Nhớ và quên
Từ ngàn xưa, những người dân bình thường đã gửi nỗi nhớ của mình trong những câu ca dao: "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!".
Đó là tình cảm chân thành mộc mạc mà da diết bởi nó gắn với những kỷ
niệm nghèo khó, vất vả. Từ bảy thế kỷ trước, ông quan Nguyễn Trung Ngạn
trên đường đi sứ đã có nỗi nhớ quê hương điển hình đi vào lịch sử đời
sống tinh thần của dân tộc trong bài thơ "Quy hứng": "Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách chẳng bằng về!".
Nỗi nhớ ấy quan trọng vô cùng đối với một con người. Thậm chí có nhà
thơ đã khái quát đó là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá một con
người: "Quê hương, nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người" (Đỗ Trung Quân).
Trong
đại kiệt tác "Truyện Kiều", thi hào Nguyễn Du đã bốn lần khắc họa nỗi
nhớ nhà của nàng Kiều, mà lần nào cũng thiết tha, da diết. Nỗi niềm tha
thiết, diết da nhất là nỗi nhớ người yêu và nhớ cha mẹ: "Tưởng
người dưới nguyệt chén đồng/ Tin sương luống những rày trông mai chờ/
Bên trời góc bể bơ vơ/ Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai/ Xót người tựa
cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ/ Sân Lai cách mấy nắng
mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm". "Chinh phụ ngâm" của Đặng
Trần Côn mà bản dịch hay nhất được truyền tụng của Đoàn Thị Điểm là một
nỗi nhớ dài của người chinh phụ có chồng ra chiến trận. Nỗi nhớ là thể
hiện tình yêu của mình với đối tượng được tưởng nhớ. Nỗi nhớ càng da
diết thiết tha thì tình cảm càng sâu nặng. Đây là nỗi nhớ về cảnh chia
ly: "Cùng trông lại mà cùng chẳng
thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?". Và nỗi nhớ đã biến thành hoạt động hàng ngày, với tấm lòng chung thủy: "Biếng
cầm kim, biếng đưa thoi/ Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa/ Mặt
biếng tô, miệng cũng biếng nói/ Sớm lại chiều dòi dõi nương song/ Nương
song luống ngẩn ngơ lòng/ Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?".
Đại thi hào của nước Đức Gớttơ cũng có một nỗi nhớ da diết được gửi vào
lịch sử văn chương nhân loại, nói về tình yêu thời trẻ là "Nỗi đau khổ
của chàng Vecte".
Từ đường của thi hào Nguyễn Khuyến.
Lần
giở lại lịch sử văn chương dân tộc và nhân loại, nỗi nhớ của thi nhân
để lại cho đời rất nhiều những kiệt tác. Ở Việt Nam, Nguyễn Du với "Độc
Tiểu Thanh ký", Tú Xương với "Sông Lấp", Nguyễn Khuyến với "Khóc Dương
Khuê", Tản Đà với "Thề non nước", Tố Hữu với "Việt Bắc", Lê Anh Xuân
với "Dừa ơi", Nguyễn Duy với "Sông Thao"... Trên thế giới thì "Vọng
nguyệt" của Lý Bạch, "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu, "Ơi hồ!" của
Muýtxê, "Gửi..." của A.Puskin cũng là những tuyệt tác nói về nỗi nhớ...
Nỗi
nhớ được mọi người và các thi nhân nhắc đến nhiều như là để đo sự sâu
sắc của kỷ niệm: Nhưng "quên" cũng là một nghệ thuật. "Quên" cũng là
một trạng thái day dứt xót xa lắm. Khi đại văn hào Lỗ Tấn của Trung
Quốc ở nửa đầu thế kỷ XX đã viết tác phẩm "Kỷ niệm để quên đi" thì
chúng ta không thể coi thường trạng thái "quên" được. "Quên" tức là
không nhớ. Nhưng biết phải "quên" tức là còn nhớ đấy, mà có khi còn sâu
sắc hơn nữa kia. A.Puskin đã quên như thế nào: "Tháng ngày qua những cơn gió bụi/ Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ/ Lãng quên rồi lời em huyền diệu/ Nhòa tan rồi bóng dáng nguy nga"...
Đó là những viên ngọc long lanh của sự "quên". Tôi vừa được đọc tập thơ
mới của nhà thơ Lê Thành Nghị "Sông trôi không lời". Tên tập thơ có
điều gì đấy gợi sự "quên". Và tôi đã giật mình khi đọc được câu thơ:
"Tôi mất một đời để quên một người". Vâng, "quên" còn nặng hơn cả
"nhớ". Ai đó đã nói "nỗi nhớ trĩu nặng". Nhưng "quên" cũng có nhẹ nhàng
gì.
Vui và buồn
Từ nhỏ, câu ca dao nói về vui và buồn đã in trong trái tim tôi: "Vui từ trong ngõ vui ra/ Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về".
Đời người là gắn với vui và buồn. Tất nhiên những niềm vui thì thích
hơn là những nỗi buồn. Nhưng những người sống sâu sắc thì không sợ nỗi
buồn. Nỗi buồn có khi lại cho ta sức mạnh để vùng dậy.
Năm 1989, bây giờ không còn nhớ vì sao lúc ấy tôi lại viết bài thơ "Những niềm vui, những nỗi buồn":
Đời người bao nỗi vui buồn
Nào ai biết được ngọn nguồn từ đâu
Lúc buồn - đảo vắng đêm thâu
Khi vui - cây cối lần đầu nở hoa...
Có niềm vui của hôm qua
Hôm nay nghĩ lại lòng xa xót buồn
Có nỗi buồn như sao Hôm
Tưởng đâu lại hóa trong hồn sao Mai...
Biết đâu đời ngắn đêm dài
Lo chi tạc những tượng đài, người ơi!
Tôi
chỉ nhớ rằng, lúc ấy cuộc sống của tôi đang có rất nhiều niềm vui, chứ
không có gì đáng buồn cả. Gia đình tôi đang sống rất hạnh phúc, vừa
được chuyển từ làng quê ra thị xã. Công việc thì từ giáo viên được đi
làm báo, làm văn học nghệ thuật mà tôi đã yêu quý từ lâu. Làm công việc
biên tập, tôi được bạn bè văn chương quây quần hết ngày này sang ngày
khác... Vậy thì, vì sao tứ thơ vui và buồn lại phát ra từ hồn tôi? Phải
chăng đó là tiếng vọng tự nhiên của tâm hồn mà cuộc đời tôi đã trải
nghiệm cho đến lúc ấy? Lạ vậy, hồn thơ của mỗi người cũng có tuổi đấy
chứ! Nếu câu thơ chỉ viết về nỗi niềm thực tại thì làm sao có sức nặng?
Khi
Nguyễn Du miêu tả nỗi buồn của nàng Kiều, là ông đã phải tả bằng sự
chiêm nghiệm vui buồn của cả cuộc đời mình, nên nó đã trở thành nỗi
buồn trong văn chương muôn đời:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi...
Còn
"mặt trời thi ca Nga" A.Puskin miêu tả niềm vui khi gặp lại người đẹp
thuở trước, thi sĩ cũng huy động mọi cảm xúc tài năng làm cho niềm vui
tràn ngập mà sâu sắc in mãi vào văn chương nhân loại:
Cả hồn anh bỗng bừng bừng tỉnh giấc
Trước mắt anh, em lại hiện lên
Như hư ảnh mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong
Quả tim lại rộn ràng náo nức
Vì trái tim sống dậy đủ điều
Cả thiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu...
Như
vậy, vui và buồn trong thơ văn không phải là vui buồn ngẫu nhiên. Hoàn
cảnh chỉ tạo cớ để vui buồn ập đến. Tất nhiên, sự lựa chọn cung bậc
tình cảm phù hợp với hoàn cảnh phụ thuộc vào tài năng của nghệ sĩ. Mà
sự lựa chọn này cũng là sự lựa chọn tự nhiên do tầm cỡ tâm hồn nghệ sĩ
quyết định. Sự tính toán sao cho vừa chỉ ở những người thợ vụng và chắc
chắn thất bại. Đấy là vàng nguyên chất, là kim cương của tâm hồn mà
người nghệ sĩ dâng cho cuộc đời, dâng cho nghệ thuật. Vì vậy, những
vàng mười và kim cương của nghệ thuật là rất khó, rất hiếm. Kể cả những
thiên tài, thì cũng chỉ có được một chút nào đó mà thôi, dù tác phẩm
của họ là những trái núi đồ sộ. Có thể đấy cũng là một loại quặng quý,
nhưng vàng mười và kim cương thì chỉ có một phần trong đó.
Nhịp
đập của trái tim có quy luật riêng. Không ai điều chỉnh được tâm hồn
mình, kể cả những nghệ sĩ thiên tài. Vì thế, Pêtôphi (Hunggari),
H.Hainơ (Đức), A.Puskin (Nga), Míckiêvích (Ba Lan), Muýtxê (Pháp) mới
đau khổ về tình yêu mà kết ngọc thành thơ để muôn đời. Phải chăng, vui
và buồn, sướng vui và đau khổ đối với người nghệ sĩ đều là trạng thái
của hạnh phúc? Họ được sống đến tận cùng của cung bậc tình cảm, mà
những trái tim bình thường, những người bình thường không thể nào có
được! Thi sĩ Éptusencô (Nga) đã nói điều này thay cho mọi văn nghệ sĩ
chăng:
Xin đừng cho tôi một nửa bao giờ
Cho tôi cả bầu trời, cho tôi tròn mặt đất...
Tôi không muốn hưởng nửa phần hạnh phúc
Thì một nửa đau thương, đừng cứ phải để dành!