21/12/2010 20:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 3781
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

SGTT.VN - Cuộc sống đầy đủ hơn trong môi trường toàn cầu hóa khiến các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến tri thức và khả năng ngoại ngữ của con cái mình.

 Làm sao để con cái mình sử dụng thành thạo ngoại ngữ để hội nhập tốt nhưng vẫn yêu quý trân trọng tiếng mẹ đẻ? Nên cho bé bắt đầu học ngoại ngữ từ lúc nào?

Tọa đàm chuyên đề “Có nên cho trẻ học ngoại ngữ khi bé lên 2 tuổi” do Hội quán các bà mẹ tổ chức tại trung tâm Số học Trí tuệ U C Mas-Lead tuần qua, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh có con ở nhiều độ tuổi. Phần nhiều các bà mẹ muốn hỏi ngay, là ở tuổi nào thì bé bắt đầu có thể tiếp thu ngoại ngữ?

Cho trẻ làm quen ngoại ngữ từ sớm sẽ hiệu quả hơn. Ảnh: Trần Việt Đức

Theo chuyên gia tư vấn giáo dục Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, trẻ em khi vừa được sinh ra đã có khả năng phân biệt các âm thanh mà chúng nghe thấy. Nhưng khả năng đó sẽ kém đi khi trẻ biết nói, một trẻ phát triển bình thường khi được 18 tháng tuổi, đã có thể nói được trung bình khoảng 50 từ và việc cho trẻ tiếp thu 2 ngôn ngữ cùng lúc sẽ làm tăng tư duy cho bộ não, đồng thời sẽ giúp trẻ nói được nhiều từ hơn so với một đứa trẻ chỉ tập nói một ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của chúng. Hơn thế, nhu cầu nói của trẻ ở giai đoạn này là rất lớn và giai đoạn đỉnh cao là khi được 2 tuổi, ngôn ngữ phát triển một cách đột phát. Thời kỳ từ 2 đến 2 tuổi rưỡi là quan trọng nhất, đây cũng là thời điểm tối ưu, mẫn cảm với ngôn ngữ nhất trong suốt cuộc đời.

Chính vì vậy, việc các bậc cha mẹ giới thiệu ngoại ngữ cho trẻ trong giai đoạn này giống như miếng bọt biển hút các thông tin, âm thanh của các ngôn ngữ xung quanh giúp các bé dễ bắt chước các cách phát âm khác nhau. Sẽ không sai khi để cho trẻ làm quen với thế giới ngoại ngữ sớm. Vì chỉ khi được tiếp cận sớm sẽ giúp trẻ khám phá và học hỏi nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng một lúc, điều này cũng sẽ giúp trẻ phát triển não bộ. Tuy nhiên, nếu bạn chưa cho con học ngoại ngữ ở lứa tuổi này, thì có thể bắt đầu cho con học bất cứ khi nào con bạn thấy sẵn sàng.

Chị Ngọc, nhà ở Bình Dương đặt câu hỏi: “Con tôi hơn hai tuổi, tôi cũng muốn cho cháu thử tiếp cận ngoại ngữ, nhưng bằng cách nào, vì cháu còn quá nhỏ?”. Trả lời câu hỏi này, bà Mỹ Hạnh cho rằng với các bé còn nhỏ, dạy ngoại ngữ một cách thông minh xoay quanh những sinh hoạt hằng ngày và những chủ đề mà trẻ yêu thích như màu sắc, thú vật, và đặc biệt là tận dụng các bài hát theo từng chủ đề của tiếng Anh cũng là một cách học hay dành cho trẻ, sẽ giúp trẻ tiếp thu một cách hào hứng và nhanh. Chẳng hạn, tới giờ ăn, bố mẹ dạy từ “rice” (cơm) và “enjoy your meal” (chúc ăn ngon) cho trẻ, hoặc trong giờ tắm, khi lau mặt cho trẻ, chúng ta có thể giới thiệu các từ “face” (mặt), “eyes” ( mắt); “nose“ (mũi)....bằng cả tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ. Cứ ngày nào cũng như thế, lặp đi lặp lại, trẻ sẽ tiếp nhận ngôn ngữ một cách rất đơn giản. Từ 2 đến 3 tuổi, bạn có thể nói cho bé những điều cơ bản về ngôn ngữ bằng cách chỉ cho bé thấy đồ vật có thể có hai tên. Khi bé nhìn thấy quả táo, bé có thể nói "quả táo" hay “apple”...

Phương pháp dạy và học rất quan trọng. Nên bắt đầu bằng nghe và nói để giúp trẻ phản xạ tốt. Khi trẻ 5-6 tuổi, bạn có thể cho trẻ nghe các từ gần gũi kèm hình ảnh, các bài hát, thơ ngắn bằng tiếng Anh và bắt chước theo (một cách máy móc, chưa cần hiểu nghĩa, mục đích là cho trẻ tập phản xạ nhanh và phát âm đúng). Trẻ học ngoại ngữ cũng cùng cách thức học tiếng mẹ đẻ: bắt đầu bằng nghe hiểu qua ngữ cảnh rồi nói phản xạ, sau đó mới đến đọc - viết. Ngoại ngữ cũng là ngôn ngữ, cần học như một kỹ năng, chứ không phải kiến thức. Nghĩa là tập luyên thường xuyên hàng ngày. Nếu gia đình có điều kiện hơn , bố mẹ có thể cho con tham gia những lớp học tiếng Anh ngắn hạn từ khi trẻ 3-4 tuổi. Một khoá học tiếng Anh ngắn hạn bắt đầu bằng nghe và nói để giúp bé có được một phản xạ tốt. Điều này không chỉ giúp bé có thể làm quen với môn tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ mà còn giúp bé tự tin, sôi nổi, bạo dạn hơn trong giao tiếp. Đó là những ưu điểm mà bộ môn này mang lại.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh không nên quá lo ngại việc trẻ sẽ quên tiếng mẹ đẻ. Chúng ta phải hiểu rõ một thưc tế là trẻ nhỏ ở môi trường nào sẽ nói được tiếng của địa phương đó một cách tự nhiên, vì sẽ được học thông qua tiếp cận, lắng nghe rồi bắt chước. Chỉ cần ra đến ngõ là bé đã nghe tiếng Việt, nên việc “mất gốc” hoàn toàn không có cơ sở.

Vẫn biết học ngoại ngữ ngay từ nhỏ là tốt cho trẻ, nhưng thực ra, không phải ai cũng có điều kiện để con mình học ngoại ngữ sớm. Với những gia đình quá bận rộn với mưu sinh, hoặc điều kiện kinh tế còn thấp, việc cho con học trong những trung tâm ngoại ngữ với học phí tính bằng “đô” là điều không tưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận ngoại ngữ “bình dân” hơn, đặc biệt là các băng đĩa CD, VCD, những cuốn truyện tranh bằng tiếng Anh… Một điều mà các bậc cha mẹ nên cẩn trọng, đó là trò chuyện với các con bằng ngoại ngữ. Không phải bậc cha mẹ nào cũng có khả năng ngoại ngữ tốt để dạy con, nên trước khi dạy bé, bạn hãy chuẩn bị kiến thức tiếng Anh chuẩn cho mình.

Ngô Phương Thảo

Nguon: http://sgtt.vn/Khoa-giao/134896/Hoc-ngoai-ngu-tu-nam-len%E2%80%A6-hai.html


Âm lịch

Ảnh đẹp