19/01/2011 21:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 5954
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Theo tin tức phổ biến trên Internet thì ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.2 triệu vụ nạo, vét thai trong đó 20% là học sinh. Đây là con số thật kinh hoàng.

 Nếu không phá thai được và lỡ sinh con, những bà mẹ tội lỗi này thường đem con bỏ chùa, hoặc vứt tại hàng rào các nghĩa trang, đống rác… để những ai động lòng từ tâm thì đem chôn cất hay nuỗi dưỡng.

Sáng 17-01-2011 tôi đọc một bản tin rất buồn của Hãng Thông Tấn AFP trong đó ký giả Hasan Mansoor Hasan Mansoor cho biết tệ nạn giết hại trẻ sơ sinh đang trên đà gia tăng tại Hồi Quốc (Pakistan). Nạn nhân của những cuộc thảm sát này là các em bé – có khi mới lọt lòng mẹ một hai ba ngày. Thống kê năm ngoái cho biết khoảng 1000 trẻ sơ sinh trong đó 90% là bé gái đã bị giết hoặc bỏ phế,  quăng ra ngoài đường hoặc đống rác. Theo luật lệ khắt khe của Hồi Giáo thì những trẻ sinh ra bởi ngoại hôn (không hôn thú) hoặc ngoại tình là phạm tội. Đàn bà ngoại tình thường bị kết án tử hình. Mới đây một người đàn bà bốn con ở Iran đã bị tòa kết tội ngoại tình, bằng cách ném đá đã gây phản ứng trên toàn thế giới do đó việc thi hành bản án bị ngưng lại nhưng người đàn bà xấu số này có thể bị thắt cổ chết thay vì ném đá. Sở dĩ trong số yếu tử, 90% là bé gái là vì,  cũng theo luật lệ của Hồi Giáo, đàn bà con gái bị ngăn cấm làm việc, cho nên khi còn sống trong gia đình tạo gánh nặng cho cha mẹ, khi kết hôn là gánh nặng cho chồng và gia đình chồng. Cũng theo bản tin nói trên, một bậc cha mẹ Hồi Quốc muốn gả con gái phải gom cho được 11,700 đô-la làm của hồi môn.

Đấy là chuyện buồn giết trẻ sơ sinh ở Hồi Quốc. Còn ở Phương Tây, nạn giết trẻ con còn nằm trong bụng mẹ tức phá thai thì như thế nào? Tại Hoa Kỳ, giết người, không kể tuổi tác – là một trọng tội cho nên việc giết hại hài nhi đã lọt lòng mẹ xảy ra rất ít. Thống kê năm 2005 cho biết đã có 820,151 vụ phá thai chính thức được thông báo, không kể những vụ phá thai lén lút hoặc không thông báo. Như vậy chỉ trong năm 2005 đã có trên 800,000 thai nhi uổng tử, không biết được lên Thiên Đàng hay xuống Hỏa Ngục? Vì Hoa Kỳ là một liên bang cho nên luật lệ khác nhau từng tiểu bang. Có tiểu bang cho phép phá thai, có tiểu bang ngăn cấm. Các nhà thờ và Vatican đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn cấm phá thai. Nhiều cuộc biểu tình chống phá thai của các nhóm bảo thủ tôn giáo đã đi đến bạo động, thậm chí giết hại các bác sĩ làm nhiệm vụ phá thai. Vatican chủ chương chống phá thai đã đành, mà còn đi xa hơn nữa bằng cách ngăn cấm việc dùng thuốc ngừa thai để “kế hoạc hóa gia đình”, ngăn cấm cả việc dùng “bao cao su sinh lý” khiến gây phản đối và chế riễu khắp nơi.

Còn tại Anh Quốc, thống kê năm 2007 cho biết có 219,000 vụ phá thai trong đó gái vị thành niên là con số đứng đầu Âu Châu. Còn tại Pháp năm 2007 có 227,050 vụ phá thai. Như thế chỉ nội hai quốc gia  Châu này thôi, năm 2007 đã có gần 500,000 thai nhi uổng tử, không biết có kịp ghi nhận “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói không?

Còn Việt Nam mình thì sao? Theo tin tức phổ biến trên Internet thì mỗi năm có khoảng 1.2 triệu vụ nạo, vét thai trong đó 20% là học sinh. Đây là con số thật kinh hoàng. Nếu không phá thai được và lỡ sinh con, những bà mẹ tội lỗi này thường đem con bỏ chùa, hoặc vứt tại hàng rào các nghĩa trang, đống rác… để những ai động lòng từ tâm thì đem chôn cất hay nuỗi dưỡng. 

Trong nỗi buồn chung của nhân loại đó, chúng ta thử tìm hiểu xem phá thai bắt nguồn từ đâu?

1) Lợi tức thấp, nghèo đói là nguyên do chính của tệ nạn phá thai trong những quốc gia chậm phát triển. Đầu tắt mặt tối, lao ra chốn chợ đời để kiếm miếng ăn. Nuôi mình không xong lấy đâu nuôi con, cho nên đành phải phá thai. Nhưng lý do này lại không đứng vững tại các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, Pháp, Anh…là nơi có lợi tức tính trên đầu người rất cao, tại sao người ta vẫn cứ liên tục phá thai?

2) Những cô gái trẻ, từ quê lên thành thị kiếm việc làm, sống độc thân, ở trọ, nay lỡ dại “mang bầu” thì giờ đâu mà chăm sóc con mọn? Thôi thì “giết” đi cho rảnh nợ. Hơn thế nữa, xã hội lại không có chế độ trợ cấp cho các gia đình lợi tức thấp như:  trợ cấp xã hội (welfare) , trợ cấp y tế (medicare), phiếu thực phẩm (foodstamp), nhà trẻ miễn phí (child care)…. Nếu xã hội thực hiện được những trợ cấp và những dịch vụ này thì nạn phá thai, giết hại trẻ em sơ sinh sẽ giảm đi rất nhiều. Thế nhưng các cô gái vị thành niên tại Hoa Kỳ có đầy đủ điều kiện để hưởng trợ cấp và những dịch vụ này…tại sao họ vẫn cứ liên tục phá thai?

3) Học sinh, sinh viên…đang ở lứa tuổi hoa mộng, nay lỡ dại “mang bầu”, sợ cha mẹ mắng chửi, ruồng bỏ, xấu hổ với bà con xóm giềng, bạn bè đã đành, mà tương lại thì mờ mịt. Các cậu thanh niên thành đạt, có giáo dục, có địa vị “ngu dại” gì rước lấy những cô gái chửa hoang, con mọn kè kè bên nách? Thôi thì giết hoặc phá cho xong. Có thể nguyên do này khá phổ biến ở cả xã hội giàu lẫn xã hội nghèo.

4) Phóng túng trong quan hệ nam nữ, tư tưởng giải phóng tình dục, phim ảnh dâm ô, website, báo chí, phim ảnh, tiểu thuyết nhảm nhí, thiếu giáo dục học đường, thiếu hướng dẫn về việc dùng “bao cao su sinh lý” …là nguyên do chính của nạn thiếu niên mang bầu và phá thai.

5) Các cô gái đang làm những nghề liên quan đến ca nhạc, trình diễn thời trang, mỹ phẩm, trình diễn sắc đẹp, phòng trà, ca vũ, cà-phê ôm, quán nhậu …cũng có khuynh hướng phá thai để không phải bận rộn và chứng tỏ mình còn son trẻ.

5) Thiếu vắng một đạo luật ngăn cấm phá thai một cách hợp lý và trừng trị các tổ chức, bệnh viện, bác sĩ hành nghề phá thai sẽ làm cho phá thai trở thành hợp pháp và vô phương cứu chữa. Giả sử tại Hoa Kỳ, nếu hủy bỏ luật cấm phá thai, thì con số phá thai mỗi năm sẽ lên tới hằng triệu chứ không phải 820,151.

6) Một hệ thống cô nhi viện do tôn giáo điều hành với sự tài trợ và kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ, chắc chắn không giải quyết trọn vẹn được nạn phá thai, nhưng sẽ giảm thiểu tệ nạn giết thai nhi, quăng ở ngoài đường, thùng rác, nghĩa trang v.v…

7) Vai trò của tôn giáo rất quan trọng trong việc giảm thiểu cũng như ngăn ngừa phá thai. Tuy nhiên tôn giáo cũng cần phải từ bỏ giáo điều cực đoan. Cho phép tự do phá thai, hoặc ngăn cấm triệt để phá thai đều rớt vào cực đoan. Chúng ta phải thấy phá thai có thể chấp nhận được trong những trường hợp hạn chế như: bị hãm hiếp, loạn luân, quái thai, bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, nếu không phá thai thì tính mệnh sản phụ có thể lâm nguy.

            Nói về vai trò của tôn giáo, mới đây qua một số website Việt Nam,  tôi đã được nhìn thấy hình ảnh cả nghìn bà mẹ trẻ tới các chùa để làm lễ cầu siêu cho các thai nhi uổng tử, trong đó có cả các bác sĩ đã thi hành nhiệm vụ phá thai. Trong khói hương nghi ngút, trong tiếng kinh, tiếng kệ âm vang của chư tăng ni, chen lẫn là những tiếng khóc nức nở, ăn năn của các bà mẹ và của các bác sĩ. Và cả tôi, người đang viết bài này cũng không cầm được nước mắt. Chúng ta thương các hài nhi không được mở mắt chào đời như chúng ta, chúng ta thương cả các bà mẹ đã lỡ dại giết hại con mình. Theo giáo lý Từ Bi của Đức Phật, chúng ta không kết tội ai mà tất cả là sự khoan dung, cảm thông và tha thứ. “Tội tùng tâm khởi”. Do nhân duyên nghiệt ngã mà con người phạm tội chứ không một bà mẹ nào muốn giết hại con mình. Do đảo điên, do tiêm nhiễm những xấu xa, phù du của xã hội mà những bà mẹ đó đã không can đảm gánh chịu cái “Quả” hay trách nhiệm do chính mình gây ra. (Nhân). Những buổi lễ như thế có tác dụng tâm lý, tâm linh rất lớn, góp phần vào việc ngăn ngừa tệ nạn phá thai. Thế nhưng ngoài việc lập đàn tràng siêu độ, chúng ta hiểu rằng những gì đang xảy ra ngày hôm nay do chính con người tạo ra, thì những gì tốt đẹp trong ngày mai cũng do chính con người tạo ra. Là người con Phật chúng ta nhất định không chấp nhận định mệnh cay đắng. Bằng tâm lượng từ bi, bằng nỗ lực làm tốt và thăng tiến xã hội, bằng công tác từ thiện, bằng giáo dục học đường, bằng trợ cấp xã hội, bằng sự kiên nhẫn…chúng ta có thể chuyển nghiệp, rồi từ từ giảm thiểu tệ nạn phá thai và giết hại trẻ sơ sinh đang lan tràn trên hành tinh này.

Câu hỏi cuối cùng đặt ra ở đây là: Sự nghèo đói, sự thiếu giáo dục, sự thiếu tinh thần trách nhiệm và giáo lý cực đoan… như tại Hồi Quốc…là thủ phạm của tệ nạn phá thai và giết hại trẻ sơ sinh đã đành. Nhưng những cuộc thi hoa hậu, những giải thưởng điện ảnh, những trình diễn thời trang đắt tiền, cách ăn mặc hở hang đang thịnh hành, những tụ họp thác loạn của thanh thiếu niên sinh viên, những quảng cáo hở mông, hở ngực, những phim ảnh phóng túng, những hộp đêm, những phòng trà, quá cà-phê ôm, những casino… đã giúp gì cho việc thăng hoa cuộc sống và hạnh phúc của nhân loại… hay nó đang tạo nên một địa ngục đầy cám dỗ cho thế hệ trẻ và tạo nên một gánh nặng về cả tâm linh lẫn vật chất cho những người còn lại? Công việc giáo dục thế hệ trẻ thật vô cùng quan trọng. Trẻ em dù mới năm, ba tuổi cũng phải được giáo dục về tinh thần trách nhiệm. Chúng nó phải được cha mẹ, thầy cô dạy dỗ rằng: Các em, phải biết các em đang làm gì và hậu quả của nó như thế nào. Khi hậu quả xảy đến thì các em phải có can đảm nhận lãnh trách nhiệm chứ không thể đổ vấy trách nhiệm lên người khác. Tinh thần trách nhiệm, tức hiểu biết được cái gì sẽ xảy ra là trụ cột để kìm hãm bớt những phiêu lưu, những dại dột, những phóng túng mà thế hệ trẻ nào cũng mắc phải. Không kìm hãm được mời gọi của xác thịt, không tìm cách ngăn ngừa thụ thai, có thai rồi lại phá thai, nếu lỡ sinh con rồi thì giết hại hay quăng ở ngoài đường là tinh thần vô trách nhiệm - vừa tạo gánh nặng cho xã hội vừa gây khổ đau cho người khác. Những người sống vô trách nhiệm không thể có chỗ đứng xứng đáng trong một xã hội đang càng ngày càng phức tạp mà tham dục quay cuồng như dông bão trong từng sát-na.

Đào Văn Bình

California ngày 17-01-2011

Cước chú: Các con số thông kê đều lấy từ các website trên Internet


Âm lịch

Ảnh đẹp