Kinh nghiệm đầu tiên của tôi về sự chết xảy đến vào
lúc tôi khoảng chừng bảy tuổi. Chúng tôi đang chuẩn bị rời vùng cao nguyên
miền đông để du hành đến vùng trung tâm của Tây Tạng. Samten, một
trong những thị giả của thầy tôi, là một thầy tu kỳ diệu rất tử tế đối với
tôi lúc tôi còn bé. Ông có gương mặt sáng tròn mủm mĩm luôn sẵn sàng nở nụ
cười. Ông được mọi người trong tu viện yêu mến vì tính tình ông thật tốt.
Hàng ngày thầy tôi thường giảng dạy, làm phép quán đảnh, dẫn đầu những
buổi lễ hay những thời khóa tu tập. Đến cuối ngày, tôi thường họp chúng
bạn để đóng tuồng, diễn lại những công việc làm trong ngày, Thầy Samten
luôn luôn cho tôi mượn tạm những bộ y phục mà thầy tôi đã mặc hồi
sáng. Thầy chả bao giờ từ chối tôi việc gì.
Rồi bỗng
Samten ngã bệnh, và điều rõ rệt là thầy sẽ không sống được nữa.
Chúng tôi phải trì hoãn cuộc hành trình. Tôi không bao giờ quên được hai
tuần lễ kế tiếp. Mùi hôi thối của chết chóc đang lơ lửng như đám mây phủ
trên mọi sự. Mỗi khi tôi nhớ về khoảng thời gian ấy, thì cái mùi đó lại
trở lại trong tôi. Tu viện ngập tràn một ý thức mãnh liệt về cái chết. Tuy
vậy, điều này tuyệt nhiên không có gì ghê gớm hãi hùng; vì với sự hiện
diện của thầy tôi, cái chết của thầy Samten mang một ý nghĩa đặc
biệt. Nó trở thành một bài học cho tất cả chúng tôi.
Thầy
Samten nằm trên chiếc gường cạnh cửa sổ trong một điện thờ nhỏ tại tư
dinh của thầy tôi. Tôi biết thầy đang từ từ chết. Thỉnh thoảng tôi đi vào
phòng, ngồi bên thầy. Thầy không nói được nữa, và tôi kinh ngạc trước sự
đổi thay của gương mặt thầy, bây giờ đã xệ xuống trông thật hốc hác. Tôi
nhận ra rằng thầy sắp từ giã chúng tôi, và chúng tôi sẽ không bao giờ còn
gặp lại thầy. Tôi cảm thấy vô cùng buồn bã cô đơn.
Samten không chết dễ dàng cho lắm. Hơi thở khó khăn nặng nhọc của thầy
luôn ám ảnh chúng tôi, và chúng tôi có thể ngửi thấy cả cái mùi thân xác
thầy đang tàn tạ. Tu viện hoàn toàn im lặng, không một tiếng động ngoại
trừ tiếng hơi thở của thầy. Mọi sự đều tập trung vào thầy Samten.
Nhưng, dù cơn hấp hối kéo dài của Samten thật đau đớn, chúng tôi
vẫn thấy được rằng, tự trong thẳm sâu của con người thầy, đang có một niềm
bình an và tin tưởng. Lúc đầu tôi không thể giải thích được điều này,
nhưng rồi tôi hiểu tại sao. Đó là nhờ ở đức tin của thầy, công phu tu tập
của thầy, và sự hiện diện của thầy chúng tôi. Mặc dù buồn bã, tôi cũng
biết rằng khi có thầy tôi đó thì mọi sự sẽ yên ổn, vì thầy sẽ giúp cho
thầy Samten đạt giải thoát. Về sau tôi được biết rằng, bất cứ hành
giả mật tông nào cũng đều mơ ước được chết trước thầy mình, và có cái diễm
phúc được thầy tiếp dẫn trong lúc chết.
Trong
lúc thầy tôi bình tĩnh hướng dẫn thầy Samten trải qua cái chết,
ngài chỉ cho thầy biết từng giai đoạn một của tiến trình chết mà thầy sẽ
gặp. Tôi rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết rõ ràng minh bạch của thầy tôi,
trước vẻ tin tưởng và bình an nơi ngài. Khi có sự hiện diện của thầy tôi,
người cả lo nhất cũng phải an tâm. Bây giờ Jamyang Khientse đang
chứng tỏ cho chúng tôi thấy đức vô úy ngài đối với sự chết. Không phải
ngài coi thường nó: Ngài thường bảo chúng tôi rằng ngài sợ nó, và cảnh cáo
chúng tôi đừng có ngây ngô tưởng chết là dễ. Nhưng cái gì đã khiến thầy
tôi đối diện cái chết với thái độ nhẹ nhàng lãnh đạm, thực tiễn mà lại
thoải mái lạ lùng như thế? Câu hỏi ấy đã thâm nhập trong đầu tôi, làm tôi
đầy kinh ngạc.
Cái chết
của Samten đã làm tôi chấn động. Thế là mới bảy tuổi đầu, tôi đã
thoáng thấy năng lực rộng lớn của truyền thống tôn giáo trong đó tôi dự
phần, và tôi chợt hiểu được mục đích của sự tu hành. Nhờ tu hành, mà
Samten đã chấp nhận được cái chết cũng như hiểu rõ rằng nỗi đau đớn có
thể là một phần của quá trình thanh luyện rất tự nhiên và sâu xa. Nhờ tu
hành, mà thầy tôi đã có một hiểu biết trọn vẹn về sự chết, và một kỹ thuật
minh bạch để hướng dẫn người khác đi vào cõi chết.
Sau khi thầy Samten
chết, chúng tôi khởi hành đi Lhasa, thủ đô Tây Tạng. Đấy là một
cuộc hành trình gian nan suốt ba tháng trên lưng ngựa. Từ đấy chúng tôi
tiếp tục cuộc hành hương đến những thánh tích ở trung
ương và miền nam Tây Tạng, những di tích
của các bậc thánh, vua chúa và học giả đã có công du nhập đạo Phật vào Tây
Tạng từ thế kỷ thứ bảy trở đi. Thầy tôi là hiện thân của nhiều bậc thầy
thuộc đủ mọi truyền thống, và vì thầy nổi tiếng như thế nên chúng tôi đi
đến đâu cũng được đón tiếp rất rộn ràng.
Đối với tôi, cuộc hành
trình ấy rất hấp dẫn và đã để lại trong tôi nhiều hoài niệm tốt đẹp. Người
Tây Tạng quen dậy sớm để sử dụng tối đa ánh sáng thiên nhiên. Chúng tôi đi
ngủ vào lúc trời sập tối và thức dậy trước bình minh, và khi tia sáng đầu
tiên vừa ló dạng thì những con trâu yaks chở hành lý đã bắt đầu di
chuyển. Những lều trại được nhổ lên, căn lều của thầy tôi nhổ sau chót.
Một thanh niên sẽ đi trước để chọn chỗ tốt cho việc cắm lều trại, nơi
chúng tôi sẽ dừng khoảng giữa trưa để nghỉ ngơi đến hết ngày. Tôi thường
thích cắm trại cạnh một con sông để nghe tiếng nước chảy, hoặc để ngồi
trong lều mà nghe mưa tí tách trên mái.
Đoàn người chúng tôi có
tất cả khoảng chừng ba mươi căn lều. Suốt ngày tôi cỡi một con ngựa màu
vàng bên cạnh thầy tôi. Trong khi chúng tôi cỡi ngựa, thầy tôi giảng dạy
cho tôi, kể chuyện, niệm chú, và đặt ra một số phương pháp cho tôi thực
hành giáo lý. Một ngày kia, khi chúng tôi tiến gần đến hồ thiêng
Yamdrok và thoáng thấy bóng mặt nước ngời sáng như xa cừ của nó, thì
một vị Lạt ma trong đoàn lữ hành, Lạt ma Tseten, bắt đầu chết.
Cái chết của Tseten
là một bài học sống động khác nữa đối với tôi. Ông là thầy của bà vợ tâm
linh của thầy tôi, Khandro Tsering Chodron, hiện nay vẫn còn. Bà
được xem như nữ hành giả mật tông xuất sắc nhất của Tây Tạng, một bậc thầy
mai danh ẩn tích mà đối với tôi là một hiện thân của đức hy sinh tận tụy.
Nội một sự hiện diện đầy trìu mến của bà cũng đủ dạy cho tôi rất nhiều.
Lama Tseten là người có lòng nhân ái vô biên, Ông tuổi
ngoại lục trần, khổ người khá cao và tóc
đã hoa râm. Ông tỏa ra một sự dễ thương không chút nào gắng gượng. Ông
cũng là một thiền giả tu chứng cao, chỉ cần ở cạnh ông cũng đủ đem lại cho
tôi một cảm giác thanh bình và trong sáng. Một đôi khi ông rầy la tôi, và
tôi cũng khá sợ hãi; nhưng mặc dù thỉnh thoảng ông có hơi nghiêm khắc, ông
vẫn luôn luôn đầy tính nhân hậu.
Lama Tseten chết
một cách phi phàm. Mặc dù có một tu viện gần đấy, ông không chịu đến, bảo
rằng ông không muốn để lại cho người ta một cái xác phải thu dọn. Bởi thế
chúng tôi dựng lều trại thành vòng tròn như thường lệ. Khandro săn
sóc đều dưỡng cho Lama Tseten, thầy giáo đạo của bà. Chúng tôi là
hai người duy nhất có mặt trong lều của ông, khi ông cất tiếng gọi. Ông
thường gọi là Khandro là “a-mi” tiếng nói địa phương ông, có nghĩa
là “con ta”.
- Này con, hãy lại đây. Nó đang
đến. Ta không còn gì để khuyên bảo con thêm nữa. Con rất tốt, ta lấy làm
sung sướng vì con. Hãy phụng sự bậc thầy của con như bấy lâu con đã làm.
Lập tức bà khởi sự chạy ra
khỏi lều, nhưng ông đã nắm lấy tay áo bà lại.
- Con đi đâu thế?
Bà trả lời:
- Con sẽ đi gọi
Rinpoche.
Ông mỉm cười:
- Chớ làm phiền ông ta,
không cần thiết. Đối với bậc thầy, vốn không bao giờ có khoảng cách nào
giữa chúng ta.
Với những lời lẽ ấy, ông đưa
mắt nhìn lên trời rồi chết. Khandro thoát được khỏi tay ông và chạy
vội ra để gọi thầy tôi. Tôi ngồi yên bất động tại chỗ, kinh ngạc khi thấy
một người nhìn thẳng mặt cái chết với thái độ bình thản như vậy. Lama
Tseten đáng lẽ có thể nhờ thầy mình thân hành đến giúp - một điều mà
bất cứ người nào khác đều mong mỏi – nhưng ông ta lại không cần. Bây giờ
tôi đã hiểu tại sao: Tại vì ông đã trực nhận sự hiện diện của bậc thầy ở
trong tâm mình. Jamyang Khientse vẫn luôn luôn ở bên ông, trong đầu
óc và trái tim của ông; ông không bao giờ cảm thấy có sự ngăn cách nào cả.
Khandro đã đi mời
thầy tôi, Jamyang Khientse. Tôi không sao quên được cái lúc ông
khom lưng để bước vào căn lều. Ông đưa mắt nhìn vào mặt của Lama Tseten
rồi nhìn sâu vào đôi mắt, và khởi sự cười khúc khích. Ông thường gọi
Lama Tseten là “La Ghen”, vị lạt ma già, một cách gọi âu yếm
của ông. Ông bảo:
- La Ghen, đừng có
ở trong trạng thái đó.
Bây giờ tôi hiểu rằng, lúc đó
thầy tôi đã thấy Lama Tseten đang nhập vào một thứ định trong đó
hành giả tan hòa bản chất của tâm mình với không gian của chân lý.
- Ông biết chứ, La-Ghen,
nếu ông nhập định này, thì một đôi khi có vài chướng ngại vi tế có thể
phát sinh. Nào, ta sẽ hướng dẫn ông.
Sửng sốt, tôi ngắm nhìn những
gì xảy ra kế tiếp, và nếu không phải chính mắt tôi trông thấy thì tôi sẽ
không bao giờ tin được. Lama Tseten sống lại. Rồi thầy tôi ngồi một
bên ông ta, hướng dẫn thần thức ông đi vào cõi chết. Có nhiều cách làm
việc này, và cách mà thầy tôi đang sử dụng lúc đó kết thúc với ba lần thầy
thốt lên âm “A”. Khi thầy tôi thốt tiếng “A” đầu tiên, chúng tôi có thể
nghe Lama Tseten nói theo khá rõ. Lần thứ hai, giọng ông
không rõ nữa, và lần thứ ba thì hoàn toàn im lặng: Ông đã chết.
Cái chết của Samten đã
dạy cho tôi mục đích của sự tu hành, cái chết của Lama Tseten cho
tôi thấy rằng những hành giả thuộc tầm cỡ như ông lúc sinh thời vẫn ẩn
giấu những khả năng kỳ diệu của mình, và đôi khi chỉ bày tỏ chúng một lần
mà thôi, vào lúc chết. Mặc dù còn bé xíu, tôi cũng đã hiểu rằng có một sự
khác nhau rõ rệt giữa cái chết của Samten và của Lama Tseten,
đó là sự khác nhau giữa cái chết của một thầy tu tử tế có hành trì lúc
sinh thời, và cái chết của một hành giả có nội chứng tâm linh sâu xa hơn
nhiều. Samten chết một cái chết bình thường và chết trong đau đớn,
nhưng với sự bình an của đức tin; còn cái chết của Lama Tseten là
một sự thi triển thần thông của sự làm chủ tâm ý.
Ngay sau tang lễ Lama Tseten,
chúng tôi di chuyển lên tu viện Yamdrok. Như lệ thường, tôi ngủ
cạnh thầy tôi trong phòng ông, và tôi còn nhớ đêm ấy tôi đang ngắm những
cái bóng của những ngọn đèn thắp bằng bơ nhảy múa trên vách tường. Trong
lúc mọi người ngủ say, tôi đã nằm thức và khóc suốt đêm trường. Điều ấy
tôi hiểu rằng cái chết là một sự thật, và cả tôi nữa cũng sẽ phải chết.
Khi tôi nằm đấy suy nghĩ về sự chết và về cái chết của chính tôi, qua tất
cả nỗi đau buồn đó, trong tôi một ý thức sâu xa dần dần ló dạng, đó là ý
thức rằng “mình phải chấp nhận nó”. Và với ý thức ấy, tôi quyết định cống
hiến cuộc đời mình cho sự tu tập tâm linh.
Thế là tôi đã khởi sự giáp
mặt cái chết và những hàm ẩn của nó khi tuổi còn rất nhỏ. Lúc ấy tôi không
bào giờ tưởng tượng được rằng ta phải trải qua biết bao nhiêu là cái chết
dồn dập, hết cái chết này tới cái chết khác. Cái chết mất nước Tây Tạng
sau khi Trung quốc xâm chiếm. Cái chết lưu đày. Cái chết mất mọi thứ mà
gia đình tôi và tôi đã sở hữu. Gia đình tôi, Lakar Tsang, đã từng
là một trong những nhà giàu nhất xứ Tây Tạng. Từ thế kỷ thứ mười bốn, gia
đình tôi đã nổi tiếng là một trong những thí chủ quan trọng nhất của Phật
giáo, bằng cách hỗ trợ sự hoằng dương chánh pháp và giúp các bậc thầy vĩ
đại trong những công trình của họ.
Nhưng cái chết tàn phá tôi
hơn tất cả thì chưa xảy tới, đó là cái chết của thầy tôi, Jamyang
Khientse. Khi ngài mất, tôi cảm như nền móng cuộc đời tôi đã sụp đổ.
Đấy là vào năm 1959, năm mà nước Tây Tạng sụp đổ. Đối với người Tây Tạng,
cái chết của thầy tôi là một số ác liệt thứ hai, và đối với xứ Tây Tạng,
cái chết ấy đánh dấu sự cáo chung của một thời đại.
CÁI CHẾT
TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN
Khi mới đến Tây phương lần đầu, tôi hoàn toàn
kinh ngạc vì sự trái ngược giữa những thái độ đối với cái chết ở đây với
những gì tôi đã quen thuộc từ bé. Mặc dù đã đạt đến nhiều thành quả kỹ
thuật, xã hội tân tiến phương tây vẫn chưa có hiểu biết thực sự nào về cái
chết hoặc những gì xảy ra trong khi chết hay sau khi chết.
Tôi được biết rằng người ngày nay được dạy
phải phủ nhận cái chết, xem nó không có ý nghĩa gì ngoài ra là sự hoàn
toàn hủy diệt, tiêu vong. Điều đó có nghĩa rằng phần đông người trên thế
giới ngày nay hoặc sống trong sự phủ nhận cái chết hoặc sợ hãi nó. Ngay cả
việc nói về cái chết cũng được xem là điềm gở, nhiều người tin rằng nhắc
đến cái chết thì cũng gần như là mong nó
xảy đến cho mình.
Nhiều người khác nhìn cái chết với một sự vui
vẻ ngây ngô thiếu suy nghĩ, tưởng chừng như vì một lý do bí ẩn nào đó, cái
chết sẽ đến với họ một cách êm thấm, không có gì phải lo ngại. Khi nghĩ
đến những người này, tôi nhớ lời một bậc thầy của Tây Tạng nói:
- Người ta thường khinh suất về sự chết và cứ
nghĩ: “Ôi! Hơi đâu mà lo cho mệt, ai rồi cũng phải chết, chuyện đó tự
nhiên quá mà. Tôi thì khỏi lo.” Nhưng đấy chỉ là lý thuyết, đến khi
sắp chết mới biết không phải là chuyện đơn giản.
Trong hai thái độ nói trên về cái chết, thì
một thái độ xem chết như chuyện gở cần né tránh, một xem chết là một điều
sẽ xảy đến tự nhiên không cần lo nghĩ. Nhưng cả hai đều hoàn toàn cách xa
sự am hiểu ý nghĩa đích thực của cái chết.
Mọi truyền thống tôn giáo lớn nhất của nhân
loại, dĩ nhiên trong đó có Ki tô giáo, đều nói rõ cho ta biết rằng
chết không phải là hết. Các tôn giáo ấy đều nói đến một viễn ảnh về đời
sắp đến, khiến cho cuộc đời hiện tại ta đang sống mang đầy ý nghĩa thiêng
liêng. Nhưng mặc dù có những giáo lý như vậy, phần lớn xã hội tân tiến vẫn
là một sa mạc tâm linh ở đấy đa số người tưởng chừng như cuộc đời này là
tất cả. Vì thiếu một đức tin chân chính về đời sau, họ sống mà không có
một mục đích tối hậu nào cả.
Tôi đã nhận ra rằng thái độ chối bỏ cái chết
có những hậu quả khốc hại vượt ngoài phạm vi cá nhân, nó ảnh hưởng tới
hoàn thể hành tinh này. Vì tin tưởng chỉ có cuộc đời này mà thôi, không có
đời nào khác, cho nên người thời nay không phát triển một tri kiến sâu xa
nhắm đến trường kỳ. Do đó không có gì để ngăn cản họ khỏi cướp bóc quả địa
cầu vì những mục tiêu cấp thời, hoặc ngăn họ sống một cách ích kỷ gây tai
họa cho tương lai. Chúng ta còn cần bao nhiêu lời cảnh cáo khác nữa, giống
như lời sau đây của ông Bộ trưởng xứ Brazil về Môi sinh, người chịu
trách nhiệm bảo vệ rừng Amazone.
- Xã hội kỹ nghệ tân tiến quả là một thứ
tôn giáo cuồng tín. Chúng ta đang phá hoại, làm nhiễm độc, hủy diệt tất cả
mầm sống trên hành tinh này. Chúng ta đang ký những giấy nợ mà con cháu
chúng ta sẽ không thể trả... Chúng ta đang làm như thể mình là thế hệ cuối
cùng trên hành tinh này. Nếu không có một biến cải tận gốc về tâm, trí và
lối nhìn, thì trái đất sẽ kết thúc như
Vénus, cháy
thành than và chết.
Sự sợ chết và không biết đến
đời sau quả đang cung cấp nhiên liệu cho sự thiêu hủy sinh môi đe dọa tất
cả đời sống chúng ta. Vậy có phải là sự thể càng phiền phức hơn nếu người
ta không được học tập về chết là gì, hoặc làm thế nào để chết? Nếu người
ta không được thấy vài hy vọng vào những gì nằm sau cái chết, và bởi thế,
biết được những gì thực sự nằm sau sự sống? Có gì mỉa mai hơn, khi giới
trẻ được học đầy đủ mọi môn ngoại trừ môn học duy nhất chứa đựng chìa khóa
mở ra toàn thể ý nghĩa cuộc đời, và có thể là mở đến chính sự sinh tồn của
chúng ta?
- Bạn có tin có đời sau không?
Không phải hỏi họ có tin ở một lý thuyết
triết học về đời sau không, mà hỏi họ có cảm thức niềm tin ấy một cách sâu
xa trong tim họ không. Bậc thầy biết rằng nếu người ta tin có đời sau, thì
toàn bộ nhân sinh quan của họ sẽ khác, họ sẽ ý thức rõ về trách nhiệm cá
nhân và về đạo đức. Những gì các bậc thầy phải hoài nghi là, với những
người không tin có đời sau, thì có nguy cơ là họ sẽ kiến tạo một xã hội
chỉ nhắm đến những kết quả đoản kỳ, không cần suy nghĩ nhiều về hậu quả
hành động. Phải chăng điều này có thể là lý do chính tại sao chúng ta đã
tạo nên một thế giới tàn bạo như hiện nay, một thế giới ít có lòng bi mẫn
thực sự?
Đôi khi tôi nghĩ rằng những nước giàu mạnh
nhất của thế giới đã phát triển thật giống như những cõi trời mô tả trong
kinh. Trong kinh mô tả loài chư thiên sống cực kỳ xa hoa, hưởng đủ mọi lạc
thú, không lo lắng gì về chiều hướng tâm linh của cuộc đời. Mọi sự xảy ra
thật tốt đẹp cho đến khi cái chết đến gần, với những suy tưởng bất ngờ
xuất hiện. Khi ấy những bà vợ và tình nhân của họ không dám đến gần họ,
chỉ đứng từ xa mà tung hoa tới, với lời cầu nguyện chiếu lệ rằng mong cho
họ được sanh làm trời trở lại. Không một hoài niệm nào về những hạnh phúc
hay tiện nghi đã qua có thể làm nơi trú ẩn cho họ khỏi cái khổ trước mắt,
trái lại càng làm cho nó bi đát hơn. Cứ thế những vị trời bị bỏ rơi cho
chết trong cô đơn khốn khổ.
Số phận những vị trời ấy làm tôi nhớ đến cách
người ta đối xử với những người lớn tuổi, người bệnh và người sắp chết
hiện nay. Xã hội chúng ta bị ám ảnh bởi tuổi trẻ, dục tính, quyền lực, và
chúng ta tránh né tuổi già, tránh né sự tàn tạ. Có phải thật kinh khủng,
khi ta bỏ rơi người già vì cuộc đời hoạt động của họ đã chấm dứt, họ không
còn ích lợi nữa? Có phải thật ray rứt khi ta tống họ vào nhà dưỡng lão, ở
đấy họ phải chết trong cô độc, bị ruồng bỏ?
Phải chăng cũng đã đến lúc ta phải nhìn lại
cách ta đối xử với những người mắc bệnh nan y như ung thư và AID? Tôi biết
một số người đã chết vì bệnh AID, và đã thấy họ thường bị cả đến bạn bè
cũng xem họ như những tiện dân. Dấu ấn gắn liền với cơn bệnh đã đưa họ tới
chỗ tuyệt vọng, làm cho họ cảm thấy đời mình thật ghê tởm, và dưới mắt
người khác thì đời họ coi như đã chấm dứt.
Ngay cả khi một người ta quen biết hay thương
mến sắp chết, nhiều người cũng không biết phải làm sao để giúp đỡ họ; và
khi họ chết, không ai khuyến khích ta nên có một ý niệm gì về tương lai
của người chết, họ sẽ ra sao, làm sao ta có thể tiếp tục giúp đỡ họ. Quả
thế, mọi ý nghĩ tương tự đều dễ bị xua đuổi xem là lố bịch, vô nghĩa.
Tất cả điều này cho ta thấy rõ rằng, hơn
bao giờ hết, chúng ta đang cần một sự thay đổi căn để trong thái độ đối
với cái chết và người sắp chết.
May thay, những thái độ đã bắt đầu thay đổi.
Phong trào Tiếp dẫn đường chẳng hạn, đang làm những công việc kỳ diệu là
đem lại sự săn sóc thuộc phạm vi thực tiễn và tình cảm. Tuy nhiên, sự săn
sóc thực tiễn và tình cảm chưa đủ; dĩ nhiên người hấp hối cần được săn sóc
yêu mến, song họ còn cần một cái gì sâu sắc hơn nữa. Họ cần khám phá một ý
nghĩa thực thụ cho cái chết và sự sống. Không thế thì làm sao chúng ta có
thể đem lại cho họ niềm an lạc tối hậu? Bởi vậy, giúp đỡ người hấp hối còn
cần đến khả năng tâm linh, vì chỉ nhờ có kiến thức về tâm linh mà chúng ta
mới có thể thực sự hiểu và đối mặt với cái chết.
Tôi lấy làm phấn chấn tinh thần khi những năm
gần đây, toàn bộ vấn đề chết và hấp hối đã được mở ra ở Tây phương nhờ
những nhà tiên phong như Elizabeth Kubler-Ross và Raymond
Moody. Khi nhìn kỹ cách thức chúng tôi săn sóc người sắp chết,
Elizabeth Kubler Ross đã chứng minh rằng, với một tình yêu vô điều
kiện, và một thái độ có tuệ giác, thì cơn hấp hối có thể trở thành một
kinh nghiệm an lành, chuyển hóa. Những nghiên cứu khoa học về nhiều phương
diện khác nhau của kinh nghiệm cẩn-tử (khi cần chết) ra đời tiếp theo tác
phẩm của Raymond Moody đã cho nhân loại thấy một hy vọng mãnh liệt
sinh động rằng cuộc đời không phải chấm dứt với cái chết, và quả thực còn
có một đời ở sau cuộc đời.
Rủi thay, có vài người không
thực hiểu ý nghĩa trọn vẹn của những khám phá ấy về sự chết. Họ đi đến cực
đoan thi vị hóa cái chết, và tôi đã nghe những trường hợp bi đát về những
thanh niên đã tự sát bởi vì họ tin rằng chết là tốt đẹp và là một lối
thoát khỏi những đau buồn trong đời họ. Nhưng cả hai thái độ, sợ chết và
ưa chết, đều là một kiểu trốn tránh. Chết không đáng buồn cũng không đáng
vui, đó chỉ là một sự kiện hiển nhiên của cuộc đời.
Thật đáng buồn, là phần đông chúng ta chỉ bắt
đầu thưởng thức được hương vị đời sống khi chúng ta sắp sửa chết. Tôi
thường nghĩ về lời nói của bậc đạo sư Padmasambhava (Liên Hoa
Sanh):
- Những người tin rằng họ còn có nhiều thời
gian chỉ
chuẩn bị lúc cái chết đến. Khi ấy thì
họ ân hận vô cùng. Nhưng có phải là đã quá muộn hay không?
Về thế giới hiện nay, có lời
bình luận nào rùng rợn hơn nhận xét rằng đa số người chết mà không chuẩn
bị cho cái chết, cũng như họ đã sống mà không chuẩn bị cho đời sống?
CUỘC HÀNH TRÌNH QUA SỐNG
CHẾT
Theo sự minh triết của Phật, thì chúng ta có
thể thực sự dành cả đời mình để chuẩn bị cho cái chết. Chúng ta không cần
chờ đến khi có người thân đang chết một cách khó nhọc, hoặc khi gặp bạo
bệnh bất ngờ, mới miễn cưỡng nhìn lại đời mình. Chúng ta cũng không buộc
phải đi tay không vào lúc chết để gặp cái điều xa lạ mình chưa biết. Ta có
thể khởi sự ngay tại đây và bây giờ, tìm ra ý nghĩa cho đời mình. Ta có
thể biến mọi lúc thành một cơ hội để cho ta thay đổi và chuẩn bị - một
cách nhiệt tình, minh bạch, và an tâm – cho cái chết và vĩnh cửu.
Theo đạo Phật, sống và chết được xem như một
toàn thể, ở đây chết chỉ là khởi đầu của một chương mới. Chết như một tấm
gương trong đó phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời.
Quan điểm ấy là cốt tủy trong những giáo lý
thuộc trường phái cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nhiều độc giả có lẽ
đã nghe nói về quyển Tử thư của Tây Tạng. Điều tôi định làm trong
tác phẩm này là giải thích và khai triển cuốn Tử thư ấy, để bao gồm
không những cái chết mà cả đến sự sống nữa, bổ túc chi tiết toàn thể nền
giáo lý trong đó Tử thư chỉ là một phần. Trong nền giáo lý vi diệu
này, chúng ta tìm thấy toàn bộ sự sống chết được trình bày song hành như
một chuỗi dài những thực tại thoáng chốc luôn luôn biến chuyển được biết
dưới danh từ Bardos, sự mờ mịt, danh từ này thông thường dùng để mô
tả trạng thái trung gian giữa chết và tái sanh, nhưng kỳ thực, Bardo
đang xảy ra liên tục suốt cả trong đời sống lẫn trong cái chết, và là
những giao thời cao điểm mà nếu biết vận dụng, nó có thể đưa đến giác ngộ
giải thoát.
Những Bardos là cơ hội ngàn năm một
thuở để giải thoát bởi vì, theo giáo lý, có một vài thời điểm có mãnh lực
hơn những lúc khác rất nhiều, đầy tiềm năng hơn, vào lúc ấy bất cứ gì ta
làm đều có một ảnh hưởng quan trọng sâu xa. Tôi nghĩ Bardo giống
như lúc mà bạn bước qua lề của một vực thẳm; chẳng hạn như lúc bậc thầy
khai thị cho đệ tử thấy bản lai diện mục của y. Nhưng một trong những thời
điểm lớn lao nhất, đầy tiềm năng nhất, đó là lúc chết.
Theo Phật giáo Tây Tạng, ta có thể chia toàn
thể hiện hữu của mình thành bốn thực tại liên tục nối tiếp nhau:
Vì giáo lý về Bardo có
tính chất lớn lao bao trùm toàn diện như thế, nên sách này đã được cấu
trúc khá kỹ lưỡng. Bạn đọc sẽ được hướng dẫn từ giai đoạn này đến giai
đoạn khác trong quá trình khai mở tri kiến về cuộc hành trình sinh tử.
Cuộc thám hiểm của chúng ta đương nhiên phải khởi sự bằng một sự suy
nghiệm chân xác để biết chết nghĩa là gì, và nhiều mặt khác nhau của sự
thật về vô thường. Đó là loại tư duy có thể giúp ta tận dụng đời sống này
trong khi chúng ta còn có thời gian, để bảo đảm khi chết sẽ không còn gì
ân hận hay tự trách đã uổng phí một đời. Như Milarepa bậc thánh thi
sĩ nổi tiếng của Tây Tạng đã nói:
- Tôn giáo của tôi là sống và chết làm sao để
khỏi ân hận.
Khi quán chiếu sâu xa về thông điệp của vô
thường – cái gì quả thực đang nằm bên kia vô thường và sự chết – chúng ta
đi thẳng tới trong tâm của giáo lý cổ xưa và đầy quyền năng của Tây Tạng,
đó là bản chất tinh túy của tâm, hay tự tánh của tâm. Sự trực nhận bản
chất của tâm (trực ngộ bản tâm) – mà ta có thể gọi là tinh túy sâu
xa nhất của chúng ta, cái sự thật mà tất cả chúng ta đều mong tìm đạt –
chính là chìa khóa của sự thấu hiểu về sống chết. Vì vào lúc chết, điều
thực sự xảy ra là, chỉ có cái tâm thường ngày (tức là ý thức do năm giác
quan đem lại) và những vọng tưởng của nó chết đi, và trong khoảng
hở này, bản
chất vô biên của tâm ta, như một bầu trời bao la vô hạn, được hiển lộ. Bản
chất tinh túy này của tâm, hay tâm bản nhiên, chính là bối cảnh cho toàn
thể sự sống và chết, giống như bầu trời ôm trọn cả vũ trụ.
Giáo lý dạy rõ rằng, nếu chúng
ta chỉ biết về tâm như là cái phần phải tan rã khi ta chết (nghĩa là ý
thức thuộc năm giác quan – ND), thì chúng ta sẽ không biết gì về những gì
sẽ tiếp tục, không có một ý niệm nào về một “chiều không gian mới”,
nghĩa là về cái tâm bản nhiên, một thực tại sâu xa hơn nhiều. Bởi
thế, điều tối cần với chúng ta là phải làm quen với tâm bản nhiên
trong khi ta còn sống. Có vậy chúng ta mới sẵn sàng để đón nhận nó khi nó
hiển lộ một cách tự nhiên và mãnh liệt vào lúc ta chết; có vậy ta mới có
thể nhận ra nó “một cách tự nhiên như một đứa trẻ chạy đến nấp vào gối
mẹ”, như giáo lý đã nói. Và khi ta an trú trong trạng thái đó, cuối
cùng sẽ được giải thoát.
Sự mô tả về tâm bản nhiên đương
nhiên dẫn đến một nền giáo dục đầy đủ về thiền định, vì thiền là cách duy
nhất, giúp ta có thể hé thấy, rồi dần dần trực nhận và an trú cái tâm bản
nhiên ấy. Kế tiếp sẽ đến phần giải thích bản chất của tiến hóa nhân loại,
tái sanh, nghiệp, để bạn đọc có một ý niệm đầy đủ về ý nghĩa cuộc lộ trình
của chúng ta qua sinh tử.
Ngang đây có lẽ bạn đọc đã có đủ tri kiến để
có thể đi vào trọng tâm của quyển sách này:
Một trình
bày bao quát về cả bốn Bardos và các giai đoạn khác của sự chết,
rút từ nhiều kinh điển. Giáo lý, lời khuyên thực tiễn, những sự luyện tâm,
được trình bày chi tiết để giúp chúng ta và những người khác kinh quá cuộc
sống, kinh quá giai đoạn hấp hối, cái chết và giai đoạn sau khi chết. Sách
này kết thúc bằng một viễn tượng về giáo lý Bardo có thể giúp ta
hiểu thấu bản chất thâm sâu nhất của nhân tâm và vũ trụ như thế nào.
Nhiều sinh viên thường hỏi tôi:
- Làm sao ta biết được những Bardos ấy
là gì, từ đâu có được giáo lý minh bạch một cách lạ lùng về Bardo,
trí kiến khúc chiết về từng giai đoạn một của quá trình chết, về sự chết
và tái sinh ấy?
Đối với nhiều độc giả, câu trả
lời mới nghe dường như khó hiểu, bởi vì khái niệm về tâm mà tây phương
hiện có, là một khái niệm hết sức hẹp hòi. Mặc dù những năm gần đây có
những sự vượt rào đáng kể, nhất là về khoa học tâm sinh lý và về tâm thức
siêu việt, đại đa số các nhà khoa học vẫn tiếp tục xem tâm chỉ là những
quá trình vật lý trong não bộ, điều này đi ngược lại chứng cứ của hàng
ngàn năm kinh nghiệm của các nhà thần bí và các thiền giả thuộc mọi truyền
thống tôn giáo.
Vậy thì từ nguồn thẩm
quyền nào
mà một quyển sách như thế này được viết ra? Một học giả Hoa kỳ đã viết:
- Nội minh
của đạo Phật được căn cứ trên một tri
kiến bao quát về thực tại, trên một tuệ giác sâu xa về tự ngã và hoàn cảnh
xung quanh; nghĩa là, trên sự toàn giác của đức Phật (*).
Nguồn gốc của giáo lý về Bardo là tâm
giác ngộ, cái tâm đã hoàn toàn tỉnh thức của Phật được chứng nghiệm và
giảng giải bởi một dọc dài những bậc đạo sư kể từ đức Phật Nguyên ủy trở
về sau. Những khám phá tỉ mỉ và thận trọng – có thể bảo là rất khoa học -
của các ngài, và cách lập thành công thức những khám phá ấy về tâm linh
qua nhiều thế kỷ, đã cho ta một bức tranh đầy đủ nhất có thể có về cả sự
sống lẫn sự chết. Chính bức tranh toàn diện này mà, được cảm hứng từ
Jamyang Khientse thầy tôi và những bậc thầy vĩ đại khác, lần đầu tiên
tôi đang cố truyền đạt lại cho người tây phương.
Trải qua nhiều năm thiền quán, giảng dạy và
thực tập, thỉnh vấn những bậc thầy để sáng tỏ vấn đề, tôi đã viết ra quyển
Tạng thư về sống chết này, như một đúc kết tinh hoa những lời
khuyên tâm huyết của các bậc thầy tôi, để trở thành một Tử thư Tây Tạng
và một Sinh thư Tây Tạng mới. Tôi muốn nó sẽ là một sách dẫn, một
sách tham khảo, và một nguồn cảm hứng thiêng liêng. Chỉ nhờ đọc đi đọc lại
nhiều lần, tôi xin gợi ý, bạn mới có thể khám phá được nhiều tầng ý nghĩa
sâu xa của nó. Bạn sẽ thấy rằng càng sử dụng nó bao nhiêu, bạn càng thấy
những hàm ẩn của sách này bấy nhiêu, và càng nhận thức được chiều sâu của
sự minh triết đang được truyền đạt đến bạn qua nền giáo lý này.
Giáo lý Bardo chứng minh cho ta thấy
rõ những gì sẽ xảy đến nếu ta có chuẩn bị cho cái chết và những gì sẽ xảy
đến nếu chúng ta không chuẩn bị. Thật không thể có chọn lựa nào minh bạch
hơn. Nếu bây giờ chúng ta không chịu chấp nhận cái chết trong lúc ta đang
sống, thì chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt suốt cuộc đời, vào lúc chết, và
sau khi chết. Hậu quả sẽ là, ta tàn phá cả cuộc đời này và tất cả những
đời sắp tới. Ta sẽ không thể sống cuộc đời mình một cách viên mãn, ta sẽ
cứ bị giam hãm trong cái phần phải chết của ta. Sự vô minh này sẽ cướp đi
của ta cái căn bản của cuộc hành trình tiến đến giác ngộ, và khiến chúng
ta mãi mãi vướng vào cái bẫy của ảo tưởng, vào chu kỳ sống chết không được
kiểm soát, cái biển khổ mà Phật tử thường gọi là luân hồi.
Nhưng thông điệp chính của giáo lý Phật là,
nếu ta có chuẩn bị, thì có hy vọng tràn trề ở trong đời sống cũng như vào
lúc chết. Giáo lý đó cho ta thấy cái khả tính về một sự giải thoát vô giới
hạn, mà ta phải đạt đến ngay bây giờ trong đời này, sự giải thoát làm cho
chúng ta có thể chọn lựa cái chết của mình và bởi thế, chọn lựa sự sinh ra
của mình. Đối với một người có chuẩn bị và thực tập, thì cái chết đến với
họ không phải như một chiến bại mà là một chiến thắng, cái giờ phút vinh
quang nhất của cuộc đời.