KHÁI NIỆM
1.ĐỊNH NGHĨA:
Đạo Đức là gì ?
-
Đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm ta, mà những khuynh hướng
đó tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến cho mọi người chung
quanh ta được chuyển hóa, an vui, lợi ích.
Như vậy, Đạo đức là
cái tốt ở bên trong nhưng được đánh giá bằng biểu hiện ở bên ngoài.
Chúng ta khẳng định lại là Đạo đức không phải là hành vi hay lời nói
bên ngoài. Đạo đức chỉ chi phối hành vi và lời nói bên ngoài. Đạo đức
là gốc của những hành vi lời nói tốt đẹp bên ngoài.
Một nội
tâm tràn đầy Đạo đức thì luôn luôn bị thúc đẩy phải đối xử tử tế với
mọi người, phải đem an vui lợi ích cho mọi người. Nếu chúng ta không
thấy mình xấu, nhưng không hề bị thúc đẩy phải cư xử tốt với mọi người
thì hãy biết rằng mình chưa có Đạo đức sâu sắc.
Khuynh hướng
vị tha được xem là Đạo đức vì khuynh hướng đó luôn khiến chúng ta quan
tâm đến những người khác, thậm chí còn hơn lo cho bản thân mình. Vì lúc
nào cũng hay quan tâm đến người nên chúng ta nhanh chóng phát hiện ra
nỗi khổ, niềm đau, sự khó nhọc, cơn bệnh hoạn của người để tìm cách
giúp đỡ. Có khi chúng ta chỉ giúp một lời nói, một ly nước, một viên
thuốc, hoặc có khi cả một số tiền lớn… để giúp người qua lúc khó khăn.
Tâm
khiêm hạ được xem là Đạo đức vì tâm lý đó luôn thúc đẩy ta phải tôn
trọng mọi người. Sống trên đời ai cũng cần được tôn trọng, cần được xem
là có giá trị, vì thế khi ta biết tôn trọng chân thành người khác cũng
là đem an vui đến cho người. Nhưng muốn tôn trọng người thì ta đừng
thấy mình hơn người, nghĩa là ta phải thấy được mình nhỏ bé kém cỏi.
Khuynh
hướng kín đáo cũng được xem là Đạo đức vì khuynh hướng này khiến ta
không khoe khoang để đi đến tự cao vô ích. Khi ta kín đáo không bày tỏ
tài năng, tài sản, thành công, công đức của mình cũng là nhường cho
người khác có thêm giá trị vì không bị cạnh tranh bởi sự nỗi bật của
mình.
Chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích từng tâm lý đạo đức ở những bài sau.
2. Sự thúc đẩy vì tình trạng Phật Pháp hiện tại
a. Khoa học kỹ thuật hiện đại.
Thế
giới hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với những thế kỷ trước, nhất là
so với thời đại của Phật, bởi bự tiến bộ của Khoa học Kỹ thuật.
Khoa
học kỹ thuật đã làm biến đổi những tiện nghi trong cuộc sống và do đó
làm thay đổi cả lối sống của con người. Ví dụ như ngày xưa muốn nói
chuyện với nhau, người ta phải đi qua một quảng đường dài để gặp mặt.
Vì mặt đối mặt nên phát sinh văn hóa lễ nghi giao tiếp. Ngày nay người
ta chỉ cần nhấc phone lên là nói chuyện được, rất dễ dàng, và lễ nghi
giao tiếp bị xem thường dần.
Rồi những dụng cụ máy móc kỳ diệu
ra đời như xe hơi, tivi, computer, máy may, máy dệt, máy in… làm cho
đời sống của con người được cải thiện tốt đẹp rất nhiều. Hàng hóa tinh
xảo hơn càng lúc càng xuất hiện làm thu hút sự tiêu thụ mua sắm của con
người. Người ta cứ phải thay đổi xe, đổi máy để có được máy mới với
tính năng cao hơn, mạnh hơn, đẹp hơn… Thậm chí vải vóc quần áo cũng
phong phú đa dạng dồi dào đến nỗi ai cũng sắm sửa dư thừa.
Sự
thành tựu của Khoa học kỹ thuật quá thuyết phục đối với thế giới nên
nhiều người phát sinh tâm lý thực dụng, coi trọng vật chất, của cải, kỹ
thuật khoa học vật lý hơn là những giá trị tâm linh Đạo đức của thánh
hiền từ ngàn xưa. Họ cho rằng tâm linh đạo đức là cái gì huyền hoặc mơ
hồ không thực tế, không làm cho con người an sung mặc sướng như Khoa
học Kỹ thuật đã làm được. Vì thế họ xa rời dần những giá trị tinh thần
để thiên về vật chất. Cũng vì thế, thế giới đang bị mất quân bình giữa
đời sống vật chất và đời sống tinh thần, giữa khuynh hướng hưởng thụ và
khuynh hướng đạo đức.
Khi giá trị đạo đức tinh thần kém đi tức
là con người đang đi dần vào tội lỗi và đau khổ mà không biết. Đó là lý
do tại sao tuổi trẻ bây giờ dễ nỗi loạn, kiêu ngạo và bướng bỉnh vì họ
tiếp xúc rất sớm với Kỹ thuật hơn thế hệ cha ông của họ. Ngày xưa cha
ông của họ còn thời gian để tiếp cận với truyền thống coi trọng đạo đức
tinh thần. Bây giờ mọi cái đang thay đổi theo chiều hướng xấu hơn về
đạo đức.
Người xuất gia may mắn được sống trong môi trường coi
trọng giá trị đạo đức tinh thần rất cao, khác hẳn với môi trường của
tuổi trẻ bên ngoài rất là phức tạp. Mỗi ngày báo chí đều đăng tải những
tin tức về tội phạm ma túy, cướp giựt, cờ bạc… mà những tên tuổi hình
ảnh đều còn rất trẻ, thậm chí rất nhiều trẻ vị thành niên.
Hãy
nhìn sự cuồng nhiệt quá đáng như điên dại khi người ta theo dõi bóng đá
để hiểu sự mất thăng bằng trong tâm hồn con người ngày nay như thế nào.
Chính
vì tình trạng mất quân bình giữa đời sống tinh thần đạo đức và vật chất
hưởng thụ mà người đệ tử Phật phải ý thức nhiều hơn về lý tưởng tu
dưỡng Đạo đức để xây dựng lại một thế giới tràn đầy tình thương yêu và
Đạo đức.
Con người sống trên đời cần rất nhiều thứ như tiền
bạc, tình yêu, địa vị, gia đình, con cái, tiện nghi, vân vân… Nhưng
trong tất cả những cái đó, con người rất cần Đạo đức làm nền tảng, làm
cốt lõi, làm linh hồn. Thiếu Đạo đức, con người sẽ làm đổ vỡ tất cả. Ví
dụ một người kỹ sư thiếu đạo đức sẽ tạo nên một công trình kém chất
lượng; một luật sư kém đạo đức sẽ lách qua kẻ hở pháp luật để bênh vực
kẻ có tội; một bác sĩ kém đạo đức sẽ kéo dài bệnh để ăn tiền; một viên
chức kém đạo đức sẽ lợi dụng chức quyền để làm khổ dân… Vì vậy, trong
bất cứ lãnh vực nào, nghề nghiệp nào, con người vẫn luôn luôn cần đạo
đức để làm đúng với trách nhiệm của mình. Người đệ tử Phật hoàn toàn có
ưu thế để đóng góp vấn đề Đạo đức cho xã hội vì Đạo đức là một thuộc
tính nỗi bật của Phật Giáo. Người đệ tử Phật, nhất là người xuất gia,
phải hết lòng tu dưỡng để đóng góp và đóng góp rất nhiều cho xã hội về
nhu cầu Đạo đức vốn đang thiếu trầm trọng này.
Và cái thứ hai
xã hội cần nữa là sư bình an nội tâm. Hiện nay con người ta sống rất là
căng thẳng vì phải đấu tranh với sinh kế rất mệt mỏi. Ngay cả các trò
giải trí cũng làm người ta căng thẳng nữa. Người nào lo sinh kế tìm
miếng ăn miếng mặc đã khổ rồi; những người chơi game điện tử cũng căng
thẳng không kém vì các trò bắn giết ì xèo trong đó; những vũ trường
thuốc lắc gào thét nhảy múa điên dại, những trận bóng đá reo hò inh ỏi
thâu đêm… đều là biểu hiện của một thế giới bất an căng thẳng. Nếu xuất
hiện thêm vài màn khủng bố nổ bom, vài cuộc tấn công giết chóc thì sự
căng thẳng còn ghê gớm không biết đến dường nào.
Chính vì con người sống rất căng thẳng nên sự bình an nội tâm là một nhu cầu rất lớn bên cạnh nhu cầu về Đạo đức.
Ai
cũng biết người tu theo Đạo Phật là tìm đến mục tiêu giác ngộ giải
thoát, nhưng đó là mục tiêu của cá nhân mình, của riêng nội bộ đạo
Phật. Ai là Phật tử thuần thành thì rất quý trọng tu sĩ vì nghĩ rằng
những vị tu sĩ đang tinh tấn đi trên con đường giải thoát và có thể
hướng dẩn họ cùng đi. Nhưng những người không theo đạo Phật thì không
quan tâm đến lý tưởng giải thoát đó. Cộng đồng xã hội trước hết chỉ
quan tâm xem đạo Phật thật sự đã đóng góp gì cho con người, cho thế
giới.
Đạo Phật thật sự có thể đóng góp rất nhiều về hai lãnh vực mà thế giới đang rất cần, đó là Đạo đức và sự Bình an của nội tâm.
b. Tình trạng đạo đức của Tăng Ni
Rất
nhiều người không có tín ngưỡng đôi khi đã đặt câu hỏi liệu những tu sĩ
Phật giáo có thể đem lại lợi ích gì cho xã hội, hay chỉ là những kẻ ăn
bám. Chúng ta không trách những nỗi hoài nghi trong lòng họ, vì thật sự
họ cũng đã chứng kiến một vài trường hợp đáng ngờ nào đó.
Họ
đã đặt vấn đề rằng tín đồ đem đến cúng chùa toàn là tiền thiệt gạo
thiệt, nhưng chỉ nhận lại từ các tu sĩ những lời cầu nguyện mơ hồ,
những lời hứa hẹn hão huyền cho sau khi chết. Họ cần thấy đạo Phật có
một đóng góp rõ ràng cụ thể hơn cho cuộc đời.
Chúng ta hứa,
lại hứa nữa, với cuộc đời rằng chúng ta những đệ tử Phật sẽ thật sự
đóng góp một cách thiết thực cho cuộc đời bằng việc giáo hóa Đạo đức và
sự Bình an nội tâm. Đó là cách để đạo Phật khẳng định vị trí của mình
trong xã hội. Đó là cách để mọi người thấy rằng cái lợi ích mà đạo Phật
đem đến cho cuộc đời tuy vô hình, nhưng giá trị thật là lớn lao.
Chúng
ta định hướng lại con đường mà chúng ta đang đi là, đối với những người
trong đạo Phật thì lý tưởng cuối cùng vẫn là giải thoát giác ngộ; đối
với cộng đồng xã hội thì lý tưởng của chúng ta là đóng góp Đạo đức và
sự bình an nội tâm.
Nhưng nếu người đệ tử Phật muốn đủ khả
năng để đem đến cho mọi người Đạo đức và sự Bình an nội tâm thì chúng
ta phải tu và học rất nhiều. Chúng ta phải học kỹ lưỡng lời Phật dạy,
học thêm một số luận bản của chư Tổ về sau; rồi chúng ta phải cần cù
chịu khó thực hành để chuyển hóa tâm hồn mình trở thành thanh cao thánh
thiện. Mỗi một ý nghĩ khởi lên phải được so sánh đối chiếu với giáo lý
là có phù hợp hay không.
Ví dụ Phật dạy mình độ lượng bao
dung. Nếu mình chợt thấy tâm mình có niệm ghét bỏ, chê bai, khinh khi
ai đó thì phải biết mình đã sai. Phải lập tức sửa liền, phải sám hối và
nghĩ về người đó với niệm thương yêu quý mến liền.
Ví dụ Phật
dạy mình không tham lam đắùm nhiễm; nếu chợt thấy trong tâm mình đang
thèm muốn vật chất thế gian thì phải lập tức bỏ liền, phải sám hối và
tự dặn lòng đừng tham như vậy nữa.
Ví dụ Tăng Ni sinh học ở
Phật học viện phương pháp Quán từ bi, thì ngay ngày hôm đó, tối hôm đó
phải áp dụng rải tâm từ thương yêu tất cả chúng sinh liền, không phải
chỉ học qua suông rồi bỏ. Chúng ta phải học để tu, còn việc cấp bằng là
hệ quả tự nhiên phải đến chứ không phải là mục tiêu chính.
Việc
tu sửa âm thầm mà vất vả đó chỉ có chính mình và Phật biết, ngoài ra
không ai biết để khen ngợi hay khuyến khích. Chính vì vậy mà chỉ những
ai có thiện căn sâu dày, tự giác rất cao mới có thể tự kiểm soát mình
hằng ngày hằng giờ như thế.
Sau một thời gian dài suy yếu
trong thời Pháp thuộc, các vị tôn túc có tâm huyết đã mạnh dạn kêu gọi
chấn hưng Phật giáo vào khoảng đầu thế kỷ 20. Các hòa thượng đã gấp rút
mở các trường, các lớp dạy giáo lý kinh điển để nhanh chóng có người
nối tiếp ra làm việc. Vì nhu cầu cấp bách nên không có thời gian cho
các hòa thượng truyền đạt các yếu chỉ tu hành. Thế là từ đó đến nay trở
thành như là truyền thống, các trường Phật học thiếu hẳn phương diện tu
tập rèn luyện. Tăng Ni sinh chỉ chuyên tâm nghiên cứu giáo điển cổ văn.
Nếu muốn có thêm đạo hạnh, Tăng Ni đành phải đi tìm tu nơi khác; hoặc
không tìm được môi trường tu hành thì đành làm người tu sĩ chỉ có học
mà không có tu. Rất là đau lòng !
Nếu không có được sự hướng
dẫn tu hành cặn kẽ, Tăng Ni dễ bị thiếu đạo lực, không chống đỡ nỗi sự
cám dỗ bên ngoài, đôi khi cư xử như người phàm phu tầm thường, rồi
chuốc lấy sự phê phán của tín đồ cư sĩ. Vì vậy, chúng ta mong mõi từ
đây, các trường Phật học phải có chương trình hướng dẫn thực hành tu
tập kỹ lưỡng. Tăng Ni phải được thực hành Thiền định, phải được rèn
luyện oai nghi Đạo đức từng chút. Thời gian dành cho chương trình tu
tập đó phải bằng hoặc nhiều hơn thời gian học. Chữ tu sĩ đã nhắc nhỡ
việc tu rất là quan trọng.
c.Chia rẽ vì tín đồ
Khuynh hướng sống hưởng thụ vật chất của xã hội cũng xâm nhập dần vào đời sống người xuất gia.
Thứ
nhất đó là lý do khách quan. Khi vật chất và phương tiện của xã hội dồi
dào thì luôn luôn thẩm thấu từ bên ngoài vào trong chùa. Muốn hay không
gì chùa cũng phải có những phương tiện máy móc mới cho sinh hoạt.
Thứ hai là lý do chủ quan. Đôi khi tu sĩ không kềm được sự ham thích đối với những vật dụng sang trọng mới lạ tinh xảo.
Chùa
thì hầu hết sống nhờ vào tín đồ Phật tử. Càng có nhiều tín đồ thì nguồn
lợi kinh tế của chùa càng sung túc, chùa càng dễ đáp ứng những nhu cầu
ngày càng cao hơn.
Nhưng lẽ ra thay vì tu sĩ phải có bổn phận
giáo hóa thêm nhiều tín đồ mới theo chí nguyện độ sinh của đạo Phật,
các chùa lại có thể bị tâm lý tìm thêm tín đồ cho sự sung túc của chùa
mà thôi. Tín đồ mới đó nếu là người chưa biết đạo trở thành biết đạo
thì rất hay, còn nếu đó là tín đồ có sẵn của chùa khác rồi được thuyết
phục trở thành của chùa mình thì mầm chia rẽ giữa các chùa đã xuất hiện.
Nhiều cư sĩ đến chùa bị ngạc nhiên vì nghe thầy này nói xấu thầy kia
một cách tự nhiên lão luyện. Họ mất niềm tin với vị thầy bị nói xấu đã
đành, họ cũng cũng cảm thấy ngờ ngợ về ông thầy có cái miệng nói xấu
nhuần nhuyễn quá. Rốt cuộc lại cư sĩ càng lúc càng mất niềm tin với quý
thầy. Tất cả chỉ vì tâm lý bí mật bên trong là muốn cho tín đồ đừng tới
chùa kia mà chỉ đến chùa mình thôi. Đó là một tệ trạng trong Phật giáo.
Một cái tệ khác là nhiều khi cư sĩ đến chùa nhìn thấy các tu sĩ đối xử
với nhau thiếu hòa ái tôn trọng. Họ lúc nào cũng kính trọng quý thầy ,
và nghĩ rằng quý thầy phải kính trọng thương yêu nhau nhiều lắm. Nhưng
có khi họ nghe quý thầy xưng hô với nhau bừa bãi, đối xử với nhau hời
hợt. Họ rất ngạc nhiên.
Có lần chúng tôi gặp một người Hà Lan
đã từng tu thiền ăn chay hơn hai mươi năm. Anh cũng tập luyện Thái cực
quyền theo khuynh hướng của các nhà sư Trung Hoa là việc tu dưỡng nội
tâm phải được hỗ trợ bằng việc rèn luyện cơ thể. Trong khi nói chuyện
về Thiền định Đạo đức và luật Nhân quả, anh bất chợt nhắc đến một đạo
sư nào đó ở Ấn độ rất là nổi tiếng. Vì nổi tiếng nên ông rất giàu có.
Anh đến viếng thăm ông và nhân tiện hỏi ông tại sao không chia sẻ cho
những người nghèo ở chung quanh. Chúng ta nên nhớ là Ấn độ còn rất
nhiều người nghèo.
Đạo sư trả lời rằng những người nghèo là
do nghiệp của họ, không nên can thiệp vào làm trái đi luật Nhân quả.
Câu trả lời đó làm anh mất đi sự quan tâm quý trọng luật Nhân quả.
Thật
ra luật Nhân quả không phải là cái cớ để chúng ta quay lưng với người
nghèo. Mà trái lại còn khuyến khích chúng ta quan tâm giúp đỡ mọi người
nhiều hơn nữa. Nếu không quan tâm giúp đỡ mọi người, sau này chúng ta
rơi vào nghèo khó sẽ không ai đoái hoài tới chúng ta, và còn nhiều nhân
quả khác nữa. Chúng ta sẽ khảo sát ở dịp khác.
Nói như vậy để
nhắc nhau rằng người tu không nên tích lũy tài sản nếu mình có phước
sung mãn, mà nên biết bố thí san sẻ. Đó cũng là công hạnh đạo đức căn
bản.
d.Nhu cầu giáo hóa đang rất lớn.
Hiện nay nhu cầu Phật tử cần được giáo hóa rất là lớn, vì 2 thành phần.
Một là đối với cả một thế giới chưa biết về đạo Phật ; hai là đối với
những vùng đất, những quốc gia đã từng là xứ sở của đạo Phật nhưng hiện
nay đang có dấu hiệu Phật pháp suy thoái.
Để có bản lĩnh vững
vàng trong việc tiếp cận và giáo hóa quần chúng Phật tử, người xuất gia
phải tu dưỡng rất nhiều. Trong nguyên lý thẩm thấu lẫn nhau, tác động
lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, khi tu sĩ gần gũi giáo hóa cư sĩ về đạo
lý, tự nhiên cũng dễ bị ảnh hưởng trở lại đời sống thế tục của họ. Nếu
đạo lực không vững vàng, người tu sĩ sẽ đem vào tâm hồn mình rất nhiều
chuyện phiền toáicủa thế gian. Do đó, hơn bao giờ hết, tu sĩ Phật giáo
phải có một bước chuyển lớn trong việc thực hành tu tập từ căn bản Đạo
đức, tiến dần lên những công phu thiền định cao hơn.
Một sự thật mà chúng ta phải nhìn nhận là cách làm việc, cách tu của
người xuất gia trong đạo Phật là chưa đủ, có vẻ còn thụ động. Chúng ta
hãy nhìn khắp những vùng đất, những quốc gia đã từng một thời là quê
hương của Phật giáo, nhưng khi Hồi giáo đặt chân đến là Phật giáo từ từ
biến mất. Ấn độ là đại diện cho sự tình này. Đúng là Hồi giáo đã dùng
đến bạo lực để chém giết tu sĩ, đập phá chùa chiền, nhưng rõ ràng cũng
tại mình thiếu một cái gì đó nên mới cam chịu cho Hồi giáo lấn át quá
đáng như vậy. Một việt Nam có Trần
Thủ Độ quyết đoán, Trần
Quốc Tuấn trí dũng, có vô số nhân tài với nền tảng võ học hùng mạnh… đã
khuyến khích các vua Trần vốn hiền lành trong Thiền học phải quyết chí
chống lại sự xâm lăng dữ dội của quân Mông cổ. Và đã chiến thắng oai
hùng. Việt nam đã làm được, nhưng nhiều nơi không làm được và Phật giáo
phải chấp nhận lui bước.
Ấn độ thời vua A dục hầu
hết đã theo đạo Phật, bây giờ chỉ còn khoảng 3 phần trăm. Nói 3 phần
trăm là nhờ công lao của một số Phật tử lỗi lạc như Ambedkar… vận động
phục hưng đạo Phật gần đây. Trước đó ít người Ấn biết gì về đạo Phật.
Trong thời cận đại, Indonesia từng là một vương quốc Phật giáo. Khi các
nhà khảo cổ vô tình đi vào rừng sâu đã phát hiện một cái tháp của đạo
Phật lớn nhất thế giới, tên là Bondogour (?)… Vì vậy chúng ta biết rằng
đạo Phật đã một thời cực thịnh tại đó. Nhưng bây giờ thì toàn bộ người
Indonesia đều là Hồi giáo.
Có một thời gian Malaysia cũng rất
thịnh về đạo Phật, nhưng từ khi có Hồi giáo thì Phật giáo yếu dần. Bây
giờ thì chính phủ Malaysia mặc nhiên xem Malaysia là quốc gia Hồi giáo.
Nói chung là Hồi giáo đến đâu thì Phật giáo biến mất tới đó.
Nhật
bản cũng vậy, cũng từng có đạo Phật là quốc giáo. Những tác phẩm về
Thiền của Nhật nỗi tiếng cả thế giới. Vậy mà ngày nay đạo Phật tại Nhật
cũng rất yếu. Những ngôi chùa cực kỳ hùng vĩ chỉ là nơi tham quan, hầu
như không có thuyết pháp. Thanh niên Nhật ngày nay ít ai biết gì về đạo
Phật. Họ đang bắt chướt lối sống hưởng thụ thực dụng của Tây phương,
tuy rằng sự giáo dục nhân cách đạo đức trong nhà trường của Nhật tốt
hơn Tây phương. Thế rồi người dân Nhật đi tìm sự bù đắp cho đời sống
tâm linh của họ bằng cách gia nhập vào những giáo phái nguy hiểm. Như
vừa rồi chúng ta nghe báo chí đăng tải về giáo phái Aum Shirikyu, một
giáo phái vay mượn uy tín và giáo lý đạo Phật, rồi đi vào hoạt động
khủng bố thả hơi độc trong đường ngầm giết hại nhiều người.
Chính vì tu sĩ đạo Phật không làm gì cả nên các giáo phái tà ác khác
mới có cơ hội nổi lên. Chúng ta phải nhận lỗi về mình trước đã.
Hàn quốc cũng vậy, cũng giống như Nhật bản, đang đua đòi lối sống hưởng
thụ thực dụng của Tây phương và ít quan tâm đến đạo Phật. Bắc Hàn thì
hầu như không còn Phật giáo do chính sách khống chế tối đa của chính
quyền.
Vừa rồi tại hội nghị Phật giáo ở Tokyo, 1997, các vị
lãnh đạo Phật giáo khắp nơi đều lên tiếng báo động về sự suy yếu của
Phật giáo trên thế giới. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng chính những
người đệ tử Phật, cả tại gia lẫn xuất gia, đã thiếu sót, đã thụ động,
không năng nỗ, không cương quyết… nên Phật giáo mới có tình cảnh này.
Chúng ta hay bị lừng khừng giữa hai thái độ:
Một là cũng muốn làm lợi ích gì đó cho chúng sinh; hai là muốn tu giải thoát nhanh chóng.
Đối với việc muốn làm lợi ích cho chúng sinh thì chúng ta không có
đường lối phương hướng rõ ràng; chúng ta không có sự hợp tác rộng rãi
trên toàn thế giới. Mỗi ngày chúng ta quả thật có phát nguyện độ chúng
sinh, và chỉ đứng lại ngang đó. Ít ai suy nghĩ thêm là phải làm gì
thiết thực hiệu quả cho lời nguyện hằng ngày đó.
Đối với khuynh hướng muốn tiến tu giải thoát thì được xem là một hình
ảnh đẹp trong đạo Phật. Nhiều vị đi vào hang sâu núi thẳm, hoặc đóng
cửa cốc không tiếp xúc với ai, để chuyên tâm tu tập. Nhưng hãy coi
chừng ! Thật ra chỉ những ai tâm đã hoàn toàn vị tha mới xứng đáng nhập
thất chuyên tu. Nếu tâm chưa hoàn toàn vị tha, chưa được rèn luyện sự
hy sinh phụng sự thì việc nhập thất không tiếp duyên lại chính là cơ
hội cho tâm ích kỷ phát triển dữ dội hơn lúc trước. Đây quả là một
nghịch lý kỳ lạ, nhưng có thật.
Càng ở một mình
trong thất vắng, càng tinh tấn niệm Phật hoặc tọa thiền, thì tâm ích kỷ
càng được củng cố. Đó là lý do tại sao chúng ta gặp nhiều người sau khi
nhập thất thì có vẻ kiêu mạn và nóng nảy hơn. Nếu chưa có tâm vị tha
cao độ thì chúng ta càng tinh tấn càng xa rời sự giải thoát, vì lúc đó
chúng ta chỉ lo cho chính mình. Đây là một nghịch lý rất khó vượt qua.
Đạo Phật của thế kỷ 21 này phải là một đạo Phật của những người rất
thiết tha với lý tưởng giải thoát, đồng thời cũng hết lòng với sự
nghiệp độ sinh. Người đệ tử Phật phải trọn lòng thương yêu mọi người,
từ những huynh đệ chung quanh mình cho tới tất cả mọi người trên Trái
đất, nhất là những người chưa biết Phật Pháp. Chỉ những người có tấm
lòng như vậy mới xứng đáng vào trong thất vắng.
Nhu cầu làm
việc sắp tới rất là lớn, đòi hỏi đệ tử Phật phải tích cực hơn rất
nhiều, cũng như phải có đạo lực vững vàng hơn rất nhiều để đem được
Phật pháp đến cho người nhưng không bị người đem ô nhiễm thế gian vào
trở lại.
Một biểu hiện thụ động của người đệ tử Phật từ trước tới giờ là cư sĩ không lo Phật hóa gia đình.
Rất
nhiều gia đình đạo Phật có cha mẹ theo đạo nhưng con không theo, anh
chị theo đạo nhưng em không theo, vợ theo đạo nhưng chồng không theo…
Chúng ta biết đạo Phật rồi mặc kệ người chung quanh, ai biết hay chưa
biết cũng được. Cha mẹ tới chùa học đạo, bỏ mặc con cái học ở nhà
trường hay ở bạn bè tốt xấu gì đó không cần.
Cái lỗi người cư
sĩ không biết lo Phật hóa gia đình là rõ ràng là lỗi của người tu sĩ.
Chính vì tu sĩ không nghĩ đến điều đó, không nhắc Phật tử điều đó,
không hướng dẫn cách thức làm điều đó, nên đạo Phật thiếu hẳn công đức
Phật hóa gia đình. Bây giờ chính là lúc phải sửa chữa thiếu sót đó.
Cha
mẹ phải được nhắc rằng mỗi sáng phải bắt buộc con trẻ lên lạy Phật, đọc
bài nguyện cầu buổi sáng dành cho trẻ, để huân tập cho trẻ thiện pháp
từ thuở ấu thơ.
Thế tại sao phải bắt buộc?
Bởi
vì con trẻ còn nhỏ nên không biết điều gì đúng điều gì sai, điều gì nên
làm điều gì không nên làm. Ngay cả việc đến trường học văn hóa cũng
vậy, nếu cha mẹ không bắt buộc thì chẳng có trẻ em nào chịu đi học đâu.
Vậy việc học Đạo đức và Phật pháp cũng quan trọng không kém cho cuộc
đời, nhân cách và tâm hồn trẻ, tại sao chúng ta không bắt buộc?
Đã đến lúc, bên cạnh yếu tố tự giác, đạo Phật phải thêm yếu tố cưỡng bách sự tu học đối với một số trường hợp.
Muốn
cho đạo Phật mạnh, chúng ta phải biết phát huy ưu thế tự giác có sẵn
trong đạo Phật đã đành, còn phải khai thác tiếp yếu tố cưỡng bách nữa.
Nhưng muốn làm được điều đó thì Tăng Ni phải mạnh mẽ năng nỗ cương
quyết hơn rất nhiều. Chính sự mạnh mẽ của Tăng Ni truyền sang cho Phật
tử và người Phật tử sẽ đủ sức mạnh để Phật hóa gia đình. Tăng Ni mà thờ
ơ thì chắc chắn Phật tử cũng sẽ xao nhãng trách nhiệm. Một đạo Phật yếu
đuối, lỗi do Tăng Ni trước hết. Vì vậy Tăng Ni hôm nay phải tích cực,
vừa khẳng định lý tưởng giải thoát, vừa sáng ngời lý tưởng độ sinh.
Chúng ta hãy nhìn sang các tôn giáo bạn, trẻ vừa sinh ra là đã được nhà
thờ cầm về rửa tội để làm tín đồ dù đứa bé chẳng biết ất giáp gì. Lớn
lên lập gia đình phải vào nhà thờ làm lễ, nghĩa là bảo đảm người phối
ngẫu cũng phải theo đạo. Nếu lấy người ngoài đem về càng có công với
Chúa. Rất nhiều gia đình đạo Phật lơ đãng cho con cái theo Kitô giáo
qua con đường hôn nhân như thế mà không hiểu mình đã lọt vào đúng chiến
lược của tôn giáo bạn. Thấy con cái thương nhau quá rồi cũng xuôi theo
mà không hề có một điều kiện công bằng hơn cho truyền thống đạo giáo
của gia đình. Đó cũng là một sự thiếu cảnh giác, thụ động, và đôi khi
nhu nhược trong đạo Phật.
Cũng chính sự nhu nhược đó mà khi
Hồi giáo đặt chân tới đâu thì Phật giáo bồng bế nhau di tản tới đó. Bây
giờ phải thay đổi lại tất cả. Quý thầy cô phải làm lễ cầu phúc cho con
của Phật tử khi mới sinh; phải làm lễ khai tâm khi con trẻ đến tuổi đi
học; phải làm lễ quy y khi trẻ đã biết nhận thức; làm lễ cưới khi
chúng lập gia đình; và làm lễ tang, lễ cầu siêu khi người đó qua đời.
Nói chung chùa phải “quản lý” Phật tử và gia đình từ khi mới sinh cho
tới khi mất đi. Quý thầy cô phải cực hơn, phải vất vả hơn như thế.
Người Phật tử phải gắn bó cả đời mình với chùa như thế.
Và chính vì Tăng Ni phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với Phật tử nên
phải gần gũi hơn, và, cũng rất dễ bị thế tục hóa hơn. Để làm được việc
mà không bị thế tục hóa như vậy, buộc Tăng Ni phải tu dưỡng rất nhiều.
e. Bốn lý do lớn của việc tu dưỡng đạo đức.
Thứ nhất, vì thế giới hôm nay đang mất quân bình giữa đời sống vật chất
và đời sống tinh thần, giữa hưởng thụ và đạo đức, nên trách nhiệm của
người đệ tử Phật là phải tu dưỡng đạo đức sâu dày để làm quân bình lại
mọi điều cho thời đại.
Thứ hai, là tạo lại niềm
tin cho Phật tử. Tăng Ni là chỗ dựa của Phật tử. Nhưng Phật tử dựa vào
Tăng Ni cái gì nếu không phải là Đạo đức? Không biết Tăng Ni có đắc đạo
hay chưa, nhưng yêu cầu trước hết là Tăng Ni phải có Đạo đức cái đã. Dù
chưa đắc đạo cao siêu, nhưng nếu Tăng Ni có đạo đức thì cũng giúp cho
Phật tử yên tâm nương tựa. Một vài Tăng Ni xem đạo đức là không quan
trọng bằng những công phu tu tập tâm linh cao siêu khác, nên không chịu
tu dưỡng đạo đức sâu dày, cuối cùng làm Phật tử hụt hẫng.
Tội
nghiệp cho Phật tử nếu lỡ chứng kiến cảnh người xuất gia lục đục với
nhau. Tu sĩ không thể che dấu khuyết điểm của mình mãi vì tiếp xúc lâu
ngày rồi người ta cũng phát hiện. Chỉ còn cách là bản thân mình ráng tu
dưỡng đạo đức chân thật.
Thứ ba, là tạo lại nội
lực giữ gìn tâm hồn mình không bị nhiễm ô khi gần gũi giáo hóa Phật
tử. Ơû đây ngoài đạo đức sâu dày, Tăng Ni còn phải có kinh nghiệm Thiền
quán. Nhất là trong thời gian tới Tăng Ni phải làm việc rất nhiều.
Thứ tư, là tạo lại nền tảng tu hành cho chính mình. Đạo đức là nền tảng
quan trọng cho quá trình tu hành, cho cả giới định tuệ. Và Đạo đức cũng
là biểu hiện đẹp về sau khi chúng ta đã tu hành viên mãn.
3. So sánh với Giới luật
a. ở mức độ cạn.
Ơû mức độ cạn thì Đạo đức cao hơn Giới luật. Vì sao?
Bởi
vì Đạo đức là cái tốt ở trong tâm, trong khi Giới luật chỉ là sự ngăn
cấm bên ngoài. Giới luật ngăn cấm những sai lầm ở hành vi và lời nói,
như cấm giết hại, cấm trọm cắp, cấm nói dối vân vân… còn Đạo đức giữ
gìn tâm ta thoát khỏi sự độc ác, sự tham lam, sự gian trá…
Có
những trường hợp hành vi bên ngoài là phạm giới nhưng nội tâm bên trong
là có đạo đức. Một người sư đệ đã lấy đôi dép đẹp của người sư huynh,
mà không hỏi xin phép, để đem cho một người nghèo, vì biết rằng người
sư huynh của mình tâm rất tốt. Hành vi lấy không hỏi xin là vi phạm
giới luật, nhưng động cơ là giúp người nghèo, và cũng biết chắc sư
huynh mình sẽ hoan hỷ, nên được xem là phù hợp với đạo đức.
Một câu chuyện nổi tiếng trong Góp nhặt cát đá ,” có hai sư huynh sư đệ
cùng đi trên một con đường sình lầy. Có lẽ hai vị quần áo cũng lam lũ
nên để như vậy mà lội sình luôn. Đến một đoạn, chợt hai vị thấy một cô
gái mặc kimono có vẻ quý tộc đứng loay hoay bên đường không dám băng
qua vì sợ lấm y phục. Lúc đó trên đường cũng không có ai khác có thể
giúp cô gái. Người sư đệ bước lại bảo:
- Này cô bé, để ta giúp cho.
Rồi
ông bế cao cô gái lên, đưa qua bên kia lề đường, đặt xuống, sau đó tiếp
tục đi với sư huynh mình. Thế là người sư huynh làm mặt ngầu, lầm lì
không thèm nói chuyện nữa. Sư đệ có hỏi gì cũng không thèm đáp. Đến một
khá lâu cũng gần về đến chùa, sư huynh mới trách:
- Chúng ta là tu sĩ không được phép đụng chạm đến phụ nữ, tại sao sư đệ làm như thế?
- Ha ha, em đã bỏ cô ta lại đó rồi, sư huynh còn mang tới đây sao !”
Nghe câu chuyện trên ta thấy người sư đệ đã khá tự tại, dù chạm người
nữ mà tâm không dính. Xét về giới luật thì đã phạm, nhưng xét về Đạo
đức thì không sao vì đó là việc làm vị tha giúp người với tâm vô nhiễm.
Chúng ta vẫn khâm phục người sư đệ mỗi khi nghe kể câu chuyện trên.
(Tuy nhiên dù có khâm phục, tu sĩ cũng không nên bắt chướt đi ngoài
đường kiếm phụ nữ để bồng qua đường.)
b.Ơû mức độ sâu thì
Ở mức độ sâu thì Giới luật cao hơn Đạo đức. Vì sao?
Bởi
vì trong Giới luật có một giới quan trọng là giới dâm. Hay còn gọi là
ái dục, nói theo ngôn ngữ của Đạo đức. Aùi dục là bản năng tự nhiên của
con người, mà hễ cái gì là bản năng thì rất mạnh. Giữ giới dâm tức là
chống lại bản năng của mình. Aùi dục là lòng thương yêu có khuynh hướng
tính giao với người khác phái- bây giờ phải thay đổi định nghĩa để mở
rộng qua các trường hợp luyến ái cùng giới tính.
Aùi dục là
bản năng tự nhiên, cho nên hết thế hệ này đến thế khác con người cứ
phải lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Cha mẹ thấy con mình lớn rồi mà
không có bồ là bắt đầu lo, sợ con mình ế.
Ngay cả đức Phật của
chúng ta cũng phải thị hiện có gia đình rồi mới đi tu. Nhờ vậy mà người
sau bớt mặc cảm về ái dục để có thể tiến tu giải thoát. Chúng ta cũng
thấy có rất nhiều người cư sĩ tại gia sống đời sống vợ chồng bình
thường, nhưng rất hiền lành đạo đức. Họ không làm điều gì trái với đạo
lý, chỉ là có yêu thương vợ chồng con cái. Đó là trường hợp có đạo đức
nhưng không vượt qua được ái dục.
Vì vậy chúng ta nói, đối
với vấn đề ái dục thì Giới luật cao hơn Đạo đức, vì thắng được bản năng
ái dục là một khả năng lớn, rất khó làm.
Trường hợp một tu sĩ
không phạm giới, cũng đừng nghĩ là mình đã thắng được bản năng ái dục.
Đó chỉ là vì mình còn phước làm Tăng, được giữ trong hoàn cảnh tốt. Chứ
nếu lúc nào đó rớt vào môi trường dễ dãi, ta sẽ thấy được sự yếu đuối
của mình. Lúc đó mà vững lòng thì mới gọi là vượt qua được lần một. Lần
một thôi chứ chưa bảo đảm lần hai lần ba…
Vậy chúng ta sẽ giữ giới aí dục bằng cái gì?
Dĩ
nhiên là bằng ý chí . Chúng ta dùng ý chí để giữ tâm mình không ham
thích, không đắm nhiễm, không vướng bận. Nhưng để có một ý chí sắt đá
như thế thì lại đòi hỏi chúng ta phải có công đức rất lớn. Ý chí phát
sinh từ công đức thì rất bền, có vẻ nhẹ nhàng, và không làm tăng trưởng
kiêu mạn. Còn ai không biết chỉ ráng cố sức khởi ý chí cho mạnh thì
kiêu mạn nóng nảy sẽ phát sinh. Rất nguy hiểm vì ý chí là con dao hai
lưỡi. Ý chí và bản ngã là anh em sinh đôi, cái này khởi thì cái kia
cũng khởi theo.
Ơû giai đoạn cao hơn thì tu sĩ dùng sức thiền
định để giữ tâm trong sạch. Tuy nhiên kết quả thiền định cũng bắt nguồn
từ công đức sâu xa khác. Nhiều người cho rằng cứ giữ gìn Chánh niệm
thanh tịnh thì tâm tự tại vô nhiễm, tự nhiên không bị nhiễm ô ái dục.
Họ nói đúng, nhưng không chắc ăn. Vì khi dùng Chánh niệm để giữ tâm vô
nhiễm, ta không tốn sức nhiều, giống như không cần đến ý chí vậy. Lâu
ngày Ý chí bị cùn lụt mà không hay biết. Đến khi gặp thử thách nặng thì
không có Ý chí để dùng nữa, rất là nguy hiểm. Vì vậy cứ phải dùng đến
quyết tâm giữ giới, dùng đến Ý chí giữ giới, mà Ý chí đó lại do công
đức tạo thành, nên sẽ rất nhẹ nhàng thanh thản.
Công đức rất
là quan trọng mà người tu phải biết gây tạo suốt đời. Nhờ có công đức
nên khi chúng ta tinh tấn trông bên ngoài thấy vẫn nhẹ nhàng như mây
như gió, dù bên trong rất quyết liệt mạnh mẽ. Ai không có đủ công đức
mà ráng sức sẽ bị nặng nề bực bội, người ngoài sẽ thấy khó chịu khi đến
gần. Chúng ta sẽ nói thêm ở những bài sau.
Trước
giờ chúng ta nghe nói ba môn vô lậu học là giới định tuệ. Chúng ta có
cảm giác rằng giới ở giai đoạn thấp. Nhưng thật ra giới đã ở giai đoạn
khá cao.
Muốn giữ Giới phải có Ý chí; muốn có Ý chí phải có công đức; muốn có công đức phải có Đạo đức.
Có
Đạo đức ta mới ham thích làm những điều công đức; có Công đức ta mới
phát khởi được Ý chí một cách tự nhiên; có Ý chí rồi ta mới giữ được
Giới. Vì vậy Giới luật vẫn ở một giai đoạn cao trong tiến trình tu tập.
4. Đạo đức và sự liên hệ với Thiền định
a. Đức Phật là biểu tượng rực rỡ của Thiền định.
Đức
Phật đã đắc đạo bằng con đường Thiền định. Sau khi đắc đạo, Phật cũng
tọa thiền đều đặn suốt đời. Điều quan trọng là Phật dạy tất cả đệ tử
cũng tinh tấn thiền định. Bây giờ chúng ta cũng thờ Phật trong tư thế
kiết già thiền định.
Nói đến đạo Phật, tất cả thế giới đều
hiểu ngay là nói đến Thiền định. Những Phật tử Tây phương nghiên cứu về
đạo Phật thường quan tâm đến mức độ nhập thiền của Tăng Ni, chứ ít hỏi
han về giáo lý vì họ đã có cả thư viện đồ sộ kinh sách đạo Phật muốn
tìm hiểu lúc nào cũng được.
Thiền định là nói chung cho tất cả
các phương pháp tu tập nhiếp tâm thanh tịnh. Từ sự thanh tịnh này, hành
giả nhắm đến mục tiêu vô ngã, giác ngộ, giải thoát. Hai điều kiện để
một pháp môn được xem là Thiền định trong đạo Phật là:
-nhiếp tâm thanh tịnh
-mục tiêu vô ngã, giác ngộ, giải thoát.
Vì
thế những pháp môn như niệm Phật, trì chú, quán hơi thở, quán bát nhã…
đều có sự chú ý nhiếp tâm thanh tịnh. Đó là thỏa mãn yêu cầu thứ nhất.
Nếu hành giả lại tiếp tục xác định lập trường hướng về mục tiêu vô ngã,
giác ngộ, giải thoát nữa thì có thể xem pháp môn đó cũng là Thiền định
cả, không cần phân biệt.
Người đệ tử Phật, nhất là người xuất
gia, phải tinh tấn tọa thiền tập định. Mỗi ngày chúng ta phải có vài
lần ngồi kiết già nhiếp tâm. Hai ba mươi năm sau nhìn lại đời tu mình
thấy có giá trị vì đó là cả một quãng thời gian mình vất vả chiến đấu
với vọng tưởng phiền não thật sự chứ không phải tu nhàn nhã qua ngày.
Mỗi khi ta bắt chân lên tọa cụ ngồi nhiếp tâm, đó là giây phút ta làm
người đệ tử Phật thật sự có giá trị. Không biết chúng ta có nhiếp tâm
thành công chưa, nhưng sự chiến đấu âm thần vất vả với chính mình là
một công lao đáng khen ngợi.
Có câu chuyện “ có lần Phật đi gặp một tỳ kheo rất tinh tấn tu hành. Vị tỳ kheo đảnh lễ và hỏi Phật:
- Bạch Thế tôn, con tu như vậy chừng nào đắc đạo?
- Ba kiếp sau ông sẽ đắc đạo. Phật đáp.
Nghe
vậy vị tỳ kheo khóc rống lên tủi thân tại sao tinh tần như vậy mà tới 3
kiếp nữa mới đắc đạo. Đi thêm nữa gặp một tỳ kheo khác hỏi Phật chừng
nào đắc đạo. Phật chỉ cây me bên đường bảo:
- Ông có thấy cây me đó không?
- Bạch Thế tôn, con có thấy.
- Ông có thấy lá me đó không?
- Trải qua số kiếp bằng lá me đó ông mới đắc đạo.
Nghe vậy vị tỳ kheo đó vui mừng hớn hở đảnh lễ tạ ơn Phật. Ngay đó chư thiên rải hoa cúng dường vị đó liền.”
Vị
này được chư Thiên rải hoa cúng dường vì đã vượt qua ý niệm thời gian.
Chỉ cần biết rằng mình sẽ đắc đạo nghĩa là trong hiện tại mình đã tu
đúng đường. Vị này chỉ sợ mình sai chứ không sợ cực khổ lâu dài. Tâm
niệm đó quả thật đáng cho chúng ta đảnh lễ cung kính.
b. thiền định và đạo đức hỗ tương
Đạo
đức là cái tốt trong tâm để tạo thành vô số hành vi lời nói bên ngoài
khiến mọi người chung quanh ta được an vui ích lợi và chuyển hóa.
Khi
người chung quanh được lợi ích nghĩa là ta được phước. Phước có được
khi ta đem lại lợi ích cho tha nhân, đó là định nghĩa căn bản. Nếu ta
rất tốt, nhưng chưa làm gì có lợi cho ai thì vẫn chưa có phước. Nguyên
tắc là như vậy.
Có phước chưa hẳn là có đức; có đức chưa hẳn
là có phước. Ví dụ có một quan chức địa phương muốn xây một cái cầu cho
dân, chỉ vì ông muốn lấy thành tích với cấp trên chứ hoàn toàn chẳng
thương dân thương gió gì cả. Vì chỉ nhắm đến lợi ích cá nhân nên ông
không được gọi là có đức. Nhưng việc làm của ông rõ ràng làm lợi cho
dân, nên chắc chắn ông sẽ có phước.
Ngược lại, có những người hiền lành nhưng thụ động, chẳng làm gì giúp ai, nên tuy có đức nhưng chẳng có phước.
Hoặc
như có những Phật tử đi chùa, cúng ít bông trái, bỏ vào thùng phước
sương ít tiền, rồi quỳ xuống thì thầm cầu đủ thứ chuyện cho gia đình
mình được giàu có, con cái thi đậu dù làm biếng học bài, mặt mình đẹp
nhất xóm vân vân… Lời cầu nguyện đó không có yếu tố đạo đức. Đó là lý
do tại sao ta thấy nhiều người đi chùa lâu mà không có đạo đức bởi vì
những lời cầu nguyện như thế chỉ làm tăng thêm ích kỷ mà thôi. Khi tâm
ích kỷ tăng thì người này tự nhiên cũng nóng nảy hơn, tham lam hơn, dễ
gây gỗ hơn. Và làm những người khác nghi ngờ chuyện đi chùa là tốt.
Vì vậy sau này người Phật tử đến chùa nên được hướng dẫn lại cách cầu nguyện sao cho tăng trưởng được đạo đức, tâm vị tha….
Nhờ
có đạo đức nên ta có phước; nhờ có phước nên ta nhiếp tâm trong thiền
định dễ dàng. Phước được tạo ra từ Đạo đức thì gọi là công đức- vừa có
công lao, vừa có đạo đức. Tại sao Phước hỗ trợ cho Thiền định? Ai tu
Thiền đều lo sợ về trạng thái thất niệm, mất chánh niệm, bị vọng tưởng
dẫn đi từ vấn đề này sang vấn đề khác. Khi thì tâm có vẻ sáng tỏ biết
được vọng tưởng rõ ràng, không bị vọng tưởng gạt; khi thì tâm mờ mịt bị
vọng tưởng che mất. Vì đâu mà tâm được sáng tỏ, cũng như vì đâu mà tâm
bị che mờ? Chính do nghiệp đã âm thầm chi phối. Nếu hành giả có phước
sung mãn, tự nhiên tâm thường xuyên dễ tỉnh giác; nếu hành giả ít
phước, tự nhiên tâm hay bị quên và chạy theo vọng tưởng.
Đạo
đức cũng trực tiếp ảnh hưởng đến sức tỉnh giác, chưa cần qua trung gian
của phước. Nếu tâm rất tốt, tự nhiên tâm cũng yên tĩnh, vì Đạo đức luôn
thuộc về “phe” tĩnh lặng. Nếu tâm có nhiều ý niệm bất thiện, tự nhiên
tâm cũng xao động, vì bất thiện thuộc về “phe” xao động.
Dựa
vào tiêu chuẩn này, ta cũng có thể đánh giá người nào đó có vẻ nhiệt
tình tử tế, nhưng nếu lăng xăng quá, coi chừng người này chưa thật tốt,
vì lăng xăng thuộc về phe bất thiện.
Ngược lại, Thiền định
cũng hỗ trợ cho Đạo đức. Tâm yên tĩnh cũng giúp ta dễ thấy được sai
lầm của mình. Giống như trong một lớp học, ai cũng ngồi, tự nhiên có
người đứng lên, người đó dễ bị nhìn thấy trước hết. Giống như trong một
nội tâm yên tĩnh, tự nhiên có niệm bất thiện khởi lên, niệm đó dễ dàng
bị trí tuệ nhìn thấy liền. Ví dụ khi nhìn thấy chiếc xe của ai đời mới
đẹp quá, ta chợt động tâm muốn có một chiếc giống như thế. Nhưng vì tâm
ta yên tĩnh quen rồi nên ta lập tức phát hiện ra đó là niệm tham. Biết
là tham nên thôi, không “muốn” nữa, bỏ.
Khi sức định sâu,
những khuynh hướng bất thiện rất sâu tiếp tục bị trí tuệ phát hiện và
hóa giải hết. Giá trị của Thiền chính là trừ diệt được những khuynh
hướng bất thiện tiềm tàng trong nội tâm sâu kín để lập thành một nhân
cách đạo đức siêu tuyệt. Thật là vô ích nếu một người tuyên bố đắc
thiền định mà đạo đức không hề được cải thiện. Đạo đức phải là biểu
hiện của Thiền định. Đạo đức và Thiền giống nhau ở điểm cả hai đều nhìn
vào nội tâm, quan sát nội tâm.
Khác nhau giữa Đạo đức và Thiền chính là,
Đạo đức nhìn vào nội tâm để đánh giá đúng hay sai, thiện hay ác.
Thiền nhìn vào nội tâm để đánh giá tĩnh hay động, an hay loạn.
Để
tự mình đánh giá lỗi lầm của mình thật là điều không dễ chút nào. Phải
là người rất chân thành, can đảm, trí tuệ mới tự cho mình có lỗi. Hầu
hết con người đều âm thần bênh vực cho mình. Ít ai dám nhận lỗi về
mình. Nhưng người thật sự có lý tưởng tu hành phải tự mình phê phán
mình trước chứ đừng đợi ai phê phán mình. Người ngoài phê phán mình là
muộn rồi. Chính mình phải phê phán mình trước.
Chúng ta phải
nghiêm khắc tìm lỗi của mình suốt hai ba mươi năm như vậy thì mới tạm
bớt có lỗi, có thể tạm làm thầy dạy cho người khác được rồi, có thể răn
dạy người khác được rồi. Còn nếu chưa thấy lỗi của mình, cứ hay trách
móc người khác, tội sẽ càng lúc càng nặng. Ai thấy lỗi mình thường
xuyên sẽ được thánh thần yêu mến. Ai thấy lỗi người thường xuyên sẽ
được ma quỷ yêu mến.
Đến khi tâm thuần thiện rồi,
tự nhiên chúng ta sẽ chuyển qua dụng công của Thiền lúc nào không hay.
Lúc đó chúng ta chỉ còn quan sát để ý xem tâm đang động hay tịnh. Và
thế là vọng tưởng sẽ tắt dần để vào định.
“Một cư sĩ hỏi:
-Tại sao con tu hoài mà tâm không thanh tịnh?
Tăng đáp:
-Anh hãy thanh lọc tư tưởng cho đến khi thuần thiện thì cái định đã ở gần một bên.”
Con đường này tuy nghe đơn giản nhưng rất căn bản vững chắc.
Cây đạo Phật
Sự
tu hành trong Đạo Phật giống như một cái cây, có rễ cái, rễ bàng, thân
gốc to, nhiều cành nhánh, vô số lá, hoa, và cuối cùng là quả.
Rễ
cái tượng trưng cho tâm hạnh căn bản nhất đó là lòng tôn kính Phật. Hệ
quả của lòng tôn kính Phật là làm phát sinh lý tưởng tu hành giải thoát
mạnh mẽ trong tâm chúng ta. Càng tôn kính Phật chừng nào thì lý tưởng
tu hành càng mạnh chừng nấy.
Những rễ bàng tượng trưng cho những tâm hạnh đạo đức. Đây chính là nội dung môn học này. Chúng ta sẽ lần lượt triển khai sau.
Thân
cây tượng trưng cho phước mình tích lũy được nhờ công quả làm lợi ích
cho mọi người. Thân càng to tức là cây càng khỏe. Phước càng nhiều thì
cuộc đời tu hành càng vững vàng.
Nhiều cành nhánh tượng trưng
cho nhiều pháp môn tu hành. Đạo Phật có nhiều pháp môn tu hành. Chúng
ta leo nhánh nào cũng nằm trong cây đạo Phật. Chỉ sợ mình leo lộn qua
nhánh của cây khác thành ra tu theo ngoại đạo. Tịnh độ, Thiền, Mật,
Giáo quán Thiên thai, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Lăng nghiêm vân vân gì cũng
là đạo Phật, miễn là ta có lòng tôn kính Phật, có tâm hạnh đạo đức, có
phước.
Vô số lá tượng trưng cho vô số oai nghi tế hạnh toát ra
bên ngoài biến thành phong cách của người tu theo đạo Phật. Dù mọc từ
bất cứ cành nào, lá vẫn giống hệt nhau. Dù tu theo bất cứ pháp môn nào,
phong cách oai nghi vẫn luôn luôn giống nhau. Người tu đúng đạo Phật
đều có phong cách giống nhau như điềm đạm, từ tốn, hiền lành, vui vẻ,
chân thành, giản dị… Nếu phong cách không giống nhau thì coi chừng
chúng ta tu sai đường lối của Phật dạy.
Hoa tượng trưng cho
định lực thành tựu được. Cuối cùng thì người đệ tử Phật phải có khả
năng nhiếp tâm vào định, vì đó là đường đi chủ yếu của đạo Phật. Định
được tâm là kết quả của nhiều công hạnh trước đó, của nhiều ngày tháng
vất vả tọa thiền dụng công. Nhưng phải đi tới chỗ này. Không thể khác
hơn được.
Quả tượng trưng cho trí tuệ chứng được. Trí tuệ này
không phải là những hiểu biết suy luận sáng tạo bình thường của con
người. Đó là khả năng cảm ứng phủ trùm siêu phàm của Thánh. Trí tuệ này
bảo vệ vị thánh vĩnh viễn thoát khỏi sai lầm ô nhiễm, và là khả năng
thấu suốt mọi điều trong pháp giới.
Qua hình tượng cây đạo
Phật vừa rồi, chúng ta thấy vấn đề chia rẽ pháp môn trong đạo Phật chỉ
là sự hiểu lầm, làm phân hóa Phật giáo. Cành nhánh thì có thể riêng,
nhưng gốc chung, rễ chung, thân chung, lá giống, hoa giống, quả giống.
Pháp môn có thể riêng, nhưng lý tưởng chung, Đạo đức chung, phước
chung, phong cách giống, định giống, tuệ giống. Như vậy vẫn là đạo Phật
với nhau như anh em một nhà.
Chỉ sợ khi nhìn lại, chúng ta sai khác nhau về lý tưởng, về phong cách, thì coi chừng mình không phải chung một đạo Phật.