Ðiều Giác Ngộ 6: Bố thí là căn bản rộng độ chúng sanh.
Phiên âm:
Đệ lục giác tri: Bần khổ đa oán, hoành kết ác duyên. Bồ Tát bố thí, đẳng niệm oan thân, bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân.
Dịch nghĩa:
Điều giác ngộ thứ sáu: Nghèo khổ hay oán hờn, thường kết ngang duyên
ác. Bồ Tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lỗi cũ,
không ghét bỏ người ác.
Nghèo khổ hay oán hờn, thường kết ngang duyên ác
Than thân trách phận, oán trới oán đất, cái khó nó bó cái khôn, bần cùng sanh đạo tặc, phần lớn tâm lý con người là như thế.
Theo thường tình, tâm bệnh của chúng sanh là quá nghèo khổ nên hay
oán hận, hay kết nhiều duyên ác. Phàm người nghèo khổ có nhiều oán hận
là vì thiếu thốn vật chất, lúc nào cũng bị những điều bất như ý bức bách
ép ngặt, không bực dọc với người ngoài thì bực bội trong gia đình. Nếu
có ai động chạm tới là họ quạu quọ nổi sân giận làm hung làm dữ. Nhất là
người không biết tu, không thông lý nhân quả, khi lâm vào cảnh nghèo
khổ đói cơm rách áo thì oán trời trách đất. Thấy người giàu có hơn mình
là sanh tâm đố kỵ, thấy người quyền quí hơn mình là sanh tâm oán ghét,
lúc nào cũng có mặc cảm không tốt với người hơn mình; mặc dù người quyền
quí giàu có biết tu, không hề khinh chê hay làm phiền lòng họ mà họ vẫn
ghét. Vì họ cảm thấy họ khốn khổ đủ điều, còn người giàu sang quyền quí
sung sướng đủ cách. Do mặc cảm không tốt đó, không duyên cớ gì mà cấu
kết duyên ác xấu, gây kết oan trái với người. Vì vậy mà người nghèo học
đạo khó, ngược lại người đủ ăn đủ mặc ít bị những bực bội ép ngặt thì dễ
tu.
Là Phật tử đã học Phật pháp, thấu suốt lý nhân quả, nếu hiện tại lâm
vào hoàn cảnh nghèo khổ, hiểu rằng mình trước đã gieo nhân keo kiệt bỏn
sẻn, không biết giúp đỡ ai, lại thêm tham lấy của người. Đã lỡ gieo nhân
xấu nên ngày nay nghèo khó, vui chịu không oán trách than van, nỗ lực
xả bỏ tâm keo kiệt bỏn sẻn, chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Cố gắng
phát triển hạnh lành phát tâm bố thí giúp đỡ mọi người, đó là đoạn cái
nhân nghèo khổ, sẽ được giàu có an vui về sau.
Có nhiều Phật tử than nghèo, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, của
cải vật chất không có, lấy gì để bố thí? Quí vị nghiệm lại xem, trong
đời này có ai nghèo đến nỗi không dư vài ba hột cơm để bố thí cho kiến
ăn, hoặc không dư một mảnh vải để băng bó vết thương cho người bị nạn!
Chắc chắn ai cũng có những món tối thiểu này. Tu không phải đợi có tiền
nhiều bố thí cúng chùa mới là làm phước, chúng ta biết thương người,
nghĩ đến người, tùy theo khả năng, phương tiện sẵn có của mình mà giúp
đỡ người. Chẳng hạn nhường chỗ ngồi cho người già yếu khi xe chật, phụ
giúp người đi đường gánh bưng quá nặng… Như vậy là chúng ta chuyển đổi
tâm niệm keo kiệt bỏn sẻn thành tâm bố thí lợi tha, chuyển đổi hành động
xấu ác thành lương thiện làm lợi ích cho người vật. Người nghèo mà sống
như thế thì đâu có kết duyên ác gây oán hận với ai. Ngược lại, cứ khư
khư ôm ấp tâm niệm xấu xa oán hờn, đã khổ lại chồng chất thêm khổ. Thế
nên người Phật tử nghèo hiểu rõ lý nhân quả, phải khéo tu để chuyển đổi
hoàn cảnh nghèo nàn đau khổ của mình, trở thành an vui sung sướng trong
hiện tại và mai sau.
Ở trước Phật chỉ cho biết nhân luân hồi sanh tử là vô minh. Đến đây
Phật dạy gốc nghèo khổ là keo kiệt bỏn sẻn, tham lam lấy của người. Phải
nỗ lực cố gắng tu để phá trừ nó.(HT Thích Thanh T ừ)
Bồ Tát hành bố thí, bình đẳng với oán hờn, không nhớ đến lỗi cũ, không ghét bỏ người ác.
Bố Thí: Dana (skt).
Bố có nghĩa là rộng lớn hay không có giới hạn, Thí có nghĩa là cho.
Bố Thí là cho một cách rộng lớn, cho không giới hạn. Đàn Na là bố thí
thực phẩm hay pháp giáo, đưa đến lợi lạc cho đời nầy và đời sau trong
kiếp lai sanh; xao lãng hay từ chối không bố thí sẽ có hậu quả ngược
lại. Đức Phật dạy: “Tham lam chính là đầu mối của các sự khổ đau trong
vòng luân hồi sanh tử. Vì hễ có tham là có chấp giữ; có chấp giữ là còn
bị trói buộc; còn bị trói buộc tức là chưa giải thoát; chưa giải thoát
tức là còn luân hồi sanh tử; còn luân hồi là còn làm chúng sanh; còn làm
chúng sanh là còn tiếp tục chịu các cảnh khổ đau phiền não.” Vì thấy
các mối nguy hại của tham lam, nên Đức Phật đã nhấn mạnh với chúng sanh
về pháp môn bố thí.
Theo Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã giải thích, “Bố Thí là cho ra đồng
đều, có nghĩa là làm san bằng sự chênh lệnh giàu nghèo. Bất cứ hành động
nào khiến cho tha nhân bớt khổ và thực thi công bằng xã hội đều được
xem là Bố Thí”.
Một trong lục Ba La Mật:, bố thí là hạnh tu đầu của sáu phép Ba La
Mật. Ba La Mật có nghĩa là đưa người sang bờ bên kia, tức là bờ giải
thoát; giải thoát khỏi bệnh tật, nghèo đói, vô minh, phiền não, sanh tử.
Người tu theo Phật phải nên biết hai chữ “Bố thí” và “Cúng dường” cũng đồng một nghĩa.:
Phật lại dạy thêm, Bồ-tát khi bố thí là do lòng từ bi bình đẳng, đối
với kẻ oán người thân đều bố thí ngang nhau, không nhớ nghĩ những điều
ác mà họ đã làm ngày xưa và cũng không hề ghét bỏ người hung dữ. Việc
làm này hơi cao, người thường khó thực hiện được. Nhưng đó là tinh thần
Đại thừa, nhằm lấy ân báo oán, khởi tâm từ bi hỉ xả, vong kỷ lợi tha.
Nên khi ra làm việc, chúng ta cần phải xem xét tâm niệm mình có còn vị
kỷ không? Có còn thân sơ không? Có còn nhớ nghĩ đến oán cừu xưa không?
Nếu còn thì phải tiến tu hơn nữa, để chuyển hóa tâm niệm nhỏ hẹp cho
xứng đáng với lời Phật dạy. Vì nếu chúng ta còn vị kỷ thì không thể nào
thực hiện đúng lời Phật dạy. Giả sử có người giàu có quyền thế lấn áp
chúng ta, sau đó họ sa cơ thất thế nghèo khổ, ngược lại chúng ta được
quyền thế giàu có. Trong một dịp đi bố thí gặp lại người lấn áp mình
ngày xưa, chúng ta không hoan hỉ cho người đó. Như vậy là chúng ta còn
nhớ lỗi xưa của họ, chúng ta còn tâm vị kỷ hẹp hòi, chưa có tâm hỉ xả.
Bồ-tát thì không như vậy, dù xưa họ có làm khổ các ngài, nay thấy họ
khổ, các ngài vẫn ra tay cứu giúp.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Bố thí cho một trăm người dữ ăn
không bằng bố thí cho một người hiền. Bố thí cho một ngàn người hiền,
không bằng bố thí cho người giữ năm giới. Bố thí cho mười ngàn người giữ
năm giới, không bằng cúng dường cho một vị Tu-đà-hoàn… Cúng dường một
trăm ức vị Bích-chi Phật không bằng cúng dường một vị Phật.” Nghĩa là bố
thí cho người tu cao chừng nào, thì có phước nhiều chừng nấy. Song, tại
sao kinh này Phật lại dạy bố thí phải bình đẳng? Đồng là lời Phật dạy
sao có sự mâu thuẫn nhau? Vậy kinh nào dạy đúng với tôn chỉ của Phật?
(HT Thich Thanh Từ)
Giải Thoát Tri Kiến
Tham khảo Cốt Tủy của Kinh Kim Cang (Phổ Nguyệt) là làm thế nào Hàng
Phục Tâm và An Trụ Tâm, tức là giải thoát khỏi những thực tại giả lập
hay bất thiện pháp trong tâm (lậu hoặc, tà t ư, tà kiến).
Theo bản dịch của HT Thích Thanh Từ, mà chúng tôi giải thích:
Chánh Tông Đại Thừa (trong đoạn 3):
Phật bảo Tu-bồ-đề: Các vị Bồ-Tát lớn nên như thế hàng phục tâm kia.
Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh
bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc
không có hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng,
ta đều khiến vào chỗ vô vi Niết- bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như
thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh nào
được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã,
tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải Bồ-tát. (HT.
Thích Thanh Từ dịch)
Ý Nghĩa:
Các loài chúng sanh kể trên, nói theo Bồ-tát Long Thọ hay Vô Trước,
và Di Lặc, là những thực tại gỉả lập, giả danh hay do duyên khởi (những
tư tưởng than trời trách đát, oán hờn, hay kết duyện ác nghiệp...). Khi
ta nhận thức các thực tại giả lập nầy bằng các căn là ta đã có giác thức
rồi. Vì thể không của các thực tại giả lập đưa vào (nhận thức bằng ý
trí tác động) chỗ không của các căn thành ra giác thức. Ta tri nhận giác
thức đó bằng Trí (tri nhận bằng ý trí tác năng) là ta đạt được giác
trí. Khi có giác trí thì ta phải xa lià tứ trướng, nghĩa lìa ngay đó ta
không nghĩ đến nó nữa (không còn ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh
tướng, và thọ giả tướng) là ta có giác trí tuệ hay là tánh giác. Thiệt
tánh giác, đứng trên phương diện chân lý tối hậu, hay theo triết lý Duy
Thức, thì tự tính tuyệt đối của sự vật đều có tánh không (hư không).
Nhắc lại, tánh hư không, đức Phật giải thích:" A-Nan! Ngươi phải biết
trong Tạng Như- Lai, "Tánh Giác" tức là thiệt hưkhông, "hư không" tức là
"thiệt Tánh-giác" thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp thế giới..." (Bát Nhã
Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, HT Thích Thắng Hoan, trang 56 [trích
trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 3, dịch giả Thích Chơn Giám]). Vậy
thiệt tánh giác hay tự tính tuyệt đối được xét hai khía cạnh sau đây:
1.-Không Gian hay Hư Không: Cái không gian dung chứa sự vật và sự vật
chiếm cứ không gian là một. Nói gọn là sự vật và dung thể không của nó
là một. Sắc không khác không và không không khác sắc. Vậy độ tất cả
chúng sanh vào vô dư niết bàn, mà không thấy chúng sanh nào được độ. Độ
là làm cho giác ngộ, giải thoát các vọng tưởng hay các thực tại giả lập
để đạt thực tính. Vô vi niết bàn là thực tại tuyệt đối, là chân không
hay thiệt hư không.
Vậy cách hàng phục tâm: Đưa tất cả các thực tại giả lập vào thực tại
tuyệt đối mà không còn thấy thực tại giả lập đó nữa. Nên muốn hàng phục
tâm, hành giả trực nhận thể không của sự vật, ngay đó lìa tứ tướng (Xa
bốn tướng: Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả là không có khái niệm, không
lập lại sự vật để có ý tưởng về sự vật). Thí dụ, khi ta thấy người
nghèo, ta biết có tánh thấy, khi ta nghĩ tưởng sự oán hờn, ta biết đó là
tưởng thức thôi, không nên nghĩ gì nữa,v.v...(lìa bốn tướng) thì các
chúng sanh hay thực tại giả lập (sự việc) đã biến thành hư không không
còn thấy chúng sanh (sự việc) nào được độ, hay đã được tri nhận thành
tánh giác (hư không) thì các chúng sanh ấy hay thực tâi gỉả lập đưa vào
thực tại tuyệt đối hay vô vi niết bàn (hư không), tức là dòng tâm thức
ta làm sao còn vẩn đục ( không còn chúng sanh đó hay thực tại giả l, sự
việc nữa); đó là cách Phật dạy hàng phục tâm.
Diệu Hạnh Vô Trụ (trong đoạn 4):
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố
thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc
pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đế, nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi
tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không
thể nghĩ lường.
-Tu Bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?
-Bạch Thế Tôn, không vậy.
-Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?
-Bạch Thế tôn, không vậy.
-Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại
như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy
mà trụ. (HT. Thích Thanh Từ dịch)
Ý Nghĩa
2.-Thời gian. Ngay khi thể nhận thực tướng của sự vật (các chúng
sanh, những thực tại giả lập hay đối tượng), liền lìa ngay tướng giả lập
đó (đối tượng) và cả tứ tướng, tức là không có thời gian kéo dài sự tri
nhận ấy. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật bảo Tu-bồđề cách thức an trụ
tâm như sau" Khi chơn tâm hiển bày (hàng phục tâm rồi) thì phải gìn giữ
chơn tâm ấy bằng cách: Bồ-tát không có chỗ trụ mà bố thí, tức là không
trụ vào Sắc,thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà bố thí." Trụ là bám vào, dựa
vào, lập lại. Bố thí là ban bố, cho ra cái mình có, cái mình biết, xả
bỏ. Muốn an trụ tâm Bồ-tát không bám vào (khônglập lại, vô thời gian)
tất cả các thực tại giả lập (Sắc thinh hương vị xúc pháp) mà phải xả bỏ
cái mình biết đó (dứt ngay sự tri nhận ấy).
Nên nhớ: Tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh chạm, và
tánh ý là lục thức hay là tâm thức. Biết (Cognize) lại Tâm Thức
(Perception) mới có được Giác Trí hay Tâm Trí (Cognition), vì có thời
không nên tâm trí gọi là thường trí (Usual Cognition)hay là tâm phàm
tình (Common Mind), vì Thức và Trí liên hợp: Tư Tưởng. Chơn Trí (Pure
Cognition) là cái dụng của ChơnTâm (True Mind), vô thời không.
Phật đã chỉ rõ về thân tướng không của "Sắc thinh hương vị xúc pháp'
khi tri nhận là đã hòa nhập vào tánh giác mà tánh giác là thiệt hư không
bao la vô giới hạn. Khi ta thể hiện tánh không, dòng tâm thức không còn
vẩn đục nghĩa là trong sáng hay còn gọi là phước đức. Vậy khi hàng phục
tâm và an trụ được tâm là ta đã tạo ra nhiều phước đức không thể nghĩ
lường ví như hư không vậy. Tóm lại, Ta áp dụng hàng phục tâm và an trụ
tâm trong tứ oai nghi nhất lúc ngồi thiền. Thí dụ khi ta thấy con bò,
biết có tánh thấy rồi xa lià thấy con bò đi, tức là không trụ vào sự
thấy con bò nữa (lìa sắc ngay: vô thời gian). Khi nghe tiếng chuông,
biết có tánh nghe, rồi lìa nó và tiếp tục những hoạt động khác cũng tri
nhận như trên. Riêng ngồi thiền thì có phần tri nhận trực tiếp hoặc quán
tưởng,suy nghĩ hay có vọng tưởng, liền Biết có tưởng thức, thôi!. Thực
hành theo lời Phật đã dạy cách hàng phục tâm và an trụ tâm, chăc chắn
phước đức như hư không, không lường được, tức là bố thí giải thoát khỏi
tri kiến bất thiện và đạt được phước đức khôn lường.
Kết Luận
Biết được tâm bệnh của chúng sanh là khi nghèo khó thì hay than thân
trách phận, oán trới oán đất, cái khó nó bó cái khôn, bần cùng sanh đạo
tặc, phần lớn tâm lý con người là hay duyên ác nghiệp. Bồ Tát hành bố
thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lỗi cũ, không ghét bỏ người
ác. Điều giác ngộ thứ sáu, Phật dạy Bồ-tát khi làm việc lợi tha phải
biết tâm bệnh của chúng sanh là quá nghèo khổ nên hay oán hận, hay kết
nhiều duyên ác. Bố thí là một đức tánh cần thiết mà Bồ Tát hay tu sĩ
phải tu tập thuần thục tâm bình đẳng với mọi hạng chúng sanh mới có thê
trước tự độ tự giác sau mới giác tha và rộng đô chúng sanh. Một bài học
về giác ngộ này là phải bố thí, thực hành phạm hạnh từ bi bình đẳng cũng
chưa đủ mà cần phải tu tập tâm bố thí bình đẳng là phải xả bỏ mọi ô
nhiểm vẩn đục trong tâm thức bằng cách hàng phục tâm và an trụ tâm.
Tham khảo
Cốt Tủy của Kinh Kim Cang. Trích Cốt Tủy Các Kinh Căn Bản của Phật
Giáo. Phổ Nguyệt trong website Tạng Thư Phật Học:
http://www.tangthuphathoc.net.:
Kinh Bát Ðại Nhân Giác do HT. Thích Thanh Từ và Thích Minh Quang Việt
dịch trích trong website Quảng Ðức: http://www.quangduc.com.
Tự Ðiển Phật Hoc Việt Anh. (TÐPHVA). Thiện Phúc trích trong website Quảng Ðức