Ðiều Giác Ngộ 5: Tri tuệ là căn bản để chuyển hóa ngu si
Phiên âm:
Đệ ngũ giác ngộ: Ngu si sinh tử, Bồ tát thường niệm: Quảng học đa
văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất
dĩ đại lạc.
Dịch nghĩa:
Điều giác ngộ thứ năm: Ngu si phải sinh tử, nên Bồ tát thường nhớ:
Luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, và thành tựu biện tài,
rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho tất cả.
Ngu si phải sinh tử
Ngu Si hay Vô Minh: Avijja (p)—Avidya (skt) là không giác ngộ. Vô
minh là đầu mối của sanh tử luân hồi, mắt xích thứ nhất hay mắt xích
cuối cùng trong Thập Nhị Nhân Duyên. Cái tâm ám độn, không chiếu rọi
được rõ ràng sự lý của các pháp. Vô minh là si mê hay không giác ngộ,
một trong ba ngọn lửa cần phải dập tắt trước khi bước chân vào Niết bàn.
Đây là trạng thái sai lầm của tâm làm khởi dậy sự tin tưởng về bản ngã.
Vô Minh trong Ðại Kinh Sáu Xứ Phật dạy:
Đầu tiên Phật giải về nhản căn sắc trần và nhãn thức theo thường
tình. Chúng ta nhìn một vật thì không thấy không biết như chơn mắt,
không thấy không biết như chơn các sắc, không thấy không biết như chơn
nhãn thức vì chúng ta chưa hiểu được chơn mắt, chơn các sắc, và chơn
nhãn thức như thế nào? Thật ra, Chơn mắt, chơn sắc, và chơn nhãn thức là
một khi nhìn một vật gì thì sử dụng một lần mà thôi. Nếu dùng tiếp hay
kéo dài thời gian là một vật đó đã huyễn hóa hay mắt, sắc (vật), hay
thấy (nhãn thức) không còn nguyên thủy sử dụng mà đã xài qua rồi, không
còn mắt củ, vật đầu tiên, thấy nguyên sơ cũng bi xúc thọ ái lăn trôi
theo thời gian mà có những khái niệm, nên mắt, sắc, thấy đã biến thể..
Nói chung, trong Trí (hay Tâm) chúng ta đều có chứa sẵn biểu hiện Trí
Năng, Tình Năng và Hoạt Năng, nên dây thần kinh dẩn truyền lên não hình
ảnh của chơn sắc từ chơn mắt để có chơn nhãn thức thì đồng thời đã xúc
chạm dây thần kinh thị giác, có nhân nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này
khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vì chúng ta không
thấy không biết chơn cảm thọ như thường tình, mà có ái trước (ái đã có
trong A Lại Da thức) đối với mắt (mắt lập lại), ái trước đối với các sắc
(hình ảnh có sẵn tích tụ) và ái trước đối với nhãn xúc (Xúc có sẵn
trong trong A-Lai-Da Thức: ký ức). Từ đó do duyên nhãn xúc này khởi lên
lạc thọ, khổ thọ , bất khổ bất lạc thọ mà ái trước đối với cảm thọ ấy.
Khi chúng ta nhận thức và quán sát vị ngọt, chấp vào ái trước (ký
ức), rồi sự hệ lụy và say đắm nên năm thủ uẩn được tích trử trong tương
lai. Ái ấy tái sanh, ưa thích ngũ dục. Thủ Hữu là tìm cầu và giữ lấy
những thú vui và tham luyến, sanh thân ưu não, thân nhiệt não, và tâm
khổ não. Nên tạo nên những cái có, chính những cái sở hữu này là những
nghiệp. Cảm thọ thân khổ và tâm khổ.
Tóm lại, nếu không thấy không biết như chơn lục căn, chơn lục trần và
chơn lục thức thì những hệ lụy và say đắm cũng xãy ra tương tự như
trên.Nói cách khác, không thấy không biết chơn lục căn, lục trần, lực
thức là thể cách nhận thức sự vật một cách vô minh của tâm thức thường
tình.
Những lời Phật dạy về “Vô Minh” trong Kinh Pháp Cú::
1) Người ngu suốt đời gần gũi người trí vẫn chẳng hiểu gì Chánh pháp,
ví như cái muỗng múc canh luôn mà chẳng bao giờ biết được mùi vị của
canh;
2) Kẻ phàm phu không giác ngộ nên đi chung với cừu địch một đường.
Cũng thế, những người tạo ác nghiệp nhất định phải cùng ác nghiệp đi đến
khổ báo. (Dharmapada 66).
3) Khi ác nghiệp chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật,
nhưng khi ác nghiệp đã thành thục, họ nhứt định phải chịu khổ đắng cay.
(Dharmapada 69).
4) Từ tháng này qua tháng khác, với món ăn bằng đầu ngọn cỏ Cô-sa (cỏ
thơm), người ngu có thể lấy để nuôi sống, nhưng việc làm ấy không có
giá trị bằng một phần mười sáu của người tư duy Chánh pháp. (Dharmapada
70).
5) Kẻ ngu xuẫn thường hay muốn danh tiếng mà mình không xứng: chỗ
ngồi cao trong Tăng chúng, oai quyền trong Tăng lữ, danh vọng giữa các
gia tộc khác. (Dharmapada 73).
Tại sao ngu si phải sinh tử?
Ða dục là căn bản của sanh tử luân hồi. Tham muốn nhiều là khổ, Trong
thế giới vô thường dòng sanh diệt luôn trôi chảy, như khi hết khoái lạc
thì đau khổ lại đến. Cặp phạm trù nầy tương phản nhau không dứt. Do đó
càng ham muốn khoái lạc thì càng đau khổ. Chúng sanh ngu si bám dục lưu
của danh lợi tính thì phải lăn trôi trong sanh tử luân hồi. Cái mà chúng
sanh rơi vào vòng luân hồi quả báo là cứ đeo đuổi bốn điên đảo hay tứ
vô là sự vật vô thường, khổ não, bất tịnh và vô ngã: 1). sự vật vô
thường mà cho là thường; 2). sự vật khổ não mà cho là vui sướng; 3). sự
vật vô ngã, không chơn thật mà cho là ngã, chơn thật; 4). sự vật bất
tịnh mà cho là tịnh. vì đó là những thứ bị sanh diệt. Sự vật thì bị sanh
trụ hoại diệt, còn con người thì bị sanh lão bệnh tử theo luật vô
thường biến dị luôn thay đổi. Chúng sanh ngu si mãi mê lăn trôi trong
thế giới vô thường làm sao thoát khỏi dòng sanh tử hay bám lấy cái bị
sanh như bám trên vật bồng bềnh trôi giạt trên sông, thì phải bị lưu
chuyển trong sanh tử luân hồi mà thôi. Chẳng hạn sự nhận định và giác
ngộ được lúc Phật bắt đầu đi tu trước kia.
Thái tử Siddhattha là người rất trầm lặng, thích sống một mình giữa
đời sống nhung lụa xa hoa đầy cám dỗ mà Ngài không động tâm bị các dục
lạc làm say đắm. Nhận thức cuộc đời quá mong manh: sanh già bệnh chết,
ngay cả những thứ như vợ con, đầy tớ, dê cừu, gà, heo, voi, bò ngựa vàng
bạc là những thứ bị sanh sẽ bị bịnh bị già bị chết bị khổ bị ô nhiễm.
Bồ Tát có ý nghĩ những thứ gì trong thế giới hiện tượng này khi có sanh
thì có diệt. “Những thứ bị sanh đó nếu ta nắm giữ, tham đắm, mê say
chúng thì chính ta là người bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh.” (Kinh
Thánh Cầu, 26, Kinh Trung Bộ)
Ngu si ở đây có nghĩa là không có trí tuệ trong pháp giải thoát của
nhà Phật. Vì ngu si chúng sanh luôn chìm đắm trong dòng sanh tử luân hồi
đời đời kiếp kiếp, bởi lẻ sống trong cảnh dục lưu.
Ngu si thì tâm tánh ám muội, không có trí tuệ để thấu hiểu sự lý.. Do
nơi ngu si nên khởi hoặc tạo nghiệp, luân hồi sinh tử, chịu khổ vô
cùng. Vì vậy, không thể giải thoát, không nhận thức được mình cứ lặn
ngụp trong sanh tử đều do ngu si mà ra
Trí tuệ là căn bản để chuyển hóa ngu si
Đạo Phật là đạo giải thoát nói từ viễn cảnh cứu cánh, nhưng trên thực
tế thì trí tuệ mới là pháp căn bản để chuyển hóa ngu si để Bồ Tát tu
tập đến bờ giác ngộ. Từ sự giác ngộ, Bồ Tát mở ra đường sáng vượt khỏi
đám mây mù của dòng tâm thức ngu si vốn che khuất bầu trời trí tuệ. Tâm
thức là nhận thức sự vật (lục trần) bằng lục căn, nên lục thức hay tâm
thức vô thường và biến dị. Sự vật được nhận thức chẳng qua là do duyên
khởi hoặc giả danh, nên chúng chịu luật sanh diệt theo thời gian ngay cả
nhận thức cảm thọ tưởng thức là những hành động liệt tri. Muốn vượt
thoát khỏi sự ngu si ấy tất phải dùng trí năng soi sáng mọi biến đổi, vô
thường của thọ, tưởng, và thức (nói chung là dòng tâm thức) mà đến thế
giới bất sanh bất diệt, trong sáng và thường hằng. Trí tuệ có khả năng
trong sạch hóa mọi dòng tâm thức vẩn đục bằng cách hư không hóa mọi ngu
muội trong tâm. Trong Đại Kinh Phương Quảng, Tôn giả Mahakotthita
(Đại-Câu-hy-la) vấn đạo với Tôn giả Sariputta (Xá lợi Phất) do HT. Thích
Minh Châu chuyển dịch từ tiếng Pali đã diễn đạt pháp rèn luyện trí tuệ
rất căn bản và rõ ràng.
Bồ-tát phá vô minh bằng cách hằng nghe nhiều học rộng về Phật pháp, để trí tuệ càng ngày càng tăng trưởng.
Thế nên chúng ta phải thực hành cả hai mặt học và tu. Học hiểu giáo
lý Phật dạy một cách chín chắn sâu rộng, rồi ứng dụng lời Phật dạy cho
đời sống bản thân mình. Lâu ngày thâm nhập Phật pháp, trí tuệ sẽ sáng
suốt rộng lớn như biển cả. Khi trí tuệ đã rộng lớn thì thành tựu được
biện tài, ra hoằng hóa làm lợi ích cho chúng sanh. Biện tài được chia
làm bốn thứ:
1- Pháp vô ngại biện: nghĩa là đối với pháp Phật dạy, thông suốt hết không còn nghi ngờ gì cả.
2- Nghĩa vô ngại biện: tức là nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm mà Phật dạy trong kinh đều thâm nhập, thấu triệt không còn gì nghi ngại.
3- Từ vô ngại biện: nghĩa là những ngôn ngữ của từng địa phương đều nói thông suốt không trở ngại.
4- Nhạo thuyết vô ngại biện: là thông suốt nghĩa lý Phật pháp và ngôn
ngữ từng địa phương. Khi giảng nói Phật pháp cho người nghe, đều khế
hợp với căn cơ trình độ khiến họ vui nghe, không chán ngán.
Như vậy, trước là do học tu mà được sáng suốt an lạc, đó là tự lợi
hay tự giác, kế đến là lợi tha hay giác tha. Muốn giáo hóa người, phải
thâm hiểu giáo lý Phật dạy, phải thông thạo ngôn ngữ, sau đó tùy căn cơ
tùy hoàn cảnh, mà giảng dạy hướng dẫn đưa người từ chỗ tối tăm đau khổ
đến chỗ sáng suốt an vui. Cái vui mà người tu Phật đạt được, không phải
là cái vui tầm thường ở thế gian. Cái vui của người thế gian là do thọ
hưởng ngũ dục, còn trong vòng đối đãi hơn thua được mất… Cái vui mà Phật
nói ở đây là cái vui lớn của người gắng công tu hành, hết vô minh phiền
não thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Cái vui này kinh Đại thừa gọi là
Niết-bàn tịch tĩnh, không bị hạn cuộc trong thời gian. Thế nên người tu
khi đạt đến giác ngộ giải thoát, thì giờ nào phút nào tâm cũng được an
vui. Cái vui của người thế gian và người xuất thế gian khác nhau. Người
thế gian vui theo ngũ dục, hết vui liền khổ, khi vui thì cười nói náo
động ồn ào… Người xuất thế giác ngộ, hết khổ được vui, niềm vui nhẹ
nhàng vĩnh viễn. Người thế gian suốt ngày tìm tòi nắm bắt cái vui cỏn
con, nhưng được rồi lại mất. Thế nên Phật dụ như người vớt bong bóng
nước, vừa thấy bong bóng đẹp lóng lánh, đưa tay vớt, nó liền tan mất.
Cái vui của người thế gian là cái vui trá hình của sự đau khổ, là cái
vui của kẻ mê, là cái vui của chúng sanh. Còn cái vui của người xuất thế
là cái vui vĩnh viễn của người tỉnh giác có trí tuệ, là cái vui của
Bồ-tát, Phật. Chúng ta thấy kẻ mê và người trí có thái độ sống rất khác
biệt. Chúng sanh vì mê lầm, nên cứ tìm cầu chạy theo những cái vui nhỏ
giả dối tạm bợ, không biết mệt nhọc nhàm chán. Còn hàng Bồ-tát trí tuệ
sáng suốt,
Giải Thoát Tri Kiến
Ðể chuyển hóa vô minh, chúng ta cần hiểu rõ tại sao trí tuệ có thể
giải thoát khỏi tâm ám độn, tâm thức vẩn đục, vốn gốc sanh tử luân hồi
và phương pháp tu tập.
Dùng Chơn Trí, Chánh Trí, Thư ợng Trí hay Trí Tuệ để giải thoát ngu si
Kế đến, Phật giải về nhản căn sắc trần và nhãn thức theo chơn trí.
Chúng ta nhìn một vật thì thấy và biết như chơn mắt, thấy biết như chơn
các sắc, thấy biết như chơn nhãn thức vì chúng ta đã hiểu được chơn mắt,
chơn các sắc, và chơn nhãn thức theo thật tướng của chúng như đã trình
bày trên. Chơn mắt, chơn sắc, và chơn nhãn thức là một khi nhìn một vật
gì thì sử dụng một lần mà thôi (vô thời gian). Nếu không kéo dài thời
gian thì vật đó còn nguyên thủy: nó-là-nó tại đó và lúc đó, vô thời
không hay mắt, sắc (vật), hay thấy (nhãn thức) vẫn còn chơn nguyên, thấy
biết không bị xúc thọ ái lăn trôi theo thời gian mà có những khái niệm,
nên mắt, sắc, thấy biết không thay đổi, cố định. Nói chung, trong Trí
(hay Tâm) chúng ta đều có chứa sẵn biểu hiện Trí Năng, Tình Năng và Hoạt
Năng, nên dây thần kinh dẩn truyền lên não hình ảnh của chơn sắc từ
chơn mắt để có chơn nhãn thức thì đồng thời đã xúc chạm dây thần kinh
thị giác, có nhân nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ
thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vì chúng ta thấy biết chơn cảm thọ không có
thời gian, nên không có ái trước (trong A Lại Da thức) đối với mắt (mắt
không lập lại), không có ái trước đối với các sắc (hình ảnh các sắc có
sẵn tích tụ) và ái trước đối với nhãn xúc (Xúc có sẵn trong A-Lai-Da
Thức: ký ức). Từ đó do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ ,
bất khổ bất lạc thọ mà không có ái trước đối với cảm thọ ấy.
Khi chúng ta nhận thức và quán sát vị ngọt, không chấp vào ái trước
(ký ức), không có sự hệ lụy và say đắm nên năm thủ uẩn không được tích
trử trong tương lai. Ái ấy không thể tái sanh, và không ưa thích ngũ
dục. Không có Thủ Hữu thì lấy gì tìm cầu và giữ lấy những thú vui và
tham luyến thì thân không ưu não, thân không nhiệt não, và tâm không khổ
não. Nên thân tâm không thủ hữu gì cả. Cảm thọ thân và tâm không có ưu
khổ, được an lạc.
Tóm lại, nếu thấy biết như chơn lục căn, chơn lục trần và chơn lục
thức thì những hệ lụy và say đắm không xãy ra. Nói cách khác, thấy biết
chơn lục căn, lục trần, lực thức là thể cách nhận thức sự vật một cách
sáng suốt vô thời không; đó cũng là sự nhận thức của chơn trí.Như trong
Ðại Kinh Sáu Xứ Phật d ạy:
“Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn
các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn
xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc
thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con
mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức,
không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ,
khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ
ấy.
Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham
đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tận diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy,
đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ
kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận;
những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận;
những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận;
những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc.”
(HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
Tu Tập Bát Chánh Đạo với Thượng Trí
Như chúng ta đã biết chơn trí, hay là thượng trí (trí tuệ) là những
nhận thức chơn thật. Vô minh và hữu ái là những pháp cần phải đoạn tận.
Pháp Chỉ và Quán cần phải tu tập. Chỉ có nghĩa là đình chỉ, quán là quán
đạt. Như vậy chỉ quán là đình chỉ vọng niệm để quán đạt chân lý. Khi cơ
thể ngừng nghỉ là “Chỉ,.” vô thời gian. Khi tâm đang nhìn thấy một cách
rõ ràng là “Quán," thấy và biết như thật như chơn. Được Minh Tâm và
Giải thoát khỏi Vô minh đó là những pháp cần phải chứng ngộ với thượng
trí. Thấy con bò liền biết con bò và xa lià cái biết đó thì ta có Thượng
Trí. Nói khác đi là nhận thức niệm đầu (Thấy) một đối tượng để có giác
thức nguyên sơ. Tri nhận (Biét) giác thức (hình ảnh thấy) là ta có Chơn
Trí hay Thượng Trí.
“Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn tai; này các Tỷ-kheo, thấy và
biết như chơn mũi; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn lưỡi; này các
Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn thân; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như
chơn ý; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn các pháp; này các
Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn ý thức; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như
chơn ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất
lạc thọ; thấy và biết như chơn cảm thọ ấy, nên vị ấy không ái trước đối
với ý, không ái trước đối với các pháp, không ái trước đối với ý thức,
không ái trước đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ
thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy...
tâm khổ não được đoạn tận. Vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc. Kiến gì
như chơn của vị ấy, kiến ấy là chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị
ấy... hoạt mạng của vị ấy đi đến thanh tịnh tốt đẹp. Và Thánh đạo Tám
ngành này đi đến tu tập và phát triển sung mãn cho vị ấy. Do sự tu tập
Thánh đạo Tám ngành này như vậy...Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những
pháp cần phải chứng ngộ với thượng trí ? Minh và giải thoát, những pháp
này cần phải chứng ngộ với thượng trí.”.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Tựu chung, lục căn, lục trần, lục thức. bát chánh đạo, hay tất cả các
pháp, khi thấy biết các pháp như chơn như thật như kể trên đều là sự
nhận thức sáng suốt của Trí Tuệ hay Thượng Trí. Do sự tu tập Bát Chánh
Đạo như vậy. hành giả cần chọn những pháp cần phải được chứng ngộ với
thượng trí để được Minh Tâm và Giải Thoát khỏi Vô Minh.
ng Trí
Kết Luận
Nếu nhận thức đúng lục căn lục trần và lục thức như chơn như thật thì
làm gì có nghiệp quả khổ não. Nên thấy và biết như chơn lục căn, thấy
và biết như chơn lục trần, thấy và biết như chơn lục thức, thấy và biết
Bát Chánh Đạo, hay tất cả các pháp nào đều nhận thức theo thượng trí,
thì màn vô minh không còn bao phủ tâm trí, nên không có dây nhân duyên
nào trói buộc. Vì khi ta thấy và biết chơn thật là ta nhận thức ngay
thực thể sự vật, không thêm không bớt; vật là vật, ngoài vật không thêm
thuộc từ nào cả. Vì không có thời gian, dòng tâm thức không lăn trôi,
nên sự vật không có duyên khởi hay biến thể nào, thì làm gì có xúc thọ
ái thủ hữu. Tu tập theo pháp Chỉ Quán là ưu việt nhất để có chơn trí hay
thượng trí. Đó là lúc được tâm minh và giải thoát khỏi dòng bộc lưu
sanh tử.
Tham khảo
Ð ại Kinh Sáu Xứ. HT. Thích Minh Châu Việt dich, đăng trên website Quảng Ðức:: http://www.quangduc.com.
Ðại Thừa Yếu Lược. (ÐTYL). L.H. Tịnh Huệ.. Sách xuất bản 1998,in tại
Walter Bros Printing,5902 Seminary RD, Falls Church, VA 22041.
Kinh Bát Ðại Nhân Giác do HT. Thích Thanh Từ và Thích Minh Quang Việt dịch trích trong website Quảng Ðức:
Tĩnh Giác: Chánh Tri Kiến Trong Dòng Tâm Trí. Phổ Nghuyệt. Trích
(phần Tĩnh Giác) trong website Tạng Thư Phật Học:
http://www.tangthuphathoc.net.
Tự Ðiển Phật Hoc Việt Anh. (TÐPHVA). Thiện Phúc trích trong website Quảng Ðức
Pháp Tu Chứng Chánh Ðẳng Giác Của Ðức Phật. Phổ Nguyệt. Trích trong website Tạng Thư Phật Học.