Phiên âm:
Đệ thất giác ngộ: Ngũ dục quá hoạn, tuy vi tục nhân, bất
nhiễm thế lạc. Thường niệm tam y, bình bát pháp khí, chí nguyện xuất
gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết.
Dịch nghĩa:
Điều giác ngộ thứ bảy: Năm dục là tai họa, tuy là người
thế tục, nhưng không nhiễm dục lạc, thường nhớ nghĩ ba y, bình bát và
pháp khí, chí mong được xuất gia, giữ đạo luôn trong sạch, hạnh thanh
tịnh cao xa, từ bi với tất cả.
Giảng giải:
Trong điều giác ngộ thứ hai, chúng tôi từng giảng qua nhiều
lòng dục là kho? nói lòng dục chính là căn bản của sinh tử, rồi chỉ ra
phương pháp để đối trị nhiều lòng dục là ít muốn vô vi.
Nay trong bài giảng này, sẽ thuyết minh tội lỗi, tai họa của
năm dục, lại đưa ra phương pháp trì giới, sống đời phạm hạnh là phương
thuốc đối trị tham dục. Ở đây, chúng tôi sẽ thuyết minh giới học trong
Phật Pháp, tức đề tài: Trì giới là căn bản để tiết chế dục vọng. Người
đời không có trí tuệ, cho rằng tham đắm năm dục là vui. Nhưng Bồ tát
giác ngộ thấy tham đắm năm dục sẽ gây ra các tội lỗi, cho đến chịu tai
họa trong sinh tử luân hồi.
Năm dục theo thế gian là: tài, sắc, danh, thực , thùy.
Tài là tiền bạc của cải.
Sắc là tình yêu nam nữ.
Danh là địa vị danh tiếng.
Thực là ăn uống vị ngon.
Thùy là giải đãi hôn trầm.
Năm dục theo Phật Pháp là: sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Sắc là hình sắc xinh đẹp.
Thanh là âm thanh êm tai.
Hương là hương thơm nồng nàn.
Vị là vị ngon vừa miệng.
Xúc là xúc chạm ưng ý.
Cuộc đời không thể hoàn toàn phủ nhận là không có thú vui của
năm dục. Vì theo kinh nghiệm cảm quan của căn thức con người, thì năm
dục quả có thể dẫn đến hỉ lạc tạm thời, không triệt để. Người ta vì nó
mà không tự chủ, bị mê hoặc, suốt ngày làm nô lệ cho năm dục, tham cầu
vọng tưởng khiến cuộc sống không lúc nào được tự tại, an lạc.
Tài là tiền bạc, của cải. Nó vốn để người ta sử dụng, nhưng có
tiền bạc, của cải chưa chắc đã hạnh phúc. Người ta vì tiền mà chết rất
nhiều. Hai ba năm trước đây, báo chí đăng tin Uông Chấn vì mưu đoạt tiền
bạc mà phanh thây người bạn thân hơn hai mươi năm của mình là Trương
Xương Niên làm ở ngân hàng Đài Loan! Tình bạn thân mà tàn ác như vậy,
không phải đều do tham tiền bạc mà gây ra sao?
Sắc là tình yêu trai gái. Trong hoàn cảnh thuần phong mỹ tục
suy đồi hiện nay, tình ái có ma lực rất lớn. Chúng ta thấy nhan nhản,
nghe đầy tay những vụ án tạt acid, giết tình địch xảy ra hàng ngày trong
xã hội. Ngày nay, trai gái yêu đương xen lẫn với thù hận, vì thù hận mà
dẫn đến kết cuộc bi thảm, như tằm nhả tơ tự trói buộc lấy mình.
Danh là địa vị danh tiếng. Cổ ngữ bảo: thời Tam đại về trước,
người ta sợ rằng mình hiếu danh; thời Tam đại về sau, người ta chỉ lo
mình không hiếu danh! Yêu thích thanh danh vốn là điều rất tốt, nhưng
mỗi khi cạnh tranh tuyển cử, người ta vì tranh danh mà không ngại gì
công khích lẫn nhau, đưa nhau ra tòa. Thật đúng là: Cây càng to thì gió
càng lớn; danh càng cao, ghét nhau càng nhiều! Hay: Leo lên càng cao,
ngã xuống càng đau! Viên Thế Khải không phải vì quá trọng danh vị mà bị
đời sau phỉ nhổ hay sao?
Thực là ăn uống vị ngon. Người ta không ăn không thể sống.
Nhưng ăn quá đáng gây ra các bệnh đường ruột, bao tử là tự làm khổ mình.
Thậm chí có nhiều người vì tham ăn mà trúng độc. Có người nói: Chiến
tranh trên thế giới đều do vấn đề bánh mì! Như vậy có thể thấy, tham dục
về ăn có tai hại lớn đến dường nào! Người ta suốt ngày xuôi ngược đông
tây, tìm cầu suy tính, đều không phải vì miếng ăn cả hay sao?
Thùy là giải đãi hôn trầm. Ngủ nghỉ vừa phải là điều cần thiết.
Tham ngủ quá đáng, giải đãi hôn trầm, lại là việc không nên. Đời người
nếu sống được chín mươi năm, mỗi ngày ngủ tám giờ thì đã có ba mươi năm
trôi qua trong ngủ nghỉ! Vì thế, tham ngủ có hại đến đạo nghiệp, có biết
bao nhiêu việc có ý nghĩa cần làm, lẽ nào vì ngủ nghỉ mà làm lỡ mất hay
sao?
Không luận tài sắc danh thực thùy, hay sắc thanh hương vị xúc,
dục vốn không nhất định là tội ác. Chúng ta sống với năm dục thích đáng
là điều không có gì đáng trách.
Trong Kinh nói: Nam nữ, ẩm thực, danh dự không phải thực sự là
dục, nó chỉ là pháp chướng đạo mà thôi. Nhưng nếu phóng túng lòng dục,
sẽ do nơi lòng dục về nam nữ v.v…, gây tạo ra các tội ác tày trời. Cổ
đức bảo: Tài sắc danh thực thùy, năm gốc rễ địa ngục. Người phóng túng
lòng dục nên suy xét kỹ lời nói này!
Sống trong đời vốn không thể xa lìa được tài sắc danh thực
thùy. Vì sao trong Kinh lại nói rằng: Năm dục là tai họa? Tham cầu năm
dục đưa đến gây tạo tội lỗi, rước lấy tai họa là điều thường xuyên xảy
ra. Nói tóm lại, những tội lỗi, tai họa của năm dục là:
1. Tăng thêm đấu tranh.
2. Làm khổ não người.
3. Gây ra họa hại.
4. Không có chân thật.
5. Không được trường cữu.
Năm dục đối với người như mật ngọt dính trên lưỡi dao, không đủ
cho một bữa ăn ngon. Nhưng trẻ con vì không biết sự tai hại của nó, nên
đưa lưỡi ra liếm, phải chịu tai họa đứt lưỡi!
Ngũ dục gây cho người tai họa to lớn như vậy, cho nên: Tuy là
người thế tục, nhưng không nhiễm dục lạc. người Phật tử tại gia sống
trong vòng thế tục mà đoạn trừ ngũ dục là việc khó thể làm được. Nhưng
chỉ cần không bị dục lạc của thế gian ô nhiễm là được.
Cư sĩ Duy Ma Cật trong thành Tỳ Da Ly là một vị trưởng giả giàu
có. Đó gọi là: Tuy sống ở nhà, không vướng ba cõi, hiện có vợ con,
thường tu phạm hạnh. Hay: Hiện việc phàm phu, không rời đạo pháp. Hay:
Chỉ có trừ bệnh, mà không trừ pháp.
Ở đời cần phải hăng hái xây dựng, mở ra một cảnh giới an lạc
cho cuộc sống. Cảnh giới an lạc này ở ngay trong nhân quần, xã hội!
Chúng ta chỉ cần không bị năm dục làm mê hoặc, trói buộc, thì dù sống
trong cuộc đời ngũ dục cũng không ngại gì. Như trưởng giả Tịnh Danh đối
với nhân sinh và xã hội hiện thực vẫn vô cùng lạc quan. Ông ấy là điển
hình của hàng tại gia học Phật. Sống trong cuộc đời ngũ dục mà muốn
không bị ngũ dục làm ô nhiễm, đây là điều vốn không dễ dàng. Nhưng người
tu học Bồ tát đạo không thể bị ngũ dục làm ô nhiễm. Chỉ cần chúng ta
đem Pháp lạc thay thế dục lạc, lấy việc tu tập để đối trị tham dục, thì
cuộc sống tự nhiên sẽ tự tại, an lạc.
Lấy việc tu tập để đối trị ngũ dục có hai cách: Một là của đệ tử xuất gia, hai là của đệ tử tại gia.
Phật tử tại gia muốn không bị chìm đắm trong ngũ dục, ít nhất phải giữ gìn năm giới.
1. Không sát hại bừa bãi, phải có lòng nhân từ.
2. Không lấy của phi pháp, phải tôn trọng đạo nghĩa.
3. Không tà dâm, phải giữ gìn lễ giáo.
4. Không vọng ngữ, phải chân thật, thành tín.
5. Không uống rượu, phải bình tỉnh, sáng suốt.
Năm giới này là căn bản làm người. Đại sư Thái Hư nói: Nhân
cách thành tựu thì Phật thành tựu. Làm người nếu làm tốt đẹp, thì việc
tu học theo Phật Pháp tự nhiên cũng thành tựu. Làm người tốt đẹp thực ra
cũng không phải là việc dễ dàng gì. Socrates ban ngày cầm đuốc đi ngoài
đường. Ai hỏi ông làm gì, ông đều trả lời:
- Tôi muốn tìm xem có ai là Người trên đời này không!
Người gìn giữ năm giới trên đời này rất ít, mà kẻ giữ được trọn vẹn lại càng ít hơn!
Vừa nói đến trì giới, người mới vào đạo rất là e sợ. Họ cho
rằng giới luật là sự ràng buộc: Điều này nên làm, điều kia không nên
làm. Thật ra, giới là phòng ngừa điều phi pháp, cấm ngăn việc xấu ác
(phòng phi chỉ ác). Giới chẳng những không phải là ràng buộc, mà còn
mang nội dung tự do một cách tuyệt đối. Nói tự do là nói đến nguyên tắc
không làm trở ngại, xâm phạm người khác. Giới luật là gìn giữ thân tâm
chúng ta, không để xâm phạm vào người khác.
Như sát sinh là xâm phạm đến tự do sinh mạng của người. Trộm
cướp là xâm phạm đến sự an toàn tài vật của người. Tà dâm là xâm phạm,
làm hại đến sự hòa hợp, hạnh phúc của người. Nói vọng là xâm phạm, làm
hại đến niềm tin của người khác. Uống rượu là xâm phạm, làm hại đến mình
và người. Giả như chúng ta đến nhà giam để điều tra tội của các phạm
nhân, thì hầu hết đều vì vi phạm năm giới! Tội giết người là tội phạm
giới sát sinh. Tội trộm cướp, lừa gạt, chiếm dụng, tham ô là tội phạm
giới trộm cướp. Tội phá hoại gia cang, vi phạm thuần phong mỹ tục, vợ
bé, cưỡng hiếp v.v… là phạm giới tà dâm. Tội lừa đảo, dụ dỗ, bói toán
gạt người, vu khống làm hại danh dự, tung tin đồn thất thiệt v.v… là
phạm giới nói vọng. Tội buôn bán thuốc phiện, hút chích ma túy, say rượu
quậy phá, đánh nhau v.v… là phạm giới rượu.
Phàm làm người ai cũng phải giữ giới. Năm dục như nước lũ, rất
dễ gây nên tai họa. Nếu có đê trì giới ngăn chặn, biển tham dục sẽ không
gây ra tai họa.
Trong Kinh nói: Thường nghĩ đến ba y, bình bát và pháp khí, chí
mong được xuất gia, giữ đạo luôn trong sạch. đây là nói người cư sĩ tại
gia, thân tuy không xuất gia mà tâm thường hâm mộ nếp sống thanh tịnh
với ba y, bình bát, và giới luật của người tu sĩ xuất gia. Nếu ai làm
được như vậy, sẽ xa lìa mọi trói buộc, giữ gìn nhân cách mình được trong
sạch, thanh cao.
Ba y, bình bát, pháp khí đều là những vật của người xuất gia. Ba y là chỉ ca sa, chia làm ba loại.
1. Tăng Già Lê (đại y)
2. Uất Đa La Tăng (y thất)
3. An Đà Hội (y ngũ)
Bình bát là đồ đựng thức ăn khất thực. Tiếng Phạn là Bát Đa La
(pAtra), Trung Hoa dịch là ứng lượng khí, vì nó có hình thể, màu sắc và
thể lượng tương ứng. Pháp khí là những vật dụng giúp cho việc tu hành
như pháp cổ, pháp loa, pháp đăng, pháp tràng cho đến chuông, mõ, khánh
v.v….
Không luận là ba y, bình bát hay pháp khí đều là đại biểu cho
Tăng đoàn thanh tịnh, tượng trưng cho nhân cách của người tu hành. Hoàng
đế Thuận Trị có bài thơ rằng:
Cơm chùa thiên hạ có thiếu chi
Bình bát tùy duyên khắp chốn đi
Vàng ngọc thế gian đâu phải quí
Đắp được ca sa mới diệu kỳ!
Hoàng đế Thuận Trị khen ngợi bình bát, ca sa, cũng chính là
khen ngợi Tăng đoàn xuất gia. Người ta phần nhiều có tâm lý quên ân phụ
nghĩa, thích ghi nhớ cừu hận mà không chịu nghĩ đến ân tình. Trong xã
hội, ta dù cả ngàn lần giúp người mà chỉ một lần không làm vừa ý họ là
bị hiềm giận! Nên Kinh này dạy người đệ tử tại gia học Phật phải thường
nghĩ nhớ đến ba y, bình bát, pháp khí, không nên nhớ đến lầm lỗi của
người. Phật tử tại gia như Trưởng giả Duy Ma Cật, phu nhân Thắng Man đều
là Bồ tát tại gia. Văn Thù, Phổ Hiền đều hiện tướng Bồ tát tại gia để
giáo hóa chúng sinh. Chỉ có Địa Tạng Bồ tát là hiện tướng xuất gia. Bồ
tát không có phân biệt trên hình tướng là xuất gia hay tại gia, mà chỉ
dựa vào sự phát tâm tu hành để đánh giá phẩm vị cao hay thấp. Hơn nữa,
nói về xuất gia cũng có bốn hạng khác nhau:
1. Thân tâm đều xuất gia: Đây là chỉ các vị Tỳ kheo không tham luyến các cảnh dục.
2. Thân tại gia mà tâm xuất gia: Đây là chỉ hàng cư sĩ tuy thọ dụng ngũ dục mà tâm không đắm nhiễm.
3. Thân xuất gia tâm không xuất gia: Đây là hạng tu sĩ đầu tròn áo vuông mà tâm vẫn luyến ái thế tục.
4. Thân tâm đều không xuất gia: Đây là chỉ người thế tục thọ dụng năm dục, chìm đắm trong ái nhiễm.
Đứng trên phương diện nào xét cũng vậy, người học đạo không
luận xuất gia hay tại gia đều như nhau không khác. Phật tử tại gia tuy
thân không mặc ca sa, nhưng chỉ cần chí mong được xuất gia, tức tâm xuất
gia là tốt rồi. Vua Đường Thái Tông là Lý Thế Dân nói: Xuất gia là việc
của bậc đại trượng phu, không phải là kẻ làm tướng văn, tướng võ có thể
đảm đương nỗi. Nếu không thể làm một vị Tỳ kheo xuất gia có khả năng
hoằng Pháp lợi sinh, thì tốt hơn nên làm vị cư sĩ tại gia hộ trì Chánh
Pháp!
Trong hàng ngũ Phật giáo ngày nay, phần nhiều người xuất gia
không ra xuất gia, người tại gia không ra tại gia, thật khiến cho chúng
ta vô cùng xót xa! Người xuất gia thì ham phú quý vinh hoa trong xã hội,
sống chỉ mong cầu vật chất, bị thế tục hóa; người tại gia lại thích can
thiệp vào việc của Tăng đoàn, quản lý chùa chiền, đây đều là hiện tượng
không tốt đẹp. Hy vọng rằng sau này, hàng Bồ tát tại gia ủng hộ Phật
Pháp, hộ trì Tam Bảo, chú trọng về việc từ thiện trong xã hội, không nên
vì quyền lợi quản lý tài sản trong các tự viện mà tranh giành với hàng
Tỳ kheo; cũng hy vọng sau này, người xuất gia trụ trì Phật Pháp, trụ trì
Tam Bảo, phải có một nền tảng đức hạnh, học vấn vững chắc, để lãnh đạo
Phật tử tại gia trong sự nghiệp giáo dục, văn hóa, từ thiện. Được như
vậy, Phật giáo may mắn lắm thay! Chúng sinh may mắn lắm thay! Kinh này
chỉ ra người tại gia cần phải chí mong được xuất gia, giữ đạo luôn trong
sạch; người xuất gia phải hạnh thanh tịnh cao xa, từ bi với tất ca.
Hạnh thanh tịnh tức là phạm hạnh. Phạm có nghĩa là thanh tịnh,
hạnh là hành vi cách sống. Cách sống xa lìa lỗi lầm, dục lạc, đó là phạm
hạnh. Từ là đem đến cho chúng sinh niềm vui, bi là làm vơi hết khổ đau
của chúng sinh. Thương yêu giáo hóa đó là từ bi. Đệ tử xuất gia phải
thực hành hạnh thanh tịnh đến chỗ cao xa, dùng lòng từ bi vô ngã để đối
đãi với tất cả chúng sinh, đem ân huệ ra chan rải khắp cuộc đời!
Dịch thơ:
Điều thứ bảy nhớ ghi giác biết
Ngũ dục là muôn kiếp họa tai
Thân tuy ở tục qua ngày
Tâm không đắm nhiễm trần ai thói đời.
Thường nhớ nghĩ ba y, bình bát
Tiêu biểu cho Bồ tát xuất gia
Chí mong sớm được xa nhà
Sống đời giải thoát an hòa thanh cao.
Lập nguyện lớn cầu Vô thượng đạo
Hạnh kiên trì hoài bão độ sanh
Dù bao chướng ngại tu hành
Vẫn không lay chuyển hạnh lành từ bi!