13/09/2010 23:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 11992
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cách đây hơn một thế kỷ, tại những quốc gia bị ngọai bang đô hộ, đất nước bị chia cắt, văn hóa bản địa bị triệt hủy, tâm linh dân tộc bị nhục mạ, dày xéo thì kẻ không ngoan biết thời biết thế đã chạy theo ngọai bang để kiếm miếng đỉnh chung rồi quay trở lại kết tội và chửi rủa ông bà tổ tiên mình. Tại Việt Nam trong bối cảnh mà:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới chân ông cử ngổng đầu rồng (Trần Tế Xương)
 
Và khi nhà cửa, đình, chùa, miếu đền của đất nước tan nát:
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây (Nguyễn Đình Chiểu)
 
…thì tưởng nhớ hoặc tiếc thương hồn dân tộc chỉ là những tiếng khóc than hoặc tiếng thở dài. Ngay cụ Tản Đà muốn bày tỏ lòng ái quốc cũng chỉ dám nói bóng nói gió:
 
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non.

Rồi nhà thơ Vũ Đình Liên muốn hồi tưởng lại uy linh của dân tộc năm xưa cũng chỉ đặt một dấu chấm hỏi:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Thật đau khổ cho dân tộc Việt Nam với một quá khứ huy hoàng. Thế nhưng bây giờ thì có khác. Sau khi thóat khỏi ách đô hộ, các quốc gia độc lập đã học được bài học xương máu là nếu không phục hồi lại khí phách và tâm linh dân tộc thì không thể nào đòan kết để đối đầu với những cuộc xâm lăng của đủ thứ loại ngọai bang, công khai cũng như ngấm ngầm dưới mọi hình thức. Sự trỗi dậy của các quốc gia Hồi Giáo, ngọai trừ hành động quá khích của thiểu số, nó còn  là một nỗ lực để bày tỏ khí phách và bảo vệ giá trị tâm linh mà họ nghĩ rằng giá trị đó lúc nào cũng có thể bị Tây Phương xâm thực và hủy họai. Vậy thì tâm linh dân tộc là cái gì mà người ta phải dùng xương máu để bảo vệ? Chỉ cần nhìn vào thực tế chúng ta sẽ thấy ngay câu trả lời. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng tâm linh của dân tộc Do Thái là Do Thái Giáo. Tâm linh của các dân tộc Âu Châu, Canada, Úc Châu, Hoa Kỳ là Ky Tô Giáo, tâm linh của dân tộc Ấn Độ là Ấn Độ Giáo…và hiển nhiên tâm linh dân tộc của Tích Lan, Tây Tạng, Miến Điện, Lào, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Căm Bốt và Việt Nam là Phật Giáo. Thế nhưng khác với các Thần Giáo, tâm linh dân tộc của các xứ thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo, chính yếu không phải là sự tuân phục và thờ phượng thần linh - mà là sự thể nhập giáo lý một cách hài hòa vào cuộc sống. Tại đây, sự thờ phượng là thứ yếu còn “cứu khổ độ sanh, hộ quốc an dân” mới là cứu cánh. Đối với người Việt Nam, tâm linh của dân tộc rất linh thiêng nhưng không huyền bí. Nó không huyền bí vì nó không dựa vào Thần Linh. Đó là niềm tin vào giáo lý của Đức Phật bằng xương bằng thịt, rồi từ đó rút ra những giá trị đạo đức cao nhất, rồi chan hòa trong cuộc sống qua một thời gian rất dài rồi trở thành truyền thống dân tộc. Chính tâm linh này đã soi rọi cho cách cư xử, nếp nghĩ, phương châm hành động của ông bà chúng ta trong mấy ngàn năm, chẳng hạn như:

-         Chị ngã em nâng.
-         Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
-         Thương người như thể thương thân.
-         Chín bỏ làm mười.
-         Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
-         Làm lành lánh dữ.
-         Ở hiền gặp lành.
-         Hiếu thảo, báo đáp công ơn sinh thành.
-         Báo tứ trọng ân (Ân tổ tiên, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào và nhân loại)
-         Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân…

Và chính ngôi chùa, qua bao ngàn năm kia đã là biểu tượng cho tâm linh đó một cách tự nhiên. Cứ thử nhìn vào cấu trúc và sinh họat của làng quê, xã thôn Việt Nam thì sẽ thấy:

- Đình làng là nơi hội họp để bàn về việc làng, việc nước, việc vua, việc quan. Nó là biểu tượng của uy quyền thế tục. Tại đình làng phải có tôn ti, trật tự và thứ bậc đâu vào đó. Đình làng sắp đặt thể lệ, thuế má, đôi khi cũng trở thành tòa án để xét xử những vụ tình yêu trai gái vụng trộm v.v.. Thành Hòang Làng là vị thần mà dân làng tin tưởng sẽ đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt vì ngày xưa người dân sống về nông nghiệp.

- Miếu, Văn Miếu để ghi công và thờ phượng các danh nhân, các bậc sĩ phu của đất nước như miếu thờ Cụ Cao Bá Quát, Cụ Nguyễn Du, Cụ Chu Văn An, Bà Công Chúa Liễu Hạnh, Cụ Ôn Như Hầu, Cụ Nguyễn Công  Trứ, Cụ Nguyễn Trãi, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cụ Lê Quý Đôn v.v.. Miếu và Văn Miếu biểu tượng cho văn hóa dân tộc.

- Đền là nơi thờ phượng các vị anh hùng hoặc các vị có công dựng nước như đền thờ Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Lê Chân, đền thờ Vua Lê Đại Hành, Vua Đinh Tiên Hòang, Vua Lý Thái Tổ, Đức Thánh Trần, Vua Lê Lợi, đền thờ Vua Quang Trung v.v..Đền thờ các anh hùng là biểu tượng sống động của lịch sử và khí phách dân tộc. Tới Đền Kiếp Bạc để chiêm bái Đức Thánh Trần chúng ta thấy khí phách hào hùng của dân tộc đã đánh tan ba cuộc xâm lăng của Đế Quốc Nguyên Mông.

- Còn Ngôi Chùa là nơi thờ Phật và hiển nhiên là biểu tượng tâm linh của dân tộc, mà một vị nào đó đã nói:
 
“Mái chùa che chở hồn dân tộc”

Tất cả những gì nói ở trên, những sinh họat của Đình, Chùa, Miếu, Đền của làng quê Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa từ mấy ngàn năm để trở thành bản sắc dân tộc. Dưới đây chúng ta sẽ nói thêm về những nét đẹp, nét dễ thương, nét hiền hòa, nét đôn hậu, nét trữ tình, nét từ bi, nét bao dung của ngôi chùa.

1)      Mái chùa không phải là nơi gieo rắc oan khiên mà là chỗ giải oan. Chính vì vậy mà Đạo Phật không gieo rắc oan khiên cho nhân lọai là như thế đó. Bao nhiêu ân oán giang hồ hễ tới chùa thì phải tiêu tan. Chùa không phải là nơi phân xử đúng sai, có tội hay không có tội. Chùa là nơi xả bỏ tất cả những gì gọi là Đúng Sai. Đạo đức của chùa nằm ở lòng Từ Bi, Hỉ Xả. Muốn biết Đúng Sai, muốn biết có tội hay không có tội xin đến tòa án, đến ông luật sư, đừng đến chùa.

2)      Chùa không phải là nơi bàn bạc âm mưu khuất lấp mà cửa chùa rộng mở. Nhà chùa không có gì phải che giấu cho nên Phật Giáo không có dòng tu kín. Chỗ hành thiền, chỗ ở của ni /sư, nhà trù, nơi thọ trai, chánh điện, nơi thờ Tổ …mọi người có thể thăm viếng. Sự linh thiêng của một ngôi chùa không phải là phép mầu hoặc là nơi bao trùm bí mật…mà là giới luật, đạo hạnh của sư, ni.

3)       Mái chùa không phải là nơi mưu việc thống trị thiên hạ mà là nơi cứu khổ độ sanh. Chùa không phải là trung tâm quyền lực của đất nước hay của thế giới. Trung tâm quyền lực của đất nước nằm ở quốc hội, nằm ở chính phủ, nằm ở người dân. Chùa không phong chức cho ai. Chùa không ủng hộ ai mà cũng không bài bác ai. Chùa không phải là nơi chia chác lợi lộc ngoài đời. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, nhiều Thánh tăng đã trở thành quốc sư, sứ thần của triều đình nhưng chùa không bao giờ là nơi để thế gian thậm thụt tới lui xin xỏ quyền chức.

4)      Mái chùa không phải là nơi gom góp tiền bạc, mà là nơi chu cấp cô nhi, giúp người nghèo khó. Tiền bạc của đàn na thí chủ thì được dùng vào việc phước thiện. Bởi vì đạo Phật quan niệm rằng không có sự giàu có và  phước báu nào bằng Bố Thí. Chất chứa của cải, vàng bạc đầy kho chỉ là biểu hiện của lòng Tham. Đạo Phật là đạo diệt Tham chứ không phải là đạo ôm ấp, bảo vệ lòng Tham. Người Nam trước đây có câu nói thật dễ thương “Tiền Chùa”. Mượn tiền của người ta xài đã đời rồi không trả, chủ nợ tức quá hỏi “Bộ tiền chùa hả?” Tiền chùa là tiền ai đến xin cũng được. Chùa chỉ cho không và không bao giờ tính lời, tính lãi.

5)      Dù bao nhiêu hưng-phế, bao cuộc hý trường, cười đau khóc hận đã qua nhưng trái tim của chùa, tấm lòng của chùa vẫn hằng trụ, vẫn bất biến, không bị hoen ố theo thời gian đó là cái Tâm Lành và Thủy Chung với đất nước. Chùa có thể bị phá tan, nhưng chùa không bao giờ bị khuất phục bởi bất cứ thế lực Cường Quyền, Thực Dân, Đế Quốc, Xâm Lược nào.

6)      Qua vài ngàn năm, mái chùa là hình ảnh quen thuộc đã đi vào tiềm thức của dân tộc. Tại sao thế? Bởi vì chùa - nơi mà sư cụ, sư bác thì hiền từ, sư bà, sư cô thì dịu dàng. Đời sống của chùa đơn sơ đạm bạc, phong cảnh chùa thì tịch tĩnh nên thơ, tiếng chuông chùa êm ả như tiếng tỉnh thức của lòng mình:

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng (Chu Mạnh Trinh)

Mùa xuân Tết đến, sau những ngày vui chơi với gia đình, làng nước, người người bảo nhau đi lễ  chùa. Khi xuân còn phơi phới, lòng người hân hoan, gió xuân hiền hòa, trăm hoa đua nở…thật trên đời không có gì đẹp hơn là Đi Lễ Chùa.
 
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem Cầu Thê Húc xem Chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Bút Tháp chưa mòn
Hỏi ai xây dựng nên non nước này? (Ca Dao)
 
Chính vì thế mà Hội Chảy Chùa Hương là một hội lớn của dân tộc, giống như những cuộc hành hương về Mecca mỗi năm của hằng triệu người Hồi Giáo.
Hôm nay đi Chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương   (Nguyễn Nhược Pháp)

Thế nhưng lễ chùa để làm gì đây? Trước hết để cho tâm hồn thanh thản, trút bỏ bớt muộn phiền, xả bỏ bớt Tham-Sân-Si, rồi nhân đó thắp một nén nhang cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ. Sau đó đóng góp một phần nhỏ làm công đức với chùa, rồi một phần lại đem về. Nhưng khác với đồ ăn thức uống hoa trái chưa cúng Phật. Những gì sau khi đã cúng Phật rồi đều đựơc coi là lộc đem lại tốt lành cho gia đình. Người Việt mình cứ tin như thế cả ngàn năm rồi và cả tôi nữa, dù ở trên đất Mỹ hơn 25 năm cũng vẫn tin như thế. Bữa cơm chay ở chùa dù là tương chao, dưa muối vẫn linh thiêng hơn là bữa cơm thịnh sọan ở nhà. Chính vì thế mà người Tây Phương thấy lạ là tại sao người Việt Nam, người Trung Hoa cứ thích tới chùa ăn cơm chay. Xin thưa đó là nét đẹp của dân tộc chúng tôi mà nếu không phải là người Việt Nam hoặc người Trung Hoa thì quý ngài không sao hiểu được.

7)      Mái chùa còn là nơi nương náu khi chúng ta gặp họan nạn, cùng đường mà không ai dung chứa. Lỡ dại yêu nhau, sinh con không tiền nuôi nấng, sợ làng xóm chê cười bèn đem con bỏ chùa. Do đó nhiều chùa đã trở thành cô nhi viện để nuôi nấng trẻ em bạc phước. Chẳng hạn như Chùa Bồ Đề ở bên kia sông Hồng, Chùa Đức Sơn ở Hương Thủy, Huế đã nuôi nấng, dạy văn, dạy võ thuật cho 198 trẻ em khuyết tật hoặc mồ côi hoặc bị cha mẹ bỏ rơi, để các em tự tin, dũng cảm để tự vượt qua nỗi bất hạnh của cuộc đời. Mới đây nhất là chuyện một mục sư Nam Hàn đã vào chùa để lánh nạn suốt 34 năm trời. Rồi chuyện của nhà độc tài quân phiệt khét tiếng Nam Hàn là Tổng Thống Chun Doo Hwan sau khi hết quyền hết thế, bị lôi ra tòa kết án tử hình. Cuối cùng phải cạo đầu, xin nương náu ở chùa, sau được giảm án thành chung thân rồi được ân xá. Dĩ nhiên chùa đâu phải là nơi dung chứa tội phạm. Thế nhưng khi một kẻ gặp bước đường cùng như thế, nhà chùa làm sao có thể đuổi họ ra ngòai? Cửa chùa rộng mở là tôn chỉ của chư tăng, ni mà. Cho nên kẻ phạm tội có thể tạm thời lưu tại đó cho đến khi nhà chức trách biết được và mời ông ấy đi, chứ chùa không xua đuổi ai cả.

8)      Mái chùa còn là bối cảnh nảy nở bao mối tình đẹp như hoa còn truyền tụng cho tới ngày nay. Trong Bích Câu Kỳ Ngộ Tú Uyên đã gặp Giáng Kiều nơi cảnh Phật:

Ngọc Hồ có đám chay tăng ,
Nức nô cảnh Phật, tưng bừng hội Xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân ,
Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai .
Thưởng Xuân sinh cũng dạo chơi,
Thơ lưng lưng túi, rượu vơi vơi bầu.

Rồi quan huyện Từ Thức, đẹp trai, hào hoa, may mắn gặp Tiên Nữ cũng tại một ngôi chùa nổi tiếng của Huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh. Rồi chuyện Vua Lý Thánh Tông đi thăm Chùa Dâu mà gặp cô thôn nữ tên Yến Loan tại đây. Vua ưng ý  đem về cung phong làm Ỷ Lan Phu Nhân, sau là Nguyên Phi cuối cùng là Hoàng Thái Hậu. Bà sinh cho Vua hai hoàng tử nối dõi ngai vàng. Nếu Vua không đi chùa, may mắn gặp cô Yến Loan thì chắc chắn sẽ tuyệt tự vì năm đó Vua đã  40 tuổi mà không con. Có lẽ vì giai thọai này được truyền tụng trong dân gian cho nên những ai hiếm muộn đều đến Chùa để xin Phật Bà Quan Âm ban cho một mụn con gọi là “con cầu tự”. Chuyện cầu tự có thể thấy trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.

9) Ngày nay do xã hội phát triển quá nhanh, nhanh đến chóng mặt và nhiều hư hỏng, cám dỗ cho nên nhu cầu giáo dục thanh-thiếu-niên là nhu cầu bức thiết. Chính vì thế mà chùa đã trở thành trung tâm sinh họat của các đoàn sinh Gia Đình Phật Tử. Các em đến đây để sinh hoạt, vui chơi, huân tập để trở thành một công dân tốt được trang bị bằng những giá trị đạo đức vững chắc, khi trưởng thành vào đời cố gắng vươn lên, góp phần vào việc lành mạnh hóa xã hội và không quên giúp đỡ kẻ khác trong tinh thần Bi-Trí-Dũng. Chùa làm bao lợi ích cho đời như thế cho nên những ai nói rằng chùa yếm thế, chỉ lo việc Đạo không lo việc Đời hoặc “trốn việc quan đi ở chùa” kẻ là thiếu hiểu biết hoặc ác khẩu.

10)  Hiện nay trên tòan thế giới, từ Âu sang Á, thậm chí cả Phi Châu, Tân Tây Lan, Úc Châu, Ấn Độ đã có khỏang 300 ngôi chùa do ni, sư Việt Nam trụ trì. Dù có nơi còn rất khiêm tốn và chỉ như một ngọn đèn rất nhỏ trong đêm tối. Thế nhưng dù là một ngọn đèn nhỏ vẫn là ngọn đuốc Từ Bi và Trí Tuệ được thắp lên, những chủng tử lành bắt đầu được gieo trồng. Mỗi bộ tộc, mỗi quốc gia đều có lương tâm và đạo đức riêng của họ. Nhưng muốn thế giới này tồn tại trong yên vui thì con người cần phải có một nền đạo đức chung. Chúng ta hãy nghe học giả Moni Bagghee nói “ Thế giới ngày nay ngày càng hướng về Đức Phật vì ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân lọai.” (*) Cho nên sự hiện diện của ngôi chùa, dù bất cứ ở đâu sẽ là biểu tượng của một nền đạo đức cao cả nhất mà con người cần phải vươn tới. Chúng ta có thể tin tưởng vững chắc điều này như nhà bác học Albert Einstein đã khẳng định cách đây hơn nửa thế kỷ “ Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo tòan cầu, vượt lên trên mọi Thần Linh, Giáo Điều và Thần Học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện Tự Nhiên lẫn Siêu Nhiên đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lãnh vực nói trên, trong cái Nhất Thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.” (*)

Lời Kết:

Trải bao hưng phế, chùa đã nổi trôi theo dòng lịch sử và gắn liền với vận mệnh dân tộc. Khi nào đất nước hưng thịnh, tự chủ thì chùa chiền đông đúc, trăm họ âu ca, giáo lý hiền hòa phổ cập trong dân gian. Khi nào đất nước loạn ly, ngọai xâm dày xéo thì chùa chiền tan nát và cũng là lúc mà tâm linh của dân tộc tan nát, trầm vong!

Kinh qua lịch sử đau thương của những thời kỳ mất nước, và nhìn vào những xung đột của thế giới ngày hôm nay chúng ta thấy vũ khí tối tân để bảo vệ đất nước là điều phải có, nhưng sức mạnh của một dân tộc không hoàn tòan nằm ở vũ khí. Một dân tộc muốn kết thành một khối hùng mạnh nó phải dựa trên ba trụ cột: Văn Hóa, Khí Phách (Lịch sử) và Tâm Linh. Chúng ta có thể mua vũ khí ở nước ngòai, nhưng chúng ta không thể chờ hoặc nhờ ngọai bang tới để dạy dỗ văn hóa dân tộc, rao giảng, truyền bá khí phách và tâm linh cho dân tộc chúng ta. Cứ thử tưởng tượng ngày mai đây, tất cả các nhà thờ tại Âu Châu, Hoa Kỳ biến mất và được thay vào đó bằng các thánh đường Hồi Giáo thì Hoa Kỳ và Âu Châu có còn là Hoa Kỳ và Âu Châu nữa không? Ngược lại, tại các quốc gia Trung Đông và Ả Rập, các đền thờ Hồi Giáo biến mất và được thay bằng các nhà thờ Ky Tô Giáo thì Trung Đông và Ả Rập có còn là Ả Rập và Trung Đông nữa không? Như vậy, xét về mặt tâm linh dân tộc, ngôi chùa là một biểu tượng linh thiêng bất khả thay thế. Vậy thì đối với người Việt Nam, tô thắm cho các ngôi chùa, khuyến khích mọi người đi lễ chùa, duy trì sự hiện diện của ngôi chùa - là bảo vệ tâm linh và bản sắc dân tộc. Muốn đất nước tồn tại, độc lập, hùng mạnh, tự chủ và phát triển trong tinh thần nhân ái mà không mất bản sắc, thì từng giây, từng phút chúng ta không thể phó mặc tâm linh của dân tộc muốn ra sao thì ra. Nói khác đi không thể phó mặc chùa còn hay mất, sao cũng được.

Cước chú: dấu (*) Trích trong Đạo Phật Dưới Cái Nhìn Của Các Nhà Trí Thức: Buddhism in the Eyes of Intellectuals

Đào Văn Bình
(23 Tết Nhâm Dần, 2010)

Âm lịch

Ảnh đẹp