Tâm Lý Đạo Đức


Tỳ Kheo Thích Chân Quang
16/07/2011 10:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 110902
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

LÀM CHỦ LỜI NÓI

I. CÔNG DỤNG CỦA LỜI NÓI.

Lời nói thường có hai công dụng: 

-   Lời nói biểu hiện nội tâm

-   Lời nói là phương tiện để giao tiếp.

1. Lời nói biểu hiện nội tâm.

Khi nghe một người thốt lên lời nói, chúng ta có thể biết được quan điểm, đạo đức, cá tính, sở thích cũng như trình độ, trí tuệ…của họ. Nhưng tìm hiểu lời nói dưới góc độ Tâm lý Đạo đức không phải chỉ để chúng ta nhận xét, đánh giá người khác mà còn để đánh giá được chính mình.

Trước hết, qua lời nói, cách nói, chúng ta có thể hiểu đựơc quan điểm của người đối diện. Chẳng hạn, khi chúng ta nói chuyện với họ về tôn giáo, về tâm linh, về Nhân quả, họ tỏ ra không quan tâm lắm, cũng không tranh cãi điều gì. Nhưng khi có dịp, họ chỉ nói toàn những vấn đề về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, chúng ta biết ngay người này không có khuynh hướng về tín ngưỡng, về tâm linh.

 Hoặc qua lời nói, chúng ta có thể đánh giá được Đạo đức của người khác. Thông thường, khi đã tu dưỡng Đạo đức được một thời gian dài, chúng ta trở nên sắc bén hơn trong việc nhìn nhận và đánh giá người khác. Vì đã trải qua không ít những sai lầm trong cuộc sống và biết quá rõ về mình nên chỉ cần người khác có những biểu hiện rất nhỏ, chúng ta cũng có thể biết ngay họ là người như thế nào. Nhưng chúng ta phải hiểu, không phải biết để phê phán mà để thương yêu và thông cảm. Nếu có điều kiện, có duyên, chúng ta còn giúp họ vượt qua những lỗi lầm mà họ phạm phải. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, khi bước ra làm việc Đạo, chúng ta rất cần dựa vào lời nói để đánh giá người khác. Trong quá trình giao tiếp, nhờ vào lời nói, chúng ta có thể nhận xét được người khác và công việc sẽ dễ dàng hơn. Đó là vấn đề thuộc về bản lĩnh làm việc và chúng ta sẽ khai thác trong một dịp khác. Bây giờ, chúng ta chỉ tìm hiểu lời nói trong việc tự đánh giá chính mình. Trong cuộc sống, có những điều khi đã buột miệng nói ra, chúng ta mới giật mình nhận ra đó là lời nói sai và tự trách mình sao lại nói những điều sai lầm như vậy. Rõ ràng, nhờ vào lời nói, chúng ta có thể kiểm soát được tâm mình, ngăn chặn được nghiệp bất thiện và tăng trưởng được Tâm thiện. 

Ví dụ, khi nghe người đối diện thốt lên lời thô tục, thiếu văn hoá, có thể chúng ta sẽ xuất hiện hai cách phản ứng: nguyền rủa người ấy hoặc cảm thấy tội nghiệp họ. Nếu trong tâm ta phát ra lời nguyền rủa người ấy, chúng ta là người không có Đạo đức, không có tâm Từ bi. Chúng ta phải hiểu rằng, tâm Từ bi không chỉ dành để thương yêu con người khi họ lâm vào cảnh khổ mà phải thương ngay cả lúc họ gieo nhân xấu. Trước lỗi lầm của người khác, chúng ta sinh tâm bực bội quá đáng, thậm chí ghét bỏ nguyền rủa họ là chúng ta thiếu Từ bi, gây nên ác nghiệp. Khi đã lỡ lời, chúng ta phải ăn năn, sám hối để chuộc lại tội lỗi của mình. Nếu khi nhìn vào Nhân xấu rồi nghĩ đến Quả báo xấu của một người và thấy thương họ hơn vì sống mà không biết nhân quả, tội phước, đó là chúng ta có tâm Từ bi. Như vậy, qua một lời nói trước một vấn đề, chúng ta có thể đánh giá được Đạo đức, đánh giá được Tâm của con người. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ không nói những lời ác độc. 

Những cá tính, sở thích hay những thói xấu, lòng ham muốn…còn đang tiềm ẩn trong con người cũng dễ được bộc lộ ra qua lời nói. Trong lúc nói chuyện, nhiều khi vô tình, chúng ta đã để lộ ra những điều xấu còn tiềm ẩn trong tâm mình. Chính nhờ vào những lời nói vô tình đó, chúng ta có thể phát hiện và loại bỏ những thói xấu, những ham muốn tầm thường mà trước kia ta chưa biết. 

Lời nói cũng thể hiện được trí tuệ của con người. Nhờ lời nói, chúng ta biết  được trình độ, trí tuệ của người đối diện. Ví dụ, khi trở thành Thầy, làm Giáo thọ, Giảng sư hay Trụ trì, có người đến chùa hỏi: “ Tại sao tôi tu lâu mà không tiến bộ?”, chúng ta phải trả lời như thế nào? Mỗi người có thể trả lời một cách theo quan điểm của mình nhưng câu trả lời có trí tuệ là: “ Do thiếu Công Đức”. Vì  đây là câu trả lời có thể giúp đỡ người khác hiểu được vấn đề và biết tu như thế nào cho đúng. 

Công Đức bao gồm Đạo đức và Phước. Nếu Công Đức chưa đủ, người tu phải tạo thêm Công Đức bằng cách cố gắng tu dưỡng Đạo đức và làm việc Phước. Tuy nhiên, trả lời như vậy vẫn chưa sâu sắc vì mỗi người đều có nghiệp riêng. Chúng ta phải chỉ rõ được nghiệp của họ: đố kỵ, ích kỷ, khoe khoang, kiêu mạn hay giải đãi… Có người tu không tiến bộ vì họ ít bố thí quá, sống hẹp hòi quá. Với những người như vậy, chúng ta khuyên họ phải biết buông xả, đừng chấp giữ vật chất vì vật chất là vô thường. Bố thí giúp đỡ người khác sẽ tạo thành Phước trong tâm. Có người thiếu công đức lễ Phật nên tu không tiến bộ. Chúng ta khuyên họ phải cố gắng lễ Phật. Có người vì khoe khoang, tu được điều gì cũng đem nói cho mọi người biết nên mất hết Phước, không còn hạnh Kín đáo nữa. Người ấy tu cũng không tiến bộ. Vì vậy, chúng ta khuyên họ phải kín đáo. Hoặc có người sống hay đố kỵ với người khác, thấy ai thành công cũng tỏ ra ganh ghét nên việc tu hành của họ không tiến bộ được. Với loại người này, chúng ta lại khuyên đừng đố kỵ, phải cố gắng tập hạnh tùy hỷ với người khác vv… 

Nhưng điều quan trọng là làm sao khi nhìn vào mỗi người, chúng ta biết được Nghiệp của họ để có những lời khuyên sâu sắc, hợp lý ? 

Nhiều khi người hỏi câu ấy là một người hoàn toàn chưa quen biết nhưng chúng ta phải nhìn thấy ngay được cái nghiệp của họ để trả lời cho có trí tuệ. Đây là cái khó của người Thầy. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm trong đời sống tu tập của mình thì chưa đủ. Vì có những “bệnh” người ta có mà chúng ta hoàn toàn không có. Như vậy, chúng ta cần dựa vào những cái họ bộc lộ ra bên ngoài qua lời nói. Tất nhiên, phải có mối quan hệ gần gũi với người ấy, chúng ta mới đánh giá được cá tính, nội tâm của họ qua lời nói cũng như việc làm. 

Còn trường hợp người hỏi điều đó chưa hề sống gần gũi với mình mà chúng ta vẫn biết được là nhờ vào quá trình tu hành của mình. Vì nhờ tu tốt, tâm linh phát triển, trực giác phát triển, chúng ta có thể biết được nội tâm của người khác. Nhưng phải hiểu một điều là chúng ta biết để giáo dục người chứ không phải để khoe khoang. Phật gọi điều này là giáo hóa thần thông. Nghĩa là thần thông dùng để giáo hóa, không phải thần thông dùng để làm điều lạ. Có được điều này không phải dễ nhưng đã theo con đường của đạo Phật, ai cũng cần phải có một chút trực giác. Nhờ trực giác, khi người ta đến với mình, chúng ta sẽ biết quan tâm, đối xử với họ đến mức độ nào để giúp họ gỡ cái nghiệp mà họ đang gánh nặng. Không phải lúc nào chúng ta cũng dạy được người khác, nhưng biết người ta nặng nghiệp ở chỗ nào, khuyên họ xoáy vào chỗ đó để dễ vượt qua cũng là điều rất cần thiết. Mặt khác, trả lời người khác một cách chính xác cũng thể hiện được trí tuệ, trình độ tu tập của người Thầy. 

Với những câu hỏi đơn giản như vậy, chúng ta có thể theo trực giác trả lời để giúp họ tu tập được tiến bộ.

Trường hợp khi được hỏi những câu thuộc về đạo lý, sâu sắc hơn, chúng ta phải có trí tuệ rất cao mới trả lời được. Có một Thầy kể lại câu chuyện có thật mà mình gặp phải, chúng ta nghe để thấy rằng, trả lời đúng một câu hỏi lắt léo của Phật tử không phải là chuyện đơn giản. Một lần, người ấy ngồi nói chuyện với một nhóm Phật tử, trong đó có một người có khả năng kiến giải rất cao. Anh ta kể về trình độ tu tập của mình khiến ai cũng nể phục. Mặc dù chỉ là cư sĩ nhưng anh ta đã từng ngồi thiền Yoga và có được sự đốn ngộ như một nhà Thiền. Trong nhóm Phật tử, người hỏi câu này, người hỏi câu kia, chỉ có anh ta là nói nhiều hơn cả để chứng tỏ mình là người có kiến giải đặc biệt trong đạo Phật. Quả thật, những điều anh nói đều rất sắc bén. Trong lúc nói chuyện, bất ngờ anh quay sang hỏi vị Thầy một câu: 

- Thưa Thầy ! Không biết tại sao khi nhìn mặt ông bà già bảy tám mươi tuổi, tôi vẫn thấy họ nhỏ hơn tôi nhiều?

Câu hỏi ấy không phải dễ trả lời. Nhưng anh ta vừa dứt câu hỏi, ông Thầy ngồi đó đã trả lời ngay : “Kiếp trước anh tu làm Tiên trường thọ sống đến hai, ba trăm tuổi nên ông bà già bảy tám mươi tuổi đối với anh vẫn còn là trẻ con”. Ngay lúc đó, một người bạn anh ta mới nói tên của anh ta là Nguyễn Thọ Trường. Lúc này, anh ta mới tiết lộ : Từ khi còn là cậu bé bảy, tám tuổi, anh đã biết được phép tu tiên, đã luyện Yoga, luyện khí công rất thành công. Anh có thể nhập Định giữ không cho mạch nhảy, không cho tim đập. Nghĩa là mức độ luyện khí công, luyện các phép tu Tiên của anh khá thành công. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy kiếp trước anh đã luyện thành công nên bây giờ gặp lại phép đó, anh đã tu rất sớm và rất thành công. Và kiếp trước anh tu làm Tiên trường thọ nên bây giờ, cái nghiệp đã rơi vào tên của anh là Nguyễn Thọ Trường. 

Thực ra, ông Thầy mới gặp anh ta lần đầu, không hề biết những chuyện ấy, nhưng không hiểu sao lại trả lời đúng, lại giải thích được một vấn đề anh ta còn băn khoăn khiến anh ta rất nể phục. Từ đó, hình như cái ngã của anh ta lắng xuống, anh ít nói hơn, biết lắng nghe hơn. Câu trả lời như vậy là có trí tuệ. Tất nhiên, đó không phải là câu trả lời duy nhất. Có thể một người khác cũng hỏi câu tương tự như vậy nhưng trường hợp này không phải do tuổi thọ lớn hơn mà có khi do đời trước họ từng làm vua. Vì đứng trước ông vua dù còn rất trẻ, một ông già bảy, tám mươi tuổi cũng phải quỳ. 

Như vậy, không phải trường hợp nào cũng giống trường hợp nào, chúng ta phải có cách trả lời cho phù hợp. Trong việc giáo hóa hay giao tiếp, chúng ta sẽ đối diện với nhiều đối tượng, nhiều trường hợp khác nhau. Nếu trả lời một cách sâu sắc, chúng ta sẽ giúp người khác có niềm tin vào Phật pháp, có hướng đi đúng đắn và có sự tinh tấn trong cuộc sống cũng như trong việc tu hành. 

 Đặc biệt, khi tiếp xúc với người khác, chúng ta phải dùng lời nói giúp người tin sâu Nhân Quả. Vì luật Nhân Quả chi phối mọi mặt trong đời sống cũng như sự tu hành. Nếu dựa vào đó để giải thích, chúng ta sẽ ít bị sai lầm. Có Phật tử từng là đệ tử của một vị Thầy khá nổi tiếng đã tâm sự với một Thầy khác rằng: “Thầy của con không đi sâu vào Nhân Quả mà nghiêng về tâm lý học, xã hội học. Ông thường dùng những lý luận của tâm lý xã hội để giải thích nhưng áp dụng vào cuộc sống lại không thích hợp. Khi nghiên cứu về Nhân Quả, con thấy hợp lý hơn, tâm con yên hơn và dễ chấp nhận hơn”. Đây là một lời tâm sự rất chân thành. Những điều mà người Phật tử ấy nhận xét là có cơ sở. Bởi vậy, chúng ta hiểu sâu Nhân Quả để hướng dẫn, giáo hóa sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh. 

Và như vậy, chúngta có một phương pháp tu khá hay là luôn luôn quan sát lời nói trước khi phát ra. Đó là Chánh niệm trong lời nói. Trước khi nói,  chúng ta phải kiểm soát xem mình sắp nói ra điều gì. Có nhiều người, khi được người khác hỏi đến, không bao giờ suy nghĩ mà vội vàng trả lời ngay nên không kiểm soát được tâm mình. Nếu có trí tuệ đi trước, chúng ta sẽ biết mình nên nói điều gì và nói điều gì trước, điều gì sau để tránh khỏi sai lầm. 

Ví dụ, khi nghe người khác khen một Thầy nào đó học giỏi, luôn luôn được điểm cao, chúng ta suýt buột miệng nói: “ Chắc có cảm tình riêng với Giáo thọ nên được điểm cao chứ giỏi giang gì”. Nhưng nhờ sự tỉnh giác, kiểm soát trước lời nói, chúng ta đánh giá được ngay đó là lời hàm ý chê bai và được xuất hiện từ tâm đố kỵ nên không thốt ra. Chúng ta biết rằng, tâm đố kỵ rất nguy hiểm, người còn tâm đố kỵ sẽ tạo nên nhiều nghiệp khủng khiếp sau này. Như vậy, nhờ đánh giá trước lời nói, chúng ta giữ lại được những lời nói không hay nên tránh tạo thành nghiệp. Đồng thời, chúng ta cũng biết trong tâm mình còn sự đố kỵ và quay về lạy Phật sám hối để vượt qua. 

Chúng ta tuyệt đối không nói lời đố kỵ, chỉ trích mà chỉ nên hoan hỉ khen điều tốt của người. Khi nghe ai khen người khác, chúng ta nên vui mừng thật sự và cũng bày tỏ sự khen ngợi, cảm phục của mình. Ví dụ, nghe một người khen một vị Giảng sư rất nổi tiếng, làm được nhiều việc tốt cho Phật pháp, chúng ta dựa vào Nhân Quả và khen rằng, có lẽ vị này đã có Công đức trước đó rất lớn, có nhiều hạnh tốt ở trong tâm nên có một sự thành công như vậy. Người ấy chỉ giảng những giáo lý cơ bản, không có gì sâu sắc nhưng lại được nhiều người nghe và khen ngợi, chắc chắn người ấy phải có đức, có phước gì đó rất lớn. Khen được như vậy, trước hết tâm chúng ta phải biết hoan hỷ. 

Khi nghe người khác tài giỏi, thành công, chúng ta phải vui mừng. Đây là điều người tu chúng ta nên lưu ý. Trong cuộc sống, người đời hay có bệnh ganh tị nhau như con gà ghét nhau tiếng gáy. Nhưng là người tu, chúng ta phải vượt qua được điều đó. Có thể rồi chúng ta sẽ làm nhiều việc cho Phật pháp, khi làm việc cho Giáo hội, khi đi dạy cho Phật tử, cho Tăng Ni... nhưng nghe ở đâu có người giảng hay, chúng ta phải thực sự vui mừng. Vì trong đạo Phật, có được nhiều người giảng hay như vậy, nhiều chúng sinh sẽ được hoá độ.

Nói tóm lại, chúng ta phải kiểm soát lời nói của mình. Muốn nói điều gì, chúng ta phải nhìn trước lời nói đó và khi thốt ra lời, phải thong thả, chậm rãi, trầm tĩnh.

 Chúng ta biết, lời nói là biểu hiện của nội tâm. Nhưng cũng có những trường hợp lời nói và nội tâm trái ngựơc nhau. Đó là trường hợp nói không thật tâm hay còn gọi là giả dối. Ví dụ, trong lòng ghét cay ghét đắng người nào đó nhưng vờ nói thương. Hoặc ghét người nhưng không dám nói thẳng rồi nói xấu sau lưng. Hoặc không có đạo đức nhưng làm ra vẻ đạo mạo để mọi người tôn trọng vv… Người tu chúng ta không nên rơi vào trường hợp này, cần sống buông bỏ, không giận ghét bất cứ ai và nghĩ như thế nào, nói như thế đó. Người chân tu phải chân thật, thẳng thắn nhưng khả ái, dịu dàng không thô tháo, không nói nặng lời để làm mất lòng nhau. Lời nói phải có ái ngữ.

Tại sao người tu phải sống chân thật ? Vì không thích ai đó nhưng cứ giả vờ nịnh hót, nói ngọt để lấy lòng họ, chúng ta sẽ trở thành con người hèn hạ. Đó là lối sống của kẻ tiểu nhân. Người đời sống theo đạo Nho, đạo làm người quân tử cũng tránh lối sống giả dối như vậy( trừ một số trường hợp). Cho nên, là người của đạo Phật, đi tìm danh vị Thánh, chúng ta không bao giờ được sống luồn lách, dối trá. Mỗi người phải sống thật như chính tâm hồn mình. 

Không những lời nói biểu lộ nội tâm mà giọng nói cũng biểu lộ nhiều điều. Có những điều qua lời nói chúng ta không nhận ra được nhưng giọng nói lại biểu lộ rất rõ. Bởi vậy, khi đánh giá một người, nhiều khi không cần nghe họ nói điều gì, chúng ta chỉ cần nghe giọng nói họ như thế nào. Giọng nói của con người thường biểu lộ hai điều: Phước và Đức. Phước là cái nhân quả họ đã gieo. Đức là những tính tình của họ.

 Nếu nghe một người có giọng nói vang ấm, trang trọng, chúng ta biết đó là người giàu có, thậm chí là người nổi tiếng. Trong đời sống, có những người tuy khỏe mạnh nhưng giọng nói lại yếu ớt. Những người như vậy thường có cuộc sống nghèo khổ hoặc chết sớm. Người có giọng nói không rõ ràng là người vị kỷ, nham hiểm. Người có giọng nói nghe chát chúa, khó ưa là người có tính tình hung dữ và thô tháo. Người này hay nói những điều làm mất lòng người khác. Trong khi đó, không ít người có giọng nói rất êm ái, rất chuẩn. Đó là những người có tâm Từ bi. Vì xuất phát từ lòng từ bi, thương yêu nên khi nói với người đối diện, người ấy như đang chan rải tình thương. Gặp những người như vậy, chúng ta rất dễ có cảm tình. Một khi đã có tâm từ, chắc chắn họ đã làm nhiều việc phước nên những người này cũng là người giàu có tuy không nổi tiếng, không có uy quyền. Còn trường hợp giọng nói êm nhưng chưa chuẩn, nghĩa là Tâm từ mới xuất phát, có thể người này chưa giàu vì Nhân mới gieo, Quả chưa đến. Có người nói giọng êm nhưng uốn éo. Đây là người có tâm đa tình, đa cảm. Người này thường yếu đuối, thiếu lập trường. Ngoài đời, chúng ta thấy nhiều người lẳng lơ, lăng nhăng cũng có giọng kiểu này. Không ít người trong cuộc sống gặp nhiều điều rắc rối, phức tạp cũng vì giọng nói ngọt ngào, êm ái mà đa tình ấy. 

Có những trường hợp, giọng nói biểu lộ được cá tính, nội tâm của con người rất rõ. Nghe giọng nói bên trong có vẻ gì vừa dứt khoát, cương nghị vừa  êm ái, chúng ta biết đây là người  vừa có đạo đức, vừa có ý chí. Có nhiều người tướng mạo bên ngoài đẹp đẽ nhưng giọng nói không dứt khoát, yếu đuối. Đó là người rất khó tu. Trong việc nhận xét con người, những thầy tướng thường cho rằng giọng nói quan trọng hơn gương mặt. Ví như người có gương mặt đẹp mà giọng nói không tốt vẫn có thể bị phá tướng. Bởi vậy, mỗi nguời phải có ý thức sửa dần giọng nói của mình. 

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy giọng nói cũng có những “tật” riêng. Có người nói quá lớn, có người nói quá nhanh, có người lại nói lắp, ngọng nghịu… 

Người nói quá nhanh thường là nguời thông minh. Trong vùng não của họ có những tư tưởng phát ra rất nhanh. Nhưng những người nói nhanh cũng biểu lộ một nhược điểm là vội vàng, hấp tấp. Nếu biết mình có “tật” nói nhanh, chúng ta phải tập kiểm soát lời nói của mình trước khi phát ra. Như vậy, lời nói tự nhiên sẽ chậm lại. Người có giọng nói quá lớn thường là người không có chiều sâu, hay khoe khoang và thường là người không có bản lĩnh. Người có giọng nói bị lắp, ngọng nghịu là người thiếu phước và gây nghiệp xấu ở đời trước. Nói lắp (còn gọi là nói cà lăm) là trong một câu nói thường có một vài chữ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến câu nói không suông. Người có “tật” nói lắp thường khó thành công trong cuộc sống. 

Người ta có kể một câu chuyện vui về người nói lắp như sau: Khi huấn luyện cho những người lính tập nhảy dù, huấn luyện viên có dặn khi nhảy ra khỏi máy bay phải đếm một, hai, ba…đến mười thì giật dây cho dù bung ra, từ từ rơi xuống đất. Sau khi buông dù, huấn luyện viên kiểm lại thấy thiếu một người. Thì ra, anh ta rơi xuống bị “lệch pha”, cũng may là rơi trên đống rơm nên không nguy hiểm. Hỏi ra mới biết anh ta chưa đếm đến mười thì đã rơi xuống đến đất rồi. Lúc ấy mọi người mới biết anh ta bị nói lắp, đếm đến năm, sáu bị lặp lại nhiều lần quá nên buông dù không kịp. 

Khác với nói lắp, nói ngọng là người nói phát ra phụ âm không rõ. Ví dụ, trong một câu thơ viết về những anh chàng “ngọng”, nhà thơ Hồ Xuân Hương có viết: Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông.

Chúng nó bảo nhau: “ ấy ái uông”.( “thấy cái chuông”-NV)

Chúng ta biết rằng, trongVăn học cổ Việt Nam, Hồ Xuân Hương nổi tiếng là một nữ sĩ có cá tính ngang tàng, độc đáo. Viết những câu thơ này, bà muốn mỉa mai những anh học trò tài năng còn non kém, tài thơ còn “ngọng nghịu” mà dám làm thơ chọc ghẹo mình. 

Người nói lắp, nói ngọng thường là người bị cái nghiệp gì đó trong quá khứ. Họ phải  phải sám hối thật nhiều trong đời này. Như vậy, căn cứ vào giọng nói, chúng ta có thể biết được Nghiệp và Tâm mình để sám hối, sửa đổi. 

2. Lời nói là phương tiện giao tiếp.

Đây là công dụng thứ hai của lời nói. Trước kia, khi chưa có chữ viết, chúng ta giao tiếp với nhau chủ yếu bằng lời nói. Từ thế kỷ thứ X, ta có chữ Hán; thế kỷ XIII, cha ông ta chế ra chữ Nôm và đến thế kỷ XVII, chúng ta sử dụng chữ Quốc ngữ với mẫu tự Latin làm phương tiện ghi lại lời nói. Nhưng phương tiện giao tiếp chủ yếu giữa con người với con người trong cuộc sống vẫn là lời nói. Bởi vậy, lời nói có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự tương quan giữa người và người.  Chúng ta phải cẩn thận trong lời nói để tạo nên mối tương quan tốt. Dù bày tỏ ý nghĩ của mình cho người khác nghe hay nhờ vả, sai bảo, thuyết phục, chào hỏi…, lời nói cũng cần phải có đạo đức. Tuy nhiên, dùng lời nói để thuyết phục người khác là một điều rất khó. 

Chẳng hạn, khi ra giáo hóa, gặp người nào đó chưa tin luật Nhân Quả, chúng ta phải dùng lời nói có đủ sức thuyết phục để họ tin đạo lý Nhân Quả. Vì không tin luật Nhân Quả là điều bất hạnh lớn trong cuộc đời. Khi không hiểu luật Nhân Quả, không biết về sự quả báo, họ sẽ làm nhiều điều lầm lỗi. Để có sức thuyết phục, chúng ta phải có đủ lý lẽ và phải nắm được trình độ của họ. Thuyết phục cho người ta làm điều họ chưa làm, tin điều họ chưa biết, từ bỏ lối sống cũ, chuyển qua lối sống mới và tu hành tốt hơn là điều rất khó của Giảng sư . Điều này hoàn toàn khác với việc trình bày một đề tài cho người khác hiểu của người đi giảng ở thế gian. Trình bày cho người ta hiểu chỉ đơn giản người trình bày hiểu sâu sắc vấn đề và có tài ăn nói khéo léo một chút.Trong đạo, người Giảng sư không chỉ làm cho người khác hiểu mà còn phải thuyết phục họ thay đổi cách sống. Cái sức mạnh chuyển hóa người khác ấy phải xuất phát từ chính sự tu hành của mình. 

Trong giao tiếp, người phát ngôn luôn luôn có đối tượng tiếp nhận. Nếu khi nói chuyện với người đối diện hoặc với hai, ba người với nhau, chúng ta phải cẩn thận từng lời nói thì khi chuyển lời của mình thành sách, chúng ta càng phải cẩn thận hơn. Vì chúng ta không thể hình dung bao nhiêu đối tượng sẽ đọc sách của mình. 

Cũng có trường hợp nói mà không có đối tượng, người nói chỉ lẩm nhẩm một mình. Đó là những trường hợp đặc biệt. Người nói có vấn đề không ổn về thần kinh hoặc có khi người bình thường ghét ai đó nhưng không dám nói thẳng nên lầm bầm chửi rủa một mình. Người tiểu nhân thường có tính xấu đó. 

Sở dĩ chúng ta phải cẩn thận từng lời trong khi nói vì nếu lỡ nói lời không hay, xúc phạm đến người khác, chúng ta sẽ làm đổ vỡ tình cảm. Mà tình cảm một khi đã đổ vỡ thật khó hàn gắn lại nguyên vẹn như xưa. Người ta thường nói : “Mọi sự chắp nối, dẫu tinh vi cũng còn dấu vết”. Ông bà ta cũng từng nói một câu rất chí lý: “Ly nước đổ ra hốt lại sẽ không đầy”. Nếu trong lúc nóng nảy, lỡ nói những lời càn dở, sau này chúng ta có ân hận cũng không kịp nữa. Bởi vậy, tốt hơn hết, chúng ta phải cẩn thận, đừng nói lời quá nặng, xúc phạm đến người khác. Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhớ một điều: 

“Vết dao đâm có thể lành thương tích.

Lời nói đâm nhau, hận một đời”. 

Trong khi nói chuyện, chúng ta nên khen điều tốt của người hơn chê bai, chỉ trích. Vì sao như vậy?  Vì lời chê bai, chỉ trích  thường làm buồn lòng người khác và gây nên sự bất hòa. Hơn nữa, theo luật Nhân Quả, nếu chê ai điều gì, chúng ta sẽ bị quả báo, sẽ mắc những điểm xấu giống như vậy. Ngược lại, nếu khen điểm tốt của người, chúng ta sẽ được những điều tốt ấy. Bởi vậy, trong giao tiếp, chúng ta cứ nhìn vào ưu điểm của người khác để có lời khen ngợi, đừng bao giờ chỉ chăm chăm vào những điểm xấu của họ. 

Trong lời nói còn có một “bệnh” đáng để ý nữa là nói nhiều. Chúng ta phải hiểu rằng, giá trị của lời nói nằm ở ngay trong việc làm của chúng ta. Hay nói cách khác, việc làm chính là cái gốc giá trị của lời nói. Liên hệ đến Kinh tế học, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điều đó. Như chúng ta đã biết, đồng tiền lưu hành có giá trị là nhờ có cái gốc của nó. Mỗi quốc gia thường có một cách xác định giá trị của đồng tiền. Chẳng hạn, có quốc gia dùng vàng để xác định giá trị đồng tiền. Họ quy định một lượng vàng bằng một trăm đồng chẳng hạn. Muốn phát hành tám tỉ đồng cho lưu hành ra ngoài, trong kho bạc Nhà nước, họ phải dự trữ một số vàng tương ứng. Như vậy, đồng tiền lưu hành ra ngoài có giá trị là nhờ vào số vàng cất trong kho Nhà nước làm cái gốc giá trị cho nó. Đồng tiền hoàn toàn không phải là tờ giấy đơn thuần được in ra. Nhưng nếu một lúc nào đó, do lạm phát, kinh tế khó khăn, họ in ra hai mươi tỉ đồng. Giá trị của đồng tiền bị giảm đi vì không có cái gốc. 

Có quốc gia lại xác định giá trị đồng tiền của nước mình dựa vào ngoại tệ mạnh ở nước ngoài như đồng đôla của Mỹ. Một đôla, họ quân bình thành bao nhiêu tiền của nước họ. Tương tự như vậy, số tiền phát hành bên ngoài tương ứng với số đô la họ dự trữ trong Ngân hàng Nhà nước. Nếu có trường hợp bị lạm phát, số tiền họ in ra nhiều hơn thì đồng tiền của họ sẽ bị giảm giá.

Từ ý nghĩa kinh tế học, chúng ta suy ra giá trị của lời nói cũng vậy. Lời nói có giá trị là lời nói có sức thuyết phục đối với người khác. Cái gốc giá trị của lời nói nằm ở việc làm của mỗi người. Đó là việc làm bố thí, vị tha, thương yêu giúp đỡ người khác một cách tận tuỵ, đối xử tử tế với tất cả mọi người… Trong cuộc sống, có nhiều người rất khéo nói, nói rất nhiều nhưng không làm được bao nhiêu. Đó là những lời nói không có giá trị. Chúng ta không cần nói nhiều nhưng làm tất cả mọi điều giúp đỡ người khác, lời nói của chúng ta chắc chắn sẽ có giá trị, có sức thuyết phục mạnh mẽ. 

Ví dụ, chúng ta sống một đời bố thí, buông xả, không bao giờ giữ bất cứ cái gì cho riêng mình. Khi nhìn thấy một huynh đệ sống ích kỷ, không bố thí quảng đại, không buông xả, chúng ta chỉ khuyên một câu nên sống một đời buông xả, rộng rãi bố thí, đừng giữ cái gì cho riêng mình, một câu ngắn thôi nhưng người ấy đã hiểu ra và thay đổi. Sức mạnh của lời khuyên ấy nằm ở những việc làm bố thí, ở cả một đời sống vị tha của chúng ta. Hiểu như vậy, chúng ta không nên nói nhiều (cũng như đồng tiền phát hành nhiều nên mất giá trị ). Mỗi ngày, chúng ta nên tổng kết lại mình làm được bao nhiêu việc tốt. Nếu cân đối lại, thấy mình đã nói nhiều hơn làm việc tốt, chúng ta sẽ khắc phục hôm sau sẽ làm nhiều hơn nói, để lời nói không mất giá trị. Hơn nữa, nói nhiều cũng là biểu hiện của “bệnh” chấp ngã, lúc nào cũng muốn người ta phải để ý đến mình, thấy mình là người quan trọng. Người nói nhiều không những dễ bị sai lầm mà còn làm phiền người khác. Đây là một loại “bệnh” cần phải sửa. Hằng ngày, chúng ta phải có ý thức sám hối, sửa chữa mới vượt qua được. 

Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít người rất ham nói, ham biện luận. Nhưng đó là loại người biện luận rỗng, cố nói để thuyết phục người nghe tin vào lý luận của họ. Đó là những người giả dối, lừa đảo mà chúng ta cần phải tránh. Theo kinh nghiệm, chúng ta thấy người nói nhiều thường ít nói thật. Không phải tự nhiên mà khi nói với đệ tử của mình, một vị Giảng sư đã nói: “ Muốn thuyết pháp, trước hết phải biết im lặng”. Nghĩa là người nói phải làm chủ được lời nói của mình, làm chủ được tâm hồn mình, sống mà không còn mong cầu điều gì hết, không còn mong cho người khác phải tin theo mình, phải tu theo mình, không thấy mình là quan trọng nữa. Người sống như vậy, không còn điều gì để nói hết. Họ thuyết phục người khác bằng chính nội tâm có tu hành, từ nội tâm buông xả của mình chứ không hoàn toàn bằng lời nói. 

Sự thật, làm Giảng sư không phải là tìm cách nói cho nhiều, nói cho hay. Trên thực tế, biết bao nhiêu người học làm Giảng sư nhưng số người nói có giá trị, có sức thuyết phục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân được tìm thấy là do phần lớn họ không có tu tập, cuộc đời chưa trải qua những khổ đau, thử thách; chưa có sự rèn luyện Đạo đức, chưa có những giờ phút yên lặng ngồi Thiền, chưa có những lúc thiết tha lạy Phật sám hối vv… Nếu cứ học cho nhiều, ghi chép thật đầy đủ, khi đi dạy đem những điều mình đã học được nói lại cho người khác thì chúng ta chẳng khác gì cái máy. Những lời giảng của chúng ta phải thoát ra từ nội tâm mới có sức thuyết phục người khác. Nếu cứ giảng cho mọi người rằng hãy sống nhẫn nhục nhưng trong tâm mình chưa bao giờ thực hành điều đó, chưa bao giờ nhẫn nhục trước nghịch cảnh cuộc đời thì làm sao những lời nói ấy có thể đi vào tráùi tim người nghe. Ngược lại, nếu xuất phát từ trái tim, từ những đau khổ, trở trăn, từ những giờ phút tinh tấn của chính mình thì những lời nói ấy sẽ đi vào tâm người nghe làm cho họ chuyển hóa, bị thúc đẩyï phải tu tập. 

Trên lĩnh vực khác, chúng ta không cả quyết,  nhưng nói chuyện Phật pháp thì phải xuất phát từ trái tim biết tu tập. Ánh sáng phát ra từ trái tim ấy sẽ thắp vào những trái tim khác cũng biết tu tập như vậy. Cứ như thế, trái tim biết tu tập này lại thắp sáng những trái tim khác tạo thành những ngọn đèn nối nhau từ trái tim đến trái tim. 

Sức thuyết phục của lời nói không có được do học tập mà từ sự hành trì tu tập, kiên nhẫn lễ Phật, Toạ Thiền, Bố thí, Vị tha… Do vậy, chúng ta cố gắng tu hành, lễ Phật, ngồi Thiền, sống vị tha thương yêu huynh đệ, chịu đựng những nghịch cảnh, dấn thân vào những việc khó khăn… để có sức mạnh nói được những lời pháp có giá trị, chuyển hóa giáo dục được bao nhiêu tâm hồn khác. Sức thuyết phục ấy còn được tạo nên từ nơi phước của công quả. Câu chuyện một Ni Sư ngộ đạo nhưng không chịu nấu bếp nên không giảng pháp được là một ví dụ. Khi đã ngộ đạo, bà bỏ ngang không chịu nấu cơm tiếp ba năm như đã hứa. Phật hiện ra bảo: “ Nếu con không nấu cơm hết ba năm, con không thuyết pháp được”. Bà vẫn không nghe và ngang bướng bỏ đi luôn. Quả thật, dù đã ngộ đạo nhưng đến khi chết, bà cũng không thuyết pháp được do thiếu phước. Đây là điều rất lạ. Chúng ta đừng tưởng mình có thể đem cái tàng thức có được từ kiếp trước qua kiếp sau. Nếu không chịu làm phước, dù kiếp trước có là giảng sư, đời này chúng ta cũng không thể làm giảng sư được.

Trái với người nói nhiều, có người thốt ra lời nói thật khó khăn, không diễn tả được tâm trạng của mình. Nguyên nhân thứ nhất là do ít học, ít viết lách nên vùng ngôn ngữ trong não không phát triển. Muốn khắc phục được tình trạng này, chúng ta phải tập viết thật nhiều. Viết nhiều, chúng ta có điều kiện trau chuốt  câu văn, cộng thêm những công hạnh khác, lời nói của chúng ta sẽ dễ thuyết phục. Nguyên nhân thứ hai là do vùng não kém phát triển làm giọng nói không lưu loát. Đó là người thiếu phước, cần lễ Phật sám hối.

 Trong giao tiếp, có khi ta bắt gặp những người có lời nói thiếu chính xác do không phán đoán được phản ứng của người nghe. Đây là chỗ biểu hiện Trí tuệ khôn ngoan của người nói. Chưa bàn đến vấn đề có thuyết phục trước đông người hay không, chỉ trong phạm vi trao đổi trong từng người, chúng ta cũng nhận ra điều này. Khi nói xong một câu, chúng ta phải hiểu người nghe phản ứng ra sao,  trong tâm họ hiểu chưa. Nếu đoán họ chưa hiểu, chúng ta sẽ lặp lại vấn đề một lần nữa. Nếu họ hiểu rồi, chúng ta có thể chuyển sang vấn đề khác. Hoặc khi nói ra điều gì, chúng ta phải đoán được người nghe hoan hỷ hay tự ái, buồn lòng, để kịp điều chỉnh. Khi thuyết pháp trước đám đông, chúng ta vẫn phải đoán được phản ứng của người nghe dù rất đông. Như vậy, lời giảng mới hấp dẫn và có hiệu quả. 

II. ĐẠO ĐỨC CỦA NGÔN NGỮ.

Trong đạo Phật, đạo đức của ngôn ngữ thể hiện ở sự ái ngữ. Mọi người phải dùng lời khả ái dễ nghe, biểu hiện thái độ nhã nhặn, lịch sự. Người tu không được nói lời thô tháo, cộïc cằn hay có thái độ khinh bỉ,  miệt thị người khác. Lúc nào trong lời nói, chúng ta cũng biểu lộ hai điều : thương yêu và tôn trọng. Đối xử với người nhỏ hơn, chúng ta phải thể hiện lòng thương yêu và sự tôn trọng, không quát tháo, nạt nộ. Đối với người lớn hơn, chúng ta cũng biểu lộ sự thương yêu và kính trọng đúng mực. Sự thương yêu, tôn trọng ấy chủ yếu biểu hiện ở cách xưng hô hay ở giọng nói, lời nói. Chúng ta phải xưng hô rõ ràng, hợp lý và  đúng mực; giọng điệu phải từ tốn, lễ phép, chậm rãi ; lời nói phải rõ ràng, dễ nghe. 

Không chỉ thương yêu, tôn trọng, với người nhỏ hơn, chúng ta phải bảo bọc, phải hy sinh nhiều hơn. Chúng ta đừng bao giờ có suy nghĩ mình tu lâu hơn, phải được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Đó là quan niệm sai lầm, tạo nên một định kiến, một tiền lệ không hay trong Đạo Phật. Là người tu trước, hiểu đạo nhiều hơn, có đạo đức hơn, sức chịu đựng cũng nhiều hơn, chúng ta phải hy sinh nhiều hơn cho người nhỏ. Đó là tư cách của người tu trong Đạo Phật. 

Đặc biệt, chúng ta không được hơn thua trong lời nói, không được bộc lộ sự khoe khoang. Người có tâm hơn thua thường hay biểu lộ ra lời nói, muốn tranh hơn với người khác, nhất là trong Giáo lý. Điều này sẽ làm tổn phước. Bởi vậy, chúng ta nên nhường nhịn nhau trong lời nói. Ví dụ, khi nghe người ta nói một lời muốn chứng tỏ họ hay hơn mình, chúng ta nên im lặng, mỉm cười. Vì chúng ta biết họ đang có tâm hơn thua, không muốn nghe mình. Khi nào người ta muốn nghe, chúng ta sẵn sàng trình bày những kiến giải của mình một cách chân thành. Có như vậy, họ mới nể phục mình. 

Những người mới tu thường bộc lộ sự khoe khoang, hơn thua với huynh đệ. Họ hay bắt chước những Thiền sư trong Thiền ngữ thử kinh nghiệm nhau, thử sức ngộ của nhau bằng cách bác bỏ lời của nhau. Nói đến Thiền ngữ, chúng ta hay nhắc đến ngài Đại Huệ. Ông chuyên môn đặt những câu hỏi bắt bí người khác. Ai trả lời được, người ấy thực sự là giỏi. Một hôm, có một vị Tăng bước vào cốc của ông ta, ông hỏi : 

- Không cùng vạn pháp làm bạn là người nào?

 “Vạn pháp” là mọi chuyện trên đời này: hơn thua, ganh ghét, tình tiền… Không làm  bạn với những thứ đó là ai ? Tất nhiên là người đã giải thoát. Ông Tăng trả lời ngay :

- Kẻ không mặt mày. 

Câu trả lời cũng hay nhưng ngài Đại Huệ nói : 

- Lúc nãy có một người trả lời như ông đã bị ta đánh đuổi ra. 

Nghe vậy, ông Tăng chựng lại ngay và ngờ ngợ không biết tại sao câu trả lời hay như vậy mà bị đánh đuổi ra ngoài. Thấy thế, ngài Đại Huệ đánh đuổi ông Tăng ra liền. Rõ ràng, vị Tăng kia nói được mà Tâm chưa chứng được. Mới nghe ngài Đại Huệ thử một câu đã chựng lại ngay. Đọc những câu Thiền ngữ đó, người mới tu thường hay bắt chước hỏi về Đạo, muốn tỏ ra hơn người khác. 

Một biểu hiện khác trong đạo đức của ngôn ngữ là nên khen nhiều hơn chê. Trước khi khen ai câu gì, chúng ta phải suy nghĩ. Vì một lời khen không đúng cũng có nghĩa như một lời chê. Nhưng trước khi chê ai điều gì, chúng ta càng phải suy nghĩ nhiều hơn. Muốn chê trách ai, chúng ta phải có đủ đức độ. Khi đã có đức rất lớn, chúng ta chê trách, người ta không giận mà còn tiếp thu, sửa chữa. Nếu chưa đủ đức, chúng ta chê trách, chỉ trích người khác sẽ khiến họ giận ghét, tạo ra tương quan không tốt giữa người và người. 

Trong cuộc sống cũng như trong đạo, khi có duyên với nhau, mỗi lời nói đều đem lại sự vui vẻ, thú vị. Những lúc như vậy, chúng ta nên nói. Trường hợp nói mà người khác không nghe, chúng ta đừng bao giờ nói. Phật pháp cũng như thuốc bổ vậy, đúng liều, đúng đối tượng sẽ có lợi; quá liều, không phù hợp với đối tượng, sẽ trở thành thuốc độc. Đây là chỗ tế nhị, chúng ta nên cẩn thận.

Mỗi lời nói đều là sự lan truyền hoặc tốt, hoặc xấu nên khi nói, chúng ta phải nghĩ đến hậu quả của lời nói, phải cân nhắc, thận trọng trước khi nói. Chẳng hạn, khi chê ai một điều gì, chúng ta phải nghĩ nếu lời chê bai của mình lan ra thì hậu quả sẽ như thế nào, ảnh hưởng đến Phật pháp ra sao…? Hoặc chúng ta nói cho người đối diện nghe một giáo lý thì phải hình dung người đó nói lại cho người khác nghe sẽ có lợi hay có hại cho Phật pháp. Đây cũng là điểm cần phải cẩn thận. Các vị Thiền sư thường hay có cách phá chấp cho người trước mặt, nhưng qua người thứ hai thì sẽ trở thành bất lợi. 

Ví dụ, ngài Đức Sơn nói : “Mười phương Bồ Tát giống như đống phân chuột”. Có thể câu nói phá chấp của ông làm cho người đối diện ngộ đạo, nhưng lời nói ấy lan truyền tạo ra một sự ngông cuồng trong giới những người học Thiền. Từ đó, người học Thiền thích nói bậy bạ làm tổn phước, không còn ai tu chứng được nữa. Như vậy, chỉ một người mà gây hại cho không biết bao nhiêu người. Trong khi đó, Đức Phật luôn nói lời có lợi cho mọi người. Phật nói với người này nhưng nếu đem cho người khác, lời nói ấy vẫn có ích lợi vì lời nói của Ngài luôn luôn chuẩn. 

Khi có Phật tử tìm đến nhờ giải đáp một vấn đề gì về đạo hoặc về chuyện gia đình, chúng ta phải cân nhắc trước khi trả lời. Có thể lời khuyên của chúng ta làm cho họ tỉnh ngộ nhưng áp dụng cho người khác lại không phù hợp, lại sai lầm. Chúng ta phải lường trước điều này. Làm sao khi một lời nói ra dẫu có lan truyền sang người khác vẫn không để lại hậu quả. Muốn vậy, chúng ta phải kiểm soát kỹ lời nói của mình để khỏi mắc sai lầm. 

Khi nói đến đạo đức của ngôn ngữ, chúng ta thường khuyến khích ít nói. Tuy nhiên, có lúc cần phải nói nhiều. Đó là khi can đảm nói lên sự thật để minh oan hay bênh vực cho những người yếu thế, giải tỏa những oan ức cho họ. Hoặc có khi chúng ta dùng lời nói để khuyên lơn, dạy cho người khác biết điều hay để tránh lỗi lầm. Biết người ta mắc sai lầm mà không mạnh dạn ngăn cản, chỉ lo cho bản thân mình là chúng ta thiếu trách nhiệm đối với Phật pháp. Tất nhiên, khi đã làm Giảng sư, chúng ta không thể nói ít được. Lúc ấy phải nói nhiều nhưng phải nói hay và nói đúng được đạo lý, lời nói mới có ý nghĩa. Có những lúc gặp được người tâm đầu ý hợp như tri kỷ gặp nhau, chúng ta nói chuyện cả ngày không biết chán. Nhưng có những khi nguời ta khen mình hết lời, chúng ta lại dè dặt, không nói gì. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, không phải lúc nào cũng ít nói, có khi cũng cần phải nói nhiều, nói cho mạnh mẽ.

Trong một bài kinh, Đức Phật nói : “Sau 45 năm ta chưa hề nói một lời”. Nghĩa là dù nói suốt đời mà Phật lại chẳng thấy mình nói lời nào. Đức Phật sống trong Định rất sâu, Ngài không chấp một điều gì, Ngài có nói cũng vì chúng sinh mà nói. Thuyết pháp 45 năm nhưng Ngài vẫn thấy mình không nói gì hết là  điều rất tự nhiên, không lý luận được. Ai từng sống trong cái Định sẽ hiểu sâu sắc được điều Ngài nói. Thử sống trong thanh tịnh một ngày, chúng ta sẽ thấy mình làm rất nhiều việc nhưng lại thấy như không làm gì cả. Chúng ta cần học theo Đức Phật để giữ Chánh Niệm trong lời nói. Dù nói chuyện với người nhưng chúng ta vừa kiểm soát được tâm mình, giữ tâm mình cho thanh tịnh để khi người ta đi rồi chúng ta vẫn thấy mình như chưa nói gì hết. Đó là cái đạo, là con đường của Phật pháp mà chúng ta phải đi theo. Có thể bây giờ chưa thực hiện được nhưng nếu luyện tập, chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Có những trường hợp chúng ta phải nói và dùng lời nói để cho không khí giao tiếp thêm vui tươi, nói để độ người. Điều này nghe hơi lạ nhưng sự thật nhiều khi rất cần.Ví dụ, một vài Phật tử có chuyện gì buồn ở ngoài vào chùa chơi cho yên tĩnh. Thấy vậy, chúng ta mời vào chùa lễ Phật, sau đó mời qua nhà khách uống nước. Họ chẳng biết Phật pháp là gì để nói chuyện nên cứ im lặng. Lúc ấy, nếu chịu khó một chút, chúng ta sẽ hỏi chuyện xem họ làm việc gì, có hay đi chùa không, hay xem Kinh không? vv… Sau đó, chúng ta có thể cho họ mượn cuốn sách mình thấy hay. Trong khi nói chuyện, chúng ta nói nhẹ nhàng, từ ái, thong thả, nói trong sự vui vẻ, người ta cũng cảm thấy vui vui. Hôm sau có dịp họ lại đến chùa. Nhờ vậy, họ dần dần biết Đạo, phát triển được Đạo tâm. Đây cũng là một cách độ người. Như vậy, khi cần thiết phải nói cho vui, đó là đạo đức của ngôn ngữ, chúng ta không cố chấp. Nhưng lúc cần phải im lặng để mọi người niệm Phật, giữ Tâm, chúng ta không nên nói làm xao động, làm loạn Tâm người khác. Chúng ta cần phân biệt được hai trường hợp này.

Học bài Làm chủ lời nói nhưng điều cuối cùng chúng ta cần chốt lại là phải để Tâm nói nhiều hơn miệng. Ví dụ, trong chúng có những người có Tâm thương yêu huynh đệ rất mực. Từ ánh mắt, nụ cười cho đến việc làm của họ đều biểu lộ tình thương yêu huynh đệ chan chứa nhưng họ lại rất ít nói. Khi tiếp xúc, chúng ta sẽ hiểu và cảm nhận được ngay. Tự nhiên, trong Tâm chúng ta cũng yêu mến họ. Có người lại nói rất nhiều, gặp ai cũng nói thương mến nhưng trong Tâm chẳng có tình thương yêu. Khi tiếp xúc, chúng ta cũng nhận ra ngay. Bởi vậy, dù họ rất khéo léo, nhỏ nhẹ trong lời nói, ân cần trong việc làm, chúng ta cũng cảm thấy nhạt nhẽo, không có cảm tình. 

Sống trong cuộc đời này, để Tâm nói nhiều hơn miệng, chúng ta phải huân  tập Từ Tâm thật sâu rộng. Làm sao khi mắt vừa thấy người, Tâm Từ đã khởi phát ngay. Người ta nói, Tâm Từ bi lan đến cỏ cây vạn vật là như vậy. Mỗi ngày ngồi Thiền, chúng ta trải Tâm Từ đến tất cả chúng sinh. Mọi người xung quanh sẽ cảm nhận được điều đó. Ngay cả những người sống trong thế giới vô hình cũng cảm nhận được. Trong cuộc sống cũng vậy, khi ra đường, nhìn thấy những người xa lạ, chúng ta đều khởi Tâm thương yêu thì trong vô hình, họ đều có cảm ứng trở lại. Họ sẽ nhìn người tu chúng ta một cách trìu mến, có cảm tình. Ngược lại, nếu không khởi Tâm thương yêu mà tỏ ra bực dọc, người ta cũng sẽ nhìn mình với ánh mắt khó chịu. Trong tâm, tự nhiên họ nảy ra ý mỉa mai, xỉa xói người tu. 

Đây cũng là điều rất lạ. Bởi vậy, chúng ta cố gắng tu tập Tâm Từ cho thật mạnh. Trong bài Tâm từ , chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề này. Khi mắt chạm đến chúng sinh là lòng thương yêu mình khởi phát ngay. Cả một cuộc đời, chúng ta phải sống được như vậy, phải tập được như vậy. 

Một điều chúng ta cần chú ý khi học về ngôn ngữ là các phương tiện ngôn ngữ giao tiếp thay đổi theo thời đại. Ngày xưa, cách đây mấy ngàn năm, thời Đức Phật, người ta giao tiếp với nhau chủ yếu bằng lời nói vì chưa có chữ viết. Người này nói, người kia nghe và truyền lại cho người khác. Cứ thế, đời này truyền lại kinh nghiệm sống, ý tưởng, tình cảm cho đời sau đều bằng con đường truyền miệng. Một thời gian dài, Văn học hình thành, phát triển và lưu truyền cũng bằng hình thức này, gọi là Văn học Dân gian. Tất nhiên, khi truyền miệng qua con đường trí nhớ thì sẽ không giữ được nguyên vẹn những lời nói, ý tưởng ban đầu. Người ta gọi hiện tượng này là: “Tam sao thất bổn”. 

Phát minh ra chữ viết là một tiến bộ vượt bậc của xã hội loài người. Khi có chữ viết, con người giao tiếp với nhau phong phú hơn, tiện lợi hơn. Lúc đầu, người ta viết trên thẻ tre, sau đó là viết trên giấy dó ( một loại giấy thô làm bằng vỏ cây), rồi giấy lụa… Chữ viết đã trở thành một phương tiện giao tiếp quan trọng giữa con người với con người. Những người không biết chữ sẽ cảm thấy lạc lõng giữa xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, không biết chữ là một thiệt thòi rất lớn của con người. Bởi vậy, Nhà nước ta đã có chủ trương xoá nạn mù chữ, đem “cái chữ” về vùng sâu, vùng xa; đưa ra chương trình phổ cập cấp 2 cho người dân ở các Quận , Huyện trong thành phố vv… 

Ngày nay, máy vi tính cũng đã trở thành một phương tiện giao tiếp hiện đại, quan trọng trong đời sống con người. Vào thời điểm này, phương tiện giao tiếp trên computer còn mới mẻ, nhưng đến một lúc nào đó, nó sẽ được sử dụng phổ biến. Người ta nói chuyện điện thoại, gởi Fax, E-mail, Chat, truy cập thông tin, tính toán sổ sách… đều bằng computer. Nếu ai không biết sử dụng computer, người ấy sẽ trở nên lạc hậu, sẽ đứng ra ngoài xã hội.


Âm lịch

Ảnh đẹp