lại thêm,
văn Kinh trong sáng, gảy gọn, dễ đi vào lòng người, nên xưa nay rất được
các bậc thiền đức coi trọng, truyền bá. Theo truyền thống Phật giáo
Trung Quốc, các tăng ni sinh trong Tòng lâm và Phật Học Viện phải học
thuộc lòng và đọc tụng Kinh này hàng ngày.
Ở Việt Nam, Kinh Bát Đại Nhân Giác được dịch và dạy
trong chốn tòng lâm và Phật Học Viện như môn học bắt buộc của người sơ
tâm xuất gia, cũng như được lưu truyền rộng rãi trong giới Phật tử lâu
nay. Pháp sư Diễn Bồi năm 1958 sang Việt Nam giảng Kinh Bát Đại Nhân
Giác ở chùa Xá Lợi từng bảo: "Hành giả Phật giáo Trung Quốc trước nay
thường tụng niệm Tâm Kinh Bát Nhã, càng nên thọ trì thêm Kinh Bát Đại
Nhân Giác; hành giả Phật giáo Việt Nam trước nay thường tụng niệm Kinh
Bát Đại Nhân Giác, càng nên chí tâm tụng đọc thêm Tâm Kinh Bát Nhã."
Như vậy đủ thấy, Kinh Bát Đại Nhân Giác và Tâm Kinh Bát
Nhã có vai trò quan trọng trong đời sống tu học của người con Phật như
thế nào!
Nội dung Kinh này bao gồm tám điều giác ngo?của bậc Đại
nhân (Phật, Bồ tát), nghĩa lý uẩn súc, bao quát cả hệ thống tư tưởng
Giải thoát đạo và Bồ tát đạo trong Phật giáo, nên trước giờ có rất nhiều
vị Cao tăng Thạc đức chú thích, giảng giải.
Quyển sách này biên tập mười bài giảng về Kinh Bát Đại
Nhân Giác của đại sư Tinh Vân, Tông chủ Phật Quang Sơn ở Đài Loan hiện
nay, nên có tên: Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác. Đây là một tác
phẩm Phật học phổ thông được giới Phật tử trân trọng, truyền bá rộng rãi
ở Đài Loan gần đây. Đại sư giải thích một cách dễ hiểu, sinh động, thực
tế, cộng thêm nhiều mẫu chuyện lý thú để giúp người nghe, người đọc dễ
dàng thâm nhập diệu lý trong Kinh.
Năm 1993, người viết phụ trách môn Kinh Bát Đại Nhân
Giác ở trường hạ chùa Bửu Liên ( Bình Thạnh), Chùa Định Thành (quận 7)…,
đã sử dụng quyển sách này như tài liệu chính để tham khảo, giảng dạy
trong mùa an cư. Nhận thấy đây là một tài liệu rất hữu ích cho tăng ni
và Phật tử trong bước đầu học Phật, nên chúng tôi vừa dạy vừa dịch ra
Việt văn, khi mãn hạ thì dịch phẩm cũng hoàn thành, và cho in photo lưu
hành nội bộ để tăng ni, Phật tử có tài liệu tu học.
Thấm thoát thời gian đã tám năm, bản dịch này mới được
chính thức xuất bản để kết Pháp duyên cùng đại chúng. Trải qua thêm một
đoạn đường tu học, đương nhiên khi nhìn lại mình trong quá khứ sẽ thấy
có những điểm chưa vừa ý. Đó là do học vấn tiến bộ và tư tưởng chín chắn
hơn. Cho nên bản dịch này được bút giả xem lại, so với bản dịch cũ có
sửa lại lời văn, bổ túc thêm phần dịch thơ, chú thích xuất xứ, nguyên
văn…, để tiện cho người dạy, người học tham khảo, tra cứu.
Trong phần trình bày ở mỗi bài giảng, bút giả chia làm
năm phần: 1. Hán văn, 2. Phiên âm, 3. Dịch nghĩa, 4. Giảng giải, 5. Dịch
thơ. Phần Hán văn và phiên âm giúp ai học chữ Hán, nhất là tăng ni sinh
lớp sơ cấp có nguyên bản tham khảo, học hỏi. Phần dịch nghĩa dịch theo
nhịp câu năm chữ, tương ứng với nhịp câu bốn chữ Hán văn, giúp cho việc
tụng đọc và hiểu rõ nghĩa câu chữ Hán. Phần giảng giải là của Đại sư
Tinh Vân, những câu Kinh trích dẫn, bài thơ bài kệ trong đó, dịch giả
phần lớn đều nêu rõ xuất xứ, nguyên văn ở phần cước chú, rất tiện cho
việc đối chiếu, nghiên cứu thêm. Phần dịch thơ được dịch theo thể song
thất lục bát, chú trọng âm vận, nhưng không đánh mất nguyên ý, nhằm giúp
cho việc ghi nhớ, thọ trì mỗi ngày.
Trong phần xuất xứ, ghi tắt dựa theo qui định học thuật
quốc tế. Ví dụ xuất xứ ghi: (T09, no. 278, p. 467, a21~22). Như vậy có
nghĩa: Đại Chánh Tạng, quyển 9, Kinh số 278, trang 467, phần trên, từ
dòng 21 đến dòng 22. Đại Chánh Tạng tức Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh
do Nhật Bản biên tập, là bộ Đại Tạng Kinh phổ biến nhất hiện nay. Một
trang Đại Tạng Kinh chia làm ba phần: phần trên, phần giữa, phần dưới,
dùng a, b, c để ký hiệu.
Trước khi soạn được một quyển Kinh Bát Đại Nhân Giác
Giảng Giải mang tính giáo khoa và hoàn thiện hơn để sử dụng chính thức
trong các trường Sơ Trung Phật Học Việt Nam, thiết nghĩ quyển Mười Bài
Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác này sẽ giúp thêm tài liệu tham khảo học tập
cho tăng ni sinh trong nước. Còn đối với người Phật tử nói chung, quyển
sách này sẽ khơi mở cho người đọc một nhận thức đúng đắn về Phật giáo,
tức Bồ tát đạo nhập thế với tinh thần xuất thế! Đó là:
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Vẫn len vào chốn bụi hồng lợi sinh!
Người đọc sẽ phát hiện: Giải thoát đạo và Bồ tát đạo bổ
túc và thành tựu cho nhau. Đại thừa và tiểu thừa chỉ xác định trên tâm
lượng rộng lớn hay nhỏ hẹp, mà không phải ở pháp này thấp, pháp kia cao.
Như Kinh Kim Cang nói: "Các pháp bình đẳng không có cao thấp."
Kinh Bát đại nhân giác có giá trị về tư tưởng và hành
trì như vậy, mong rằng những ai là đệ tử Phật luôn ghi nhớ, tụng niệm
mỗi ngày, để tự tỉnh thức và thức tỉnh mọi người, cùng sống đời Đại nhân
an lạc, giải thoát.
Cuối cùng, xin dẫn lời của Đại sư Tinh Vân để thay lời
kết: Tám điều giác ngộ như la bàn của nhà đi biển, chỉ ra con đường phía
trước cho nhân sinh! Tám điều giác ngộ như tiếng chuông vang vọng giữa
đêm trường, thức tỉnh những ai đang còn mơ màng trong giấc mộng! Đây
chính là Thánh điển chỉ cho chúng sinh nhận rõ đường mê, quay về nẻo
giác; giúp người Phật tử cải thiện cuộc sống, thăng hoa nhân cách, ngày
một tốt đẹp hơn!
Nghiên cứu Sở Taipei ngày 31/10/2000
Dịch giả: Thích Minh Quang cẩn chí