26/09/2010 10:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 4559
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giác Ngộ: Là một tác giả lớn, một cây bút Nam Bộ tên tuổi trong làng văn học đương đại, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giám khảo cuộc thi Văn Thơ hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do Báo Giác Ngộ tổ chức, tỏ ra rất hào hứng trong việc góp sức đãi cát tìm vàng trong cuộc thi văn chương này. Trao đổi với PV Giác Ngộ, ông cho biết:


Văn học trước nhất phải hướng đến cuộc sống tâm linh, đặc biệt là văn học thời hiện đại. Nếu mất đi chiều hướng tâm linh là văn chương mất đi phần tưởng tượng và lãng mạn của văn học. Bởi lẽ có tâm linh mới có sự tưởng tượng và lãng mạn. Chính tâm linh sẽ làm cho người viết có thể suy nghiệm ra vấn đề cần thể hiện trên trang giấy. Các tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới đều như thế cả. Chính vì lẽ đó mà tôi cho rằng đây là một cuộc thi văn thơ thú vị và khơi dậy một hướng đi khá mới buộc người tham dự phải có cái nhìn sâu sắc đến cuộc sống con người và nội hàm tâm linh mà không thể hời hợt được.

quangsang-1.gif

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nhưng nhiều người cho rằng nội dung cuộc thi quá khó và quá hẹp, thưa ông ?

Trong văn chương không có chuyện khó và dễ mà điều quan trọng là cảm nhận vấn đề của mỗi người. Nếu một người nào có sự cảm nhận sâu sắc, hiểu được vấn đề và thật sự quan tâm thì sẽ dễ dàng bắt nhịp cuộc thi và cho ra đời những tác phẩm hay, có giá trị.

Theo tôi, Ban Tổ chức đã xây dựng cuộc thi vào đúng thời điểm và phù hợp với những gì đặt ra khi cả nước đang hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bởi lẽ, nói đến Thăng Long thì phải nói đến Phật giáo và Phật giáo như một phần không thể thiếu của Thăng Long 1.000 năm. Tất nhiên, không phải tác phẩm nào cũng phải thể hiện được hai phạm trù này mà một khi đã viết về Thăng Long tức là đã viết về Phật giáo và ngược lại.

Vậy còn người chấm giải thì sao, ông có cảm thấy khó khăn gì không?

Có nhiều cuộc thi tôi đọc và chấm khá nhọc nhằn nhưng buộc phải đọc và chấm vì đó là trách nhiệm của mình. Riêng cuộc thi này, càng đọc các tác phẩm dự thi tôi càng cảm thấy thư thái tâm hồn. Chính vì lẽ đó mà tôi đọc khá kỹ và chiêm nghiệm từng câu chữ mà Ban Tổ chức gởi đến.

Cũng có nhiều cách chấm và quan điểm khác nhau trong từng thành viên của Hội đồng Giám khảo, nhưng khi ngồi lại bàn bạc thì mọi người đều thống nhất với nhau về tất cả mọi thứ.

 Và ông có hài lòng với các kết quả được công bố?

Tôi thật lấy làm tiếc khi được biết cả 2 nội dung văn thơ đều không có giải nhất. Đây là quyết định cuối cùng của cả một tập thể gồm nhiều người. Riêng bản thân mình, tôi vẫn mong muốn, ở bất cứ cuộc thi nào cũng cần có đầy đủ các giải thưởng. Tôi nghĩ các tác phẩm đoạt giải đều xứng đáng được xướng danh trên bục vinh quang.

Dường như thời gian gần đây, ông đọc khá nhiều về Phật giáo ?

Trong nhà của tôi hiện giờ có rất nhiều sách của Phật giáo và khi nào có thời gian rảnh lại lấy ra mà đọc. Tôi cũng tốn khá nhiều tiền cho sách chuyên về Phật giáo đấy.

Chân thành cảm ơn ông!

PGS.TS Trần Hữu Tá  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội nghiên cứu Giảng dạy Văn học TP.HCM, Thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi Văn:

quangsang-2.gif

Cuộc thi Văn Thơ Phật giáo hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một cuộc thi văn thơ khá lạ vì buộc người tham dự phải suy nghĩ đến dòng văn học hướng thượng, tâm phải sáng, đánh thức tình cảm nhân hậu, sự yêu thương. Cho nên, tôi nghĩ rất phù hợp góp phần vào kỷ niệm 1.000 năm định đô lập quốc của dân tộc. Bởi lẽ, truyền thống của dân tộc ta là một truyền thống đầy nhân ái, yêu thương và đùm bọc nhau trước những biến thiên ghê gớm của lịch sử.

Các tác phẩm dự thi thường thể hiện sự suy nghĩ về những gì đã qua và bây giờ người ta mới có dịp bình tâm để suy nghiệm, đánh thức và thể hiện. Các cây bút đoạt giải cao từ lâu gắn bó với văn chương, thành danh, xứng đáng với giá trị thực đóng góp chứ không có yếu tố may mắn. Nếu như trong tương lai sẽ có những cuộc thi như thế này thì, theo tôi, Ban Tổ chức nên tách phần văn sáng tác ra khỏi văn nghiên cứu thì người chấm sẽ dễ và thuận lợi hơn trong việc phân định giá trị các tác phẩm theo các giải thưởng đã quy định trong điều lệ.

quangsang-3.gif

Nhà thơ Ý Nhi Thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi Thơ :

Chỉ trong thời gian ngắn và với nội dung cuộc thi tập trung một chủ đề nhưng cuộc thi đã thu hút khá đông tác giả dự thi ở khắp các vùng miền trong cả nước. Theo tôi, đây là thành công bước đầu của cuộc thi trong thời buổi mà văn thơ không được quan tâm và không còn là độc tôn. Thành công tiếp theo của cuộc thi được thể hiện qua sự thống nhất, hài hòa của các thành viên của Hội đồng Giám khảo. Chấm thơ rất khó, không biểu thị ý tứ, nội dung rõ ràng như văn xuôi nhưng trong phiên họp cuối cùng sau khi chấm và ghép điểm, phân định các giải thưởng thì các thành viên Hội đồng Giám khảo đã ngồi lại với nhau, ý kiến đều xác đáng, kết quả khá mỹ mãn và không quá nhiều cách biệt.

Tuy chất lượng cuộc thi không quá cao nhưng rõ ràng đã xuất hiện nhiều bài thơ hay. Tôi rất ấn tượng bài "Rạng rỡ hoa đào", viết chắc tay, có tâm trạng và bày tỏ được tình cảm sâu sắc với Thăng Long - Hà Nội. Trong điều kiện thời gian và nội dung của cuộc thi thì trên bình diện tổng thể là khá thành công mà không thể đòi hỏi cao hơn được.

Bảo Thiên thực hiện

Âm lịch

Ảnh đẹp