28/10/2010 06:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 3658
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rồi mùa tót rã rơm khô, Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm. Ca dao


Bốn mươi hai năm về trước (1968), chúng tôi sống ở Shinseigaku-ryō, một ký túc xá do Hozumi Goichi-sensei sáng lập ở Tokyo.[2] Chắc hẳn để sinh viên châu Á làm quen với lối sống tự lập và có óc tự trị, việc bếp núc và dọn dẹp trong ký túc xá đều do sinh viên tự đảm đang. Shinseigaku-ryō ở sau đường chính của khu Hongō — gần seimon[3] (cổng chính) của Đại học Tokyo.

Thuở đó máy tính/computer còn chưa thông dụng, phải dùng máy đánh chữ (typewriter). Mà máy đánh chữ có dấu tiếng Việt ở Nhật thì phải đâu dễ kiếm. Chúng tôi ở chung phòng với một anh Việt Nam khác, anh rất ‘văn minh’: đánh máy không dấu và không dùng bút để thêm dấu vào. Để khỏi quên tiếng Việt, anh đánh nháp cả trang, hoặc có khi vài trang, những bài tập của anh ở trường, dĩ nhiên tất cả đều không có dấu. Nhìn cả trang tiếng Việt không dấu, chúng tôi phục anh quá sức.

Nhưng sau khi đã bắt chước anh đánh không để dấu độ một tháng, chúng tôi thấy là lạ — đoán cũng hiểu nghĩa, nhưng cảm tưởng của chúng tôi là bài như viết chưa xong hẳn, nghĩa là có cảm giác chưa trọn vẹn. Thế rồi sau đó chúng tôi viết có dấu, nghĩa là khi đánh máy xong thì ghi dấu bằng tay.

Với khoảng cách của tháng ngày, giờ phút này chúng tôi ý thức được rằng hồi đó bài chúng tôi đánh máy hay bài anh bạn đánh máy, có thể đoán đọc vì chúng tôi đã hiểu qua loa nội dung rồi. Nếu là một đề tài hoàn toàn mới, hay do một người lạ viết, trường hợp ấy chắc hẳn khó xảy ra.

 

*

*             *

 

Trong khoảng từ hơn mười năm nay, người viết thư/mail tiếng Việt không dấu trên máy tính/computer ngày càng nhiều. Tình hình này phải nói là báo động vì ngôn ngữ là tiếng nói của một dân tộc, lần lần thay đổi bản chất của ngôn ngữ đó theo hướng thụt lùi, không chóng thì chầy văn hoá dân tộc đó cũng sẽ có tình trạng báo động.

Tiếng Việt ta hồi trước dùng chữ Hán hoặc/và chữ Nôm làm chữ viết, nhưng đến đầu thế kỷ XX, ta quyết định bỏ chữ Hán và dùng chữ latinh. Nay lại có nhiều người đi ngược bước tiến hoá và viết không dấu trong thư/mail,[4] thật là một việc quá ư đánh tiếc. Chúng tôi nghĩ tình trạng như thế nguy hiểm cho văn hoá Việt Nam.

Mặc dầu tiếng Bắc Kinh có 4 thanh (tone) — trong khi tiếng Việt ta có 6 thanh — nhưng nếu viết tiếng Trung Quốc bằng tiếng latinh mà không để dấu thì không sao cả. Vì sao? Vì những từ thông thường lắm người ta mới viết bằng tiếng latinh. Dẫu sao tiếng Trung Quốc đã có chữ Hán làm chữ viết rồi; chữ latinh chỉ là phụ, dùng cho người ngoại quốc. Ví dụ, chaozu (餃子giáo-tử, một loại sủi cảo; tiếng Nhật gọi là gyōza) cũng thông dụng ở phương Tây, viết tiếng latinh vẫn không sao. Một thí dụ khác là nếu người ta có viết chữ pinyin mà chúng ta không hiểu cũng không có gì quan trọng cả: tra từ điển chữ Hán thì đã có liền. Pinyin 拼音 (phanh âm; phanh là ghép, ráp; phanh âm là ghép vần hoặc đánh vần) là lối phiên âm chính thức ở Trung Quốc.

Ở Nhật hồi đầu thời Minh Trị cũng có người chủ trương phải latinh hoá, nhưng không được dân chúng hưởng ứng. Sau Thế chiến thứ hai, cơ quan “Chỉ huy tối cao của Bộ Tổng tư lệnh Đồng minh”,[5] lại định muốn latinh hoá và bỏ chữ Hán, họ mới tiến hành cuộc thi chữ Hán trên toàn quốc để xem trình độ của người Nhật như thế nào. Kết quả là trước sự “gắn bó” của người Nhật với chữ Hán, GHQ đành quyết định giữ nguyên như với ba cách viết là hiragana, katakana, và kanji (漢字hán-tự, tức chữ Hán) như chúng ta đã biết.

Tiếng Hàn Quốc cũng thế, ngày nay người ta dùng hangul — một loại chữ viết của người Hàn. Nếu trong bài viết bằng tiếng Anh chẳng hạn, khi nào gặp tiếng Hàn thông dụng quá, như chaebol (tài phiệt) hoặc Samsung (Tam-tinh; tam là ‘ba’, tinh là ‘ngôi sao’), người ta viết tiếng latinh cũng không sao cả. Người ta đã có hangul rồi mà.

*

“Tình trạng báo động, nói gì nghe ghê quá, có thật không vậy? ” - Thật lắm đấy, chúng tôi nói không quá đâu.

Chúng tôi xin giải thích từ từ.

Các bạn thử xem, tiếng Việt có 6 thanh như đã trình bày, bây giờ viết thư/mail không dấu chúng ta có khuynh hướng (ý thức hay vô ý thức) chọn những chữ mà người nhận đọc khỏi nhầm lẫn, hoặc dễ nhận ra khi đọc thư. Cứ như thế dần dà tiếng Việt sẽ đi xuống dốc, và xuống dốc trầm trọng giống như ta đang thấy có nhiều dấu hiệu hiện nay. Trong khi các nước khác đang chú trọng bắt kịp với những đổi mới ngày càng phong phú và đa dạng của ngôn ngữ, nước ta lại đi thụt lùi, bỏ ngay dấu trong tiếng nước mình! Chuyện cũng khá kỳ lạ.

Cách đây hơn một thế kỷ, hồi mới đi Nhật Bản về (1906), Phan Châu Trinh có nói như sau: “Người mình không lo dân trí, liên lạc đoàn thể để làm cơ sở, chỉ ngồi ngó người ngoài, cái bệnh ‘dục tốc kiến tiểu’ đó, không những không ích mà lại có hại”.[6] Bệnh ‘dục tốc kiến tiểu’ là gì? Tức là ‘muốn cho nhanh nên nhìn thấy ít’, hay nói cách khác, đó là bệnh thích ‘đi tắt đón đầu’.

Viết không dấu cũng vậy, vì muốn đi nhanh nên quên bẵng điều hay của sự điều độ bình thường.

Chúng tôi gần đây nhận được thư/mail của người bà con, đại ý viết: “...Thư của X viết không dấu, nhưng mò đọc cũng hiểu ý....

Nói chung, tình trạng viết không dấu nên phải “mò đọc cũng hiểu ý” đang lan tràn ở trong nước cũng như ở ngoại quốc. Tình hình đó cứ tiếp tục mãi, cái gì cũng phải đoán mò, tiếng Việt sẽ lâm nguy.

 

*

*             *

Cuối cùng, chúng tôi xin trình bày một đoạn văn hay — mặc dầu câu chuyện sự thật thì đáng buồn. Xin tạm gác lại chuyện buồn đó, chúng ta thử hỏi nếu viết không dấu, bạn đọc được trọn đoạn văn này chăng?

Chu nhat ve que do cha, “me vinh con nao con nay bang tay vay ne!”.

Roi anh cuoi ha ha: Ma biet hong, trung nguyen cai hang tre trang, ca mot thau, qua xa troi”. Xa My Phuoc, huyen Mang Thit nao co xa xoi gi, chi cach thanh pho  Vinh Long, noi anh dang lam viec chua toi 1 gio chay xe, sao canh tat ca, do cha nhu the cach vai chuc nam. Toi hoi “het thay ca” lau chua ma hao hung du vay? Anh cuoi buon, nhung nep chan chim lan nay nam heo queo noi duoi mat.

Thật ra, đoạn văn vừa trích dẫn, nguyên văn viết có dấu rất đàng hoàng và phải nói là độc đáo.

Chủ nhật về quê dỡ chà, “mè vinh con nào con nấy bằng tay vầy nè!”.

Rồi anh cười hà hà: Mà biết hông, trúng nguyên cái hang trê trắng, cả một thau, quá xá trời”. Xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít nào có xa xôi gì, chỉ cách thành phố Vĩnh Long, nơi anh đang làm việc chưa tới 1 giờ chạy xe, sao cảnh tát cá, dỡ chà như thể cách vài chục năm. Tôi hỏi “hết thấy cá” lâu chưa mà hào hứng dữ vậy? Anh cười buồn, những nếp chân chim lần này nằm héo queo nơi đuôi mắt.[7]

Nếu bạn người là người quen với “sông nước miền Tây”, bạn sẽ thấy cái đẹp, cái sống động của câu văn. Nhưng nếu có ai viết đoạn văn này không dấu chúng ta đành bó tay.

Thật đáng tiếc nếu viết thư/mail không dấu!

 

Hạ tuần tháng 10, năm 2010



[1] Có người gọi là “Máy tính điện tử”.

[2] Shinseigaku-ryō新星学寮Tân-tinh Học-liêu;  “Tân” là mới, “tinh” là “ngôi sao”, như vậy “Tân-tinh” là “những vì sao [sáng] mới  mọc”; “học liêu” là “ký túc xá sinh viên” ([student] dormitory, hay [student] residence). Vào thời điểm 1968, ngoài Shinseigaku-ryō còn có Sōsei-ryō蒼生寮, Thương-sinh-liêu; lấy điển từ Thư kinh, “Ích tắc益稷”;“thương sinh” có nghĩa là “vạn dân” hay “nhân dân”; “liêu” là “ký túc xá”. Xem Daijigen 大字源 (Tokyo: Kadokawa Shoten, 1991, trang 1530). Trong những chỗ có cho người ở, còn có hội quán Ajia Bunka Kaikanアジア文化会館, tức là Hội quán Văn hoá Á châu (quy chế khác hai ký túc xá). Tất cả đều do Hozumi Goichi-sensei 穂積五一先生sáng lập.

[3] Tức chánh-môn正門.

[4] Nếu bạn muốn có phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí, xin vào www.vps.org, bấm mục “downloads” để lấy chương trình VPSKEYS và cẩm nang sử dụng chương trình này.

Trong bài này, chúng tôi không nói về trường hợp vì máy không có dấu tiếng Việt và viết chỉ hai ba dòng, vì gấp rút quá nên thảo nhanh cho xong, hoặc giả do điều kiện kinh tế người viết đành không có đủ thời giờ để học cách gõ dấu.

[5] Tức là General Headquarters of the Supreme Comander for the Allied Powers. Người Nhật gọi tắt là GHQ, người Hoa Kỳ gọi tắt là SCAP.

[6] Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử (Huế: Anh Minh Xuất bản, 1959), trang 21.

[7] Phương Nam, “Cá đồng đi mãi”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 12.8.2010, trang 41.
http://erct.com/2-ThoVan/VinhSinh/VietthubangtiengViet.htm

Nguon: http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=5025:viet-thu-bang-tieng-viet-tren-may-tinhcomputer1-can-co-dau&catid=11:vanhoa&Itemid=15

Âm lịch

Ảnh đẹp