Tới tháng Mười này, “trung niên
thi sĩ” đã ra đi tròn một con giáp, để lại trong lòng người yêu mến ông ở
cõi nhân gian này rất nhiều giai thoại. Có một câu hỏi về Bùi Giáng mà
nhiều người muốn giải đáp: “Bùi Giáng có điên không?”.
Như
nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, một người có họ hàng với Bùi
Giáng từng phát biểu: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không
bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao
du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà cũng thật khó vậy”.
Theo Bùi Văn Nam Sơn “mách nước”, chuyên đề kỳ này thử lý giải cho thắc mắc: “Bùi Giáng có điên không?”.
Tổ chức chuyên đề: TRẦN HOÀNG NHÂN
(TT&VH Cuối tuần) - Người
ta chứng kiến, trong cuộc sống, Bùi Giáng thỉnh thoảng có những hành
vi, sinh hoạt khác thường, chẳng hạn mặc một lần nhiều bộ quần áo lên
người; ra đường hò hét, huơ gậy giữa đám đông; thản nhiên đứng tắm nơi
vòi nước công cộng…, rồi kết luận là ông điên (cũng do một phần, ông
thường tự nói là mình điên trong nhiều bài viết, bài thơ). Thật ra, có
lẽ đó chỉ là biểu hiện của một tâm hồn linh nhạy thái quá, do tố chất
(khuynh hướng) siêu hình sung mãn ẩn chứa bên trong “đẩy đưa” mà thành
ra bên ngoài như vậy.
“Lỡ từ lạc bước bước ra”
Trong
con người Bùi Giáng có một tố chất mẫn nhạy với cõi siêu hình. Cũng một
sự kiện, thậm chí một câu thơ vu vơ (nhưng tất nhiên phải hay), ông dễ
liên tưởng đến những ý nghĩa, tư tưởng diệu vợi phía sau nó. Chẳng hạn
với câu thơ “Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm” của Xuân Diệu, ông “phát
hiện” đó chính là nói về tâm hồn của những thi sĩ phiêu bồng, luôn “bị”
những cái vu vơ “kêu thầm” để mà lãng đãng, để mà suốt đời lên đường
tìm kiếm một cái gì đó, và rốt cuộc để mà hệ lụy.
Một
đối tượng của siêu hình ám ảnh ông nặng nhất chính là việc con người
sinh ra. Vì sao sinh ra? Sinh ra rồi tại sao lại chết? Thuở đầu đời cầm
bút, ông đã có 2 câu thơ hay nói về điều này: Lỡ từ lạc bước bước ra/ Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.
Ông cho rằng sinh ra đời đã là “lỡ từ lạc bước bước ra” và phải đi tiếp
mãi trên đường đời không thể chống chọi lại. Và “chết từ sơ ngộ màu hoa
trên ngàn” cũng là cách ông nói về sự gắn kết tâm thức mình với những
rừng hoa trên núi ngàn quê ông, cái đẹp của chúng mà ông lần đầu được
ngắm đã thành cái mênh mông xa vắng mãi trong tâm hồn ông. Lại có lần
ông viết về mình: “Thi sĩ sinh ra giữa cỏ cây ly kỳ gây cấn và sẽ chết
đi giữa cây cỏ gây cấn ly kỳ”. Đó là cách nói quá thiết tha mẫn nhạy về
cái cảm trạng ông sinh ra đời và làm thơ, nó đứng ở mép rìa cõi… điên,
và ông bị cho “nói điên” là vì vậy.
Khi
được ai đó mời ăn tô phở hay hủ tiếu, ông thường lựa ăn… thịt trước.
Người ta hỏi “ăn vậy sao ngon?”, ông đáp ngay “thì cái ngon nên ăn trước
chớ rủi chết bất tử thì sao”! Qua đó, người ta dễ kết luận “Bùi Giáng
điên”, nhưng rõ ràng là sâu xa trong ông, cái chết luôn ám ảnh thường
trực. Có lần ăn mì Quảng (món ăn rất quen thuộc ở quê ông), ông chợt thở
dài quay sang nói với ông bạn “ta ăn hai ngàn tô mì nữa ta chết”. Ông
bạn ngớ người. Nhưng đó là một câu nói… thăm thẳm!
Điều
đó lý giải vì sao, bên cạnh làm thơ, Bùi Giáng đã nhanh chóng cùng lúc
đi sâu vào nghiên cứu, luận bàn triết học và có nhiều tác phẩm “đánh
động” về lĩnh vực này.
Người trời?!
Cũng
vì “cái tật” hay vào quán… hò hét, chỉ trỏ, Bùi Giáng có lần bị một
người bán hủ tiếu đánh bị thương khá nặng, phải vào bệnh viện. Người
thân của ông định “trả thù”, nghe vậy, nằm trên giường bệnh, ông nói:
“Hãy tha cho họ, họ là người thường mới đánh mình, vì họ không biết mình
là con nhà trời. Nếu kiện, họ đi tù, lấy ai bán hủ tiếu cho bà con ăn”.
Nghe hai chữ “người trời”, ai cũng lén cười, nhưng có lẽ Bùi Giáng nói…
thật. Trong tâm thức ông luôn có những “giọng nói”, “hình ảnh” siêu
hình chất chứa. Nhiều lần, ông bật thốt những cái tên như Thích ca,
Jesus, Khổng Tử, Trang Tử… cho đến Shakespeare, Nietzsche, Heideger… một
cách tự nhiên để giải thích một điều gì đó trong câu chuyện đang nói,
như thể những vị đó đã luôn là “bạn” của ông trong mọi lúc mọi nơi.
Những
khi Bùi Giáng đứng chỉ tay rối rít giữa những ngã tư, nhiều người quen
rất lo có ngày ông bị đụng xe (nhưng có cái lạ là ông không bao giờ bị
đụng). Hỏi: “Đã có công an làm trật tự giao thông rồi, nhà thơ làm vậy
chi nữa?”, ông chỉ tay lên trời đáp: “Ta đâu có chỉ đường cho loài
người. Ta chỉ đường cho các thiên thần đang đi lại trên trời kia kìa”.
Hồi giữa những năm 1960, có lần nhà văn - thầy giáo Hoàng Phủ Ngọc Tường
đi tìm ông và thấy ông đang ngủ cạnh một ngôi mộ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh
Chi. Nhà văn đánh thức ông dậy, quát to: “Về nhà ngủ”. Ông ngồi dậy,
đưa tay lên miệng suỵt suỵt mấy tiếng, bảo “Mi nói nhỏ thôi để những
người dưới mộ ngủ ngon”.
Như
thế cho thấy Bùi Giáng có năng lực… nhìn thấy người trời và người âm?
Điều đó chỉ mình ông biết thôi, vì cũng chỉ mình ông nói ra. Nhưng qua
các sự việc ấy, ít ra, ta thấy ông có khuynh hướng siêu hình mạnh mẽ. Nó
đã chi phối không chỉ tư tưởng, thơ ca mà cả cuộc sống đời thường của
ông. Ông quả là nhà thơ phiêu bồng theo cái nghĩa tinh mật của từ này.
Thiền tọa và tịnh khẩu
Có
một Bùi Giáng ở nhà rất khác với Bùi Giáng ở ngoài đường phố. Nguyễn
Thanh Hoài, người cháu rể ở chung với ông nhiều năm cuối đời, có lần hỏi
“cháu thấy ở trong nhà mình đây, bác tỉnh táo và còn… khôn hơn người ta
gấp trăm lần, vậy mà ai cũng nói bác điên, vậy bác điên giả bộ hay điên
thiệt?” . Ông cười trả lời: “Ta vốn là con trai cả trong nhà. Nhưng vì
mẹ ta là vợ thứ nên ta trở thành con thứ sáu, gọi là Sáu Giáng. Tuy thế,
vì ta là con cả nên trong nhà từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, tụi nó đều
bắt ta đứng ra giải quyết, nên chi thôi ta… điên cho nhẹ người. Vì vô lẽ
ăn rồi cứ đứng ra giải quyết ba cái chuyện trời ơi. He he, đã điên thì
làm sao mà đứng ra hòa giải cho được”. Đây cũng là một… triết lý, nhưng
là một triết lý khôn “không thể nói” của con người nông thôn miền Trung
còn lưu cữu trong con người nhà thơ phiêu bồng phố thị. Cũng theo người
cháu này, có những lúc Bùi Giáng ở hẳn trong nhà cả tháng trời. Suốt
tháng đó, ông không hề mở miệng nói một câu, thậm chí cũng không đọc thơ
vốn là nhu cầu “máu thịt” của ông. Ông chỉ nói một, hai từ trong những
lúc cần thiết trao đổi. Ví dụ “ăn cơm không?”, đáp “ừ”; “ăn thêm chén
nữa?”, đáp “không”… Và hình như “công án” tịnh khẩu dài lâu như thế
không phải là điều dễ thực hành (ngay cả với người tu chân chính), cho
nên người nhà thỉnh thoảng lại thấy ông lấy những áo quần cũ rách ra để
ngồi vá. Ông vá thật khéo tay, miếng nào miếng nấy “đẹp như người ta
vẽ”. Chúng ta đồ rằng, với “công án” vá may đó, ông đã thực hành pháp
chánh niệm của Phật giáo (chăm chú an trú trong hiện tiền, với việc mình
đang làm từng giây phút) để rồi mới có những miếng vá “tuyệt vời” như
vậy.
Bùi
Giáng thường thức dậy rất sớm, mới tù mù sáng, ông đã ra khỏi nhà. Và
thường thì đến khi tối mịt, ông mới về. Nhưng trong nhiều năm cuối đời,
dù dậy sớm “phiêu bồng” đâu đó đến khuya, mỗi ngày ông đều ngồi thiền
khoảng một tiếng vào hai “thời”: khuya và sáng sớm. Nhiều vị tu sĩ cho
biết: “Ngồi thiền đều đặn như thế giúp cho tâm trí và cơ thể cân bằng,
có nhiều năng lượng sống”. Chúng ta lại đồ rằng, Bùi Giáng đã rất “tỉnh
táo” khi chọn cách tịnh khẩu và ngồi thiền như thế. Tố chất siêu hình
nhiều khi khiến ông có vẻ “điên”, nhưng cũng chính cái đó “đẩy” ông đến
gần hơn với thế giới của tôn giáo nghiêm mật và minh triết.
Những lập ngôn minh triết
Không
kể đến văn chương, ngay trong những trò chuyện đời thường, Bùi Giáng
hay có những câu nói ấn tượng. Chúng mang tính “thông điệp” siêu hình
riêng của ông chăng?
Có
lần bị bệnh, người quen đến thăm, xuýt xoa, ông chậm rãi nói: “Ta có
bệnh chi mô, chẳng qua ông trời hắn khó ở, hắn bệnh nên ta mới bệnh
theo”. Lại là lời nói… điên, nhưng thực ra… chính xác lạ kỳ. Ai cũng
biết, khi đất trời, thời tiết chuyển đổi, cơ thể con người cũng bị ảnh
hưởng, và người đang yếu lúc ấy lâm bệnh là phải.
Năm
1969, ông vào Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, nhưng chưa đầy một năm thì
ra viện. Có người hỏi “bệnh viện chữa hay quá nhỉ?”, ông tỉnh rụi: “Đâu
phải vậy. Tại ta ở ngoài đời điên số một, nhưng vào trong thì thấy mình…
đồ bỏ. Có nhiều đứa hắn điên còn rực rỡ hơn mình nên ta phải tự động
thôi điên… cho khỏe”. Dễ hiểu với cái kiểu “điên khôn” như vậy, ông mới
viết được hàng chục cuốn sách triết học rối rắm mà thông tuệ. Cũng có
khi ông làm bộ nói thay cho người đời bằng những câu thơ: “Ông điên mà dzui dzẻ thập thành/ Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn thiu”.
Vậy
cho nên, lúc ra viện, ông đã trêu bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, người trực
tiếp chữa bệnh điên cho ông, với câu nói thay cho ông bác sĩ: “Hỏi
chuyện ngài để thăm dò chứng bệnh, rốt cuộc ta không còn biết là ngài
điên hay chính ta điên”. Những câu nói như thế thường khiến những người
dù là trí thức cao cấp chăng nữa cũng phải xem lại cuộc sống và cả những
tư duy máy móc của mình.
Đón đọc Bài 2: Thiên tài & tri ngộ
Đoàn Vị Thượng