Tạng thư Sống Chết
The Tibetan Book Of Living And
Dying
Sogyal Rinpoche
Ni sư Thích Nữ Trí Hải
dịch
--- o0o --
PHẦN BỐN: TỔNG KẾT
21- Tiến trình phổ quát
Bốn mươi năm sau khi Trung Quốc chiếm cứ Tây Tạng, thế
giới vẫn còn không biết gì về những chuyện xảy ra, không biết gì về tầm
mức kinh hoàng, phá hoại, và sự diệt chủng có hệ thống mà dân tộc Tây Tạng
đã và đang chịu đựng. Trên một triệu người trong số 6 triệu dân Tây Tạng
đã chết dưới bàn tay Trung Quốc ; những khu rừng rộng lớn của xứ Tây Tạng,
cũng cần thiết như rừng Amazon đối với sinh thái quả địa cầu, đã bị đốn
trụi, đời sống thiên nhiên hầu như đã bị tàn phá hoàn toàn, bình nguyên và
sông ngòi đã bị ô nhiễm vì phế thải hạt nhân, đại đa số tu viện trong số
sáu ngàn rưỡi ngôi tu viện đã bị phá hủy, dân tộc Tây Tạng đang đối diện
họa diệt vong, và vẻ huy hoàng của nền văn hóa Tây Tạng trên đất mẹ hầu
như hoàn toàn bị xóa sạch.
Ngay từ đầu, lúc Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào thập
niên 1950, nhiều sự tàn bạo dã man đã xảy ra. Những bậc thầy tâm linh,
tăng ni, là những mục tiêu trước hết, vì Trung Cọng muốn trước tiên là làm
cho dân mất tinh thần bằng cách xóa sạch mọi dấu vết đời sống tôn giáo.
Nhiều, thật nhiều câu chuyện đã đến nơi tôi trải qua bao năm nay, về những
cái chết phi thường, cảm động, trong những hoàn cảnh tệ hại nhất. Những
cái chết này đã làm chứng cho vẻ sáng chói của sự thật mà người Trung Quốc
lấy làm tức tối đã không phá nổi.
Ở phần đất tỉnh Kham của Tây Tạng, nơi tôi xuất thân, có
một vị khenpo (trú trì) già, đã trải nhiều năm nhập thất trong núi.
Người Trung Quốc tuyên bố họ sắp “trừng phạt” ngài - mà ai cũng hiểu có
nghĩa là tra tấn và giết chết - và gửi đến nơi ẩn cư một tiểu đội để bắt.
Vị trú trì quá yếu, không thể đi bộ, nên người Trung Quốc tìm cho ngài một
con ngựa già gầy để đi cuộc hành trình cuối của ngài. Họ trói ngài ngồi
trên lưng ngựa và dắt ngựa đi xuống con đường để đến trại quân. Ngài khởi
sự hát. Người Trung Quốc không hiểu được lời ca, nhưng những tu sĩ cùng bị
bắt với ngài về sau đã kể ngài hát “bài ca chứng đạo”, những bài ca tuyệt
đẹp tuôn phát tự nhiên từ những chiều sâu và niềm hỷ lạc của sự đắc đạo.
Từ từ đoàn người đi theo con đường ngoằn ngoèo xuống núi, những người lính
lầm lũi đi trong sự im lặng như đá, nhiều tu sĩ khóc, nhưng vị trú trì vẫn
hát suốt quảng đường.
Chẳng bao lâu trước khi đoàn người đến trại binh, ngài
ngưng hát và nhắm mắt. Toán người lại tiếp tục đi trong im lặng. Khi đi
qua cổng để vào trại, họ mới biết ngài đã viên tịch. Ngài đã lặng lẽ từ
giã nhục thân.
Ngài đã biết cái gì để làm cho ngài bình an đến thế, khi
đối diện cái chết ? Cái gì đã đem lại cho ngài niềm vui và vô úy để ca hát
vào những giây phút cuối cùng ? Có lẽ ngài đã hát một bài kiểu như những
câu thơ từ “Tia sáng Vô nhiễm”, di bút của Longchenpa, bậc thầy Dzogchen
vào thế kỷ 14 :
Trong bầu trời đêm không mây, mảnh trăng đầy
“Vua của các vì sao” sắp sửa lên…
Gương mặt đấng từ bi của con, Liên Hoa Sanh
Dẫn con đi, tỏa ra niềm đón chào đôn hậu
Niềm hỷ lạc của tôi trước cái chết
Còn vô vàn lớn hơn thương gia được của
Hơn các vị vua trời khi thắng trận
Hơn các bậc hiền nhân được hỷ lạc trong thiền
Nhu du khách khởi hành khi đến thời
Tôi sẽ không ở lại trong trần gian
Mà sẽ an trú trong thành trì đại lạc bất tử
Cuộc đời tôi đã xong, nghiệp tôi đã tận
Những lợi ích do cầu nguyện đem lại cũng không còn
Mọi việc thế gian đã chấm dứt, màn kịch cuộc đời đã
buông
Trong nháy mắt, tôi sẽ nhận ra tinh hoa của đời tôi
Trong không gian thuần tịnh bao la của trung giới
Bây giờ tôi sắp an vị trong nền tảng sự Toàn vẹn tối sơ
Nội tài trong tôi đã làm cho tâm người hạnh phúc
Tôi đã dùng ân phước đời này để thực hiện tất cả lợi
lạc của giải thoát
Hỡi các đệ tử cao quý, qua bao năm chung sống
Niềm vui san sẻ chân lý đã làm thầy mãn nguyện
Giờ đây nhân duyên với đời đang chấm dứt
Thầy như kẻ ăn xin hài lòng với cái chết
Đừng buồn cho thầy, mà hãy tiếp tục nguyện cầu
Đây là những lời tâm huyết để giúp các con
Như hoa sen nở, và các con trong niềm sùng tín như ong
sà vào hút mật ngọt của niềm hỷ lạc siêu trần
Nguyện nhờ công đức những lời này
Khiến cho hữu tình các cõi sinh tử
Đạt Niết-bàn trong nền tảng sự toàn vẹn tối sơ.
Đây chắc hẳn là lời của một người đã thành tựu sự chứng
ngộ cao nhất, cùng với những gì mà sự chứng ngộ ấy mang lại : niềm vui,
giải thoát và trí tuệ - mục tiêu của giáo lý này và của đời người. Tôi
nghĩ đến những bậc thầy như Longchenpa, và các bậc thầy tôi Jamjang
Khientse, Dilgo Khientse, Dudjom Rinpoche, và tôi tưởng tượng những người
đã tu chứng giống như những cánh đại bàng bay lượn vươn lên khỏi sinh tử,
nhìn thấy sinh tử đúng như bản chất, nghĩa là trong một hỗ tương duyên
sinh chằng chịt nhiệm mầu.
Nhìn bằng con mắt của chim đại bàng, con mắt của thực
chứng, là nhìn từ trên cao xuống một phong cảnh trong đó những ranh giới
do ta tưởng tượng giữa sống và chết bây giờ hòa lẫn vào nhau và tan biến.
Nhà vật lý David Bohm đã mô tả thực tại như là “sự toàn vẹn không gián
đoạn trong dòng biến dịch”. Những gì được các bậc thầy thấy bằng trực giác
toàn vẹn chính là dòng biến dịch ấy, cái toàn vẹn không gián đoạn ấy.
Những gì mà trong vô minh chúng ta gọi là “sống”, và trong vô minh ta gọi
là “chết”, chỉ là những phương diện khác nhau của cái toàn vẹn ấy. Đây là
cái thấy rộng lớn có năng lực chuyển hóa, mà giáo lý Trung Ấm đã mở ra cho
chúng ta, và được thể hiện bởi các bậc thầy tối thượng.
Những mặc khải của
các Trung Ấm
Như vậy, nhìn sự chết qua con mắt thực chứng, chính là
nhìn nó trong bối cảnh của sự toàn vẹn này, như một phần nhỏ của dòng biến
dịch vô thủy vô chung. Tính độc nhất vô nhị, năng lực của giáo lý Trung Ấm
nằm ở chỗ - qua sự chỉ rõ tiến trình cái chết - nó còn gợi cho ta cả tiến
trình sự sống.
Bây giờ ta hãy nhìn vào những gì xảy đến cho một người
chết, vào từng mỗi giai đoạn trong 3 giai đoạn cao điểm của cái chết :
1- Ở cao điểm của tiến trình chết, khi mà tứ đại, cảm giác
và tư tưởng đã chấm dứt hoạt động, thì bản chất tối hậu của tâm - Ánh sáng
Căn bản - được hiển lộ trong giây lát.
2- Rồi, chỉ một thoáng, tia sáng của bản tâm ấy được trình
diễn, chiếu ra dưới dạng âm thanh, màu sắc và ánh sáng.
3- Kế tiếp, tâm thức người chết tỉnh dậy và đi vào Trung
Ấm tái sinh ; tâm phàm tình của y trở về, khoác một hình dạng gọi là “thân
ý sanh” chịu sự sai khiến của nghiệp và thói quen quá khứ. Những nghiệp
này lèo lái tâm phàm tình, bám lấy những kinh nghiệm huyễn hóa trong cõi
Trung Ấm, xem như cái gì rất thực và chắc chắn.
Vậy, theo giáo lý Trung Ấm chỉ cho chúng ta, chết nghĩa là
gì ? Không gì khác ngoài 3 giai đoạn của tiến trình tuần tự thể hiện của
tâm thức : từ tự tính thuần tịnh của bản tâm, qua ánh sáng và năng lượng
(tia tự chiếu của bản tâm), rồi đi vào sự kết tinh càng vững chắc thêm của
một hình dạng tâm thức (thân ý sanh). Những gì mở ra một cách rõ rệt trong
Trung Ấm chết, Trung Ấm pháp tánh, và Trung Ấm tái sanh là một tiến trình
gồm 3 giai đoạn :
- Đầu tiên, sự chấm dứt hoàn toàn hoạt động tâm vật lý đưa
đến sự phô bày tinh chất tâm
- Thứ hai, tia chiếu tự nhiên của nó.
Và : - Thứ ba là kết tinh của thân ý sanh.
Giáo lý còn cho ta biết thêm rằng : 3 giai đoạn ấy không
chỉ diễn ra trong tiến trình chết, mà còn diễn ra ngay trong tâm ta vào
lúc này, vào mọi lúc - trong những tư tưởng và cảm xúc của ta, và ở mọi
tầng lớp kinh nghiệm tâm lý. Theo tôi, đấy là một tri kiến thực cách mạng,
thay đổi cái thấy của ta về mọi sự, nếu ta hiểu được.
Một cách khác nữa để hiểu tiến trình này là nhìn vào những
gì được hiển bày vào mỗi giai đoạn của sự chết. Giáo lý nói đến 3 mức độ
của hiện hữu, từ đó có ra Phạn ngữ kaya (thân). Kaya ở đây
nghĩa là chiều hướng, phạm vi hay căn bản.
Ta hãy nhìn vào tiến trình 3 giai đoạn đó :
1- Bản chất tuyệt đối, hiển bày dưới dạng Ánh sáng Căn bản
hay Điểm linh quang vào lúc chết, và được gọi là Pháp thân (Dharmakaya),
chiều “chân không”, chân lý vô điều kiện, trong đó ảo tưởng, vô minh hay
bất cứ loại khái niệm nào, đều chưa từng xâm nhập được.
2- Tia năng lực và
ánh sáng nội tại được trưng bày một cách tự nhiên trong Bardo pháp tánh,
gọi là Báo thân (Sambhogakaya), chiều phúc lạc toàn vẹn, phạm vi của “pháp
hỷ sung mãn” vượt ngoài mọi giới hạn nhị nguyên, ngoài thời - không.
3- Phạm vi ngưng đọng thành hình dáng được hiển thị trong
Bardo tái sanh, gọi là Ứng thân (Nirmanakaya), chiều biến hóa không
ngừng.
Hãy nhớ bây giờ rằng khi ta nhìn vào bản chất của tâm, ta
cũng thấy nó có 3 phương diện ấy : thể của nó là chân không, như
bầu trời ; tướng hay bản chất của nó là tỏa sáng ; và dụng
hay năng lực của nó là đại bi vô ngại ; cả 3 đều hiện diện đồng thời và
hòa nhập làm một trong tính giác Rigpa. Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava)
mô tả nó như sau :
Trong tính giác này, 3 thân không rời nhau và hiện diện
viên mãn như một :
- Vì Nó trống rỗng, vô sanh nên là Pháp thân.
- Sự sáng suốt của Nó biểu trưng tia chiếu tự nội của chân không ấy,
nên là Báo thân.
- Nó khởi lên không bị chướng ngại, không gián đoạn, nên là Ứng hóa
thân.
Ba thân đầy đủ và hoàn toàn hiện diện này, chính là tinh chất của Nó.
Như vậy, ba thân ám chỉ ba khía cạnh nội tại của tâm giác
ngộ, và dĩ nhiên chúng cũng ám chỉ những khả năng khác nhau của nhận thức
chúng ta. Phần đông chúng ta đều bị giới hạn trong cái thấy của mình, và
chỉ nhận thức theo chiều Ứng hóa thân gồm những hình sắc và biểu hiện. Đấy
là lý do tại sao đối với phần đông chúng ta, giây phút chết là một khoảng
trống, một trạng thái quên lãng, vì chúng ta chưa bao giờ gặp, cũng chưa
bao giờ phát triển một phương pháp để nhận ra thực tại Pháp thân, khi nó
khởi lên dưới dạng Ánh sáng Căn bản hay Điểm linh quang. Chúng ta cũng
không hy vọng gì nhận ra lĩnh vực Báo thân khi chúng xuất hiện trong
Bardo pháp tánh. Bởi vì toàn thể cuộc đời ta đã được sống trong phạm
vi nhận thức bất tịnh của những biểu hiện Ứng hóa thân, nên vào lúc chết
ta được chuyển thẳng về lại trong chiều không gian ấy ; chúng ta thức dậy,
kinh hãi và tán loạn, trong Trung Ấm tái sanh, trong một thân ý sanh, xem
những kinh nghiệm huyễn hóa là chắc thực, cũng như trải nhiều đời trước ta
đã xem chúng là thực. Bị thúc đẩy bởi nghiệp cũ một cách đáng thương,
chúng ta loạng choạng tiến về phía tái sanh.
Tuy nhiên, những vị tu chứng thì đã khởi lên một nhận thức
hoàn toàn khác với chúng ta, một nhận thức trong suốt, tiến hóa, thanh
tịnh đến nỗi dù họ vẫn còn mang một thân xác con người, họ đã thấy được
thực tại dưới hình thức hoàn toàn thanh tịnh, trong suốt, ở trong một
chiều không gian vô biên. Và đối với họ, như ta đã thấy, kinh nghiệm về
cái chết không đem lại sợ hãi hay bất ngờ ; trái lại còn được tóm lấy như
một cơ hội để giải thoát rốt ráo.
Tiến trình trong giấc
ngủ
Ba giai đoạn của tiến trình mà chúng ta thấy mở ra trong
các trạng thái Trung Ấm cũng có thể thấy được trong các mức độ tâm thức
trong đời sống. Hãy xét chúng dưới sánh sáng những gì xảy đến trong giấc
ngủ :
1- Khi ta ngủ, các giác quan và tầng thô của tâm thức tan
rã, và dần dần bản chất tuyệt đối của tâm, có thể nói là Ánh sáng Căn bản,
lộ ra trong chốc lát.
2- Kế tiếp có một chiều tâm thức, có thể so sánh với
Bardo pháp tánh, vi tế đến nỗi ta thường hoàn toàn không ý thức ngay
cả hiện hữu của nó. Có bao nhiêu người trong chúng ta khi ngủ, ý thức được
cái lúc trước khi nằm mộng ?
3- Đối với phần đông chúng ta, tất cả những gì ta biết
được chỉ là giai đoạn kế tiếp, khi tâm trở nên hoạt động trở lại, và ta
thấy mình trong một thế giới chiêm bao tương tự Trung Ấm tái sanh. Ở đây
ta có một thân mộng và kinh quá những cảnh mộng mà phần lớn chịu ảnh hưởng
thói quen và hoạt động của ta lúc thức, tất cả ta đều tin là chắc thực,
không hề nhận ra mình đang chiêm bao.
Tiến trình trong tư
tưởng và cảm xúc
Cũng chính tiến trình ấy có thể nhận thấy trong sự vận
hành của tư tưởng và cảm xúc, và cái cách chúng khởi lên :
1- Ánh sáng Căn bản, bản chất tuyệt đối của tâm, là trạng
thái tối sơ của Tính giác Rigpa, hiện hữu trước khi bất cứ ý nghĩ hay cảm
xúc nào khởi lên.
2- Trong không gian vô điều kiện của nó, một năng lực căn
để dấy động, tia chiếu tự nhiên của Tính giác bắt đầu khởi lên như nền
tảng, khả năng và nhiên liệu cho cảm xúc sống sít.
3- Năng lực này lúc ấy có thể khoác lấy hình dạng của ý
nghĩ và cảm xúc, mà cuối cùng đẩy chúng ta vào hành động để tích lũy
nghiệp.
Chỉ khi hành thiền thật quen thộc, ta mới có thể thấy rõ
tiến trình này :
1- Khi ý tưởng và cảm xúc tuần tự im bặt, tan vào tự tánh
tâm, ta có thể thoáng thấy Tính giác trong phút chốc : đó là trạng thái
tối sơ.
2- Rồi ta để ý rằng, từ sự vắng lặng yên tĩnh của tự tánh
tâm, mở ra một chuyển động (Chuyển tướng, nói trong kinh Lăng Già -
DG) và
một năng lực sống sít đơn thuần : đó là tia tự chiếu của tính giác.
3- Nếu có một chấp thủ kèm theo sự sinh khởi của năng lực
ấy, thì năng lực ấy đương nhiên kết tinh thành ý tưởng, ý tưởng này lại
đưa chúng ta trở về hoạt động tâm thức và khái niệm.
Tiến trình trong đời
sống hàng ngày
Ta đã thấy cái cách tiến trình này xảy ra trong ngủ và
mộng, và trong sự hình thành ý tưởng cảm xúc. Bây giờ ta hãy nhìn nó xảy
ra trong kinh nghiệm đời sống hàng ngày.
Điều này dễ thấy nhất khi ta nhìn kỹ một động tác mừng hay
giận. Hãy xem xét nó, bạn sẽ thấy luôn luôn có một khe hở trước khi một
cảm xúc khởi sinh. Cái giây phút dạt dào trước khi năng lực của cảm xúc có
cơ hội khởi lên, là một giây phút của tỉnh thức thuần túy, trong đó ta có
thể thoáng thấy Tính giác chân thực. Trong một thoáng chốc, bùa lực của vô
minh bị đánh tan, chúng ta hoàn toàn tự do thoát khỏi nhu cầu hay khả năng
chấp thủ, và cả đến khái niệm “bám víu” cũng trởi thành dư thừa ở đây. Tuy
nhiên, thay vì ôm lấy “tánh không” của khe hở ấy, trong đó ta có thể tìm
thấy phúc lạc của sự giải thoát, không vướng bận một ý tưởng, khái niệm
nào, chúng ta lại tóm lấy sự bảo đảm khả nghi của cái màn kịch cảm xúc
quen thuộc dễ chịu của chúng ta, được điều khiển bởi những khuynh hướng
tập quán của ta. Đấy là cái cách mà một năng lực nội tại - vô điều kiện,
khởi lên từ tự tánh - đã được kết tinh thành một cảm xúc, cái cách mà sự
thanh tịnh nguyên thủy bỗng bị nhuốm màu và vặn vẹo bởi cái thấy theo kiểu
luân hồi sinh tử của chúng ta, để đem lại một nguồn tương tục cho những
vọng tưởng tán loạn hàng ngày.
Khi xét mọi khía cạnh của đời sống, ta sẽ thấy rằng chúng
ta liên tục trải qua - trong ngủ và mộng, trong ý tưởng và cảm xúc - cũng
một tiến trình ấy như trong các cõi Trung Ấm. Và giáo lý Trung Ấm cho ta
thấy chính điều này mang lại cho ta vô vàn cơ hội để giải thoát, bây giờ
cũng như khi chết. Giáo lý chỉ cho ta thấy chính tính chất, hình dạng và
sự độc đáo của tiến trình này đã đem lại hoặc cơ hội giải thoát, hoặc khả
năng tiếp tục mê lầm. Vì mỗi khía cạnh của toàn thể tiến trình đều đồng
thời trao cho ta cơ hội giải thoát, hoặc cơ hội trầm luân.
Giáo lý Trung Ấm mở ra cho ta một cánh cửa, chỉ cho chúng
ta làm thế nào ta có thể bước ra khỏi chu kỳ chết và tái sinh bất tận
ngoài tầm kiểm soát. Giáo lý ấy nói với ta rằng, suốt quá trình các Trung
Ấm của cuộc đời và của sự chết, mỗi khi ta có thể nhận ra và duy trì một ý
thức bền bỉ về Tính giác Rigpa hay tự tánh tâm, hoặc khi ta có thể kiểm
soát tâm ý được phần nào, thì ta có thể đi qua cái cửa đó để tiến đến giải
thoát. Tùy theo giai đoạn của Trung Ấm, tùy theo mức độ quen thuộc của bạn
đối với cái Thấy về tự tánh tâm, và tùy theo chiều sâu của sự hiểu biết về
tâm, ý nghĩ và cảm xúc bạn, mà sự nhận ra này sẽ sai khác.
Điều mà giáo lý Trung Ấm cũng dạy cho ta là những gì xảy
ra trong tâm ta bây giờ trong đời cũng giống hệt như cái gì sẽ xảy đến
trong các Trung Ấm sau khi chết vì cốt tủy vốn không có khác nhau ; sống
và chết là một, ở trong cái “toàn thể không gián đoạn” và “dòng biến
dịch”. Chính vì vậy mà một bậc thầy Tây Tạng vào thể kỷ 17, Tsele Natsok
Rangdrol giải thích những tu tập căn để cho mỗi giai đoạn Trung Ấm - đời
này, chết, pháp tánh và tái sanh - theo kiểu tình trạng hiểu biết hiện tại
của ta về bản chất của ý nghĩ và cảm xúc, về tâm và nhận thức của nó :
Hãy nhận chân hết thảy tướng xuất hiện đều như mộng
Chỉ do tâm ngươi chiếu ra, như huyễn, không thật
Không bám víu gì, an trú Tính giác vượt ngoài mọi khái niệm
Đây là tinh yếu của tu tập trong Bardo đời này
Ngươi rồi sẽ chết, không gì thực sự hữu ích lúc đó
Những gì ngươi kinh quá lúc chết chỉ do tâm thức biến ra.
Không tạo ý tưởng, để chúng tan biến trong Tính giác bao la
Đây là trọng tâm của tu tập trong Bardo cái chết.
Bất cứ chấp thủ gì vào sinh hay diệt, thiện hay ác, đều là tâm ngươi
Và tâm này là tia tự chiếu của Pháp thân, dù bất cứ gì sinh khởi
Không bám vào các sinh khởi ấy, hay lập khái niệm về chúng, chấp nhận
hoặc chối bỏ :
Đây là cốt tủy sự tu tập cho Bardo pháp tánh
Sinh tử cũng tâm ngươi, niết-bàn cũng tâm ngươi
Mọi lạc khổ, vọng tưởng không ở đâu ngoài tâm
Vậy hãy đạt đến sự tự chế tâm ngươi
Đây là trọng tâm của Bardo tái sinh.
Bây giờ ta có thể nhìn vào một Bardo đặc biệt để
thấy sự tu tập thiền định của ta, sự hiểu thấu cảm xúc ý tưởng ta, và
những kinh nghiệm của ta trong Bardo ấy tương quan mật thiết với
nhau như thế nào, và thế nào những kinh nghiệm của ta trong Bardo
ấy phản chiếu trở lại trong cuộc đời thường của ta. Có lẽ Bardo hữu
ích nhất để khảo sát là Bardo pháp tánh, nơi mà năng lực thuần túy
- sẽ trở thành cảm xúc - bắt đầu sanh khởi tự nhiên như tia tự chiếu của
Tính giác Rigpa ; và cảm xúc là mối bận tâm ám ảnh con người trong thế
giới hiện tại. Thực sự hiểu được bản chất cảm xúc là đã tiến rất xa trên
đường đến giải thoát.
Mục đích sâu xa nhất của thiền là có thể an trú không tán
loạn vào trạng thái Rigpa, tự tính giác, và an trú cái Thấy (kiến) để nhận
ra rằng bất cứ gì khởi lên trong tâm chỉ là sự hiển bày của tính giác ấy,
cũng như mặt trời và muôn ngàn tia sáng nó chiếu ra chỉ là một, bất khả
phân. Như Tsele Natsok Rangdrol nói trong câu thơ của ông về pháp tánh :
“Bất cứ cái gì chấp thủ vào sinh hay diệt, tốt hay xấu, đều là tâm ngươi.
Và chính cái tâm ấy là tia chiếu của Pháp thân…”
Như vậy, khi bạn ở trong tự tánh giác, và khi cảm xúc tư
tưởng khởi lên, bạn nhận ra ngay chúng là gì, từ đâu chúng tuôn phát : khi
ấy bất cứ gì khởi lên đều trở thành tia tự chiếu của tuệ giác ấy. Nhưng
nếu bạn mất dấu sự hiện diện của ý thức trong suốt thuần tịnh ấy về Tính
giác, thì bạn không nhận ra được bất cứ gì khởi lên, và khi ấy nó trở nên
tách biệt với bạn. Nó tiếp tục để hình thành cái mà ta gọi là một “ý
tưởng”, hay một cảm xúc, và đấy là sự tạo tác của nhị nguyên. Để tránh
điều này và những hậu quả của nó, Tsele Natsok Rangdrol nói : “Đừng bám
vào những sự sanh khởi, lập thành khái niệm về chúng, chấp nhận hoặc chối
bỏ chúng : đây là trọng tâm của tu tập cho Trung Ấm cuộc đời” .
Sự phân cách giữa bạn và những sanh khởi trong tâm bạn, -
và tính nhị nguyên mà nó gây ra - được phóng đại một cách ghê gớm sau khi
chết. Điều này giải thích làm thế nào - nếu bạn không có sự trực nhận cốt
yếu này về thực chất những gì sinh khởi trong tâm - trong Bardo
pháp tánh, những âm thanh, ánh sáng và quang sắc xuất hiện có thể khoác
một thực tại khách quan, như thể là thực có những hiện tượng ngoại giới
kinh hoàng đang xảy đến với bạn. Trong một tình huống như vậy, bạn chỉ còn
nước là chạy trốn tia sáng chói lọi của chư thần an lạc và phẫn nộ ấy, để
hướng đến những ánh sáng mờ quen thuộc quyến rũ của lục đạo. Vậy, sự trực
nhận cốt yếu trong Bardo pháp tánh là, “đây là năng lực trí giác
của tâm ta đang xuất hiện” : Chư Phật và ánh sáng trí tuệ cũng không ngoài
tâm bạn, mà chính là năng lực tính giác của bạn. Nhận ra điều ấy là một
kinh nghiệm bất nhị, và thể nhập vào đó là giải thoát.
Những gì xảy ra trong Bardo pháp tánh vào lúc chết, và bất
cứ khi nào một cảm xúc bắt đầu sanh khởi trong tâm ta lúc sống, đều đi
theo cùng một tiến trình tự nhiên ấy. Vấn đề là chúng ta có nhận ra được
thực chất sự sinh khởi ấy hay không. Nếu ta có thể nhận ra sự sinh khởi
một cảm xúc đúng như thực chất của nó - nghĩa là năng lực tự nhiên của bản
tâm - thì ta có thể tự giải thoát khỏi những hậu quả tiêu cực, những nguy
hiểm có thể có của cảm xúc ấy, và để cho nó tan trở lại vào trong tính
sáng suốt thuần tịnh của Tính giác vô biên.
Sự nhận ra này, và sự giải thoát mà nó đem lại, chỉ có thể
là kết quả của nhiều, rất nhiều năm tu tập thiền quán nghiêm chỉnh nhất,
vì nó đòi hỏi một sự quen thuộc lâu dài và an trú vững chãi trong tự tánh
tâm. Ngoài sự tu tập ấy ra, không gì có thể đem lại cho ta niềm an tịnh và
giải thoát khỏi những khuynh hướng tập quán, những cảm xúc mâu thuẫn trong
ta, một sự giải thoát mà tất cả chúng ta đều khát khao có được. Mặc dù
theo giáo lý, sự giải thoát ấy rất khó, nhưng sự biết rằng có thể giải
thoát, cũng đủ là một nguồn cảm hứng và hy vọng lớn lao cho chúng ta. Có
một cách để hiểu ý tưởng và cảm xúc, tâm và bản chất nó, sống và chết, một
cách trọn vẹn, cách đó là đạt đến thực chứng. Các bậc đã giác ngộ nhìn
sống chết như nhìn vào lòng bàn tay, vì họ biết như Tsele Natsok Rangdrol
viết : “Sinh tử là tâm ngươi, niết bàn cũng là tâm ngươi ; tất cả lạc và
khổ, tất cả vọng tưởng không hiện hữu tách biệt với tâm ngươi” . Và tri
kiến sáng suốt này, được an trú vững vàng qua tu luyện dài lâu, được thể
nhập trong từng cử động, ý nghĩ và cảm xúc - để thấy được chúng chỉ có
thực một cách tương đối, chính tri kiến ấy đã giải tỏa được chúng. Dudjom
Rinpoche nói : “Khi đã tịnh hóa ảo tưởng lớn, bóng tối của tâm, thì ánh
sáng rực rỡ của mặt trời không bị ngăn che khởi lên liên tục”.
Năng lực hỷ lạc
Tôi thường nghĩ đến câu Dudjom Rinpoche viết : “Bản tính
của tâm là bản tính của mọi sự”. Tôi tự hỏi cái tiến trình ba giai đoạn
của các Trung Ấm (Bardo) có phải chăng không những đúng cho mọi mức độ tâm
lý, mọi kinh nghiệm của tâm ở trong đời cũng như lúc chết, mà có lẽ còn là
bản chất thực sự của chính vũ trụ.
Càng tư duy về ba thân và tiến trình ba giai đoạn của các
Trung Ấm, tôi càng tìm thấy những tương ứng lạ lùng phong phú với tri kiến
sâu xa của các truyền thống tâm linh khác, và với nhiều lĩnh vực có vẻ rất
khác nhau của nỗ lực con người. Tôi nghĩ tới tri kiến Ki-tô giáo về bản
chất và mọi hoạt động của Thượng đế như Chúa ba ngôi, về Ki-tô hiện thân
từ nền tảng của đức chúa Cha qua trung gian vi mật của Thánh thần. Phải
chăng ít nhất nó cũng soi sáng cho ta vài điều, nếu ta xem Ki-tô cũng
tương tự như Ứng hóa thân, đấng Thánh linh cũng như Báo thân, và nền tảng
của cả hai như là Pháp thân ? Trong Phật giáo Tây Tạng, danh từ tulku,
nhập thể, thực sự có nghĩa là Ứng hóa thân, sự nhập thể liên tục tái xuất
hiện, hoạt động của năng lực đại bi và giác ngộ. Phải chăng cách hiểu này
rất giống quan niệm ba thân của Ki-tô giáo ?
Tôi cũng nghĩ về tri kiến Thượng đế gồm ba đức của Ấn
giáo, Phạn ngữ là satcitananda, dịch là “hiện thể, tâm và phúc
lạc”. Với người Ấn giáo, Thượng đế là sự bùng vỡ xuất thần của tất cả
những năng lực ấy cùng một lúc. Ở đây ta có thể thấy những tương đồng kỳ
lạ với ba thân : Báo thân như ananda - năng lực phúc lạc của Thượng đế ;
Ứng hóa thân như biểu hiện của Thượng đế ; và Pháp thân như tâm của Thượng
đế. Bất cứ ai đã thấy pho tượng Shiva lớn trong động Voi ở Ấn, với ba mặt
biểu trưng ba mặt của tuyệt đối, sẽ có được vài ý niệm về tính vĩ đại của
tri kiến về thiêng liêng.
Cả hai tri kiến huyền học này về tinh túy, bản chất và
hoạt động (thể, tướng, dụng) của yếu tố thiêng liêng làm cho người Phật tử
hiểu rõ một trong những tầng mức khác của thực tại, tuy khác nhau mà tương
nhập vào nhau. Có phải ít nhất, điều đáng chú ý là một tiến trình gồm ba
khía cạnh ấy cũng được thấy ở cốt lõi của mỗi truyền thống, mặc dù họ có
nhìn thực tại theo quan điểm riêng của họ ?
Khi nghĩ về bản chất của sự biểu hiện có thể như thế nào,
và những cách thế khác nhau nhưng có liên quan nhau để hiểu những biểu
hiện ấy, tôi tự nhiên nghĩ tới tính sáng tạo của con người khi biểu hiện
ra hình thể cái thế giới nội tâm của nhân loại. Tôi vẫn thường tự hỏi hàng
bao năm nay, làm thế nào sự trình bày ba thân và Trung Ấm có thể rọi ánh
sáng vào toàn thể tiến trình diễn đạt nghệ thuật, và ám chỉ đến bản chất
thực và mục tiêu ẩn khuất của nó. Mỗi hành vi cá nhân, mỗi biểu hiện của
óc sáng tạo, dù trong địa hạt âm nhạc, nghệ thuật, thi ca, hay trong những
giai đoạn của phát minh khoa học, như nhiều nhà khoa học đã nói, đều tuôn
phát từ một nền tảng huyền bí của một nguồn cảm hứng ốp vào hình dạng nhờ
một năng lực trung gian để phiên dịch, truyền thông. Có phải chúng ta đang
gặp ở đây một tác động khác của cái tiến trình hỗ tương ba thứ mà ta đã
thấy hoạt động trong các cõi Trung Ấm ? Phải chăng đấy là lý do khiến cho
một vài công trình âm nhạc và thi ca, và một vài phát minh khoa học, dường
như có một ý nghĩa hầu như vô tận ? Và có phải điều này giải thích cái
năng lực của chúng để hướng dẫn chúng ta đi vào một trạng thái quán tưởng
và phúc lạc, ở đấy một bí ẩn cốt yếu của bản chất ta và bản chất thực tại
được hiển lộ ? Từ đâu những dòng thơ của Blake đến ? :
Nhìn thấy vũ trụ trong một hạt cát
Thấy thiên đường trong một đóa hoa
Nắm Vô biên trong lòng bàn tay
Và vĩnh cửu rút lại trong một giờ.
Trong Phật giáo Tây Tạng, Ứng hóa thân được thấy như biểu
hiện của giác ngộ, trong vô số hình dạng và cách thức, ở trong thế giới
vật lý. Theo truyền thống, nó được định nghĩa theo ba cách : Một là Ứng
thân của một vị Phật toàn giác, như Thích Ca Tất Đạt Đa, người được sinh
ra trong thế giới này và giảng dạy trong đó. Loại Ứng thân thứ hai là một
người có vẻ bình thường nhưng được cái phước có khả năng đặc biệt làm lợi
lạc cho kẻ khác : một hóa thân hay tulku. Và thứ ba là một người qua đó
một mức giác ngộ được thể hiện để làm lợi lạc và cảm hứng cho người khác
qua những nghệ thuật khoa học công việc khác nhau. Trường hợp những người
sau này bản năng giác ngộ “tự nhiên như ánh sáng mặt trời phải ra lệnh hay
có ý thực nào về việc ấy, có mặt trời thì tự nhiên có ánh sáng” . Kalu
Rinpoche nói. Vậy phải chăng ta có thể nói rằng, năng lực và bản chất của
thiên tài nghệ thuật cũng có nguồn cảm hứng tối hậu của nó từ trọng tâm
này của chân lý ?”.
Điều này không có nghĩa là những nghệ sĩ vĩ đại có thể nói
là đã giác ngộ, từ cuộc sống của họ rõ ràng là họ chưa giác ngộ. Nhưng một
điều cũng rõ nữa là trong vài giai đoạn cao điểm và tình huống đặc biệt,
họ có thể là những khí cụ, những “kênh” của năng lực giác ngộ. Ai khi đã
lắng nghe những tuyệt tác của Beethoven hay Mozart, có thể chối cãi rằng
không có một cõi nào khác đã thể hiện trong tác phẩm họ ? Và có ai ngắm
nhìn những ngôi giáo đường của Âu châu thời Trung cổ như Chartres hay
Isfahan của Hồi giáo, hay Đế thiên Đế thích, hay Ellora của Ấn giáo, mà
không thấy rằng những nghệ sĩ tạo ra chúng đã được cảm hứng trực tiếp bởi
một năng lực tuôn phát từ nền tảng, suối nguồn của mọi sự ?
Tôi nghĩ một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại cũng như một vầng
trăng chiếu trong bầu trời đêm, nó chiếu sáng thế gian, nhưng ánh sáng ấy
không là của riêng nó, mà mượn từ mặt trời, cái “tuyệt đối” đang bị ẩn
khuất. Nghệ thuật đã giúp cho nhiều người thoáng nhìn thấy bản chất của
tâm linh. Phải chăng một trong những lý do nghệ thuật tân tiến bị hạn cuộc
là vì nó đã mất đi cái tri kiến về nguồn gốc vô hình thiêng liêng của nghệ
thuật, và mục đích cao cả của nó : đem lại cho người thưởng thức một tri
kiến về bản chất thực của họ, địa vị của họ trong vũ trụ, làm cho họ thấy
được giá trị, ý nghĩa và những khả tính vô biên của đời sống. Vậy phải
chăng ý nghĩa đích thực của kiệt tác nghệ thuật là nó cũng tương tự như
Báo thân, cái năng lực bất tận đầy phúc lạc mà Rilke gọi là “năng lực chắp
cánh của niềm vui”, tia sáng truyền đạt, truyền thông tính thuần tịnh, ý
nghĩa vô biên của cái tuyệt đối cho thế giới hữu hạn và tương đối, - nói
cách khác là từ Pháp thân đến Ứng hóa thân ?
Mở ra cái thấy toàn
diện
Một trong nhiều phương diện mà tấm gương của đức Dalai
Lama đã gây cho tôi nguồn cảm hứng là, ngài rất quan tâm và có thái độ
phóng khoáng đối với các khám phá mới của khoa học tân tiến. Chung quy,
Phật giáo được xem là “một khoa học về tâm thức”, và khi tôi quán xét giáo
lý Trung Ấm, thì tính minh bạch và sự soi sáng rộng lớn của giáo lý này
càng ngày càng gây cho tôi niềm tri ân và úy phục. Nếu Phật giáo là khoa
học về tâm linh thì theo tôi, Dzogchen và giáo lý Bardo chính là
trọng tâm của nền khoa học ấy, hạt giống thực tiễn và thấu thị nhất, từ đó
một cây lớn - những thực chứng tương quan lẫn nhau - đã phát triển và sẽ
tiếp tục phát triển theo nhiều cách mà nay ta chưa thể tưởng tượng nổi, vì
nhân loại hãy còn đang trên đà tiến hóa.
Trải nhiềug năm gặp gỡ với những khoa học gia đủ mọi
ngành, càng ngày tôi càng kinh ngạc trước tính phong phú của những tương
đồng giữa lời dạy của đức Phật với những khám phá mới của vật lý học hiện
nay. Nhiều nhà tiên phong về triết học và khoa học Tây phương may thay
cũng đã ý thức đến sự tương đồng ấy, và đang hăng say thám hiểm với một ý
thức tế nhị ; để từ cuộc đối thoại giữa huyền học - khoa học về tâm thức -
với các ngành khoa học vật chất, có thể phát khởi một tri kiến mới về vũ
trụ và trách nhiệm con người trước vũ trụ. Càng lúc tôi càng có niềm xác
tín rằng chính giáo lý Trung Ấm với tiến trình mở ra ba giai đoạn ấy, sẽ
là một đóng góp độc đáo cho cuộc đối thoại này. Tôi muốn chú ý đến một
trong những tri kiến khoa học đã đặc biệt khiến tôi nghiền ngẫm, là tri
kiến của nhà vật lý David Bohm đã nghĩ đến một phưong thức mới để tiếp cận
thực tại mà, mặc dù còn đang gây nhiều tranh chấp, đã được phản ứng đầy
thiện cảm của nhiều nhà nghiên cứu thuộc đủ mọi ngành : vật lý, y học,
sinh vật học, toán học, thần kinh học, tâm bệnh học, và một số nghệ sĩ,
triết gia. David Bohm đã nghĩ đến một cách nghiên cứu thực tại mới, căn cứ
trên một sự thấu hiểu toàn diện và tính nhất thể của hiện hữu kể như một
Toàn thể không gián đoạn, không chấp nối - và đây chính là lối nhìn của
giáo lý Trung Ấm.
Cái trật tự năng động, nhiều chiều mà Bohm thấy đang vận
hành trong vũ trụ, cốt yếu gồm ba phương diện. Phương diện rõ rệt nhất là
thế giới vật thể thời - không của chúng ta với không gian ba chiều, mà ông
gọi là cái trật tự rõ rệt hay mở. Từ đâu mà ông tin cái trật tự này mở ra
? Chính từ một lĩnh vực phổ quát, không gián đoạn, “một nền tảng ngoài
thời gian”, cái trật tự hàm ẩn hay kín, như ông gọi, vốn là nền tảng bao
quát tất cả kinh nghiệm chúng ta. Ông thấy tương quan giữa hai trật tự này
như là một tiến trình liên tục, trong đó cái gì mở ra trong trật tự rõ rệt
lại được khép vào lại trong trật tự hàm ẩn. Cái nguồn gốc tổ chức nên tiến
trình này thành ra những cơ cấu khác nhau thiên hình vạn trạng, thì ông đề
nghị đặt tên là cái trật tự “siêu ẩn”, một chiều không gian tinh vi hơn
nhiều, và có tiềm năng vô hạn.
Có thể chăng có một tương đồng giữa ba trật tự này với ba
thân và tiến trình Trung Ấm ? Như David Bohm nói : “Toàn thể khái niệm về
trật tự hàm ẩn là một cách thể để bàn về nguồn gốc của hình sắc xuất phát
từ vô sắc, qua trung gian tiến trình mở ra”. (Renée Weber, ed. Đối thoại
giữa các khoa học gia và hiền giả : Đi tìm Nhất thể, London, 1986)
Tôi cũng được cảm
hứng từ việc David Bohm đã khai triển lối hiểu vật chất - theo đó, vật
chất khởi lên từ vật lý học lượng tử - để hiểu chính tâm thức. Đó là một
bước nhảy mà theo tôi sẽ được xem càng ngày càng cần thiết, khi khoa học
mở rộng tầm nhìn, và tiến hóa. Bohm nói : “Tâm thức có thể có một cơ cấu
giống như vũ trụ, và trong sự vận chuyển ở nền tảng, mà ta gọi là chân
không ấy kỳ thực có một năng lực ghê gớm, một sự biến dịch. Những hình ảnh
đặc biệt xuất hiện trong tâm có thể giống như những phân tử, và sự đạt đến
nền tảng của tâm có thể được cảm thấy như là ánh sáng” . (Sđd, 48)
Cùng với khái niệm về trật tự hàm ẩn và trật tự rõ rệt ấy,
David Bohm đã tưởng tượng ra một lối nhìn mối tương quan giữa tâm lý vật
lý, giữa tâm và vật chất, gọi là ý nghĩa tâm-vật-lý. Ông viết : “Quan niệm
về ý nghĩa tâm vật lý có nghĩa rằng vật lý và ý nghĩa của nó, tức tâm lý,
không phải là hai thực thể biệt lập, đúng hơn đó là hai phương diện của
một thực tại duy nhất bao trùm cả hai”. (Sđd, 73)
David Bohm cho rằng vũ trụ biểu hiện ba phương diện liên
kết với nhau : vật chất, năng lượng và ý nghĩa.
Từ quan điểm trật tự
hàm ẩn, thì năng lượng và vật chất thấm nhuần một loại ý nghĩa nào đó, đem
lại hình dạng cho hoạt động bao quát của nó và cho vật chất sinh khởi
trong hoạt động ấy. Năng lực của tâm và của vật chất trong não bộ cũng
thấm nhuần một loại ý nghĩa đem lại hình dạng cho hoạt động bao quát của
nó. Như vậy, một điều khá thông thường là năng lượng bao gồm vật chất và ý
nghĩa, trong khi vật chất thì bao gồm năng lượng và ý nghĩa… Nhưng ý nghĩa
cũng bao gồm vật chất và năng lượng… Vậy, mỗi một khái niệm trong ba khái
niệm căn bản ấy bao hàm hai cái kia. (Bohm, Unfolding Meaning, 90)
Giản dị hóa một tri kiến vô cùng tinh vi, tế nhị, bạn có
thể bảo rằng đối với David Bohm “ý nghĩa” có tầm quan trọng đặc biệt rộng
rãi. Ông nói : “Điều này bao hàm - trái với quan điểm thông thường - rằng
ý nghĩa là một phần cốt yếu nội tại trong hoạt động tổng quát của chúng
ta, chứ không phải chỉ là một tính chất thuần túy trừu tượng chỉ hiện hữu
trong tâm mà thôi. Hay nói cách khác, trong đời người, thông thường, ý
nghĩa là sống…” . Chính trong hành vi giải thích vũ trụ, ta đang sáng tạo
vũ trụ : Có thể nói rằng chúng ta là tổng thể của những ý nghĩa chúng ta”.
(Bohm, 93)
Phải chăng sẽ có ích nếu ta khởi sự tưởng đến những tương
đồng giữa ba phương diện của vũ trụ mà Bohm nói, với ba thân ? Một khai
thác sâu hơn ý của Bohm có lẽ sẽ cho thấy rằng ý nghĩa, năng lượng và vật
chất có tương quan lẫn nhau như ba thân. Phải chăng điều này có thể gợi ý
rằng vai trò của ý nghĩa, như Bohm giải thích, có phần nào tương tự với
Pháp thân, cái tổng thể vô điều kiện, luôn luôn sáng tạo, từ đó mọi sự
sinh khởi ? Công việc của năng lượng, qua đó ý nghĩa và vật chất tác động
lẫn nhau, có phần nào giống với Báo thân. Sự tuôn phát tự nhiên, liên tục
của năng lượng từ cái nền tảng chân không, và sự tạo ra vật chất, theo tri
kiến của Bohm, có phần giống như Ứng hóa thân, sự kết tinh liên tục của
năng lượng ấy thành ra hình dạng và biểu hiện.
Khi nghĩ về David Bohm và cách giải thích đặc biệt của ông
về thực tại, tôi có khuynh hướng tự hỏi, một nhà vật lý học vĩ đại sẽ khám
phá được những gì, nếu đồng thời họ cũng là một hành giả đã được một bậc
đại sư hướng dẫn và thực sự tu chứng ? Cái gì một nhà khoa học và một hiền
nhân, như Longchenpa và Einstein hợp chung lại, sẽ nói với ta về bản chất
thực tại nhỉ ? Có thể một trong những hoa trái tương lai của cây giáo lý
Trung Ấm này sẽ là một cuộc đối thoại giữa khoa học và huyền học chăng ?
Và điều ấy sẽ có ý nghĩa gì cho nhân loại ?
Sự tương đồng sâu xa nhất giữa ý tưởng của David Bohm và
giáo lý Trung Ấm là cả hai đều tuôn phát từ một tri kiến về một nhất thể
toàn vẹn. Tri kiến này, nếu nó có thể thêm sức cho cá nhân để chuyển hóa
tâm thức họ, và nhờ vậy ảnh hưởng đến xã hội, thì sẽ phục hồi cho thế giới
chúng ta một ý thức cấp thiết về tương quan sinh tồn và ý nghĩa đời sống.
Điều tôi đề nghị ở
đây là đường lối con người suy nghĩ về cái toàn thể, hay thế giới quan của
họ, là điều quan yếu nhất cho trật tự của chính nhân tâm. Nếu con người
nghĩ về cái toàn thể như là sự ráp nối những mảnh vụn biệt lập, thì tâm
thức họ cũng có khuynh hướng vận hành theo kiểu ấy. Nhưng nếu họ có thể
bao gồm mọi sự liên kết hòa hợp nhau trong một toàn thể bất khả phân,
không gián đoạn, không biên giới (vì mỗi biên giới là một phân chia, một
gián đoạn) thì khi ấy tâm họ sẽ có khuynh hướng di chuyển theo cách ấy, và
từ đó sẽ có một hành động có trật tự nằm trong cái toàn thể. (David Bohm,
Tòan vẹn và trật tự hàm ẩn, 1988, xi.)
Tất cả các bậc thầy vĩ đại sẽ hoàn toàn đồng ý với Bohm
khi ông viết :
Một sự thay đổi ý
nghĩa là cần thiết để thay đổi thế giới này về chính trị, kinh tế và xã
hội. Nhưng sự thay đổi này phải khởi sự với từng cá nhân, nó phải thay đổi
cho cá nhân… Nếu ý nghĩa là một phần then chốt của thực tại thì một thay
đổi căn để đã xảy ra khi xã hội, cá nhân và những tương quan được thấy là
có ý nghĩa gì khác. (Unfolding Meaning, 107)
Cuối cùng tri kiến của giáo lý Trung Ấm và sự thấu hiểu
sâu xa về nghệ thuật và khoa học đều hội tụ ở một sự kiện : đó là trách
nhiệm chúng ta đối với chính mình và cho chính mình ; và sự cần thiết phải
xử dụng trách nhiệm ấy một cách cấp bách để tự chuyển hóa chúng ta, ý
nghĩa cuộc đời ta và thế giới xung quanh ta.
Như đức Phật dạy : “Ta chỉ cho ngươi con đường giải thoát, nhưng chính
ngươi phải bước đi” .