GIỚI
THỨ BA
Bảo
Vệ Tiết Hạnh
Ý
thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học
theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và
sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội.
Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là
vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành
động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và
cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và
của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của
mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo
vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ
vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.
Hành
động tà dâm đã gây tàn hoại cho không biết bao nhiêu cuộc
đời, làm đổ vỡ không biết bao nhiêu gia đình. Thực tập
Giới thứ ba là để hàn gắn cho mình và hàn gắn cho xã hội.
Đó là sống có chánh niệm.
Giới
thứ năm – không tiêu thụ rượu, ma túy, và các độc tố
gây ra – có liên hệ với Giới thứ Ba. Cả hai đều liên
quan đến lối sống có tính cách phá hoại và làm mất đi
sự vững chãi. Các Giới này là liều thuốc thích đáng nhất
cho chúng ta. Ta chỉ cần tự mình giữ giới, và thế nào những
người xung quanh ta cũng sẽ thấy được sự thật. Sự vững
chãi của bản thân ta cũng như của gia đình ta không thể
có được nếu không có sự hành trì hai Giới này. Nếu nhìn
vào những cá nhân và gia đình không có vững chãi và hạnh
phúc, ta sẽ thấy nhiều người trong số họ không thực tập
hai Giới này. Ta có thể tự mình chẩn bệnh, và ta nhận ra
rằng thuốc trị cũng có đó. Thực tập những Giới này là
cách hay nhất để khôi phục lại sự vững chãi trong gia đình
và xã hội. Với một số người, Giới này rất dễ thực
tập, nhưng với một số người khác thì Giới này lại rất
khó giữ. Những người này cần phải đến với nhau và chia
sẻ kinh nghiệm.
Trong
truyền thống đạo Bụt, ta nói đến tính thống nhất của
thân tâm. Cái gì xảy ra cho thân cũng đồng thời xảy ra cho
tâm. Sự trong sạch của thân thể cũng là sự trong sạch của
tâm hồn; sự bạo động của thân cũng chính là sự bạo
động của tâm. Khi giận, chúng ta nghĩ mình giận trong tâm
chứ không phải giận nơi thân, nhưng điều ấy không đúng.
Khi thương ai, ta muốn ở gần người đó, khi giận ai ta lại
không muốn đụng đến họ, hay bị họ đụng đến mình.
Ta không thể nói thân là riêng và tâm là riêng.
Quan
hệ giới tính là một kết hợp giữa thân thể và tâm hồn.
Đây là một cuộc gặp gỡ hết sức quan trọng, không thể
hành động một cách tùy tiện, bê bối được. Trong tâm hồn
ta có những vùng riêng tư – những kỷ niệm, những nỗi
đau, những bí mật --, ta chỉ muốn chia sẻ với người ta
thương và tin cậy nhất mà thôi. Không phải với ai mình cũng
đem tâm can ra thổ lộ. Trong Hoàng Thành có một khu vực không
ai được bước đến, gọi là Tử Cấm Thành; chỉ có nhà
Vua và thân tộc mới được qua lại trong đó mà thôi. Trong
tâm hồn ta cũng có một vùng như vậy, ta không cho phép ai
bước vào, ngoại trừ người mà ta thương và tin cậy nhất.
Với
thân thể cũng vậy. Có những vùng nơi thân thể ta không muốn
ai lại gần hay đụng đến, trừ phi đó là người mà ta kính
trọng, thương và tin cậy nhất. Khi ta bị đụng chạm một
cách bừa bãi, tùy tiện, với một thái độ thiếu nhẹ nhàng
tế nhị, ta cảm thấy bị sỉ nhục trong thân thể và tâm
hồn. Một người đến với ta bằng sự tôn trọng, nhẹ nhàng,
tế nhị, và hết lòng quan tâm mang lại cho ta một sự truyền
thông và cảm thông sâu sắc. Chỉ trong trường hợp đó ta
mới không cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm, hay lợi dụng,
cho dù một mảy may. Điều này không thể xảy ra nếu không
có tình thương và sự cam kết đích thực. Quan hệ bừa bãi
không thể được gọi là tình yêu. Tình thương thì sâu, đẹp,
và trọn vẹn.
Tình
thương đích thực phải có sự kính trọng. Trong văn hoá Á
Đông, vợ chồng phải trân trọng nhau như khách, khi thực
tập kính trọng như vậy, tình thương và hạnh phúc sẽ tiếp
tục lâu dài. Trong quan hệ giới tính, sự tôn trọng là một
trong những yếu tố quan trọng nhất. Sự kết hợp giới tính
phải giống như một nghi lễ, được cử hành trong chánh niệm
với sự tôn trọng, quan tâm, và thương yêu lớn. Tham muốn
không phải là tình thương. Thương là một cái gì thiên về
trách nhiệm. Trong tình thương có sự quan tâm chăm sóc.
Chúng
ta phải khôi phục lại ý nghĩa của chữ ‘yêu.’ Chúng ta
đã sử dụng từ này một cách bừa bãi. Khi ta nói, ‘Tôi
yêu (thích) cà rem,’ ta không phải nói về tình yêu. Ta đang
nói về sự thèm ăn của ta, thèm món cà rem. Ta không nên nói
phóng đại và dùng sai từ như thế. Làm như vậy, ta khiến
cho các từ ngữ như ‘yêu’ bị bệnh. Chúng ta phải nỗ
lực để chữa lành cho ngôn ngữ chúng ta bằng cách thận
trọng trong khi dùng từ. Từ ‘yêu’ là một trong những từ
rất đẹp. Ta phải khôi phục lại ý nghĩa của nó.
‘Con
nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ
hay chồng của con.’ Nếu chữ ‘yêu’ được hiểu theo nghĩa
sâu sắc nhất của nó, tại sao chúng ta phải nói đến ‘sự
cam kết lâu dài’? Nếu tình thương có thật, ta không cần
phải có cam kết dài hay ngắn, hay thậm chí đám cưới. Tình
thương đích thực phải có ý thức trách nhiệm, chấp nhận
người kia như là chính họ, với những điểm mạnh và yếu
kém của người đó. Nếu ta chỉ thích những gì tốt đẹp
nhất nơi người đó thì đó không phải là tình thương. Ta
phải chấp nhận những yếu kém của người kia và mang sự
kiên nhẫn, hiểu biết, và năng lượng của mình để giúp
người kia chuyển hoá. Tình thương là phải là Từ, maitri,
khả năng mang lại niềm vui và hạnh phúc, và Bi, karuna, khả
năng chuyển hoá nỗi khổ niềm đau. Tình thương theo cách
này chỉ mang lại sự tốt đẹp. Nó không thể được diễn
tả là tiêu cực hay hủy hoại. Tình thương như vậy an toàn,
và bảo đảm được tất cả.
Ta
có nên thay đổi ‘cam kết lâu dài’ bằng ‘cam kết ngắn
hạn’ không? ‘Cam kết ngắn hạn’ có nghĩa là ta có thể
sống với nhau vài bữa rồi sau đó kết thúc liên hệ. Đó
không phải là tình thương. Nếu ta có một liên hệ như vậy,
ta không thể nói liên hệ đó đến từ tình thương và sự
quan tâm chăm sóc. ‘Cam kết lâu dài’ giúp người ta hiểu
được ý nghĩa của chữ ‘thương yêu.’ Trong một tình thương
đích thực, cam kết chỉ có thể là cam kết lâu dài. ‘Tôi
muốn thương em. Tôi muốn giúp em. Tôi muốn chăm sóc cho em.
Tôi muốn phấn đấu cho hạnh phúc. Nhưng chỉ trong vài hôm
thôi.’ Có hợp lý chút nào không?
Ta
sợ phải cam kết -- với Giới, với lứa đôi, và với mọi
thứ. Ta muốn có tự do. Nhưng hãy nhớ rằng, ta phải cam kết
thương yêu con mình một cách sâu sắc, giúp đỡ nó đi qua
hành trình cuộc đời cho đến khi nào ta không còn sống nữa.
Ta không thể nói, ‘Ba không thương con nữa.’ Khi ta có một
người bạn tốt, ta cũng làm một cam kết lâu dài. Ta cần
người ấy. Huống hồ là với người muốn cùng ta chia sẻ
cuộc đời, tâm hồn, và thân thể. ‘Cam kết lâu dài’ không
thể diễn tả được chiều sâu của tình yêu, nhưng ta phải
mượn từ để nói cho người ta hiểu.
Sự
cam kết lâu dài giữa hai người chỉ là điểm khởi đầu.
Chúng ta còn cần có sự nâng đỡ của bạn bè và những người
khác nữa. Đó là vì sao xã hội chúng ta có lễ cưới. Hai
gia đình cùng đến với bạn bè để làm chứng cho sự kiện
hai người về chung sống với nhau như một đôi lứa. Vị
chủ hôn và tờ hôn thú chỉ là những biểu tượng. Điều
quan trọng là sự cam kết của hai người được chứng minh
bởi hai họ và nhiều bè bạn. Bây giờ hai người có sự
yểm trợ của những người này. Một cam kết lâu dài sẽ
mạnh và dài lâu hơn nếu được làm trong khung cảnh của
Tăng thân.
Tình
cảm sâu đậm của hai người rất quan trọng, nhưng không
đủ để duy trì hạnh phúc. Không có những yếu tố khác,
cái mà ta gọi là tình yêu chẳng bao lâu sẽ có thể trở
thành chua chát. Sự cùng đến yểm trợ của gia đình và bạn
bè đã dệt nên một mạng lưới. Sức mạnh của tình cảm
hai người chỉ là một sợi tơ trong mạng lưới đó. Được
yểm trợ bởi nhiều yếu tố, đôi lứa ấy sẽ vững hơn,
như một cái cây. Nếu cái cây muốn khoẻ mạnh, nó cần phải
cắm một số rễ sâu vào lòng đất. Nếu cái cây chỉ có
một cái rễ, nó có thể sẽ bị gió lật trốc. Đời sống
lứa đôi cũng cần có sự hổ trợ của nhiều yếu tố khác
nhau – gia đình, bè bạn, lý tưởng, tu tập, và Tăng thân.
Ở
Làng Mai, cộng đồng tu tập nơi tôi sống tại Pháp, mỗi
khi có một Lễ Cưới, cả cộng đồng được mời tới để
ăn mừng và hổ trợ cho hai người. Sau Lễ cưới, mỗi ngày
rằm, hai vợ chồng đọc lại Năm Điều Ước nguyện với
nhau, nhớ lại rằng bạn bè khắp nơi đều đang nâng đỡ
cho liên hệ của họ được vững bền và hạnh phúc[2] . Cho
dù liên hệ của hai người có được kết hợp bởi luật
pháp hay không, nó cũng sẽ mạnh và bền hơn nếu được cam
kết với sự hiện diện của Tăng thân -- những người bạn
thương mến và muốn yểm trợ mình trong tinh thần của Hiểu
và Từ Bi.
Tình
yêu có thể là một căn bệnh. Ở Tây phương cũng như Á Châu
đều có từ ‘bệnh tương tư.’ Cái làm chúng ta bệnh là
sự ràng buộc. Dù đó là một nội kết ngọt ngào, thứ tình
thương ràng buộc này cũng giống như thuốc phiện. Nó làm
cho chúng ta thấy khoan khoái, nhưng một khi đã nghiện ngập,
ta không còn một chút bình an nào nữa. Ta không thể học,
không thể làm việc gì, thậm chí không thể ngủ. Ta chỉ
nghĩ đến đối tượng kia thôi. Ta bị bệnh vì tình. Thứ
tình này dính líu đến ước muốn chiếm hữu và độc quyền
của ta. Ta muốn đối tượng tình yêu của ta phải hoàn toàn
thuộc về ta và chỉ riêng cho ta mà thôi. Đó là sự chuyên
chế. Ta không muốn ai ngăn không cho ta ở gần người đó
cả. Thứ tình yêu này có thể được gọi là nhà tù, nơi
ta giam cầm người ta thương và chỉ gây khổ đau cho người
ấy. Người bị thương bị tước đoạt đi tự do -- quyền
được là mình và vui sống. Thứ tình yêu này không thể được
gọi là Từ (maitri) hay Bi (karuna.) Nó chỉ là ước muốn dùng
người khác để thoả mãn những nhu cầu của mình mà thôi.
Khi
có những năng lượng tình dục làm cho ta không hạnh phúc,
mất đi sự an ổn nội tại, ta cần phải biết thực tập
để không làm những việc mang lại khổ đau cho người và
cho mình. Ta phải học điều này. Ở châu Á, ta nói có ba loại
năng lượng – tinh, khí, và thần. Tinh, năng lượng tình dục,
là loại đầu. Khi ta có nhiều năng lượng tình dục hơn mức
độ cần thiết, cơ thể và toàn bộ con người ta sẽ mất
quân bình. Ta cần phải biết làm sao để tái lập lại quân
bình, nếu không ta sẽ có thể hành xử một cách vô trách
nhiệm. Trong đạo Lão và đạo Bụt, có những phép thực tập
giúp tái lập lại sự quân bình này, như tập thiền hay võ
thuật. Ta có thể học những cách để chuyển năng lượng
tình dục này sang những mức độ thành đạt sâu trong nghệ
thuật và thiền tập.
Nguồn
năng lượng thứ hai là khí, hơi thở. Sự sống có thể được
xem như một tiến trình đốt cháy. Để đốt, mỗi tế bào
trong cơ thể ta cần thức ăn và dưỡng khí. Trong Kinh Lửa,
Bụt nói, ‘Mắt đang cháy, mũi đang cháy, thân đang cháy.’
Trong đời sống hằng ngày, ta phải nuôi dưỡng năng lượng
của mình bằng cách thực tập thở cho đúng. Chúng ta nhờ
không khí và oxygen trong đó, vì vậy ta phải cẩn thận tránh
không khí ô nhiễm. Có những người nuôi dưỡng khí bằng
cách tránh hút thuốc và chuyện trò, hay thực tập hơi thở
chánh niệm sau khi phải nói nhiều. Khi nói, ta nhớ dành thì
giờ để thở. Ở Làng Mai, mỗi khi nghe chuông chánh niệm,
mọi người đều dừng lại những gì họ mình đang làm và
thở ba hơi thở có ý thức. Chúng tôi thực tập như vậy
để phát triển và giữ gìn năng lượng khí.
Nguồn
năng lượng thứ ba là thần, năng lượng của tinh thần. Khi
không ngủ ban đêm, ta mất một số năng lượng này. Hệ thần
kinh của chúng ta trở nên mệt mỏi và ta không thể học,
hành thiền hay quyết đoán tốt được. Thần trí ta không
minh mẫn vì thiếu ngủ hoặc lo lắng quá độ. Lo nghĩ, bồn
chồn làm kiệt quệ năng lượng này.
Vậy
thì đừng lo lắng. Đừng thức khuya quá. Giữ hệ thống thần
kinh của mình cho khoẻ mạnh. Tránh bồn chồn. Những thực
tập như vậy nuôi dưỡng nguồn năng lượng thứ ba. Ta cần
năng lượng này để thực tập thiền cho tốt. Sự khai mở
tâm linh cần sức mạnh tinh thần, có được nhờ định và
nhờ biết bảo tồn nguồn năng lượng này. Khi có năng lượng
tinh thần mạnh, ta chỉ cần chuyên tâm vào đối tượng, và
ta sẽ có sự khai mở. Không có thần, ánh sáng định sẽ
không toả sáng, vì ngọn đèn phát ra rất yếu ớt.
Theo
y học Á Đông, thần lực có liên hệ đến tinh lực. Tiêu
xài tinh lực thì cần phải có thời gian mới khôi phục lại
được. Trong y học Trung Quốc, muốn có một tinh thần và
một định lực mạnh, ta được khuyên phải tránh có liên
hệ giới tính hay ăn uống quá độ. Người ta dùng dược
thảo, rễ cây và thuốc để bồi bổ thần, và trong khi uống
thuốc ta phải tránh các liên hệ giới tính. Nếu thần yếu
mà ta vẫn tiếp tục quan hệ tình dục, Trung Y cho rằng thần
lực sẽ không thế nào cứu vãn được. Những ai tập thiền
nên tập gìn giữ tinh lực vì họ cần đến năng lượng này
trong thiền tập. Nếu là một nghệ sĩ, có lẽ bạn cũng nên
thực tập chuyển tinh và thần của mình vào tác phẩm.
Trong
cuộc tranh đấu dành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay người
Anh, ông Gandhi đã tuyệt thực nhiều lần, và ông đã khuyên
những người bạn tham dự tuyệt thực với ông trong khi nhịn
ăn không nên giao hợp. Khi đã nhịn ăn nhiều ngày rồi mà
còn có quan hệ giới tính thì có thể chết; phải biết bảo
tồn năng lượng. Một người bạn của tôi, thầy Trí Quang,
đã nhịn ăn một trăm ngày ở nhà thương Sài Gòn nằm 1966,
biết rất rõ không hành dục là điều rất cơ bản. Dĩ nhiên,
là một thầy tu, Thầy không có vấn đề gì với chuyện ấy.
Thầy cũng biết rõ rằng nói chuyện làm hao hơi tổn khí,
thầy cũng tránh nói chuyện. Khi cần gì, Thầy chỉ nói một
hay hai chữ, hoặc viết xuống. Viết, nói, hay cử động nhiều
đều lấy đi năng lượng từ ba nguồn này. Vậy thì hay nhất
là nằm xuống và tập thở sâu. Thở như vậy sẽ mang lại
cho ta sức sống cần thiết để đi qua cơn tuyệt thực một
trăm ngày. Một khi không ăn, ta không thể tiếp vào năng lượng
dinh dưỡng. Nếu ta bớt đi việc học, nghiên cứu, hay lo nghĩ,
ta có thể bảo tồn được nguồn năng lượng này. Ba nguồn
năng lượng đều có liên hệ với nhau. Tu dưỡng một nguồn,
ta cũng giúp những nguồn kia. Đó là vì sao anapanasati, sự
thực tập hơi thở có ý thức, là rất quan trọng trong nếp
sống tâm linh. Sự thực tập này trợ giúp cho tất cả mọi
nguồn năng lượng khác trong ta.
Những
người xuất gia, nam hay nữ, không có những quan hệ giới
tính vì họ muốn dồn hết năng lượng của mình để có
sự khai mở trong thiền tập. Họ học cách chuyển tinh lực
của mình sang tăng cường cho năng lượng tinh thần để có
sự khai mở. Họ cũng thực tập thở sâu để tăng thêm năng
lượng tinh thần. Sống đời sống độc cư, không có gia đình,
họ có thể dồn hầu hết thời gian của mình cho thiền tập
và giảng dạy, giúp những người cung cấp tứ sự cho mình.
Họ tiếp xúc với dân trong làng để chia sẻ Chánh Pháp. Vì
không có nhà hay gia đình để phải chăm sóc, họ có không
gian và thời gian để làm những việc họ ưa thích nhất –
đi thiền, ngồi thiền, thở, giúp những người xuất gia và
tại gia tu học – và đạt được điều họ mong muốn. Người
xuất gia không lập gia đình để bảo tồn thời giờ và năng
lượng cho sự tu tập.
‘Trách
nhiệm’ là từ then chốt trong Giới thứ Ba. Trong một cộng
đồng tu tập, nếu không có tà hạnh, nếu cộng đồng đó
thực tập Giới này giỏi, thì sẽ có sự vững chãi và an
bình. Mọi người đều cần phải thực tập Giới này. Ta
tôn trọng, yểm trợ, và bảo hộ lẫn nhau như những người
anh, người chị, người em trong Đạo. Nếu không thực tập
Giới này, ta có thể sẽ trở nên vô trách nhiệm và tạo
vấn đề rắc rối cho cộng đồng tu tập của ta và cộng
đồng lớn bên ngoài. Chúng ta đã từng thấy điều này. Nếu
một vị thầy mà không tự chế được, ngủ với đệ tử,
thì vị ấy sẽ hủy hoại tất cả, có thể là vài thế hệ
lận. Chúng ta cần chánh niệm để có ý thức trách nhiệm
này. Chúng ta không tà hạnh vì chúng ta có tránh nhiệm đến
sự an nguy của bao nhiêu người. Nếu vô trách nhiệm, ta có
thể sẽ làm đổ vỡ tất cả. Thực tập Giới này, ta giữ
cho Tăng Đoàn còn đẹp mãi.
Trong
quan hệ giới tính, người ta có thể bị thương tổn. Thực
tập Giới này là để ngăn không để cho mình và kẻ khác
bị thương. Thường ta nghĩ rằng chỉ có người phụ nữ
mới bị thương, nhưng người đàn ông cũng bị thương rất
nặng. Chúng ta phải hết sức cẩn thận, nhất là trong những
cam kết ngắn hạn. Thực tập Giới thứ ba là cách hữu hiệu
nhất để khôi phục lại sự bình an và vững chãi trong ta,
trong gia đình và xã hội ta. Chúng ta phải dành thời gian để
thảo luận về những vấn đề liên quan đến sự thực thập
Giới này, như cô đơn, quảng cáo, thậm chí cả vấn đề
mãi dâm.
Cảm
giác cô đơn rất phổ biến trong xã hội ta. Không có truyền
thông giữa ta và người khác, kể cả những người trong gia
đình; cảm giác cô đơn thúc đẩy ta đi đến chỗ quan hệ
tình dục. Ta tin tưởng một cách ngây thơ rằng quan hệ tình
dục sẽ giúp ta cảm thấy bớt cô đơn, nhưng điều ấy không
đúng. Khi không có đủ truyền thông với người khác về
mặt tâm hồn, quan hệ tình dục sẽ đào sâu thêm hố ngăn
cách và hủy diệt cả hai bên. Quan hệ của ta sẽ đầy bão
tố, ta sẽ chỉ làm khổ nhau. Niềm tin rằng quan hệ giới
tính sẽ giúp ta giải toả cô đơn là một thứ mê tín. Ta
không nên bị nó đánh lừa. Trên thực tế, ta sẽ cảm thấy
còn cô đơn hơn sau đó.
Sự
kết hợp của hai thân thể chỉ tích cực khi nào có hiểu
biết và cảm thông về mặt tâm hồn. Ngay cả giữa vợ và
chồng, nếu sự cảm thông về tâm hồn không có đó, thì
sự đến với nhau của hai thân thể chỉ làm cho hai người
xa cách nhau thêm. Trong trường hợp đó, tôi khuyên các bạn
hãy tránh quan hệ thân xác và tìm cách tái lập truyền thông
trước đã.
Tiếng
Việt có hai chữ tình và nghĩa, rất khó dịch ra tiếng Anh.
Hai chữ đều có nghĩa gần giống với thương yêu. Trong tình,
ta thấy có yếu tố say mê sôi nổi. Sự say mê này có thể
rất sâu, tràn ngập cả con người mình. Nghĩa là một loại
tiếp nối của tình. Với nghĩa ta thấy đằm hơn, có nhiều
hiểu biết hơn, sẵn sàng hy sinh để làm cho người kia hạnh
phúc hơn, trung thành hơn. Ta không còn hăng say như trong tình,
nhưng tình thương của ta sâu hơn và bền hơn. Nghĩa sẽ giữ
hai người với nhau lâu dài. Đó là kết quả của sự sống
chung và chia sẻ niềm vui và gian khó trong thời gian dài.
Ta
bắt đầu bằng sự đam mê, nhưng sống với nhau ta gặp phải
khó khăn, và nhờ tìm cách ứng phó với những khó khăn này
mà tình yêu của ta sâu đậm thêm. Trong khi sự đam mê phai
lạt thì nghĩa lại mỗi lúc một tăng trưởng. Nghĩa là một
thứ tình thương sâu hơn, với nhiều trí tuệ hơn, tương
tức hơn, đoàn kết hơn. Ta hiểu người kia hơn. Ta và người
kia trở nên một thực thể. Nghĩa giống như một trái cây
đã chín. Nó không còn chua chát nữa; chỉ có vị ngọt thôi.
Trong
nghĩa, ta thấy biết ơn người kia. ‘Cảm ơn vì đã chọn
tôi. Cảm ơn vì đã làm vợ hay chồng tôi. Có biết bao nhiêu
người ngoài kia, tại sao lại chọn tôi? Tôi rất biết ơn.’
Đó là chỗ bắt đầu của nghĩa, cảm giác biết ơn người
ấy đã chọn mình làm người bạn đồng hành để chia sẻ
những gì tốt đẹp nhất của người ấy, cũng như những
hạnh phúc và khổ đau của mình.
Khi
sống chung, ta hổ trợ lẫn nhau. Ta bắt đầu hiểu được
cảm thọ và những khó khăn của nhau. Khi người kia tỏ ra
hiểu được những vấn đề, khó khăn, và chí hướng sâu
xa của mình, ta cảm thấy biết ơn sự hiểu biết đó. Khi
thấy được người khác hiểu, ta không còn khổ sở nữa.
Hạnh phúc, trước hết là cảm thấy được hiểu. ‘Tôi
biết ơn vì anh đã chứng tỏ là anh hiểu tôi. Trong khi tôi
đang gặp khó khăn và thao thức trắng đêm, anh săn sóc tôi.
Anh tỏ cho tôi thấy rằng sự an nguy của tôi cũng là sự
an nguy của anh. Anh đã làm những điều không thể làm được
để mang lại an ổn cho tôi. Anh đã săn sóc tôi theo một cách
mà không ai trên đời này có thể có được. Vì vậy tôi
biết ơn anh.’
Nếu
hai người sống với nhau lâu dài, ‘cho đến khi đầu bạc
răng long’, đó là vì nghĩa, không phải là vì tình. Tình
là tình thương say đắm bồng bột. Nghĩa là thứ tình thương
có nhiều hiểu biết và biết ơn ở trong.
Mọi
tình thương đều có thể bắt đầu bằng sự say mê, nhất
là với người trẻ. Nhưng trong quá trình sống với nhau, họ
phải học và thực tập yêu thương, để sự ích kỷ -- khuynh
hướng chiếm hữu -- sẽ bớt đi, và yếu tố hiểu biết,
thương yêu sẽ tụ lại dần dần, cho đến khi tình thương
của họ trở nên nuôi dưỡng, bảo vệ, và bảo đảm, yên
tâm. Với nghĩa, ta biết chắc người kia sẽ chăm sóc ta và
thương ta cho đến khi đầu bạc răng long. Không có gì bảo
đảm được người kia sẽ ở mãi với ta, ngoại trừ nghĩa.
Nghĩa được bồi đắp bởi hai người trong đời sống hằng
ngày.
Thiền
là nhìn vào bản chất của tình thương của mình để xem
những yếu tố nào có mặt trong đó. Ta không thể nói tình
thương của mình chỉ là tình hay nghĩa, chiếm hữu hay vị
tha, bởi trong tình thương có thể có cùng một lúc hai yếu
tố. Có thể có chín mươi phần trăm là tình yêu chiếm hữu,
ba phần trăm tình thương vị tha, hai phần trăm sự biết ơn,
v.v... Hãy nhìn sâu vào bản chất tình thương của mình để
nhận diện ra. Hạnh phúc của người kia và hạnh phúc của
bạn tùy thuộc vào bản chất của tình thương của bạn.
Lẽ đương nhiên ta có tình thương, nhưng điều quan trọng
là bản chất của tình thương đó. Nếu ta nhận thấy có
nhiều Từ và Bi trong tình thương của mình, thì tình thương
ấy rất đáng yên tâm. Nghĩa sẽ bền trong tình thương ấy.
Con
cái, nếu chịu khó nhìn kỹ sẽ thấy điều giữ cha mẹ mình
lại với nhau chính là nghĩa chứ không phải tình say đắm.
Nếu cha mẹ biết săn sóc cho nhau, trông nom con cái với sự
bình tĩnh, dịu dàng, quan tâm, thì nghĩa chính là nền tảng
của sự quan tâm đó. Đó là thứ tình thương chúng ta rất
cần cho gia đình và xã hội ta.
Trong
việc thực tập Giới thứ ba, chúng ta phải luôn luôn nhìn
vào bản chất tình thương của mình để thấy rõ và không
bị gạt bởi cảm thọ của mình. Đôi khi ta nghĩ ta thương
một người, nhưng tình thương ấy có thể chỉ là một cố
gắng để thoả mãn những nhu yếu vị kỷ của mình mà thôi.
Có thể ta chưa nhìn sâu đủ để thấy những nhu yếu của
người kia, trong đó có nhu yếu được an toàn, được bảo
vệ. Nếu có cái nhìn khai mở đó, ta sẽ nhận ra rằng người
kia cần sự bảo vệ của ta, và ta không thể xem người ấy
đơn thuần như một đối tượng của sự ham muốn của mình.
Người kia không nên bị xem là một món hàng.
Tình
dục trong xã hội ta bị dùng như một phương tiện để bán
các mặt hàng. Chúng ta còn có cả ngành kinh doanh tình dục.
Nếu ta không nhìn kẻ khác như những con người, với khả
năng thành Bụt, ta có nguy cơ phá Giới này. Vì vậy, việc
thực tập nhìn sâu vào bản chất của tình thương chúng ta
có liên hệ rất nhiều đến sự thực tập Giới thứ ba.
‘Con
sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn
tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và
của đời sống đôi lứa.’ Những người bị quấy rối
tình dục khi còn nhỏ vẫn tiếp tục đau khổ rất nhiều.
Những gì họ nghĩ, nói, và làm đều mang dấu tích của vết
thương đó. Họ muốn chuyển hoá mình và làm lành vết thương
đó, cách hay nhất để làm việc này chính là hành trì Giới
thứ ba. Từ kinh nghiệm của chính mình, họ có thể nói: ‘Là
nạn nhân của việc lạm dụng tình dục, tôi nguyện bảo
vệ tất cả mọi trẻ em và người lớn khỏi nạn xâm phạm
tình dục.’ Khổ đau của ta biến thành một loại năng lượng
tích cực, giúp ta trở thành một vị Bồ Tát. Ta nguyện bảo
vệ mọi trẻ em cũng như mọi người. Và ta cũng nguyện giúp
những người đã lợi dụng tình dục trẻ em, vì họ là những
người bệnh, cần sự giúp đỡ của ta. Những kẻ làm ta
đau khổ trở thành đối tượng của tình thương và sự bảo
hộ của chúng ta. Những kẻ sẽ xâm phạm trẻ em trong tương
lai cũng trở thành đối tượng của tình thương và bảo hộ
của ta.
Ta
thấy rằng cho đến bao giờ những người bệnh hoạn được
bảo hộ và giúp đỡ, thì trẻ em vẫn tiếp tục bị lạm
dụng tình dục. Ta nguyện giúp những người này để họ
không còn xâm phạm trẻ em nữa. Đồng thời, ta nguyện giúp
trẻ em. Ta không chỉ đứng về phía những trẻ em bị xâm
phạm, ta cũng đứng về phía bên kia nữa. Những người quấy
nhiễu trẻ em là những người bệnh, sản phẩm của một
xã hội bất ổn. Họ có thể là một ông chú, bà dì, ông,
bà, hay cha, mẹ. Họ cần phải được theo dõi, giúp đỡ,
và, nếu có thể, trị lành. Khi ta quyết tâm giữ Giới này,
năng lượng phát sinh trong tâm ta giúp ta trở thành một vị
Bồ Tát, và sự chuyển hoá này có thể chữa lành cho ta thậm
chí trước khi ta bắt đầu thực tập. Cách hay nhất cho những
người bị xâm phạm thời thơ ấu chữa lành vết thương
là thọ Giới này và phát nguyện bảo vệ trẻ em và những
người lớn bị bệnh, những kẻ có thể sẽ tiếp diễn những
hành động phá hoại, khiến cho một đứa trẻ sẽ bị thương
tích suốt đời.
[2]
Năm Điều Ước Nguyện: 1. Chúng con nguyện sống đời sống
hằng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên
và nòi giống chúng con. 2. Chúng con nguyện sống đời sống
hằng ngày sao cho xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và
giống nòi đặt nơi mỗi chúng con. 3. Chúng con nguyện nương
vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy,
sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn. 4. Chúng con nguyện thường
tự nhắc nhở rằng sự trách móc, sự hờn giận, và lý luận
chỉ làm hao tổn hoà khí và không giải quyết được gì.
Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy mới
bồi đắp được hạnh phúc và sự an lạc. 5. Chúng con nguyện
trong đời sống hằng ngày dồn hết tâm lực và phương tiện
để xây dựng cho thế hệ con cháu của chúng con trong tương
lai.