Tạng thư Sống Chết
The Tibetan Book Of Living And
Dying
Sogyal Rinpoche
Ni sư Thích Nữ Trí Hải
dịch
--- o0o --
7.
BARDO và NHỮNG THỰC TẠI KHÁC
Danh từ
Bardo trong Tạng ngữ chỉ có nghĩa là một chuyển tiếp hay một khoảng
hở giữa sự hoàn tất một trạng huống và sự bắt đầu một trạng huống khác.
Bar nghĩa là “ở giữa”, và do có nghĩa “bị lơ lửng,” “bị
ném vào.” Bardo là một danh từ trở thành nổi tiếng do sự nổi tiếng của
cuốn Tử thư Tây Tạng. Từ khi bản dịch tác phẩm ấy ra đời đầu tiên
năm 1927, quyển sách đã khơi dậy một sự chú ý lớn lao trong số những nhà
tâm lý học, văn sĩ, triết học ở Tây phương, và đã bán ra hàng triệu bản.
Nhan đề
Tử thư Tây Tạng do dịch giả người Mỹ Evans-Wentz đặt ra,
phỏng theo tác phẩm danh tiếng (và cũng
được đặt nhan đề sai lạc như thế) Tử thư Ai cập. Tên thật
của quyển sách là Bardo Todrol Chenmo, có nghĩa “Sự Giải thoát
lớn do Nghe trong cõi Trung gian.” Giáo lý về cõi trung gian rất xưa
cũ và được tìm thấy trong Dzogchen Tantras (Mật điển phái
Dzogchen). Giáo lý này có một truyền thừa vượt ngoài những đạo sư nhân
loại từ đời Phật Nguyên ủy (Phạn ngữ là Samantabhadra, và Tạng ngữ
là Kuntuzangpo), tiêu biểu tính thuần tịnh nguyên sơ tuyệt đối
giống như bầu trời của bản tâm ta. Nhưng Bardo Todrol Chenmo chính
nó là một phần của một chu kỳ giáo lý rộng lớn được truyền từ bậc đạo sư
Padmasambhava và được hiển thị vào thế kỷ mười bốn nhờ bậc thấu thị
Tây Tạng Karma Lingpa.
“Sự
giải thoát lớn do Nghe trong cõi Trung gian, Bardo Todrol”, là
một quyển sách độc đáo về tri kiến. Nó là một loại sách dẫn, một sách chỉ
lộ trình những trạng thái sau khi chết, cốt để một bậc thầy hay bạn đạo
đọc cho một người sắp chết và sau khi chết. Ở Tây Tạng người ta tin rằng
có “Năm Phương Pháp để đạt Giác Ngộ mà không cần Thiền”: Nhờ
thấy một bậc thầy vĩ đại hay một vật thiêng liêng; nhờ mặc
những bức đồ hình mật tông và thần chú đã được làm phép đặc biệt; nhờ
nếm nước thiêng, được chú nguyện bởi những bậc thầy trong thời gian tu
nhập thất; nhờ nhớ lại sự chuyển di tâm thức, gọi là phowa,
vào lúc chết; và nhờ nghe một vài giáo lý sâu xa, như “Giải
thoát lớn do Nghe trong cõi Trung gian.”
Quyển
sách này, Tử thư Tây Tạng, được dành cho một hành giả hay người đã
quen thuộc với giáo lý trong đó. Đối với một độc giả tân tiến, thì thật vô
cùng khó để thâm nhập, nó nêu lên rất nhiều nghi vấn không thể trả lời nếu
không có vài hiểu biết về truyền thống đã phát sinh ra Tử thư ấy.
Nhất là vì quyển sách này không thể được sử dụng và hiểu thấu đáo nếu
không biết được những chỉ dẫn khẩu truyền mà một bậc thầy truyền cho môn
đệ làm chìa khóa để thực hành.
Trong tác
phẩm này, tôi sẽ đặt những lời dạy – mà Tây phương đã quen thuộc qua quyển
Tử thư Tây Tạng – trong một bối cảnh rộng lớn hơn và dễ hiểu hơn
nhiều.
BARDO HAY CÕI BARDO
Vì tính
cách phổ thông của cuốn Tử thư Tây Tạng, nên người ta thường liên
kết danh từ Bardo với sự chết. Quả thực danh từ ấy, trong ngôn từ
thường ngày ở Tây Tạng, được dùng để chỉ trạng thái trung gian giữa chết
và tái sinh, nhưng nó có một ý nghĩa rộng lớn sâu xa hơn nhiều. Chính
trong giáo lý này có lẽ hơn bất cứ chỗ nào khác, mà ta có thể thấy tri
kiến của đức Phật về sống chết thực sâu xa và bao quát đến mức nào, và
thực sự cái mà ta gọi chết kỳ thực bất khả phân ly, khi được nhìn và hiểu
rõ từ nhãn quan của giác ngộ.
Chúng ta
có thể chia toàn thể hiện hữu ta thành bốn thực tại: Sống, hấp hối và chết,
sau khi chết, và tái sinh. Đấy là bốn Bardo hay Giai đoạn trung
quan:
Bardo tự
nhiên của đời này.
·
Bardo đau đớn của sự chết.
·
Bardo quang minh của pháp tánh.
·
Bardo nghiệp của sự trở thành hay tái sinh.
1. Bardo tự nhiên của đời này trải dài suốt thời gian từ lúc
sinh ra đến lúc chết. Trong tình trạng hiểu biết của ta hiện tại, giai
đoạn này có vẻ như một cái gì to tát hơn là một chuyển tiếp. Nhưng nếu xét
kỹ, ta sẽ thấy rõ rằng, so với chiều dài vô tận của lịch sử nghiệp của ta,
thì thời gian ta sống trong đời này thực tương đối ngắn. Giáo lý nhấn mạnh
với ta rằng, bạt đô đời này là thời gian duy nhất và tốt nhất để chuẩn bị
cho cái chết: Bằng cách làm quen với giáo lý này và ổn định sự tu tập.
2. Bardo đau đớn khi chết kéo dài từ khi hấp hối cho đến khi
chấm dứt cái được biết là “hơi thở bên trong”; giai đoạn này lên
cao độ ở sự ló dạng của tự tính tâm, cái ta gọi là “Ánh sáng căn bản”
vào lúc chết.
3. Bardo quang minh của pháp giới là kinh nghiệm ngay sau khi
chết về ánh sáng của tự tính tâm, quang sắc hay “Linh quang,” xuất
hiện dưới dạng âm thanh, màu sắc và ánh sáng.
4. Bardo nghiệp của hiện hữu hay trở thành, là cái mà ta
thường gọi là cõi Bardo hay trung gian kéo dài cho tới khi ta tái
sinh.
Điều phân
biệt, định ranh giới mỗi Bardo là, chúng đều là những khoảng hở,
những giai đoạn trong đó khả tính tỉnh thức hiện diện một cách rõ rệt.
Những cơ hội để giải thoát đang xảy ra liên tục suốt cuộc sống chết, và
giáo lý Bardo là chìa khóa, là khí cụ giúp ta khám phá và nhận diện
được những cơ hội ấy, và tận dụng chúng tối đa.
BẤT TRẮC VÀ CƠ HỘI
Một trong
những đặc tính chính yếu của những Bardo (Giai đoạn trung gian)
là, đấy là những thời kỳ vô cùng bất định. Cuộc đời này là một ví dụ rõ
nhất. Thế giới quanh ta càng ngày càng quay cuồng, nên cuộc đời ta cũng
càng phân tán thành nhiều mảnh. Vì bị mất liên lạc, không tiếp xúc được
với chính mình, chúng ta thường lo âu, bất an, và gần như bị chứng thần
kinh loạn. Một khủng hoảng nhỏ cũng đủ chọc thủng cái bong bóng của những
kế hoạch ta dự tính. Một phút giây kinh hoàng cũng đủ cho ta thấy mọi sự
thật bấp bênh làm sao. Sống trong thế giới ngày nay là sống trong một cảnh
rõ ràng là cõi Bardo, bạn không cần phải chết mới kinh quá một cõi
như thế.
Tính cách
bất định này, mà hiện tại đang thấm nhuần khắp mọi sự vật, càng trở nên
mãnh liệt hơn, rõ nét hơn, sau khi ta chết, khi mà tính sáng suốt hay mê
mờ của chúng ta, theo lời những bậc thầy, “được nhân lên bảy lần.”
Bất cứ ai
nhìn cuộc đời một cách trung thực, cũng sẽ thấy rằng chúng ta đang sống
trong một tình trạng miên viễn của hồi hộp và bất định. Tâm thức ta luôn
luôn di chuyển từ trạng thái sáng suốt đi vào mê mờ, và từ mê mờ ra sáng
suốt. Nếu mê mờ luôn, thì ít nhất nó cũng sẽ đưa đến một thứ sáng suốt nào
đó. Một điều đáng buồn cười của cuộc đời này là đôi khi, nhìn chung thì ta
ngu thực, song ta cũng có thể sáng suốt đột xuất! Điều này chứng tỏ cho ta
thấy Bardo là gì: Một sự chập chờn giữa sáng suốt và mê mờ, giữa
hoang mang và tuệ giác, chắc chắn và không chắc, khi tỉnh khi điên.
Trong tâm ta hiện tại, tuệ giác và mê mờ khởi lên cùng lúc, đồng khởi.
Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải luôn luôn đối diện với một tình trạng
chọn lựa giữa hai trường hợp, và mọi sự tùy thuộc ở chỗ ta sẽ chọn trường
hợp nào.
Tính bất
trắc miên viễn này có thể làm cho mọi sự có vẻ đáng chán và hầu như vô
vọng, nhưng nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy rằng tự bản chất nó đã tạo ra những
khe hở, những khoảng không trong đó những cơ hội, dịp may để chuyển hóa
luôn luôn phát sinh – nghĩa là, nếu chúng ta có thể thấy được và tóm lấy
chúng.
Vì cuộc
đời chỉ là một sự tuôn chảy bất tận giữa sống, chết và chuyển tiếp, nên
những kinh nghiệm Bardo đang xảy đến cho chúng ta luôn luôn, và là
một phần căn để làm nên toàn thể tâm thức ta. Tuy nhiên, bình thường chúng
ta quên mất những bardo và khoảng hở giữa chúng, vì tâm ta đi từ
một tình huống “chắc ăn” này tới một tình huống chắc chắn khác, ta quen bỏ
qua những chuyển tiếp luôn luôn xảy ra. Kỳ thực, như giáo lý có thể giúp
ta hiểu, từng mỗi lúc trong kinh nghiệm của chúng ta là một Bardo,
vì mỗi ý tưởng, mỗi cảm xúc sinh khởi từ tự tính tâm và chìm trở vào trong
tự tính ấy. Giáo lý cho ta biết rằng, chính vào những lúc thay đổi và
chuyển tiếp đặc biệt quan trọng, mà tự tính tâm nguyên ủy giống như bầu
trời của chúng ta mới có cơ hội xuất hiện.
Tôi xin
lấy một ví dụ. Tưởng tượng một ngày làm việc bạn trở về nhà và thấy cửa
nhà bạn đã bị phá tung, cánh cửa lơ lửng treo nơi bản lề. Bạn đã bị kẻ
cướp viếng nhà. Bạn đi vào trong, và thấy mọi thứ bạn sở hữu đều đã biến
mất. Trong một lúc, bạn điếng người vì cú sốc, và đầy tuyệt vọng bạn quay
cuồng trải qua một tiến trình tâm thức cố làm sao tạo lại những gì đã mất.
Tai nạn đã tới: Bạn đã mất hết mọi thứ. Tâm thức đầy bất an giao động của
bạn khi ấy bỗng choáng váng, và những ý tưởng lắng lại. Bỗng dưng có một
sự vắng lặng sâu xa đột ngột, hầu như một kinh nghiệm hạnh phúc. Không còn
phải phấn đấu, không cần gì nỗ lực nữa, vì cả hai chuyện đều vô vọng. Bạn
chỉ có buông bỏ, vì không có chọn lựa nào khác.
Thế là
một phút trước, bạn mất một cái gì quý báu, và ngay sau đó, bạn cảm thấy
tâm bạn đang ở trong một trạng thái an tĩnh sâu xa. Khi loại kinh nghiệm
ấy xảy đến, thì đừng vội bủa đi tìm một giải pháp ngay. Hãy ở lại một lúc
trong trạng thái an tĩnh đó. Hãy cứ để nó là một khoảng hở. Và nếu bạn
thực sự an trú trong khoảng trống ấy, nhìn vào tâm bạn, bạn sẽ thoáng thấy
được bản chất bất tử của tâm giác ngộ. Ta càng có tính cảm thụ sâu xa và
tỉnh giác bén nhạy đối với những khoảng trống, những giai đoạn chuyển tiếp
trong cuộc đời như trên (đó là những cơ hội lạ lùng đưa ta đến tuệ giác
căn để), thì nội tâm ta càng được chuẩn bị khi chúng xảy đến một cách
vô vàn mãnh liệt hơn, và không được kiểm soát, vào lúc ta chết.
Điều này
tối quan trọng, vì giáo lý về Bardo cho ta biết có những lúc mà tâm
thức tự do hơn bình thường rất nhiều, những thời điểm mãnh liệt hơn những
thời khác rất nhiều, những giây phút mang theo gánh nặng và hàm ẩn của
nghiệp mạnh mẽ hơn nhiều lúc khác. Vì lúc ấy cơ thể bị bỏ lại, và ta được
cống hiến cái cơ hội ngàn năm một thuở để giải thoát.
Dù ta có
làm chủ được tâm một cách thuần thục đến bao nhiêu, ta vẫn bị giới hạn bởi
thân xác và nghiệp của nó. Nhưng với cái chết – sự phóng thích xác thân
vật lý – ta có được cái cơ hội kỳ diệu nhất để hoàn tất những gì ta đã nỗ
lực theo đuổi trong suốt cuộc đời tu tập của ta. Ngay cả một bậc thầy tối
thượng đã đạt đến sự chứng ngộ cao nhất, thì sự giải phóng cuối cùng cũng
chỉ xảy đến vào lúc chết, gọi là Parinirvana, đại niết bàn. Đấy là
lý do ở Tây Tạng, chúng tôi không mừng sinh nhật những bậc thầy, mà mừng
Ngày chết của họ, cái giây phút họ đạt giác ngộ tối hậu.
Lúc tôi
còn bé ở Tây Tạng, và nhiều năm về sau, tôi đã nghe nhiều chuyện kể về các
bậc hành giả mật tông vĩ đại và ngay cả những cư sĩ tu yoga có vẻ
bình thường, đã chết một cách lạ lùng gây nhiều cảm kích. Chỉ đến lúc chết
họ mới phô diễn chiều sâu của sự thực chứng nơi họ, và năng lực của nền
giáo lý mà họ đã thể hiện.
Giáo lý
Dzogchen cổ xưa - từ đó phát sinh Tử thư Tây Tạng – có nói
về một giống chim thần thoại, chim Garuda (kim sí điểu),
mới sinh ra đã đủ lông cánh. Hình ảnh ấy tượng trưng cho bản tính sơ
nguyên của ta, đã hoàn hảo từ khởi thủy. Con chim con Garuda đã
phát triển lông cánh đầy đủ ở trong trứng, nhưng không thể bay trước khi
trứng nở ra. Chỉ vào lúc vỏ trứng nứt ra, nó mới tung cánh bay lên bầu
trời. Cũng vậy, theo lời các bậc thầy, những đức tính của Phật bị che mờ
bởi cái thể xác, nên khi rũ bỏ được xác thân, những đức tính ấy sẽ hiển lộ
một cách sáng chói.
Lý do tại
sao thời điểm chết lại là cơ hội đầy tiềm năng như thế, là vì chính lúc đó
bản chất căn để của tâm, Ánh sáng Căn bản hay Linh Quang, sẽ
tự nhiên hiển bày một cách rộng lớn và tráng lệ huy hoàng. Theo giáo lý
Bardo, nếu vào lúc ấy ta có thể nhận chân được Ánh sáng Căn bản,
thì ta sẽ đạt giải thoát.
Tuy nhiên
điều này không thể xảy ra nếu bạn chưa làm quen và thực sự quen thuộc với
bản chất của tâm trong đời sống, qua sự thực hành thiền định. Và đấy là lý
do tại sao một người giải thoát vào lúc chết được xem là giải thoát trong
đời này, chứ không phải trong trạng thái trung gian sau khi chết. Vì chính
trong lúc sống mà sự trực ngộ ánh Linh Quang đã xảy và được an trú. Đây là
điểm tối quan trọng cần thiết.
NHỮNG THỰC TẠI KHÁC
Tôi đã
nói rằng những Bardo là những cơ hội, nhưng cái gì thực sự ở trong
những bạt đô làm cho ta có thể tóm lấy cơ hội mà chúng cống hiến? Câu trả
lời rất đơn giản: Chúng đều là những trạng thái khác nhau, những thực tại
khác của tâm.
Trong sự
thực hành Phật giáo, qua thiền định, chúng ta chuẩn bị để khám phá những
khía cạnh tương quan của tâm, và khéo léo đi vào những mức độ khác nhau
của ý thức. Có một tương quan chính xác và rõ rệt giữa những trạng thái
trung gian và những tầng lớp tâm thức mà ta kinh nghiệm qua chu kỳ sống
chết. Bởi thế khi ta di chuyển từ một Bardo này tới Bardo
khác, cả trong lúc sống lẫn lúc chết, thì có một thay đổi tương đương
trong tâm thức; và nhờ thực tập thiền, chúng ta có thể làm quen, thân
thiết với nó, và cuối cùng có thể hoàn toàn hiểu rõ nó.
Vì cái
tiến trình diễn ra trong cõi trung gian sau khi chết đã nằm sẵn trong
những tầng sâu của tâm thức chúng ta, nên nó cũng thể hiện trong đời sống
với nhiều từng bực. Chẳng hạn, có một tương đương rõ rệt giữa những mức độ
tinh tế của tâm thức mà chúng ta trải qua trong giấc ngủ và mộng mị, với
ba Bardo liên hệ tới cái chết:
·
Đi ngủ là giống như Bardo chết, trong
đó tứ đại và tiến trình tư duy tan rã, mở vào kinh nghiệm Ánh sáng căn bản.
·
Chiêm bao là giống như Bardo tái sinh,
trạng thái trung gian trong đó bạn có một “ý sanh thân” (thân bằng
tư tưởng) rất hoạt động và sáng suốt, trải qua đủ thứ kinh nghiệm. Trong
trạng thái mộng mị, chúng ta cũng có một loại thân như thế, thân trong
mộng, trong đó chúng ta trải qua mọi kinh nghiệm của đời sống trong mộng.
·
Khoảng giữa Bardo chết và Bardo
tái sinh, có một trạng thái rất đặc biệt của quang sắc hay Ánh sáng căn
bản, được gọi là “Bardo pháp tánh.” Đấy là một kinh nghiệm xảy đến
với tất cả mọi người, nhưng rất ít người có thể chú ý đến nó, huống hồ
kinh nghiệm nó một cách toàn vẹn, vì nó chỉ được nhận chân bởi một hành
giả đã tu tập. Bardo pháp tánh này tương đương với giai đoạn sau
khi ngủ và trước khi bắt đầu chiêm bao.
Dĩ nhiên
những giai đoạn tâm mờ mịt (tức những Bardo) trong khi chết là
những trạng thái tâm thức sâu xa hơn và mãnh liệt hơn nhiều so với trạng
thái ngủ và mộng, nhưng chúng cũng có từng mức độ tinh tế như vậy. Những
bậc thầy thường sử dụng sự so sánh đặc biệt này để chỉ cho ta thấy thật
khó như thế nào để duy trì sự tỉnh giác suốt trong những trạng thái
Bardo. Có bao nhiêu người trong chúng ta ý thức được sự thay đổi trong
tâm ta trong khi ngủ? Hay ý thức được cái lúc những giấc mộng bắt đầu? Có
bao nhiêu người trong chúng ta ý thức được ngay khi mộng, rằng mình đang
nằm mộng? Vậy, hãy tưởng tượng duy trì được sự tỉnh giác trong giây phút
kinh hoàng của những giai đoạn trung gian sau khi chết là khó đến mức nào.
Tâm bạn
như thế nào trong giấc ngủ và trong trạng thái mộng, chỉ cho bạn biết tâm
bạn sẽ như thế nào trong những trạng thái chết và tái sinh; ví dụ, cái
cách bạn phản ứng đối với chiêm bao, ác mộng, và những khó khăn hiện tại,
chứng tỏ bạn sẽ phản ứng như thế nào sau khi bạn chết.
Đấy là lý
do pháp yoga về ngủ và mộng đóng vai trò quan trọng trong sự chuẩn
bị cho cái chết. Điều mà một hành giả thực thụ tìm cách làm là giữ cho sự
tỉnh giác về tự tánh tâm luôn luôn liên tục không gián đoạn ngày và đêm,
và dùng ngay những giai đoạn khác nhau của giấc ngủ và mộng để trực nhận
và quen thuộc với những gì sẽ xảy ra trong các giai đoạn bạt đô sau khi
chết.
Bởi thế
chúng ta tìm thấy hai Bardo khác cũng gồm trong Bardo tự
nhiên của đời này: Bardo ngủ và mộng, và Bardo của
thiền định. Thiền định là hành thiền ban ngày, còn yoga ngủ và
mộng là thực hành về đêm. Trong truyền thống mà Tử thư Tây Tạng
thuộc vào, có thêm hai Bardo này vào bốn Bardo nói trên, làm
thành sáu Bardo.
SỐNG CHẾT TRONG LÒNG BÀN TAY
Mỗi
Bardo có một loạt chỉ dẫn và hành thiền riêng của nó, được hướng dẫn
đúng vào những thực tại và tâm trạng đặc biệt của từng Bardo. Đây
là cách làm thế nào những thực tập và huấn luyện tâm linh dành cho mỗi
trạng thái Bardo có thể giúp chúng ta tận dụng những trạng thái ấy,
và những cơ hội do chúng đem lại, để giải thoát. Điểm cốt yếu cần hiểu về
Bardo là: Nhờ tuân theo sự luyện tập này, ta có thể thực sự trực
nhận được những trạng thái tâm ấy trong lúc ta còn sống. Chúng ta có thể
thực sự kinh nghiệm chúng ngay bây giờ ở đây.
Sự hoàn
toàn làm chủ những chiều không gian khác nhau của tâm thức có thể khó hiểu
đối với người tây phương, nhưng không phải là không thể đạt được.
Kunu
Lama Tenzin Gyaltsen là một bậc thầy đã thành tựu tâm linh, xuất thân
từ vùng núi tuyết thuộc miền Bắc Ấn. Khi còn trẻ, ngài gặp một vị Lama
ở Sikkim, ông khuyên ngài đi Tây Tạng để học Phật. Bởi thế ngài đi
đến tỉnh Kham miền đông Tây Tạng, ở đấy ngài hấp thụ giáo lý từ một
vài Lạt ma vĩ đại, trong đó có Jamyang Khientse, thầy tôi. Kiến
thức về Phạn ngữ của Kunu Lama làm cho ngài được kính nể và mở ra
cho ngài nhiều cánh cửa. Những bậc thầy hăng hái dạy ngài với hy vọng ngài
sẽ đem những giáo lý ấy về truyền bá ở Ấn Độ, nơi mà giáo lý Phật hầu như
đã biến mất. Trong thời gian ngài ở Tây Tạng, Kunu Lama trở thành
một bậc đa văn và có thực chứng.
Cuối cùng
ngài cũng trở về Ấn Độ, ở đấy ngài sống như một nhà khổ hạnh chân chính.
Khi thầy tôi và tôi đến hành hương xứ Ấn sau khi rời Tây Tạng, chúng tôi
đi tìm kiếm ngài khắp nơi ở Benares. Cuối cùng chúng tôi gặp ngài
đang ở trong một ngôi đến Ấn giáo. Không ai biết ngài là ai, lại còn không
biết ngài là một người theo Phật giáo, đừng nói gì biết ngài là một bậc
thầy. Người ta chỉ biết ngài là một thầy tu yoga thánh thiện dễ mến,
và cúng dường ngài thực phẩm. Mỗi khi nghĩ về ngài, tôi luôn tự nghĩ:
- Có lẽ
thánh Francis of Assisi cũng như thế đấy.
Khi những
tu sĩ Tây Tạng mới đến Ấn trong cuộc lưu đày, Kunu Lama được chọn
để dạy văn phạm và Phạn ngữ ở một ngôi trường do Dalai Lama sáng
lập. Nhiều Lamas uyên bác theo học với ngài, và đều xem ngài là một
vị thầy tuyệt hảo về ngôn ngữ. Nhưng một ngày nọ, có người tình cờ hỏi
ngài về Phật pháp. Câu trả lời của ngài vô cùng sâu sắc. Bởi vậy họ tiếp
tục hỏi ngài nhiều câu, và thấy rằng ngài có thể giải đáp bất cứ câu hỏi
nào họ đặt ra. Danh tiếng ngài lan rộng, và chẳng bao lâu ngài giảng dạy
cho những tu sĩ thuộc các trường phái khác nhau, những giáo lý thuộc
truyền thống riêng của họ.
Đức
Dalai Lama lúc ấy đã nhận ngài làm vị hướng đạo tâm linh. Ngài công
nhận Kunu Lama là nguồn cảm hứng cho ngài giảng dạy và thực hành từ
bi. Quả thế, Kunu Lama là một điển hình sống động của từ bi. Mặc dù
ngài rất nổi tiếng, ngài không hề thay đổi. Ngài vẫn vận những y phục đơn
giản như cũ, và sống trong một gian phòng nhỏ. Khi ai đến cúng dường ngài
một thứ gì, ngài liền đem làm quà cho người khác kế tiếp. Ai nấu cho ngài,
ngài sẽ ăn, nếu không ai nấu, ngài nhịn.
Một hôm
một bậc thầy mà tôi quen biết tới viếng Kunu Lama để hỏi ngài vài
câu hỏi về những trạng thái Bardo. Vị thầy này là một giáo sư rất
uyên bác trong truyền thống Tử thư, và có kinh nghiệm về những sự
hành trì liên hệ đến Bardo. Ông ta kể lại cho tôi nghe ông đã ngạc
nhiên mê mẩn như thế nào khi lắng nghe Kunu Lama trả lời. Ông chưa
từng nghe những điều hay như thế bao giờ. Khi ngài mô tả những trạng thái
Bardo, thực quá sống động và khúc chiết đến nỗi ta có cảm tưởng
ngài đang chỉ dẫn đường đi đến Kensington High Street, hay Công
viên trung ương, hay điện Elysées. Nó dường như thể ngài đã từng
thực sự sống trong những trạng thái ấy.
Kunu
Lama chỉ dẫn những Bardo bằng kinh nghiệm trực tiếp của chính
ngài. Một hành giả tầm cỡ như ngài thường du hành qua tất cả chiều không
gian khác nhau của thực tại. Và vì những trạng thái Bardo đều chứa
sẵn trong tâm chúng ta, nên chúng có thể được khơi mở, phóng thích, nhờ
những thực hành thiền quán.
Những
giáo lý ấy xuất phát từ trí tuệ của chư Phật, những người có thể thấy suốt
sinh tử như nhìn vào lòng bàn tay.
Chúng ta
cũng là những vị Phật. Bởi thế nếu ta có thể thực hành trong cõi trung
gian là cuộc đời này, tập đi sâu vào tự tính tâm chúng ta, ta có thể khám
phá tri kiến về những cõi trung gian hay Bardo khác. Sự thật của
những giáo lý về cõi trung gian tự nó sẽ mở ra trong ta. Bởi thế, giai
đoạn trung gian tự nhiên của đời này là giai đoạn quan trọng nhất. Chính
ngay bây giờ và ở đây, ta phải chuẩn bị cho tất cả những giai đoạn
Bardo khác:
- Cách
tối thượng để chuẩn bị là ngay bây giờ, đạt giác ngộ ngay trong đời này.