Tạng thư Sống Chết


The Tibetan Book Of Living And Dying Sogyal Rinpoche Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
22/07/2011 10:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 81465
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tạng thư Sống Chết

The Tibetan Book Of Living And Dying

Sogyal Rinpoche

Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
--- o0o --

 

PHẦN HAI: CHẾT 

14- Những hành trì cho người sắp chết

 

Tôi nhớ nhiều người thường đến thầy Jamyang Khientse tôi để xin thầy chỉ dẫn cho lúc sắp chết. Ngài được yêu mến, kính trọng khắp xứ Tây Tạng, nhất là ở vùng tỉnh Kham về phía Ðông. Nhiều người đã du hành hàng tháng để đến gặp ngài và xin ngài ban ân phước một lần trước khi họ chết. Tất cả các bậc thầy của tôi đều cho lời khuyên sau đây, vì nó là cốt tủy tối cần cho bạn vào lúc chết : “Hãy giải thoát mọi sự bám víu và ghét bỏ. Hãy để tâm thanh tịnh. Hợp nhất tâm bạn với tâm Phật” .

Toàn thể thái độ của đạo Phật đối với lúc chết có thể tóm tắt trong đoạn thơ sau, của Padmasambhava trong Tử Thư Tây Tạng :

Khi Trung Ấm chết xuất hiện

Tôi sẽ từ bỏ mọi chấp thủ, khát khao, lưu luyến

Thể nhập không tán loạn vào minh sát giáo lý

Và chiếu tâm tôi vào không gian của Tự Tánh vô sanh

Khi xả cái thân do máu thịt tập hợp này

Tôi sẽ biết nó chỉ là phù du mộng huyễn.

Vào lúc chết, có hai việc đáng kể : những gì ta đã làm trong đời, và tâm trạng ta lúc sắp chết. Dù ta có tích lũy rất nhiều ác nghiệp, song nếu ta có thể thật sự thay đổi lòng dạ vào lúc chết, thì điều ấy chắc chắn có thể ảnh hưởng đến tương lai ta và chuyển hóa nghiệp của ta, bởi vì giờ phút chết là một cơ hội vô vàn mãnh liệt để tịnh hóa nghiệp chướng.

 

Giây phút chết

Hãy nhớ mọi tập quán khuynh hướng đã chất chứa trong nền tảng tâm thông thường của ta, đang nằm sẵn để có thể bị khởi động bởi bất cứ một ảnh hưởng nào. Ngay hiện tại ta cũng biết chỉ cần một khiêu khích nhỏ cũng đủ để làm cho những phản ứng quen thuộc, bản năng nơi ta nổi lên. Ðiều này càng đúng hơn vào lúc chết. Ðức Dalai Lama giải thích :

“Vào lúc chết, những thái độ ta đã quen thói từ lâu thường thắng lướt để hướng dẫn tái sinh. Cũng vì lý do này, sự chấp thủ mãnh liệt đối với tự ngã được phát sinh, vì người ta sợ tự ngã mình đang biến mất. Sự chấp thủ này là dây nối ở khoảng giữa hai đời sống. Ước muốn có một thân xác mới là cái nhân để tạo ra thân Trung Ấm”.

Bởi vậy, tâm trạng chúng ta vào lúc chết vô cùng quan trọng. Nếu ta chết trong tâm trạng tích cực, ta có thể cải thiện tái sinh kế tiếp của mình, mặc dù nghiệp ta xấu. Nhưng nếu ta tán loạn, buồn khổ thì ảnh hưởng sẽ tai hại, mặc dù có thể ta đã xử dụng đời ta một cách tốt đẹp. Ðiều này có nghĩa ý tưởng và cảm xúc cuối cùng mà ta có trước khi chết, có một hiệu lực vô cùng quyết liệt đối với đời sống tương lai kế tiếp của chúng ta. Cũng như người điên thì tâm trí hoàn toàn bị xâm chiếm bởi một ám ảnh duy nhất, tái đi tái lại nhiều lần ; tâm ta khi chết cũng thế, rất nhạy cảm và hoàn toàn bị phơi ra cho bất cứ ý tưởng nào xâm chiếm tâm vào lúc đó. Ý nghĩ hay cảm xúc cuối cùng ta có, có thể khuếch đại hết cỡ và tràn ngập toàn thể nhận thức của ta. Vì vậy các bậc thầy nhấn mạnh rằng, tính chất bầu không khí xung quanh lúc ta chết rất là quan trọng. Cho nên khi thân quyến, bạn bè chết, ta nên làm mọi cách có thể để gây những cảm xúc tích cực, thiêng liêng, như lòng từ bi, sự sùng kính, và giúp “buông xả chấp thủ, khát khao, ràng buộc” .

 

Buông xả ái luyến (ràng buộc)

Cách lý tưởng để chết là buông xả hết mọi thứ trong cũng như ngoài, càng ít khát khao, chấp thủ, ái luyến càng tốt, để cho cái tâm vào thời điểm tối hậu đó không còn gì để vương vấn. Bởi vậy trước khi chết, ta nên cố giải thoát ái luyến đối với tài sản, bạn bè, người thân. Ta không thể đem theo bất cứ gì, bởi thế ta dự tính cho hết đồ đạc của mình trước, hoặc hiến tặng vào quỹ từ thiện.

Ở Tây Tạng, các bậc thầy trước khi từ bỏ thân xác thường chỉ định cho những thầy khác những vật gì. Ðôi khi một bậc thầy định tái sanh sẽ chừa lại một số đồ vật cho thân tái sanh của ông sau này, và chỉ định rõ ràng cái gì ông muốn để lại. Tôi cũng tin chắc rằng chúng ta nên chỉ định chính xác ai sẽ nhận tài sản hay tiền bạc của ta. Những điều này cần được diễn tả càng rõ ràng càng tốt. Nếu không, sau khi chết, đang ở trong Trung Ấm chờ tái sanh, mà thấy bà con giành giật của cải, hoặc sử dụng sai tiền của bạn, bạn sẽ khó chịu. Khi xác định mọi sự một cách rõ ràng cho đến từng chi tiết, thì bạn sẽ an tâm và dễ buông xả.

Như đã nói, bầu không khí xung quanh lúc ta chết cần phải hết sức thanh bình. Bạn bè thân thuộc nào khóc lóc buồn thảm không nên ở cạnh người sắp chết, vì họ sẽ gây một cảm xúc rầy rà vào lúc chết. Những người làm việc trong các nhà Tiếp dẫn kể lại rằng, đôi khi người sắp chết yêu cầu thân quyến đừng đến thăm lúc họ hấp hối, chính vì sợ khêu gợi những cảm giác đau khổ và ái luyến mãnh liệt. Ðôi khi điều này thực vô cùng khó hiểu đối với gia đình, họ tưởng là người sắp chết không yêu họ nữa. Nhưng họ nên hiểu rằng, chỉ cần những người thương yêu có mặt cũng đủ gợi lên những cảm tình ái luyến nơi người sắp chết, làm cho họ càng khó buông xả.

Thật vô cùng khó mà không khóc khi ta ở bên tử sàng của một người ta yêu mến. Tôi khuyên mọi người hãy cố gắng thanh toán nỗi ái luyến đau buồn với người sắp chết trước khi cái chết xảy đến : Hãy cùng nhau khóc, hãy diễn đạt tình yêu của bạn, nói lời từ biệt..., nhưng hãy cố chấm dứt những màn này trước khi cái chết thực sự xảy đến. Bởi vì tâm thức người chết vào giờ phút hấp hối rất dễ tổn thương, bén nhạy. Tử Thư Tây Tạng nói rằng, sự khóc lóc và nước mắt của bạn xung quanh người chết làm cho họ cảm thụ đau đớn như là sấm sét và mưa đá. Nhưng nếu bạn đã từng lỡ khóc bên một người chết nào, thì cũng đừng lo, bạn không cần phải hoảng hốt và cảm thấy phạm tội (khi biết điều này) .

 

*

 

Một bà dì của tôi, Ani Pelu, là một hành giả phi thường. Bà đã theo học với một vài bậc thầy lỗi lạc vào thời ấy, nhất là với Jamyang Khientse, và thầy tôi đã ban ân sủng bằng cách viết riêng cho bà một “lời khuyên tâm huyết”. Bà có thân thể khỏe mạnh, tròn trịa, với một gương mặt đẹp cao quý và bản chất tự nhiên, hơi nóng tính. Bà có vẻ là một phụ nữ rất thực tế, chịu trách nhiệm trực tiếp quản trị công việc trong đại gia đình. Nhưng một tháng trước khi bà chết, bà hoàn toàn thay đổi, một cách thực cảm động. Bà, mà thường ngày luôn luôn bận rộn như thế, bây giờ bỗng buông xuôi mọi sự, với một sự từ bỏ thản nhiên, không lo lắng. Bà có vẻ luôn luôn ở trong trạng thái thiền định, và không ngừng tụng lên những đoạn kinh bà thích, rút từ những trước tác của Longchenpa, bậc thánh về pháp đốn ngộ Dzogchen. Bà thường rất thích ăn thịt, nhưng trước khi chết, bà không muốn động đến một chút thịt nào. Bà thường sống như chúa tể trong thế giới của bà, ít ai ngờ được bà là một hành giả thiền. Nhưng khi chết, bà mới chứng tỏ cho mọi người biết bà là ai. Tôi không bao giờ quên vẻ an tịnh sâu xa toát ra từ nơi bà trong những ngày ấy.

Ani Pelu gần như là thiên thần hộ mạng cho tôi, ở nhiều phương diện. Tôi nghĩ bà thương tôi bởi vì bà không có con riêng. Cha tôi luôn bận rộn vì ông làm quản ý cho thầy Jamyang tôi, còn mẹ tôi cũng bận việc nhà bề bộn, và bà không bao giờ nghĩ tới những chuyện mà Ani Pelu không bao giờ quên. Ani Pelu thường hỏi thầy tôi : “Cái gì sẽ xảy đến cho thằng nhỏ này khi nó lớn lên ? Nó có an toàn không ? Nó có gặp trở ngại gì không ?” . Ðôi khi thầy trả lời cho bà, và nói những điều về tương lai tôi, mà nếu bà không hỏi thì chẳng bao giờ thầy nói.

Và cuối đời bà, Ani Pelu có một vẻ trong sáng dị thường trong con người bà, và sự kiên trì trong việc tu tập của bà. Thế mà ngay cả bà, khi gần chết, cũng yêu cầu rằng đừng để tôi hiện diện lúc đó, sợ rằng sự yêu mến của bà đối với tôi có thể gây cho bà một phút giây quyến luyến. Ðiều ấy chứng tỏ bà đã ghi nhớ nằm lòng lời khuyên tâm huyết của thầy Jamyang tôi như thế nào : “Vào lúc chết hãy từ bỏ mọi ý tưởng thương hoặc ghét” .

 

Thể nhập sự tỉnh giác sáng suốt

Ani Rilu, em gái bà tôi, cũng dành trọn đời để tu tập, và cũng gặp được những bậc thầy vĩ đại như thế. Bà có một bộ kinh dày, và thường đọc kinh tu thiền suốt ngày. Thỉnh thoảng bà ngủ gật, và khi bà giật mình dậy, bà lại tiếp tục chỗ bà đã ngủ. Suốt ngày bà làm như vậy, đến nỗi bà không bao giờ ngủ trọn đêm, rốt cuộc là bà thường tụng kinh sáng vào buổi tối và tụng kinh tối vào buổi sáng. Chị của bà bà, bà Ani Pelu, là một người cả quyết và ngăn nắp hơn nhiều, và vào cuối đời bà không thể chịu được cái cảnh luôn luôn phá rối trật tự thông thường như vậy nơi người em, nên bảo : “Sao em không tụng kinh sáng vào buổi sáng, kinh tối vào buổi tối, rồi tắt đèn đi ngủ như mọi người khác ?” . Ani Rilu sẽ thì thầm : “Vâng... vâng...”, nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy.

Vào thời ấy, tôi thường theo phe bà Ani Pelu, nhưng bây giờ tôi lại thấy bà Ani Rilu làm vậy là khôn. Bà luôn chìm đắm mình trong một dòng tu tập tâm linh, và trọn cuộc đời bà trở thành một dòng tương tục của sự cầu nguyện. Quả thế, sự tu tập của bà mạnh đến nỗi bà tiếp tục cầu nguyện ngay cả trong mộng, và bất cứ ai làm vậy sẽ có một cơ hội rất tốt để giải thoát trong các cõi Trung Ấm.

Cái chết của Ani Rilu cũng có tính chất thanh bình thụ động như sự sống của bà. Bà đau ốm một thời gian, và một buổi sáng mùa đông, vợ thầy tôi bỗng cảm thấy cái chết của bà đang đến gần. Mặc dù khi ấy Ani Rilu không nói được nữa, bà vẫn còn tỉnh táo. Người ta tức tốc đi mời Dodrupchen Rinpoche, một bậc thầy nổi tiếng ở gần đấy, đến để cho những chỉ dẫn cuối cùng và làm pháp chuyển di tư tưởng vào lúc chết.

Trong gia đình tôi có một ông già tên Apé Dorje, chết vào năm 1989 lúc ông 85 tuổi. Ông đã ở với gia đình tôi qua năm thế hệ và là một người có trí tuệ và khôn ngoan như một bậc tổ tiên. Ông có lòng tốt và sức mạnh tâm linh phi thường, và có biệt tài dàn xếp những cuộc cãi vả. Ðối với tôi, ông là hiện thân của tất cả những đức tính dân tộc : một con người chắc chắn, thực tiễn, bình dị, sống tự nhiên theo tinh thần giáo lý. Ông đã dạy cho tôi thật nhiều lúc tôi còn bé, nhất là sự quan trọng phải đối xử tốt với người khác, và không bao giờ ôm giữ ý tưởng xấu, dù có ai hại mình. Ông có một năng khiếu tự nhiên để san sẻ những giá trị tâm linh một cách giản dị nhất. Ông gần như bỏ bùa mê để cho bạn phải là cái tự ngã tốt nhất của bạn. Apé Dorje là một người có khiếu bẩm sinh về kể chuyện, và ông thường làm cho tôi mê mẩn vì những chuyện cổ tích và anh hùng ca của Tây Tạng, hoặc về những cuộc kháng chiến ở các tỉnh miền đông, khi quân Trung Quốc xâm nhập Tây Tạng vào đầu thập niên 1950. Bất cứ đi đâu ông cũng mang theo niềm vui, sự thoải mái, tính hài hước, làm cho mọi tình huống khó khăn cũng bớt vẻ rắc rối. Ngay cả lúc đã 80 tuổi, ông vẫn còn nhanh nhẩu vui tươi, gần như ngày nào cũng đi mua hàng cho tới lúc ông chết.

Ông thường đi chợ vào khoảng 9 giờ sáng. Ông đã nghe tin bà Ani Rilu sắp chết, nên đến phòng bà. Ông có thói nói hơi lớn, gần như hét : “Ani Rilu !” . Ông gọi to. Bà dì tôi mở mắt. Ông mỉm cười rạng rỡ nhìn bà với một nụ cười thương mến : “Con ơi, bây giờ chính là lúc để chứng tỏ lòng can đảm của con. Ðừng do dự, đừng lung lay. Con đã có phước được gặp và thụ giáo nhiều bậc thầy kỳ diệu. Không những thế, con lại còn được cơ hội quý báu để thực hành Pháp. Con còn đòi gì hơn được nữa ? Bây giờ con chỉ việc ghi nhớ tinh yếu của lời dạy trong tim, nhất là những chỉ dẫn về lúc chết mà các thầy đã dạy cho con. Nhớ kỹ điều ấy, đừng xao lãng. Ðừng lo gì cho chúng ta, chúng ta sẽ không sao đâu. Ta đi mua hàng cái đã, có lẽ lúc về ta sẽ không gặp con. Bởi thế, xin chào” . Ông nói với một nụ cười. Ani Rilu vẫn còn tỉnh táo nên bà mỉm cười khẽ gật.

Apé Dorje biết điều cốt yếu khi sắp chết là nhớ lại tinh yếu của sự tu tập, như Padmasambhava bảo : “Hãy thể nhập không tán loạn, vào sự tỉnh thức sáng suốt về giáo lý” .

Ðói với người đã nhận ra tự tánh tâm và đã hành trì vững vàng, điều này có nghĩa là an trú trong trạng thái Rigpa, tự tánh Bồ-đề. Nếu bạn không có sự an trú đó, thì hãy nhớ trong đáy tim bạn tinh yếu của lời thầy dạy, nhất là những lời dạy cốt yếu dành cho lúc chết. Bạn hãy nhớ điều ấy trong tâm trí, nghĩ đến bậc thầy, hợp nhất tâm mình với tâm thầy vào lúc chết.

 

Những chỉ dẫn vào lúc hấp hối

Người ta thường ví trạng thái Trung Ấm sau khi chết với hình ảnh một người nữ tài tử đẹp ngồi trước tấm gương soi. Buổi trình diễn cuối cùng của nàng sắp bắt đầu, nàng đang đánh son phấn và kiểm soát lại một lần cuối toàn thể dáng dấp mình trước khi bước ra sân khấu. Cũng thế, vào lúc chết bậc thầy khai thị cho ta tinh yếu của giáo lý - trong tấm gương tự tánh tâm và trực chỉ cho ta trọng tâm của sự tu tập. Nếu bậc thầy không hiện diện thì những bạn đạo có duyên với ta nên có mặt để giúp ta nhớ lại.

Người ta bảo thời gian tốt nhất để khai thị là sau khi hơi ra đã ngưng, và trước khi “hơi thở bên trong” chấm dứt ; mặc dù bảo đảm nhất là bắt đầu khai thị trong tiến trình chết, trước khi các giác quan hoàn toàn suy sụp. Nếu bạn không có cơ hội gặp thầy ngay trước khi chết, thì phải thụ giáo và tập cho quen với những chỉ dẫn này trước.

Nếu bậc thầy hiện diện bên tử sàng, những gì vị ấy làm lúc ấy theo truyền thống chúng tôi như sau :

Vị thầy xướng : “Hỡi thiện nam (hay thiện nữ) hãy lắng nghe...” , rồi dẫn chúng ta qua từng giai đoạn một của tiến trình chết. Rồi vị ấy tóm thâu tinh yếu của sự khai thị một cách mạnh mẽ rõ ràng, bằng vài từ ngắn gọn, để tạo một ấn tượng mạnh trong tâm ta, và bảo ta hãy an trú trong tự tánh tâm. Nếu việc này ngoài khả năng ta, thì thầy sẽ nhắc cho ta phép Chuyển di tâm thức, nếu ta biết ; nếu không vị ấy sẽ làm phép Chuyển di ấy cho ta. Rồi, để phòng xa, vị thầy có thể giải thích bản chất những kinh nghiệm trạng thái Trung Ấm sau khi chết, bảo rằng tất cả những cảnh tượng ấy đều do tâm biến hiện, cần phải nhận chân rõ như thế vào mọi lúc. “Này thiện nam, bất cứ gì con thấy, dù kinh hãi đến đâu, hãy nhận chân đấy là tâm con biến ra ; hãy nhận đấy là ánh sáng, tia chiếu tự nhiên của tâm con” . Cuối cùng vị thầy sẽ dạy ta nhớ lại những cõi Phật thuần tịnh để phát sinh niềm sùng kính, và cầu nguyện được tái sinh về đấy. Vị thầy sẽ lặp lại lời khai thị ba lần, rồi an trú trong trạng thái thiền để hướng ân sủng của vị ấy về phía người đệ tử đang chết.

 

Hành trình cho người sắp chết

Có ba pháp hành trì cho sự chết :

- Tốt nhất là an trú trong tự tánh tâm, hay gợi lên tâm yếu của sự tu tập.

- Kế tiếp, pháp Chuyển di tâm thức.

- Cuối cùng, dựa vào năng lực của cầu nguyện, sùng kính, nguyện lực và ân sủng của các bậc giác ngộ.

Những hành giả thượng thặng về Dzogchen, như tôi đã nói, đã hoàn toàn trực nhận tự tánh tâm trong suốt đời họ, nên khi chết, họ chỉ cần tiếp tục an trú trong trạng thái Rigpa, khi làm cuộc chuyển tiếp qua sự chết. Họ không cần chuyển di tâm thức vào một vị Phật nào hay cõi Phật nào, vì họ đã thực chứng tâm giác ngộ của chư Phật ngay trong chính họ. Cái chết đối với họ là giải thoát tối hậu - cao điểm của sự chứng đắc, tột đỉnh của một đời tu tập. Tử Thư Tây Tạng chỉ có vài lời này để nhắc nhở một hành giả như vậy : “Bạch ngài, bây giờ Ánh sáng căn bản đã ló dạng. Hãy nhận ra, và an trú trong sự tu tập”.

Người ta nói những người đã hoàn tất pháp tu Dzogchen thì chết “như một hài nhi mới sinh”, không một chút lo âu, quan tâm về sự chết. Họ không cần quan tâm về chuyện họ sẽ chết lúc nào, ở đâu, họ cũng không cần gì đến những lời dạy, chỉ dẫn, hay nhắc nhở.

Những hành giả trung bình hạng nhất thì “chết như hành khất trên đường” , không ai để ý đến họ, không gì có thể quấy rầy họ. Vì họ đã tu tập vững vàng nên tuyệt đối không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh. Họ có thể chết dễ dàng trong một bệnh viện bận rộn, hay ở nhà giữa một gia đình đang tranh chấp rộn ràng.

Tôi không bao giờ quên được một hành giả thiền ở Tây Tạng mà tôi từng biết. Trẻ con theo ông khắp nơi, vì đi đâu ông cũng ca hát làm cho mọi người phải tụ lại, rồi ông dạy họ tu hành và tụng câu : “OM MANI PADME HUM” . Ông có một bánh xe lớn để cầu nguyện, và khi ai cho ông vật gì, ông lại may vào áo quần ông, nên cuối cùng toàn thể người ông trông như một bánh xe cầu nguyện di động. Ông cũng có một con chó luôn luôn theo ông, mà ông đối xử như con người, cùng ăn cùng ngủ với nó, chuyện trò với nó như bạn. Không ai xem ông ra gì, có người còn gọi ông là “hành giả cuồng” song nhiều vị Lama rất ca tụng ông, và bảo chúng tôi không nên coi thường ông. Ông nội tôi và cả nhà thường đối xử với ông rất lễ phép, thường mời ông vào phòng thờ để uống trà và ăn bánh. Ở Tây Tạng có tục lệ viếng thăm ai thì phải mang quà. Một ngày, trong khi đang uống trà, ông ngừng lại : “Ô, xin lỗi, tôi suýt quên mất... Ðây là món quà cho ông” . Ông đưa ngay dãi khăn quàng trắng và bánh mì mà ông nội tôi đã tặng ông, để làm quà lại. Ông thường ngủ ngoài trời, giữa đất trống. Một hôm ông chết ở gần tu viện phái Dzogchen, với con chó bên cạnh, trong một đống rác. Không ai chờ đợi việc gì xảy ra kế tiếp, nhưng việc ấy đã được nhiều người chứng kiến. Xung quanh ông, xuất hiện một vòng ánh sáng cầu vồng chói lọi.

Người ta bảo rằng “hành giả bậc trung, khả năng trung bình thì chết như những thú hoang hay sư tử trên núi tuyết, trong động đá và thung lũng vắng vẻ”. Họ có thể hoàn toàn tự lo liệu lấy, và thích đi đến những nơi hoang dã để lặng lẽ chết, không bị bạn bè quyến thuộc quấy rầy làm rộn ràng.

Những hành giả đã thuần thục như những người kể trên thường được thấy họ nhắc nhở về những pháp hành trì mà họ nên xử dụng khi gần chết. Sau đây là hai ví dụ rút từ truyền thống Dzogchen :

Ví dụ thứ nhất, hành giả được khuyên nên nằm theo dáng nằm sư tử . Rồi họ được bảo phải tập trung ý thức vào đôi mắt, và dán chặt cái nhìn vào bầu trời trước mặt. Cứ để tâm họ không thay đổi, an trú trong trạng thái ấy, để cho tính giác Rigpa của họ hòa vào không gian nguyên sơ của chân lý. Khi Ánh sáng Căn bản của cái chết sanh khởi, họ lướt vào đó một cách hoàn toàn tự nhiên và đạt giác ngộ. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện đối với một người do tu tập đã an trú vững vàng trong sự trực nhận bản tâm.

Ðối với những người chưa đạt tới trình độ này, và cần một phương pháp trịnh trọng hơn để tập trung, thì có một pháp thực hành khác : Quán tâm thức của họ như một chữ A màu trắng, và phóng nó qua huyệt đạo từ tim, rồi thoát ra trên đỉnh đầu để đi vào cõi Phật. Ðây là một pháp Chuyển di tâm thức mà thầy tôi đã giúp Lama Tseten thực hành khi ông chết.

Những người làm thành công một trong hai phương pháp nói trên thì vẫn phải kinh quá tiến trình chết của thể xác, song họ sẽ không kinh quá những trạng thái Trung Ấm sau đó.

 

Phowa : Pháp chuyển di tâm thức

Bây giờ, khi giai đoạn Trung Ấm chết bắt đầu xuất hiện cho tôi,

Tôi sẽ từ bỏ mọi bám víu, khát khao và quyến luyến

Thể nhập không tán loạn vào ý thức sáng suốt về giáo lý

Và chiếu tâm thức tôi vào khoảng không gian của Tự tánh vô sanh

Khi tôi từ bỏ hợp thể máu thịt này

Tôi biết nó chỉ là một ảo ảnh phù du.

“Chiếu tâm thức vào không gian của tự tánh vô sanh” là ám chỉ pháp chuyển di tâm thức gọi là Phowa - một pháp thực hành thông thường nhất khi chết - và chỉ dẫn đặc biệt liên hệ đến Trung Ấm của sự chết. Chuyển di tâm thức là một phép yoga và thiền đã được xử dụng qua nhiều thế kỷ để giúp người sắp chết và để chuẩn bị cho cái chết. Nguyên tắc là, vào lúc chết, hành giả chiếu cái tâm của mình ra và hòa nhập với tâm giác ngộ của chư Phật, mà Padmasambhava gọi là “không gian của tự tánh vô sanh”. Pháp này có thể thực hiện bởi cá nhân người sắp chết, hoặc bởi một vị thầy đủ tư cách, hoặc một hành giả thiện xảo làm thay cho người chết.

Có nhiều loại Chuyển di tương ứng với khả năng kinh nghiệm và sự luyện tập của từng người. Nhưng pháp Chuyển di thông dụng nhất là pháp “Chuyển di với ba nhận thức” : nhận ra huyệt đạo trung ương kể như con đường, nhận ra tâm thức như kẻ lữ hành, và nhận ra cảnh Phật như đích đến.

Những người tại gia ở Tây Tạng bận rộn với trách nhiệm, công việc gia đình không thể dành suốt đời để học pháp và tu tập, nhưng họ có lòng tin kiên cố vào giáo lý. Khi con cái họ lớn lên và họ gần đến cuối đời - như tuổi về hưu ở Tây phương - họ thường đi hành hương, hoặc gặp những bậc thầy và tập trung vào sự tu hành ; họ thỉnh thoảng lại sự một khóa tu về Chuyển di tâm thức để chuẩn bị cho cái chết. Pháp này được giáo lý xem là một phương pháp đạt giác ngộ mà không cần phải tu thiền suốt cả đời.

Trong pháp Chuyển di tâm thức, hình ảnh chính được triệu thỉnh là đức Phật A Di Ðà, vị Phật với ánh sáng vô lượng. Ðức Phật này rất phổ thông đối với thường dân ở Trung Hoa và Nhật Bản, cũng như ở Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn. Ngài là vị Phật nguyên ủy thuộc dòng họ Hoa sen, nhân loại thuộc vào dòng họ vị Phật này. Ngài tượng trưng cho bản tánh thanh tịnh của chúng ta, và tượng trưng sự chuyển hóa của dục vọng, cảm xúc mạnh nhất nơi cõi người. A Di Ðà còn là bản chất sáng suốt vô hạn của tâm. Khi chết, bản tánh chân thật ấy của tâm sẽ hiển lộ vào lúc Ánh sáng Căn bản hiện ra, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có được sự quen thuộc để nhận ra ánh sáng ấy. Quả thực chư Phật đã đầy từ bi và phương tiện thiện xảo xiết bao khi truyền lại cho chúng ta một phương pháp để triệu thỉnh chính cái nhập thể của ánh sáng ấy, tức là đức Phật A Di Ðà với hào quang chói lọi.

Ở đây không phải chỗ để giải thích chi tiết pháp Chuyển di tâm thức cổ truyền, một pháp cần phải thực hành dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy tư cách. Bạn đừng bao giờ cố tự tập pháp này nếu không có người hướng dẫn.

Vào lúc chết, giáo lý giải thích, tâm thức chúng ta được đặt lên một ngọn “gió”, bởi thế cần một chỗ mở để thoát ra khỏi thân xác. Nó có thể từ bỏ thân xác qua bất cứ một chỗ mở nào trong 9 chỗ. Con đường mà nó đi sẽ định đoạt chính xác cõi hữu nào ta sẽ tái sinh đến. Người ta nói, khi nó thoát ra từ đỉnh đầu, thì chúng ta sẽ tái sinh vào một cõi đất tịnh, ở đấy chúng ta có thể tiến dần đến giác ngộ.

Pháp này tôi cần phải nhấn mạnh lần nữa, chỉ có thể thực hiện dưới sự hướng dẫn của một bậc thầy đủ tư cách, có được ân sủng để truyền thừa thích nghi.

Muốn thành công trong pháp Chuyển di tâm thức này, không cần phải có một tri thức rộng hay sự chứng đắc sâu xa, chỉ cần lòng sùng kính, từ bi, nhất tâm quán tưởng, và một cảm giác sâu xa về hiện diện của Phật A Di Ðà. Người học sau khi nhận chỉ giáo sẽ thực hành theo đó cho đến khi có những triệu chứng thành công xuất hiện. Những triệu chứng này gồm có : trên đỉnh đầu có cảm giác ngứa, nhức đầu, chảy nước trong, xung quanh vùng sọ nổi sưng lên hoặc mềm ra, đôi khi còn có một lỗ nhỏ mà theo truyền thống, bậc thầy sẽ nhét vào đó một cọng cỏ để đo lường mức thành công của sự tu tập.

Mới đây có một nhóm cư sĩ Tây Tạng đã lớn tuổi ở Thụy Sĩ được tập luyện dưới sự hướng dẫn của một bậc thẩy nổi tiếng về phép Chuyển di. Con cái họ đã lớn lên tại Thụy Sĩ, rất hoài nghi về công hiệu của phép này. Nhưng họ rất kinh ngạc khi thấy cha mẹ họ đã thực sự thay đổi và chứng tỏ vài dấu hiệu của thành công nói trên sau 10 ngày nhập thất.

Bác sĩ Hiroshi Motoyama, nhà khoa học Nhật Bản có làm một nghiên cứu về những hậu quả tâm sinh lý của pháp Chuyển di tâm thức. Ông khám phá ra những thay đổi về sinh học rõ ràng trong hệ thống thần kinh và các kinh mạch trong thời kỳ thực tập Chuyển di tâm thức. Một trong những khám phá của bác sĩ Motoyama khi khảo sát cơ thể bậc thầy về pháp này là : khí tuôn chảy trong kinh mạch của vị ấy rất giống trường hợp được tìm thấy nơi những người có năng lực mạnh về thần giao cách cảm. Não điện đồ cũng cho thấy những sóng não trong thời gian thực hành Chuyển di tâm thức khác hẳn với sóng não được tìm thấy nơi những hành giả thực hành các pháp thiền khác, chứng tỏ rằng pháp này gây ra sự kích thích hypothalamus, một phần của não bộ, cũng như sự chấm dứt những hoạt động bình thường của tâm, để có thể kinh nghiệm một trạng thái thiền sâu xa.

Ðôi khi nhờ pháp Chuyển di tâm thức mà người thường có thể có những kinh nghiệm thị giác mãnh liệt. Sự thấy được niềm an lạc, ánh sáng của cõi Phật và sự thấy được đức Phật A Di Ðà, đều tương tự một vài khía cạnh của kinh nghiệm cận tử. Và cũng như kinh nghiệm cận tử, sự thành công trong pháp Chuyển di cũng đem lại niềm tin và vô úy khi đối diện với cái chết.

 

*

 

Sự thực hành phần cốt yếu của pháp Chuyển di mà tôi đã nói trong một chương trước, là một pháp chữa bệnh cho người sống, cũng như một pháp thực hành cho lúc chết, và có thể làm bất cứ lúc nào không nguy hiểm. Tuy nhiên, thời gian của sự thực hành pháp Chuyển di cổ truyền có một tầm quan trọng lớn lao. Chẳng hạn, nếu một người nào thực sự chuyển di tâm thức được thành công trước thời điểm cái chết tự nhiên, thì điều ấy cũng tương đương với sự tự sát. Thời điểm để làm pháp Chuyển di là lúc hơi thở bên ngoài đã ngừng, mà hơi thở bên trong vẫn tiếp tục. Nhưng muốn bảo đảm hơn, hãy khởi sự thực hành trong khi tiến trình tan rã xảy ra (trình bày ở chương kế tiếp) và nên lặp lại nhiều lần.

Khi một bậc thầy đã hoàn toàn thiện xảo trong pháp Phowa cổ truyền làm phép ấy cho một người hấp hối, bằng cách quán cái tâm thức họ cho xuất ra ngoài qua đỉnh đầu, thì cốt yếu là phải đúng thời điểm, không làm quá sớm. Nhưng một hành giả tu cao, biết rõ tiến trình chết, có thể kiểm điểm những chi tiết như huyệt đạo, sự di chuyển các luồng khí, và hơi ấm cơ thể, để xem lúc nào nên làm pháp chuyển di. Nếu có xin một bậc thầy làm phép ấy cho một người sắp chết, thì nên liên lạc ngay vị ấy, vì pháp này cũng có thể thực hiện được từ một khoảng cách.

Có thể xảy ra một vài trở ngại cho pháp Chuyển di. Bất cứ một hướng tâm bất thiện, một chút khao khát tài sản, sẽ thành chướng ngại khi chết đến. Bạn không được có một chút tư tưởng hay khát vọng tiêu cực nào. Ở Tây Tạng người ta tin rằng rất khó làm pháp Chuyển di thành công nếu trong phòng người hấp hối có vật gì làm bằng da thú, lông thú. Cuối cùng, khói thuốc hay bất cứ loại thuốc kích thích nào cũng có hậu quả làm bế tắc huyệt đạo trung ương, khiến cho pháp Chuyển di khó thực hiện.

Người ta bảo, ngay cả một kẻ trọng tội cũng có thể được giải thoát vào lúc chết nếu có một bậc thầy đã tu chứng, có năng lực, chuyển di tâm thức của người chết vào một cõi Phật. Và dù cho người sắp chết thiếu công đức tu luyện, và bậc thầy không hoàn toàn thành công trong pháp Chuyển di, thì pháp này vẫn ảnh hưởng đến tương lai của người chết, giúp y tái sanh thượng giới. Nhưng nếu muốn thực hành Chuyển di cho thành công, thì những điều kiện phải hoàn hảo. Pháp Chuyển di có thể giúp một người nghiệp chướng nặng nề, song chỉ khi người ấy có một liên lạc mật thiết và trong sáng với bậc thầy làm pháp ấy, nếu y có lòng tin vào giáo lý, và nếu y đã thành tâm sám hối.

Trong một khunh cảnh lý tưởng ở Tây Tạng, những người trong gia đình thường mời các Lạt-ma đến làm pháp Chuyển di nhiều lần, cho tới khi dấu hiệu thành công xuất hiện. Họ có thể làm suốt nhiều giờ, hàng trăm lần, có khi suốt cả ngày. Vài người chỉ cần làm một hai lần pháp này là đã thấy triệu chứng tốt, trong khi có nhiều người làm cả ngày cũng không xong. Ðương nhiên việc này tùy thuộc phần lớn ở nghiệp của người sắp chết.

Ở Tây Tạng có những hành giả có khả năng đặc biệt làm pháp Chuyển di, các triệu chứng tốt sẵn sàng xảy đến. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ một bậc thầy làm pháp Chuyển di đã thành công nơi người sắp chết : đôi khi một nhúm tóc nơi sọ người ấy rớt ra, hoặc cảm thấy trên đỉnh họ có hơi nóng tuôn ra. Trong vài trường hợp đặc biệt, năng lực bậc thầy khi thốt ra âm thanh chữ A để chuyển di tâm thức, mãnh liệt đến độ mọi người trong phòng té xỉu, hoặc từ sọ người chết vọt ra một mảnh xương theo thần thức họ bay ra quá mạnh.

 

AÂn sủng của sự cầu nguyện vào lúc chết

Trong mọi truyền thống tôn giáo, người ta đều cho rằng chết trong khi được cầu nguyện là rất tốt. Bởi vậy, điều tôi hy vọng bạn có thể làm khi chết là triệu thỉnh chư Phật và thầy của bạn. Cầu nguyện rằng do sám hối ác nghiệp đời này và các đời trước, nghiệp bạn được thanh lọc và bạn có thể tỉnh giác an bình vào lúc chết, có tái sanh tốt và cuối cùng đạt giải thoát.

Hãy phát nguyện tái sanh vào cõi tịnh hoặc làm người nhưng để giúp đỡ người khác. Chết với niệm từ bi trong tâm như vậy cho đến hơi thở cuối thì cũng là một pháp Chuyển di tư tưởng, và bảo đảm cho bạn có được một thân người quý báu trong tương lai.

Tạo ấn tượng tích cực nhất trong dòng tâm thức trước khi chết là điều cốt yếu. Pháp tu hiệu nghiệm nhất để có được điều này là pháp Ðạo sư Du-già, ở đấy người sắp chết hòa nhập tâm mình với tâm giác ngộ của bậc thầy, hay Phật, hay một bậc thánh. Dù bạn không thể quán ra hình ảnh thầy trong lúc đó, ít nhất hãy nhớ đến vị ấy trong tim của bạn và chết trong niệm sùng kính. Khi tâm thức của bạn tỉnh dậy trở lại sau khi chết, ấn tượng về hiện diện bậc thầy sẽ thức dậy trong bạn, và bạn sẽ được giải thoát. Nếu bạn chết trong khi nhớ đến thầy, thì khả năng của ân sủng bậc thầy thực vô hạn : ngay cả những âm thanh, màu sắc và ánh sáng trong cõi trung gian của pháp tánh cũng có thể xuất hiện như là sự ban ân sủng của thầy và tia sáng chiếu ra từ trí tuệ của thầy.

Nếu bậc thầy có mặt bên giường chết, vị ấy sẽ bảo đảm cho dòng tâm thức của người chết mang dấu ấn của hiện diện vị ấy. Vị thầy có thể giúp cho người chết khỏi tán loạn bằng một vài nhận xét đầy ý nghĩa, gây chú ý. Chẳng hạn có thể nói lớn : “Hãy nhớ ta !” . Vị thầy sẽ gây chú ý của người ấy bằng bất cứ cách nào để tạo một ấn tượng khó phai mờ, sẽ trở lại trong trạng thái Trung Ấm của người chết như một “hoài niệm về bậc thầy”. Khi mẹ của một bậc thầy nổi tiếng đang hấp hối và rơi vào trạng thái hôn mê, Dilgo Khientse Rinpoche có mặt nơi giường chết đã làm một chuyện rất bất ngờ : ngài đánh vào đùi bà. Nếu bà không quên Dilgo Khientse Rinpoche khi bà đi vào cõi chết, thì quả thực là bà đã được ân sủng.

Theo truyền thống chúng tôi, những hành giả thường cầu nguyện bất cứ một vị Phật nào họ cảm thấy tin tưởng và có duyên với ngài. Nếu vị ấy là Liên Hoa Sanh, thì họ sẽ cầu được sanh vào cõi thuần tịnh vinh quang của ngài, là lâu các Liên Hoa trên đỉnh núi màu đồng ; nếu họ thích Phật A Di Ðà thì họ sẽ cầu sanh vào nước Cực lạc.

 

Bầu không khí để chết

Làm sao để giúp đỡ một cách tế nhị nhất, những hành giả thông thường khi họ chết ? Tất cả chúng ta đều cần đến sự thương mến và săn sóc chân tình và thực tiễn, nhưng đối với người có tu tâm, thì bầu không khí, cường độ và chiều sâu tâm linh còn có một ý nghĩa đặc biệt. Ðiều lý tưởng và một ân sủng lớn cho họ là thầy họ có mặt ở đấy, nhưng nếu không thể, thì bạn đạo cũng có thể giúp đỡ rất nhiều để nhắc nhở người chết nhớ lại giáo lý và pháp tu quen thuộc nhất của họ trong lúc sống. Với một hành giả sắp chết thì bầu không khí tin tưởng và sùng kính là cốt yếu. Sự hiện diện trìu mến của thầy và bạn đạo, sự khích lệ của giáo lý và năng lực sự hành trì của riêng họ, tất cả phối hợp lại để tạo ra và nâng cao nguồn cảm hứng rất cần thiết vào những tuần, những ngày cuối cùng, có lẽ cần thiết như chính hơi thở.

Một người học trò thân yêu của tôi chết vì ung thư đã hỏi tôi cách tập luyện nào tốt nhất để làm khi nàng tiến gần đến cái chết, nhất là khi không còn đủ sức để tập trung vào một phép tu trịnh trọng ? Tôi bảo nàng :

“Con hãy nhớ con đã được may mắn như thế nào khi đã gặp được nhiều bậc thầy, hấp thụ nhiều giáo lý và có thì giờ cùng khả năng để tu tập. Ta hứa với con rằng lợi ích của những điều ấy sẽ không bao giờ rời con. Thiện nghiệp mà con đã làm sẽ ở mãi với con, nâng đỡ con. Ðược nghe giáo lý dù chỉ một lần, hoặc gặp được một bậc thầy như Dilgo Khientse Rinpoche và có liên lạc mật thiết với ngài như con, chính đã là giải thoát. Ðừng bao giờ quên điều ấy, và cũng đừng quên bao nhiêu người trong địa vị con mà lại không được có cơ hội kỳ diệu ấy.

“Nếu con đến lúc không tu tập một cách tích cực được, thì điều duy nhất quan trọng là thư giãn, nghỉ ngơi, càng sâu càng tốt trong niềm tin của Kiến, và an trú trong tự tánh tâm. Không hề gì nếu thân con, não bộ con vẫn còn hoạt động hay không hoạt động, tự tánh tâm con luôn luôn ở đấy, giống như bầu trời, chiếu sáng đầy ân sủng, vô biên không thay đổi... Hãy biết điều ấy không hồ nghi, và để cho sự hiểu biết ấy đem lại cho con sức mạnh để nói với nỗi đau đớn của con, dù có khốc liệt cách mấy, rằng : “Hãy đi đi, để cho ta yên” . nếu có điều gì làm con bực tức hay khó chịu, thì đừng phí thì giờ cố thay đổi nó ; cứ quay về với chánh kiến.

“Hãy tin sâu vào tự tánh của tâm con, và thư giãn hoàn toàn. Không có gì mới con cần phải học thêm, có thêm, hoặc hiểu biết thêm. Hãy để cho những gì đã ở nơi con tự khai mở và trở nên sâu xa.

“Hãy nương tựa vào pháp môn nào con thích nhất. Nếu con thấy khó mà quán tưởng hay theo một sự tu tập trịnh trọng nào, thì hãy nhớ lời Dudjom Rinpoche : cảm thấy sự hiện diện là quan trọng hơn có được sự quán tưởng rõ ràng chi tiết. Bây giờ là lúc con nên cảm thụ, càng mãnh liệt càng tốt, với toàn thể con người của con, sự hiện diện của các bậc thầy, của đấng Liên Hoa Sanh, và của chư Phật. Dù bất cứ gì có thể xảy đến cho thân con, con hãy nhớ tâm con chưa từng đau ốm, què quặt bao giờ.

“Con đã yêu mến Dilgo Rinpoche, hãy cảm thụ hiện diện của ngài, thực sự xin ngài giúp đỡ và thanh luyện con. Ðặt tất cả tính mạng của con trong tay bậc thầy : tâm, thân và hồn. Tính giản dị của lòng tin tuyệt đối là một trong những năng lực hữu hiệu nhất trên đời.

“Ta đã kể cho con nghe câu chuyện về Ben ở Kongpo chưa nhỉ ? Ông ta là một người rất đơn giản, có lòng tin vô biên, đến từ Kongpo, một tỉnh miền đông nam Tây Tạng. Ông đã nghe rất nhiều về Jowo Rinpoche, một pho tượng đẹp của Phật lúc ngài còn là thái tử 12 tuổi, được cất giữ trong nhà thờ chính tại Lhasa. Tương truyền pho tượng ấy được tạc lúc Phật còn sống, đấy là pho tượng thiêng liêng nhất trong toàn cõi Tây Tạng. Ben không thể biết được đấy là Phật hay người thường, và quyết đi đến tận nơi thăm viếng Jowo Rinpoche để hỏi cho ra lẽ. Ông khởi hành nhiều tuần mới đến Lhasa ở trung tâm Tây Tạng.

“Lúc vừa tới nơi ông rất đói, và khi vào đền thờ, ông thấy pho tượng Phật rất lớn, trước mặt là một dãy đèn bơ và bánh đặc biệt làm để cúng Phật. Ông nghĩ ngay đấy là những gì Jowo Rinpoche ăn : “Chắc hẳn bánh này là để nhúng vào bơ trong đèn, còn đèn thì phải cháy  để cho bơ khỏi đông cứng lại. Ta hãy làm như kiểu Jowo Rinpoche làm” . Thế là ông nhúng bánh vào đĩa bơ mà ăn, rồi nhìn lên tượng Phật dường như cũng đang mỉm cười từ bi nhìn ông. Ông nói : “Thầy thực tốt làm sao. Chó vào ăn trộm thức ăn người ta cúng cho thầy, thầy cũng chỉ mỉm cười. Gió thổi đèn tắt hết, thầy cũng mỉm cười... Nhưng bây giờ tôi phải kinh hành quanh điện thờ để cầu nguyện và chứng tỏ lòng sùng kính. Vậy thầy làm ơn giữ giùm tôi đôi ủng cho đến lúc tôi trở lại, được chứ ?” . Nói xong, ông cổi bỏ đôi ủng cũ dơ dáy để lên bàn thờ trước mặt pho tượng, rồi bỏ đi.

“Khi Ben đang tản bộ quanh ngôi điện khổng lồ, thì người giữ đền trở về và hoảng hồn trông thấy kẻ nào đã ăn mất đồ cúng và để một đôi ủng dơ dáy trên bàn thờ. Ông ta giận dữ cầm lấy đôi ủng ném ra ngoài, nhưng bỗng nghe một tiếng nói từ pho tượng phát ra : “Ðừng. Ðể lại chỗ cũ. Ta đang canh chừng giùm Ben của xứ Kongpo” .

“Sau đó Ben trở lại để lấy ủng. Nhìn lên gương mặt pho tượng, vẫn nụ cười an lạc đang tỏa chiếu xuống ông ta. “Thật ông đúng là một vị Lạt-ma rất tốt. Sao ông không xuống chỗ chúng tôi chơi ? Tôi sẽ quay một con heo và nấu rượu thết ông” . Lần thứ hai, pho tượng Jowo Rinpoche lại cất tiếng, hứa sẽ đi thăm Ben.

“Ben trở về nhà ở Kongpo, kể cho vợ nghe mọi sự, dặn nàng hãy canh chừng để đón Jowo Rinpoche vì không biết chừng nào ông ta đến. Năm ấy trôi qua, một hôm vợ ông chạy về nhà báo tin đã trông thấy một cái gì sáng rực như mặt trời, đang ở dưới nước. Ben bảo nàng pha trà, và vội vã chạy ra sông. Ông thấy Jowo Rinpoche đang lấp lánh trong nước, và nghĩ có lẽ ngài đã rớt xuống sông đang chết đuối. Ông lao ngay vào nước vớt ngài lên. Khi họ cùng trở về nhà Ben, vừa đi vừa trò chuyện, họ đi ngang một tảng đá to, Jowo Rinpoche nói : “Thực sự là tôi không thể vào nhà được” . Nói xong, ngài biến mất vào tảng đá. Cho đến ngày nay vẫn còn hai nơi hành hương danh tiếng ở Kongpo : một là Jowo Ðá, gương mặt trên đá, ở đấy người ta có thể trông thấy hình dạng một vị Phật ; và Jowo Sông, ở đấy hình dạng Phật có thể thấy dưới sông. Người ta bảo năng lực ban phước và chữa bệnh của hai nơi này cũng giống như pho tượng Jowo ở Lhasa. Và đấy là do lòng tin tưởng vô biên của Ben đối với Phật.

“Ta muốn con cũng có lòng tin như thế. Hãy để tim con tràn ngập niềm sùng kính đối với Padmasambhava và Dilgo Rinpoche. Hãy tưởng như con đang ở trước mặt các ngài, toàn thể không gian xung quanh con là ngài. Rồi hãy niệm ngài luôn luôn. Hãy hợp nhất tâm con với tâm ngài, và nói từ đáy tim con : “Bây giờ ngài cũng thấy đó, con không thể nào tu tập kiên trì được nữa. Con phải hoàn toàn nương tựa vào ngài. Xin ngài che chở con” . Hãy làm pháp Ðạo sư Du-già, tưởng tượng ánh sáng nơi bậc thầy đang tuôn tràn vào con để thanh lọc con, đốt sạch mọi cấu uế bệnh tật trong con, chữa con lành ; thân con tan thành ánh sáng ; và cuối cùng hãy hòa nhập tâm con vào tâm giác ngộ của bậc thầy, trong niềm tin tưởng tuyệt đối.

“Khi thực tập như vậy, con chỉ cần tin tưởng và cảm thấy điều ấy trong tim con. Mọi sự bây giờ đều tùy thuộc vào cảm ứng, vì chỉ có điều ấy làm thư giãn sự lo lắng và đánh tan cơn thác loạn thần kinh nơi con. Hãy giữ một hình tượng của thầy con, hay Phật, trước mặt con. Tập trung nhẹ nhàng vào đó, rồi thư giãn vào trong tia sáng của nó. Hãy tưởng giờ này bên ngoài nắng đang lên, và con có thể lấy hết y phục ra mà tắm trong mặt trời ấm áp : tước hết mọi tính dè dặt và thư giãn trong ánh sáng ân sủng. Và từ tâm khảm sâu xa, con hãy buông xả mọi sự.

“Ðừng lo lắng gì. Không có một vật gì con cần bám víu. Hãy buông ra và trôi bồng bềnh trong ý thức về ân sủng đó. Ðừng để cho những câu hỏi nhỏ nhặt quấy rối tâm con, chẳng hạn hỏi : “Ðó có phải là Rigpa không ?”. Cứ để cho tâm con càng lúc càng tự nhiên. Hãy nhớ Rigpa luôn ở đấy, trong tự tánh tâm con. Nhớ lời Dilgo Rinpoche thường nói : “Nếu tâm con không thay đổi, thì chính con đang trong trạng thái Rigpa” . Vì con đã thụ giáo nên con cũng đã được khai thị tự tánh tâm, hãy thư giãn, trong đó không có nghi ngờ.

“Con đã khá may mắn có vài bạn đạo gần bên con. Hãy khuyến khích họ tạo một môi trường tu tập quanh con, và tiếp tụ tu tập như thế cho đến khi con chết, và sau đó. Bảo họ đọc cho con nghe một bài thơ mà con thích, hay một lời chỉ dẫn của bậc thầy, hay giáo lý làm con lên tinh thần. Bảo họ cho con nghe băng giảng của thầy con, hoặc băng tụng kinh, hay băng nhạc mà con ưa chuộng. Ta cầu nguyện mỗi khi con thức tỉnh, hãy hòa tâm con với ân sủng của sự tu tập, trong bầu không khí sáng sủa đầy cảm hứng. Khi nhạc hay lời dạy trong băng từ đang tiếp tục, con cứ an nghỉ trong đó, ngủ và ăn với nó. Hãy để cho bầu không khí tu tập thấm nhuần toàn thể đoạn cuối đời con, như bà dì Ani Rilu của ta. Ðừng làm gì ngoài ra tu tập, để cho sự tu tập tiếp diễn ngay cả trong mộng của con. Hãy để cho nó trở thành hoài niệm cuối cùng mãnh liệt nhất đời, ảnh hưởng đến tâm con, thay thế cho những thói quen thường ngày trong dòng tâm thức con. Và khi con cảm thấy gần chết, hãy chỉ nghĩ đến thầy con trong từng hơi thở, từng nhịp tim đập. Bất cứ ý tưởng gì con nghĩ tới vào lúc chết, sẽ là ý tưởng trở lại mãnh liệt nhất khi con thức dậy trong trạng thái Trung Ấm sau khi chết”.

 

Từ giã thân xác

Bây giờ khi Trung Ấm cái chết xuất hiện

Tôi sẽ từ bỏ mọi bám víu khát khao chấp thủ

Thể nhập không tán loạn vào tinh yếu của giáo lý

Và chiếu tâm tôi vào không gian của tự tánh vô sanh.

Khi từ bỏ tập hợp máu thịt thân xác này

Tôi biết nó chỉ là ảo ảnh phù du.

Hiện giờ, thân ta có lẽ là trung tâm của vũ trụ. Chúng ta liên kết nó với tự ngã của ta, với cái tôi của ta, và sự liên kết sai lầm ấy cứ tăng cường cái ảo tưởng về hiện hữu cụ thể bất khả phân này. Bởi vì thân ta dường như hiện hữu, nên cái tôi cũng dường như có, và “anh” cũng dường như có, và cái toàn thể thế giới nhị nguyên huyễn hóa mà ta không ngừng chiếu ra quanh ta, có vẻ tuyệt đối chắc thực. Khi ta chết, toàn thể tập hợp này tan rã thành từng mảnh vụn một cách thảm hại.

Nói giản dị thì điều xảy ra là tâm thức ở tầng sâu xa vi tế nhất của nó vẫn tiếp tục không cần thân xác và kinh quá chuỗi trạng thái gọi là “Trung Ấm”. Giáo lý dạy ta rằng : chính vì ta không còn có một thân thể trong các trạng thái Trung Ấm, nên không cần phải sợ bất cứ một kinh nghiệm nào, dù ghê rợn tới đâu, có thể xảy ra sau khi chết. Có gì có thể làm hại một cái không-thân ? Tuy nhiên điều rắc rối là trong các trạng thái Trung Ấm, phần đông người ta vẫn tiếp tục chấp thủ một ý thức sai lầm về tự ngã, cùng với sự níu kéo ma quái vào vật thể chắc chắn ; và sự tiếp diễn của ảo tưởng này, vốn đã là gốc rễ mọi đau khổ trong đời, bây giờ lại làm cho người ta khổ thêm vào lúc chết, nhất là trong những cõi “Trung Ấm của sự tái sanh” .

Bạn có thể thấy điều thiết yếu là ngay bây giờ trong lúc còn cái thân xác sống, ta cần phải nhận ra rằng tính bền vững rõ ràng của nó chỉ là một ảo tưởng. Cách hiệu nghiệm nhất để nhận ra điều này là tập trở thành “một đứa con của ảo tưởng” : đừng củng cố cái nhận thức về tự ngã và thế giới, như chúng ta luôn luôn làm, mà phải tiếp tục cái thấy như trong thiền định, rằng mọi hiện tượng  đều như mộng như huyễn. Nhận thức về thân huyễn này là nhận thức sâu sắc nhất giúp ta buông xả.

Ðược trang bị bằng tri thức ấy, thì khi vào lúc chết, đối mặt với sự kiện rằng thân ta là một ảo tưởng, ta sẽ nhận ra ngay được tính chất huyễn hóa của nó mà không hãi sợ, bình thản thoát khỏi mọi bám víu thân xác, và vui vẻ bỏ nó lại sau lưng, lại còn cảm ơn khi biết rõ mặt thật của nó. Quả thế, khi ấy ta có thể, một cách thực sự và trọn vẹn, chết khi ta chết, và nhờ vậy hoàn toàn giải thoát.

Vậy, hãy nghĩ đến lúc chết như một vùng biên giới lạ lùng của tâm thức, một vùng đất không của ai, trong đó một mặt nếu không hiểu bản chất như huyễn của thân xác, thì khi chết ta có thể kinh hoảng vô cùng vì phải mất nó ; mặt khác chúng ta có thể thấy cái chết đem lại khả năng giải thoát vô giới hạn, một sự giải thoát tuôn phát từ chính sự vắng mặt của xác thân ấy.

Khi chúng ta cuối cùng thoát khỏi cái thân xác đã thống trị quá lâu sự hiểu biết của ta về chíùnh ta như vậy, cái thấy do nghiệp của cả một đời bây giờ hoàn toàn kiệt quệ, nhưng nghiệp có thể tạo trong tương lai thì chưa khởi sự kết tinh. Bởi thế, điều xảy ra trong cái chết là, có một khe hở, một khoảng trống đầy những khả tính vô biên ; đó là một thời điểm có tiềm năng ghê gớm, trong đó điều duy nhất đáng kể là tâm của ta đang là cái gì. Khi cởi bỏ thân xác vật lý, tâm đứng chơ vơ và hiển bày một cách dễ sợ bộ mặt nguyên ủy của nó, luôn luôn vẫn là : kiến trúc sư của đời ta.

Vậy nếu khi chết ta đã có một nhận thức vững chãi về tự tánh của tâm, thì trong một nháy mắt có thể thanh lọc tất cả nghiệp. Và nếu chúng ta tiếp tục cái thấy vững chãi ấy, thì ta có thể thực sự chấm dứt tất cả nghiệp, bằng cách thể nhập sự trong sáng sơ nguyên của tự tánh, và đạt giải thoát.

Padmasambhava giải thích điều này như sau :

Bạn có thể tự hỏi, tại sao trong trạng thái Trung Ấm, ta có thể giải thoát chỉ nhờ một thoáng trực nhận tự tánh tâm ? Trả lời như sau : hiện tại tâm ta bị nhốt trong một cái lưới của “gió nghiệp” , và gió nghiệp lại bị nhốt trong một cái lưới là xác thân vật lý của ta. Kết quả là ta không có được tự do tự chủ. Nhưng vừa khi thân xác ta đã chia lìa thành tâm và vật, trong khoảng hở trước khi nó bị nhốt một lần nữa trong cái lưới của một thân sau, cái tâm, cùng với những trình diễn ảo thuật của nó, bây giờ không có chỗ y cứ vật lý cụ thể. Trong khi nó còn thiếu một cơ sở vật chất như thế, thì chúng ta còn tự do - và ta có thể nhận ra được.

Khả năng đạt an trú chỉ nhờ nhận chân được tự tánh tâm, là ví như một bó đuốc trong chớp mắt có thể xua tan bóng tối ngàn kiếp. Bởi thế, nếu chúng ta có thể nhận ra tự tánh tâm trong cõi trung gian như bây giờ, khi bậc thầy khai thị, thì chắc chắn sẽ đạt giác ngộ. Bởi vậy, ngay từ bây giờ trở đi, ta phải tập quen với tự tánh tâm nhờ thực hành thiền định.

 

Âm lịch

Ảnh đẹp