TÂM TỪ
1. Định nghĩa
Tâm từ, hay thường được gọi chung là từ bi, là tình thương không điều kiện, không đòi hỏi phải được đáp trả trở lại.
Thật
sự thì chữ bi có nghĩa là thương xót khi thấy chúng sinh đau khổ. Chỉ
khi nào có thương yêu ai, ta mới thấy xót xa khi người đó đau khổ. Bi
là dấu hiệu chứng minh có sự hiện hữu của từ nên chúng ta hay ghép
chung thành từ bi. Nhưng nếu cẩn thận thì ta chỉ dùng chữ từ cho đúng
bài bản chữ nghĩa.
Vì tâm từ là tình thương không điều kiện
nên cũng không hạn cuộc nơi một số ít người mà luông có khuynh hướng
trải rộng vô tận. Để hiểu rõ hơn về tâm từ, ta nên so sánh với tâm
luyến ái của thế gian.
Tâm luyến ái cũng là tình thương yêu
của chúng sinh này với chúng sinh kia, nhưng bắt buộc phải có một trong
những điều kiện sau đây:
Thứ nhất, do duyên nghiệp ân nghĩa
đời trước tạo thành. Chúng ta thương người nào vì trong kiếp trước ta
có nợ có duyên với người đó. Ví dụ như giữa cha mẹ và con cái với nhau
cũng là duyên nợ qua lại mới tạo thành. Trong đó, cha mẹ mắc nợ người
con nào nhiều sẽ cảm thấy thương yêu người con đó hơn. Trong số những
bạn bè huynh đệ mà ta gặp gỡ trong cuộc đời cũng vậy, không phải ai ta
cũng có thiện cảm đều như nhau mà là người thì ta thương nhiều, người
thì ta thương ít. Đó là vì duyên giữa mọi người với chúng ta không đồng.
Ân
nghĩa đời trước sẽ tạo thành tình thương yêu đời này rất rõ rệt. Ví dụ
như ta chịu ơn ai nhiều từ kiếp trước vì người đó đã ưu ái ta, giúp đỡ
ta nhiều. Đời này gặp lại, tự nhiên ta thấy thương mến người đó một
cách không giải thích được và cứ muốn giúp đỡ ân cần. Người kia thì
thấy bình thản vì họ thi ân chứ không chịu ơn. Chúng ta chịu ơn thì cứ
bị một tình cảm thúc đẩy trong tâm để phải muốn làm cho người đó vui.
Cho nên ta thấy rằng tình cảm thế gian chỉ là hư ảo, chỉ là trung gian
làm chất xúc tác để chúng sinh trả nợ lẫn nhau chứ không có thật. Tình
thương yêu thế gian rất mong manh, nợ trả hết rồi thì thương yêu cũng
hết. Khi thương nhau, ta cứ tưởng tình thương đó sẽ bền vững lâu dài,
nhưng rồi “ thế rồi cuộc đời là, những cuộc tình chia xa, đi lạc vào
những phía không đường về…”
Tình thương yêu nam nữ là đại biểu
mãnh liệt nhất cho loại tình thương thế gian này. Tình yêu nam nữ là
mãnh liệt nhất nên cũng ích kỷ nhất. Trước hết khi yêu, ai cũng nghĩ
rằng tình yêu đem lại cho ta hạnh phúc vì cảm xúc của tình yêu rất cháy
bỏng. Xưa nay không biết bao nhiêu thơ, văn, nhạc, tranh, tượng ca ngợi
tình yêu. Tình yêu nam nữ và sáng tác nghệ thuật gần như bất khả phân
ly vì những cảm xúc tình yêu giúp nghệ sĩ cảm hứng để sáng tác. Nhưng
đến khi tình yêu tan vỡ thì người ta mới biết đó là đau khổ nhất. Vì
sao, bởi vì bản chất của tình yêu là ích kỷ nhất nên nó cũng gây ra đau
khổ nhất.
Triết gia Schopenhauer nói: “Chỉ có những triết gia
mới có thể sống hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng tiếc rằng một triết gia
thật sự thì không chịu lấy vợ.”
Cuộc sống gia đình rất phức
tạp, vợ chồng đòi hỏi sự săn sóc ân cần từng li từng tí. Yêu cầu của
tình yêu rất cao nên hầu hết không ai đáp ứng được đầy đủ. Chỉ có những
người rất thông minh và rất đạo đức mới đáp ứng nỗi. Người vừa thông
minh vừa đạo đức đó, Schopenhauer gọi là triết gia.
Người ta
gặp nhau rồi có tình cảm với nhau, rồi thích nhau gì đó chứ không thật
là có tình yêu. Tình yêu thật sự rất mạnh và đòi hỏi sự ứng xử khéo léo
để được bền vững lâu dài, để kềm chế sự ích kỷ của mình lại. Sự ích kỷ
trong tình yêu rất dữ dội mà bộc lộ rõ nhất là sự ghen tuông. Khi ghen
tuông, người ta có thể đánh, giết, tạt acid… đủ màn ác độc. Vì ích kỷ
nên người ta cũng đòi hỏi lẫn nhau, trói buộc lẫn nhau, ghen tuông với
nhau, hành hạ lẫn nhau.
Để sống êm ấm hạnh phúc trong gia đình
phải là những triết gia thông minh và đạo đức. Nhưng như Schopenhauer
nói, triết gia thì không chịu lấy vợ. Đa phần người ta sống không hạnh
phúc trong hôn nhân. Trong một cuộc thăm dò ý kiến, nhiều cụ già đã lắc
đầu ngao ngán về cuộc sống hôn nhân đã qua của mình. Tình yêu quả thật
là một cái gì hư ảo mong manh!.
Giai đoạn đầu ở tuổi còn xuân
, do bản năng của tuổi trẻ nên người ta bồng bột hăm hở và tưởng rằng
tình yêu là hạnh phúc nên tìm đến với nhau với hy vọng rằng cuộc đời
còn lại ở bên nhau sẽ tràn đầy hạnh phúc. Nhưng khi đến với nhau được
rồi thì những chuổi ngày còn lại từ từ chỉ là hành hạ, là nỗi khổ,
giận hờn, bất mãn cho nhau .
Người có phước xuất gia là người
thoát được cảnh ngục tù trá hình của hạnh phúc hôn nhân. Tình yêu và
hạnh phúc hôn nhân làm tăng dần sự ích kỷ trong lòng con người. Vì ích
kỷ, người ta lại làm khổ nhau. Do đó, muốn cho hôn nhân bớt đi phiền
toái rắc rối, người ta nên bớt đi sự ích kỷ đòi hỏi lẫn nhau mà nên
cùng có chung một mục đích cao cả nào đó để hướng về. Ví dụ như nếu hai
vợ chồng cùng có chung lòng mến mộ Phật Pháp thì tự nhiên sẽ thấy đầm
ấm nhẹ nhàng hơn. Nhiều cặp vợ chồng đã tìm lại được sự hàn gắn khi cả
hai cùng tìm đến với Phật Pháp.
Hạnh phúc chỉ đến từ lòng vị
tha chứ không đến từ sự ích kỷ. Khi đến với Phật Pháp, hai người cùng
tu tập tâm vị tha và tự nhiên mọi chuyện tốt đẹp dần.
Tình thương yêu là hệ quả của ân nghĩa đời trước. Tình yêu nam nữ là biểu hiện rõ nét nhất cho điều này.
Khi
gặp gỡ thương mến người nào, chỉ bởi vì chúng ta có duyên nợ đời trước.
Đến khi trả xong nợ cũ, tình yêu cũng biến mất mà không ai biết tại sao.
Ngay
như các tu sĩ cũng vậy, được các tín đồ ưu ái quý mến, cũng đừng nghĩ
rằng bởi vì mình có ưu điểm nào đó như giảng hay, đạo cao đức trọng,
hay ngoại hình khả kính. Tất cả cũng vì có duyên nợ ân nghĩa kiếp trước
với nhau. Nếu ân nghĩa sâu dày thì gắn bó với nhau bền chặt; nếu ân
nghĩa ít thì sẽ vì một lý do lãng nhách nào đó để xa nhau.
Hiểu
được điều này, chúng ta bình thản trước thương ghét của cuộc đời, vì nó
không thật, chỉ là duyên nợ đời trước. Điều mà ta phải bận tâm chính là
kết duyên lành với mọi người để cùng tiến tu.
Thứ hai, chúng
ta thương vì huyết thống, như cha mẹ, anh chị em… Nói là huyết thống,
thật ra cũng là duyên của những đời xưa bây giờ mới thành gia đình ruột
thịt. Tình gia đình được kết thành do những tháng ngày chung sống đỡ
đần lo lắng tương trợ nhau mà thành. Nếu sống chung trong một gia đình
mà không lo lắng cho nhau thì tình nghĩa cũng không có.
Thứ ba, chúng ta thương vì người kia đem đến cho ta cảm giác hạnh phúc.
Một lần trong lúc vui đùa, vua Pasenadi hỏi hoàng hậu Malika:
- Ái khanh thương ai nhất?
- Dĩ nhiên thần thiếp thương hoàng thượng nhất trên đời.
Vua đang vui thích thì hoàng hậu lại nói tiếp:
-Nhưng nếu hoàng thượng cho phép nói thật mà đừng giận thì thần thiếp xin nói lại cho đúng hơn.
- Cứ nói thật.
- Thật ra thần thiếp thương thần thiếp nhất.
- Sao kỳ vậy, mình mà thương mình?
-
Đó là sự thật, trên cuộc đời này, người ta chỉ thương chính mình. Nếu
có thương ai cũng chỉ vì người đó mang lại hạnh phúc cho mình. Cũng
vậy, vì hoàng thượng đem cho thiếp vinh quang, giàu sang, hạnh phúc nên
thiếp mới yêu hoàng thượng. Chứ nếu hoàng thượng là kẻ ăn mày thì thần
thiếp đâu có thương.
Vua nghe cũng có lý nhưng thấy phủ phàng
kỳ cục quá nên đến đức Phật hỏi lại. Phật đã xác nhận lời của hoàng hậu
Malika là chính xác, thực ra, con người chỉ thương chính mình.
Trên
cuộc đời này, không có tình thương yêu chân thật, người ta chỉ thương
ai vì người đó đem lại hạnh phúc cho mình.Ví dụ mình thương một huynh
đệ nào đó vì cảm thấy người đó có thể tốt được với mình. Sau này mình
thương một người Phật tử nào đó vì thấy rằng người Phật tử đó ủng hộ
mìn. Bản chất của tình thương chỉ là như vậy. Rồi vợ chồng cũng vậy,
khi nào người chồng cảm thấy người vợ đem lại nguồn hạnh phúc cho mình
là tốt. Đến lúc nào thấy vợ mình già xấu thì người chồng sẽ bắt đầu lạc
lòng ,đi tìm những cô gái khác. Tình thương yêu thế gian là vậy , không
thiêng liêng, cho nên chúng ta đừng bao giờ hy vọng một cái gì trong
tình cảm thế gian.
Người đệ tử Phật suốt đời đi tìm lòng từ bi
là chính vì đi tìm một tình thương vượt lên trên cái thường tình của
cuộc đời. Tình thương đó không ích kỷ, thiêng liêng hơn, cao cả hơn.
Thứ
tư, chúng ta thương ai vì người đó có ưu điểm đặc biệt nỗi bật giữa
nhiều người. Chúng ta muốn chiếm hữu để có được cảm giác mình cũng đặc
biệt theo. Đây là quy luật tâm lý bình thường. Ví dụ như những cô gái
đăng quang hoa hậu liền trở thành đối tượng theo đuổi của nhiều người
đàn ông. Rồi những ngôi sao ca nhạc, ngôi sao sân khấu điện ảnh cũng là
mục tiêu cho biết bao người nhắm đến. Có lần một ca sĩ nhạc rock ở Nhật
chết, lập tức có 3 cô gái tự tử chết theo. Khi nghe tin diễn viên Thành
Long lấy vợ, một cô gái cũng tự tử liền.
Sự hâm mộ cuồng nhiệt
đến gần như điên loạn của quần chúng đối với các ngôi sao cũng là một
thứ bệnh hoạn của tâm lý. Tâm lý đó cũng phiền toái ích kỷ và đầy xao
động. Hiện nay trên thế giới chưa quan tâm chữa trị bệnh hoạn này, mà
ngược lại, nhiều hình thức quảng cáo còn thúc đẩy sự cuồng nhiệt đó cao
hơn. Những đoạn phim chiếu rừng khán giả đang quơ tay nhảy nhót kích
động theo bài hát của một ca sĩ. Nhiều trẻ em xem đó là điều hay nên
nối nhau bắt chướt. Thế giới như là đang rối tung lên.
Chúng
ta biết rằng tâm từ ngược với tâm luyến ái nên không bị duyên nghiệp
thúc đẩy, không được tâm ích kỷ tạo nên, không được sự ham muốn phát
sinh. Chính vì không có gì thúc đẩy tạo thành nên Tâm Từ rất khó xuất
hiện. Tâm luyến ái tràn ngập trên cõi đời này vì có được nhiều điều
kiện hỗ trợ. Còn Tâm Từ rất cô đơn, không có gì trợ giúp cả.
Chỉ
những người cực kỳ đạo đức, cực kỳ trí tuệ, cực kỳ khát khao chân lý
mới đi tìm loại tình thương không điều kiện như thế. Ngay cả nhiều
người là đệ tử Phật mà còn thờ ơ với việc huân tu lòng từ, huống hồ
những người chưa bao giờ nghe đến tứ vô lượng tâm !
Tình
thương bao la rộng lớn là giá trị căn bản của các tôn giáo. Tôn giáo
nào không nói đến tình thương rộng lớn thì không phải là tôn giáo chân
chính. Nhưng mỗi tôn giáo vẫn có đôi chút khác nhau khi nói về loại
tình thương này. Hồi giáo kêu gọi thương yêu giữa những người đồng đạo
với nhau, và cho phép giết người ngoài đạo. Kitô giáo theo lời Jésus
thương cả kẻ thù của mình. Khổng tử cũng đề cao lòng Nhân. Chỉ đức
Phật mới nói về một lòng Từ Bi thương yêu tất cả chúng sinh, đến tận cỏ
cây chim thú.
Tình thương rộng lớn mà đạo Phật nhắm đến gần
như tuyệt đối. Đức Phật đã đạt được tình thương như thế. Còn những ai
tu theo Phật cũng sẽ phải đi theo hướng đó, về một tình thương phủ trùm
tuyệt đối đến tất cả muôn loài, kể cả cỏ cây.
Nói theo logic,
tình luyến ái thuộc về tâm ích kỷ; lòng từ bi thuộc về tâm vị tha. Ích
kỷ thuộc về chấp ngã; vị tha thuộc về vô ngã.
Chấp ngã sinh ra ích kỷ và luyến ái; vô ngã sinh ra vị tha và từ bi.
Vì
có chấp ngã nên ta có ích kỷ. Nếu tu tập vô ngã ta sẽ được từ bi. Càng
tu tập từ bi thì chúng ta càng gần với vô ngã; càng tu tập vô ngã,
chúng ta càng thành tựu từ bi. Vì vậy một vị Alahán đã chứng đạt vô ngã
hoàn toàn cũng là thành tựu tâm từ bi vô hạn.
Đó là một logic
hết sức chặt chẽ và không thể đảo ngược. Ai hiểu rằng một vị Alahán
chưa có lòng từ, người đó là tà kiến, và có thể đọa địa ngục.
Có
một thời gian khi giáo lý Bắc tông phát triển mạnh ở miền Bắc Ấn độ,
nhiều người đã nghĩ rằng Alahán chưa có lòng đại bi như Bồtát. Quan
điểm đó nên được điều chỉnh lại cho đúng với lời Phật dạy, và đúng với
logic học hiện đại.
Từ bi và vô ngã là một, cái này hỗ trợ cái
kia, cái này là bóng phản chiếu của cái kia. Nếu ta tu tập vô ngã mà
chưa thấy lòng từ bi xuất hiện tức là chưa được vô ngã. Nếu ta tu từ bi
mà chưa nhẹ ngã chấp tức là từ bi chưa có mặt.
Chúng ta tu
tập từ bi tức là cũng đi trên con đường đến vô ngã, giống như thiền
định. Vì vậy người tu tập thiền định mà không tu kèm theo từ bi thì
không có kết quả lớn trong thiền định được. Tâm từ bi trợ giúp cho
thiền tiến nhanh hơn. Phật dạy rằng ai đi tận cùng con đường của từ bi
cũng thành tựu giải thoát (Kinh TỪ, Tăng Chi).
Ngược lại,
chánh định cũng khơi mở lòng từ bi. Chúng ta nhấn mạnh chữ chánh định,
vì nếu tuy có sức định mà không chánh, lòng từ bi cũng không mở ra. Khi
tâm ta vào được một chút định thì lòng từ bi cũng mở ra thêm một chút.
Ví dụ bình thường chúng ta nhìn mọi người chung quanh một cách hờ hững.
Nhưng lúc nào đó mà tâm ta lắng yên rỗng rang, tự nhiên ta nhìn mọi
người với tâm thương yêu nhẹ nhàng lập tức. Khi tâm yên lắng, tự nhiên
tâm đó lan ra, bao phủ rộng rãi đến mọi người mọi vật chung quanh, đến
cả cỏ cây sông núi. Tình thương cũng theo đó trùm lấy muôn loài.
Đó
là lý do tại sao một vị Thánh yêu cả cỏ cây một cách tự nhiên là vậy.
Chúng ta chưa bằng các vị thánh, nhưng nếu tâm có chút thiền định cũng
khiến tình thương bắt đầu có mặt.
Có người nói: “một thiền sư luôn luôn là một nghệ sĩ, nhưng một nghệ sĩ thì không phải là thiền sư”.
Sở
dĩ một thiền sư luôn là một nghệ sĩ vì vị đó có tình thương rộng lớn,
cảm được đến cả đất trời cây cỏ, có thể biến thành cảm hứng sáng tác ra
những bài thơ tuyệt đẹp. Các ngài cũng có một đời sống phóng khoáng nhẹ
nhàng rất hay. Còn nghệ sĩ có nhiều tình cảm lãng mạn lai láng, rất
khác với tình thương rộng lớn của thiền sư. Lối sống của nghệ sĩ cũng
phóng túng chứ không phải phóng khoáng. Những sắc thái đó tuy na ná gần
nhau nhưng khác nhau. Người nghệ sĩ đi theo hướng cảm tính nên đến gần
ích kỷ dần dần. Chỉ khi nào họ đi theo Phật Pháp để thanh lọc những cảm
tính xao động và phóng túng thì đời họ mới bớt khổ.
Tôn giáo
nào cũng đề cao tình thương rộng lớn, như chỉ trong đạo Phật mới có con
đường đi rất rõ, là quán từ bi, kết hợp với thiền định phá trừ ngã
chấp, rồi từ bi xuất hiện. Đức Phật và các vị Alahán chứng được vô ngã
tuyệt đối rồi thì lòng từ bi phủ trùm cả vũ trụ.
Lòng từ bi
của Phật luôn luôn phủ trùm chúng ta trong từng giây từng phút. Chúng
ta không cảm nhận được vì cánh cửa lòng mình đóng kín quá. Chúng ta
đóng cửa lòng bởi vô số ích kỷ, chấp trước, xao động, và ghê gớm nhất
chính là chấp ngã nên không biết được mình luôn luôn sống trong tình
thương của Phật. Chúng ta hãy nghe bài tụng quán tưởng khi tụng kinh
theo nghi thức Bắc tông của Việt Nam và Trung Hoa:
Năng lễ, sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì…
Năng
lễ là người quỳ lạy, tức là đệ tử Phật chúng ta; sở lễ là người được
lạy, tức là Phật. Cả hai đều cùng một bản chất huyễn hóa hư vô. Tuy là
hư vô nhưng không phải là hoàn toàn không có gì, mà tất cả vẫn vận hành
theo luật Nghiệp báo công bằng. Phật đã chứng đạt được vô ngã tịch
lặng. Nếu chúng ta cũng thâm nhập nghĩa lý vô ngã đó, tự nhiên sự cảm
ứng kỳ diệu sẽ hiện bày, chúng ta sẽ cảm nhận được tình thương của Phật
đang trùm phủ ôm ấp chúng ta cũng như mọi chúng sinh khác. Ngược lại,
nếu chấp ngã, ích kỷ, xao động, tự đứng riêng một góc trời, tự khép cửa
tâm hồn lại, chúng ta sẽ không cảm nhận được tình thương của Phật cho
chúng ta.
Ví như chúng ta ngồi nhìn nhau, nếu mỗi người bận
tâm chạy theo cái xao động của mình, chấp giữ bản ngã của mình, chúng
ta sẽ không có được niềm thông cảm quý mến nhau, sẽ cảm nghe ngăn cách
xa lạ với nhau. Ngược lại nếu mỗi người lắng tâm yên tĩnh, buông bỏ bớt
ngã chấp của mình, tự nhiên sẽ nghe gần gũi thông cảm quý mến nhau hơn.
Đức
Phật chứng đạt vô ngã hoàn toàn nên lòng từ bi của Ngài phủ trùm đến
tất cả chúng sinh. Nhưng về phần chúng ta, nếu chúng ta chấp ngã, không
thấy cái ta này là hư ảo, đóng cửa lòng của mình lại, chúng ta sẽ không
thấy được tình thương yêu của Phật hiện diện nơi mình từng giờ từng
phút.
Trong cuốn Tự truyện Hư Vân niên phổ, ngài
Hư Vân có thuật một lần bị bệnh, ngài thấy mình lên cõi trời Đẩu suất
nghe Phật Di Lặc thuyết pháp. Trong hội chúng cực kỳ đông đảo đó, Ngài
gặp lại nhiều vị cao tăng lúc trước, kể cả thầy của ngài là hòa thượng
Kính Dung. Nói chung là những vị tu hành chân chính khi mất đều lên cõi
trời Đẩu suất.
Hòa thượng Kính Dung chỉ Ngài ngồi vào một cái
tòa còn trống, bên cạnh tôn giả Anan. Điều lạ là ngài Anan từ thời đức
Phật bây giờ vẫn còn theo phò Phật Di Lặc trên cung trời Đẩu suất.
Chợt Phật Di Lặc dừng giảng chỉ ngài Hư Vân bảo: “Con còn nghiệp, phải quay về.”
Ngài Hư Vân thưa: “Con nghiệp nặng nên không muốn về nữa. Con muốn ở đây học pháp.”
Phật Di Lặc nói: “Không, con phải về vì còn nhiều việc phải làm.” Rồi Phật Di Lặc giải thích thêm cho Ngài hiểu.
Câu
chuyện trên làm chúng ta cảm động về lòng thương yêu của chư Phật Bồtát
đối với chúng sinh. Cách nói chuyện của Phật Di Lặc biểu lộ một lòng từ
bi nhưng cũng rất nghiêm khắc, và không bỏ sót chúng sinh nào.
Chúng
ta là đệ tử Phật cũng phải học theo tâm từ bi của Phật, dù chưa thể
thành tựu hoàn toàn. Mỗi ngày ta phải tu tập sao cho lòng thương yêu
chúng sinh càng lúc càng lan rộng; mỗi ngày ta phải tu sao cho tình
thương riêng tư giảm bớt dần dần. Trong cuộc sống đúng là chúng ta có
duyên với mọi người khác nhau khiến cho ta thường hay thương người này
nhiều hơn người kia. Bây giờ tu tập từ bi, chúng ta cố gắng đừng để
thiên vị quá đáng. Trường hợp người xuất gia ở trong đại chúng cộng
đồng càng phải cẩn thận không nên kết thân riêng với vài ba người, phải
trải lòng chan hòa chung đến với tất cả huynh đệ. Cưỡng lại duyên xưa
để tránh kết thân riêng là cả một sự kềm chế lớn để cho lòng từ bi có
cơ hội phát triển.
Nhà thơ Goethe có câu nói nỗi tiếng: ”Đứng
trước một bộ óc vĩ đại, tôi cúi đầu; nhưng đứng trước một trái tim vĩ
đại, tôi quỳ xuống.”
Goethe đã đại diện cho cả nhân loại để
bày tỏ một nguyên lý, là đối với tài năng lớn, người ta sẽ rất nể phục;
nhưng người ta chỉ thật sự tôn kính, ngưỡng mộ, thương quý đối với
người có tấm lòng thương yêu rộng lớn. Thái độ quỳ xuống nói lên mức độ
bị khuất phục vạn lần so với cúi đầu. Thật vậy, đứng trước người mà ta
biết rõ là khoan dung độ lượng, ta cảm thấy có thể đem cả cuộc đời mình
để nương tựa, bước theo, dâng hiến.
Người đệ tử Phật, nhất là
người xuất gia, càng phải tu làm sao để trở thành suối nguồn yêu thương
cho mọi người chung quanh, trở thành cây cao bóng cả cho chúng sinh
nương tựa. Người thế gian mệt mõi vì đủ thứ phiền toái khổ đau, nên
muốn tìm chỗ dựa tinh thần cho khuây khỏa. Bổn phận của người đệ tử
Phật là làm vơi đi nỗi khổ của cuộc đời này bằng tình thương yêu bao la
như lời Phật dạy. Đến với người có tấm lòng nhân ái, ai cũng cảm thấy
tươi mát dễ chịu.
Điều chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần
trước là việc tu tập tâm từ bi sẽ rất vất vả chứ không phải nhàn rỗi dễ
chịu. Ví dụ một điều rất nhỏ là phải chịu khó nghe chúng sinh kể lể nổi
niềm riêng tư đau khổ để họ được nhẹ lòng và muốn xin một lời khuyên từ
người khách quan bên ngoài. Nhiều khi những chuyện rất chán như chuyện
tình cảm thương ghét giữa người này người kia, chuyện người này nói
xấu, người kia phân trần. Hơn nữa là họ biết chúng ta có lòng từ ái độ
lượng. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải quên bản thân mình
để có sự đồng cảm với họ; rồi chúng ta dùng đạo lý để đánh giá vấn đề,
và tìm ra một cách giải quyết tốt đẹp giùm họ. Chúng ta phải dựa trên
luật Nhân quả và những Tâm lý Đạo đức để khuyên bảo họ hành xử đúng hơn
và mọi chuyện sẽ ổn thỏa.
Chưa cần phải là một giảng sư thao
thao bất tuyệt trên pháp tòa, chỉ cần sao cho bất cứ ai trên đời gặp
chúng ta đều tìm thấy được sự an ổn, đó cũng là công đức tu hành của
một người đệ tử Phật rồi. Muốn như vậy, tất cả đệ tử Phật chúng ta phải
có lý tưởng vì Phật Pháp, vì chúng sinh, chứ không thể tu hành hời hợt
được. Chúng ta phải phát triển lòng từ bi thật vững chắc, mà Phật nói
trong kinh Tăng Chi là phải làm cho lòng Từ trở thành căn cứ địa của
tâm hồn.
Nếu tâm từ không được thiết lập, củng cố, phát triển,
tâm luyến ái sẽ có cơ hội nẩy nở để thế chỗ, và thế là chúng ta sẽ trở
lại cách sống tầm thường như cũ nghĩa là cũng thương ghét rộn ràng, hơn
thua phải quấy, bên nặng bên nhẹ… Cuộc đời chúng ta không có gì sáng
sủa mà những người chung quanh ta cũng mệt mõi rã rời. Dĩ nhiên là
chúng ta đã không chứng tỏ được sự tuyệt vời của Phật Pháp cho mọi
người thấy, cũng có nghĩa là chúng ta làm mất niềm tin nơi họ.
Dù
chưa chứng Thánh, chỉ cần chúng ta có lòng từ bi thôi cũng đủ để sống
một đời đầy lợi ích cho mọi người, và bản thân ta cũng bớt nhiều phiền
toái vì thương ghét rộn ràng của thế gian, hay chính những nhược điểm
của mình. Vì sao, bởi vì muốn khắc phục khuyết điểm, ngoài sự hiểu
biết, chúng ta cũng cần phải có phước. Thiếu phước, chúng ta thường vấp
ngã trở lại những thói hư tật xấu như xưa. Ơû đây lòng từ bi sẽ cho
chúng ta cái phước đó để chúng ta vượt qua những lầm lỗi của mình.
Ví
dụ như một người xuất gia, kiếp này xuất gia chứ đâu phải tất cả những
kiếp trước đều xuất gia. Do đó chắc chắn rằng trong nhiều kiếp người
này cũng đã từng sống đời sống gia đình có vợ chồng con cái. Biết đâu
kiếp này đang tu gặp lại vợ chồng kiếp xưa. Lúc đó khó ai tránh khỏi
những cảm xúc thương mến không giải thích được. Nếu không tu tập từ
tâm, chúng ta sẽ bị luyến ái cũ khuấy phá mạnh mẽ. Nếu thường xuyên rãi
lòng thương yêu chúng sinh, tự nhiên cảm xúc cũ sẽ dễ dàng vượt qua
hơn. Đó là nhân quả rất chính xác.
Phước đến với chúng ta bởi
công hạnh lễ kính Phật và từ tâm. Phước này giúp chúng ta hóa giải
nghiệp duyên xưa để cùng giúp nhau tu hành, và không bị luyến ái cũ lập
lại. Phước đó cũng giúp ta nhiếp tâm trong thiền được dễ dàng hơn vì
tâm ích kỷ bị tâm từ bi hóa giải, mà ích kỷ bớt nghĩa là phiền não bớt,
an vui thêm.
Vì lý tưởng Phật pháp ,vì chúng sinh ,vì đạo đức
cao đẹp của Phật pháp, chúng ta không cho phép mình sống đời ích kỷ
giải đãi, mà phải hết sức tu hành, nhất lòng thương yêu chúng sinh vạn
loài.
2.Tu tập từ tâm
a. Khi lễ Phật
Tâm
từ bi rất khó phát khởi tự nhiên vì không có điều gì thúc đẩy. Chỉ
những người có trí tuệ mới chịu cực khổ dựng lập tâm từ bi trong lòng
mình vì biết rằng phải có tâm từ bi để ta thoát khỏi sự tầm thường của
kiếp người, và để ta đủ sức mạnh sống đời vị tha.
Đối với
những người xuất gia thì việc tu tập từ bi còn bức thiết hơn nữa vì có
công phu thực hành, chúng ta mới có sức mạnh thuyết phục mọi người cùng
tu tập từ tâm. Hơn nữa, nhờ có thực hành nên chúng ta hiểu kỹ mọi ngõ
ngách để có thể hướng dẫn cặn kẽ lại người sau. Nếu chúng ta chỉ nghe
sao rồi nói lại như vậy, người nghe cũng chỉ nghe phơn phớt, và không
quyết tâm thực hành theo.
Trước hết chúng ta phải chân thành
quỳ trước Phật, lễ Phật, tha thiết cầu Phật gia hộ cho mình phát khởi
được lòng thương yêu vô hạn đến tất cả chúng sinh. Sau đó, chúng ta
tiếp tục quỳ đó mà quán tưởng trải lòng thương yêu khắp muôn loài. Ban
đầu là cầu Phật, kế đó là tự mình làm lấy.
Tại sao việc tu
hành âm thầm trong tâm cũng phải cần sự gia hộ của Phật? Tại sao chúng
ta vẫn nghe đạo Phật chủ trương tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy thắp
lên với Chánh pháp, tự mình là chỗ nương tựa cho chính mình, đừng nương
tựa với một ai cả…?
Có 2 cực đoan mà người tu hành nên tránh:
Cực
đoan thứ nhất là chấp ngã, là xem mình có thật, nên chủ trương cái gì
cũng phải do mình, tự mình, bởi mình, không cần ai hết. Nếu nhờ vả ai
thì giống như mình bị giảm giá trị. Đây vừa là chấp ngã, vừa là tự kiêu.
Cực
đoan thứ hai là nhu nhược, là ỷ lại vào thần thánh, không chịu nhận
trách nhiệm về mình. Người này trở thành nô lệ của thần linh nào đó và
chỉ cầu xin sự hỗ trợ. Đây vừa là yếu đuối, vừa là lười biếng. Các tôn
giáo thần quyền hầu hết bị điều này.
Để tránh 2 cực đoan đó, chúng ta có Trung đạo như sau:
Thứ
nhất, hiểu rằng cái ta này không thật nên sự gia hộ giúp đỡ của chư
Phật khiến ta nhanh chóng thành tựu Tâm từ là ưu thế cần khai thác. Ta
không giống kẻ tự ái sợ mất giá trị khi phải nhờ vả; ở đây ta nhờ vả
Phật để thành tựu lòng Từ bi mới là giá trị cao quý thật sự.
Thứ
hai, chúng ta hiểu rằng nếu không có nỗ lực bản thân thì không có điều
gì thành tựu, nghĩa là mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về việc làm
của mình; do đó chúng ta phải cố gắng quán tưởng trải lòng thương yêu
đến tất cả chúng sinh.
Trung đạo có cả hai tính chất, vừa khiêm tốn nhờ sự giúp đỡ của Phật, vừa tinh cần nỗ lực bản thân.
Sự
cầu nguyện ở đây không bị xem là mê tín vì chúng ta cầu gia hộ để gieo
nhân chứ không phải cầu hưởng quả. Cái khác nhau giữa mê tín và chánh
tín trong sự cầu nguyện là như vậy. Người mê tín cầu nguyện để được
giàu sang thành đạt ngay mà không màng tới việc làm phước. Người chánh
tín cầu nguyện để có cơ hội làm nhiều phước lành trước đã rồi sự giàu
sang sẽ tự tìm đến.
Trong việc cầu Phật để gieo nhân lành thì nhân lành đầu tiên quan trọng nhất chính là tâm từ bi.
Chúng
ta cũng nhắc lại, ý chí có 2 loại, một loại phát sinh từ công đức, và
loại thứ hai phát sinh từ bản ngã. Ý chí đến từ công đức thì nhẹ nhàng
và không làm phát sinh kiêu mạn; ý chí đến từ nỗ lực bản thân thì nhanh
chóng tạo thành kiêu mạn.
Tâm từ bi cũng vậy, có 2 loại, đến từ công đức, và đến từ nỗ lực bản thân đơn thuần.
Ví
dụ một người không tin thần thánh trời Phật gì cả, nhưng có suy nghĩ
tốt rằng sống trên đời phải biết thương người, và người này hằng ngày
tự nhũ riết rằng phải thương người, phải thương người… Dần dần họ cũng
bắt đầu xuất hiện từ bi bác ái trong tâm. Tuy nhiên, một hệ quả phụ
nguy hiểm cũng xảy ra đồng thời, đó là tâm kiêu mạn. Thật vậy, khi nghĩ
rằng thương người, ta đã tự cho mình cao hơn người một bậc! Vừa thương
người, vừa nghĩ mình hơn người, thật là oái oăm!
Còn nếu ở
đây, ta lấy công đức lễ Phật để làm nhân lành giúp phát khởi Từ tâm, hệ
quả phụ nguy hiểm kia sẽ không xuất hiện kèm theo, tuy thương người mà
vẫn tôn trọng con người, vẫn không thấy mình hơn người.
b. Lúc tọa thiền
Tu
tập thiền định là chánh đạo thứ 8 trong Bát chánh đạo, nhưng Bát chánh
đạo phải được tu tập đồng thời. Nhờ có thiền định giúp nội tâm yên
tĩnh, chúng ta sẽ thông suốt đạo lý. Thiếu thiền định, chúng ta sẽ
thiếu gần hết mọi công đức trong Phật Pháp vì tất cả giáo lý đạo Phật
đều liên quan đến thiền định.
Chúng ta tu tập Từ bi trong thiền định như sau:
Trước hết, chúng ta bắt chân kiết già ngồi đúng tư thế, chắp tay niệm Phật 3 lần; nguyện lòng tôn kính Phật vô biên.
Kế đó, nguyện lòng thương yêu tất cả chúng sinh một cách tổng quát.
Rồi
chúng ta trải lòng thương đến những người gần gũi chung quanh mình, như
cha mẹ, anh chị em, huynh đệ, láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp… Người
xuất gia thì thương huynh đệ đồng liêu, đồng đạo. Khi quán tưởng như
thế ta mới giật mình vỡ lẽ rằng nào giờ mình chưa hề thương yêu ai
chung quanh. Tuy sống chung mái chùa mà mọi người chưa hề thương yêu
chăm sóc đỡ đần cho nhau, vẫn ngăn cách xa lạ thờ ơ với nhau. Chúng ta
đã bỏ gia đình nhỏ bé để về đây làm thành một gia đình lớn lao hơn, cao
quý hơn, nhưng cuối cùng thì tình thương không hiện hữu. Bây giờ bù
lại, chúng ta phải thương yêu huynh đệ thật nhiều.
Rồi trải
lòng thương yêu những người chung quanh vẫn chạm mặt mà ta không quan
tâm thương mến, đơi khi lạnh nhạt thờ ơ, bây giờ phải biết thương thật
sự; nhất là hàng xóm. Phải làm sao sau này, những người láng giềng nhận
xét rằng người tu theo đạo Phật càng lúc càng hòa ái dễ thương, vì họ
cảm nhận được tấm lòng của chúng ta đố với họ.
Tiếp theo, chúng ta nghĩ đến những người mưu hại, nói xấu, xúc phạm mình và tác ý thương yêu họ.
Sống
trên đời, không ai tránh khỏi bị chỉ trích, nói xấu, xúc phạm, hãm hại…
Giới tu sĩ thường hại nhau bằng lời nói công kích qua lại; người thế
gian có thể hại nhau đến thân tàn ma dại, cùng đường tuyệt lộ, tù tội
chết chóc… Khi bị như vậy, thói thường người ta sẽ mang tâm oán hờn thù
hận. Nhưng vì chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta phải buông xả sự thù
giận đó, và hơn thế nữa, phải trải lòng thương yêu kẻ đã hại chúng ta.
Nói thì dễ, nhưng khi thực hành sẽ rất khó khăn.
Có một người
đã từng bị mưu hại cho tù tội do bị ganh tị trong học tập, nhưng may
mắn không bị. Người này không để tâm giận hờn và bỏ qua cho vào quên
lãng. Đến khi tu tập Từ tâm, nhớ lại kẻ đã hại mình, liền tác ý thương
yêu, nhưng không thể nào thương yêu được. Lúc đó, người này mới biết
rằng tưởng đã quên nhưng cái giận vẫn còn chìm sâu trong lòng chưa hết.
Phải quyết tâm tác ý thương kẻ đó suốt mấy ngày, người này mới vượt qua
được cái giận tiềm ẩn.
Vượt qua sự thù hận để thương yêu được
kẻ đã hại mình là một công đức lớn vì chúng ta tránh được ý niệm trả
thù trong tương lai. Còn một người nào đó để mình phải ghét thì mình
chưa phải là một đệ tử ngoan của Phật. Vì vậy chúng ta phải thương yêu
cho được kẻ đã ganh ghét mưu hại công kích mình.
Kế đến, chúng
ta nghĩ đến vô số vong linh trong cõi giới siêu hình để tác ý thương
yêu họ. Đây là một tồn tại mà thế giới phải công nhận.
Trước
hết các nhà khoa học tin rằng còn nhiều hành tinh khác có sự sống trong
vũ trụ này. Các phương tiện quan sát hiện nay chưa đủ để tìm thấy một
cách rõ ràng một hành tinh có sự sống, nhất là sự sống thông minh nào
khác trong vũ trụ. Đôi lúc họ đã bi quan cho rằng Trái đất là sự sống
cô độc của Vũ trụ. Nhưng rồi những tính toán và tiến bộ kỹ thuật cho
phép họ hy vọng vẫn còn nhiều hành tinh khác có sự sống, kể cả sự sống
thông minh.
Trong cuốn “Mối tình bất diệt của vua Seti” kể lại
câu chuyện của một ông vua Ai cập dan díu với một nữ tu sĩ. Để bảo vệ
cho vua, khi bị các trưởng lão tra vấn, người nữ tu này đã tự tử. Sau
này nhà vua biết chuyện nên vô cùng cảm thương. Đến khi chết, linh hồn
ông mải miết đi tìm người con gái đó. Ông lang thang đi từ cõi này sang
cõi khác suốt gần ba ngàn năm như vậy. Cô bị các vị thần bắt giam trong
một nơi bí mật khiến ông không thể nào tìm ra. Về sau, các vị thần cảm
động trước tấm lòng của vua Seti nên đã cho cô gái đầu thai trở lại vào
nước Anh. Lúc đó, vua Seti mới tìm thấy và tiếp xúc với cô dần dần. Ông
có kể với cô rằng ông đã bay qua nhiều hành tinh khác; có những hành
tinh chỉ có cây xanh mà không có động vật, không có người có thú nào
hết. Một lần ông đến một hành tinh đã từng có sự sống văn minh, thấy
nhà cửa, xe cộ, những loại xe không có bánh cũng không có cánh –nghĩa
là giống như dĩa bay UFO. Nhưng tất cả đều chết khô sạch sẽ vì không
còn một chút không khí nào cả. Xác người vẫn còn nằm yên tại chỗ trên
xe, trên đường, trong nhà… khô héo. Ông cho rằng một vị thần nào đó đã
lấy hết không khí để tiêu diệt sự sống nơi đó vì một lỗi lầm nghiêm
trọng nào đó của loài người tại đấy.
Từ câu chuyện trên ta thấy Vũ trụ này đa dạng vô cùng, và thế giới này phức tạp vô cùng.
Thế
giới vô hình cũng rất là phức tạp. Có những chúng sinh sau khi chết
sinh lên cõi trời vì lúc sống đã làm nhiều việc thiện và biết tu dưỡng
tâm hồn thánh thiện.
Có những chúng sinh tội phước lẫn lộn,
chưa đủ để lên cõi trời, nhưng cũng không đọa vào ác đạo, cũng chưa đủ
duyên đầu thai, sẽ có một đời sống khá giống người ở trần thế này. Đôi
khi họ vào chùa tu và được nhiều tiến bộ về tâm hạnh, đến khi đầu thai
trở lại sẽ là người có nhiều thiện duyên. Thời gian họ tồn tại ở cõi âm
như thế có khi kéo dài cả trăm năm.
Có những chúng sinh tội
nặng thì hình tướng biến đổi trở nên xấu xí ghê rợn, đọa vào địa ngục
hoặc làm thân quỷ đói. Thường thì đến tuổi già gần chết, nếu gương mặt
ai trở nên đẹp đẽ phúc hậu là có dấu hiệu sau khi chết về cõi lành, nếu
gương mặt ai trở nên xấu xí hung dữ là có dấu hiệu sai khi chết về cõi
đọa.
Ma có nhiều loại. Có loại vong yếu ớt, không có tác động
gì tới người sống được. Họ sống chung lẫn với mình mà mình không hay
biết, nhưng họ thấy biết được mình. Họ cô đơn buồn bã, thiếu thốn, đói
khổ vì quá thiếu phước. Có khi họ cũng biết đến chùa nghe thuyết pháp
để tu hành từ từ.
Loại thứ hai có tâm lực mạnh hơn một chút,
có thể tác động vào tư tưởng người sống, xúi mình làm chuyện này chuyện
kia. Có khi trong gia đình cãi cọ nhau um sùm mà thật ra không phải tại
người sống, mà tại ma xúi. Có khi chúng ta đi ngang qua một cửa hàng tự
nhiên muốn vào mua hàng, chỉ bởi vì cô hồn nào đó xúi để giúp cho người
chủ buôn bán đắt khách. Người chủ này biết thường xuyên cúng thí thực
cho vong ăn đều đặn.
Rồi có loại ma tâm lực mạnh hơn co thể
tác động vào vật chất như làm cho cái ly trên bàn rớt xuống đất vỡ
toang; hoặc không có gió mà làm cho cánh cửa đóng rầm rầm; hoặc ban đêm
ở trong nhà bếp dỡ nồi khua chén rổn rảng.
Rồi có loại ma có thể hiện hình cho mình thấy luôn.
Có
nhiều loại chúng sinh trong cõi giới vô hình như thế mà ta phải quán từ
bi thương yêu họ không bỏ sót. Nếu chúng ta chỉ rải tình thương cho thế
giới cõi người thì tâm từ bi của mình chưa bung vỡ vô hạn, vẫn còn lấn
cấn khập khiểng. Nếu chúng ta thương yêu cả cõi âm, tự nhiên ta sẽ nghe
tâm mình rộng rãi, an lạc, thoải mái, tràn đầy.
Thỉnh thoảng
có người thấy ma hiện ra, hoặc nghe tiếng ma nói gì gần đâu đấy, hoặc
bị rờ tay đụng chân. Cảm giác của mọi người hầu hết là run sợ vì không
biết gì về đối phương cả. Chính vì bị cảm giác sợ này mà mọi người dùng
từ ma nhát. Vì nghĩ rằng ma nhát nên xem ma là kẻ xấu, kẻ thù và tìm
cách chống trả, ếm trấn, tiêu diệt. Thật ra ít có trường hợp người âm
cố ý hù dọa ai. Họ chỉ muốn tiếp xúc xin ăn và kết bạn. Nhưng vì họ có
hình dạng ghê rợn do tội lỗi đời trước nên không thể có sự tiếp xúc
bình thường. Chúng ta hãy nghĩ như thế này, nếu chúng ta thương yêu
được người tật nguyền xấu xí ăn xin trên đường phố thì cũng nên độ
lượng thương yêu người cõi âm như thế. Nhất là bây giờ chúng ta tu tập
Từ tâm vô lượng thì càng không được quyền có giới hạn trong tình
thương của chúng ta.
Kế đến chúng ta tác ý thương yêu các loài súc sinh khắp cả trời đầy cả đất, chim thú trong rừng, cá tôm dưới nước…
Kế nữa chúng ta tác ý thương yêu chúng sinh dưới địa ngục.
Thông
thường thì ai ác độc sẽ đọa địa ngục; bỏn xẻn sẽ đọa ngạ quỷ; si mê tà
kiến sẽ đoạ súc sinh. Đó là nguyên tắc căn bản. Nhưng thật ra sự tình
phức tạp hơn nhiều. Vì có người phỉ báng Thần thánh bị đọa súc sinh; có
người phỉ báng thần thánh bị điên loạn; có người phỉ báng thần thánh
lại đọa luôn xuống địa ngục. Tuy nhiên căn bản là ai ác độc sẽ đọa địa
ngục.
Thế nào là người ác độc?
Người ác độc là người
đủ tàn nhẫn để hoặc là dùng nhục hình làm người khác đau khổ, hoặc là
dùng mưu mô hiểm độc hại người khác rơi vào đường cùng tuyệt vọng đau
khổ. Nói chung là làm chúng sinh đau khổ với tâm tàn nhẫn. Đó là người
không động lòng xót xa trước nỗi đau của người khác, có khi còn thích
thú khi thấy kẻ khác đau khổ. Người đó có thể đánh đập, cắt chém, thiêu
đốt, giết hại kẻ khác.
Chúng ta đánh giá người có thiện tâm
hay không bằng cách xem họ có thái độ trước nỗi đau của kẻ khác như thế
nào. Nếu người này biết xót xa trước nỗi đau của người khác, tức là
người có thiện tâm; nếu người này tỉnh bơ, thậm chí khoái chí trước nỗi
đau của người khác, tức là người có ác tâm. Có những tay bợm nhậu xúm
nhau dùng cây đập vỡ đầu một con chó mà còn cười hăng hắc, ta biết
những người này có nhân của địa ngục.
Khi xuống địa ngục,
những gì họ đã làm cho chúng sinh đau đớn, họ sẽ phải đền trả sòng
phẳng. Những ngọn lửa không tắt, những lưỡi dao cắt không dừng sẽ thiêu
đốt đâm chém họ trở lại.
Vậy thì có cách nào để những chúng sinh đó thoát được nghiệp địa ngục?
Vì ác tâm nên họ bị đọa địa ngục, bây giờ chỉ có tâm Từ bi giúp họ thoát địa ngục.
Có
câu chuyện tiền thân đức Phật làm minh họa cho đạo lý này, dù rằng
chúng ta có thể không tin. Nhưng câu chuyện cũng rất hay. Một lần trong
kiếp rất xưa, Ngài bị đọa địa ngục. Chúng ta không tin Ngài tạo một tội
gì ghê gớm đến nỗi bị đoạ địa ngục, nhưng chúng ta cứ để ý khía cạnh
đạo lý. Ngài phải chịu nhiều cực hình đau đớn giống như các tội nhân
khác. Khi phát hiện ra chung quanh mình cũng đang có vô số chúng sinh
đang rên la vì bị trừng phạt, Ngài chợt động tâm thương xót nên phát
một lời nguyện rằng xin được gánh hết sự trừng phạt của mọi người trong
địa ngục này. Ngay khi tâm Ngài dõng mãnh chấp nhận đau đớn giùm cho
tất cả như thế thì địa ngục tan biến lập tức.
Về nguyên tắc
thì câu chuyện đó đúng với đạo lý, nhưng về tính chân thật thì khó
thuyết phục chúng ta tin rằng Phật đã từng bị đọa địa ngục như vậy.
Về
nguyên tắc, nếu chúng sinh nào đang bị đọa địa ngục mà có thể khởi tâm
từ bi thì thật sự có thể thoát khỏi kiếp địa ngục. Vì vậy, nếu có
thương xót chúng sinh nơi địa ngục, chúng ta cũng không thể giúp gì cho
họ, chỉ có cách cầu nguyện cho họ khởi được tâm từ bi đề tự họ thoát
khổ mà thôi.
Xin cho nơi địa ngục
Chúng sinh đang đọa đày
Khởi được tâm từ bi
Để xa lìa cảnh khổ.
Nhưng
thực tế thì rất khó. Hãy tưởng tượng một người đang bị nhức đầu, nhức
răng, đau bụng rên la oằn oại, người đó dường như quên hết Phật pháp
Đạo lý vì tâm bị cơn đau bức bách rối loạn. Cũng vậy, chúng sinh đang
bị thiêu đốt ở điạ ngục, vốn từ trước không biết điều thiện gì nhiều,
bây giờ lại đang bị dày vò hành hạ, rất khó khởi được tâm thương yêu
người khác. Thường thì họ phải chịu đày đọa cho đến khi hết tội mới
thoát khổ chứ không dễ bình tỉnh tác ý theo điều lành. Giống như người
điên không thể làm phước để tự cứu lấy mình, cũng vậy, chúng sinh dưới
địa ngục cũng khó thể khởi tâm lành.
Cuối cùng, chúng ta rải tâm Từ bi phủ trùm mênh mông khắp trong pháp giới, và duy trì như vậy lâu lâu một chút.
Khi
quán Từ bi, chúng ta chịu khó đi qua từng giai đoạn một cách kỹ lưỡng
như vậy rồi hãy rải tâm Từ bi phủ trùm, khiến cho tâm Từ bi sâu sắc lớn
lao mạnh mẽ. Nếu không, tâm Từ bi sẽ hời hợt sơ sài. Mỗi lần tu tập
quán tưởng từ bi như vậy mất chừng 10 phút, nhưng công đức cho nhiều
kiếp sau thật là vô lượng. Nhất là người xuất gia lại càng phải huân tu
Từ tâm nhiều hơn để làm chỗ nương tựa cho Phật tử, làm những trụ cột
vững chắc cho Phật Pháp.
Người nào tác ý thương yêu chúng
sinh, tự nhiên tâm người đó có hào quang sáng lên mà chư thiên có thể
nhìn thấy được. Chư thiên tử nhìn xuống trần gian chỉ thấy dường như
tối đen bởi hận thù bạo lực. Nhưng trong bóng tối đó, tâm hồn ai có từ
tâm thương yêu sẽ sáng lên rõ rệt khiến chư thiên chú ý. Nếu ai thường
xuyên tu tập từ tâm, hào quang sẽ hiện dần trên gương mặt mà người
thường cũng cảm nhận được.
c. Trong cuộc sống
Tu tập
Từ tâm trong cuộc sống là biết khởi tâm thương yêu khi mắt vừa chạm đến
bất cứ người nào trong cuộc sống này. Ban đầu chúng ta không quen tác ý
như thế nên sẽ rất khó khăn, nhưng tập quen rồi sẽ cảm thấy tâm hồn
chuyển biến rất lạ.
Những khi bước ra đường trông thấy người
này người kia, xa lạ có, quen biết có, chúng ta cũng tự nhũ rằng “con
nguyện thương yêu những người này”.
Sau này thuần thục rồi, chúng ta không cần khởi lên câu đó nữa, mà mắt vừa chạm ai là lòng từ bi gửi đến đó liền.
Tập
như vậy lâu ngày, đôi mắt ta sẽ rất từ ái. Trong tiểu Kinh Rừng Sừng Bò
diễn tả các vị thánh sống hòa hợp với nhau và luôn nhìn nhau bằng ánh
mắt từ ái thiện cảm. Ánh mắt nhìn nhau thiện cảm vì khi nhìn nhau,
chúng ta luôn gửi theo đó lòng thương quý. Các vị Thánh như vậy, chúng
ta cũng phải như vậy, là luôn gửi tình thương yêu theo ánh mắt mỗi khi
nhìn nhau.
Rồi khi chúng ta cưỡi xe chạy trên đường phố đông
người chen chúc, xe cộ chạy ngược chạy xuôi, mới chợt hay rằng nào giờ
chúng ta vẫn hờ hững lạnh nhạt khô khan cằn cỗi với biết bao người
trong cuộc sống này. Bây giờ chúng ta phải chuộc lại bằng cách âm thần
lặng lẽ tự nhũ con thương yêu tất cả mọi người như thế này, con thương
yêu tất cả mọi người như thế này.
Khi chưa biết tu, có thể
chúng ta đã thương lén một hai người nào đó, bây giờ biết tu, chúng ta
lặng lẽ thương lén tất cả mọi người. Không cần họ biết. Tập được như
thế, ta sẽ thấy đạo lực tăng tiến từng ngày.
Đối với huynh đệ
đồng tu, chúng ta càng phải thương yêu nhiều hơn nữa. Nếu không thương
yêu được huynh đệ chung quanh mình, thì nói thương yêu chúng sinh chỉ
là giả dối. Thương yêu được huynh đệ là dấu hiệu chân chính của Từ tâm.
Huynh đệ trong chùa thực chất chỉ là những người dưng xa lạ không máu
mủ ruột rà, chỉ vì duyên xưa, vì cùng chí hướng tu hành nên gặp nhau
chung một thầy. Chính vì quý mến đạo tâm mà chúng ta yêu thương nhau
được, đó là tình thương cao đẹp.
Trước đây, chưa thương ai,
chúng ta chỉ thấy có nhu cầu của riêng mình như quần áo, giáy dép,
thuốc thang, sách vở… Bây giờ thương yêu huynh đệ, chúng ta sẽ thấy nhu
cầu của huynh đệ hiện ra trước mắt mình rõ ràng và sẽ ngạc nhiên tại
sao nào giờ mình không thấy như thế. Chúng ta sẽ thấy huynh đệ khỏe hay
yếu, buồn hay vui, thoải mái hay khó chịu… và luôn muốn giúp huynh đệ
rất nhiều. Dù chúng ta chưa đủ khả năng để giải quyết hết mọi nhu cầu
của huynh đệ, nhưng cũng cố gắng san sẻ được chừng nào hay chừng ấy.
Đôi
khi tập khí bỏn xẻn cũ khiến chúng ta do dự trong việc san sẽ những cái
mình có cho huynh đệ, nhưng nếu công phu quán Từ bi có chiều sâu, ta sẽ
đủ sức vượt qua tâm bỏn xẻn để mở đôi bàn tay.
Phải biết
thương yêu tử tế với huynh đệ trước khi chúng ta bước ra thương yêu hóa
độ vô số chúng sinh khác. Nếu chưa từng biết đối xử tốt với huynh đệ,
người này chưa được quyền nói rằng sẽ thương yêu tất cả chúng sinh.
Chúng ta tâm nguyện thương yêu tất cả chúng sinh, phải biết bắt đầu
thực hành với huynh đệ chung quanh mình. Người nào có thể sống tốt với
huynh đệ, chúng ta tin người đó có thể sống tốt với chúng sinh về sau.
Rồi
sẽ có lúc chúng ta đối diện với những người mưu hại, chống đối, chỉ
trích mình trong thực tế. Hiện nay quán Từ bi, chúng ta có khởi tâm
thương yêu đến với những người đã đối xử tệ bạc với mình trong quá khứ,
nhưng tương lai, chúng ta sẽ còn đối diện với tình huống tương tự. Đó
là lúc chúng ta có dịp đánh giá đạo lực của mình. Chúng ta hãy xem lúc
đó mình có thể giữ vững lời nói “con nguyện thương yêu người này” trong
tâm hay không?
Đây là điều khó thực hành vì lúc đó chúng ta dễ
nỗi sân. Nhưng phải quyết tâm làm cho bằng được, vì chỉ khi nào chúng
ta thật sự thương yêu được người xúc phạm mưu hại mình, sau này chúng
ta mới vững vàng bước ra gánh vác trách nhiệm với đạo pháp. Trên bước
đường làm việc đạo, biết bao chông gai gian khổ sẽ chờ đón chúng ta.
Nếu không trang bị tâm Từ bi vững chắc, chúng ta sẽ ngã quỵ.
3.DẤU HIỆU TỪ TÂM HIỆN DIỆN
Có bốn 4 dấu hiệu để biết Từ tâm đã hiện diện trong tâm hồn của mình.
a. Muốn giúp đỡ
Như
đã nói, quy luật tâm lý thông thường là khi thương ai, ta luôn muốn
giúp đỡ người đó. Tình thương đó là ân nghĩa quá khứ hiện lại.
Bây
giờ với tâm Từ bi thương yêu hết tất cả chúng sinh, đương nhiên chúng
ta cũng bị một tâm lý thôi thúc là làm cái gì đó cho chúng sinh được an
vui hạnh phúc. Tâm Từ bi càng nhiều thì sự thôi thúc càng lớn. Càng
hiểu Đạo, chúng ta càng hiểu rõ bản chất cuộc đời thật là đau khổ.
Chung quanh ta, mọi người không khổ vì điều này thì cũng khổ vì điều
khác. Không ai thực sự trọn vẹn sung sướng.
Huynh đệ ta bệnh
yếu, đạo tâm còn sơ cơ… vẫn là điều khiến ta lo lắng. Nhiều ngôi chùa
chưa có sức giáo hóa người dân quanh vùng… vẫn là điều khiến ta lo lắng.
Tất cả những sự thôi thúc đó đều chứng tỏ tâm từ bi đã thực sự hiện diện nơi chính mình.
Ngược
lại, nếu chúng ta quan niệm về một đời sống tu hành nhàn nhã, không bận
tâm về nỗi khổ của ai, chỉ muốn chiều chiều phe phẩy cái quạt bước dạo
trên lối cỏ ướt sương, ngắm trăng lên từ đỉnh đồi lộng gió, hoặc ngồi
nhấp một ngụm trà ngát hương xem hoa quỳnh chầm chậm nở…, chúng ta đã
đi sai lời Phật dạy! Thiếu tâm Từ bi, chúng ta đang nuôi dưỡng sự ích
kỷ trong lòng mình. Mà sự ích kỷ nào rồi cuối cùng cũng đưa đến đau khổ.
Người
tu đúng sẽ là người rất bận rộn vất vả cực khổ vì tha nhân, nhưng niềm
vui trong tâm thì tràn đầy. Đây là điều rất lạ. Chúng ta cứ tưởng rằng
lo cho người khác sẽ làm mình cực khổ, nhưng không, ngược lại, chính vì
đem niềm vui đến cho người khác mà tâm ta tự nhiên có niềm vui và sức
mạnh. Niềm vui này không mong cầu mà được.
b. Xót xa trước nỗi khổ của tha nhân
Dấu hiệu thứ hai khi có Từ tâm hiện diện là biết xót xa trước nỗi khổ của tha nhân. Tâm xót xa đó gọi là Bi.
Người
tu đúng là người bất động khi nghịch cảnh đến với mình, nhưng lại xót
xa khi thấy chúng sinh đau khổ. Người tu sai là thích giữ tâm bất động,
kể cả khi đứng trước nỗi đau của người khác.
Chúng ta sẽ thắc mắc, chẳng lẽ chư Thánh cũng động tâm xót xa sao?
Xin
thưa, chư Thánh cũng thương xót chúng sinh đau khổ, và thương xót rất
sâu sắc, chỉ khác với chúng ta là sự thương xót đó không xao động sôi
bỏng như chúng ta, vì các Ngài có định lực vững vàng.
Chúng
ta thương xót chúng sinh có kèm theo sự ray rứt, xao động, vì chưa có
định, nhưng vẫn là đúng. Chỉ vì sợ xao động mà chúng ta không thương
xót nỗi khổ của chúng sinh tức là chúng ta đã đi sai đường của Phật
Pháp. Nếu chúng ta không bận lòng vì nổi khổ của tha nhân, tức là chúng
ta đang đi dần vào trạng thái thờ ơ lãnh đạm vô tình. Mọi người đều như
thế thì đạo Phật sẽ trở nên thụ động và suy yếu dần dần.
Chúng ta chỉ được quyền bất động với nghịch cảnh của chính mình, chứ không được thản nhiên trước nỗi đau của người khác.
Trong
Tứ vô lượng tâm, Phật dạy đệ tử phải có Bi tâm vô lượng, tức là phải có
lòng thương xót không còn giới hạn, chỉ vì nổi khổ trên đời là vô hạn.
c. Vui mừng trước hạnh phúc của người
Vui mừng khi thấy người khác hạnh phúc là Hỷ tâm trong bốn tâm Từ Bi Hỷ Xả.
Thông
thường thì khi thương yêu ai ta mới vui mừng vì hạnh phúc của người đó.
Đối với người ta không thương, hạnh phúc của người đó lại làm cho ta
bực tức ganh tị. Con mình thi đậu thì mừng, con hàng xóm thi đậu thì
tức. Thói đời là như vậy.
Nhưng bây giờ là đệ tử Phật, tình
thương chúng ta trải đều với tất cả mọi người, như vậy bất cứ hạnh phúc
của ai cũng khiến ta vui mừng cả. Rồi khi thấy người làm được nhiều
việc công đức tốt lành, chúng ta cũng phải biết vui mừng như chính mình
làm được. Với Hỷ tâm như thế, tâm đố kỵ sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Vì
chúng sinh là vô lượng nên công đức làm được cũng vô cùng, và Hỷ tâm
chúng ta cũng là vô biên vô lượng.
d. Biết tha thứ
Dấu hiệu thứ tư của Từ tâm hiện diện là biết tha thứ, tức là Xả tâm.
Chữ
Xả có nhiều nghĩa tùy theo category, nhóm. Xả có nghĩa là buông bỏ,
không dính mắc vào thế gian; xả cũng có nghĩa là vượt qua được tâm Tự
hào bí mật trong thiền định. Còn trong Tứ vô lượng tâm, Xả có nghĩa là
tha thứ.
Sống ở trên đời này, nếu chưa thành Phật thì ai cũng
còn có lỗi cả. Mình cũng còn khuyết điểm và người chung quanh cũng vậy.
Điều quan trọng là phải biết tha thứ nhau để tiếp tục thương yêu nhau.
Nguyên
tắc của tâm lý là khi thương ai, ta dễ tha thứ khi người đó có lỗi. Có
nhiều đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, vậy mà cha mẹ vẫn kiên tâm chịu đựng
tha thứ mãi để mong con có ngày hối hận quay về. Biết tha thứ là đức độ
lớn của những bậc chân sư thánh triết.
Tuy nhiên , có 2 cực đoan mà người đệ tử Phật nên tránh khi thấy người khác có lỗi:
- thứ nhất, thấy người có lỗi, ta liền đem ra công kích, chê bai, rêu rao, khinh bỉ, với tâm ác độc.
- Thứ hai, thấy người có lỗi, ta bỏ mặc cho họ tiếp tục phạm lỗi, xem như không dính dáng gì tới mình cả.
Cả hai đều là sai lầm, và có tội.
Khi
thấy lỗi của người, nếu ta đem ra chê bai, sau này ta sẽ mắc đúng lỗi
lầm đó. Ngược lại, nếu ta bỏ mặc, sau này ta cũng mắc đúng lỗi lầm đó.
Ngoài ra, ta còn có thể bị quả báo mù hay điếc vì ta đã làm ngơ giống
như không nghe không thấy trước sai lầm của người khác. Đúng ra, ta
phải có bổn phận tìm cách giúp người sửa chữa để họ tiến lên, chứ không
được bỏ mặc.
Nếu có duyên, ta có thể góp ý trực tiếp; nếu ít
duyên, ta có thể nhờ người đức độ nói giùm. Phật Pháp mỗi ngày sẽ được
hoàn thiện phát triển nếu chúng ta biết giúp nhau vượt qua lỗi lầm như
thế. Dĩ nhiên là chỉ bởi lòng thương yêu chúng ta mới được phép nói về
lỗi lầm của huynh đệ. Nếu không có lòng thương yêu, chúng ta không đủ
sức thuyết phục, mà chỉ đem lại giận hờn tự ái nhiều thêm.
Nhờ có lòng tha thứ nên ta mới đủ chịu khó khuyên người vượt qua lầm lỗi.
Vì chúng sinh vô lượng, lỗi lầm chúng sinh cũng là vô lượng, nên Xả tâm chúng ta cũng phải vô biên vô lượng như thế.
4. TÂM TỪ ĐEM LẠI THẮNG PHƯỚC
a. Tám ích lợi theo kinh bộ Tăng Chi
trong kinh bộ Tăng Chi, Phật nói người tu tập thuần thục Từ tâm sẽ được 8 lợi ích như sau:
-
Được yên lành trong đời sống, lúc thức. Sở dĩ tâm trí ta được yên lành
trong đời sống vì ta không bận tâm lo cho mình nữa. Chỉ những người ích
kỷ bận tâm lo cho mình quá đáng thì mới bị dằn vặt bất an.
-
Được yên lành trong giấc ngủ. Trong đời sống ta bình an thì tự nhiên
giấc ngủ cũng yên lành. Tuy nhiên Phật không nói nguyên nhân tâm lý đơn
thuần mà nói về phước. Người có Từ tâm, tự nhiên được phước rơi vào nội
tâm khiến tâm rất bình an. Ngược lại, nếu ta bị những bệnh lý về thần
kinh não như căng thẳng, mất ngủ, hỗn loạn, ảo giác… nên hiểu ngay đó
là do một lỗi lầm nào đó. Ta nên khởi tâm Từ bi với chúng sinh sẽ thấy
thuyên giảm rõ rệt.
- Được chư Thiên độ trì. Như đã
nói, khi ta tác ý thương yêu chúng sinh thì hào quang phát ra liền, và
chư Thiên nhìn thấy. Chư Thiên cũng là những người đã từng tu tập Từ bi
nên rất yêu quý người tu tập từ bi như vậy. Chư thiên sẽ thường xuyên
âm thầm gia hộ độ trì cho ta trong cuộc sống và công việc.
-
Yêu tinh quỷ ma không xâm phạm. Ngoài khả năng cảm hóa, lòng Từ bi còn
có kết quả là tạo thành uy lực. Nhìn thấy một người có tâm Từ, phi nhân
vừa quý mến vừa nể sợ nên không có ý định xâm phạm. Nhiều người bị các
vong linh quấy phá, đã khéo léo quán Từ bi liền thoát nạn. Quán Từ bi
hiệu quả hơn dùng chú thuật trấn ếm. Chú thuật chỉ trấn ếm tạm thời, và
dễ gây thù oán. Năng lực của Từ tâm vượt lên cao để cảm hóa các chúng
sinh trong cõi vô hình đó.
- Độc trùng đao kiếm
không xâm phạm. Chúng ta bất ngờ khi nghe Phật ấn chứng điều này đối
với người tu tập Từ tâm thuần thục. Do nghiệp quá khứ, chúng ta có thể
bị những tai họa phiền toái của cõi giới này là trúng độc, hoặc bị gươm
đâm, súng bắn… Những tai nạn này rất dễ xảy ra với mọi người. Vậy mà
Phật cả quyết ai tu tập Từ tâm thuần thục sẽ không bị các tai họa đó.
Như thế ta thấy rằng năng lực của Từ tâm rất vĩ đại.
-
Được mọi người chung quanh yêu mến. Điều này dễ hiểu vì người đầy ắp
yêu thương sẽ khiến cho người chung quanh yêu mến một cách tự nhiên.
Những khi có dịp ở chốn đông người, ta hãy thực tập rải tâm từ với mọi
người, sẽ thấy những kết quả thú vị.
- Khi chết sinh
về cõi trời. Chúng ta hoàn toàn không nghi ngờ khi cho rằng một người
thuần thục Từ tâm sẽ sinh về cõi trời sau khi chết. Cõi trời là nơi trú
ngụ của những chúng sinh hết sức thánh thiện, trong đó, tâm Từ bi là
một thuộc tính chiếm vị trí hàng đầu.
- Và cuối cùng
là sẽ được Giải thoát. Muốn giải thoát phải hết hẳn Ngã chấp. Tâm Từ bi
chính là sức mạnh quan trọng khiến ta xa lìa Ngã chấp dần dần. Khi
thương yêu chúng sinh, chúng ta dễ dàng quên mình để sống đời vị tha.
Từng hành động cụ thể giúp đỡ chúng sinh là từng nhát búa đốn phá Ngã
chấp. Nếu chỉ suy nghĩ về việc giúp đỡ mọi người mà không có hành động
cụ thể, Ngã chấp vẫn không lung lay bao nhiêu. Vì vậy phải thực sự bắt
tay làm nên những điều lợi ích cụ thể cho chúng sinh, đó là con đường
đi đến công đức và giải thoát.
Trong tâm chúng ta luôn tồn tại
một Bản Ngã nguy hiểm. Chính Bản ngã này đã tạo nên ích kỷ, tham lam,
thù hận và trôi lăn sinh tử. Nhưng cũng chính trong tâm này mới có một
con đường đưa đến Niết bàn giải thoát tuyệt đối. Chúng ta phải bắt đầu
tu tập nơi chính nội tâm này, nhưng chúng ta không được dừng lại nơi
nội tâm này. Tâm là con đường, nhưng con đường này có giặc, đó là Bản
ngã.
Chúng ta phải đi trên con đường tâm này bằng thiền định,
nhưng dù đạt mức độ định như thế nào, chúng ta cũng không được dừng lại
ở tâm để ca ngợi tâm, tôn vinh tâm, vì như vậy là chưa thoát được hang
ổ của Bản ngã. Khi đạt được định, tâm sẽ rất vi diệu, sáng tỏ, rỗng
rang, thanh tịnh, dễ làm ta hiểu lầm rằng đó là mục đích cuối cùng đã
đến. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Dù vi diệu đến như thế nào, Bản
ngã vẫn bí mật tồn tại.
Khi tu với các bậc đạo sư trứ danh
đương thời là Alara Kalama, hoặc Uddukka Ramaputta, Phật đã chứng được
những trạng thái thiền định cực kỳ cao siêu vi diệu. Nhưng Phật đã
nhanh chóng nghi ngờ về sự tồn tại của Bản ngã nên đã từ giã ra đi. Đến
khi nhập định suốt 49 ngày dưới cội cây Bồđề, Phật mới thật sự thoát ra
khỏi tâm thức để chấm dứt Ngã chấp, và trở thành toàn thể vũ trụ, thành
tựu Chánh đẳng Chánh giác.
Chúng ta phải lấy tấm gương đó cho
cuộc đời tu tập của mình, nghĩa là mãi mãi cảnh giác với Bản Ngã. Dù
chúng ta có thành tựu đạo đức sâu sắc, dù chúng ta có thành tựu thiền
định cao siêu, hãy tự nhũ rằng vẫn chưa phãi thoát được Ngã chấp sâu
kín. Biết như vậy để chúng ta không chủ quan tự mãn.
Niết bàn
mà Phật tìm được không phải ỡ trong tâm, mà là bản thể của toàn vũ trụ.
Nhưng muốn tìm được Niết bàn đó, chúng ta phải đi hết con đường tâm
này, bằng thiền định. Tâm Từ bi sẽ là một trong những phương tiện đưa
ta đi trên con đường tâm này.