Nhìn rõ thực tại
Tâm ta cũng giống như con khỉ, hết chuyền cành này
đến cành khác mà không bao giờ chịu đứng yên. Dù biết rằng tâm là để
nhận biết, cảm nhận, suy tưởng, thể hiện tình cảm hay quyết định nhưng
nó không phải là một cỗ máy để cho ra số lượng sản phẩm càng nhiều càng
tốt. Sự hạn chế tất yếu của con người là thường không biết nên để tâm
lên đối tượng hay vấn đề kia ở mức độ nào là vừa đủ. Đủ không hẳn là
phải giải quyết được vấn đề, mà nó hợp lý với nguồn năng lượng dự trữ
đang có trong ta bởi vì ta còn phải chi tiêu cho những vấn đề quan trọng
khác nữa. Không suy nghĩ là một trạng thái rất quan trọng để giúp cho
tâm quân bình và sâu sắc, nhiều khi suy nghĩ chỉ đốt cháy năng lượng và
làm cho ta thêm căng thẳng hay nhận thức lệch lạc chứ không giải quyết
được vấn đề gì cả.
Triết gia Descartes đã có lần phát biểu “Tôi suy nghĩ, vì thế tôi đang tồn tại”
(I think, therefore I am). Nhiều người cũng đồng quan điểm này, họ căn
cứ vào dòng suy nghĩ để thấy được sự tồn tại của mình, nghĩa là con
người phải luôn suy nghĩ vì nếu không suy nghĩ thì đó không còn là một
thực tại sống động nữa. Cũng như những người già hay kiếm việc gì đó làm
để thấy mình đang tồn tại, mình không phải là thứ bất tài vô dụng trong
mắt con cháu. Thực ra họ chỉ cần ngồi yên đó, cứ mỉm cười vui vẻ với
con cháu, hoặc luôn thể hiện năng lượng bình yên thì đủ chứng tỏ họ đang
tồn tại rồi, và đó mới chính là sự tồn tại đích thực. Cũng vậy, khi
nhìn một đóa hoa ta đâu cần suy tư thì ta mới cảm nhận được sự có mặt
mầu nhiệm của nó. Đôi khi chính những dòng suy tưởng mông lung đã kéo ta
ra khỏi thực tại, làm cho ta biến mất và thực tại cũng biến mất. Ta chỉ
có xác mà không có hồn thì đâu thể nào gọi đó là sự tồn tại.
Khi nhìn đóa hoa mà không suy tưởng, không bị tương
lai hay quá khứ kéo đi, chỉ thấy rõ đây là một đóa hoa đang nở trong
buổi sớm thì đó là trạng thái định tâm (concentration).
Định tâm tức là tâm đang đứng yên trong thực tại để nhận biết rất rõ
những gì đang xảy ta trong ta và chung quanh ta. Nếu ta duy trì khả năng
chuyên chú trên một đối tượng đã chọn lựa trong thực tại với một thời
gian đủ lâu mà không có bất cứ ý niệm nào kéo đi thì ta sẽ có được định
lực, tức là sức mạnh của tâm chuyên chú. Lỗi thường mắc của hầu hết
chúng ta là có thói quen hay nhìn mọi thứ chỉ thoáng qua mà lại tưởng là
mình đã thấy hay đã biết hết rồi, trong khi mỗi đối tượng đều luôn
không ngừng vận động. Tâm chuyên chú mạnh mẽ sẽ có khả năng phát ra năng
lượng chiếu sáng lên đối tượng, nên càng nhìn ta sẽ càng nhận rõ được
bản chất thật hay cấu trúc hoạt động của nó.
Đời sống luôn có hấp dẫn lực nên rất dễ kéo tâm ta
chạy lang thang suốt ngày ở bên ngoài, đến khi lên bàn ăn hay giường ngủ
ta vẫn tiếp tục để nó chìm nổi trong những dự án kế hoạch. Theo thời
gian ta dần đánh mất thói quen nghỉ ngơi hay để tâm chuyên chú vào một
đối tượng, trái lại ta còn cho rằng càng nghĩ ra được nhiều ý tưởng mang
lại lợi nhuận thì càng tốt. Làm như thể con người sinh ra chỉ để làm
việc và kiếm tiền. Thế nên chậu kiểng trước nhà khô héo đã lâu ta cũng
không thấy, chiếc áo đã sứt nút mà ta cũng không hay, trong nhà có bao
nhiêu người đang có mặt chung ta cũng không biết, ta đã ăn cơm chưa hay
có hẹn với ai hôm nay ta cũng không nhớ. Thật tệ! Ta cũng hay tự trách
mỗi khi phát hiện ra mình bị đãng trí, nhưng rồi ta cũng tự bào chữa
bằng lý do bận rộn rồi dễ dàng cho qua để tiếp tục thả tâm rong ruỗi đi
tìm nơi trú ẩn hấp dẫn.
Nhưng nếu nhìn chăm chú vào ánh nắng thì nắng ấm hơn,
ta lắng lòng nghe tiếng chim hót thì tiếng chim sẽ hay hơn, ta hết lòng
bưng tách trà uống thì trà sẽ thơm nồng hơn. Sự có mặt đích thực của
thân lẫn tâm sẽ giúp cho chính đối tượng kia có giá trị hơn và chính ta
cũng sẽ được thừa hưởng nhiều hơn. Một sự thật rất sâu sắc đó là khi tâm
an định, chấp nhận có mặt 100% trong giây phút hiện tại thì nó sẽ kết
nối được với những năng lượng an lành có sẵn trong vũ trụ, sẽ giúp những
năng lượng độc hại trong ta lắng dịu xuống, đồng thời sẽ mời lên những
phẩm chất quý giá trong chiều sâu tâm hồn. Đó là lý do khi tâm an định
ta thường dễ tháo gỡ những vấn đề tưởng chừng rất khó khăn. Cho nên định
tâm chính là thách đố lớn nhất cho những ai muốn tiến xa trên con đường
đạo đức, vì chỉ có định tâm mới cho ta sức mạnh để kiên trì chiến đấu
với phiền não.
Nghệ thuật định tâm
Để rèn luyện cho mình thói quen định tâm, điều kiện
đầu tiên là ta phải bớt bận rộn, phải cho mình một cơ hội lớn tìm về
chính mình. Ta không thể ra lệnh cho tâm mình dừng lại và ép nó không
được suy nghĩ trong khi ta vẫn còn muốn nắm bắt cái này cái nọ. Một
không gian nhẹ nhàng và tĩnh lặng sẽ rất giúp ta dễ dàng thu tâm mình
trở về kết thành một mối với thân. Thân ở đâu thì tâm ở đó. Cũng như khi
dùng chiếc kính lúp đón nhận những tia nắng song song thì nó sẽ hội tụ
lại thành một điểm, sau đó ta lấy miếng rơm khô để phía dưới kính lúp
thì chùm ánh sáng hội tụ ấy sẽ đốt cháy miếng rơm khô ngay tức khắc. Khả
năng tập trung của tâm ý cũng có khả năng đốt cháy phần nào phiền não
thô lậu trong ta, làm cho ta trở nên nhẹ nhàng, trầm tĩnh và sáng suốt
hơn.
Ta cần cố gắng tập luyện sống chậm hơn bình thường
càng nhiều càng tốt, nhưng cũng đừng quá chậm để mất đi vẻ tự nhiên. Mỗi
khi mở vòi nước, đóng cánh cửa hay đặt tách trà xuống ta đều quan sát
kỹ những đối tượng đó và ghi nhận rõ ràng ta đang làm gì. Ta có thể cắt
từng hành động của mình ra thành từng mẫu nhỏ để thực nghiệm việc định
tâm cho dễ dàng. Thí dụ khi bưng tách trà lên ta có thể chia làm 3 giai
đoạn để chú tâm: bưng lên, đưa tới và uống. Trong khi uống ta cũng chia
làm 3 giai đoạn để chú tâm: vừa uống, đang uống và uống xong. Mục đích
cho sự thực tập chậm rãi giúp tâm ta không dễ dàng bay nhảy nơi khác vì
nó phải tinh tế mới chuyên chú được trên những đối tượng nhỏ nhặt.
Bất kỳ cứ việc gì hay nơi đâu ta cũng có thể áp dụng
bài thực tập chia nhỏ từng thao tác hành động để quan sát, trừ khi đó là
những việc có tính chất nguy hiểm hay quá khẩn thiết. Tập quan sát bước
chân của mình trong khi đi trong phòng thì sự định tâm cũng dễ dàng xảy
ra. Chỉ cần thả lỏng hai tay theo chiều cơ thể và bắt đầu chú ý vào
bước chân đi trong 3 giai đoạn: dở lên, đưa tới, đặt xuống. Ta cũng có
thể chia mỗi động tác như vậy thành 3 lần nhỏ hơn nữa để sự chú ý của ta
càng thêm mạnh mẽ: phần đầu - phần giữa và phần cuối của sự dở lên,
phần đầu - phần giữa và phần cuối của sự đưa tới, phần - phần giữa và
phần cuối của sự đặt xuống. Nên nhớ ta chỉ dùng tâm để cảm nhận chứ
không cần phải nhìn xuống bước chân mình. Bài tập này tuy hơi khô khan,
nhưng nếu kiên trì trong nửa giờ ta sẽ gặt hái kết quả rất bất ngờ. Và
đây chính là bài tập căn bản của thiền.
Hơi thở mầu nhiệm
Những bậc tu thiền thành công từ nhiều thế hệ qua
luôn xem hơi thở là sự lựa chọn hàng đầu để định tâm, vì hơi thở không
chỉ là một tiến trình vật lý mà nó còn là nhịp cầu nối với các tiến
trình tâm lý nữa, nghĩa là thông qua hơi thở mà ta có thể biết được
những trạng thái biến đổi của tâm lý. Điều thú vị là ta có thể cảm nhận
hơi thở một cách trực tiếp mà không cần đến sự can thiệp của tư tưởng
hay kinh nghiệm có sẵn. Nên nhớ hơi thở là một tiến trình tự nhiên, ta
không dùng ý chí can thiệp thì hơi thở vẫn vào và ra theo nhịp độ riêng
của nó. Do vậy khi chọn hơi thở làm đối tượng chú tâm thì ta vẫn tôn
trọng tính tự nhiên của nó, chỉ cần nhận biết và hiểu biết nó chứ không
ép buộc nó phải như thế này hay như thế kia. Trên thực tế ta cũng hay
vấp váp trong khi thở, vẫn muốn áp đặt hơi thở theo ý mình, muốn nó dài
hơn hoặc ngắn hơn, muốn nó êm dịu hay nhẹ nhàng. Đó là một thái độ sai
lầm cần phải tránh. Ranh giới giữa hơi thở tự nhiên và hơi thở có nhồi
nặn rất mong manh, ta phải cẩn thận. Ta chỉ đơn thuần quan sát nó, đừng
đọc lầm bầm trong tâm bằng một câu kệ nào đó hay tưởng tượng thêm cái gì
hết.
Nhưng muốn quan sát được ta phải nhận diện ra hơi thở của mình như thế nào trước đã.
Ta có thể chú tâm vào sự phình xẹp của bụng, khi hơi thở đi vào thì
bụng sẽ tự động phình lên và khi hơi thở đi ra thì bụng sẽ tự động xẹp
xuống. Song cách thở này chỉ phù hợp với một số ít người thôi, bởi nó sẽ
làm cho ta dễ hồi hộp vì phải rượt đuổi theo hơi thở, vả lại, cách theo
dõi này sẽ không làm cho ta cảm nhận hơi thở một cách trực tiếp.
Cách mà nhiều vị hành thiền thường sử dụng đó là chú tâm vào chỗ phần
chóp mũi, có thể là ngay vành trong của mũi hay ngay phía môi trên, điều
này còn tùy thuộc vào chiếc mũi của mỗi người. Đầu tiên, ta hãy hít vào
một hơi cho thật dài và sâu rồi ghi nhận không khí bên ngoài đi vào, nó
sẽ chạm vào phần nào đó của chiếc mũi rõ ràng nhất, và đó chính là điểm
mà ta cần ghi nhớ để quan sát hơi thở trong những lần thực tập sau này
mà không nên để tâm chạy kiếm hơi thở lung tung. Đuổi theo hơi thở sẽ
rất mệt mỏi nhưng không bao giờ đuổi kịp vì hơi thở nó cứ trôi chảy mãi.
Hãy tập quan sát mối liên hệ rất tinh tế giữa hơi thở
và ý muốn điều khiển hơi thở và cả thái độ muốn ngưng sự điều khiển
nữa. Ban đầu sẽ hơi khó chịu, nhưng dần dần ta sẽ cảm nhận được giá trị
của hơi thở tự nhiên hoàn toàn khác biệt với hơi thở bị điều khiển, và
ta sẽ học hỏi được rất nhiều về thái độ hay mong muốn của mình. Với thái
độ quan sát hơi thở tinh vi như vậy thì chỉ trong một thời gian ngắn ta
sẽ không còn muốn điều khiển nó nữa. Thời gian đầu việc quan sát hơi
thở sẽ làm cho ta rất dễ chán nản vì cảm thấy nó thật là vô vị, nhưng
nếu kiên trì một thời gian ngắn và thở đúng cách ta sẽ thấy nó rất đa
dạng và kỳ diệu vô cùng. Thực ta, không có hơi thở nào giống với hơi thở
nào, chúng biến hóa rất tinh xảo mà với tâm hời hợt hay có thành kiến
rằng nó vốn là như vậy thì ta không thể nào khám phá và thấu hiểu được.
Cho nên quan sát hơi thở không chỉ là quan sát đường nét của nó, mà ta
còn quan sát đến cả nội dung của nó, nó là một bản nhạc hòa tấu giữa
những trạng thái hổn hển rồi lắng dịu, sâu rồi cạn, gấp gáp rồi nhẹ
nhàng.
Nhiều lúc ta có cảm giác như không nhận ra được hơi thở của mình. Đừng quá lo lắng.
Hãy chú tâm trở lại ngay điểm mà ta đã chọn chỗ phần đầu chóp mũi hay
sự phồng xẹp của bụng bằng một hơi thở mạnh thì ta sẽ nắm bắt được ngay.
Nên nhớ, ta đừng bao giờ tự trách móc tâm mình trong khi thiền tập,
điều đó chẳng lợi ích gì vì nó chỉ là kết quả của quá trình sống trong
lãng quên của ta. Chỉ cần nhắc nhở nó thường xuyên là được. Trong
khi quan sát hơi thở thì trong tâm ta cũng sẽ hiện lên hình ảnh, âm
thanh, tình cảm, nhận xét, hay những tâm lý lo lắng, tiếc nuối, buồn
tủi, hoang man…Khi ấy, ta tạm thời rời hơi thở để chú tâm lên những đối
tượng mới. Nếu thấy mình không có chút định lực nào thì không nên, hãy
tạm thời ngó lơ những biến động bất chợt của tâm lý mà giành hết ưu tiên
cho mỗi hơi thở thôi. Nhưng nếu ta đã sẵn sàng quan sát thì chỉ nên
quan sát từng hiện tượng tâm lý một, chứ đừng gom hết chúng lại.
Khi những đối tượng ấy phai mờ đi thì ta lại đem tâm
trở về với hơi thở, hơi thở bấy giờ là đối tượng chính, là điểm tựa an
toàn nhất của ta sau mỗi chuyến đi thăm những lĩnh vực khác dù đó là
những phản ứng trên thân hay là những phản ứng trên tâm. Ta đừng nóng
vội trong khi thực hành, đừng quá nôn nóng giải quyết những phiền não.
Nhưng với chút định lực tích góp từ hơi thở, trong mỗi chuyến đi quan
sát những biến động mạnh nơi thân hay nơi tâm như vậy thì tâm ta lại
mang thêm một kinh nghiệm mới về bản chất vô thường và vô ngã của mọi sự
vật và hiện tượng mà không chỉ riêng gì hơi thở. Thái độ quan sát bằng
tâm không mong cầu hay chống đối, thuần túy bằng cái tâm tìm hiểu và
khám phá thì sẽ cho ta nhiều cái thấy rất tuyệt vời mà từ trước giờ với
cái tâm đầy xáo động và đặt sệt phiền não ta không tài nào biết nổi.
Một điều cần lưu ý là những lúc ta kinh nghiệm được
hơi thở của mình một cách sâu sắc, thì ta bỗng nghe trong tâm hình như
có rất nhiều gào thét hay những mớ âm thanh hỗn loạn, ta thấy mình như
đang chới với như chiếc xe đang đầu xuống vực thẳm mà ta không thể điều
khiển được. Không có gì lạ cả, thực ra lúc nào trong tâm ta cũng hỗn
loạn như vậy, cũng đầy dẫy những cuộc xung đột hay những khoảng trống
chơi vơi như vậy, chỉ vì trước giờ ta chưa bao giờ nhìn kỹ vào thôi. Tâm
thức ta rối rắm và đầy phiền toái như vậy đó mà ta còn chưa chịu thu
dọn hay giải quyết chúng, vẫn cứ lo đi tìm những thứ hấp dẫn bên ngoài
thì đừng có trách tại sao ta vẫn thường hay bất lực với chính mình.
Chung quanh ta còn biết bao người vẫn đang sống bằng
sự may rủi của hoàn cảnh, vẫn không biết cái gì đang tàn phá bên trong
họ, nhìn họ có vẻ như không có vấn đề gì nhưng thực chất là họ đang bị
trói buộc và điều khiển. Còn ta, tuy phải đối diện với những phiền toái
bên trong nhưng ta đang trên con đường tháo gỡ nó. Nếu ta vẫn còn nhiều
lý do để không chịu giành thời gian và năng lực tinh tiến luyện tập quan
sát hơi thở và những biến động tâm lý của mình; hoặc ta không biết cách
quan sát hơi thở, chỉ sử dụng nó một cách thô kệch hay áp đặt nó như
những phương pháp luyện tập yoga thì ta sẽ tạo nên sự chay cứng trong
công phu thiền tập của mình, ta sẽ có thành kiến với vấn đề quan sát hơi
thở và chẳng bao giờ thu hoạch thêm sự khám phá mới lạ nào. Cho
nên chấp nhận quay về chính mình đã hay lắm rồi, nhưng chính thái độ
thực tập đúng đắn mới quyết định sự thành công. Và chỉ khi nào tâm ta
yên định thật sự thì hạt giống trí tuệ mới bắt đầu hé nở.
Khi tâm tư lạc lõng
Hãy quay lại chính mình
Nương tựa vào hơi thở
Chốn nghỉ ngơi an bình