Lịch
sử Phật giáo đã ghi chép những thiền viện, vừa là chỗ tu hành, vừa là
nơi hun đúc những tinh hoa của văn học. Một Pháp Thuận (914 - 990) đã
làm cho sư nhà Tống phục tài, một đại sư Khuông Việt (959 - 1001) nổi
tiếng với tài thơ văn. Từ Đinh - Lê - Lý - Trần, cửa thiền đã đào luyện
biết bao văn nhân lỗi lạc: Khánh Hỷ thiền sư với Mộ Đạo Tập, Mãn Giác
thiền sư với Viên Thông Tập, Trần Nhân Tông với Khóa Hư Lục, Trần Quang
Khải với Lạc Đạo Tập… Đó là những thời cực thịnh của đạo Phật. Thời ấy,
cửa thiền đã đóng vai trò quan trọng trong văn học Việt Nam.
Qua
đời Lê - Nguyễn, triều đình thiên về Nho giáo, nhưng ảnh hưởng của Phật
giáo không vì vậy mà phai mờ, trái lại càng đi sâu vào tâm hồn người
Việt một cách thâm trầm. Ngôi nhà Phật giáo được dựng nên, yên tĩnh tu
tập, được tìm thấy qua những tác phẩm trường thiên, điển hình như Quan
Âm Thị Kính, Phan Trần v.v…
Một điều đáng chú ý là qua hai triều
Lý - Trần, những tác phẩm mang màu sắc Phật giáo không những không có
tư tưởng tiêu cực chán đời, trái lại còn thắm nhuần những triết lý siêu
thoát, lạc quan tích cực, dấn thân để mong giải thoát con người khỏi
vòng tục lụy, một ý thức hệ đã ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo qua hai tác
phẩm tiêu biểu: Cung Oán Ngâm Khúc, Quan Âm Thị Kính trong nền văn học
Việt Nam.
CUNG OÁN NGÂM KHÚC
Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn
Như Hầu - Nguyễn Gia thiều (1741-1798) là một tác phẩm chữ Nôm nổi
tiếng được viết theo thể song thất lục bát, có tất cả 356 câu. Tác phẩm
này cho thấy tâm tư tác giả không chỉ thâm nhập ý tưởng siêu thoát của
Phật - Lão mà còn bị níu kéo bởi triết lý nhập thế tích cực của Nho
giáo. Vẫn biết đời là bể khổ, là bến mê, tất cả hạnh phúc trên đời
chỉ là phù hoa ảo ảnh sẽ chìm đắm vỡ tan như bọt bèo trong hư vô của vũ
trụ:
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy, Kiếp phù sinh trông thấy mà đau Trăm năm còn có gì đâu? Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.
Nhân
sinh quan ấy là sự vô thường và Phật đã từng dạy: “nước mắt chúng sanh
nhiều hơn nước đại dương”. Những nỗi khổ đau của kiếp người:
Thảo nào khi mới chôn nhau, Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra Khóc vì nỗi thiết tha sự thế, Ai bày trò bãi bể nương dâu? Trắng răng đến thuở bạc đầu Tử, sinh, kinh, cụ làm đau mấy lần?
Cuộc
sống chẳng khác nào một kiếp đọa đày. Vậy thì không gì hơn là tìm cách
giải thoát toàn diện con người, vươn hẳn ngoài số kiếp:
Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật, Mối thất tình quyết dứt cho xong. Đa mang chi nữa đèo bồng, Vui gì thế sự mà mong nhân tình?
Đa mang số kiếp làm gì? Tự gạt bỏ tất cả, giã từ vô minh, thực hiện con đường chánh đạo để mong đến niết-bàn an vui. Cho nên:
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa Mượn hoa đàm, đuốc tuệ làm duyên. Thoát trần một gót thiên nhiên Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
Nhưng
con đường giải thoát đã không được như ý nguyện, vì cung phi vốn đã
mang cái nghiệp như Thúy Kiều. Do đó, tư tưởng Nguyễn Du đã gặp Ôn Như
Hầu:
Ai ngờ trời chẳng cho làm Quyết đem dây thắm mà giam bông đào.
Định mệnh khắt khe đã ràng buộc cung nữ bằng vòng dây thắm, chính là thuyết nhân quả của nhà Phật:
Hẳn túc trái làm sao đây tá? Hay tiền nhân hậu quả xưa kia?
Rõ
ràng trong Cung Oán Ngâm Khúc, tác giả đã xây dựng trên nền tảng giáo
lý nhà Phật, sự trớ trêu cuộc đời đã khiến cho người cung nữ nghĩ một
đàng, làm một nẻo, chung quy cũng vì nghiệp chướng. Nói như Tiên Điền
Nguyễn Du qua đoạn Trường Tân Thanh:
Đã mang lấy nghiệp vào thân Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.
Hay là: Rỉ rằng nhân quả dở dang Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Qua
tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu đã bày tỏ tâm sự của một kẻ sĩ
đã nhìn thấy cuộc tang thương biến đổi và biết bao thăng trầm mà chính
tác giả đã sống giữa bao nhiêu biến cố lịch sử quan trọng, tâm sự đôi
phen bận rộn về ý nghĩa cuộc đời. Tâm sự đó là một tấn bi kịch ray rứt,
tiềm tàng một mâu thuẫn khắc nghiệt giữa một cuộc sống nội tâm muốn
siêu thoát và những phiền não trong thực tại.
QUAN ÂM THỊ KÍNH
Quan
Âm Thị Kính là tác phẩm chuyên chở trực tiếp tư tưởng Phật giáo từ
nguồn gốc và tư tưởng ấy phổ biến một cách sâu rộng trong quảng đại
quần chúng. Qua Cung oán ngâm khúc, tuy nhân vật không thực thi được
con đường chánh pháp để đến bờ giác ngộ, nhưng đã nhận chân được chân
lý của Tứ diệu đế. Dù cho người cung nữ của Ôn Như Hầu có thực hiện
được con đường diệt khổ thì đó cũng chỉ là một phương tiện tiêu cực và
hạn hẹp vào ý nghĩa tự giác để mong làm “Cái thân ngoại vật là tiên
trong đời”.
Cao hơn một bậc, tác phẩm thơ nôm khuyết danh Quan
Âm Thị Kính của thế kỷ 19 có tính cách tích cực hơn. Nhân vật ở đây
không những có thái độ tự giác mà còn mang những đức tính từ bi, hỷ xả,
v.v… đem tứ vô lượng tâm gánh vác hết mọi phiền não của chúng sinh
trong tinh thần giác tha.
Truyện Quan Âm Thị Kính viết theo thể
văn vần: sáu, tám, gồm 788 câu, mô tả cuộc đời của Phật Quán Âm kiếp tu
thứ 10, kiếp cuối cùng trước khi đắc đạo. Thị Kính, nhân vật chính
trong truyện là một vị chân tu trải qua 9 kiếp, thế mà vì một lời nói
hão huyền, đã gây thành “khẩu nghiệp” nên phải “chờ cho kiếp nữa đủ
mười, thử cho đày đọa suốt đời xem sao?” Đúng như Phật dạy: “Vạn sự
khổ”. Cuộc đời của Thị Kính là một thí dụ cụ thể:
Thuở làm vợ để chồng ngờ thất tiết Lúc làm trai cho gái đổ oan tình. (Thư Thị Kính)
Cùng với hai nỗi oan trái ấy là cả một chuỗi dài cay đắng, khổ đau, mà nguyên nhân của khổ cũng chỉ vì đã sinh vào cõi trần ai:
Cõi trần mượn cửa thác vào Hóa sinh, sinh hóa, lẽ nào cho hay.
Muốn xóa bỏ nghiệp chướng, thoát khỏi luân hồi, chỉ có con đường độc nhất, đó là: “lánh miền trần tục, nương mình thiền môn”.
Miền Bát-nhã tìm vào mây khói, Nương bè từ vượt khỏi sông Mê (Thư Thị Kính)
Quan
Âm Thị Kính là tác phẩm làm sáng tỏ đạo từ bi của Phật. Từ bi là động
lực chính yếu đã thúc đẩy đức Phật đi tìm con đường giải thoát cứu độ
chúng sanh, Thị Kính là hiện thân của lòng từ bi ấy. Khi phải mang nỗi
oan trái khó giải đáp, Thị Kính chỉ sợ rằng “kiếp tu ấy quả ấy có tròn
được chăng”, nên dầu tủi nhục nhưng tâm vẫn điềm nhiên, vì điều nguyện
ước về lý tưởng tôn thờ đã được thỏa mãn. Thị Kính hứng lấy tất cả khổ
đau cho miệng đời mai mỉa, cam nhận nỗi oan trái đã thể hiện được cái
tâm nguyện của Bồ-tát. Đức Phật đã từng dạy: “Ta chịu đau thân là nhận
hết cả hằng hà sa số khổ đau của chúng sanh. Vì ta nguyện tế độ chúng
sanh, nên ta mới thành Phật”.
Đối với người, Thị Kính đã đem tâm từ đáp lại sự điêu ngoa, gian trá:
Sá thù chi đứa dâm ô Nước tùy duyên rửa đi cho kẻo mà!
Chữ rằng: Nhẫn nhục nhiệm hòa Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu!
Thị
Kính vâng lời Phật dạy: “Người tu hạnh Bồ-tát phải lấy tâm từ bi làm
gốc. Cây Bồ-đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu hành phải
lấy từ bi làm lẽ sống của mình”. Nhờ vào lòng từ bi vô hạn, Thị Kính
nhận nuôi đứa hài nhi “đem giọt máu tình thâm hòa vào”.
…Nhưng vì trong dạ hiếu sinh Phúc thì làm phúc, dơ đành họa dơ. Cá trong chậu nước bơ vơ Khi nay chẳng cứu, còn chờ khi nao?
Tu
hành không phải tìm về con đường giải thoát cho cá nhân, mà phải biết
cứu độ chúng sanh mới là định hướng của Phật pháp. Thị Kính đã biết như
vậy:
Dù xây chín kiếp phù đồ Sao bằng làm phúc cứu cho một người.
Tóm
lại, truyện Quan Âm Thị Kính trình bày quan niệm giải thoát dưới nhãn
quan của người xuất gia. Tu hành không phải là hình thức tiêu dao cửa
Phật, làm duyên với hoa đàm, đuốc tuệ, an vui với tiếng mõ câu kinh, mà
tu hành phải khổ hạnh, phải trải qua bao nhiêu thử thách gian truân, đó
là cơ hội cho người ta lấy tâm từ để chiến thắng cảnh ngộ, không chỉ
giải thoát cho cá nhân, mà còn cứu độ tha nhân. Tất cả tác phẩm Quan Âm
Thị Kính chỉ rút lại hai câu:
Nhân sinh thành Phật dễ đâu? Tu hành có khó rồi sau mới thành.
Tóm
lại, cõi đời và nẻo đạo, tâm này và lòng kia đã gắn chặt cảm thông sâu
xa qua thơ ca, ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Phật giáo: “Thơ tôi thơm
huyền diệu – Mọc lên đạo từ bi” (Hàn Mặc Tử). Cuộc trùng phùng giữa tư
tưởng Phật giáo và thi ca Việt Nam trải hằng bao thế kỷ quả là con
đường hun hút lên chùa Hương nghi ngút khói vàng của người thiếu nữ
ngày nào trong thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Mẹ bảo đường còn lâu, cứ vừa đi
ta cầu: Quán Thế Âm Bồ-tát…” Vẻ hồn nhiên ấy của người thiếu nữ, với
niềm tin tưởng vô biên vào lẽ nhiệm mầu đã nói lên sự hòa đồng vĩnh cửu
giữa dân tộc tính Việt Nam xuyên qua ánh đạo từ bi Phật pháp. Sự hòa
hợp này đã đào tạo cho dân tộc một tâm hồn sâu sắc, tế nhị, nhẫn nhục,
rộng lượng và tự tin:
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng Thử tâm thường định bất ly thiền. (Nguyễn Du)
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã chịu ảnh hưởng sâu sắc triết lý Phật giáo:
Ta còn để lại gì không? Kìa non đá lở, nọ sông cát bồi. Lang thang từ độ luân hồi U minh nẻo trước, xa xôi dặm về. Trông ra bến hoặc, bờ mê Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương.
Đề
tài viết về Phật giáo rất nhiều, người viết chỉ dẫn ra đây một ít tác
phẩm văn học tiêu biểu mang đậm triết Đông phương đã đi sâu vào mạch
sống dân tộc.■
|