BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM
Lê Mạnh Thát Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. HCM 2005
SỨC MẠNH
BẤT BẠO ĐỘNG
NHÌN TỪ NGỌN
LỬA THÍCH QUẢNG ĐỨC
Lê
Cung *
Trong
lịch sử phát triển gần 2000 năm của Phật giáo Việt Nam,
phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 ghi một dấu ấn hết
sức quan trọng. Đối với đất nước, phong trào này “đã
ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc
của nhân dân miền Nam” [1] ; đối với chính bản thân Phật
giáo “có thể nói rằng từ sau thời đại Lý - Trần đến
nay, trong nhiệm vụ phục vụ Dân tộc và Đạo pháp ... chưa
có sự kiện nào có qui mô và có tiếng vang rộng lớn như
phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” [2].
Dấu
ấn của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 trong
dòng lịch sử dân tộc nói chung cũng như Phật giáo Việt
Nam nói riêng như đã nêu có thể lý giải bằng nhiều lập
luận khác nhau, song điều quán xuyến, xuyên suốt và cốt
lõi chính là ở chỗ phong trào đã vận dụng tối đa phương
pháp bất bạo động trong suốt quá trình đấu tranh chống
chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm - “một chế độ
mà kẻ thù của nhân dân đinh ninh rằng không một lực lượng
nào dưới quyền thống trị của chúng dám đã động đến”
[3] - trong đó nổi bật nhất chính là ngọn lửa Thích
Quảng Đức đốt lên giữa đường phố Sài Gòn ngày 11-6-1963.
Bài viết này góp phần tìm hiểu giá trị đích thực của
“sức mạnh bất bạo động nhìn từ ngọn lửa Thích Quảng
Đức”.
Trước
hết, tưởng cũng nên có một vài nét “chấm phá” về nguồn
gốc của phương pháp bất bạo động. Trong rất nhiều loại
kinh sách của Phật Tổ để lại cũng như các trước tác
về sau của các môn đồ, tuy ở những mức độ khác nhau,
nhưng ít nhiều đều ẩn chứa tư tưởng bất bạo động.
Câu chuyện Phật độ chàng Vô Não viết: “Tại Xá Vệ có
chàng Vô Não, sau khi cuồng tín theo tà giáo, chàng trở nên
một kẻ sát nhân gây khủng khiếp cho dân bản xứ. Vì nghe
lời dèm xiểm của các bạn chàng, thầy chàng bảo tìm giết
một trăm người cắt ngón tay mang vào cổ đem về ông ta sẽ
truyền phép mầu nhiệm cho. Theo lời thầy dạy, chàng đến
rình một nơi hẻo lánh hoặc ở mé rừng, hễ ai đi lẻ loi
đều bị chàng giết chết. Chàng đã giết được chín mươi
chín, còn thiếu một người nữa để giết thì gặp mẹ chàng
đi tới. Chàng xông xáo chạy tới để giết thì thình lình
đức Phật ở đâu hiện tới, chàng liền đổi ý chạy theo
Phật để hạ sát. Chàng chạy như tên bay mà không kịp. Tức
mình chàng kêu to: “Kìa ông Sa môn ! Sao ông không dừng chân
lại ?”. Đức Phật đáp: “Này Vô Não, Như Lai dừng bước
đã lâu rồi chỉ có ngươi chưa chịu dừng bước đó thôi”.
Vô Não hỏi lại: “Ông nói ông đã dừng bước sao tôi chạy
theo mãi không kịp. Ông là người nói dối”. Phật đáp:
“Như Lai đã dừng bước trên con đường tội lỗi, Như Lai
đã trút bỏ gươm giáo từ lâu rồi”. Vừa nghe được bấy
nhiêu lời, Vô Não chợt tỉnh mộng điên cuồng hối ngộ,
liệng dao quỳ lạy trước Phật, xin Phật ra tay tế độ”
[4].
Pháp
bảo nhà Phật đề cập đến tinh thần bất bạo động một
cách hàm súc như câu chuyện dẫn ra trên đây. Chính đó là
biểu tượng chân thật của giáo lý nhà Phật giữa một thế
gian chứa đựng đầy dẫy những áp bức, bất công, những
kỳ thị đẳng cấp, chủng tộc, ... Lý thuyết bất bạo động
của Phật giáo xuất phát từ tinh thần đại từ đại bi,
cứu khổ cứu nạn, nhằm hoá giải chúng sanh thoát khỏi cảnh
khổ đau (sanh, lão, bệnh, tử, ...) để đi đến Niết bàn.
Vì vậy, Phật giáo chủ trương một tình yêu phổ quát, một
lòng thương vô bờ bến đối với mọi chúng sinh. Lời Phật
dạy: “Lòng từ bi đem lại cho chúng sinh tất cả mọi sự
yên ổn cả về tinh thần lẫn vật chất” (Kinh Đại Bảo
Tích).
Cần
phải hiểu thêm rằng khái niệm “bất bạo động” được
dịch từ Phạn ngữ Ahimsâ chưa diễn tả đầy đủ nội dung
của nguyên ngữ, vì Ahimsâ không phải chỉ là bất bạo động
mà còn có nghĩa là không làm hại đến bất cứ một sinh
vật nào - kể cả kẻ thù - từ trong ý thức cho đến
ngoài lời nói và hành động. Ahimsâ không phải mang tính chất
tiêu cực, thụ động (non-violence hay passive resistance) mà phải
được hiểu là nắm lấy chân lý mà hành động (satyagraha).
Bất bạo động (Ahimsâ) theo đúng nghĩa của nó đòi hỏi
phải thể hiện trọn vẹn một tình yêu tuyệt đối, phải
nắm phần chủ động trong việc thể hiện thiện cảm của
mình đối với chúng sinh. Cùng với yêu thương chúng sinh,
kể cả kẻ thù, còn phải tôn kính ý kiến kẻ khác trong
mọi lãnh vực, dù ý kiến ấy đối nghịch với ý kiến của
mình. Tiêu chuẩn chính xác của phương pháp bất bạo động
là gạt bỏ ý thức tị hiềm, thủ tiêu tuyệt đối và hoàn
toàn mọi ác căn. Trong mọi hoạt động, tuy không dùng đến
bạo lực, nhưng bất bạo động không có nghĩa chạy trốn
trách nhiệm đấu tranh. Gandhi đã từng tuyên bố: “Chủ nghĩa
bất bạo động của tôi không chấp nhận chạy trốn
nguy hiểm, để mặc cho những người thân yêu không được
bảo vệ. Giữa bạo động và chạy trốn một cách hèn nhát,
tôi chỉ chọn lấy bạo động” [5]. Hơn thế nữa, người
bất bạo động phải biết chọn đúng lúc để dấn thân
vào cuộc đấu tranh với tất cả quyết tâm và lòng tự nguyện,
tự giác, hỷ xã; phải thản nhiên đưa chính bản thân mình
ra đón lấy mọi sự tấn công, ngược đãi.
Bất
bạo động chủ trương lấy tình thương vô biên xoá bỏ hận
thù nên không đánh trước và cũng không đánh lại kẻ đã
đánh mình. Bất bạo động là tự đem chính bản thân làm
gương mẫu mà giác ngộ kẻ đã tự cho là thù địch với
mình để cho kẻ ấy tự ý từ bỏ mọi tư tưởng và hành
động bạo động. Như vậy, phương pháp bất bạo động đòi
hỏi một tinh thần vững mạnh và lòng can đảm vô biên, vì
người bất bạo động tất nhiên thừa biết rằng mình có
thể đánh lại đối phương, nhưng sở dĩ không đánh lại
không phải là vì sợ bạo lực mà chính là tinh thần “tự
giác giác tha”.
Tuân
thủ những nội dung trên đây của lý thuyết bất bạo động,
phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 ngay từ đầu
đã khẳng định phương pháp đấu tranh là bất bạo động
[6] . Tuy nhiên, trong ý định ban đầu của giới lãnh
đạo Phật giáo miền Nam, bất bạo động bằng hình thức
tự thiêu vẫn chưa được đặt ra, mặc dầu trong những cuộc
tuyệt thực đầu tiên của Tăng Ni trên toàn miền Nam vào
cuối tháng 5, đầu tháng 6-1963, giới lãnh đạo Phật giáo
đã dự tính rằng: “Nếu kéo quá dài các cuộc rước linh
và tuyệt thực một cách nhàm chán thì phong trào tự nó cũng
bị xẹp vì thiếu những hình thức mới mẽ, gây xúc động
mạnh nuôi dưỡng” [7] . Song hình thức mới mẽ là gì vẫn
chưa được tìm ra, ngay cả khi giới lãnh đạo Phật giáo
nhận được bức tâm thư đề ngày 27-5-1963 của Hoà thượng
Thích Quảng Đức với nội dung xin tự thiêu để bảo vệ
Phật pháp, họ vẫn không chấp thuận. Trên thực tế, giới
lãnh đạo Phật giáo còn “thật lúng túng, cũng không biết
tự thiêu như thế nào !” [8] .
Mặc
dầu không được chấp nhận, ý nguyện tự thiêu của Thích
Quảng Đức vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng . Ngài lưu
lại ở chùa Ấn Quang trì tụng kinh Pháp Hoa và mong muốn đạt
được ý nguyện. Tới ngày 9-6-1963, sau những lần thương
lượng giữa Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và Uỷ ban
Liên bộ không đem lại một kết quả nào, trái lại chính
quyền Ngô Đình Diệm vẫn gia tăng các hoạt động đàn áp
khủng bố, giới lãnh đạo Phật giáo bị bắt buộc phải
chấp nhận ý nguyện tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng
Đức. Và “khi được thông báo tin này, Hoà thượng
Thích Quảng Đức hết sức mừng rỡ, hình tướng của Ngài
toát lên một sức hấp dẫn khó tả, trông như một vị Bồ
tát hoá thân ở cõi ta bà này” [9] .
Ngày
11-6-1963, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt[10]
(Sài Gòn), Hoà Thượng Thích Quảng Đức đã anh dũng tự thiêu
trước sự chứng kiến của hàng chục vạn Tăng Ni, Phật
tử cùng những quan sát viên, báo chí quốc tế. Lực lượng
Diệm được điều động đến để hòng phá tan cuộc tự
thiêu, nhưng bị thất bại vì Tăng Ni, Phật tử đã kiên quyết
bảo vệ bằng cách vây quanh nhà sư nhiều vòng. Có người
nằm lăn trước xe cứu hỏa, xe cảnh sát không cho can thiệp.
“Cuộc hy sinh phi thương và dũng cảm của Hoà thượng Thích
Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong
ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm
sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới.
Ảnh của vị Hoà thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi
trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm
châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục” [11] .
Chiều
ngày 11-6-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh phong toả
các chùa, nhất là chùa Xá Lợi, nơi đang đặt thi hài của
Thích Quảng Đức. Khắp các nẻo đường dẫn về chùa Xá
Lợi, cảnh sát được huy động để ngăn chặn làn sóng người
đang đổ về đây. Buổi tối cùng ngày, qua đài phát thanh,
Ngô Đình Diệm đọc thông điệp lên án vụ tự thiêu của
Thích Quảng Đức là do “một số người bị đầu độc
gây án mạng” và “kêu gọi đồng bào hãy bình tĩnh nhận
định tình thế”. Lời lẽ trong thông điệp một lần nữa
bộc lộ bản chất độc tài của Diệm, khi y tuyên bố: “Sau
lưng Phật giáo trong nước còn có hiến pháp nghĩa là có tôi”
[12] .
Từ
phong tỏa đến thông điệp, đủ mọi biện pháp, song chính
quyền Ngô Đình Diệm vẫn không thể nào đẩy lùi được
phong trào. Ngược lại, với cái chết cao cả của Thích Quảng
Đức, “uy thế của Mỹ - Diệm bị một cú đánh tinh thần
mạnh như trời giáng” [13] , có tác dụng to lớn trong việc
thúc đẩy cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam tiến
mạnh, tiến nhanh hơn. Trên thực tế, ngọn lửa Thích Quảng
Đức đã tạo ra một bước ngoặt hết sức quan trọng. Nó
chuyển phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 sang một thế
mới, trên cả hai bình diện quốc nội và quốc tế.
*
Ở trong nước, “cái chết vô uý của Hoà thượng Quảng
Đức là một hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người, một
tiếng gọi đàn cho hàng tứ chúng” [14] . Nó được xem như
là một kêu gọi khẩn thiết đối với tất cả những ai
có lương tri hãy đứng lên đấu tranh chống lại chế độ
độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Tại Sài Gòn, trên
những con đường dẫn về chùa Xá Lợi, cảnh sát đã bị
làn sóng người tràn ngập. Ngày 12-6-1963, giới lãnh đạo
cao cấp của Phật giáo từ Huế vào Sài Gòn trực tiếp lãnh
đạo cuộc đấu tranh tại đây.
Cũng
trong ngày này tại vùng giải phóng, Uỷ ban Trung ương Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng
tổ chức lễ truy điệu Hoà thượng Thích Quảng Đức. Xã
luận báo Nhân Dân số ra ngày 13-6-1963 viết: “Gương hy sinh
anh dũng của Hoà thượng Thích Quảng Đức là một sự tố
cáo, lên án trước dư luận toàn thế giới chế độ độc
tài cực kỳ tàn bạo của bọn Mỹ - Diệm. Chế độ ấy
phải bị đánh đổ. Mười bốn triệu đồng bào miền Nam
quyết đánh đổ chế độ ấy” [15] . Báo chí miền Bắc
đăng tin chi tiết và hình ảnh về vụ tự thiêu và cho đây
là “sự hy sinh gan dạ của Hoà thượng Thích Quảng Đức
để chống chính sách của tập đoàn Ngô Đình Diệm đàn
áp tự do tín ngưỡng” [16] .
Trước
phong trào đang dâng cao, giới lãnh đạo Phật giáo dự định
trong dịp đưa tang Hoà thượng Thích Quảng Đức vào ngày
16-6-1963 sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn để phản
kháng chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu giải quyết năm
nguyện vọng đã đề ra. Lo sợ một cuộc bùng nổ lớn, chính
quyền Ngô Đình Diệm cấp tốc mở cuộc điều đình với
giới lãnh đạo Phật giáo. Phiên họp đầu tiên diễn ra vào
ngày 14-6-1963. Sau năm phiên họp, một Thông cáo chung được
ký kết vào lúc 2 giờ sáng ngày 16-6-1963. Nội dung Thông cáo
chung về cơ bản “thoả mãn” được năm nguyện vọng mà
giới lãnh đạo Phật giáo đã đề ra trong Bản Tuyên ngôn
ngày 10-5-1963. Và để tránh một cuộc nổi dậy của quần
chúng, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh loan truyền bản
Thông cáo chung ngay sau khi vừa được ký kết bằng xe phóng
thanh của Bộ Thông tin. Điện tín đánh đi các tỉnh về nội
dung Thông cáo chung. Đài phát thanh Sài Gòn loan tin ngay khi trời
chưa sáng.
Về
phía Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam, ngày 16-6-1963, Tổng
Giám mục Nguyễn Văn Bình, cai quản quản Giáo khu Sài Gòn
đã chính thức lên tiếng trong một bức thư luân lưu, rằng:
“Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam hoàn toàn đứng ngoài
cuộc tranh chấp mặc dù vai trò chủ động gây ra cuộc tranh
chấp là tín đồ Thiên Chúa giáo” [17] . Trong một bức thư
luân lưu thứ hai gởi cho hàng giáo sĩ và giáo dân trước
lúc lên đường đi Rôma tham dự Công đồng Vatican II, Tổng
Giám mục Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Giáo hội không những
không gây nên biến cố mà còn đau đớn vì những tai hoạ
đã và còn là ác quá của biến cố” [18] .
Sáng
ngày 16-6-1963, mặc dầu có lời kêu gọi của giới lãnh đạo
Phật giáo yêu cầu Tăng Ni và Phật tử ở nhà, vì năm nguyện
vọng đã “đạt được” và đám tang của Thích Quảng Đức
được hoãn lại, nhưng nhân dân Sài Gòn được ngọn lửa
Thích Quảng Đức tiếp sức đã đổ ra đường phố kéo về
chùa Xá Lợi nơi đặt thi hài của Thích Quảng Đức. Cuộc
xô xát giữa quần chúng và lực lượng cảnh sát đặc biệt
xảy ra ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Thanh Giản. Thanh niên,
học sinh, phụ nữ, bà già đã hăng hái chiến đấu hàng mấy
giờ đồng hồ. “Quần chúng hoà vào nhau như những giọt
nước trong đại dương và trong tình yêu người ta tự thấy
mình lớn lên và không còn sợ hãi nữa” [19] . “Đây là
cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt nhất ở Sài Gòn trong
mấy năm nay. Nó đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa nhân
dân ta với chế độ độc tài phát-xít Mỹ - Diệm, đẩy
chúng vào tình thế bị cô lập hơn bao giờ hết” [20] .
* Đối
với thế giới, cuộc tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng
Đức đã làm cho cả thế giới kinh ngạc và hết sức khâm
phục. Đây là “một hành động tiêu biểu vĩ đại. Nó không
chỉ chống lại Diệm, để chỉ sự hiện hữu của Phật
giáo và được để ý tới, mà nó còn có ý nghĩa chống lại
sự bất công, bất chính của toàn thế giới ... Với
một hành động lặng thinh, không nói một lời, một vị Hoà
thượng Việt Nam đã nêu ra một tấm gương sáng rùng rợn,
một kháng nghị cao đẹp, lộng lẫy, chống lại mọi xấu
xa đê hèn của loài quỷ sứ đang còn tồn tại trong thế
giới ngày nay” [21] .
Về
dư luận rộng rãi của thế giới trước việc Hoà thượng
Thích Quảng Đức tự thiêu, chúng ta có thể hình dung qua nguồn
tư liệu mà Malcoln W. Brown đã cung cấp trong “The New Face of
War”: “Vụ Phật giáo năm 1963 đã làm chấn động các quốc
gia ngoài châu Á kể từ khi xảy ra vụ tự thiêu của Hoà
thượng Thích Quảng Đức: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thuỵ sĩ,
Bỉ, Úc, Đức... Tấm hình tự thiêu của Hoà thượng đã
được phổ biến khắp nơi thế giới từ trên bàn giấy của
Tổng thống Hoa Kỳ tới văn phòng các lãnh tụ Trung Cộng
và chính nước cộng sản này đã cho in ra hàng triệu tấm
hình ấy để phân phát đi khắp Á Phi với lời ghi chú: “Một
tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tự thiêu trong cuộc đấu tranh
chống đế quốc Mỹ - Diệm” [22] . Ở đây, xin được
nêu một số tư liệu cụ thể:
Ở
Mỹ, ngọn lửa Thích Quảng Đức đã gây nên một chấn động
mạnh, đặc biệt làm cho dư luận Mỹ quay sang chống Ngô Đình
Diệm và gia đình y. Tại Washington D.C., ngày 12-6-1963, nhân
dân Mỹ đã đón nghe một cách xúc động tin về cuộc tự
thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức. Hơn hai tuần Hoà
thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, ngày 30-6-1963, trong một
bài giảng tại nhà thờ ở New York, Mục sư Donalds Harrington
đã xem cái chết của Thích Quảng Đức giống như cái chết
của chúa Giê-su, Michel Servetus, Jeanne d’ Ars. Ông cho rằng
hành động mổ bụng của người Nhật cũng không thể nào
so sánh nổi với sự tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng
Đức, tuy rằng gan dạ như nhau, bởi vì “sự tự thiêu của
Ngài đã cứu vớt bao nhiêu sinh linh đang chìm đắm trong khổ
hận, kẻ đàn áp cũng như kẻ bị đàn áp đều bừng tỉnh.
Ngài đã tô đậm nét vàng son và trang sử huy hoàng của Phật
giáo và dân tộc” [23] .
Tờ
New York Herald Tribune (21-7-1963) cho rằng ngọn lửa Thích Quảng
Đức sẽ bùng lên một đám cháy lớn thiêu rụi chế độ
Ngô Đình Diệm, rằng “Hoà thượng Thích Quảng Đức, một
tu sĩ đã biến tấm áo cà sa vàng của mình thành một giàn
hoả thiêu... Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt
Nam đang làm một công việc rất hay là ông đang tự đốt
hết nền tảng của chế độ ông”. Bởi theo quan điểm
của báo này thì “sự cấm đoán tự do tín ngưỡng là một
tội không thể tha thứ được” [24] . Tờ San Francisco Chinese
World đưa ra lập trường quyết liệt hơn: “Đã đến lúc
chính quyền Hoa Kỳ phải từ giả ông Ngô Đình Diệm. The
Chinese World khẩn thành kêu gọi tất cả mọi người Mỹ lên
án ông Diệm, một kẻ độc tài của Sài Gòn” [25] .
Thượng Nghị sĩ Wayne L. Morse, bang Oregon, thì nói rằng “ông
sẽ không đồng ý cho một đôla nào nữa để ủng hộ một
chế độ độc ác tàn bạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm
tại miền Nam Việt Nam”.[26]
Ở
Nhật Bản, từ sau ngày Hoà thượng Thích Quảng Đức tự
thiêu, các báo đã dành những chỗ trang trọng đăng tin và
ảnh, như tờ “Asahi Evening News ngày 12-6 đã đăng 3 cái ảnh
lớn chiếm gần một phần tư trang một và các báo khác cũng
đều đăng tin tỉ mĩ rõ ràng về vụ này”[27] . Ngày
19-6-1963, Uỷ ban tôn giáo bảo vệ hoà bình và Hội Phật giáo
Nhật Bản đã tổ chức cuộc mít tin phản đối chính quyền
Ngô Đình Diệm đàn áp tín đồ Phật giáo miền Nam Việt
Nam. Cuộc mít tinh đã mặc niệm Hoà thượng Thích Quảng Đức
và những người bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết hại
tại Huế, Sài Gòn và kịch liệt lên án tội ác của chính
quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 20-6-1963, các tín đồ Phật giáo
Nhật Bản do Hoà thượng Mibu Sogiun dẫn đầu đến sứ quán
“Việt Nam cộng hoà” ở Tokyo trao bản tuyên bố nói trên
cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Theo Công văn mật số 27-VP/DK
ngày 21-6-1963 của Đại sứ Việt Nam cộng hoà tại Nhật Bản
gởi Bộ trưởng Phủ Tổng thống thì “vấn đề tranh chấp
giữa Phật giáo và Chính phủ đã gây ra một luồng dư luận
sôi nổi ở Nhật Bản” [28] .
Ngày
23-6-1963, sau lễ cầu siêu cho Tăng, tín đồ Phật giáo miền
Nam tử vì đạo, toàn thể Tăng, tín đồ của phái Tịnh độ
Chân tôn Nhật Bản cùng một lúc đã đánh ba điện văn. Điện
văn gởi giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam viết:
“Sự kiện đàn áp sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam
gần đây là một việc làm đáng buồn, và cũng là một triệu
chứng bất tường. Nhân danh Tổng hội Phật giáo Chân tôn
Nhật Bản, chúng tôi xin gửi đến quý Ngài lòng tôn kính
và ai điếu đối với việc vì đạo thiêu thân của cố Hoà
thượng Thích Quảng Đức. Chúng tôi xin gởi đến quý Ngài
lòng nhiệt thành ủng hộ cuộc hộ Pháp của toàn thể Phật
giáo đồ Việt Nam trong lúc “Pháp nạn” này”. Điện văn
gởi Ngô Đình Diệm viết: “Sự kiện đàn áp sát hại Phật
giáo đồ tại Việt Nam gần đây thật là một việc làm bất
tường chưa từng có trong lịch sử. Toàn thể Tăng Ni và tín
đồ của Tổng hội Chân tôn chúng tôi rất xúc động và
phẫn uất khi nhận được tin này”. Điện văn gởi Giáo
hoàng Paule VI viết: “Trước mắt chúng tôi, việc khủng bố
và sát hại Phật giáo đồ tại Việt Nam là một việc xúc
phạm đến tự do tín ngưỡng, quyền căn bản của con người.
Nhấtt là việc ấy phát sính bởi một chính sách hà khắc
tôn giáo của một chính phủ.
“Chúng
tôi hy vọng Ngài sẽ vì danh dự của Hội Thánh Thiên Chúa
tìm cách can thiệp với ông Ngô Đình Diệm, Tổng Giám mục
Giáo khu Huế để việc bất công trên khỏi tái diễn” [29]
.
*
Trong lúc tình hình quốc tế không có lợi cho phía chính quyền
Ngô Đình Diệm thì trong nước phong trào Phật giáo được
phục hồi trở lại do chính quyền Ngô Đình Diêm vi phạm
Thông cáo chung. Nhân lễ chung thất của Hoà thượng Thích
Quảng Đức (30-7-1963), giới lãnh đạo Phật giáo đã ra Thông
bạch vạch rõ thực trạng của xã hội miền Nam dưới chế
độ Ngô Đình Diệm: “Sự suy sụp của nền đạo đức dân
tộc ... nền đạo giáo vẫn bị hăm doạ, quốc gia lâm
vào tình trạng chia rẽ đổ nát, người làm kẻ hưởng, nỗi
bất bình oan khúc không sao kể xiết”[30] , và kêu gọi
mọi tầng lớp đồng bào hãy đình công bãi thị để phản
đối thái độ ngoan cố độc ác của chính quyền Ngô Đình
Diệm.
Hưởng
ứng lời kêu gọi trên, khắp nơi trên toàn miền Nam, trước
hết là các thành phố, thị xã, thị trấn, Tăng Ni, Phật
tử hăng hái tham gia hành lễ, đình công, bải thị, bất chấp
sự ngăn cản của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tại Sài Gòn,
từ 5 giờ sáng đồng bào đã tấp nập đổ về chùa Xá Lợi,
“ngoài thanh niên ra, hầu hết những người đến dự đều
là đàn bà. Họ trẻ, khá hấp dẫn và duyên dáng trong bộ
áo dài và quần trắng, hoặc cả bà già nhăn nheo, răng nhuộm
đen vì ăn trầu. Tất cả đều đính băng nhỏ màu vàng ở
ngực, một biểu tượng thương tiếc Hoà thượng Thích Quảng
Đức” [31] . Tất cả biểu lộ ý chí và quyết tâm tranh
đấu của mình. Sau buổi lễ, giới lãnh đạo Phật giáo cho
ra đời một bản Tuyên ngôn tố cáo chính quyền Ngô Đình
Diệm không chịu thi hành Thông cáo chung và khẳng định lại
một lần nữa quyết tâm của mình nhằm đưa cuộc đấu tranh
đến thành công: “Phật giáo đồ Việt Nam quyết định không
lìa bỏ tinh thần thuần tuý tôn giáo bằng cách áp dụng nghiêm
chỉnh phương pháp bất bạo động để đưa phong trào đến
mức thành công” [32] .
Tại
Huế, ngày 29-7-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho phổ biến
trên đài phát thanh lệnh cấm quần chúng không được tham
gia ngày chung thất của Thích Quảng Đức. Tuy nhiên, Huế vẫn
là nơi sôi động. Ngày hôm đó một cuộc biểu tình rước
di ảnh của Thích Quảng Đức có tới 15.000 người tham gia,
từ chùa Từ Đàm đến chùa Diệu Đế, thanh tịnh và ngang
nhiên đi qua trung tâm thành phố. Đoàn biểu tình đã diễu
hành trên một đoạn đường dài mấy cây số, hai bên đường
có hương án, dân chúng quỳ lạy, chiêm ngưỡng sự hy sinh
cao cả của Thích Quảng Đức, sôi sục khí thế đấu tranh
[33] .
Cùng
với sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và
dư luận Mỹ lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật
giáo, phong trào Phật giáo ngày càng lên cao ở miền Nam Việt
Nam đã dội mạnh vào Nhà Trắng. Trong một cuộc tiếp xúc
với Ngô Đình Diệm, Truheart - Đại diện Mỹ đã chỉ ra rằng:
“Chính quyền Kennedy không ưa rối ren” [34] . Dean Rusk, Ngoại
trưởng Mỹ, trong cuộc họp báo ngày 16-6-1963, cho rằng Mỹ
“không sung sướng gì trước những sự việc xảy ra ở miền
Nam”, rằng Mỹ “rất buồn phiền về những sự chia rẽ
đang xảy ra ở miền Nam” [35] . Tờ New York Times (19-7-1963)
dẫn lời Tổng thống Kennedy: “Sự động chạm giữa Tổng
thống Ngô Đình Diệm với Phật giáo đồ rất có hại cho
công cuộc chống Cộng tại Nam Việt Nam” [36] . Mặc dầu
vậy, chính quyền Kennedy vẫn chưa có thái độ dứt khoát
về việc thay Diệm, vẫn hy vọng Diệm sẽ “xuống thang”
trong việc giải quyết “Vụ Phật giáo”, vì rằng trước
hiện tượng “tự sát để đấu tranh, kẻ táo bạo nhất
cũng phải lùi bước” [37] .
Trong
lúc Nhà Trắng đang mong muốn tình hình được cải thiện
thì trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Don Baker, ký
giả hãng Thông tấn UPI, Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting đã
bào chữa cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Nolting nói: “Hơn
hai năm tôi sống tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ thấy dấu
hiệu chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo” [38] . Ngày 1-8-1963,
giới lãnh đạo Phật giáo đánh điện cho Tổng thống Kennedy
phản đối những lời tuyên bố vô trách nhiệm của Nolting.
Bức điện viết:“Thay mặt toàn thể Phật giáo đồ miền
Nam, chúng tôi cực lực phản đối cùng Tổng thống lời tuyên
bố của ông Đại sứ Nolting qua hãng Thông tấn UPI cho rằng
không có vấn đề kỳ thị tôn giáo và ngược đãi Phật
giáo ở miền Nam Việt Nam.
“Chúng
tôi nghĩ rằng dân chúng Hoa Kỳ phải thấu rõ nỗi phẫn
uất của Phật giáo đồ đến tám mươi phần trăm dân số.
“Lời
tuyên bố của ông Nolting không phù hợp với sự thật luôn
cả với sự hiểu biết và thiện chí của người Hoa Kỳ”
[39] .
Tiếp
theo, ngày 3-8-1963, trong một cuộc nói chuyện với Phụ Nữ
Bán Quân Sự tại Tòa Đô Chính Sài Gòn, Trần Lệ Xuân, vợ
Ngô Đình Nhu, lên tiếng công kích và mạ lỵ Phật giáo, rằng
“hoạt động của Phật giáo là một hình thức phản bội
xấu xa ...” [40] . Về cuộc tự thiêu của Hoà thượng Thích
Quảng Đức, Trần Lệ Xuân cho là vụ “nướng Sư”. Trả
lời phỏng vấn của ký giả báo New York Times, Trần Lệ Xuân
nói: “Tôi còn đánh sư gấp mười lần như thế nữa à.
Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt tỉnh,
không cần biết tới” [41] .
Lời
lẽ của Nolting và Trần Lệ Xuân có tác dụng như “lửa
đổ thêm dầu”. Ngày hôm sau, 4-8-1963, Đại đức Thích Nguyên
Hương tự thiêu ở Phan Thiết. Ngày 12-8-1963, tại chùa Xá
Lợi, nữ sinh Mai Tuyết An tự chặt tay trái của mình để
phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 13-8-1963, Đại
đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại Huế. Ngày 15-8-1963, tại
Huế, gần 1.000 sinh viên, học sinh biểu tình phản đối chính
quyền Ngô Đình Diệm cướp xác Thích Thanh Tuệ. Cùng ngày,
Ni sư Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hoà gần Nha Trang.
Ngày 16-8-1963, Huế nhất loạt tổng bãi công. Cùng ngày nhà
sư Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại chùa Từ Đàm, Huế. Ngày
17-8-1963, các khoa trưởng thuộc Viện Đại học Huế và toàn
thể giảng viên Viện Hán học ra tuyên cáo lên án chính quyền
Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo và tuyên bố từ chức và
nghỉ việc. Tiếp theo, toàn thể giáo chức và sinh viên Viện
Đại học Huế từ chức, bãi khoá. Phong trào bất hợp tác
tại Huế trở nên toàn diện, mọi guồng máy xã hội đều
bị tê liệt.
Ngày
18-8-1963, theo lệnh của giới lãnh đạo Phật giáo, lễ cầu
siêu cho tất cả các vị tử vì đạo đã được tổ chức
trên toàn miền Nam. Tại chùa Xá Lợi (Sài Gòn) có trên 30.000
người tham gia. Sau lễ cầu siêu, có khoảng 10.000 người tham
gia tuyệt thực. Khí thế đấu tranh của quần chúng hết sức
mãnh liệt.
Để
cứu nguy cho chế độ, đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, dưới sự
chỉ huy trực tiếp của Ngô Đình Nhu, “Kế hoạch nước
lũ” được tiến hành, tấn công đồng loạt hầu hết các
ngôi chùa được dùng làm trụ sở đấu tranh trên khắp miền
Nam. Hầu hết giới lãnh đạo Phật giáo đã bị bắt đưa
vào trại giam. Với việc tấn công chùa, chế độ gia đình
trị Ngô Đình Diệm đã “thực sự dẫm trúng võ chuối do
Phật giáo quăng ra” [42] và đã chọn cho mình một tuyệt
lộ.
Những
ngày sau “Kế hoạch nước lũ”, cả thành phố Sài Gòn rung
động trước sự phát triển dữ dội của phong trào. Nhiều
bộ trưởng, khoa trưởng, giáo sư đại học từ chức. Sinh
viên, học sinh bãi khoá, nghỉ học đấu tranh cho tự do tín
ngưỡng. Tình hình này khiến sự chần chừ, do dự của Mỹ
về việc thủ tiêu chính quyền Ngô Đình Diệm đã được
vượt qua. Sau khi nhận nhiệm sở thay Nolting, Cabodge Lodge, Tân
Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã tiếp xúc với Diệm và Lodge
đã phúc trình với Washington rằng Diệm có lẽ đã mất hết
khả năng lãnh đạo đất nước và kết luận rằng trừ trường
hợp vợ chồng Ngô Đình Nhu rời khỏi xứ, Diệm có thể
coi như là hết thuốc chữa. Ngày 24-8-1963, Thứ Trưởng Ngoại
Giao George Ball, Xử lý thường vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean
Rusk ký gởi cho Lodge điện văn với nguyên văn: “Rõ ràng
Nhu đã tiếm quyền. Hãy cho Diệm cơ hội gạt Nhu và
bè nhóm ra một bên. Nếu đã cố gắng hết cách mà Diệm
vẫn khăng khăng chối từ thì chúng ta đành phải đối đầu
với khả thể là Diệm cũng không cứu được” [43] . Bản
án tử hình đối với chế độ Ngô Đình Diệm đã ký, vấn
đề là chỗ thời điểm thi hành nữa mà thôi. Thời điểm
đó chính là ngày 1-11-1963.
Từ
sự trình bày và phân tích trên đây, chúng ta có thể rút
ra một số nhận thức cơ bản sau:
Một
là, trong những phong trào đấu tranh chống bạo quyền, chống
áp bức dân tộc, ... diễn ra trong lịch sử loài người, đây
không phải là lần đầu tiên phương pháp bất bạo động
theo đúng ý nghĩa của nó được đem ra áp dụng. Thánh Gandhi
là người đã thành công trong việc áp dụng phương pháp bất
bạo động để giành độc lập cho đất nước Ấn Độ.
Và ngay từ đầu của cuộc đấu tranh, giới lãnh đạo Phật
giáo miền Nam đã khẳng định: “Chúng tôi phải thực hiện
tư tưởng Phật giáo ngay trong cuộc đấu tranh của chúng tôi
... Ngay bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố một cách minh
bạch rằng người tăng sĩ Phật giáo là người sẵn sàng
noi theo Gandhi, vị Thánh của sức mạnh bất bạo động”
[44] . Tuy vậy, bất bạo động mà Gandhi sử dụng là chính
sách “bất hợp tác” tiến bộ dần trong bất bạo động,
được thể hiện từ những hình thức như bãi công, bãi thị,
bãi khoá, công chức cự tuyệt mọi chức vụ, không làm việc
trong các cơ quan chính phủ lập ra, nông dân không nộp thuế,
hàng Anh bị tẩy chay, toàn dân Ấn tự dệt vải may mặc ...
đến việc quần chúng biểu tình không mang vũ khí ..., song
tuyệt nhiên chưa có hình thức tự đốt mình như Hoà thượng
Thích Quảng Đức. Sức mạnh bất bạo động của Gandhi là
sức mạnh “bất hợp tác” của số đông người; bất bạo
động của Thích Quảng Đức là sức mạnh tinh thần của
một cá thể mà lay chuyển cả một chế độ, cảnh tỉnh
cho cả một thế gian đầy bạo lực. Rõ ràng việc đốt mình
của Thích Quảng Đức“là một trạng thái mới lạ và huyền
ảo của bất bạo động. Nó chứng tỏ rõ rệt cái uy quyền
tối thượng của tinh thần. Không một bạo lực nào có thể
làm suy giảm được tâm hồn, sức chịu đựng của một cá
thể đối với mọi ức chế đàn áp chính trị độc tài
thật vô biên” [45] . Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cho
rằng với phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, “cái tinh
tuý của đạo Phật được phát huy, được luân lý dân tộc
chấp nhận. Đó là hình ảnh Hoà thượng Thích Quảng Đức
tự thiêu, một kỳ công không thể gì có được, là hun đúc
của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo, với tầm cỡ thế
giới... nhất là hình ảnh Ngài đến lúc trái tim không còn
hoạt động được nữa” [46] . Do vậy, điều mà như
Hoà thượng Thích Tịnh Khiết đã khẳng định trong Diễn
từ đọc sau lễ hoả táng nhục thân Hoà thượng Thích Quảng
Đức đến nay vẫn còn nguyên giá trị nguyên vẹn: “Từ
xưa đến nay, biết bao vị cao tăng đã tự lên “giàn hoả”.
Tuy nhiên, trường hợp của Hoà thượng Thích Quảng Đức...
là một trường hợp đặc biệt và hy hữu” [47] .
Hai
là, xét riêng trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm
1963, chúng ta thấy có rất nhiều sự kiện góp phần hỗ tương
lẫn nhau để đẩy lùi bạo quyền, nhưng phải khách quan mà
nhận rằng ngọn lửa Thích Quảng Đức giữ vị trí trung
tâm, đạt đến một tầm cao mà không có một sự kiện nào
có thể so sánh được. Ngọn lửa Thích Quảng Đức đã gom
mọi người dù khác chính kiến, khác màu da vào cùng một
khối, kết tụ được tinh anh của những khối óc và trái
tim vì tình thương mà quyết không chịu lùi bước. Trong suốt
quá trình của cuộc đấu tranh từ 7-5-1963 đến 1-11-1963, không
tránh khỏi đâu đó có những giây phút do dự, mệt mõi, nãn
lòng. Chính những thời khắc đó, ngọn lửa Thích Quảng Đức
trở nên vô vàn quý báu, đã làm rắn chắc những trái tim
đang dao động và tôi luyện thêm những ý chí rụt rè. Bất
bạo động trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm
1963, mà đỉnh cao là sự hy sinh anh dũng của Hoà thượng Thích
Quảng Đức, đã thu hút đại bộ phận nhân dân miền Nam,
không chỉ Tăng Ni, tín đồ Phật tử, mà cả những người
khác tôn giáo, không cùng chính kiến, nhập cuộc tham gia đấu
tranh, được nhân dân thế giới hết lòng ủng hộ. “Đây
là lần đầu tiên một cuộc tự thiêu gây sửng sốt và nể
phục nhất trong cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963. Nó
ghi đậm nét vào cuộc chiến Việt Nam và không bao giờ phai
nhạt ... hành động của Ngài ... trở nên một tấm gương
kiên định của người dân miền Nam chống lại Tổng thống
Diệm”. Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Kết tinh trong một
vị chân tu những nổi căm hờn đối với chế độ độc
tài các nhân gia đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược,
hành động dũng cảm của Hoà thưọng Thích Quảng Đức là
một bản án không gì bôi được với với chế độ bù nhìn
của Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời là một lời kêu gọi đồng
bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu
lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích
động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hoà
thượng Thích Quảng Đưc” [48] .
Ba
là, ngọn lửa Hoà thượng Thích Quảng Đức đốt lên với
tâm nguyện: “Để cúng dường Tam Bảo và để giác
ngộ chính quyền mau chóng thoả mãn năm nguyện vọng của
Phật giáo”; rằng “mong ơn Phật tổ gia hộ cho Tổng thống
Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối
thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản Tuyên ngôn, ...
Trước lúc nhắm mắt mà về cảnh Phật, tôi trân trọng kính
gửi lời chào cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng
bác ái, từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình
đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuỡ” [49]
. Và nếu như bất bạo động là “biết chọn đúng lúc để
dấn thân vào cuộc đấu tranh với tất cả quyết tâm và
lòng tự nguyện, tự giác, hỷ xã”, rằng “bất bạo động
chủ trương lấy tình thương vô biên xoá bỏ hận thù nên
không đánh trước và cũng không đánh lại kẻ đã đánh mình.
Bất bạo động là tự đem chính bản thân làm gương mẫu
mà giác ngộ kẻ đã tự cho là thù địch với mình để cho
kẻ ấy tự ý từ bỏ mọi tư tưởng và hành động bạo
động”, ... thì ngọn lửa Thích Quảng Đức đã hiện
sinh động nhất và được xem là tiêu biểu nhất cho lý thuyết
bất bạo động.
Và
trước khi đánh dấu chấm kết thúc bài viết này, chúng tôi
nghĩ rằng những gì mà chúng ta đã và đang nghiên cứu, tìm
hiểu về “ngọn lửa Thích Quảng Đức”, nếu nói theo cách
nói của nhà thơ thì: “ chỉ còn là rơm rác và chỉ nguyện
được là rơm rác” [50] . Và theo cách của nhà văn thì “ngòi
bút trở nên bất lực không thể hiện nỗi sự vĩ đại của
một bậc siêu phàm”. Vấn đề là ở chỗ hiểu được chừng
nào về giá trị đích thực của “ngọn lửa Thích Quảng
Đức” là cần phải đưa sự hiểu biết đó vào hiện thực
của cuộc sống, để góp phần xấy Đời, dựng Đạo. Đó
mới chính là điều đáng đáng quý, đáng trân trọng.
Phật
đản 2549 (2005)
*
PGS. TS. Sử học, Khoa Lịch sử, ĐHSP, Đại học Huế.
01
Những văn kiện chủ yêú của Mặt trận dân tộc giải phóng
miền Nam Việt Nam (từ tháng 12-1963 đến tháng 10-1964). Nxb.
Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 64.
02
Lê Cung. Về phong trào Phật giáo Sài Gòn năm 1963 trong “Hội
thảo khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP.
Hồ Chí Minh”. Nxb. TP Hồ Chí Minh, 2002, tr. 143.
03
Phan Lạc Tuyên. Hương thơm cuộc đời trong “Luật sư
Nguyễn Hữu Thọ cả nước tôn vinh anh”. Nxb. Văn Học, Hà
Nội, 1995, tr. 223.
04
Thích Thiện Siêu. Toả ánh từ quang. Ban trị sự GHPGVN Thừa
Thiên Huế, 1992, tr. 87-88.
05
S. Radhakishman. Chiến tranh và hoà bình (Thích Quảng Độ dịch).
Nxb. Hoa muôn phương, Sài Gòn, 1970, tr. 53, tr. 123.
06
Trong cuộc hội nghị mật vào tối 7-5-1963 tại chùa Từ Đàm
(Huế), giới lãnh đạo Phật giáo khẳng định phương pháp
đấu tranh là bất bạo động. Tiếp theo, phương pháp này
đã được khẳng định lại một lần nữa trong “Bản phụ
đính” bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 được công bố vào ngày
23-5-1963.
07
Nguyễn Khải. Sư già chùa Thắm và ông Đại tá về hưu. Báo
Lao Động, số 24, ngày 25-3-1993.
08
Thích Thông Bửu. Tư tưởng Bồ tát Quảng Đức trong “Đại
lễ kỷ niệm năm thứ 37 ngày tự thiêu của Bồ tát Quảng
Đức”. Tổ dình Quán Thế Âm ấn hành, 2000, tr. 15.
09
Phỏng vấn Pháp sư Thích Giác Đức ngày 20-10-1995 tại Boston
, USA
10
Nay là đường Cách mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu
11
Trần Văn Giàu. Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II. Nxb.
Khoa học, Hà Nội, 1966, tr. 342.
12
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04 - HS.8464
13
Trần Văn Giàu, Sđd., tr. 343.
14
Diễn từ của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết - Hội chủ Tổng
hội Phật giáo Việt Nam, sau lễ hỏa thiêu nhục thân của
Hoà thượng Thích Quảng Đức. Hồ sơ lưu lại chùa Từ Đàm
- Huế..
15
Lửa căm hờn đang rực cháy. Xã luận báo Nhân Dân, ngày 13-6-1963,
tr.1
16
Báo Nhân dân, ngày 13-6-1963.
17
Nam Thanh. Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam. Viện Hoá
đạo xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 166.
18
Nam Thanh, Sđd., tr. 167.
19
Tâm Phong. Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo. Tuần
báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 24-8-1963, tr. 10.
20
Những sự kiện lịch sử Đảng, Tập III. Nxb. Thông tin lý
luận, Hà Nội, 1985, tr. 268.
21
Thích Mãn Giác. Ông René De Berval. Nguyệt san Liên Hoa, Huế,
ngày 27-2-1964, tr. 37-38.
22
Hoàng Xuân Hào. Phật giáo và Chánh trị tại Việt Nam ngày
nay, Quyển I (Luận án Tiến sĩ Luật khoa – Ban Công pháp.
Trường Đại học Luật khoa, 1972, tr. 266.
23
Quốc Oai, Sđd., tr. 112.
24
Tuệ Giác. Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Hoa Nghiêm,
Sài Gòn, 1964, tr. 211.
25
Tuệ Giác, Sđd., tr. 207.
26
Tuệ Giác, Sđd., tr. 211.
27
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8467.
28
Như chú thích 26.
29
Tuệ Giác, Sđd., tr.170 – 171.
30
Quốc Tuệ, Sđd., tr. 202.
31
Jerrold Schecter, Sđd., tr. 193.
32
Nam Thanh, Sđd., tr. 49.
33
Gặp Thượng toạ Thích Trí Thủ. Nguyệt san Liên Hoa, số ra
ngày 30-11-1963, tr. 108.
34
Phong trào Phật giáo miền Nam (Tài liệu tham khảo đặc biệt).
Việt Nam Thông tấn xã, Hà Nội, 1973, tr. 122.
35
Xuân Thâm. Cuộc đấu tranh của Phật giáo đang làm cho chế
độ Mỹ - Diệm khủng hoảng trầm trọng. Tuần báo Thống
Nhất, số 322, ngày 23-8-1963, tr. 4.
36
Tuệ Giác, Sđd., tr. 210.
37
Tuệ Giác, Sđd., tr. 196.
38
Quốc Tuệ. Công cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt
Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 298.
39
Hồ sơ lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.
40
Jerrold Schecter, Sđd., tr. 307.
41
Quốc Tuệ, Sđd., tr. 307.
42
Tâm Phong. Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo. Tuần
báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 24-8-1963, tr. 10.
43
The Pentagon Papers, Bentam Books, New York, 1971, tr. 194.
44
Bản Phụ đính “Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 của Tăng tín
đồ Phật giáo Việt Nam” được công bố vào ngày 23-5-1963.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8352.
45
Quốc Oai. Phật giáo tranh đấu. Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1964,
tr. 93.
46
Mấy vấn đề về nghiên cứu Phật giáo và lịch sử tư tưởng
dân tộc trong “Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử
tư tưởng Việt Nam”. Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện
Triết học, Hà Nội, 1986, tr. 22.
47
Diễn từ của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết - Hội chủ Tổng
hội Phật giáo Việt Nam, sau lễ hỏa thiêu nhục thân của
Hoà thượng Thích Quảng Đức. Hồ sơ lưu lại chùa Từ Đàm
- Huế.
48
Trần Văn Giàu. Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập II. Nxb.
Khoa học, Hà Nội, 1966, tr. 434.
49
Quốc Oai. Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn,
1963, tr. 38 – 39.
50
Vũ Hoàng Chương. Lửa từ bi.