03/12/2010 12:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 3975
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đứng trước thực trạng trẻ em bị bạo hành ngày một nhiều và với mức độ tàn bạo ngày càng tăng, một trong những giải pháp trước mắt là cần phải tiêu chuẩn hoá các cơ sở trông giữ trẻ.

Bạo hành trẻ em không còn là hành động lẻ tẻ mà đã trở thành vấn đề trong xã hội. Phân tích và nhìn nhận ở nhiều chiều, một chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em đã cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề bạo hành trẻ em, xuất phát từ những thay đổi căn bản trong đời sống kinh tế- xã hội, nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ, năng lực hoạch định và quản lý yếu kém đã không theo kịp sự thay đổi này.

Ngày nay, trẻ em không còn là đối tượng ưu tiên hàng đầu (như chủ trương, khẩu hiệu) mà thực tế đang đứng cuối "bảng xếp hạng".

Có cầu ắt có cung, nhưng không có tiêu chuẩn nào cả

Việc các khu công nghiệp mọc lên và phát triển nhanh chóng tại ngoại ô các thành phố lớn (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) ắt sẽ thu hút rất đông người lao động đến làm việc và sinh sống. Kéo theo đó là hàng loạt vấn đề thiết yếu nảy sinh như nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ...

"Có cầu ắt sẽ có cung thôi. Nhu cầu gửi trẻ là điều tất yếu. Khi thiếu trường học để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thì tất yếu sẽ có những người đứng ra tự nhận trông trẻ. Cách này vừa tiện vừa tiết kiệm và là sự lựa chọn hàng đầu của người có thu nhập thấp", một chuyên gia giáo dục nhận định.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVH-GD-TTN-NĐ của QH) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em giai đoạn 2007 - 2009 cho thấy: Nhiều địa phương, vùng miền, cả thành thị lẫn nông thôn không còn quỹ đất để bố trí xây dựng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là ở cấp xã.

Đứng trước thực trạng trẻ em bị bạo hành ngày một nhiều và với mức độ tàn bạo ngày càng tăng, một trong những giải pháp trước mắt là cần phải tiêu chuẩn hoá các cơ sở trông giữ trẻ.

Cụ thể là tiêu chuẩn hóa về cơ sở vật chất (mặt bằng phải đảm bảo tối thiểu bao nhiêu trẻ /m2, vệ sinh, điện nước thế nào ...); về nhân lực (muốn trông giữ trẻ cần phải được đào tạo ngắn hạn về tâm sinh lý, sức khỏe, quyền lợi của trẻ, ...).

Sau khi tiêu chuẩn hóa những điều kiện trên thì cấp chứng chỉ hành nghề và thực hiện giám sát chặt chẽ.

Việc tiêu chuẩn hóa phải phù hợp với tình hình xã hội và nhu cầu thực tế. Không thể đòi hỏi trình độ người trông trẻ ở các cơ sở tư nhân giống với người trông trẻ được đào tạo bài bản trong trường sư phạm, vì nhu cầu xã hội là tức thời và rất lớn, không thể kéo dài thời gian đào tạo.

"Tuy nhiên, nhất định người đó phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để có thể hành nghề. Khi hành nghề rồi nhất định phải chịu sự quản lý của địa phương và người đó còn phải được tái đào tạo theo định kỳ", ông nói.

Ông cũng khẳng định: "Trách nhiệm tiêu chuẩn hóa cơ sở, đào tạo chuyên môn và cấp phép hành nghề thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo (tất nhiên còn phụ thuộc chủ trương và quy hoạch), còn trách nhiệm quản lý thuộc về địa phương".

Nhưng tất cả những điều trên vẫn là lý thuyết. Trên thực tế thì việc này chưa hề được triển khai (trong khi nhu cầu xã hội là bức thiết).

Ngày nay, trẻ em không còn là đối tượng ưu tiên hàng đầu (như chủ trương, khẩu hiệu) mà thực tế đang đứng cuối "bảng xếp hạng". Ảnh minh họa

Xu hướng xã hội hóa giáo dục là tất yếu vì Nhà nước còn hạn chế về nhiều thứ. Nhưng hiện nay có thực trạng khá phức tạp là nhiều cơ sở vẫn thành lập tự phát, nhiều cơ sở còn hoạt động chui và chưa hề qua đào tạo.

Để thực hiện được việc trên, ông cho rằng không phải một mình ban, ngành nào thực hiện được mà toàn hệ thống phải vào cuộc đồng bộ, (từ chủ trương đến chính sách, rồi phân công thực hiện, giám sát, quản lý, ...). Nếu không triển khai thực hiện sớm thì những vụ bạo hành (như vừa xảy ra đối với cháu Ngân ở Bình Dương) sẽ còn tiếp tục xảy ra.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bằng... 0!

Liên quan đến các khu công nghiệp, ở nhiều nước trên thế giới, khi cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ (giày da, may mặc ...) thì họ thường đưa ra quy định (có tính pháp lý) về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo đó, muốn mở 1 xí nghiệp mà sử dụng lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì doanh nghiệp đó bắt buộc phải có nhà trẻ (quy mô phụ thuộc số lượng người lao động) với đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực (đảm bảo tiêu chuẩn của ngành giáo dục) để trông giữ các cháu. Như thế người lao động sẽ yên tâm làm việc và cống hiến.

Nếu đảm bảo những điều kiện trên thì chính quyền mới cấp phép đầu tư và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng rất rõ ràng. Đây cũng là một trong những yếu tố để đánh giá chất lượng doanh nghiệp.

Nhưng hiện nay, ở nước ta, doanh nghiệp cứ mở xí nghiệp ra để đầu tư và thu hút công nhân vào làm nhưng không lo điều đó.

Ở ta, công nhân đi làm nhưng gia đình vẫn nheo nhóc, không biết gửi con vào đâu để yên tâm (cả về khía cạnh kinh tế). Như vậy là những nhu cầu tối thiểu không được đảm bảo. Xét về tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thì không thể nói đây là những doanh nghiệp thân thiện với xã hội và có văn hóa.

Lý do của việc này khá dễ hiểu: Luật pháp không bắt buộc doanh nghiệp có nghĩa vụ đó, doanh nghiệp tất yếu sẽ không làm để cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Khu công nghiệp mọc lên nhanh chóng nhưng lại không đảm bảo trường học cho con em công nhân

Trẻ em - "vơ-đét" ngược

Đã thế, trong khi chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì cả ngành quản lý lẫn địa phương cũng không có quy hoạch và ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu của trẻ em.

Nhận định trách nhiệm chuyên môn thuộc về ngành quản lý (ngành dọc) nhưng lo cơ sở vật chất là trách nhiệm của địa phương, vị chuyên gia trên đánh giá: "Hiện nay các địa phương làm gì có chính sách ưu tiên xây các công trình phúc lợi công cộng! Đất đai đã bị sử dụng cho mục đích kinh tế hết rồi, đến khu vui chơi giải trí còn không có thì nói gì đến đất dành cho việc xây thêm trường học hay bệnh viện".

Ông cũng kể lai câu chuyện cách đây 2 năm, khi cơ quan của ông làm điều tra về các khu đô thị mới thì phát hiện ra một điều: Khi chủ đầu tư trình đề án lên UBND tỉnh/ thành phố để được phê duyệt thì họ trình rất đầy đủ và "lịch sự". Ngoài nhà ở còn có khu công viên, cây xanh, trường học, bệnh viện (trạm xá), khu mua sắm... Thế nhưng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư bắt đầu bớt xén quỹ đất cho các hạng mục trên để lấy đất xây thêm nhà, bán được nhiều tiền hơn.

Dẫn đến, rất nhiều khu chung cư không có trường học, các lớp học có sẵn tất yếu quá tải. Lợi ích kinh tế đã lấn át trách nhiệm của người làm quy hoạch. Đây cũng là lý do để các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định Việt Nam phát triển không bền vững.

Đó là ở tầm thành phố/ tỉnh. Quy hoạch vĩ mô cũng phải được tính toán dài hạn, dự báo được xu hướng phân bố cũng như nhu cầu của người dân để dành ra quỹ đất một cách hợp lý. Tuy nhiên, việc này hiện nay chưa thực hiện được.

Không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế cũng luôn nói trẻ em là đối tượng ưu tiên số 1. Nhưng đáng tiếc, thực tế là ở Việt Nam, các cháu đang đứng ở cuối bảng xếp hạng ưu tiên", vị chuyên gia đánh giá.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ Chương trình bảo vệ trẻ em trong 5 năm tới. Theo đó, chương trình này sẽ xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ (từ chính sách pháp luật tới các quy định rõ ràng về các biện pháp phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em; các giải pháp can thiệp khi phát hiện trẻ em bị bạo hành ...

Theo chương trình này, sẽ có quy định cụ thể của pháp luật về đội ngũ thực hiện việc bảo vệ trẻ em (mỗi xã phường sẽ có 2 cán bộ xã hội, 1 người sẽ ưu tiên chuyên bảo vệ trẻ em để làm đầu mối phát hiện và trợ giúp trẻ em và gia đình).

Chương trình này nhấn mạnh khả năng phòng ngừa khả năng bị bạo hành đối với trẻ em. Hiện nay hệ thống bảo vệ trẻ em của nhiều nước đã có đầy đủ nhưng ở Việt Nam, hệ thống này còn yếu và cần phải củng cố lại.

Ngoài việc hoàn thiện các chính sách pháp luật và đẩy mạnh phòng ngừa, chương trình này còn xây dựng hệ thống dịch vụ bảo em đầy đủ. Tại Việt Nam hiện có hệ thống bảo vệ trẻ em ngoài gia đình (trung tâm bảo trợ xã hội, nhà mở ... đang hoạt động tương đối ổn định) và hệ thống trẻ em trong gia đình. Theo đánh gía của các chuyên gia, hệ thống này đang thiếu rất nhiều dịch vụ (như chuyên gia tư vấn, biện pháp can thiệp ...).

Đây là các biện pháp lâu dài nhằm bảo vệ quyền lợi và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Trước mắt, để ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em, cần tuyên truyền mạnh để người dân có ý thức phát hiện và tố giác người thực hiện hành vi bạo hành đối với trẻ em.

 

Ngày 30/11, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đọc thông điệp liên bang lần thứ ba với trọng tâm là chú trọng công tác giáo dục và phát triển thế hệ trẻ mà ông khẳng định sẽ quyết định tương lai của nước Nga.

Tổng thống Medvedev đã dành phần lớn thời gian để trình bày công tác giáo dục, chăm sóc và phát triển thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi chưa đi học....

Ngoài ra, chính quyền sẽ sửa chữa và xây dựng các nhà trẻ-mẫu giáo mới để giải quyết dứt điểm tình trạng có tới hơn 1,6 triệu em trong toàn Liên bang đầu năm học phải xếp hàng chờ nhập học tại các nhà trẻ-mẫu giáo, cải thiện và nâng cấp cũng như xây dựng mới các bệnh viện nhi với kinh phí sẽ được cấp cho hai năm tới là 100 tỷ rúp (khoảng 3,3 tỷ USD). Trợ giúp, tạo điều kiện tham gia hoạt động xã hội và hướng nghiệp cho những trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và tàn tật. Chấm dứt tình trạng trẻ em mồ côi ở Nga hiện lên tới 130.000 em. Áp dụng các biện pháp hữu hiệu chống bạo lực gia đình và bạo lực trẻ em.

Ông Medvedev khẳng định giáo dục trẻ em phát triển lành mạnh, có kiến thức và có văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội Nga.

(Nguồn: TTXVN)


Âm lịch

Ảnh đẹp