Phiên âm:
Đệ nhị giác tri: Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi; thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.
Dịch nghĩa:
Điều giác ngộ thứ hai: Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh
tử nhọc nhằn, đều từ tham dục ra; nếu ít muốn vô vi, thân tâm được tự
tại.
Giảng giải:
Điều giác ngộ thứ nhất trong Kinh Bát Đại Nhân Giác nói đến thế
gian quan của Phật giáo. Từ điều giác ngộ thứ hai đến điều giác ngộ thứ
bảy là nói về nhân sinh quan của Phật giáo.
Phật giáo nói đến thời gian, thì chia làm ba: quá khứ, hiện
tại, vị lai; còn thuyết minh không gian, lại có thế giới này, thế giới
khác, mười phương vô lượng thế giới; nói đến hữu tình, chia làm mười
pháp giới: Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, trời, người, a tu la,
ngạ quỉ, súc sinh và địa ngục. Đạo lý Phật giáo tuy có phạm trù rộng
lớn, nhưng vẫn lấy vấn đề nhân sinh làm trọng tâm.
Nói đến nhân sinh, người ta liền liên tưởng đến những vấn đề mà
con người cần thiết như ăn mặc, dục lạc, hôn nhân v.v…. Thực ra, những
vấn đề này tuy quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề sinh
tử.
Giới văn hóa ngày nay rất đông, ai cũng nêu cao khẩu hiệu mưu
cầu hạnh phúc cho nhân loại. Nhưng khoa học phát đạt, nghệ thuật xương
minh, văn học ưu mỹ, chính trị tiến bộ cũng không thể giải trừ hoàn toàn
đau khổ cho nhân loại. Khoa học, nghệ thuật, văn học, chính trị tuy có
công năng cải thiện cuộc sống, nhưng không thể giải thoát sinh tử cho
con người.
Chúng sinh luân hồi trong ba cõi sáu đường, sinh rồi lại tử, tử
rồi lại sinh, gánh chịu biết bao đau khổ, đều do tham dục dẫn khởi mà
ra. Học thuật tiến bộ, văn minh vật chất đều không giúp con người thiểu
dục tri túc. Dục vọng càng nhiều thì khổ não tự nhiên cũng nhiều.
Tô Đông Pha nói: " Lòng dục của con người không cùng, song vật
có thể làm thỏa mãn lòng dục của ta lại có hạn." Các ngành học thuật một
mặt cải thiện cuộc sống của nhân sinh, song mặt khác cũng lại làm tăng
thêm dục vọng của con người. Cho nên khoa học, nghệ thuật, văn học,
chính trị đối với nhân loại công và tội gần bằng nhau. Nó đem lại hạnh
phúc cho nhân loại, song đồng thời cũng đào sâu biển khổ cho con người!
Túi tham của con người không đáy, khó đầy. Mọi người đều tranh
nhau tìm cầu dục lạc do tài lợi, thanh sắc đem đến. Song trong dục lạc
đã sẵn mầm đau khổ, mà họ lại không biết e sợ! Đây là do chúng sinh mê
mất bản tính, lấy khổ làm vui trong sinh tử luân hồi. Một khi đã dấn sâu
vào đó, thì khó ai biết quay đầu trở lại, suốt ngày làm nô lệ cho dục
vọng, không biết hướng đến Phật Pháp tìm cầu giải thoát.
Trong Kinh có ghi lại một câu chuyện như sau:
Bên bờ sông Hằng nước Ấn, có một nhóm phụ nữ mang những giỏ cá
từ chợ về nhà. Giữa đường họ gặp một trận mưa to, trời cũng vừa tối mà
cách nhà còn đến năm sáu dặm đường. Trong lúc bối rối chưa biết tính
sao, các cô may mắn gặp được một vị chủ cửa hàng hoa, mời lưu lại nhà
mình qua đêm. Trong phòng toàn là hoa, mùi hương sực nức cả nhà. Suốt
ngày mệt nhọc, nhưng các cô nằm xuống vẫn trằn trọc không sao ngủ được.
Mùi hương hoa làm mọi người không quen cảm thấy khó chịu, cho đến gà gáy
báo sáng mà mọi người vẫn còn trằn trọc không yên. Trong đó có một cô
thông minh, liền đem giỏ cá đặt nơi đầu giường. Mùi tanh lấn át mùi
hương, các cô mới nhắm mắt ngủ được một lát.
Chúng sinh bị tham dục cầm tù, ô uế tanh hôi, nhưng mọi người ở
lâu trong đó trở lại cho là khoái lạc! Đa dục là khổ, người có từng
trải mới có thể hiểu được. Tuy nhiên dục không nhất định hoàn toàn là
xấu. Kinh nói dục có tạp nhiễm dục và thiện pháp dục. Nội tâm bất tịnh,
tham đắm danh lợi thanh sắc bên ngoài là dục. Mang lý tưởng giúp đời,
làm công tác phúc lợi xã hội cũng là dục. Vì vậy, chúng ta nên tăng
trưởng thiện pháp dục và giảm thiểu tạp nhiễm dục.
Đại đa số người chỉ lo tham cầu tạp nhiễm dục, mà không biết
hướng đến thiện pháp dục. Vì thế đức Phật khi thuyết Pháp thường quở
trách lòng dục. Dục vọng mà mọi người muốn thỏa mãn nếu không phải lòng
dục về quyến thuộc đông đầy, thì cũng là lòng dục về tiền của dồi dào;
nếu không phải lòng dục về thăng quan tiến chức, thì cũng là lòng dục về
sống lâu không già. Song những dục vọng này có thể thực sự đem lại an
vui cho con người không? Lòng dục về quyến thuộc: cha con, mẹ con, thầy
trò, họ hàng, chồng vợ, anh em, bè bạn, tôi tớ cho dù được thỏa mãn đầy
đủ, song cũng có khi lại biến thành oan gia oán thù! Tục ngữ bảo: "Chẳng
phải oan gia chẳng gặp nhau." Anh em giành của, cha con trở mặt, chồng
vợ ly hôn, tôi tớ hại chủ…, quyến thuộc yêu thương một phen trở mặt còn
tệ hại hơn người dưng! Cho nên người thông minh đâu cần nhất định phải
thỏa mãn lòng dục về quyến thuộc!
Ở Đài Loan, một trong những vấn đề lớn của xã hội là vấn đề con
gái nuôi. Có rất nhiều con gái nuôi thưa kiện cha mẹ nuôi của mình ở
tòa án hay sở cảnh sát. Đây chính là do lòng dục về quyến thuộc làm hại!
Ngoài lòng dục về quyến thuộc ra, lòng dục về của cải cũng rất
mãnh liệt. Người ta không những mong muốn việc ăn mặc được đầy đủ, chỗ ở
được rộng rãi, thoải mái, mà còn muốn đất đai, vàng bạc càng lúc càng
nhiều! Ai cũng hy vọng mình mỗi ngày một sở hữu càng nhiều của cải, vật
chất. Thực ra, những của cải này có khi lại gây ra lắm điều phiền lụy!
Cổ nhân từng bảo: " Người vì của mà chết, chim vì ăn mất mạng." Cho nên,
có biết bao mạng sống, nhân cách của con người bị chôn vùi dưới đống
của cải! Thấy vàng bạc, của cải trước mắt, không còn nghĩ gì đến tình
nghĩa bạn bè , chẳng kể chi đến đạo đức lương tâm, con người tự đánh mất
chất người của mình!
Ngoài lòng dục về quyến thuộc, của cải ra, còn có lòng dục về
thân thể. Ai cũng muốn nhan sắc mình được trẻ đẹp, sức khỏe mình được
lâu dài. Nhưng thế gian vốn vô thường, tuổi xanh đi qua mau, trẻ đẹp có
bao lâu? Ngay điều mà cổ nhân gọi là tam bất hủ: lập công, lập đức, lập
ngôn, để xây dựng nên công nghiệp hiển hách, cũng phải chịu không biết
bao nhiêu đắng cay, khổ não!
Xét cho cùng, người lòng dục nhiều chừng nào thì khổ não cũng
càng lắm chừng đó. Tham tài, tiền tài không nhất định đem đến an vui,
song người mất mạng vì tiền của lại không ít; tham danh, danh không nhất
định mang lại an lạc, song người lụy vì danh lại rất đông; tham sắc,
sắc không nhất định đem đến hạnh phúc, song có biết bao người đau khổ vì
sắc đẹp! Do đó có thể thấy, câu Kinh: Đa dục phải là khổ, quả thật là
tiếng đại hồng chung ban sớm, đánh thức người đời tỉnh khỏi giấc mộng
lợi danh!
Cổ nhân nói: Người đạt đến chỗ vô cầu, tự nhiên phẩm cách cao
thượng. Cảnh giới vô cầu cũng chính là cảnh giới vô dục. Người mà vô dục
thì phẩm cách tự nhiên sẽ cao thượng, và khổ não tự nhiên sẽ giảm
thiểu. Hãy nhìn xem, những kẻ trong trường danh lợi, những người đầu cơ
buôn bán, cúi luồn nịnh hót, hoa ngôn xảo ngữ, làm nô lệ cho dục vọng
lại cho là khoái lạc, thật đáng thương biết chừng nào!
Đương nhiên, Phật giáo không phải dạy chúng ta tuyệt đối cấm
dục, song cũng không tán thành việc phóng túng lòng dục. Phật giáo dạy
chúng ta có thái độ trung đạo. Đối với các dục về quyến thuộc, của cải,
thân thể cố nhiên không thể phóng túng, nhưng cũng không cách nào hoàn
toàn thoát ly. Cần phải dùng trí tuệ để chuyển hóa tình cảm, thực hiện
thiện pháp dục mà xa lìa phiền não dục. Giở lại lịch sử Ấn Độ, xã hội
khi Phật còn tại thế có một nhóm người chủ trương hưởng thụ dục lạc,
phóng túng lòng dục. Họ quan niệm: Hôm nay có rượu, hôm nay say, còn
chuyện ngày mai lo làm gì, nên tìm đủ cách hưởng thụ dục lạc, ăn chơi xa
hoa trong cuộc sống hiện tại. Lại có một nhóm người tu khổ hạnh theo
ngoại đạo, chủ trương tuyệt đối cấm dục. Nhà khổ hạnh không những đoạn
tuyệt lòng dục về nam nữ, mà còn sống hết sức khắc khổ trong cái ăn, cái
mặc, cái ở để tu luyện. Họ chỉ ăn rong rêu, hoặc rễ cỏ, vỏ cây, hoa quả
cho đỡ đói. Họ không mặc y phục, suốt ngày thân thể để trần. Có người
ngồi trên gai góc, hay bên bờ vực thẳm; có người nằm sát bên đống lửa.
Những khổ hạnh vô ích này, chỉ làm khổ cho mình, hoàn toàn không thể nhờ
cái khổ đó mà được giải thoát. Họ tuy xa lìa được lòng dục về lạc hạnh,
song lại bị lòng dục về khổ hạnh trói buộc, rốt cuộc vẫn không phải là
pháp giải thoát. Cho nên đức Phật sau khi thành đạo, đã tuyên bố chân lý
trung đạo, dạy người học đạo phải xa lìa hai cực đoan là tham đắm dục
lạc (túng dục) và cố chấp khổ hạnh (cấm dục), nên y theo Bát chánh đạo
để tinh tiến tu tập.
Chúng ta phải hãy dùng lòng từ bi thay thế tham dục, dùng trí
tuệ hóa giải tình cảm, không để lòng mình sinh khởi tạp nhiễm dục, tự
nhiên sẽ tránh được vấn đề đa dục là khổ!
Người ta thường nói: Người không nhiều dục vọng thì không có
thất vọng; người dục vọng càng nhiều thì đau khổ càng nhiều. Kinh Di
Giáo cũng nói: "Người biết tri túc, tuy nằm trên đất vẫn thấy an lạc;
người không tri túc, dù ở thiên đường, cũng không vừa ý." Đệ tử Phật là
Tôn giả Ca Diếp, chuyên tu nơi gò mả mà giải thoát, an lạc; học trò
Khổng Tử là Nhan Hồi, sống trong ngõ hẻm tồi tàn vẫn thanh thản, an vui.
Đây là những hình ảnh sống động, nhằm chứng minh ý nghĩa xác thực của
đoạn Kinh trên. Qua đó ta thấy, khổ là do nhiều lòng dục mà có; nhiều
lòng dục là nguồn gốc của khổ.
Kinh văn nói: "Bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục ra."
Chúng sinh luân hồi trong sáu nẻo, tử rồi lại sinh, sinh rồi lại tử,
những nhọc mệt khổ đau này, không phải đều từ tham dục mà ra sao? Lấy
cuộc sống hiện thực mà nói, chúng ta suốt ngày tìm cầu, tham lam chiếm
hữu, làm trâu ngựa cho cuộc sống, lúc nào cũng lo được lo mất, bối rối
bất an, đều từ tham dục mà ra cả.
Tham dục thật là đáng sợ! Kẻ táng thân mất mạng trong đời
thường là do nơi tham dục. Các vị hãy xem con thiêu thân lao vào lửa,
con cá mắc phải lưỡi câu, chẳng phải đều do lòng tham dục xui nên hay
sao? Những phạm nhân trong tù, người thì phạm tội trộm cướp, kẻ thì phạm
tội gian dâm, chẳng phải đều bị lòng dục làm hại đó sao? Thuở xưa có
hai người họ Trương và họ Vương cùng nhau đi du lịch nơi xa. Giữa đường
họ nhặt được một khối vàng ròng. Cả hai mừng quá bèn bàn nhau chia đôi.
Trên đường đi, anh họ Trương nói với anh họ Vương:
- Khối vàng này chúng ta nhặt được là do Thành hoàng nơi đây có
mắt, cho chúng ta cơ hội phát tài. Chúng ta nên mua một ít rượu thịt
đến trước Thành hoàng cúng bái để tạ ơn.
- Được lắm, anh đi mua đồ, tôi ở trước miễu Thành hoàng đợi.
Anh họ Trương hoan hỷ đồng ý. Nhưng ngay sau đó trong lòng hai người liền nảy sinh ý niệm tham lam, muốn một mình chiếm hữu.
Anh họ Trương nghĩ: Khối vàng ròng này nếu chia đôi, chỉ còn phân nửa, thì tiêu xài không được bao lâu.
Anh họ Vương cũng nghĩ: Khối vàng ròng này nếu chia đôi thật là uổng, chi bằng ta tìm cách hưởng hết một mình.
Tâm tham dục vừa khởi, điều ác đã đến nơi. Anh họ Trương mua
thuốc độc lén bỏ vào rượu và thức ăn để giết hại anh họ Vương. Anh họ
Vương thấy trong miếu thành hoàng không có ai, cũng chuẩn bị một cây búa
để đập chết anh họ Trương. Hai người thầm đắc ý với diệu kế của mình,
cho rằng đối phương quyết không hay biết.
Anh họ Trương mua rượu và thức ăn về, khi đang lạy cúng Thành
hoàng, không ngờ bị anh họ Vương đập một búa vào đầu, ngã lăn ra chết.
Anh họ Vương giết xong anh họ Trương lấy làm đắc ý, vừa định
lấy vàng đào tẩu thì cảm thấy bụng đói cồn cào. Anh nghĩ: Mình hãy ăn
uống no say đã, rồi trốn đi, đâu có vội gì? Anh liền bày rượu thịt ra ăn
uống một mình. Đang ăn, bổng cảm thấy trời đất xoay chuyển, thuốc độc
phát tác, anh ta cũng ngã lăn ra chết!
Hai người họ Trương họ Vương lòng tham quá lớn, vì muốn một
mình hưởng trọn khối vàng, có tâm hại người nên trở lại tự hại lấy mình!
Đây là nhân quả hiện tiền, cũng là nói tất cả tội ác đều từ tham dục
sinh ra.
Trung Quốc có câu tục ngữ rất hay: Của hoạnh tài không làm giàu
được kẻ số nghèo. Giàu có vốn không phải do tham dục mà được. Làm giàu
phải có phước, không phước mà cầu giàu sang để thỏa mãn lòng dục, thì
kết quả vô cùng bi thảm!
Có phước giàu sang là nhờ bố thí để tích chứa phước đức, mà
không phải là do tham dục. Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn
đều từ tham dục ra. Vậy chúng ta làm thế nào để đối trị đây? Kinh nói:
"Nếu ít muốn vô vi, thân tâm được tự tại".
Chúng tôi đã giảng qua ở trên, dục không phải nhất định là hoàn
toàn tội lỗi. Người vì xã hội lo việc phước lợi, thiện pháp dục này
không những không bị người ta phản đối mà còn được rất nhiều người tán
dương. Chẳng qua, lòng dục về danh lợi tài sắc nếu kiêu xa quá đáng, thì
dư luận xã hội cũng không đồng tình. Đối với lòng dục về tiếng khen,
tài lợi, nam nữ, ẩm thực v.v…, Kinh điển không phải bắt các vị hoàn toàn
đoạn tuyệt. Thực ra, trong thực tế cũng không cách gì đoạn tuyệt được
tất cả. Trong Kinh chỉ dạy chúng ta giảm thiểu lòng dục, sống đời thanh
thản, không vướng bận, não phiền (vô vi). Người lòng dục nhiều thì phiền
não tất nhiên cũng nhiều; ngươi lòng dục ít thì phiền não tự nhiên cũng
ít.
Người ít dục vọng thì tâm không dua nịnh, không mong cầu vô lý.
Tâm không tham dục sẽ trở nên cương trực, thẳng thắn. Người ít muốn vô
vi sẽ không bị các căn mắt tai mũi lưỡi thân ý của mình và sáu trần sắc
thanh hương vị xúc pháp bên ngoài trói buộc. Thân tâm của vị đó tự nhiên
được tự tại, giải thoát.
Nhan sắc diễm lệ, giọng ca ngọt ngào, điệu múa uyển chuyển, vị
ngon ăn uống, tiếng tăm lừng lẫy… đều có sức mạnh mê hoặc lòng người rất
lớn. Nó khiến người ta phóng đãng dục tình, cùn nhụt ý chí, đắm đuối
tìm cầu. Danh lợi tài sắc rõ ràng là biển dục khiến người ta phải trầm
luân nơi nguy hiểm. Con người như một chiếc thuyền con đang lặn ngụp,
trôi giạt giữa biển khổ sóng to, gió cả!
Người đời lặn ngụp trong biển dục, thì thân tâm làm sao có thể tự tại an lạc!
Cách tốt nhất là phải xa lìa biển dục phiền não, không mạo hiểm
trong biển dục, luôn đề cao cảnh giác không bị nó dẫn dụ, làm mê hoặc.
Người Phật tử nên dùng sức thiền định, trí tuệ để phụng hành giới học mà
đức Phật đã dạy, tuy ăn uống song không vì tham lam vị ngon mà sát
sinh; tuy giữ của, song không phải vì tham lam mà dùng thủ đoạn để bòn
rút, cướp đoạt; tuy có vợ có chồng, mà không tà dâm gây ra việc tình ái
lăng nhăng; tuy nói năng mà không vọng ngữ, thêu dệt…. Nếu thế gian có
thái độ ít muốn vô vi như vậy, thì thân tâm chắc chắn sẽ được tự tại,
thanh thản và nhân loại cũng không có tranh chấp, hơn thua!
Dịch thơ:
Điều thứ hai phải nên giác ngộ
Ham muốn nhiều, lụy khổ càng sâu
Nhọc nhằn sinh tử bấy lâu
Đều do tham dục dẫn đầu gây nên.
Tâm ít muốn, giữ bền đạo nghiệp
Hạnh vô vi, không tiếp nghiệp duyên
Tự nhiên sẽ hết não phiền
An vui tự tại giữa miền nhân gian.