BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM
Lê Mạnh Thát Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. HCM 2005
TOÀN TRỊ VÀ
NGOẠI THUỘC
Cao
Huy Thuần
Sách
vở, báo chí, dân chúng ở miền Nam trước đây gọi chế
độ ông Diệm là độc tài, hoặc độc tài gia đình trị.
Dictature, despotisme, tyrannie, autocratie, despotisme oriental ... tất
cả những khái niệm chính trị đó của phương Tây đều
có thể áp dụng được - và đã áp dụng - cho chế độ Ngô
Đình Diệm. Tôi dùng chữ "toàn trị" ở đây trước hết
là để nhấn mạnh một trong hai tiêu chuẩn chính mà Hannah
Arendt đã dùng để định nghĩa khái niệm totalitarisme : ý
thức hệ. Chế độ ông Diệm đã khẩn trương dựng lên từ
đầu và càng ngày càng bắt dân chúng nuốt một thứ chủ
nghĩa mà chẳng ai hiểu là gì : chủ nghĩa nhân vị. Dân không
hiểu đã đành, đại trí thức dùi mài kinh sử trên chủ
nghĩa đó cũng chẳng thông gì hơn, chỉ loáng thoáng biết
rằng đây là thứ chủ nghĩa lấy hứng từ thuyết personnalisme
chrétien của một ông tác giả Pháp nào đó tên là Mounier.
Cái chết của ông Diệm bắt đầu từ đó : từ chỗ ông
nghĩ rằng có thể dùng tôn giáo để cai trị, từ chỗ ông
bắt tất cả dân chúng, bất kỳ theo tín ngưỡng nào, đều
phải nhất nhất "xin Thượng Đế ban phước lành cho Người".
Tất
cả những yếu tố khác của một chế độ toàn trị cũng
đều hội đủ dưới thời ông Diệm, nhất là việc đưa
toàn thể xã hội vào trong guồng máy của đảng Cần Lao Nhân
Vị, của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, của Liên Đoàn Công
Chức Cách Mạng, của Thanh Niên Cộng Hòa, của Phụ Nữ Liên
Đới. Mọi người dân và lãnh đạo mọi cấp, dân sự cũng
như quân sự, đều phải nằm trong một tổ chức, nếu không
phải của ông Diệm thì là ông Nhu, nếu không phải của ông
Nhu thì là bà Nhu, nếu không phải của bà Nhu thì là ông Cẩn,
nếu không phải của ông Cẩn thì là ông Thục, nếu không
phải của một ông thì là nhiều ông, cả phần xác lẫn phần
hồn.
Tôi
biết : chế độ ông Diệm chưa đạt đến mức toàn trị
như trong định nghĩa của H. Arendt. Nhưng, cũng như Weber, Arendt
chỉ đưa ra một mô hình lý tưởng để nhận diện những
chế độ có thể xếp vào mô hình đó. Điều quan trọng mà
các tác giả về sau nhấn mạnh là cố gắng không ngừng để
đạt đến mức toàn trị tối đa, thâu tóm hết trong tay tất
cả đời sống riêng tư của con người, loại trừ tất cả
mọi sinh hoạt xã hội tự nhiên, tự phát (1). Người dân
miền Nam ngày xưa còn nhớ : nam phụ lão ấu đi xem chiếu
bóng giải trí đều phải răm rắp đứng dậy suy tôn Ngô
Tổng Thống. Cố gắng đó, chính là đặc điểm cốt lõi
của chế độ Diệm-Nhu, và bộ đồng phục của Thanh Niên
Cộng Hòa chỉ khác với Les Chemises Noires của phát xít ngày
trước ở cái màu xanh, chủ đích là một.
Trên
đường củng cố chế độ toàn trị, ông Diệm gặp ngày
Phật Đản 8 tháng 5 tại Huế. Cũng Phật Đản như mọi năm,
nhưng năm ấy, 1963, ông Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo
trước nhà. Một số nhà treo cờ, cảnh sát đến triệt hạ.
Phật tử phản đối. Tất cả mọi chuyện xảy ra sau đó
ăn khớp với cái lô gích toàn trị như hàm răng trên ăn khớp
với hàm răng dưới. Hoặc là ông Diệm nhượng bộ yêu cầu
chính đáng của Phật tử, và như vậy thì chế độ toàn
trị sẽ không toàn trị. Hoặc là ông Diệm không chấp nhận
một rạn nứt nào trong chế độ toàn trị của ông, và như
vậy thì chỉ có một sống một chết. Ông lựa chọn giải
pháp thứ hai một cách lô gích, và, một cách lô gích, ông
Nhu tấn công chùa chiền đêm 20 tháng 8. Chế độ toàn trị
không chấp nhận bất kỳ một phản kháng nào. Đối với
đồng minh đã sinh thành ra ông, nghĩa là người Mỹ, lô gích
toàn trị cũng được áp dụng một cách triệt để. Hoặc
là ông Diệm nhượng bộ áp lực của Mỹ khuyên ông nên mềm
dẻo vì chính quyền lợi của ông và như vậy thì bộ máy
toàn trị sẽ bị trục trặc. Hoặc là ông cưỡng lại lời
khuyên nhủ và như vậy thì ông phải tìm cách làm săng-ta.
Trong cách ứng xử với Phật giáo và với người Mỹ, ông
Diệm chỉ tuân theo một lô gích. Chỉ khác nhau ở kết quả.
Nắm trọn quyền lực trong tay, ông Diệm tưởng có thể để
cho bà Nhu chế diễu ngọn lửa Quảng Đức là lửa nướng
thịt ngoài vườn, lửa barbecue. Với người Mỹ, chủ tiền
bạc, chủ khí giới, chủ sách lược chiến tranh, chủ cả
cái chìa khóa để vô ra nhà ông, ông toàn trị thế nào được
? Ông lấy vung úp voi ? Nói như vậy không có nghĩa rằng người
Mỹ không có vấn đề và ông Diệm không có cái thế của
ông. Vấn đề của người Mỹ là làm chiến tranh và thế
của ông Diệm nằm ở cái xác quyết rằng "Mỹ chỉ có thể
làm chiến tranh thành công với Diệm". Trên cái thế đó, ông
Nhu làm săng-ta. Vì cái thế đó, người Mỹ dùng dằng cho
đến phút cuối. Tôi phân tích dưới đây sự dùng dằng đó
qua tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ vừa công bố.
Năm
1963 bắt đầu với một trái bom nổ giữa lòng tin của người
Mỹ đối với ông Diệm : bản phúc trình Mansfield. Mansfield,
thượng nghị sĩ uy tín nhất của Mỹ, trước đây là một
trong những người đầu tiên ủng hộ ông Diệm nhiệt thành
nhất. Qua Việt Nam quan sát tình hình theo lời yêu cầu của
Kennedy từ 1 đến 3-12-1962, Mansfield xác nhận sự thất vọng
về ông Diệm mà ông đã phát biểu trước đó trong diễn
văn đọc tại Michigan vào mùa hè 1962 (2). "Ta có thể thắng
với Diệm không?" Đó là câu hỏi mà bản phúc trình
nêu ra - câu hỏi then chốt của mọi văn thư trao đổi giữa
Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn sau đó.
Đọc
bản tin về phúc trình Mansfield ngày 1-3-1963 tại Huế, ông
Diệm giận lắm. Có kẻ dám chỉ trích chế độ của ông
! Khối Nhân Vị tại Quốc Hội ra tuyên bố với báo chí phản
kháng bản phúc trình "đã bày tỏ nghi ngờ về sự ổn
định chính trị của Việt Nam" (3). Ông Nhu giận không kém,
gọi bản phúc trình là "phản bội", là làm "thay đổi mọi
chuyện", là "dấu hiệu của người Mỹ muốn rút lui" (4).
Phúc
trình Mansfield phù hợp với cái nhìn của các ký giả Mỹ
ở Sài Gòn về chế độ ông Diệm. Báo chí ! Đó là một
trong những lực lượng hùng mạnh nhất đã góp phần lớn
trong việc lật đổ ông Diệm, là tai, là mắt, là miệng mà
chế độ Diệm và tòa đại sứ Mỹ không che, không bịt,
không bưng bít được. Báo chí vừa là ống loa phóng tin tức
vào tận Quốc Hội Mỹ, vừa là duyên cớ đào sâu xích mích,
tạo căng thẳng giữa chính quyền Mỹ và chính quyền Sài
Gòn. Tin tức mà báo chí đưa ra phần nhiều trái hẳn với
xác quyết của hai chính quyền, về tình hình chiến sự cũng
như về đàn áp chính trị. Ông Diệm muốn trị báo chí đó,
nhưng chính ông tổng thống Mỹ cũng không trị nổi vì ông
phải trả lời lập luận này của Quốc Hội : chúng tôi chi
tiền, chúng tôi cung cấp khí giới, chúng tôi viện trợ, chúng
tôi đổ máu ở Việt Nam, vậy dân chúng Mỹ phải có quyền
biết tiền đó, phương tiện đó, máu đó đã được tiêu
dùng như thế nào. "Tin cậy thì phải có qua có lại, không
phải con đường một chiều" (5). Ông Diệm càng căng thẳng
với dân chúng, báo chí càng chỉ trích ; báo chí càng chỉ
trích, quan hệ với Mỹ càng xấu, xấu đến mức chính chính
phủ Mỹ rốt cuộc cũng phải dùng đến chữ "toàn trị" trong
công văn để chỉ chế độ ông Diệm (6).
Chưa
có một chế độ nào trên thế giới chứng kiến quang cảnh
bi hài này : ông đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ,
cha vợ của ông Nhu, gặp và nói thẳng với Tòa Bạch Ốc,
nhân vụ phúc trình Mansfield, rằng chế độ ông Diệm là một
chế độ độc tài, toàn trị, và tệ hơn thế nữa, một
chế độ vô hiệu. Ông Trần Văn Chương là người đầu tiên
dùng chữ "toàn trị" trong hồ sơ năm 1963 : "Hoa Kỳ đã làm
nhiều áp lực trên ông Diệm để nới rộng chế độ, nhưng
những áp lực đó chỉ thất bại mà thôi, bởi vì cai trị
trong một chế độ toàn trị cũng như ngồi trên lưng cọp
- không thể rời khỏi cái lưng đó" (7). Ông nói thêm : chính
ông muốn từ chức lâu rồi, nhưng không dám, bởi vì ông
sẽ không có an ninh khi về nước như một người thường
dân. Ngay cả viết thư cho em ruột của ông là ông Trần Văn
Đỗ mà ông cũng không dám. Kết luận của ông có mục đích
trả lời câu hỏi của Mansfield : "dù viện trợ Mỹ có đổ
vào nước này bao nhiêu đi nữa, viện trợ đó cũng không
được dùng thích hợp ... Chế độ Diệm không thể thắng
trong chiến tranh chống Việt Cộng".
Đại
sứ Mỹ ở Sài Gòn, Nolting, rất thân với ông Diệm, triệt
để ủng hộ ông đến tận cùng, và do đó chống phúc trình
Mansfield về tình hình nội bộ, cũng phải trả lời câu hỏi
: ta có thể thắng với Diệm ? Đứng về mặt quân sự, Nolting
trả lời : "Chính phủ Việt Nam không thể thắng được nếu
không có cố vấn quân sự Mỹ đông như mật độ hiện nay,
ít nhất là cho đến sang năm"(8). Đông như hiện nay là thế
nào ? Đầu năm 1963, Mỹ có từ 12.000 đến 13.000 người, tức
là "từ 10 đến 11 lần nhiều hơn cách đây một năm" theo
lời Kennedy trong buổi họp báo ngày 12-12-1962 (9). Con số đó
đã tăng nhanh như vậy là do thỏa thuận giữa ông Diệm với
Mỹ vào tháng 12 năm 1961. Các cố vấn đó được gởi đến
đâu ? Đến tận các tỉnh, các địa phương, tận các đơn
vị chiến đấu nhỏ. Ở trung ương, sự có mặt đó ít thấy.
Ở các đơn vị địa phương, mật độ cố vấn như vậy
quả là dày. Bình thường có lẽ cũng chẳng sao. Đến khi
cơm không lành, canh không ngọt thì ông Diệm hoảng hồn, nhận
ra hiểm nguy của lệ thuộc, vì địa phương có triệu chứng
lọt ra khỏi kiểm soát của trung ương. Tình trạng đó, Nolting
có lần mô tả là có nhiều nét hao hao giống tình trạng "bảo
hộ" (10). Đáng lo quá chứ ! Cho nên ông Diệm than phiền :
có quá nhiều người Mỹ ! Sự thực, con số không phải là
quan trọng nhất. Hiểm nguy nằm ở chỗ cố vấn Mỹ đã nắm
thế chủ động, điều khiển, trong guồng máy quân sự, dân
sự ở các địa phương. Công văn Mỹ tóm tắt tình hình như
sau : "vào giữa tháng 4-1963, căng thẳng nghiêm trọng đã xảy
ra giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ về diễn biến
quân sự ở Nam Việt Nam. Cả ông Diệm lẫn ông Nhu đều quan
ngại về những "vi phạm" chủ quyền gần đây. Phái bộ quân
sự MAAG bị xem như kẻ vi phạm, nhưng Lực Lượng Đặc Biệt
bị điểm mặt như kẻ gây nhức nhối nhất" (11). Như vậy
là : cùng với ba căng thẳng - căng thẳng về lòng tin, căng
thẳng về báo chí, căng thẳng về chỉ trích nội bộ, bây
giờ căng thẳng về chủ quyền nuôi dưỡng tâm lý tình phụ
nơi ông Diệm và làm nẩy sinh tư tưởng phụ tình nơi người
Mỹ. Công điện của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ thị cho Đại
Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn nói với ông Diệm rằng "chính sách
của Hoa Kỳ là ủng hộ hoàn toàn chính phủ của ông" và
"phúc trình Mansfield không có nghĩa là Hoa Kỳ thay đổi chính
sách" (12). Thế nhưng, từ tháng 2-1963, Mỹ đã mớm ý cho Nolting
- tuy ông này phản đối - phải tiếp xúc với đối lập ở
Sài Gòn "để có một chính sách độc lập hơn" với ông Diệm
(13).
"Ta
có thể thắng với Diệm không ?" Hầu như tất cả các
nhân vật trách nhiệm ở Bộ Ngoại giao và ở Hội đồng
An ninh Quốc gia đều hoài nghi. Thế nhưng Mỹ không có chính
sách nào khác đối với chiến tranh và đối với ông Diệm.
Đối với chiến tranh, chính sách của Mỹ vẫn là "thắng",
winning the war. Đối với ông Diệm, Mỹ không có ngựa để
thay. Trong tranh luận liên miên giữa những người trách nhiệm,
duy chỉ có độc nhất một ý kiến táo bạo, dám đưa ra một
lập luận khác : đó là ý kiến của Chester Bowles, cố vấn
đặc biệt của Tổng thống về các vấn đề Á Phi và Mỹ
la tinh, trong thư ông gởi cho Kennedy ngày 7-3-1963 Tuy là đơn
độc, ý kiến của Bowles phản ánh một khuynh hướng khác
đang manh nha, trù liệu thối lui.
Bowles
nhắc lại một câu tuyên bố của đô đốc Radford ngày 22-3-1954
trước báo chí : "Người Pháp sắp thắng. Đây là cuộc chiến
sắp đến hồi kết thúc với sự giúp đỡ của chúng ta".
Sáu tuần sau đó, Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. "Chín
năm qua rồi, và bây giờ chính chúng ta, để chống lại những
lực lượng chính trị và quân sự bản xứ hùng mạnh, chính
chúng ta bảo vệ sự sống còn của một chế độ Việt Nam
bị dân chúng chán ghét, không bám rễ đủ giữa lòng dân.
Thế mà bây giờ, cũng như hồi 1954, nhiều giới chức trách
quân sự Mỹ có thẩm quyền tin rằng tình hình đang chuyển
biến có lợi cho ta và chiến thắng có thể thấy trước mắt
trong vòng hai, ba năm nữa" (14).
Bowles
đề nghị Kennedy xét lại toàn bộ chính sách Mỹ bằng cách
đặt lại những câu hỏi căn bản : Thế nào là lợi ích
dài hạn của Mỹ ở Đông Nam Á và ở Nam Việt Nam ? Thế
nào là một Nam Việt Nam có khả năng thực hiện được lợi
ích dài hạn đó ? Một căn cứ quân sự của Mỹ ? Một quốc
gia độn mà nếu cần thì có thể trung lập hóa ? Nhưng trước
hết, phải định nghĩa lại cho hợp với thực tế : thế
nào là "thắng trận", là "winning the war" ? Giết thật nhiều
Việt Cộng ? Giết hết ? Chỉ có quân sự mà thôi ? Dù thế
nào chăng nữa, cũng phải "làm áp lực trên Diệm để buộc
ông ta phải mở rộng nền tảng chính trị ở thành phố,
chia bớt quyền hành chính trị và quân sự, đưa ra những
biện pháp mới để đem lại thêm an cư lạc nghiệp cho nông
dân và hãm bớt chính sách gia đình trị quá lộ liễu". Bowles
đòi thay Nolting, quá gắn bó với ông Diệm.
Trong
bối cảnh mặn nồng phôi pha đó, nổ ra ngày 8 tháng 5. Phật
Đản 1963 ở Huế cũng tổ chức như thường lệ thôi, nhưng
năm ấy, dưới ảnh hưởng của Tổng giám mục Ngô Đình
Thục vừa rời Vĩnh Long về Huế, ông Diệm hạ lệnh cấm
treo cờ Phật giáo trước nhà. Trước đó, cờ Vatican treo
đầy đường Huế trong dịp lễ ngân khánh của ông Thục.
Con người có thể khiếp sợ trong 99% trường hợp. Nhưng dù
chỉ còn lại 1% thôi, nhân phẩm vẫn không chịu nổi uất
ức đến mức ấy. Tối hôm đó, dân chúng tụ tập trước
đài phát thanh Huế để đòi nghe lại cuốn băng ghi âm buổi
lễ diễn ra hồi sáng và lời yêu cầu thu hồi lệnh cấm
treo cờ. Xe bọc sắt của quân đội (8 chiếc !), xe cảnh sát
và lính tráng ào đến bao vây đài phát thanh. Lính bắn vào
dân, tám em bé tử thương. Ông Diệm, ông Thục, ông Nhu, ông
Cẩn, bà Nhu, đinh ninh năm miệng một lời song song : không
phải đâu, lựu đạn của bọn Việt Cộng đấy.
Từ
ngày 8-5 đến đêm 20-8 - đêm quân đội tấn công chùa chiền
trong khắp thành phố lớn - các vị lãnh đạo Phật giáo cố
giữ sự phản kháng trong bản chất thuần túy tôn giáo, về
nội dung cũng như về hình thức. Về nội dung, họ chỉ đòi
hỏi bình đẳng tôn giáo. Về hình thức, họ không làm gì
khác ngoài biểu tình im lặng, tuyệt thực, tự thiêu. Ở một
chính thể khác, những nguyện vọng mà họ phát biểu có gì
gay cấn đâu ! Phật giáo, ở một nước có văn hóa Phật
giáo truyền thống, đòi bình đẳng tôn giáo ! Nghe lạ đời
! Nghe ngược tai ! Người Mỹ, thấy yêu cầu chẳng có gì
khó chấp nhận, khuyên ông Diệm làm một cử chỉ hòa hoãn
để tình hình lắng dịu, hòng tiếp tục làm chiến tranh.
Họ bức tóc bức tai thấy chuyện đối với họ sao dễ thế
mà đối với ông Diệm sao kinh thiên động địa thế ! Nói
với ông Diệm như nước đổ đầu vịt. Đầu tháng 6, công
văn than thở : "Cách xử lý vấn đề phi lý, xuẩn ngốc, có
khả năng khiến một biến cố địa phương ở Huế lớn lên
thành một khủng hoảng chính trị. Nếu ông Diệm không đạt
được một hòa hoãn nhanh chóng với Phật tử, vấn đề có
thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sự ổn định chính
trị" (15). Giữa tháng 6, Bộ Ngoại giao xác quyết : "Nếu Diệm
không lấy biện pháp nhanh chóng và hữu hiệu để tái lập
sự tin tưởng của Phật tử nơi ông, chúng ta sẽ phải xét
lại toàn diện quan hệ với chế độ của ông ta" (16).
Ấy
là ý kiến của ông Rusk, bộ trưởng ngoại giao. Nói dễ mà
làm khó ! Bởi vì Bộ Quốc phòng không đồng ý với Bộ Ngoại
giao, tướng tá không đồng ý với dân sự, Phái bộ quân
sự không đồng ý với Đại sứ quán, trong Đại sứ quán
nhân vật số 1 Nolting không đồng ý với nhân vật số 2 Trueheart,
và sau đó tân đại sứ Cabot Lodge cũng ngất ngư giữa phe
ủng hộ và phe phản biện ông ngay ở Sài Gòn cũng như ở
Hoa Thịnh Đốn. Cũng vẫn câu hỏi đó thôi : "ta có thể thắng
chiến tranh ? ", quân sự nói có, dân sự nói không (17). Hoặc
là : có, nếu ... Ôi, khổ sở thay là cái chữ nếu này. Bởi
vì, trái với quân sự, dân sự cho rằng chiến tranh này không
phải chỉ thuần túy quân sự mà còn là chính trị, hai lĩnh
vực phải đi đôi với nhau. "Giết Việt Cộng không phải
là đường lối để thắng chiến tranh ở Nam Việt Nam ; cách
duy nhất để thắng là nắm được ủng hộ của quần chúng"
(18). Cho nên phúc trình của Taylor-Harkins thì toàn màu hồng,
sắp thắng đến nơi rồi, phúc trình của sứ quán thì nhiều
mây hơn nắng. Trong cả ngàn trang công điện, công văn, phúc
trình ngược ngạo nhau như thế, xin chọn phúc trình này làm
tiêu biểu, vừa phản ánh đúng sự đánh giá bên trắng bên
đen giữa giới chức Mỹ với nhau, vừa thú vị quá. Trong
buổi họp tối cao với sự có mặt của Kennedy ngày 10-9, tướng
Krulak của Bộ Quốc phòng kết luận chuyến thám sát tình
hình ở miền Nam rằng : "Chiến tranh chống Việt Cộng sẽ
thắng nếu chương trình quân sự và xã hội hiện tại của
Hoa Kỳ được tiếp tục, mặc dù có những khuyết điểm
trầm trọng trong chế độ cầm quyền hiện nay". Mendelhall
của Bộ Ngoại giao tiếp lời, trình bày phúc trình của mình
cũng sau chuyến thám sát đó. Ông nói : chiến tranh chống Việt
Cộng đã thành ra thứ yếu so với "chiến tranh chống chế
độ ; suốt các tỉnh miền Trung, Việt Cộng lớn dần, dân
chúng ghét chế độ ngã theo Việt Cộng, sinh viên ở Huế
và Sài Gòn thà chọn Việt Cộng hơn là chính phủ". Ông Nhu
lãnh trách nhiệm về chuyện đánh chùa và đàn áp, nhưng ông
Diệm càng ngày càng lãnh chung trách nhiệm với ông Nhu. Ông
kết luận : "chiến tranh chống Việt Cộng không thể thắng
nếu ông Nhu còn ở Việt Nam". Kennedy lắng nghe hai phúc trình,
xong hỏi : "có thật hai ông cùng viếng một nước đấy chứ
?" (19). Tổng thống hỏi câu tếu quá !
Dù
sao, về ông Nhu, dân sự lẫn quân sự đều đồng ý : ông
Nhu còn đó thì chiến tranh không thắng được. Tại sao ? Tại
vì ông Nhu có ý trung lập ? Tại vì ông Nhu có thể yêu cầu
Mỹ rút quân ? Ý định về trung lập của ông Nhu, người
Mỹ gọi là "bí mật ống loa" - "open secret" (20) - một bí mật
mà ai cũng nghe nói, nhất là nói thế nào để vừa có vẻ
bí mật, vừa lọt đến tai người Mỹ. Sợ người Mỹ điếc
tai, ông Nhu còn đem chuyện bí mật ra nói toang hoang với các
ông tướng (tướng Khiêm, tướng Big Minh, tướng Nghiêm ...
) chiều 16-9, kể vanh vách vai trò liên lạc của đại sứ
Ba Lan Maneli và vai trò trợ tá của đại sứ Pháp Lalouette
giữa ông với Hà Nội (21). Đó là thời gian mà các ông tướng
đang ngầm tổ chức đảo chánh, chưa ai tin ai hẳn, nhưng ai
cũng chống ông Nhu vì nhiều chuyện trong đó có chuyện quả
bóng trung lập được tung lên trời Sài Gòn. Đưa tin cho người
Mỹ biết nội dung buổi thổ lộ tâm tình của ông Nhu, tướng
Khiêm kết luận dứt khoát : "tướng lãnh chúng tôi không ai
đi với ông Nhu bất kỳ dưới hoàn cảnh nào nếu ông ta tiếp
xúc với Bắc Việt, dù là để thống nhất theo lối Lào"
(22).
Tại
sao phải dùng đến súng cà-nông để bắn tin mật ? Chuyện
đại sự của dân tộc Việt Nam hay chuyện săng-ta với Mỹ
ở bước đường cùng ? Bởi vì biết ông Nhu đang là"người
bị dồn đến chân tường" (23), đang "hốt hoảng đến mức
tuyệt vọng" (24), người Mỹ không đánh giá thấp khả năng
làm liều của ông Nhu. Công văn ngày 26-9 phân tích ba lý do
trong bụng ông Nhu. Một, là tìm biện pháp trả đũa để chống
lại đe dọa cắt viện trợ và áp lực của Mỹ. Hai, là tìm
đường lối khác để thoát thân trong trường hợp khủng
hoảng, chẳng hạn khi mất ủng hộ quân sự của Mỹ khiến
ông thảm bại trong chiến tranh. Ba, là dựa hơi Pháp để dọa
Mỹ. Nhưng người Mỹ không tin rằng Hà Nội ở trong cái thế
bắt buộc phải thương thuyết theo những điều kiện không
phải là điều kiện do chính Hà Nội đưa ra. Mà điều kiện
trước sau như một của Hà Nội để đi đến thống nhất
là : Mỹ chấm dứt ủng hộ và rút lui toàn bộ quân đội
ở miền Nam ; thành lập chính phủ liên hiệp với sự tham
dự của các thành phần chính trị ở miền Nam trong đó có
Mặt Trận Giải Phóng ; chính phủ liên hiệp đó sẽ thương
thuyết với Hà Nội để thống nhất. Chính thể Nhu-Diệm
nuốt nổi những điều kiện đó chăng ? Vậy thì, theo người
Mỹ, điều đáng quan tâm là ông Nhu đưa ra một đề nghị
gì đấy ở mức thấp, chẳng hạn đình chiến, và Hà Nội
nhân đấy đòi Mỹ rút lui. Nhưng ngay cả giả thuyết đó,
người Mỹ không thấy ông Nhu có thể thực hiện. Nền tảng
xã hội của chế độ ông, và nhất là nền tảng quân đội
trên đó ông làm chiến tranh không cho phép ông làm gì hơn
là ma-nớp – maneuver, trong nguyên văn (25). Nhưng ấy là giả
sử ông Nhu tính toán như một người có lý trí. Người Mỹ
sợ nhất là ông Nhu ở bước đường cùng hành động bất
hợp lý. Trong công văn qua lại, xuất hiện chi tiếùt ông
Nhu hút thuốc phiện (26).
Nhưng
cứ giả sử ông Nhu chơi ngon, công khai lớn tiếng đòi Mỹ
rút quân thì sao ? Câu hỏi động đến tận căn bản của
chiến tranh. Trong suốt hồ sơ của Bộ Ngoại giao năm 1963,
ngoài ý kiến của Chester Bowles đã nói ở trên, chỉ một
mình Mansfield đặt lại vấn đề từ gốc. Trong thư riêng
gởi Kennedy ngày 19-8, ông hỏi : "Nam Việt Nam có thật sự
quan trọng cho chúng ta như cho chính người Việt Nam không ?"
Ông trả lời : không. Lợi ích của Mỹ ở Việt Nam, theo ông,
không phải là thiết yếu cho sự phòng vệ của Mỹ, mà chỉ
là ngoại vi. Đã là ngoại vi thì sự can thiệp phải có giới
hạn, về nhân mạng cũng như về tiền bạc, đáng giúp thì
giúp, không đáng giúp thì thôi. Bởi vậy, để trả lời ông
Nhu than phiền có nhiều quân đội Mỹ quá ở miền Nam, Mansfield
đề nghị cứ rút quân, lúc nào cũng được, 10% chẳng hạn,
để cảnh cáo chế độ rằng người Mỹ làm ăn sòng phẳng,
business is business (27).
Thế
nhưng chính phủ Mỹ thì không nghĩ như vậy. Kennedy có tiên
liệu chuyện rút 1000 quân cuối 1963, nhưng căn bản lý thuyết
và sách lược chiến tranh thì không đổi. Miền Nam vẫn là
"lợi ích sinh tử" của Mỹ ; Mỹ "sẵn sàng rút lui, nhưng
trước khi rút lui Mỹ phải để lại một miền Nam độc lập,
tự do, không cộng sản" (28). Vào thời điểm 1963, Mỹ vạch
ra hai thái cực phải tránh : một là rút lui và trao miền Nam
cho cộng sản, hai là xô quân vào ào ạt và trực tiếp cai
trị miền Nam (29). Nói một cách khác, mục tiêu của Mỹ vẫn
là "thắng chiến tranh". Cái gì cản trở mục tiêu đó thì
đừng có hòng làm nên trò trống (30).
Huống
hồ ông Nhu đã mất hẳn tay chân để làm ma-nớp ; tất cả
căm giận đều đổ trên đầu ông và vợ ông, kể cả căm
giận của thân phụ thân mẫu bà Nhu, của những người thân
tín nhất của ông Diệm, từ bộ trưởng Phủ Tổng thống
Nguyễn Đình Thuần đến chánh văn phòng đặc biệt Phủ Tổng
thống Võ Văn Hải (31). Những người trung thành nhất với
ông Diệm lại là những người van nài Mỹ tha thiết nhất
hãy gạt ông Nhu để cứu ông Diệm. Ở bước đường cùng,
ông Nhu định chơi một ván bài cuối táo bạo : làm một cú
đảo chánh để tự mình nắm quyền. Cuối tháng 8, người
Mỹ đứng trước một cơn sốt lạm phát âm mưu đảo chánh,
toàn là lăm le : này cú của tướng Đôn, kia cú của tá Phạm
Ngọc Thảo, nọ cú của mật vụ Trần Kim Tuyến, rồi bây
giờ cú của chính ông Nhu. Chưa biết ai đảo chánh ai, nhưng
chắc chắn là tướng tá phải hạ thủ ông Nhu trước để
khỏi bị ông Nhu hạ thủ. Trong con mắt của Cabot Lodge, khi
nói chuyện với ông Nhu vào cuối tháng 10, có chút gì ái ngại
: ông biết người ngồi trước mặt ông sẽ chẳng còn ngồi
đó nữa để dọa dẫm trung lập. Ông chỉ không biết một
điều thôi là Nam Tào đã sắp sửa rút tên ông Nhu ra khỏi
hộ khẩu.
Sau
đêm đánh chùa 20-8, ông Diệm tưởng đã dập tắt được
phản kháng. Thì còn gì nữa! Chùa chiền đã nằm sau hàng
rào kẽm gai, lãnh đạo đã vào tù. Quen nịnh hót và dối
trá, ông không thấy sự thật rằng dân chúng đang muốn quật
ông đổ và một phần lớn sĩ quan cấp tá, cấp úy chỉ chờ
đảo chánh. Cho đến 20-8, sự phản kháng có tính cách tôn
giáo. Sau đó, quần chúng và sinh viên tiếp nối phong trào,
thổi bùng ngọn lửa đã nhen với phẫn uất chính trị. Người
Mỹ rất lúng túng. Họ lúng túng từ đầu đến cuối, và
cho đến phút cuối, họ vẫn còn muốn bám ông Diệm, kể
cả Rusk, đưa đến sự mất nhất trí ở đầu não Hoa Thịnh
Đốn. Phe Harriman-Hilsman-Forrestal-Sullivan (32) nói : "cách hữu
hiệu duy nhất để chống lại đe dọa cộng sản là đem lại
cho dân chúng một sự lựa chọn khác xứng đáng để tranh
đấu". Phe McNamara-Taylor trả lời : "nếu kẻ thù được nhận
diện và giết theo phương pháp mà ta đã áp dụng thành công
cho đến nay, thì cứ tiếp tục như vậy rồi sau này sẽ đến
lúc dồn sức lực vào lĩnh vực xã hội và chính trị ..."
Phe này chê phe kia là không tưởng (33). Bởi vậy, để kéo
trọng tài Kennedy về phe mình, giới quân sự báo tin lành :
những xáo trộn chính trị ở thành phố không có ảnh hưởng
gì trên chiến trường. Phe dân sự (Mecklin, Trueheart, Philip)
báo tin dữ : dân chúng ngã theo Việt cộng. Chính sách đề
ra từ đầu não và chỉ thị cho Lodge áp dụng ở Sài Gòn
phản ánh tranh chấp đó. Đó là chính sách nửa vời, nửa
dơi nửa chuột, cố làm vừa lòng cả hai phe : hòa hoãn với
Diệm và đồng thời làm áp lực trên Diệm để thay đổi
chế độ. Thay đổi chế độ ? Bảo ông Diệm gạt ông Nhu
? Rời bà Nhu ? Phải chi ông Diệm có vợ ! Sớm ngõ trưa sân,
thím Nhu đứng ngồi quanh quẩn bên mình ông như một bà Đệ
Nhất Phu Nhân, khiến nhiều nhân chứng xầm xì về một quan
hệ thiếu minh bạch, thậm chí bệnh lý (34). Trong những lần
gặp ông Diệm để thông báo yêu cầu của Hoa Thịnh Đốn
đòi ông "thay đổi chế độ", Lodge chỉ nghe ông Diệm độc
thoại về "mẫu mực dân chủ" của miền Nam Việt Nam mà ông
Diệm tin là sẽ trở thành mô hình dân chủ lý tưởng của
cả Á châu (35). Ông Lodge thuộc lòng bài ca đó vì đã bao
nhiêu lần nghe ông Nhu độc thoại về mẫu mực dân chủ của
Ấp Chiến Lược.
Đến
giữa tháng 9 thì người Mỹ sốt ruột lắm rồi. Về chiến
sự, Ấp Chiến Lược mà ông Nhu giương cao thành tích như
thành công vĩ đại của chế độ và của chính ông bị báo
chí Mỹ khám phá ra những sơ hở trầm trọng (36). Về chính
trị, thiết quân luật không dẹp nổi sự chống đối của
dân chúng, thành phố hỗn loạn đến mức nhân viên công sở
chỉ còn ngồi đọc báo. Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần nói
nhỏ với Mỹ là muốn chuồn ra ngoại quốc (37). Kennedy gởi
chính những người ủng hộ ông Diệm qua điều tra tình hình
lần chót cuối tháng 9 với sự đồng ý của Lodge. Tường
trình lần này của phái đoàn McNamara-Taylor hết hồ hởi,
gần với thực tế bi đát (38). Thú vị nhất là lần nói
chuyện với Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ ngày 30-9. Ông
Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa thổ lộ : tình hình đã
quá trầm trọng, dân chúng đã quá bất mãn, ở thành phố
cũng như ở thôn quê. Hỏi ông về chính sách tát ao bắt cá
của Ấp Chiến Lược, ông nói : ban đêm dân chúng vào ngủ
trong Ấp, ban ngày, ngủ hoài sao được, phải ra đồng làm
việc chứ, và ra đồng thì gặp ai, Việt Cộng chứ ai ! Hỏi
ông về chiến sự, ông cười : hai năm trước đây, người
Mỹ các ông ước tính quân đội Việt Cộng có từ 20 đến
30.000 đầu. Ông Diệm được báo cáo rằng mỗi tháng ta giết
1000 tên. Ấy thế mà bây giờ chúng đông hơn trước ! Hỏi
ông có người Việt Nam nào giỏi để tham khảo ý kiến không,
ông lắc đầu : người giỏi trốn ra nước ngoài hết rồi.
Hỏi ông thêm nữa về chính trị, ông xua tay : tôi không có
tự do để nói thêm gì nữa với quý ông (39). Ấy, ông Phó
Tổng thống tếu quá !
Phái
đoàn McNamara-Taylor mang theo một thư của Kennedy gởi ông Diệm.
Thư bắt đầu : "Thưa Tổng Thống thân mến, Tôi gởi đến
ông thư này bởi vì tình hình bang giao giữa hai nước chúng
ta đã trở nên vô cùng trầm trọng ..." (40). Dưới ảnh hưởng
của Lodge, người thấy rõ nhất tính chất độc tài không
thay đổi được của gia đình ông Diệm, đầu não ở Hoa
Thịnh Đốn dần dần ngã theo ý kiến "không thể thắng được
với Diệm". Hilsman, từ Bộ Ngoại giao, gởi thư riêng cho Lodge,
viết : " Chúng tôi đã cảm thấy rằng càng ngày quan điểm
của chúng ta càng có nhiều người ủng hộ. Nếu anh ở Sài
Gòn và chúng tôi ở đây giữ vững tay súng, mọi người sẽ
theo chúng ta. Như Forrestal sẽ nói với anh, một nhóm người
quyết tâm ở đây sẽ ủng hộ anh đi trọn con đường. Tôi
nghĩ rằng chắc là anh có lý khi phán đoán rằng không có
áp lực nào - kể cả cúp viện trợ - có thể làm Diệm và
Nhu thay đổi chế độ như ta muốn, và vì vậy điều chúng
ta phải làm là thay đổi chính phủ" (41). Ông Diệm đánh chùa,
thiết quân luật, cử Tôn Thất Đính làm tướng tổng trấn
Sài Gòn, tưởng khuất phục được dân với uy lực. Đính
là bộ hạ của ông Nhu, vậy là ông Nhu làm chủ tình thế.
Với Mỹ và với dân, cả hai ông đều lếu, lếu quá, vì
bỗng chốc quân đội, nghĩa là tướng tá, hôm qua còn phủ
phục, hôm nay nhảy lên địa vị trọng tài. Đảo chánh trở
thành chuyện có thể. Hơn thế nữa, chuyện chờ đợi, mong
mỏi, nôn nóng, hợp lòng người, được lòng dân.
Nhưng
không phải dễ gì Lodge thuyết phục được tất cả mọi
người. Harkins luôn luôn thọc gậy vào bánh xe của ông : một
ngày trước khi đảo chánh, ông tướng này còn viết một
công văn rất dài, cực lực bênh vực ông Diệm, kịch liệt
phản đối việc "thay ngựa giữa đường" (42). Công điện
của Bạch Ốc đánh đi ngày 17-9 căn dặn Lodge đừng "hành
động để thay đổi chính phủ hiện tại trong những ngày
trước mắt" (43). Ngày 2-10, công văn của McNamara-Taylor vẫn
nói :"triễn vọng một đảo chánh tự phát không nhiều. Hai
lực lượng chính là tướng tá và sinh viên đã bị thúc thủ
vì thiếu khả năng và vì chế độ đã phản công kiểm soát
một cách hiệu quả". Mà đảo chánh thì cũng chưa chắc làm
tình hình sáng sủa hơn, cũng chỉ 50 phần trăm, 50 phần trăm
(44). Ngày 29-10, hai ngày trước đảo chánh, bộ trưởng
ngoại giao Rusk còn luẩn quẩn tóm tắt tình hình như thế
này :"Nếu ta ủng hộ Diệm, ta sẽ làm hỏng cố gắng chiến
tranh bởi vì ta chống lại các tướng lãnh đang chiến đấu
chống Việt Cộng. Nếu ta ủng hộ các tướng lãnh đảo chánh
thì ta phải bảo đảm rằng họ thành công trong việc lật
đổ Diệm" (45). Nhưng khả năng thành công là bao nhiêu ? Nghe
báo cáo từ mọi phía, Kennedy phán : như vậy thì lực lượng
hai bên ngang ngửa nhau. "Trong tình trạng như vậy, làm đảo
chánh là ngu xuẩn. Nếu Lodge đồng ý với nhận định đó,
phải ra chỉ thị bảo Lodge chận đảo chánh" (46). Ông nói
thêm : "những người làm đảo chánh phải chứng minh được
rằng họ có thể lật đổ Diệm chứ không phải tạo ra một
tình thế bất phân thắng bại" (47).
Khốn
thay, trong một chế độ mà mọi người nghi mọi người, không
ai làm đảo chánh mà tự hô hoán lên lạy ông tôi ở bụi
này. Cũng không ai làm đảo chánh ở Sài Gòn mà không muốn
được Mỹ hứa chắc là sẽ không chống. Nghĩa là cái vòng
luẩn quẩn : Mỹ bảo phải có khả năng thành công thì mới
ủng hộ ; những người định đảo chánh thì cần Mỹ ủng
hộ mới thành công. Mỹ hỏi tướng Đôn : ông định làm
đảo chánh đấy à, ông làm với ai, chương trình vạch ra
thế nào, đưa tôi xem thử có thành công không. Cho kẹo tướng
Đôn cũng chẳng dám vạch bụng cho người xem lỗ rốn. Hoặc
là ông nói thế này với Harkins, nói thế kia với CIA. Mỹ
dơi chuột với ông thì ông cũng dơi chuột với Mỹ. Rốt
cục : 50 phần trăm từ miệng Bạch Ốc.
Một
ngày trước đảo chánh, Bundy ở Bạch Ốc còn chỉ thị cho
Lodge thế này : "Ta không thể chấp nhận như một căn bản
của chính sách Hoa Kỳ rằng ta không có quyền lực để làm
trì hoãn hoặc ngăn chận một đảo chánh ... [Bởi vậy] ông
phải hành động để thuyết phục những người đảo chánh
hãy chấm dứt hoặc hoãn lại mọi chiến dịch mà ông nhận
xét tường tận là rõ ràng không có triễn vọng thành công
cao ... Các cơ quan của Hoa Kỳ sẽ từ khước mọi lời kêu
gọi can thiệp trực tiếp từ phe này hay phe kia ... Hoa Kỳ
không có lợi gì làm khí cụ cho chính phủ hiện tại hoặc
cho đảo chánh ... " Như vậy là cánh Harkins thỏa mãn. 50 phần
trăm đấy, nhưng có phần nghiêng về nửa vơi, không phải
thiên vị nửa đầy. Nhưng Bundy chỉ thị thêm : "Nhưng khi
một cú đảo chánh có chỉ đạo tốt đã bắt đầu, và trong
những hạn chế vừa nói, Hoa Kỳ có lợi ích thấy nó thành
công" (48).
Cùng
một chỉ thị, nhưng Harkins diễn dịch khác Lodge. Ông nhấn
mạnh ở điểm ngăn chận. Cho nên ông đã ngăn chận tướng
Đôn. Ông Đôn chẳng hiểu Mỹ muốn gì, bởi vì tín hiệu
của Conein, sếp CIA, khác hẳn với cảnh cáo của Harkins, khác
hẳn với thái độ của Lodge. Về đảo chánh, Lodge nói rõ
với Bộ Ngoại giao : "Ta phải nhớ rằng đó là cách duy nhất
để dân chúng Việt Nam có thể thay đổi chế độ" (49). Ông
nói thêm : vả chăng, tình trạng đưa đến đảo chánh đang
diễn tiến như hòn đá đang lăn (50), chận cũng không được.
Nhưng chỉ thị không cho phép Lodge chính thức bật đèn xanh.
Chỉ dặn : phải thuyết phục và làm áp lực trên Diệm.
Aùp
lực là thế nào ? Cắt viện trợ ? Viện trợ gì ? Cắt viện
trợ gì mà không gây ảnh hưởng trên cố gắng chiến tranh
? Buộc ông Diệm phải gánh trên vai của chính ông gánh nặng
của ngân khoản dành cho Ấp Chiến Lược ? Cắt viện trợ
nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng ? Chừng nào thì vừa đủ để
gây áp lực ? Vừa đủ để đừng có hại cho chiến tranh
? Vừa đủ để chứng tỏ với những Fullbright, những Mansfield,
với Liên Hợp Quốc, với dư luận Mỹ đang chấn động vì
ngọn lửa Quảng Đức, vì lựu đạn cay, vì dùi cui đốp
đốp trên đầu sinh viên, rằng chính quyền Kennedy không dung
túng độc tài ? Cúp viện trợ trên cơ sở gì ? Chỉ thị
của Kennedy đáng được trí thức chiêm nghiệm : "Tổng thống
muốn rằng cơ sở để xây dựng chính sách của ta là chỉ
trích hành động chính trị của Diệm có hại cho cố gắng
thắng Việt Cộng chứ không phải chỉ trích Diệm vì ta chống
chế độ của ông ấy trên mặt đạo đức" (51).
Trên
cơ sở đó, các tướng đảo chánh củng cố tính chính đáng
của họ trước mắt các giới chức Mỹ dù là - hoặc nhất
là - quân sự : không thể thắng chiến tranh được với chế
độ này. Lý lẽ của họ vừa có tính chính đáng vừa có
tính thuyết phục, vì họ là quân nhân, không phải chính trị
gia. Họ chỉ chờ chiêu dụ cho được ông tổng trấn Đính
hám danh đang nắm thực quyền trên Sài Gòn. Đính ngã rồi,
thời cơ về tay phe đảo chánh. Đánh giá đúng thời cơ, Lodge
thuyết phục được Hoa Thịnh Đốn cắt viện trợ cho Lực
Lượng Đặc Biệt đã đánh chùa - lực lượng của Lê Quang
Tung - lấy lý do rằng lực lượng đó chỉ biết đánh sư
sãi và sinh viên chứ chưa đánh Việt Cộng ngày nào. Biện
pháp đó hoàn toàn trung thành với chỉ thị của Kennedy, nhưng
tác dụng trên quần chúng miền Nam quả là to lớn : trong đêm
tối của khủng bố, họ tưởng đã thấy tín hiệu đèn xanh
của Mỹ.
Đảo
chánh nổ ra chiều 1-11. Hầu hết tướng tá và binh chủng
đều tham gia đảo chánh. Nhanh chóng, cả Sài Gòn ngã vào tay
phe nổi dậy. Nhanh chóng, Dinh ông Diệm bị bao vây. Harkins
tường trình : "Cho đến phút cuối, ông Diệm vẫn cứng đầu
; khi Đính, với tư cách chỉ huy chiến thuật, gọi điện
thoại cho ông Diệm lúc 00600 giờ, ông Diệm ra lệnh cho phe
đảo chánh phải đầu hàng tức khắc" (52). Ông Diệm đã
ra những lệnh như vậy suốt chín năm cầm quyền.
Ngày
1-11-1963 là một ngày hồ hởi của dân chúng, một ngày giải
phóng (53). Đối với lịch sử, lịch sử Việt Nam và lịch
sử thế giới, 1963 là năm bùng lên ngọn lửa, một sự kiện
phi thường làm chấn động lương tri. Đối với Phật giáo,
1963 là trái tim, trái tim còn nguyên, không cháy, khi nhục thân
Quảng Đức thành tro. Trái tim đó không nói hận thù. Không
nói winning the war. Nên nhắc lại điều đó để hiểu 1964,
1965 và về sau, để hiểu sự chống đối của các lực lượng
chiến tranh đối với một phong trào không nói : winning the
war.
Chú
thích :
(1)
Leszek Kolakowski, Totalitarism and the Lie, Commentary, tháng 5 1983,
in lại trong Irving Howe (ed) 1984 Revisited Totalitarism in our
Century, Harper & Row, New York, 1983.
(2)
Ghi chú (memorandum) của Mecklin, cố vấn Đại sứ quán gởi
Manell, cố vấn Vụ Viễn Đông, Bộ Ngoại giao, 15-3-1963, Hồ
Sơ Bộ Ngoại giao, Tập III.
(3)
Công điện của Bộ Ngoại Giao (BNG) gởi Đại sứ quán (Nolting)
25-2-1963, Tập III.
(4)
Xem chú thích (2).
(5)
Nolting gởi BNG 5-4-1963, Tập III.
(6)
Ví dụ : Ghi chú của phái đoàn Taylor-McNamara gởi Kennedy 2-10-1963,
mụcVIII, điểm B, chú thích 4 ; ghi chú của Sullivan, Vụ trưởng
phụ trách Vụ chính trị BNG gởi Hilsman, thứ trưởng ngoại
giao phụ trách Vụ Viễn Đông 3-10-1963 ; hai công điện của
Cabot Lodge gởi BNG 28-10-1963, 6 giờ chiều và 9 giờ chiều,
Tập IV.
(7)
Ghi chú của Forrestal, Hội đồng An ninh Quốc gia, gởi Harriman,
thứ trưởng ngoại giao, phụ trách Vu Viễn Đông, 8-3-1963,
Tập III.
(8)
Nolting gởi BNG 7-9-1963, Tập III.
(9)
Ghi chú gởi Nolting và Harkins 3-5-1963, Tập III.
(10)
Công điện Nolting gởi BNG 7-4-1963, Tập III.
(11)
Phúc trình CIA Washington 22-4-1963, Tập III.
(12)
BNG gởi Nolting 29-3-1963, Tập III.
(13)
Ghi chú của Forrestal gởi Harriman 8-2-1963, Tập III.
(14)
Ghi chú của Bowles gởi Kennedy 7-3-1963, Tập III.
(15)
Ghi chú của CIA Washington 3-6-1963, Tập III.
(16)
BNG gởi Trueheart (tạm giữ trách nhiệm ĐSQ thay Nolting về
nghỉ phép từ 24-5 đến 11-7) 11-6-1963, Tập III.
(17)
Phúc trình của tướng Krulak 10-9-1963 ; ghi chú của Mecklin 10-9-1963,
Tập IV.
(18)
Ghi chú của Forrestal gởi Kennedy 10-5-1963, Tập III.
(19)
Ghi chú buổi nói chuyện, Washington, 10 giờ 30 sáng, Tập IV.
Kể từ đây là Tập IV.
(20)
Công điện CIA Sài Gòn 2-9-1963.
(21)
và (22) Công điện CIA Sài Gòn 17-9-1963.
(23)
và (24) Phúc trình của McNamara từ Sài Gòn 26-9-1963.
(25)
Ghi chú soạn thảo cho Giám đốc CIA McCone, Washington, 26-9-1963.
(26)
Ví dụ: Lodge gởi BNG 10-10-1963.
(27)
Ghi chú của Mansfield gởi Kennedy 19-8-1963.
(28)
Ghi chú buổi nói chuyện, Washington, 11-9-1963, 6 giờ chiều.
(29)
BNG gởi Lodge (đại sứ mới, thay Nolting) 12-9-1963.
(30)
BNG gởi Lodge 18-9-1963 ; BNG gởi Phái đoàn Mỹ tại LHQ 1-10-1963.
(31)
Lodge gởi BNG 24-8-1963.
(32)
Harriman, Hilsman, Sullivan ở BộNgoại giao, Forrestal ở HĐANQG
Tòa Bạch Ốc, Bundy là Phụ tá đặc biệt của Tổng thống.
(33)
Ghi chú của Forrestal gởi Bundy 16-9-1963.
(34)
Xem chứng từ của tướng Đôn trong công điện CIA Sài Gòn
24-8-1963, Tập III.
(35)
Ghi chú buổi nói chuyện 29-9-1963.
(36)
Bài báo của Halberstam trong New York Times 16-9-1963 đến tay Kennedy.
Kennedy hỏi: đúng hay sai?
(37)
Lodge gởi BNG 19-9-1963.
(38)
Phúc trình McNamara, Sài Gòn, không đề ngày, tiếp theo sau công
điện của Lodge 27-9-1963.
(39)
Lodge gởi BNG 30-9-1963.
(40)
BNG gởi Lodge 24-9-1963.
(41)
Hilsman gởi Lodge 23-9-1963.
(42)
Harkins gởi Taylor 30-10-1963.
(43)
Xem công điện 17-9.
(44)
Ghi chú Taylor-McNamara gởi Tổng thống, Washington 2-10-1963.
(45)
Ghi chú buổi họp với Kennedy 29-10-1963 lúc 4 giờ20 chiều.
(46)
như trên
(47)
Ghi chú buổi họp với Kennedy 29-10-1963 lúc 6 giờ chiều.
(48)
Bundy gởi Lodge 30-10-1963.
(49)
Lodge gởi Bundy 25-10-1963.
(50)
Ghi chú buổi họp với Kennedy 29-10-1963 lúc 6 giờ chiều.
(51)
Tóm tắt ghi âm buổi họp thứ 519 của HĐANQG 2-10-1963.
(52)
Harkins gởi Taylor 2-11-1963 lúc 10 giờ 42 sáng.
(53)
Theo công điện số 2324 đánh đi từ Paris ngày 13-11-1963 thì
Tổng Đại Diện Pháp tại Hà Nội De Buzon vừa gặp Thủ tướng
Phạm Văn Đồng ; Thủ tướng nói : "đảo chánh ở Sài Gòn,
dù là do Hoa Kỳ gợi ý, vẫn là một bước tiến trên hướng
tốt". Xem Ghi chú của Forrestal gởi Bundy : Chuyện trò với
đại sứ Alphand 14-11-1963.