BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM
Lê Mạnh Thát Chủ biên
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP. HCM 2005
TỪ NGỌN
LỬA THÍCH QUẢNG ĐỨC
Nguyễn
Quốc Tuấn
Viện
Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
Sự
kiện 42 năm trước Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp
và vị dân tộc quên thân tự thiêu, dẫn đến sự sụp đổ
của chế độ Ngô Đình Diệm, giờ đây vẫn còn là chủ
đề tranh luận và thảo luận của nhiều sử gia đương đại
ở Âu, Mỹ và ở trong nước ta. Mỗi nhà sử học có cách
nhìn riêng về sự kiện này. Một số nhà sử học người
Việt ở hải ngoại trưng dẫn những dẫn liệu mới để
nhận định và đánh giá sự kiện năm 1963, đương nhiên với
những góc đứng sự khác nhau. Tôi xin không dẫn lại những
chủ đề và ý kiến thảo luận, tranh luận ở đây. Bởi
lẽ đơn giản là người ta có thể tìm biết trên nhiều ấn
phẩm đủ loại, cả trên internet, về các cuộc tranh
luận đó . Nhưng có một điểm có thể quả quyết rằng dù
khác nhau và bình luận thế nào, sự kiện năm 1963 không bao
giờ có thể phai nhạt trong ký ức và lịch sử dân tộc ta
thế kỷ 20, và đã trở thành bài học lớn từ đó trở đi.
Tôi
xin không đi vào chi tiết sự kiện Bồ tát Quảng Đức tự
thiêu, vì đã có nhiều tài liệu đề cập, do đó, tôi thấy
việc nên làm là rút ra “bài học” lịch sử và ứng xử,
thay cho một sự trình bày thuần túy sử liệu, như các chủ
đề mà ban tổ chức Hội thảo gợi ý.
1.
Điểm đầu tiên mà ta cần rút ra là bạo lực và bạo liệt,
dù ở trong lĩnh vực nào, chỉ có thể đi đến kết cục
bi thảm cho người chủ trương.
Trong
lịch sử Việt Nam, có hai trường hợp bạo lực và bạo liệt
được biết đối với các nhà sư, thì sau đó kết cục mà
người chủ sự lãnh chịu là một cái chết bi thảm: trường
hợp Lê Long Đĩnh nhà Tiền Lê và chế độ gia đình trị
theo lối “toàn trị” (chữ dùng của Cao Huy Thuần trong Kỷ
niệm 40 năm 1963 toàn trị và ngoại thuộc, nguồn website Thich
Quang Duc) Ngô Đình Diệm. Trong cả hai trường hợp, không có
chứng cứ nào cho thấy sau những tổn hại, các nhà sư
đứng ra “trả thù” trực tiếp người gây hại. Nhưng như
một quả báo, sự kết thúc bi thảm của những người chủ
trương bạo liệt và bạo lực với nhà sư đã diễn ra và
do người khác thực hiện.
Trong
hai trường hợp này, phải chăng nhà sư không có phương tiện
nào để chống lại bằng vũ lực? Không bao giờ có chuyện
đó, giáo lý bất bạo động đã chỉ đường cho các nhà
sư không tiến hành trả thù trực tiếp bằng bạo lực. Đúng
vậy, nhà sư dù ở thời đại nào cũng không thể tự tay
mình sát hại và kết thúc sinh mệnh con người. Điều dạy
đó là máu chảy trong huyết quản, là không khí để thở,
là điều kiện để cho một người tu sĩ xuất gia hay tại
gia của Phật giáo đạt được sự giải thoát trọn vẹn.
Nhưng khi vận dụng vào hành động, điều này không dễ chút
nào. Sự thực là cho đến hôm nay, chưa có ai chứng minh được
các nhà sư đã dùng bạo lực để đối chọi lại với bạo
lực. Trong trường hợp năm 1963, thay cho sự phản kháng bằng
vũ lực, nhà sư Thích Quảng Đức đã lấy tự thiêu thân
mình để chứng minh cho tư tưởng đấu tranh bất bạo động.
Có nghĩa lấy sức mạnh hùng, bi, dũng để đối chọi với
bạo lực và bạo liệt, kết quả ra sao thì ta đã thấy.
Điều
đáng nói là gia đình ông Ngô Đình Diệm đã không biết,
hay cố tình không muốn biết Phật giáo chủ trương bất bạo
động, nhưng Phật giáo không thụ động đợi sự tiêu diệt
mà không có phản kháng, dù chỉ phản kháng bằng phương thức
bất bạo động. Cách mà gia đình ông Ngô Đình Diệm đàn
áp Phật giáo cho thấy một sự xa rời đời sống dân tộc,
thân ngoại và trong phương diện tâm linh - tôn giáo, ta có
thể dùng đến cụm từ phản tôn giáo dân tộc (nhất là
trong bối cảnh miền Nam lúc đó).
Có
thể khẳng định không bao giờ sợ sai rằng Phật giáo là
di sản hàng nghìn năm của dân ta. Cho dù đã có một bộ phận
người Việt ta quy thuận các tôn giáo khác, nhưng có thể
khẳng định rằng Phật giáo, với sự hiện hữu trong trường
sử dân tộc, đã thành máu thịt tâm hồn người Việt ta,
sao có thể lấy chủ thuyết chính trị, cách thức cai trị
độc tài mà gột tẩy máu thịt tâm hồn đó? Gần đây, có
một số nhà nghiên cứu đã cho rằng chế độ miền Nam trước
1975 là “chế độ dân chủ”, nhưng họ không thể nào phủ
nhận được một sự thực: với cách thức “gia đình trị”
của ông Ngô Đình Diệm thì chế độ dân chủ là không có,
ít nhất là từ thời ông Diệm nắm quyền năm 1955 cho đến
khi anh em ông bị giết năm 1963. Cần minh định rằng anh em
ông Diệm không phải không biết đến thể chế dân chủ (chẳng
hạn tam quyền phân lập), nhưng hành xử chính trị thì lại
là độc tài toàn trị. Xã hội chịu áp lực nặng nề trong
vòng cương tỏa của mật thám, cấm đoán và khủng bố (các
giáo phái, Phật giáo, “Việt Cộng”, nhân vật đối lập
dưới thời ông Diệm thực sự bị đàn áp), đó là cách
thức cai trị vi hiến và bất tuân, bất thượng tôn pháp
luật. Anh em nhà ông đã lấy quyền lợi của chính mình đặt
lên trên quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Nay thì ta đã
thấy rõ điều này, và kết cục bi thảm giành cho gia đình
độc tài là một kết quả hợp lôgích của sự kiện, không
thể có kết quả ngược lại và không gì có thể biện hộ.
Vấn
đề trở nên có tính “thiêng” hơn ở chỗ, không phải
các nhà sư tổ chức lực lượng chống ông Diệm mà là các
tướng lĩnh Sài Gòn đương thời, đứng đầu là ông Dương
Văn Minh (Big Minh). Như vậy không có chuyện các nhà sư tham
chính, mà đấu tranh chỉ để đòi bình đẳng tôn giáo, ít
nhất cũng là giữa Phật giáo và Công giáo, nói cách khác,
đòi tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền (có thể đọc
thêm các hồi ký của Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Đức
Nghiệp và một số cuốn sử khác về thời kỳ này, đã được
đăng tải trên một số website). Bi kịch chính trị đó là
bài học lớn cho những người cầm quyền ở sau, nhưng dường
như họ cũng không khá hơn. Sau sự tự thiêu của Bồ tát
Quảng Đức, nhiều nhà sư và Phật tử đã tự thiêu tiếp,
và điều đó chứng tỏ chưa có cải thiện đáng kể các
đòi hỏi của Phật giáo năm 1963. Nhưng đó cũng là một sự
phản ứng phi bạo lực, vẫn là một lối sống vị pháp quên
thân, không có chuyện lấy bạo lực chống lại bạo lực
nơi các nhà sư và Phật tử.
Như
vậy, có thể kết luận chung: Phật giáo, trong mọi hoàn cảnh
đều lấy tư tưởng bất bạo động làm nền tảng ứng xử.
Nhưng
bất bạo động không đồng nghĩa với sợ đấu tranh. Đi
liền với bất bạo động là giáo lý vô úy. Thực vậy, Phật
giáo không chủ trương bạo động nhưng cũng không chủ trương
thụ động, lẩn tránh. Thói cường quyền của kẻ thống
trị chưa bao giờ khiến Phật giáo sợ sệt. Càng bị dồn
ép thì sức bật vô úy càng được đẩy cao. Người ta không
thấy một sự chán nản, sợ sệt nào sau các cuộc đàn áp,
trái lại mới đúng. Phật giáo làm một lúc được hai việc:
vừa đấu tranh vừa tránh được bạo động. Nhất là khi
cuộc đấu tranh đó có một viễn cảnh vì dân tộc và
vì tồn vong của con người thì Phật giáo lại càng không
chùn bước.
2.
Điểm thứ hai cần rút ra: lối sống Phật giáo đã thấm
sâu, đã phát huy tác dụng và đã trở thành một thực tế
không thể thiếu. Điểm này không dễ nhận thấy, nhưng cần
nói nếu không có một lối sống Phật giáo lan truyền mạnh
mẽ thì sẽ không thể có phong trào đấu tranh năm 1963.
Phật
giáo đưa ra phép đối trị tam độc để thúc đẩy con người
đi đến chỗ tự hoàn thiện nhân cách và đạo đức của
mỗi người và với mục đích xa nhất là sự tự giải thoát
ở mỗi người. Mục đích Phật giáo cũng là mục đích xây
dựng một xã hội, trong đó, tam độc nhường bước trước
tam vô lậu học.
Phật
giáo có giáo lý về bình đẳng Phật tính, điều đó không
phải ai cũng biết một cách tường minh. Cuộc đấu tranh năm
1963 cho thấy, ngoài những điểm tương đồng với quan niệm
nhân quyền, bình đẳng của nhân loại đạt được trong thế
kỷ 20, Phật giáo có chỗ dựa tư tưởng sâu xa hơn nhiều.
Chế độ Ngô Đình Diệm có thể được xem là đại diện
điển hình của tam độc, nó đã tự đánh mất khả năng
tồn tại của chính nó bởi nó dựa trên bạo lực, khủng
bố và đàn áp. Chế độ đó đi ngược lại với những quyền
con người căn bản nhất là quyền được tự do ý thức,
tự do bày tỏ chính kiến và tự do lòng tin. Nó gây hận thù
mà không xóa bỏ hận thù, nó không đi tìm sự tương hợp
mà tìm sự xung đột.
Phật
giáo miền Nam, do những điều kiện riêng, đã lần đầu tiên
đứng lên đòi hỏi có một sự bình đẳng, một sự đồng
thuận xã hội trên lập trường dân tộc. Cần minh định
rằng tư tưởng dân tộc của Phật giáo Việt Nam không phải
là một đột xuất xuất hiện trong điều kiện của miền
Nam lúc đó. Tư tưởng đó đã được khẳng định trong suốt
trường sử Việt Nam mặc dầu Phật giáo là một tôn giáo
ngoại sinh. Phật giáo Việt Nam luôn luôn là của dân tộc
ta và song hành cùng dân tộc ta, ngày càng rõ thêm điều này.
Chính tư tưởng dân tộc dựa trên giáo lý của Phật đà
đã tạo ra một lối sống Phật giáo như đã nói trên. Cốt
lõi của lối sống đó trên bình diện xã hội là không hận
thù, chia rẽ và ly tán. Lối sống đó không đòi hỏi thúc
bách mà khuyến khích thiện nguyện nơi con người. Lối sống
đó hướng tới tu chỉnh hành vi một cách thực tế thay cho
biện luận tư biện giải trình khuôn phép một cách khắt
khe và giáo điều. Và điều gần như kỳ diệu là lối sống
đó đã trở thành một thực tế của sinh hoạt dân tộc ta.
Có rất nhiều chứng cứ để ta có thể khẳng định lối
sống đó.
Vì
vậy, trong thực tế, những gì mà Phật giáo thực hiện năm
1963 ở miền Nam là kết quả của sự tiến hóa lâu dài của
lối sống đó trong lịch sử.
3.
Điểm thứ ba cần rút ra là nếu không có sự thống nhất
thì Phật giáo miền Nam năm 1963 không thể có một phong trào
đấu tranh rộng lớn nhường ấy. Sự vị Phật pháp, vị
dân tộc tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức là đỉnh điểm
của tinh thần thống nhất đó. Tại sao vậy?
Nhìn
vào Phật giáo miền Nam năm 1963, ta thấy rõ hình ảnh của
sự thống nhất năm 1951 của Phật giáo toàn quốc tại Từ
Đàm đang sống động, diễn biến linh hoạt và biến hóa.
Nếu có sự so sánh nào có giá trị trong lịch sử Việt Nam
thì xin hãy lấy Phật giáo Lý - Trần làm đối tượng so với
Phật giáo miền Nam năm 1963. Nhân đây, cũng nên minh định
một điểm khác là Phật giáo ở người Việt chưa bao giờ
là một tôn giáo có vai trò quốc giáo. Nếu ta nói Phật giáo
Lý - Trần là quốc giáo thì theo tôi không đúng với lịch
sử đã đành mà càng không đúng với tinh thần của đức
Phật tổ đã thuyết giảng. Có nhiều dẫn chứng để chứng
minh, song có một tinh thần mà đức Phật đã dạy là Phật
giáo (nếu có dùng khái niệm này) cũng chỉ là bè, là ngón
tay trỏ trăng. Hành trạng của các vị đại sư thời Lý -
Trần mà ta biết được không có điểm nào cho thấy các ngài
muốn biến Phật giáo thành quốc giáo, cho nên đừng cố chứng
minh làm gì Phật giáo thời Lý - Trần là quốc giáo.
Trở
lại, ta thấy rõ Phật giáo năm 1963 đã đạt đến một trạng
thái thống nhất mới, trong điều kiện mới và tỏ rõ đặc
tính chủ động trong biểu hiện của sự thống nhất đó.
Phải có tự tin tới mức nào về sự thống nhất đó mà
Hòa thượng Quảng Đức đã đi đến một quyết định phản
kháng quyết liệt là tự thiêu, và do đó lại càng thúc đẩy
sự thống nhất đi đến chỗ hoàn chỉnh hơn. Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất ra đời năm 1964 là kết quả hữu
cơ của sự thống nhất đó. Giáo hội này đã đóng vai trò
lịch sử xứng tầm của nó. Nó chính là tiền đề thiết
yếu để dẫn đến một cuộc đại thống nhất vào năm 1981
của Phật giáo Việt Nam theo nghĩa hoàn chỉnh nhất của danh
xưng này.
Cố
nhiên, còn nhiều điều cần bổ túc, còn có vấn đề hiện
đại hóa Phật giáo thế nào để Phật giáo tương thích
với xã hội trong thời đại ngày nay, song với tinh thần từ
ngọn lửa THÍCH QUẢNG ĐỨC, ta có thể tin rằng Phật giáo
Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày một lớn hơn trong xã hội
vì có khả năng khế cơ khế lý để hướng dẫn con người,
đưa con người đến một cuộc sống hài hòa, bình đẳng
và thân thiện.
Hà
Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2005
[1]
Nhân hiện tượng tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức,
rồi tiếp đến là những cuộc tự thiêu của các tăng ni,
Phật tử khác, và ngay cả ở Mỹ cũng đã có sự tự thiêu
của N. Morrison ngày 2 tháng 11 năm 1965, người ngoại quốc
đã có sự tìm hiểu về nguồn gốc và lý do dẫn đến tự
thiêu trong Self-Immolation People Who Set Themselves on Fire trong website
The Frances Farmers Revenge Web Portal.