GIỚI THỨ TƯ
Ái Ngữ và Lắng Nghe
Ý thức được những khổ
đau đo lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng
nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết
rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ
nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân
thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những
điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện
không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình
và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều
có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể
làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.
Tục ngữ Việt Nam có câu:
‘Lời nói chẳng mất tiền mua.’ Ta chỉ cần cân nhắc lựa lời là có thể làm cho
người khác đẹp lòng. Dùng ngôn ngữ cho có chánh niệm, với tâm Từ, là thực tập
hạnh rộng rãi, hiến tặng. Vì vậy Giới này có liên hệ trực tiếp tới Giới Thứ
Hai. Chỉ cần thực tập ái ngữ ta đã có thể làm cho nhiều người hạnh phúc. Một
lần nữa ta lại thấy tính tương dung của Năm Giới.
Nhiều người nghĩ rằng họ
chỉ có thể thực tập hạnh Thí khi nào họ đã tích tụ được một món tài sản nho
nhỏ. Tôi biết những người trẻ mơ được giàu có để có thể mang hạnh phúc lại cho
người khác: ‘Tôi muốn trở thành bác sĩ hay thành chủ tịch một công ty lớn để có
thể làm thật nhiều tiền và giúp nhiều người.’ Họ không biết rằng thường khi đã
giàu người ta lại khó thực tập hạnh Thí hơn. Nếu ta được thúc đẩy bởi từ bi thì
có rất nhiều cách để mang hạnh phúc lại cho kẻ khác ngay bây giờ, bắt đầu bằng
ngôn ngữ thân ái. Cách ta nói có thể mang lại cho người khác niềm vui, hạnh
phúc, sự tự tin, hy vọng, lòng tin, và giác ngộ. Nói năng có chánh niệm là một
thực tập sâu sắc.
Bồ Tát Quan Thế Âm là
một người đã học được nghệ thuật nghe và nói một cách sâu sắc để giúp người ta
buông đi những sợ hãi, khổ đau, và tuyệt vọng của mình. Ngài là mẫu mực của
phép tu tập này, cánh cửa Ngài mở ra gọi là ‘Phổ Môn’, cánh cửa mở ra tất cả.
Nếu chúng ta thực tập nghe và nói theo hạnh Bồ Tát Quan Thế Âm, ta cũng sẽ có
thể mở được cánh cửa Phổ Môn và mang niềm vui, an lạc đến cho bao người và làm
vơi đi nỗi lầm than của họ.
‘Hải chấn triều âm
thuyết Phổ Môn
Cửu liên hoa lý hiện
đồng chơn
Dương chi nhất đích chơn
Cam Lộ
Tán tác sơn hà đại địa
xuân.’
(Phổ Môn vọng tiếng
triều dâng
Bé thơ xuất hiện giữa
lòng đoá sen
Cam Lộ một giọt rưới lên
Xuân về trên khắp mọi
miền núi sông.)
Tôi biết bài thơ đẹp này
khi học Kinh Pháp Hoa ở tuổi mười sáu. Khi ta nghe ‘tiếng hải triều’, phép tu
của Bồ Tát Quan Thế Âm, tượng trưng cho cánh cửa Phổ Môn, ta biến thành đứa bé
sinh ra trong lòng hoa sen. Chỉ một giọt nước từ bi từ cành dương liễu của Bồ
Tát, mùa xuân trở về trên trái đất khô cằn của chúng ta. Trái đất khô cằn tượng
trưng cho thế giới của lầm than, đau khổ. Giọt nước từ bi là sự tu tập tâm Từ, tượng
trưng bởi giọt nước trên cành dương liễu. Bồ Tát Quan Thế Âm được người Trung
Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, và Nhật Bản miêu tả như một người cầm nhành dương
liễu. Ngài nhúng nhành dương vào nước từ bi trong trái tim Ngài, nơi nào Ngài
rảy nước ấy lên thì nơi ấy đều có sự hồi sinh. Khi Ngài rảy nước Cam Lộ ấy lên
những cành cây khô, chết, thì những cành cây ấy xanh tươi trở lại. Những cành
cây chết cũng tượng trưng cho đau khổ, lầm than; cây cỏ xanh tươi tượng trưng
cho sự quay về của an lạc. Chỉ cần một giọt nước ấy thôi, mùa Xuân đã trở về
trên Đại Địa.
Trong Phẩm ‘Phổ Môn’ của
Kinh Pháp Hoa, tiếng nói của Bồ Tát Quan Thế Âm (Avalokitesvara) được diễn tả
bằng năm cách: ‘Tiếng Nhiệm, Tiếng Quan Âm, Tiếng Phạm, tiếng Hải Triều, Tiếng
Vượt Thoát Tiếng Đời. Hãy thường nên quán niệm.’
Trước hết là tiếng Nhiệm
mầu (Diệu Âm.) Đây là thứ ngôn ngữ mở ra cánh cửa Phổ Môn và khiến cho tất cả
đều được khai thông trở lại. Thứ tiếng này rất dễ nghe. Thứ tiếng này làm cho
khoẻ khoắn, đem đến sự bình tĩnh, yên ủi, và trị liệu cho tâm hồn. Bảnchất của
âm thanh này là từ bi.
Thứ hai là tiếng Quan Âm
(Quán Thế Âm.) Avalokitesvara có nghĩa là ‘người nhìn sâu vào cuộc đời và lắng
nghe tiếng kêu thương của cuộc đời.’ Tiếng này làm vơi đi những nỗi khổ niềm
đau của chúng ta, vì đó là tiếng của người hiểu ta một cách sâu sắc -- những
đau đớn, tuyệt vọng, và sợ hãi của ta. Khi thấy mình được hiểu, chúng ta bớt
khổ đi rất nhiều.
Thứ ba là tiếng Phạm
(Phạm Âm.) Phạm (Brahma) có nghĩa là cao quý – không phải là tiếng thường tình,
mà là ngôn ngữ cao quý, phát sinh xuất từ ước muốn mang lại hạnh phúc và lấy đi
khổ đau. Từ, Bi, Hỷ, và Xả là Tứ Phạm Trú (Brahmaviharas), chỗ cư trú cao quý
của chư Bụt và chư vị Bồ Tát. Nếu ta muốn chung sống với chư Bụt và chư vị Bồ
Tát, ta có thể an trú trong bốn toà nhà này.
Trong thời của Bụt, mục
đích tu tập của nhiều người là để sinh và sống chung với Phạm Thiên. Điều này
cũng giống như phép tu của đạo Ki-tô, muốn lên thiên đường sống với Thượng Đế.
‘Trong nhà của Cha ta có rất nhiều toà nhà lớn,’ và các bạn muốn sống trong một
trong những toà nhà đó. Với những người muốn cộng trú với Phạm Thiên, Bụt nói:
‘Hãy thực tập bốn nơi cư trú cao quý: Từ, Bi, Hỷ, và Xả.’ Nếu ta muốn chia sẻ
một lời dạy của Bụt với những người bạn theo đạo Ki-Tô thì cũng vậy: ‘Thượng đế
là tình thương, bác ái, niềm vui, và sự công bình không thiên vị.’ Nếu anh muốn
sống với Thượng Đế thì hãy thực tập bốn nơi an trú đó. Nếu anh không thực tập
bốn điều này, thì cho dù anh có cầu nguyện hay nói về sống với Chúa bao nhiêu
đi nữa cũng không làm sao có được chuyện lên Thiên Đường.
Thứ tư, tiếng Hải Triều
(Hải Triều Âm) là tiếng của Phật Pháp. Đây là một thứ tiếng mầu nhiệm, thứ
tiếng có thể làm im bặt mọi tà kiến và ức đoán. Đó là tiếng Sư Tử Hống, mang
lại sự im lặng tuyệt đối cho núi rừng, và mang đến sự chuyển hoá và trị liệu.
Thứ năm, tiếng Vượt
Thoát Tiếng Đời (Thắng bỉ Thế Gian Âm) là tiếng nói không có gì sánh kịp. Tiếng
nói này không nhằm vào danh, lợi, hay một khía cạnh đua tranh nào. Đây là sự im
lặng sấm sét làm tiêu tan mọi ý niệm và khái niệm.
Tiếng Nhiệm, tiếng Quan
Âm, tiếng Phạm, tiếng Hải Triều, tiếng Vượt Thoát Tiếng Đời là những tiếng mà
ta cần phải lưu ý tới. Quán chiếu về năm thứ tiếng này tức là chúng ta đang
giúp Bồ Tát Quan Thế Âm mở cửa Phổ Môn, cánh cửa của lắng nghe đích thực, nói
năng đích thực.
Bởi vì Ngài sống một đời
sống có chánh niệm, luôn luôn quán chiếu vào cuộc đời, bởi vì Ngài là người
quán sát thế gian, Quan Thế Âm nhận ra bao nhiêu là đau khổ. Ngài biết rằng rất
nhiều khổ đau đã được sinh ra từ lời nói thiếu chánh niệm, và từ sự không biết
lắng nghe; vì vậy Ngài thực tập lời nói chánh niệm, từ ái, và lắng nghe sâu. Bồ
Tát Quan Thế Âm có thể được xem như một người có thể dạy ta cách hay nhất để
hành trì Giới thứ Tư.
‘Ý thức được những khổ
đau do lời nói thiếu chánh niệm (và sự không biết lắng nghe) gây ra, con xin
học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niệm vui cho người và làm vơi
bớt khổ đau của người.’ Đây chính là pháp môn Phổ Môn mà Bồ Tát Quan Thế Âm
thực tập.
Chưa bao giờ trong lịch
sử nhân loại chúng ta có nhiều phương tiện truyền thông như bây giờ -- truyền
hình, viễn thông, điện thoại, máy fax, radio, đường dây nóng, đường dây đỏ --
nhưng chúng ta vẫn tiếp tục là những hòn đảo tách rời. Có quá ít truyền thông
giữa những thành viên trong gia đình, giữa những cá nhân trong xã hội, và giữa
các quốc gia. Chúng ta khốn đốn vì bao nhiêu cuộc chiến tranh và xung đột. Rõ
ràng chúng ta chưa trau dồi nghệ thuật nghe và nói. Chúng ta không biết lắng
nghe nhau. Chúng ta ít có khả năng để theo đuổi một cuộc đàm thoại thông minh
và có ý nghĩa. Cánh cửa vạn năng của sự truyền thông cần phải được mở ra một
lần nữa. Không truyền thông được ta sẽ bệnh, và một khi bệnh đã nặng lên, ta sẽ
đau khổ và vung vãi khổ đau của mình lên kẻ khác. Chúng ta trả tiền cho các nhà
tâm lý trị liệu lắng nghe nỗi khổ niềm đau của chúng ta, nhưng nếu các nhà tâm
lý trị liệu không thực tập Phổ Môn, họ sẽ không thành công được. Những nhà tâm
lý trị liệu cũng là những con người, cũng phải đối diện với những khổ đau như tất
cả chúng ta. Họ có thể có khó khăn với vợ hay chồng, với con cái, bạn bè, và xã
hội. Họ cũng có những nội kết. Họ có thể có nhiều khổ đau chất chứa, không thể
nói với bất cứ ai, kể cả người thân thương nhất trong đời họ. Làm sao họ có thể
ngồi đó lắng nghe những khổ đau của ta và thấu hiểu được những khổ đau đó? Các
nhà tâm lý trị liệu cần phải thực tập Phổ Môn, tức là Giới Thứ Tư -- lắng nghe
và ai ngữ.
Trừ phi chúng ta chịu
khó nhìn sâu vào bản thân mình, việc thực tập này sẽ không dễ chút nào. Nếu trong
ta có quá nhiều khổ đau thì ta khó có thể lắng nghe hay nói những lời dễ thương
với kẻ khác. Trước hết ta phải nhìn sâu vào bản chất của cơn giận, sự tuyệt
vọng, và đau khổ của mình để tự tháo gỡ cho mình, xong ta mới có thể rảnh tay
cho kẻ khác. Giả dụ chồng mình hôm thứ Hai đã nói điều gì đó không dễ thương,
làm mình đau. Anh ta đã dùng lời lẽ thiếu chánh niệm, và lại không có khả năng
lắng nghe. Nếu ta trả lời ngay lúc ấy, từ sự bực bội và đau khổ của mình, ta có
nguy cơ làm anh ta đau, cũng như đào sâu thêm những niềm đau đã có của anh ấy.
Ta phải làm gì đây? Nếu ta đè nén cơn giận của mình hay làm thinh, ta có thể
gây tổn hại cho mình, bởi nếu ta đàn áp cơn giận trong ta thì ta cũng đang đàn
áp chính mình. Ta sẽ khổ sau này, và nỗi khổ của ta sẽ mang lại thêm nhiều đau
khổ cho chồng ta.
Cách thực tập hay nhất
lúc đó là thở vào và thở ra để làm lắng xuống cơn giận của mình, xoa dịu niềm
đau: ‘Thở vào, tôi biết là tôi giận. Thở ra, tôi làm lắng dịu cảm giác giận của
tôi.’ Chỉ cần thở cho sâu với cơn giận của mình, ta sẽ làm cho nó lắng lại. Ta
có chánh niệm về cơn giận của mình chứ không đè nén nó. Khi chúng ta đã có đủ
bình tĩnh, ta có thể sử dụng ngôn ngữ chánh niệm. Một cách thân ái và chánh
niệm, ta có thể nói: ‘Anh ơi, em muốn anh biết rằng em đang giận. Những lời anh
nói làm em rất đau, em muốn anh biết điều đó.’ Chỉ nói như vậy thôi, một cách
bình tĩnh và chánh niệm, sẽ làm cho ta vơi nhẹ phần nào. Thở với chánh niệm để
làm lắng xuống cơn giận của mình, ta sẽ có thể nói cho người kia biết là mình đang
khổ. Trong thời gian đó, ta sống với cơn giận của mình, tiếp xúc với nó bằng
năng lượng chánh niệm. Ta không hề chối bỏ nó.
Khi nói với các nhà tâm
lý trị liệu về điều này, tôi gặp phải một vài khó khăn. Khi tôi nói cái giận
làm chúng ta khổ, họ cho điều này có nghĩa là cái giận là một cái gì tiêu cực,
cần phải bị lấy ra. Nhưng tôi luôn nói rằng cái giận là một hiện tượng có tính
hữu cơ, cũng giống như tình thương vậy. Giận có thể trở thành thương. Phân xanh
của chúng ta có thể trở thành một hoa hồng. Nếu ta biết cách chăm sóc rác hữu
cơ, ta có thể biến nó thành một hoa hồng. Ta nên gọi rác là tiêu cực hay tích
cực đây? Rác có thể là tích cực, nếu ta biết xử lý nó. Cái giận cũng vậy. Nó có
thể là tiêu cực, nếu ta không biết xử lý nó, nhưng nếu ta biết cách xử lý cơn
giận của mình, thì cơn giận đó có thể rất tích cực. Chúng ta không cần phải bỏ
đi một thứ gì hết.
Sau khi đã thở vào, thở
ra vài lần để lấy lại bình tĩnh, cho dù cơn giận vẫn còn có đó, ta có chánh
niệm về nó, ta có thể nói với người kia rằng ta giận. Ta cũng có thể nói với
người ấy rằng ta muốn nhìn sâu vào nó, và cũng muốn người ấy cũng nhìn sâu vào
nó. Rồi ta có thể hẹn gặp nhau tối thứ Sáu để cùng nhìn vào vấn đề. Một người
nhìn vào những gốc rễ của khổ đau của mình là đã hay lắm rồi, hai người nhìn
thì hay hơn, và hai người cùng nhìn với nhau thì hay nhất.
Tôi đề nghị tối thứ Sáu
vì hai lý do. Thứ nhất, lúc này ta đang còn giận, nếu ta bắt đầu bàn thảo bây
giờ thì có thể rất mạo hiểm. Ta có thể nói những điều làm cho tình trạng tệ
thêm hơn. Từ bây giờ cho đến chiều thứ Sáu, ta có thể thực tập nhìn sâu vào bản
chất của cái giận của mình, và người kia cũng có thể làm như vậy. Trong khi lái
xe, người kia có thể tự hỏi: ‘Cái gì nghiêm trọng vậy? Tại sao cô ấy không vui?
Phải có nguyên do.’ Trong khi lái xe, ta cũng sẽ có cơ hội nhìn sâu vào đó.
Trước tối thứ Sáu, một hay cả hai người có thể thấy gốc rễ của vấn đề và có thể
nói và xin lỗi với người kia. Và tối thứ Sáu, hai người có thể uống trà và vui
vẻ với nhau. Nếu hẹn ngày giờ, hai người sẽ có thời gian để lắng lại và nhìn
sâu. Đây là thiền tập. Thiền là làm lắng con người mình lại và nhìn sâu vào bản
chất của những nỗi khổ niềm đau của mình.
Đến tối thứ Sáu, nếu nỗi
khổ vẫn chưa được chuyển hoá, ta sẽ có thể thực tập nghệ thuật của Quan Thế Âm.
Hai người ngồi lại với nhau và thực tập lắng nghe sâu -- một người phát biểu
trong khi người kia lắng nghe thật sâu. Khi nói, ta nói lên sự thực sâu xa nhất
mà ta thấy, và ta thực tập ái ngữ. Chỉ với ngôn ngữ đó người kia mới có cơ hội
để nghe hiểu và chấp nhận. Trong khi lắng nghe, ta biết rằng chỉ bằng cách lắng
nghe sâu như vậy ta mới có thể làm vơi đi nỗi khổ của người kia mà thôi.
Nếu chỉ lắng nghe bằng nửa lỗ tai thôi thì ta không thể làm được chuyện đó. Ta
phải có mặt đích thực và sâu sắc. Phẩm chất lắng nghe của ta phải cao thì mới
có thể giúp được người kia vơi đi nỗi khổ. Đây là sự thực tập Giới thứ Tư. Lý
do thứ hai để đợi đến tối thứ Sáu là nếu ta hoá giải được sự buồn bực đó vào
tối thứ Sáu thì ta sẽ được vui vẻ với nhau vào hai ngày cuối tuần.
Giả sử ta có một nội kết
nào đó với một thành viên trong gia đình hay cộng đồng, và ta không vui khi gặp
người đó. Ta có thể nói những câu đơn giản, sơ sơ, nhưng không thoải mái để nói
những chuyện sâu hơn với người đó. Rồi một bữa nọ, trong khi làm việc nhà, ta
nhận thấy người kia không làm gì cả, không chia xẻ những công việc cần phải
làm, và ta thấy khó chịu. ‘Tại sao tôi phải làm nhiều như vậy, còn cô ấy không
làm gì cả? Đáng lẽ cô ta phải làm cái gì mới phải.’ Vì sự so sánh này, ta mất
an lạc. Nhưng thay vì nói với người kia: ‘Em làm ơn đến đây phụ bớt công việc,’
ta lại bảo mình: ‘Cô ấy lớn rồi. Tại sao mình lại phải nói với cô ấy? Lẽ ra cô
ấy phải có trách nhiệm hơn!’ Ta nghĩ như vậy bởi vì ta đã sẵn có nội kết với
người kia. Con đường ngắn nhất bao giờ cũng là con đường thẳng. ‘B’ có thể đến
với ‘A’ và nói, ‘Em ơi, làm ơn đến phụ một tay.’ Nhưng ta không làm như vậy. Ta
giữ trong lòng và phiền trách người kia.
Lần sau lại xảy ra y hệt
như vậy, cảm thọ của ta lại càng mạnh hơn. Nội kết của ta lớn lên từ từ, cho
đến khi ta khổ quá và cần phải than thở với người thứ ba. Ta cần tìm một sự cảm
thông để chia bớt nỗi khổ tâm đó. Thay vì nói thẳng với ‘A,’ ta lại nói với
‘C.’ Ta chọn ‘C’ vì ta nghĩ ‘C’ là một đồng minh, sẵn sàng đồng ý với ta là ‘A’
cư xử không tốt.
Nếu ta là ‘C’ thì ta
phải làm gì? Nếu ta đã có sẵn những nội kết về ‘A,’ thì ta có thể sẽ rất mừng
khi có người cũng cảm thấy như ta vậy. Nói với nhau như vậy có thể sẽ làm ta
thấy khoẻ hơn. Hai người trở thành liên minh – ‘B’ và ‘C’ chống lại ‘A.’ Tự
nhiên ‘B’ và ‘C’ thấy gần với nhau hơn, và cả hai thấy xa cách với ‘A,’ A sẽ
nhận ra điều ấy.
‘A’ có thể rất dễ
thương. Cô sẽ có khả năng đáp lại trực tiếp với ‘B’ nếu ‘B’ nói được cảm thọ
của mình cho cô ấy. Nhưng ‘A’ không hay biết gì về sự uất ức của ‘B.’ ‘A’ chỉ
cảm thấy có một sự lạnh nhạt giữa mình và ‘B,’ mà không biết tại sao. A nhận
thấy ‘B’ và ‘C’ trở nên gần gũi, trong khi cả hai đều nhìn mình một cách khó
chịu. Và cô nghĩ: ‘Họ không muốn mình, thì mình cũng chẳng cần họ.’ Cô
rút lui, và tình trạng càng tệ hơn. Thế tam giác đã được thiết lập.
Nếu là ‘C’ thì trước
hết, tôi sẽ lắng nghe ‘B’ một cách chăm chú, hiểu rằng ‘B’ cần chia xẻ nỗi khổ
tâm của mình. Biết rằng con đường thẳng là con đường ngắn nhất, tôi sẽ khuyến
khích ‘B’ đến nói thẳng với ‘A.’ Nếu như ‘B’ không làm được chuyện này, tôi sẽ
đề nghị đến nói với ‘A’ dùm cho ‘B,’ với sự hiện diện của ‘B,’ hoặc chỉ đi nói
một mình.
Nhưng quan trọng hơn cả
là tôi sẽ không nói với ai khác những gì ‘B’ đã tin tưởng nói cho tôi. Nếu
không có chánh niệm, tôi có thể nói với người khác những điều tôi biết về cảm
thọ của ‘B,’ và thế nào gia đình hay cộng đồng cũng sẽ lộn xộn. Nếu tôi làm
những điều này -- khuyến khích ‘B’ nói thẳng với ‘A’ hoặc nói với ‘A’ dùm cho
‘B,’ và không nói lại với ai những điều ‘B’ đã nói với mình – tôi sẽ có thể bẻ
gãy thế tam giác. Làm như vậy sẽ có thể giúp hoá giải vấn đề, mang lại an lạc
cho gia đình, cộng đồng, và xã hội.
Nếu ta thấy ở trong cộng
đồng có người đang gặp khó khăn với người khác, ta phải giúp đỡ ngay. Nếu sự
việc càng kéo dài lâu thì sẽ càng khó giải quyết. Cách hay nhất để giúp là thực
tập ngôn ngữ chánh niệm và tập lắng nghe sâu. Giới thứ Tư có thể mang lại hoà
bình, hiểu biết, và hạnh phúc cho mọi người. Phổ Môn là một cánh cửa nhiệm mầu.
Ta sẽ được sinh lại một lần nữa trên đoá sen và giúp cho những người khác,
trong đó có gia đình, cộng đồng, và xã hội của ta, cũng được sinh ra trên đó.
Lời nói có thể có giá
trị xây dựng hay có tính phá hoại. Nói với chánh niệm có thể mang lại hạnh phúc
thật sự; lời nói thiếu chánh niệm có thể giết hại. Khi một người nói với ta
những điều làm cho ta khoẻ mạnh và hạnh phúc, thì đó là món quá quý hoá nhất
người ấy có thể hiến tặng. Thỉnh thoảng, có người nói với ta những điều rất ác
và rất đau lòng khiến ta muốn đi tự tử; ta mất tất cả mọi hy vọng, tất cả niềm
vui sống của mình.
Người ta giết nhau vì
lời nói. Khi ta cuồng tín biện hộ cho một chủ thuyết, nói rằng chỉ có đường lối
suy nghĩ hay tổ chức xã hội này mới là hay nhất, và nếu có người làm vướng
đường mình thì mình phải đàn áp hay loại trừ người đó. Điều này liên hệ mật
thiết với Giới Thứ Nhất -- thứ ngôn ngữ này có thể giết, không phải chỉ có một
người mà rất nhiều người. Khi ta tin vào một điều gì mạnh mẽ như vậy, ta có thể
bỏ hàng triệu người vào phòng hơi ngạt. Khi ta dùng lời nói để nâng cao một chủ
thuyết, xúi dục người ta giết để bảo vệ và nâng cao chủ thuyết của mình, ta có
thể giết hàng triệu người. Giới thứ Nhất và thứ Tư của Năm Giới tương tức với
nhau.
Giới thứ Tư cũng liên hệ
với Giới thứ Hai, về trộm cắp. Cũng như đã có ‘kỹ nghệ mãi dâm,’ có một thứ gọi
là ‘kỹ nghệ nói dối.’ Nhiều người phải nói dối để thành công như một nhà chính
trị, hay như một người bán hàng. Một giám đốc liên hiệp chế tác các phương tiện
truyền thông nói với tôi rằng nếu ông ta nói sự thật về các sản phẩm của công
ty mình thì người ta sẽ không mua. Ông nói đến những điều tích cực về sản phẩm
mà ông biết là không đúng, và tránh không nói đến những hiệu quả tiêu cực của
sản phẩm. Ông biết là mình đang nói dối, và ông cảm thấy rất tồi tệ về việc
này. Nhiều người cũng đang bị kẹt vào những tình huống tương tự. Trong chính
trị cũng vậy, người ta nói láo để được bầu. Đó là vì sao ta có thể nói đến thứ
‘kỹ nghệ nói dối.’
Giới này cũng liên hệ
đến Giới thứ Ba. Khi một người nói, ‘Tôi yêu em,’ đó có thể là một lời nói dối.
Đó có thể chỉ là một biểu lộ của sự ham muốn. Có quá nhiều quảng cáo liên hệ
đến tình dục.
Trong truyền thống đạo
Bụt, Giới thứ Tư luôn được diễn tả như là tránh làm bốn việc:
1. Không nói sự thật
(ngoa ngôn.) Nếu đó là đen mà mình lại nói là trắng.
2. Phóng đại (ỷ ngữ.)
Bịa đặt, hoặc diễn tả sự việc đẹp hơn hay xấu hơn thực tế của nó.
3. Nói lắt léo (lưỡng
thiệt.) Đến người này nói thế này, đến người khác lại nói thế khác.
4. Ngôn ngữ thô ác (ác
ngữ.) Lăng mạ hay xúc phạm người khác.
‘Con nguyện chỉ nói
những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, ....’ Điều này cần
phải được thực tập với trẻ em. Nếu ta nói với em bé rằng em không được tích sự
gì cả, em bé sẽ khổ trong tương lai. Cần phải luôn luôn nhấn mạnh những điều
tích cực, và đầy hứa hẹn với con mình, và với vợ hay chồng mình nữa.
‘(Con nguyện chỉ nói)...
những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hoà giải. Con nguyện
không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm
thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật,
không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói
những điều có thể tạo nên sự bất hoà trong gia đình và đoàn thể, những điều có
thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.’
Hoà giải là một pháp tu
sâu, ta có thể thực tập được với sự lắng nghe và ngôn ngữ chánh niệm. Hoà giải
có nghĩa là mang lại hoà bình và hạnh phúc cho quốc gia, con người, và thành
viên trong gia đình ta. Đây là công việc của một vị Bồ Tát. Để hoà giải, ta
phải có nghệ thuật lắng nghe, cũng như nắm được nghệ thuật ái ngữ. Ta phải
tránh liên kết mình với một bên để có thể hiểu được cả hai phía. Đây là một
phép tu khó.
Trong cuộc chiến ở Việt
Nam, chúng tôi cố gắng thực tập điều này. Chúng tôi cố không liên minh với một
phe tham chiến nào, cộng sản hay quốc gia. Ta chỉ giúp được khi nào ta đứng
vượt lên trên mâu thuẫn và thấy được cả khía cạnh tốt lẫn khía cạnh xấu của hai
bên. Làm như vậy, ta đặt mình vào một tình thế nguy hiểm, vì ta có thể bị cả
hai bên ghét. Bên này nghi ta là công cụ của bên kia, và bên kia lại nghi ta là
công cụ của bên này. Ta có thể bị giết cùng một lúc bởi hai phe. Đó chính là
điều nhiều Phật tử Việt Nam phải chịu đựng trong chiến tranh. Chúng tôi không
liên kết với cộng sản, nhưng cũng không liên kết với phe theo Mỹ. Một bên nói
anh không thể hoà giải với phe theo Mỹ. Bên kia nói anh không thể hoà giải với
cộng sản. Nếu ta nghe lời hai phía thì thật chẳng bao giờ có thể hoà giải với
ai cả.
Chúng tôi đã đào tạo các
tác viên đi đến các vùng hẻo lánh giúp đỡ về các vấn đề sức khoẻ, kinh tế, giác
dục, và chúng tôi bị cả hai phía nghi ngờ. Công việc hoà giải của chúng tôi
không phải chỉ là việc nói, mà còn là việc làm. Chúng tôi đã nỗ lực giúp những
người nông dân tìm thấy hy vọng. Chúng tôi đã giúp nhiều người tị nạn ổn định
lại đời sống ở những ngôi làng mới. Chúng tôi đã giúp bảo trợ hơn mười ngàn cô
nhi. Chúng tôi đã giúp nông dân dựng lại những ngôi làng đổ nát. Công việc hoà
giải không phải chỉ có tính ngoại giao; nó là những gì rất cụ thể. Trong lúc
ấy, chúng tôi cũng đồng thời nói lên tiếng nói hoà bình từ trong tim mình.
Chúng tôi nói người trong nhà phải nhìn nhau như anh em và chấp nhận lẫn nhau.
Mình không nên giết nhau vì một chủ thuyết. Thông điệp ấy không được ưa chuộng
chút nào trong tình trạng chiến tranh.
Những bài viết của tôi
bị kiểm duyệt từ cả hai phía. Thơ của tôi bị cấm bởi hai bên. Các bạn tôi đã in
chui một trong những tập thơ ấy vì chính phủ Sài Gòn không cho phép xuất bản.
Và phía cộng sản công kích tập thơ này trên đài, nói rằng nó có hại cho cuộc
đấu tranh, và có thể đã bị xúi giục bởi CIA. Cảnh sát quốc gia đã tới các nhà
sách để tịch thu những bài thơ này. Ở Huế, một người cảnh sát tử tế đã đến một
nhà sách Phật giáo và nói rằng cuốn sách này không nên bày ra; nó cần phải được
dấu và đưa ra khi có người hỏi mà thôi. Không phải chỉ có những cố gắng nói lên
tiếng nói quan tâm và đề nghị những giải pháp dàn xếp vấn đề giữa anh em của chúng
tôi mới bị đàn áp, mà cả những cố gắng giúp đỡ đồng bào của chúng tôi cũng bị
đàn áp. Nhiều tác viên của chúng tôi đã bị giết và bắt cóc bởi hai phía. Một số
tác viên đã bị ám sát bởi những người Ca-tô-lic cuồng tín, nghi chúng tôi làm
việc cho cộng sản, và một số tác viên bị phía cộng sản bắt đi. Những tác viên
của chúng tôi rất được dân vùng quê thương mến. Họ là những người trẻ tận tụy,
trong đó có cả các thầy và các sư cô trẻ. Họ làm việc không lương, họ chỉ muốn
phụng sự và thực hành Phật Pháp. Trong tình trạng chiến tranh, hành trang của
họ là từ bi và phụng sự hết lòng, họ chỉ nhận một chút thù lao nhỏ bé để sống
mà thôi. Họ đi đến những vùng quê, không mong một chút gì đền đáp lại.
Tôi nhớ một thanh niên
tên Ân, chuyên giúp dân học các phương pháp nuôi gà tân tiến. Anh bày cho họ
những kỹ thuật ngừa bệnh. Khi một người nông dân hỏi anh: ‘Chú được chính phủ
trả lương bao nhiêu một tháng vậy?’ Ân nói, ‘Tụi con không được chính phủ trả
gì hết. Tụi con không phải từ chính phủ, tụi con đến từ chùa. Chùa gởi chúng
con tới đây để giúp quý bác.’ Ân không nói với bác nông dân chất phác rằng mình
thuộc trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, sáng lập bởi Vụ Xã Hội của Giáo Hội
Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nói như vậy thì phức tạp quá, cho nên Ân chỉ nói
là mình được chùa gởi tới.
‘Sao lại đến từ chùa?’
Ân nói, ‘Tụi con làm
công quả.’
Bác nông dân ngạc nhiên:
‘Tui nghe nói muốn làm công quả thì phải tới chùa. Sao bây giờ chú lại tới đây
làm công quả?’
Chàng thanh niên trả
lời: ‘Bác thấy đó, bây giờ bà con khổ quá, Phật cũng phải ra ngoài này để giúp.
Tụi con là Phật tử phải làm công quả ở đây, nơi có đồng bào khổ.’ Tuyên bố đó
đã trở thành nền tảng cho triết lý phụng sự xã hội của chúng tôi, Đạo Bụt nhập
thế. Bụt phải ở trong xã hội. Ngài không thể nán lại trong chùa lâu hơn nữa, vì
con người ta khổ quá.
Chỉ trong vài năm, chúng
tôi đã trở nên rất quen thuộc với bà con nông thôn. Chúng tôi không có nhiều
tiền, nhưng vì chúng tôi làm việc theo lối làm công quả cho nên được bà con
thương. Phía cộng sản biết vậy và không muốn chúng tôi ở đó, ban đêm họ đến và
hỏi ai cho phép chúng tôi làm việc ở đây. Các tác viên nói chúng tôi không có
phép từ phía nào, dù là quốc gia hay cộng sản. Chúng tôi chỉ tới đây làm công
quả thôi. Một lần, người cộng sản ra lệnh cho các tác viên rút khỏi một vùng,
nói rằng: ‘Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm cho sự an toàn của quý vị nếu
quý vị ở đây quá hai mươi bốn tiếng.’ Lần khác, những người cuồng tín đến từ
phía chính phủ, một cách không chính thức, và hỏi các tác viên họ có phải là
tác viên xã hội của Phật giáo không. Và họ mang năm học viên ra bờ sông, và sau
khi kiểm lại một lần nữa cho chắc đây là những tác viên xã hội của Phật giáo,
họ nói: ‘Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi phải giết quý vị.’ Họ bắn cả năm
người. Chúng tôi bị cả hai bên đàn áp vào ban đêm. Họ biết nếu đàn áp chúng tôi
vào ban ngày thì nông dân sẽ phản đối.
Một trái lựu đạn ném vào
phòng tôi đã bị tấm màn làm cho chệch hướng. Một đêm khác, nhiều quả lựu đạn đã
được ném vào ký túc xá của trường, làm hai người chết và nhiều người bị thương.
Một thanh niên bị bại liệt, và sau này được điều trị ở Đức. Một thiếu nữ bị hơn
một ngàn miểng nổ cắm vào mình. Cô mất rất nhiều máu, và đã được một người bạn
Nhật, cộng tác với chúng tôi, cứu sống. Sau đó, chúng tôi đã mang được cô sang
Nhật để giải phẩu. Người ta đã cố để lấy các mảnh sắt vụn ra, nhưng vẫn còn 300
mảnh không thể lấy ra được và vẫn còn nằm trong thân thể cô.
Một hôm, trong khi tôi
đang đại diện cho Phái Đoàn Hoà Bình của Phật Giáo để tham dự Đàm Phán Hoà Bình
tại Paris, tôi nhận được một tin nhắn qua điện thoại từ Sài Gòn cho biết bốn
tác viên vừa bị bắn chết. Tôi đã khóc. Chính tôi đã kêu gọi họ đến để được đào
luyện như những tác viên. Một người bạn có mặt lúc ấy đã nói với tôi: ‘Thưa
Thầy, Thầy cũng như một vị tướng lãnh đạo đội quân bất bạo động, và khi quân
đội của Thầy làm việc cho tình thương và sự hoà giải thì thế nào cũng có những
thương vong. Thầy đâu cần phải khóc.’
Tôi nói, ‘Tôi không phải
là một ông tướng. Tôi là một con người. Tôi cần được khóc.’ Sáu tháng sau, tôi
viết một vở kịch về cái chết của những người học trò này, với tựa đề: Nẻo Về
Tiếp Nối Đường Đi.[3]
Công việc hoà giải không
phải đơn thuần là công việc ngoại giao. Không phải vì mình đi gặp vài chục vị
Ngoại Trưởng mà mình làm công việc hoà giải. Ta phải dùng thân thể, thời gian,
và cuộc đời mình để làm công việc hoà giải. Ta làm việc này bằng nhiều cách, và
ta có thể bị đàn áp bởi những người ta đang tìm cách giúp đỡ. Ta phải lắng nghe
và hiểu nỗi khổ của bên này, rồi lại đến lắng nghe nỗi khổ của bên kia. Như vậy
ta sẽ có thể lần lượt nói cho mỗi bên về những nỗi khổ mà phía bên kia phải
gánh chịu. Đây là công việc cốt yếu, và đòi hỏi phải có can đảm. Chúng ta cần
nhiều người có khả năng lắng nghe, ở Nam Phi, ở Trung Đông, ở Đông Âu, và nhiều
nơi khác.
Giới thứ Tư là một Giới
Bồ Tát. Chúng ta cần học hỏi cho sâu sắc để có thể thực tập giỏi, trong phạm vi
cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và thế giới.
[3] Love In Action:
Writings on Nonviolent Social Change (xuất bản bởi Berkeley: Paralax Presss,
1993.)