lòng. Khi đệ tử có việc phải ra ngoài một lát, ông tranh thủ viết liền ba chữ Thắng, Nghĩa, Đế. Lúc quay vào, người ấy bỗng reo lên “Tuyệt vời !”. Ba chữ viết của Hòa Thượng Kosen, kết quả của một quá trình kiên trì để đạt được ý nguyện đã trở thành một tuyệt phẩm để lại cho muôn đời sau. Cho đến bây giờ, ngôi chùa với ba chữ nổi tiếng ấy vẫn còn là niềm tự hào của những người theo đạo Phật ở nước Nhật. Như vậy, Hòa Thượng viết được những chữ rất đẹp ấy là do đâu?

Rõ ràng, khi người đệ tử bỏ ra ngoài, Hòa Thượng cảm thấy tự nhiên hơn. Ông viết chữ với một cái tâm thoải mái, không sợ hãi, không có cảm giác bị ức chế bởi sự để ý, theo dõi của người khác. Vì thế, chữ tự nhiên sẽ đẹp. Nhưng chúng ta không nên căn cứ vào chi tiết cuối cùng mà ca ngợi (như bên Thiền tông). Thực ra, kết quả Hòa Thượng đạt được là do cả buổi sáng ông không nản lòng, viết tám chục lần một cách chú tâm. Đến khi tâm buông ra một cách thoải mái, ông mới thành tựu được. Giá trị của cố gắng là vậy. Cho nên, chúng ta phải suy xét trước sau, đừng bao giờ cho rằng kết quả cuối cùng là do nhân duyên gần đó mà phải hiểu rằng, nhân đó là sự cố gắng trong một thời gian rất dài. Tinh Tấn là sự tiềm tàng, sự tích lũy, sự tôi luyện. Bởi vậy, khi đánh giá thành quả cuối cùng, chúng ta phải cẩn thận, nếu không, sẽ phủ nhận cả một sự nỗ lực lâu dài. 

2. TINH TẤN LÀM LỢI ÍCH CHÚNG SINH. 

Theo định nghĩa, Tinh Tấn là nỗ lực thực hiện thiện pháp, làm lợi ích cho chúng sinh và nhiếp tâm trong Thiền định. Vậy, tại sao muốn làm lợi ích cho chúng sinh, chúng ta cần phải Tinh Tấn nỗ lực ?

 Đã nói đến nỗ lực nghĩa là việc không đơn giản, dễ dàng. Quả thật, giúp đỡ người khác là việc rất khó khăn, chúng ta phải cố gắng rất nhiều mới thực hiện được. Những khó khăn ấy thường do nhiều nguyên nhân gây nên: 

Thứ nhất, việc thiện thường đi ngược với khuynh hướng vị kỷ của con người. Trong mỗi người chúng ta đều có bản năng chấp ngã. Từ bản năng chấp ngã, khuynh hướng vị kỷ sẽ xuất hiện và khiến chúng ta chỉ muốn làm điều có lợi cho mìn; những điều có lợi cho người khác, chúng ta thường không quan tâm. Chúng ta biết rằng, phá được bản năng, khuynh hướng vị kỷ để làm lợi cho người khác là một việc rất khó khăn, không dễ dàng thực hiện được. Làm việc đó, chẳng khác nào chúng ta đang lội ngược dòng nước xiết. Một khi đã quen làm lợi cho mình, bây giờ phải làm lợi cho người khác, chúng ta phải đấu tranh, giằng xé dữ dội trong tư tưởng và tình cảm của mình . 

Chẳng hạn, khi thấy người khác gặp khó khăn, thiếu thốn, chúng ta rất muốn giúp đỡ. Nhưng khi nghĩ lại, thấy rằng nếu giúp người ta, mình sẽ sống không thoải mái, sinh hoạt hằng ngày sẽ rất khó khăn, chúng ta lại chần chừ, không muốn giúp. Cứ thế, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tâm lý rất khó xử, cứ băn khoăn, giằng co mãi. Nếu muốn thoát khỏi sự giằng co ấy, chúng ta phải có Ý chí, phải chiến đấu với bản năng vị kỷ của mình. Như vậy, nỗ lực trong lúc này không phải là gắng sức, không phải gồng người lên như kéo chiếc xe nặng mà là sự Tinh Tấn, vượt lên chính mình bằng Ý chí. Bao giờ cũng vậy, việc gì đem lại lợi ích cho mình, chúng ta đều làm rất dễ dàng, không cần tính toán nghĩ suy. Nhưng làm việc thiện một cách vô tư, hoàn toàn không nghĩ đến lợi ích của mình mai sau, không cầu phước là điều rất khó. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những người làm phước một cách dễ dàng, sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không hề cầu phước. Đó là những người đã thuần thục từ nhiều đời về tâm Vị tha. Đây là điều mà người tu chúng ta phải phấn đấu. Khi người khác cần, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ bất cứ việc gì, không bao giờ từ chối. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc rất lớn lao. Đây cũng là điểm mâu thuẫn trong quan niệm của một số người. Có người nghĩ rằng, tu tập là hướng vào trong, tránh duyên, tránh cảnh để tâm được yên tịnh, còn làm việc từ thiện phải hướng ra bên ngoài sẽ không đưa đến một sự giải thoát thanh tịnh. Thực ra, chính cuộc sống vị tha hỗ trợ rất nhiều cho Thiền định. Thử hy sinh cả cuộc đời mình, sống cho người khác, chúng ta sẽ cảm nhận được, mỗi việc làm thiện của chúng ta đều làm cho tâm xuất hiện trạng thái khinh an, hỷ lạc. Đây là một Chi trong Thất Giác Chi, hay còn gọi là Thất Bồ Đề Phần, bảy yếu tố đưa đến Giác Ngộ. Người hy sinh vị tha, làm lợi ích cho người khác sẽ xuất hiện được trạng thái khinh an của Thất Giác Chi. Chính phước đó hỗ trợ cho việc nhiếp tâm trong Thiền định. Người tu chúng ta không được quay lưng sống một cuộc đời vị kỷ, chỉ lo nhiếp tâm. Sống như vậy, chúng ta không bao giờ nhiếp tâm vào Định được. 

Thứ hai, chúng ta không đủ phước nên không đủ điều kiện thực hiện. Chẳng hạn, nhìn thấy chúng sinh đau khổ vì nghèo đói, vì bệnh tật, chúng ta rất xót xa, muốn giúp đỡ nhưng lại không đủ khả năng. Chúng ta không có tiền, có gạo nên dẫu muốn giúp cũng đành bó tay. Đó là do chúng ta không đủ phước. Hoặc có khi nhìn thấy tình trạng Đạo đức của xã hội suy đồi, chúng ta  muốn đem Đạo đức truyền bá rộng rãi, nhưng bản thân không đủ Trí tuệ hoặc không đủ biện tài, chúng ta vẫn không thực hiện được. 

Tuy nhiên, đã khởi được tâm thiện, chúng ta không được thóai tâm. Dù hôm nay chưa làm được, chúng ta vẫn phải nuôi dưỡng và hy vọng một ngày nào đó sẽ thực hiện được. Vì tâm thiện có khả năng chiêu cảm, chắc chắn sẽ có người gia hộ chúng ta. Đây là việc khó, chúng ta phải có sự nỗ lực. Nếu không cố gắng, chí nguyện của chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu.

Thứ ba, người ta không đủ phước nên không nhận được sự giúp đỡ của mình. Nói điều này chúng ta nhớ đến câu chuyện Ngài Xá Lợi Phất giúp cho Ngài Losaka Tissa được ăn bữa ăn cuối cùng no đủ. Trưởng lão Losaka Tissa là người đã chứng Alahán. Ngay từ nhỏ, Ngài đã bị mẹ bỏ rơi, phải đi xin ăn vất vưởng khắp nơi. Suốt cuộc đời, Ngài không bao giờ đủ ăn, chịu cảnh đói khổ ghê gớm. Một hôm, Ngài gặp ngài Xá Lợi Phất. Thấy hoàn cảnh thương tâm, ngài Xá Lợi Phất đã độ cho Losaka Tissa xuất gia. Lớn lên, ông ta cũng chứng Alahán, nhưng không bao giờ đủ ăn, lúc nào cũng đói. Khi cùng một  đoàn Tỳ Kheo đi khất thực, những người khác luôn được chủ nhà bố thí, riêng Ngài bát vẫn trống không. Không hiểu sao, mỗi lần định san thức ăn vào bát Ngài, người ta thấy bát vẫn đầy nên lại thôi. Cứ thế, Ngài phải liên tục nhịn đói. 

Do ăn uống ít quá nên thân xác Ngài ngày càng tiều tụy và cũng đến lúc thọ mạng chấm dứt. Ngài Xá Lợi Phất muốn cho đệ tử của mình được một bữa ăn no đủ cuối cùng nên đã rủ người đệ tử đi cùng. Họ vào làng khất thực với hy vọng có ngài Xá Lợi Phất đi bên cạnh, người ta sẽ cúng cho. Nhưng đi mãi, đi mãi, hai thầy trò vẫn không được cúng món gì. Thấy vậy, ngài Xá Lợi Phất bèn nói: “Bây giờ hiền giả hãy trở về tịnh xá ngồi chờ, tôi sẽ đi xin mà gởi về”. Ngài Losaka Tissa vừa đi khỏi, người ta tấp nập cúng cho ngài Xá Lợi Phất rất nhiều. Ngài vội san thành một bát nữa và nhờ một vị  Tỳ Kheo mang về tịnh xá cho đệ tử mình. Giữa đường, không hiểu gặp chuyện gì, vị Tỳ Kheo ấy đã quên luôn việc ngài Xá Lợi Phất nhờ. Sau khi thọ thực, tọa thiền xong, buổi chiều ngài Xá Lợi Phất trở về mới biết bát cơm chưa đến được tay ngài Losaka Tissa. Ông vẫn đang nhịn đói ngồi đó. Lúc này, mặt trời đã nghiêng bóng, Ngài không thể đi khất thực được nữa. Biết chắc trong chiều nay, ông ta sẽ nhập Niết Bàn, Ngài vội biến mất ngay khỏi tịnh xá, hiện vào trong cung vua. Ngài đích thân xin vua những thức ăn, những loại bánh mà Phật cho phép ăn rồi hiện trở về tịnh xá. Ngài cầm bát đưa cho ông. Ông đón lấy bát, nhưng Ngài cản lại và nói: “Nếu tôi không cầm cái bát này thì bánh sẽ biến mất”. Thế là ngài Xá Lợi Phất đứng cầm bát như vậy. Ngài Losaka Tissa ngồi xuống, lặng lẽ lấy từng chiếc bánh trong bát ăn. Đó là lần duy nhất trong đời, Ngài được ăn no đủ. Và chiều đó, Ngài nhập diệt.

Ngài Xá Lợi Phất đã rất cố gắng giúp đỡ người khác. Khi người ta không đủ phước, khó nhận được sự giúp đỡ của mình, chúng ta phải hết sức cố gắng, không được nản lòng, bỏ mặc họ. Vì như vậy là không cố gắng, là thiếu từ bi. 

Thứ tư, do ác nghiệp quá khứ của mình vẫn còn nên việc làm phước bị ngăn ngại. Có trường hợp, chúng ta muốn làm việc thiện nhưng những ác nghiệp của mình cứ ngăn cản nên không thực hiện được. Tuy nhiên, dù bị ngăn cản, chúng ta cũng không được thối tâm, phải hết sức cố gắng thực hiện cho bằng được.

Chúng ta đều đã nghe câu chuyện ngài Huyền Trang hay ngài Pháp Hiển đi thỉnh kinh. Ngài Huyền Trang vượt sa mạc, sang Ấn Độ để tìm kinh Phật. Trên suốt hành trình sang Ấn Độ, Ngài đã chịu đựng biết bao gian khổ. Nhiều người đã chết, chính bản thân Ngài cũng từng sắp chết. Khi đến sa mạc,  không còn nước uống, không còn thức ăn, Ngài kiệt sức và lịm vào hôn mê. Nhưng do phước lớn, trong cơn hôn mê, Ngài thấy hình ảnh Bồ Tát Quan Âm hiện ra vẩy nước cam lồ xuống thân mình. Thế là Ngài cảm thấy khỏe khoắn trở lại. Như vậy, những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong quá trình làm việc thiện có thể do ác nghiệp của quá khứ gây nên. Chúng ta phải cố gắng tạo phước để có thể vượt qua được những khó khăn ấy. 

Việc làm phước có thể ví với việc đi gieo lúa. Phải có nắm lúa, chúng ta mới gieo được những cây lúa ban đầu. Cứ thế, dần dần chúng ta sẽ nhân lên rộng khắp. Chúng ta phải có phước mới làm phước được. Bởi vậy, bước đầu làm phước sẽ rất khó khăn, chúng ta phải kiên trì, đừng bao giờ thóai tâm. 

Trong Thất chân Nhân Quả có nhiều câu chuyện kể về những vị tu Tiên. Có lần, một vị Tiên là đệ tử của ông Vương Trùng Dương tình cờ gặp một tu sĩ khác. Để tranh hơn thua về sự tu hành, người kia thách ông ta ngồi thiền. Ông cũng đồng ý. Thách ngồi qua một đêm, Ngài cũng ngồi qua một đêm, nhưng  người kia ngồi một chút lại phải đứng dậy làm việc riêng. Cuối cùng, Ngài đã thắng. Nhưng khi nói với bạn bè, Ngài cũng cho là nhờ hư không gia hộ chứ không phải tự sức mình. 

Thông thường, người ta cho những câu chuyện trong Thất chân Nhân Quả là những chuyện bịa. Nhưng chúng ta vẫn tìm thấy tính hợp lý của nó, nhất là ở những chuyện về Đạo đức, về Nhân quả. Trong câu chuyện này, chúng ta gặp một quan điểm rất đúng đắn, khi làm một việc thành công, người ta vẫn không nghĩ là do sức mình, mà luôn nghĩ là nhờ sự gia hộ của ơn trên. 

Hoặc trong đó có một câu chuyện nổi bật là ông Khưu Trường Xuân đến học với ngài Vương Trùng Dương. Do nghiệp nặng, ông bị ông Vương Trùng Dương quở mắng, hành hạ đủ điều. Sau này, khi ngộ Đạo, ông hiểu được sự thiếu phước của mình nên quyết tâm làm công quả. Ông không có tiền nhưng lại có sức khỏe. Lúc bấy giờ, tại nơi ông ở có một dòng sông rộng nhưng không có chiếc cầu nào bắc ngang. Nước sông cũng cạn nên mọi người có thể lội qua được. Nhưng mỗi khi muốn qua sông, mọi người phải cởi quần áo cho khỏi ướt, lên đến bờ lại tìm chỗ mặc vào, rất vất vả. Ông đã đến đó, tình nguyện cõng người ta qua sông. Một thời gian dài chịu đựng khó nhọc như vậy, phước của ông dần dần tăng trưởng. Sau này, ông được làm Thầy, nghe đâu còn là Thầy của vua nữa. Theo Nhân quả, điều đó hoàn toàn hợp lý. Khi người ta cố gắng làm phước trong điều kiện rất khó khăn, phước của họ  sẽ rất lớn. 

Chúng ta từng nghe chuyện về những quan tòa Ý đấu tranh chống Mafia để bảo vệ công lý. Trước đây, ở nước Ý có một tổ chức tội phạm, người ta hay gọi là Mafia. Tổ chức này hoạt động theo ba nguyên tắc: 

-           Kinh doanh bất hợp pháp, buôn lậu, buôn ma tuý, mở sòng bạc, chứa gái… 

-           Sẵn sàng dùng bạo lực để giết người.

-   Cấu kết với những viên chức Nhà nước bị hủ hóa. 

 Do đó, chống lại tổ chức này là điều rất khó. Khi có động, những người trong bộ máy Nhà nước đã bị hủ hoá sẽ báo cho họ biết để trốn thoát hoặc tìm cách đối phó. Chúng bắn cả cảnh sát, cả những quan tòa, không chừa một ai khi biết người đó theo dõi, truy nã chúng.  Trước sự lên án của thế giới, chính phủ Ý phải tìm đủ mọi cách để chống lại tổ chức này. Nhiều quan tòa đã bị chúng giết hại. Ông Falcon là một trong những người nhiệt tình điều tra, truy bắt bọn tội phạm ấy để bảo vệ công lý. Bọn chúng theo dõi, biết đường đi lối về của ông và đã đặt một trái bom nửa tấn bên lề đường khi ông từ phi trường về. Cuối cùng, cả xe và người đều bị bom nổ làm cho tan tành. Nhưng những người kế tục vẫn không sờn chí, vẫn tiếp tục truy lùng bọn Mafia, không chịu bó tay để chúng gây thêm tội ác. Đó là sự cố gắng, là những nỗ lực để thực hiện thiện pháp trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm. 

Trong cuộc sống, chúng ta thấy rằng, những người sống trong cảnh thuận tiện, sung sướng quá thường sẽ không có Ý chí, không có sự Tinh Tấn. Những người như vậy sẽ rất khó tu. Vì nỗ lực là một công hạnh quan trọng để nhiếp tâm. Nếu không cố gắng, không có Ý chí, chúng ta sẽ không nhiếp tâm vào Định được. Sự cố gắng ấy phải được rèn luyện bằng những công việc thô trước. Đó là làm phước giúp đỡ mọi người. Dần dần, từ những việc làm tạo phước ấy, chúng ta sẽ nhiếp tâm vào định, gọi là Tinh Tấn trong tu tập Thiền định. 

3. TINH TẤN TU TẬP THIỀN ĐỊNH. 

Đây là vấn đề chính, là Chánh Đạo thứ sáu trong Bát Chánh Đạo. Trước khi tu tập Chánh Niệm, Chánh Định, chúng ta phải có Chánh Tinh Tấn. Phải chuẩn bị tư tưởng về Chánh Tinh Tấn, chúng ta mới có thể đi vào Thiền định. Vì nếu không Tinh Tấn, chúng ta không thể nhiếp tâm được. 

Trước hết, chúng ta phải có một Pháp môn để dụng công. Đó có thể là niệm Phật, hơi thở, trì chú, thoại đầu, tri vọng, hoặc bát nhã… Pháp môn nào cũng tốt cho người tu hành. Trước kia, mỗi vị Tông Sư thường hay ca ngợi Pháp môn mà mình đã thành công. Tư tưởng độc tôn đó đã gây nên sự chia rẽ trong đạo Phật. Thực ra, các Pháp môn đều bình đẳng, không Pháp môn nào hơn Pháp môn nào. Pháp môn chỉ là cành nhánh, còn bộ rễ là Đạo đức, thân là Phước. Rèn luyện được Đạo đức, tích luỹ được Phước, chúng ta mới bắt đầu chọn một Pháp môn để tu hành. Chọn Pháp môn phải tùy duyên của mình, đừng bao giờ nghĩ Pháp môn mình chọn hay hơn Pháp môn của người khác. Tất cả chỉ là phương tiện để mình tu tập. Khi đã chọn cho mình một Pháp môn, chúng ta đừng để mất sự dụng công trong Pháp môn đó, phải Tinh Tấn từng giờ, từng phút. Đó mới thật sự là Chánh Tinh Tấn. Chẳng hạn, khi niệm Phật, chúng ta không bao giờ để mất câu niệm Phật, lúc nào cũng giữ câu niệm Phật, trừ những lúc đi vào nhà vệ sinh. Trì chú cũng vậy. Còn hơi thở, tri vọng, hoặc quán bát nhã, chúng ta có thể tu bất cứ ở đâu, không bao giờ để mất công phu đó. Như vậy gọi là Chánh Tinh Tấn. 

Trước khi đi vào Pháp môn, chúng ta phải tập được hơi thở bụng, phải tập cho thuần thục để củng cố âm lực. Trong bài Hơi thở, xả Thiền, chúng ta đã nói về vấn đề này. Tập hơi thở bụng không phải là việc dễ dàng vì nó có những chỗ rất sâu xa, chúng ta phải thực hành nhiều mới tích luỹ được kinh nghiệm.  Việc quan trọng thứ hai là thanh lọc tâm, gạn lọc tâm giữa thiện và ác, giữa những tư tưởng đúng và những tư tưởng sai. Chúng ta phải gạn cho sạch, chỉ để lại trong tâm mình, trong tư tưởng mình những gì thuần thiện.

Chúng ta rất khó khăn trong việc nhiếp tâm vì nhiều nguyên nhân. Trước hết, vì tâm là cái trừu tượng vô hình khó nắm bắt. Chúng ta có thể chịu đựng những vất vả, khó nhọc trong công việc tay chân suốt cả ngày, nhưng không thể nhiếp tâm suốt cả ngày được. Dù đã biết tu thiền nhưng tâm vẫn chạy đầu này, đầu nọ. Bởi vậy, phải là người có lý tưởng sâu xa, có quyết tâm rất lớn, chúng ta mới dụng công, mới nhiếp được tâm vào trong thanh tịnh. Bước đầu dụng công, ai cũng gặp khó khăn, chúng ta phải hết sức cố gắng. 

Cái khó thứ hai là tâm từ lâu vốn có thói quen thích suy nghĩ mông lung, rất khó điều phục. Ông Krishnamurti, người Ấn Độ, được coi là bậc Đạo Sư của thời đại. Ông có một sức ngộ rất cao, đã đi giảng nhiều nơi và làm lợi ích cho rất nhiều người. Không ít người đã ca ngợi ông là hiện thân, là sự hoá thân của Bồ Tát Di Lặc. Ông đã nói một câu rất chí lý : “Trên thế gian này, người thông minh cũng như người ngu dốt đều mắc chung một bệnh là hay suy nghĩ ”. Quả thật, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy tâm mình rất hay suy nghĩ. Hết suy nghĩ chuyện này, chúng ta lại nghĩ sang chuyện khác. Không ai có thể ngừng được những suy nghĩ tự nhiên của mình. Đây là điểm rất giống nhau ở tất cả mọi người. Vì cấu tạo của não bộ trong mỗi con người đều giống nhau. Chúng ta hình dung, các tế bào não có cấu tạo rất lạ, từ nhân tế bào có những sợi râu tua tủa, đầu mỗi sợi râu ấy lại có một bộ phận gọi là sinapse có nhiệm vụ nối với những tế bào não khác. Bởi vậy, khi xung động phát sinh từ tế bào não này, sẽ lập tức được truyền qua đầu sinapse. Đầu si napse bị kích ứng sẽ làm lan truyền sóng đi đến các tế bào não khác.  Cứ thế, xung động sẽ lan ra vô tận. Vì vậy, tâm mình chỉ cần động nhẹ một chút, ý tưởng sẽ tiếp tục trôi mãi, trôi mãi, không dừng lại được. Cũng vậy, niệm ban đầu đã xuất hiện sẽ lan mãi suốt cuộc đời mình. 

Trong một sát na, không phải chúng ta chỉ có một tư tưởng để suy nghĩ, mà có đến hàng ngàn tư tưởng cùng xuất hiện một lúc. Vì trong não chúng ta có khoảng mười tỉ nơron thần kinh. Các tế bào não cứ hoạt động liên tục. Có thể hoạt động của các tế bào ấy không đều nhau nhưng rất phức tạp. Có khi chúng ta thấy trong tâm mình chỉ có một hoặc hai dòng tư tưởng đang diễn tiến nhưng thực chất, bên trong lại hoạt động rất phức tạp. Do cơ cấu vật lý, do cơ thể vật chất sinh lý như vậy nên Tâm chúng ta rất khó yên tĩnh, khó nhiếp trở lại cho yên tĩnh. 

Một nguyên nhân khác gây nên khó khăn cho việc nhiếp tâm là chúng ta bị ràng buộc bởi những bổn phận, chính những bổn phận ấy buộc Tâm phải suy tư. Trong cuộc sống, con người không thể tách khỏi những mối quan hệ, cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm đối với những người xung quanh và với chính bản thân mình. Người trong thế gian có bổn phận phải lo cho gia đình, phải làm lụng vất vả, tìm ra miếng cơm manh áo để nuôi sống cha mẹ, vợ con. Bởi vậy, họ luôn phải suy nghĩ, lo toan. Người xuất gia tuy không có những nỗi lo lắng, những bức bách như người thế gian vì sống hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ của Phật tử, nhưng vẫn có những nỗi lo khác. Chúng ta phải lo học tập, rèn luyện Đạo đức, phải lo những công việc hằng ngày ở chùa…Đó là trách nhiệm, bổn phận của người tu. Vì bị ràng buộc, lo lắng bởi những trách nhiệm ấy mà tâm chúng ta không thể nào yên được. 

Tuy nhiên, nếu có tác ý vị tha thì  những sự bận tâm ấy sẽ tạo thành phước, làm cho chúng ta nhiếp tâm được về sau. Còn nếu đó là những suy nghĩ vị kỷ thì sau này, sức định của chúng ta sẽ bị phá, không nhiếp tâm được.  Nghĩa là sự bận tâm của chúng ta phải là bận tâm vì đại chúng, vì sự tu hành của đại chúng, vì lợi ích của mọi người, không vì cá nhân mình. Ở đây, mặc dù có một lý do để tự an ủi, tự biện minh là bổn phận làm cho mình bận tâm, nhưng chúng ta cố gắng chọn những bổn phận vì mọi người. Như vậy, tuy có bận tâm nhưng sự bận tâm ấy cũng là một cái Nhân lành để sau này chúng ta có thể đạt được sự giác ngộ. 

Một điều khó nữa là những cám dỗ làm cho Tâm bị xao lãng. Đây là điều rất đáng lo ngại. Có nhiều loại cám dỗ, từ tế đến thô, từ yếu đến mạnh. Chẳng hạn, âm nhạc cũng là cái cám dỗ chúng ta. Chùa ở gần khu dân cư, khi người ta mở nhạc, âm thanh cứ vọng vào réo rắt, thiết tha làm cho chúng ta phải chú ý lắng nghe. Lúc ấy, Tâm đã hướng ra bên ngoài khiến chúng ta xao lãng. Ti vi, vidéo cũng là một hình thức cám dỗ rất mạnh. Khi xem truyền hình, xem vidéo, Tâm chúng ta “chạy” hết ra ngoài, vì những thứ ấy có sức hấp dẫn ghê gớm. Nhất là những phim truyện truyền hình dài tập thường hấp dẫn, khiến chúng ta phải theo dõi rất phí thời gian. Đó là những cám dỗ làm cho Tâm chúng ta hướng ra bên ngoài rất mạnh. Bị cám dỗ như vậy, chúng ta sẽ mang tội. Vì chúng ta đã ăn cơm đàn na tín thí mà không biết dành từng giờ từng phút nhiếp tâm, lại để tâm chạy ra bên ngoài. Nếu chùa có sắm Vidéo, chúng ta chỉ nên xem phim tư liệu về Phật giáo để được trực tiếp nhìn thấy những hình ảnh đẹp, được xúc động và quyết tâm tu tập. 

Hoặc nhiều khi nói chuyện với Phật tử, chúng ta tỏ ra thích thú, chạy theo lời khen của họ, nghĩa là chúng ta cũng đã chạy theo cám dỗ làm cho Tâm mình bất an, xao động.

Trong tất cả những cám dỗ ấy, đối với người tu hành, cám dỗ đáng sợ nhất là sắc dục, là ái dục. Đây là cám dỗ mà chúng ta phải chiến đấu suốt cuộc đời mình để chiến thắng, nếu muốn làm một người tu hành vững chắc. Ái dục là vấn đề khó nói vì có liên quan đến vấn đề giới tính, liên quan đến tình dục. Điều này trong giới của người tu có đề cập nhưng mang tính chất tổng quát. Chúng ta sẽ có một bài dành riêng cho vấn đề này, một vấn đề tế nhị. Trong đó, chúng ta  sẽ phân tích kĩ để tìm ra phương pháp vượt qua những cám dỗ thuộc về bản năng ấy. Đó là cám dỗ làm chúng ta bận tâm nhiều nhất, ghê gớm nhất.

Còn một điều khó nữa là những ác nghiệp quá khứ làm cho Tâm bị xao động bất an. Ác nghiệp quá khứ là một điều rất đáng sợ. Khi ngồi thiền, chúng ta có thể bị vọng tưởng khởi lên. Có những khi đang điều thân, đang biết rõ toàn thân, chúng ta bỗng quên đi vì  mải nghĩ suy điều gì đó. Hoặc có khi đang niệm Phật, chúng ta lại quên câu niệm Phật mà mải mê lo nghĩ đến những chuyện xung quanh. Về hình thức, chúng ta cũng niệm Phật, nhưng những vọng tưởng cứ xen vào làm mình phân tán sự chú ý, không tập trung vào câu niệm Phật. Có khi vọng tưởng quá mạnh đã lôi kéo chúng ta đến những vấn đề rất xa. Khi rơi vào trường hợp ấy, có người kết luận là do Pháp môn mình đang dụng công không hay, không hiệu quả và vội chọn cho mình một Pháp môn khác với hy vọng sẽ nhiếp tâm được. 

Đây là một quan niệm sai lầm mà nhiều người đã mắc phải. Trên thực tế, có người niệm Phật một thời gian không nhiếp tâm, chuyển qua hơi thở lại nhiếp tâm được. Họ kết luận rằng, trong tu thiền chỉ có hơi thở là hay còn niệm Phật không hay. Hoặc có người quán Bát Nhã một thời gian không nhiếp tâm, qua niệm Phật lại nhiếp tâm được và cho rằng, niệm Phật hay hơn quán Bát Nhã vv…Thực ra, như chúng ta đã biết, tất cả Pháp môn chỉ là cành nhánh. Phước mới chính là cái gốc làm cho chúng ta nhiếp tâm được, giữ được Chánh Niệm, không bị vọng tưởng lôi kéo. Hay nói cách khác, nhiếp tâm được không phải do Pháp môn hay do tài của mình mà là do công đức mà chúng ta đã tích luỹ. 

Vì vậy, khi ngồi thiền nếu cảm thấy Tâm mình nhiếp một cách khó khăn, người tu tập phải biết rằng nghiệp của mình vẫn còn, phước của mình chưa đủ. Lúc đó, chúng ta phải lo tạo phước, lễ Phật. Đó mới chính là những yếu tố làm cho chúng ta nhiếp tâm được tốt hơn. Khi chưa đủ phước, càng Tinh Tấn, chúng ta càng không thu được kết quả, nhất là càng dằn ép càng mắc phải sai lầm. Vì Tinh Tấn trong Thiền định là sự Tinh Tấn rất kỹ lưỡng, nghiêm mật nhưng lại nhẹ nhàng như mây như gió, mềm mại như hư, như vô. Có được điều đó là do dụng công đúng cách trong Thiền định. Nhiều người không nắm được cách nhiếp tâm, khi ngồi thiền cứ gồng người lại, gồng đầu mình lại, vì nghĩ rằng như vậy sẽ buộc được vọng tưởng. Điều này rất nguy hiểm. Vì gồng như vậy sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ não. Đây là chỗ chúng ta phải hết sức cẩn thận. Chúng ta phải thấy sự khác nhau giữa việc cố gắng làm từ thiện và Tinh Tấn của ngồi Thiền. Gọi là Tinh Tấn vì nó quá tinh vi, quá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi chúng ta phải hết sức cố gắng. Bởi vậy, khi ác nghiệp quá khứ làm Tâm bị bất an, bị thất niệm, chúng ta phải tạo phước chứ không được cố gắng. 

Chính vì gặp nhiều khó khăn như vậy nên chúng ta phải có quyết tâm cao và phải có ý chí bền bỉ để theo đuổi lâu dài việc tu tập Thiền định. Mỗi người phải nguyện với lòng mình quyết tâm tu tập Thiền định, nhiếp tâm cho bằng được. Vì nếu không có quyết tâm cao, Tâm sẽ dễ bị thất niệm, tu một thời gian tâm không nhiếp được, chúng ta sẽ đâm ra chán nản. Như vậy, chúng ta đã uổng phí một đời tu hành vì đã xuất gia mà không hưởng được Đạo vị của Phật pháp. Trước mắt, chúng ta vừa học vừa tu. Đến một lúc nào đó, chúng ta chỉ dành tất cả cho việc tu. Đó chính là lý tưởng, là hướng đi của người tu hành. Khi đã có kinh nghiệm trong việc tu tập, chúng ta sẽ giúp đỡ người khác được nhiều hơn. 

Tâm quả là khó nắm bắt nhưng nếu có quyết tâm, chúng ta cũng sẽ đạt được. Bởi đối với con người, một khi đã có ý chí và quyết tâm, không có đỉnh cao nào là không vượt qua được. Ông Nguyễn Bá Học đã từng dạy học trò mình: “ Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi. Mà khó vì lòng người ngại núi, e sông”.  Quả thật, cái khó vì lòng luôn ngại núi cao, vực sâu mới là điều đáng sợ. Cho nên, chúng ta phải Tinh Tấn từng ngày trong tu tập Thiền định để đạt được lý tưởng của mình. 

Điều đáng lo ngại là khi tâm dễ nhiếp, an ổn, nhẹ nhàng, chúng ta lại bị sự thanh thản làm mất ý chí. Khi tâm đắc Định, thường có hai trường hợp xảy ra. Người có phước lớn, sẽ say mê an trụ Định. Những người này sẽ không mất Ý chí, không mất Tinh Tấn. Trong khi đó, người có ít phước, khi tâm đã nhiếp được tự nhiên lại thích sống nhàn hạ, ung dung. Đó cũng là một trở ngại trong viêc tu tập. Rơi vào trình trạng này, con người sẽ dần dần mất hết Ý chí.  Chỉ có sự siêng năng lễ Phật mới giúp chúng ta thoát được tình trạng này. 

Một hiện tượng nữa chúng ta cũng thường gặp trong quá trình tu Thiền là khi dụng công theo một Pháp môn nào đó, chúng ta sẽ có được định, được hỷ lạc, khinh an và khi có những cảm giác, những trạng thái đó, người tu dễ xuất hiện tư tưởng chiêm ngưỡng, thưởng thức, hưởng thụ và tâm bắt đầu xao lãng. Nếu là niệm Phật, chúng ta sẽ buông lơi câu niệm Phật. Chúng ta biết rằng, trạng thái hỷ lạc, khinh an  chính là Quả mà Nhân của nó là Pháp môn mình đã chọn. Nếu chúng ta cứ ngồi ung dung hái Quả, tất có ngày Quả không còn mà hái nữa. hay nói cách khác, chỉ  một thời gian, chúng ta sẽ hết phước.  Lúc ấy,  tâm sẽ loạn lên, chúng ta sẽ mất đi cái Định mà mình phải tu tập vất vả bao nhiêu mới có đựơc. 

Bởi vậy, suốt cuộc đời tu hành, chúng ta phải ghi nhớ, trong trường hợp dụng công, nếu xuất hiện những trạng thái khinh an, hỷ lạc ấy, chúng ta không được để ý đến, vẫn tiếp tục nắm chắc Pháp môn mà dụng công. Như vậy là chúng ta đang Tinh Tấn. Nghĩa là khi chưa Định, chúng ta cố gắng hết sức giữ Tâm để được Định. Khi bắt đầu có Định, bắt đầu xuất hiện trạng thái rỗng rang, khinh an, chúng ta càng phải nắm chắc Pháp môn của mình, không được buông lơi. Vì lúc đó chỉ cần lơi lỏng một chút, chúng ta sẽ đi lạc ra ngoài, dần dần hết phước và loạn trở lại. Đó cũng là lý do tại sao nhiều người tu cứ than phiền mình tu được Định rồi lại loạn, Định rồi lại loạn.

Một số điều cần biết khi Nhập Thất: 

Đạo Phật chúng ta có hình thức tu tập gọi là Nhập Thất. Có nghĩa là người tu hành vào sống đơn giản trong một ngôi nhà nhỏ và tránh duyên, không tiếp xúc với bất cứ ai. Hằng ngày, đến giờ, chỉ có một người hộ thất, mang cơm nước vào. Ngay cả khi họ mang cơm nước vào, người tu cũng không được nói chuyện, chỉ ra dấu. Cần thiết lắm, người ấy mới ghi vài chữ vào giấy nhờ họ giúp cho. Trong cuộc sống, nhiều người cảm thấy mình có nhiều chuyện phải bận tâm nên mơ ước được vào Thất tránh duyên, để chuyên chú giữ cho tâm thanh tịnh. Dù khi ngồi Thiền, khi lễ Phật, khi kinh hành, hay cả lúc nghỉ ngơi, lúc nào người tu cũng kiểm soát tâm mình, nắm chắc Pháp môn mình đang dụng công, không cho vọng tưởng kéo ra ngoài. Nhập Thất chuyên chú như vậy là một hình thức Tinh Tấn rất cao, rất triệt để trong đạo Phật mà người tu nào cũng phải  trải qua, gần như là bắt buộc phải trải qua. Đây không phải là vấn đề đơn giản. Có thể không biết qua bao nhiêu năm tháng chúng ta mới đuợc lắng mình vào trong sự thanh vắng, cô độc để thực hiện con đường tâm linh của mình. Nhưng là một người tu hành, bất cứ ai cũng phải nuôi ước nguyện một ngày nào đó sẽ được Nhập Thất. Đó cũng là lý tưởng, là mục đích của chúng ta. 

Hiện nay, nhiều người Nhập Thất đã có kết quả rất tốt, rải rác đây đó trong đạo Phật. Có những vị chưa nổi danh lắm nhưng thật sự đã có những kết quả tốt trong việc Nhập Thất. Cũng có không ít vị tu đạt kết quả nhờ quá trình Nhập Thất. Cho nên, người tu hành phải luôn có ước mơ là sẽ được Nhập Thất, được dụng công để khai mở tâm linh. Chúng ta phải xác định rằng, đi học chỉ là con đường của ý thức, tạm thời để biết được hướng đi, đừng bao giờ xem đó cứu cánh. Việc khai mở tâm linh mới thực sự là cứu cánh của chúng ta. Trong việc khai mở tâm linh, sự Tinh Tấn nhiếp tâm từng giờ, từng phút, không bao giờ để mất Pháp môn mình tu là điều bắt buộc phải thực hành. Đó mới thật sự là Tinh Tấn, đại Tinh Tấn. Sự Tinh Tấn này vô cùng quan trọng đối với người tu hành.

Khi Nhập Thất, chúng ta phải lưu ý: 

-Thứ nhất, chúng ta phải chuẩn bị tâm Vị tha để tránh bị tâm Vị kỷ phát triển. Vì ở trong Thất, chúng ta không còn phải lo cho ai nữa, chỉ còn lo cho việc tu của mình nên trong tiềm tàng, tâm vị kỷ cứ lớn dần lên, lớn dần lên. Bởi vậy, trước khi vào Nhập Thất, chúng ta phải sống một đời sống hết sức Vị tha, lo lắng cho người khác đến quên mình. Trong thực tế, nhiều người thích Nhập Thất trong khi phước chưa đủ nên thường không đem lại hiệu quả. Chúng ta phải lễ Phật, phải tạo phước giúp mọi người trước khi vào Nhập Thất mới mong việc tu hành ấy đạt kết quả như mong muốn.

-Thứ hai, chúng ta phải cẩn thận với tâm kiêu mạn. Vì ở trong Thất, không còn phải nhường nhịn ai, không còn phải tôn trọng ai nên chúng ta sẽ cảm thấy mình trở nên quan trọng, mình hay hơn người khác. Chính điều đó làm cho tâm kiêu mạn phát triển. 

-Thứ ba, chúng phải nhận định công đức của mình đã đủ chưa. Khi nhận định về duyên, về phước, cảm thấy mọi điều mong muốn trong cuộc sống của mình đã thuận tiện, chúng ta hãy quyết định Nhập Thất. Nếu chưa đủ công đức, chưa đủ phước, đủ duyên, chúng ta không nên Nhập Thất. Vì không tích lũy đủ những yếu tố ấy, khi Nhập Thất, chúng ta sẽ bị tổn phước, lâu ngày phước sẽ không còn nữa. 

Ngoài ra, người tu phải nắm được một số quy luật cần tuân thủ khi Nhập Thất. Đó là những vấn đề về thời khóa, về dụng công, về những khó khăn cần phải hỏi Thầy …Tất cả phải chuẩn bị vững vàng trước khi Nhập Thất. 

4. NHỮNG CẢNH SỐNG CẦN THIẾT ĐỂ TẠO NÊN Ý CHÍ. 

Học bài Tinh Tấn, chúng ta chủ yếu nhận định về giá trị tinh thần của sự Tinh Tấn. Đó là sự cố gắng không thuộc về thể chất nhưng buộc thể chất phải làm theo. Tinh Tấn có hai loại thiện pháp: Nỗ lực thực hành công đức, làm lợi ích cho mọi người và nỗ lực nhiếp tâm trong Thiền định. 

Chúng ta cũng biết rằng, những cảnh khổ, cảnh khó là sự cần thiết để tạo nên Ý chí. Do vậy, người tu phải biết dấn thân vào những nơi khó khăn, những nghịch cảnh. Đừng bao giờ sợ hãi hay chùn bước trước khó khăn. Nếu rơi vào những nghịch cảnh éo le, chúng ta hãy coi đó là những thử thách của cuộc đời đối với ý chí và nghị lực của chúng ta. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ kiên trì, nhẫn nại, sẽ Tinh Tấn để vượt qua bằng ý chí và nghị lực của mình. Một nhà văn, qua số phận của nhân vật mình, đã từng gieo vào lòng người đọc niềm tin mãnh liệt khi cho rằng: “ Cuộc sống không có bước đường cùng mà chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là con người phải có đủ ý chí và nghị lực để bước qua những ranh giới ấy”. Quả thật, mỗi lần vượt lên được hoàn cảnh khó khăn là mỗi lần chúng ta có thêm sức mạnh  tinh thần và cảm thấy tự tin hơn vào bản thân mình.

Chúng ta nhận định lại chuyện Marpa thử thách Milarepas để thấy sức mạnh của ý chí được tôi luyện trong khó khăn như thế nào. Trước khi theo Phật giáo, ông Milarepas là một người tu theo bùa. Ông có phép thần thông, có thể  sai khiến được mưa đá rơi xuống giết người, phá hại mùa màng, hoa màu của người khác. Do đó, khi gặp ông Marpa, ông bị ông ta đày đọa đủ điều để trả nghiệp. Không những bị đánh, bị chửi, ông còn bị bắt làm những công việc nặng nhọc. Có khi khiêng đá cất ngôi nhà này được nửa chừng, ông bị bắt tháo dỡ khiêng qua chỗ khác. Bị đày đoạ như vậy trong một thời gian dài, sau đó ông được truyền trao giáo pháp và vào núi tu. Ông tu trên đỉnh núi tuyết cũng rất kham khổ, suốt ngày chỉ ăn rau nên người xanh xao, vàng vọt. Ông hoàn toàn không có quần áo để mặc, không có một mảnh vải che thân. Sau này, khi gặp lại người em, ông được người ấy xin cho một ít vải có thể che những chỗ cần thiết. Quá trình tu của ông rất vất vả do ác nghiệp nhưng tâm linh ông lại rất mạnh. Khi đắc Đạo, phước của ông rất lớn. Như vậy, sự hành hạ, đọa đày của người Thầy vừa là cơ sở để ông trả nghiệp, vừa là điều kiện để ông rèn luyện ý chí. 

Tuy nhiên, chúng ta không nên bắt chước ông Marpa một cách triệt để trong việc thử thách đệ tử của mình. Nếu nghĩ rằng đệ tử mình nặng nghiệp và thiếu ý chí, chúng ta buộc họ phải làm những việc công đức. Vì buộc họ làm những việc công đức sẽ đem lại hai điều lợi. Một là, làm việc trong khó khăn, người ấy sẽ rèn luyện được ý chí. Hai là, làm việc công đức đem lại lợi ích cho mọi người, họ sẽ tăng phước, sau này tu dễ dàng hơn. Không chỉ buộc đệ tử mà bản thân chúng ta cũng phải làm công đức, siêng năng làm việc từ thiện rèn luyện ý chí nghị lực cho mình. 

Trường hợp ngài Hư Vân triều sơn đến núi Ngũ Đài Sơn để lễ Bồ Tát Văn Thù cũng vậy. Ngài đi qua đoạn đường mùa đông tuyết phủ vô cùng lạnh lẽo. Tuyết phủ dày cả lối đi, Ngài lâm bệnh nặng đến gần chết. Lúc ấy, Bồ Tát Văn Thù hiện ra trong dáng vẻ một ông già tên là Văn Cát bảo Ngài đừng lễ nữa vì Bồ Tát đã cảm động trước việc ngài Hư Vân hành trình gian khổ để làm lễ mình. Khi nghe ông già ngăn cản, ngài Hư Vân nói rằng, đã phát nguyện rồi, dù chết trên đường Ngài cũng chấp nhận, không bao giờ dừng lại, không bao giờ Ngài có ý nghĩ dừng lại việc làm của mình. Khi chưa làm xong việc, Ngài thà chết chứ không bỏ nửa chừng. Chí nguyện của Ngài quả thật cao ngất trời. Chúng ta phải lấy đó làm tấm gương cho cuộc đời tu hành của mình. 

Trong việc sử dụng Ý chí, chúng ta phải dùng Trí tuệ để nhận định đúng sai. Nếu đang làm một công việc nào đó, chúng ta phải hết sức cố gắng, nhưng khi biết đó là việc không đúng, chúng ta phải dừng lại ngay, không cố chấp. Trường hợp nhờ Trí tuệ, biết chắc việc mình làm là đúng thì dù phải hy sinh thân mạng này, chúng ta vẫn quyết không lui bước. Đó là Ý chí của người tu hành. Suốt cuộc đời, chúng ta phải tạo cho mình được Ý chí mạnh mẽ như vậy. Một Thiền sư đã nói: “ Nam nhi tự hữu xung thiên chí ”. Đúng vậy, chúng ta tự  mình phải có cái chí ngất trời. Nói tự mình có nghĩa là phải tự rèn luyện, tự tôi luyện để có một ý chí ngất trời xanh. Bất cứ việc khổ, việc khó đến đâu, nếu có lợi ích cho Phật  pháp, dù phải bỏ thân mạng này, chúng ta cũng không lui bước mà cố gắng đến cùng.

            Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít những bậc cha mẹ rất cưng chiều con cái. Đó là điều vô cùng tai hại. Vì được nâng niu, chiều chuộng, con cái sẽ không có điều kiện rèn luyện Ý chí. Bởi vậy, khi gặp khó khăn, tự họ không đủ ý chí nghị lực để vượt qua mà dễ dàng ngã gục.


Âm lịch

Ảnh đẹp