LỜI
BẠT
Tôi
sống ở phương Tây đã gần ba mươi năm, mười năm gần
đây tôi thường hay hướng dẫn các khoá tu chánh niệm ở
châu Âu, châu Úc, và Bắc Mỹ. Trong những khoá tu này, chúng
tôi đã được nghe nhiều câu chuyện thương tâm, và chán
ngán hay rằng bao nhiêu đau khổ ấy đều là kết quả của
sự nghiện rượu, lạm dụng ma túy, lạm dụng tình dục,
và các lề thói tương tự, truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác.
Trong
xã hội có một sự băng hoại lớn. Nếu chúng ta đặt một
người trẻ vào xã hội mà không tìm cách bảo vệ họ, họ
sẽ tiếp nhận những bạo động, căm thù, sợ hãi, và bất
an mỗi ngày, và rốt cuộc sẽ bị bệnh. Những câu chuyện
của chúng ta, những chương trình tivi, quảng cáo, sách báo
đều tưới tẩm các hạt giống khổ đau nơi những người
trẻ, và nơi cả những người lớn. Chúng ta thấy có một
sự trống vắng trong lòng, và chúng ta tìm cách khoả lấp
bằng cách ăn uống, đọc, nói, hút thuốc, uống rượu, xem
tivi, đi coi phim, hay thậm chí làm việc quá độ. Nương tựa
vào những thứ này chỉ làm chúng ta càng cảm thấy đói khát,
không thoả mãn hơn, và chúng ta muốn hấp thụ nhiều hơn
nữa. Chúng ta cần một vài nguyên tắc chỉ đạo, một vài
phương thuốc ngăn ngừa để phòng hộ cho mình, để rồi
chúng ta có thể lành mạnh trở lại. Chúng ta cần tìm cho
ra phương thuốc cho căn bệnh của mình. Chúng ta cần tìm cho
ra những gì lành, đẹp và thật để có thể nương tựa vào.
Khi
lái xe, chúng ta buộc phải tuân theo một số quy luật nhất
định để không gây tai nạn. Hai ngàn năm trăm năm trước,
Bụt đã đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo nhất định cho
những người đệ tử tại gia của Ngài để giúp họ sống
một đời sống bình an, lành mạnh và hạnh phúc. Đó là Năm
Giới, và nền tảng của mỗi Giới này là chánh niệm. Với
chánh niệm, chúng ta ý thức được những gì đang xảy ra
nơi thân thể, cảm thọ, tâm hồn và thế giới quanh ta, và
ta tránh không gây tổn hại cho mình và cho người. Chánh niệm
bảo hộ cho ta, cho gia đình và xã hội ta, chắc chắn sẽ
mang lại an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Trong
đạo Bụt, Giới, Định, và Tuệ luôn đi chung với nhau. Ta
không thể chỉ nói đến một yếu tố mà không nói đến
hai yếu tố kia. Ba phép này được gọi là Tam Học – sila,
tu Giới; samadhi, tu Định; và prajna, tu Tuệ. Giới, Định,
Tuệ ‘tương tức’ với nhau. Thực tập Giới mang đến Định,
Định thì cần thiết cho Tuệ. Chánh Niệm là nền tảng của
Định, Định cho phép ta nhìn sâu, và Tuệ chính là hoa trái
của sự nhìn sâu. Khi có chánh niệm, ta có thể thấy rằng
nếu tránh không làm ‘điều này’, ta có thể ngăn ngừa
được ‘điều kia.’ Tuệ giác này không đến từ sự áp
đặt của quyền lực bên ngoài. Nó là hoa trái của sự quán
sát của chính chúng ta. Hành trì Giới, vì vậy, giúp ta trở
nên điềm tĩnh hơn, tập trung hơn, mang lại nhiều tuệ giác
và sự sáng suốt hơn, và do đó việc hành trì Giới của
chúng ta lại càng thêm vững chãi. Ba yếu tố này đan quyện
với nhau; yếu tố này hỗ trợ cho hai yếu tố kia, và cả
ba mang chúng ta đến gần hơn với sự giải thoát -- chấm
dứt sự ‘rò rỉ.’ Chúng ngăn không để ta rơi trở lại
vào vô minh, phiền não. Khi đã bước được ra ngoài dòng
khổ đau hệ lụy, ta gọi đó là anasvara, ‘vô lậu.’ Chừng
nào còn tiếp tục rò rỉ thì chừng ấy chúng ta cũng giống
như một chiếc bình rạn nứt, và không sao tránh khỏi sa vào
đau buồn, khổ não và vô minh.
Năm
Giới chính là tình thương. Thương có nghĩa là hiểu, bảo
vệ, và mang lại an vui cho đối tượng thương yêu của chúng
ta. Hành trì Giới là thực hiện điều này. Chúng ta bảo vệ
cho mình và bảo vệ cho nhau.
Năm
Giới trong sách này được diễn dịch theo hình thức mới.
Đây là kết quả của những tuệ giác gặt hái được từ
việc thực tập chung như một tăng thân. Một truyền thống
tâm linh cũng giống như một cái cây, cần được chăm tưới
để cho ra những cành, lá mới để có thể tiếp tục là
một thực thể sinh động. Chúng ta giúp cái cây Phật giáo
phát triển bằng cách sống sâu sắc chân tinh thần của nó,
sự hành trì Giới, Định, Tuệ. Nếu chúng ta tiếp tục thực
tập Giới một cách sâu sắc, trong tương quan với xã hội
và văn hoá chúng ta, tôi tin rằng con cháu chúng ta sẽ có một
sự hiểu biết về Năm Giới còn sâu hơn chúng ta bây giờ
và sẽ có nhiều an lạc hơn.
Cho
đến gần đây, tôi vẫn hay dùng chữ ‘cấm giới’ thay
vì ‘phương pháp rèn luyện chánh niệm.’ Nhưng nhiều người
bạn Tây phương nói với tôi rằng chữ ‘cấm giới’ gợi
cho họ cảm giác tốt xấu, nghĩa là nếu họ ‘phạm’ giới
thì họ thấy mình hoàn toàn thất bại. Giới khác với những
‘điều răn’ (trong đạo Chúa) hay ‘luật lệ.’ Giới là
những tuệ giác phát sinh từ sự quán sát chánh niệm và từ
kinh nghiệm trực tiếp về khổ đau. Giới là những nguyên
tắc hướng dẫn giúp ta tập sống như thế nào để có thể
bảo hộ cho mình và cho những người xung quanh. Trong khi thực
tập Giới, chỗ hiểu biết và hành trì của ta sẽ càng thêm
sâu sắc. Khi mới bắt đầu, và cả trong thời gian luyện
tập, không ai có thể hoàn toàn cả. Giới là biểu hiện cụ
thể nhất của sự tu tập chánh niệm. Đó là lý do tại sao
trình bày Giới như ‘những phương pháp rèn luyện chánh niệm’
trong tiếng Anh là khế cơ, khế lý.
Trong
đạo Phật, một trong những cách biểu lộ ước muốn tu tập
theo con đường Hiểu và Thương lúc ban đầu là quy y và tiếp
nhận Năm Giới từ một vị thầy. Trong buổi lễ truyền giới,
vị thầy đọc từng giới một, người học trò lập lại
và phát nguyện học hỏi, hành trì theo giới được tuyên
đọc. Trước khi quyết định thọ Giới, hành giả có thể
còn cảm thấy hoang mang, nhưng với quyết định hành trì Giới,
nhiều sợi giây hoang mang, ràng buộc được cắt đứt. Khi
buổi lễ hoàn tất, ta có thể thấy ngay trên gương mặt người
ấy một sự giải phóng lớn.
Khi
phát nguyện thọ trì dù chỉ một giới, quyết định mạnh
mẽ nảy sinh từ tuệ giác ấy sẽ đưa ta đến tự do và
hạnh phúc đích thực. Tăng thân có mặt đó để yểm trợ
và chứng minh cho sự ra đời của tuệ giác và quyết tâm
của mình. Buổi lễ thọ giới có sức mạnh xuyên thủng,
giải phóng và xây dựng. Sau buổi lễ, nếu chúng ta tiếp
tục thực tập Giới, nhìn sâu để có tuệ giác sâu hơn về
thực tại, sự bình an và giải thoát của chúng ta sẽ tăng
trưởng. Cách ta hành trì Giới biểu lộ mức độ bình an
và chiều sâu của tuệ giác chúng ta.
Khi
một người chính thức phát nguyện học hỏi và hành trì
Năm Giới, người ấy cũng quy y nơi Tam Bảo – Bụt, Pháp,
và Tăng. Hành trì Năm Giới là một biểu hiện cụ thể của
lòng biết ơn và tin tưởng nơi Ba Viên Ngọc Quý này. Bụt
chính là chánh niệm; Pháp là con đường của tình thương
và sự hiểu biết; Tăng là đoàn thể nâng đỡ cho sự tu
học của chúng ta.
Năm
Giới và Tam Bảo là những đối tượng xứng đáng của niềm
tin chúng ta. Đó không phải là những cái gì trừu tượng
– ta có thể học hỏi, tu tập, khám phá, nới rộng, và kiểm
lại với kinh nghiệm của chính mình. Học hỏi và thực tập
theo Năm Giới và Tam Bảo chắc chắn sẽ mang lại an lạc cho
bản thân, cộng đồng, và xã hội ta. Là con người, chúng
ta cần có một cái gì để tin tưởng, một cái gì lành, đẹp,
và thật, một cái gì ta có thể tiếp xúc được. Niềm tin
vào sự thực tập chánh niệm – vào Năm Giới và Tam Bảo
– là điều mà bất cứ ai cũng có thể khám phá, công nhận,
và đưa vào đời sống hằng ngày.
Năm
Giới và Tam Bảo có những giá trị tương đương ở trong
mọi truyền thống tâm linh. Đây là những gì đến tự chiều
sâu thẳm của mỗi chúng ta, hành trì theo đó sẽ giúp ta cắm
rễ sâu hơn trong truyền thống của mình. Sau khi đã học về
Năm Giới và Tam Bảo, tôi mong rằng các bạn sẽ quay về truyền
thống của mình và chiếu ánh sáng lên những viên ngọc vốn
đã có đó. Năm Giới là phương thuốc cho thời đại chúng
ta. Tôi khẩn thiết mong các bạn thực tập Giới theo cách
chúng được trình bày ở đây, hay theo cách chúng được giảng
dạy trong truyền thống của bạn.
Cách
tốt nhất để hành trì Giới là cách nào? Tôi không biết.
Tôi vẫn còn đang học hỏi, cùng với các bạn. Tôi thấm
thía cụm từ dùng trong Năm Giới: ‘tìm cách.’ Chúng ta không
biết hết mọi việc. Nhưng chúng ta có thể giảm thiểu tối
đa sự ngu dốt của mình. Khổng Tử từng nói rằng: ‘Biết
rằng mình không biết tức là chỗ khởi đầu của cái biết.’
Tôi nghĩ đây là cách để thực tập. Chúng ta cần có sự
khiêm tốn và cởi mở để có thể học hỏi cùng nhau. Chúng
ta cần một Tăng thân, một cộng đồng, để yểm trợ cho
ta, và chúng ta cũng cần phải tiếp cận với xã hội để
hành trì giới. Nhiều vấn đề hôm nay không tồn tại trong
thời của Bụt. Vì vậy, chúng ta cần phải quán chiếu chung
để mở ra những tuệ giác có thể giúp chúng ta và con cái
chúng ta tìm ra được cách để sống một đời sống lành
mạnh, hạnh phúc và khương kiện.
Khi
có người hỏi: ‘Anh có quan tâm không? Anh có quan tâm đến
tôi? Em có quan tâm đến cuộc đời? Chị có quan tâm đến
trái đất?’, cách hay nhất để trả lời là hành trì Năm
Giới. Đây là dạy bằng thân giáo chứ không phải chỉ bằng
lời. Nếu bạn thật sự quan tâm, xin hãy hành trì các Giới
này để bảo hộ cho mình và cho mọi người, mọi loài khác
nữa. Nếu chúng ta thực tập hết lòng thì tương lai sẽ còn
có mặt cho chúng ta, và con cháu chúng ta.
(Thích
Nhất Hạnh, 1993)