05/11/2010 06:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 4807
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày xưa có một nhà thơ viết:        “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió        Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”

       Là thi sĩ “tôi làm thơ là rung một làn ánh sáng” là người sống và cảm xúc trước cái đẹp.

                               “Ai mua trăng tôi bán trăng cho,

Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò” (Hàn mặc Tử )

 

         Làm thơ là cửa ngõ vào tâm linh. Cũng ánh trăng ấy, sông xa ấy, làn sương ấy, mùa thu ấy, mỗi nhà thơ cảm nhận một cách khác. Được gặp và quen ông qua lời giới thiệu của một người bạn, cầm trên tay tập thơ của ông, mỗi ngày mỗi dày lên, tôi đọc liên tiếp trong gần hai tháng. Có tất cả mười tập, không thể đọc hết một lúc, phải đọc nhiều lần mỗi ngày đọc một ít bài. Và chỉ đọc về đêm vì chỉ có ban đêm tôi mới có thể lắng lòng mình nghe, cảm và rung động trước những vần thơ lạ lùng như một dòng suối chảy róc rách không ngừng; Lạ lùng vì chất tự nhiên, trong trẻo mà hàm súc vô cùng của ngôn ngữ thơ đặc biệt. Một loại hình ngôn ngữ giản dị, có khi còn dí dỏm nữa; Vui có, buồn có, đọc rồi thấy tâm hồn mình đổi khác, hết ưu tư buồn phiền trước bao nhiêu phản trắc xô bồ giữa cuộc đời hiện tại. Tuy thế thơ ông nhiều khi man mác một nỗi buồn, đọc những vần thơ sau:

 

                   Nắng lên cho ấm hương sầu

                   Gợi lên trầm bỗng tiếng cầu kinh xưa

                   Tình quê biết nói sao vừa

                   Đau thương máu lệ hay chưa hỡi người?

                     (Tiếng lòng nức nở quê hương)

                

                  Xuân đến làm chi thấy ngậm ngùi

                             Nụ cười đã chết hẳn trên môi

          Ngày vui đã mất từ lâu lắm

          Từ thuở còn thơ khóc chào đời.

                                                                         ( Thầm lặng)

 

Nỗi buồn trong thơ Mặc Giang là nỗi buồn nhân thế. Điều này thật hệ trọng. Lúc nào ông cũng làm thơ được, viết thơ được, ông sống với thơ hơn là “ru” với nó. Chừng như qua ngôn ngữ thơ, nhà thơ không ru ai ngủ yên, trái lại - ông thức tỉnh kẻ khác, xoa dịu những buồn đau, làm lành vết thương lòng. Làm trẻ lại kẻ tật nguyền, an ủi cô nhi… Trái tim đa cảm của ông là mặt kia của lí trí, hay nói khác, lí trí sáng suốt soi đường cho trái tim đau. Lúc nào ông cũng rung động được, cảm xúc được trước khía cạnh tốt đẹp của đời sống; Sống, hiểu như những xẻ chia và hiến dâng. Sống cùng với những đau thương mất mát của con người, mà mỗi ngày mỗi khác. Đó là điều khiến ta thấy ông khác hẳn những nhà thơ khác, kể từ xưa đến nay. Mỗi ngày một niềm vui khác, một niềm cảm thông khác, mỗi rung động mới. Tuy viết nhiều - có thể nói chưa ai liên tục viết trong một thời gian ngắn với một kỉ lục như thế - thơ ông luôn luôn mới, lạ và hay.

 

Thơ là cõi riêng. Nơi Tô Đông Pha tìm thấy, tận những phương trời viễn mộng, niềm an ủi thầm kín với những con lục y yêu phượng. Và Hàn mặc Tử:

 

“ Thơ tôi bay đến một trời chưa thấu

Hòn tôi bay đến bao giờ mới đậu

Trên triều thiêng ngời chói vạn hào quang?

                             ( Xuân như ý)

Huy Cận viết:

“ Ai chết đó nhạc sầu chi lắm thế

Trời đìu hiu chiều rét mướt ngoài đường.”

Và Xuân Diệu:

“ Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ.” (1)

 

Cũng chỉ là nỗi riêng. Nỗi buồn niềm vui của Mặc Giang nằm trong sự sẻ chia. Ông không chỉ thuần túy rung động trước cái đẹp của buổi chiều tà và bình minh. Ông còn cảm xúc trước những bất công của con người đang gánh chịu. Đó là một cõi vô thinh phong phú hình ảnh, giàu màu sắc và nhạc điệu. Nhà thơ không sử dụng từ hoa mỹ, không ngoa ngôn mà lại nói rất nhiều. Phải chăng chính vì đời là cõi tạm mà cõi thơ lại chính là chỗ “dư dục vô ngôn” nên thơ Mặc Giang khi nào cũng rõ ràng thứ ngôn ngữ nói, khi nào cũng hàm ngụ một ẩn ngữ? Có phải vì thế mà người thi sĩ phải ra đi?

 

Nỗi cô đơn ngàn năm của Rikle, niềm hi vọng chứa chan trong thơ Tagore, niềm vui nhẹ nhàng trước lá cỏ trong thơ William Blake và lục bát hồn nhiên trong thơ Huy Cận:

“ Nằm im dưới gốc cây tơ

Nhìn xuân trải lụa muôn tờ lá non.”

Cả tính u uẩn trong thơ Kalil Gibran, tất cả tính cách trên đây thỉnh thoảng ta vẫn thấy trong thơ ông. Mặc giang là một người khác đời ư, không phải vậy. Ông là một trường hợp khác. Khác ngay trong ngôn ngữ thơ.

 

Cuộc lên đường của ông cũng khác. Ông không hề thiếu thơ. Ông làm thơ trên đường đi. Đó là một cuộc lữ hành không mệt mỏi. Những bài thơ được ông viết rất nhanh, tuồng như thơ là hơi thở, hơi thở làm nên sự sống, nguồn thơ bất tận là máu thịt của Mặc Giang. Ông viết thơ trên máy bay, trong những chuyến đi về thăm quê nhà hay đến miền đất khác cũng vậy. Cảm xúc chưa kịp hình thành câu chữ, ý thơ đã tuôn trào. Và thế là cõi thơ vẫn là một tính cách riêng dù thơ ông – không phải chưa hề riêng tư cho bản thân mình mà ngay cả điều ấy – cái ngã ấy - cũng hòa đồng vào đại ngã.

“ Tàu ơi, còn nhớ sân ga!

Xe ơi, còn nhớ bến xa bến gần!

Thuyền đâu rẽ nước chia phân

Máy bay đâu xé nỗi vầng không gian!”

                                   ( Từng cuộc hành trình)    

                    

Nghệ sĩ là con tằm nhả tơ. Dù thế nhà thơ không nói đến nỗi cô đơn của mình bao giờ. Cảm xúc dạt dào lấn át tất cả, cảm xúc lớn hơn nỗi cô đơn. Thơ, ngay cả trong cuộc lữ, không tách rời người nghệ sĩ với vũ trụ vạn vật và con người. Trên đường về thăm quê, nỗi u hoài muôn thuở của người con xa xứ, niềm ưu tư trước cảnh còn mất, được thua; Bao nhiêu tấn trò đời diễn ra, nỗi buồn nhân thế trong thơ ông thật mênh mang với ý thơ hàm súc. Có điều ông không chìm đắm. Mặc Giang là người thơ của nhân loại: ông chan hòa với cỏ, cây, hoa, lá, dã thú, người, vũ trụ vạn vật. Và nhất là với quê hương. Có khoảng 135 bài, trong đó, chủ đề quê hương chiếm hết 75 bài (trong số 1000 bài).

 

Quê hương, ngày về là nỗi niềm hoài nhớ nhức nhối trong thơ Mặc Giang. Tại sao người thi sĩ phải ra đi? Gần như là định mệnh: nỗi cô đơn ngàn năm, niềm đau nhân thế, nối sầu tiền kiếp bàng bạc khắp cõi thơ Huy Cận và Rikle. Làm sao thản nhiên được trước cuộc bể dâu? Sau những bầm dập mất mát, cái chết gần kề sự sống, hạnh phúc và khổ đau hòa làm một, cả hai bay bổng trong cuộc lữ chuyển hóa thành thơ. Thơ ông nói về mình không nhiều, bài thơ nào cũng mang trong tâm tưởng lòng hoài nhớ quê hương.

 

Cả dĩ vãng, biết đâu làm dấu mốc

Đã qua rồi, xin trả lại thời gian

Có nhớ chăng như những tiếng âm vang

Đong cay đắng, đổ đầy trang kỉ niệm

 

Có thanh trong, mới thương trời màu tím

Có sơ cơ, mới quý những chân tình

Có hàn vi, mới biết kẻ thương mình

Chấm điểm son trên bức tranh phù thế

 

Đâu nói chi, và chẳng cần kể lể

Tôi giữ gìn một cõi của riêng tôi

Đời có ra sao rồi cũng được thôi

Cho nghĩa thú một đời tôi, ý vị.

            ( Nhớ những ngày qua)

 

Trong cuộc hành trình tìm về chính mình ông tìm thấy bản thể tự thân và giọng thơ ông tự nhiên như một thứ ngôn ngữ nói không kiểu cách màu mè. Con người trong thơ ông nổi trôi trong cõi tạm bi thê mà không chìm đắm, từ đó phát sinh niềm hi vọng mới, một sức sống mới, ngày mới, vì đêm thì sẽ tàn. Chưa bao giờ đọc thấy sự tuyệt vọng ngay trong những vần thơ buồn nhất:

Sá gì hai chữ biệt li

Thời gian như thể bờ mi khép hờ

Mở ra còn đẹp như mơ

Khép vào lưu lại vần thơ muôn đời.

       ( Quê hương còn đó đợi chờ)

Có thể nói tình tự quê hương bàng bạc trong suốt mười tập thơ:

Không quê sầu hận ngập tràn

Làm thân lưu lạc lòng man mác buồn

 

          Dầu vậy, chỉ buồn nhẹ nhàng thôi mà thấu tâm can, nếu ta đọc thơ ông thật kĩ và thật chậm. Từng câu chữ thấm vào tim vào máu thịt ta. Khóc than ư? Ông ra đi để trở về và trở về xây đắp niềm hi vọng rồi ra đi, chừng như trên mỗi chặng đường đều có thơ vì thơ chính là máu thịt ông và hơi thở. Thơ là cõi riêng tôi, cho dù thế nào chăng nữa.

Ai gieo rắc lầm than!

Tôi vá mía đắp đường

Ai gieo rắc tham tàn!

Tôi gìn giữ yêu thương

 

Quê hương trong thơ Mặc Giang như một nỗi niềm khôn nguôi, quê hương là máu thịt và ông có rất nhiều bài hay về chủ đề đó.

Không những tự hào về quê hương mà cả ông cũng còn một lời xác quyết về mình:

Tôi là một người Việt Nam

Không tiếp tay xương máu hận thù

 

Ông khẳng định điều đó khi xẻ chia với đồng bào ruột thịt, bày tỏ tình thương cảm đến với cuộc sống của mọi người, kể cả người nghèo khổ lầm than nhất. ông thông cảm với người công nhân, thợ nề, người khuyết tật…trẻ cô nhi…Quê hương không chỉ là bờ tre bến nước mà còn có đồng bào ruột thịt. Tình yêu nước thương nòi thể hiện qua ba miền Trung, Nam, Bắc. Quê hương Việt Nam anh hùng trải qua dòng lịch sử giữ nước và dựng nước được làm sống lại trong thơ Mặc Giang. Trái tim của nhà thơ thật rộng lớn. Ông nói với cha, mẹ, với người em thơ mới gặp bên đường, với doanh nhân, ông viết cho thế hệ mai sau, cho bản thân mình và cho sự cảm thông. Vừa có bão Chanchu đã có ngay bài thơ kêu gọi cứu trợ. Vừa nghe tin động đất đã có ngay bài thơ xẻ chia kêu gọi tình người. Hồn thơ lai láng thế mà tình người thì thâm sâu. Lạ thay ngôn ngữ nói – viết thành thơ, một loại hình ngôn ngữ tuôn trào như thác chở theo bao nhiêu tâm ý. Cũng tâm tình hiến dâng, cũng nỗi đau thầm lặng, cũng tấm lòng rộng mở mà trái tim mỗi người mỗi khác. Mặc Giang là một người thơ khác. Thơ ông nói đến tất cả chúng sanh, từ lá cây, ngọn cỏ cho đến ngọn rau. Từ con chim bé nhỏ hiền lành đến loài dã thú. Hiện hữu rõ nét nhất trong những bài thơ mang nặng tình yêu quê hương đất nước là tấm lòng thủy chung nhân hậu. Tấm lòng nhân hậu ấy trải rộng khắp trời quê, đến các loài cây cỏ chim muông. Chất lượng thơ bao dong cả thiên nhiên, muôn vật và tình người. Ông viết trên chuyến tàu tốc hành, trước giờ máy bay cất cánh. Ông viết:

Tôi đi vô thỉ vô chung

Thỉ chung đứng lại, đợi cùng tôi đi!!!

Không kể nhiều bài phổ nhạc, thật ra trong thơ đã giàu nhạc tính rồi. Nỗi buồn nhân thế trong thơ Mặc Giang rõ nét và sâu.

Ta hãy đọc các câu sau trong “Dệt mộng mười đi”

 

Ai đi thơ thẩn dưới trăng

Ngẩn ngơ cho ánh trăng vàng lung linh

Ai ngồi ủ dột đầu ghềnh

Trơ vơ cho đá chênh vênh tháng ngày

Ai lùa gió nhẹ heo may

Phất phơ cho gió lung lay bụi trần

Ai lồng cho áng phù vân

Lửng lơ trôi nổi xa gần trời mây

Ai ngiêng nắng đổ về tây

Cho chim Hồng lạc buồn bay cuối trời

Ai làm lở lói bờ đê

Cho sông hỏi nước não nề nước sông

Ai làm trơ trọi ruộng đồng

Cho lúa hỏi mạ trổ bông mấy mùa

Đếm trong vụn vỡ được thua

Cái quay búng sẵn, gió lùa đêm đông.

 

Và nỗi cô đơn khi mùa xuân về thiếu người tâm sự, ông trút vào thơ:

Đất mới xuân sang rộn rã hời

Âm thầm giọt lệ cố hương ơi!

Nghẹn ngào lữ khách buồn không nói

Biết nói cùng ai đất nước tôi?

 (Tôi đâu có nói tôi làm thơ)

 

Phải, ông không làm thơ, ông chỉ nói thơ. Thơ là ngôn từ đặc biệt của Mặc Giang, của riêng Mặc Giang. Ông hòa mình với chiều tà, lúc bình minh, ông hòa mình với những khổ đau của đồng loại. Nhưng thơ Mặc Giang không thuần túy trong một không gian chật hẹp. Thơ ông bay bổng đến mọi miền. Ông về thăm quê cũ, rồi lại lên đường nơi xứ lạ quê người.

 

Tại sao người thi sĩ phải ra đi? Mặc Giang là người của cuộc lữ, ý thơ đến với trại cùi, người mù, kẻ điếc, người bán hàng rong, kẻ ăn mày. Ai khổ thì có thơ ông và tự thể ông hiện hữu cùng khắp. Nơi nào có đói khát, có thiếu thốn, có mùa đông giá lạnh, có mùa hè nóng nực, ở đó có ông và thơ. Thơ ông đến với đồng loại, sau trái tim đau. Phải, tôi nhấn mạnh. Sau trái tim đau. Có khi ta có cảm giác đau buốt, cảm nhận một khía cạnh khuất bóng của tâm hồn thi sĩ. Nó là trái tim đau lúc hoài nhớ quê hương, lúc viết những tứ thơ lạ lùng chỉ để diễn tả một ý, nhiều ý của mình về quê hương dân tộc. Tô Đông Pha vui với con Lục y Yêu phượng, một giống chim lạ nơi chốn lưu đày, còn ông có Thơ. Thơ và chốn riêng mình. 

 

Tôi không nghĩ ông bước ra từ nấm mộ mặc dù qua thơ ta biết ông đã mấy lần thoát hiểm. Có thể hồn thơ đẩy ông đi một bước dài ngàn dặm chăng? Dưới bóng dáng xưa, ra đi và trở về nào có khác gì? Cho nên có khi thơ ông đọc lên rất giản dị tự nhiên và hóm hỉnh nữa. Có khi lại hồn nhiên, cái hồn nhiên trước đất trời với bốn mùa giao cảm. Người viết thơ hồn nhiên như lá cỏ, tự nhiên như mùa xuân, phải chăng bây giờ niềm đau cũ đã xóa sạch chỉ còn hồn thơ lai láng hiện diện. Thơ ông hiện diện cho chị, cho anh, cho mẹ, cho cha, cho mọi người. Và cho tôi. Nói thế không có nghĩa thơ Mặc Giang thiếu chất trữ tình, trái lại là đằng khác, có điều, cái tình ấy là tình thương yêu và lòng từ bi của đức Từ phụ truyền lại cho ông. Cho nên đọc thơ ông tâm hồn người cảm thấy được nâng đỡ lên nhiều.

 

Thơ đẩy màn đêm,

Xua đi bóng tối

Thơ kéo ngày lên,

Đưa ánh sáng về.

 

Tôi viết thơ để lại cho đời

Tôi viết thơ trang trải nơi nơi

 

Dòng thơ lai láng ấy được viết rõ trong các bài: “Tôi gởi thơ tôi, Tôi gởi bài thơ thứ nhất…thứ ba…thứ sáu.”

Thơ tôi gởi đến chị hàng rong

Chị múc liền tay khách đẹp lòng

Kiếm chác đôi đồng lương cuộn đáy

Sợi thơ khô cạn chị còn đong

 

Tấm lòng nhân ái ấy rải cùng khắp. Thật là một tâm hồn lạ lùng. Ý thơ không ngừng như nước chảy nhất là ở thể điệu thơ lục bát, một thành công khác của ông.  

Giữa một cõi đời ham danh vọng phồn hoa, giữa một xã hội loạn lạc như bây giờ, thơ Mặc Giang là liều thuốc an ủi xoa dịu những ai chán chường nhân thế, khích lệ em thơ, người già. Thơ ông viết gởi đến ruộng đồng, trên đồi, dưới đầm sâu, khắp trùng dương, khắp núi đồi, miền quê, thị thành, gởi quê hương, nước non, em thơ, học sinh, thiếu niên, mái trường, giới sinh viên, công nhân viên…và tất nhiên…đến người bình dân.

Cơ cùng ai bán mốc meo

Sơn khê ai bán quán đèo hoang vu

Còn tôi xin bán cái ngu

Bán luôn cái dốt mặc dù chưa mua

Bán luôn những cái hơn thua

Chỉ xin giữ lại quê mùa mà chơi

 

Có ai viết như ông đã viết không?

Lời thơ không khoa trương, nhưng ý thơ và tứ thơ liên miên không dứt.

Thơ Mặc Giang còn gởi chị hàng rong, khách tha phương, gởi cung trăng, gởi ngày mai, hôm nay…Gởi thơ chứ không bán. Ông lạc quan và hồn nhiên.

Ý thơ thấm nước chìm lâu lắm

Tôi vớt lên bờ đợi nắng hong

Con nước dung dằng kéo ý thơ

Sợi dây cột chặt quấn ngang bờ

Ê mình con nước băng đi mất

Vãi rớt thơ tôi cách mấy bờ

Để rồi sau đó. Nhưng tôi không bán thơ đâu

 

Tôi chẳng có gì, bán cái không

Đã không, nên chẳng có đôi đồng

Không ai mua hết, nhìn còn rộng

Đem chất hoài, nhưng vẫn trống không

Nhưng tôi không có bán thơ đâu.

 

Xuân Diệu làm thơ là:” Rung một làn ánh sáng”

Tagore:” Vào vườn tôi chơi đi em”

 

Ông không mời ai vào vườn thơ, ông đến thăm họ, em bé, người già, không bằng đôi chân của mình mà chỉ với trái tim, trái tim nhân ái thể hiện bằng thơ. Những tứ thơ rất lạ:

Thơ tôi trôi nổi trên sông

Tôi xin vớt lại chờ hong nắng chiều.

Trường hợp của Mặc Giang, qua thi ca, không giống như bất cứ người làm thơ thông thường khác, là sự hòa điệu tuyệt vời giữa thân và tâm, giữa lí trí và tình cảm. Là vượt lên tất cả mọi giới hạn tầm thường trong cuộc sống. Đối với nhà thơ này, hình như không còn có giải phân cách giữa đôi bờ: thiện và ác, đẹp và xấu, thương và hận. Tình thơ vượt trên những cái đó. Cho nên:

 

Thơ tôi một gánh thả trôi sông

Bèo giạt lan xa, nổi giữa giòng

Sóng gợn ướt mình, lăn sóng nước

Dòng thơ tuôn chảy khắp mênh mông

             ( Thơ tôi)

Có lẽ với niềm hoan lạc ấy, Mặc Giang suốt đời có mặt cho đời, xoa dịu mọi nỗi khổ đau của người đời bằng con đường thi ca chăng?

Tôi viết cho ai cho mọi người

Đau buồn buông bỏ, tạo xinh tươi

Hoang tàn lấp lại xây cao đẹp

Thân thiện hòa vang, nở nụ cười

Cuối cùng, sau bao nhiêu trăn trở, niềm u uẩn của người lưu lạc, cùng với ánh sáng của cõi riêng, đã soi sáng và tạo nên một giọng thơ bất hủ, khi người viết không hề” cân, đong, đo, đếm” không hề có giải phân cách giữa bờ này với cõi kia.

 

                                         Huế, ngày 29/8/2008

                                            Hương Tâm

 

 

 

 

Âm lịch

Ảnh đẹp