(TT&VH) - Khi
chỉ đầu bút vào hình con sư tử, bút phát ra tiếng gầm, chỉ vào chữ thì
bút đọc tiếng Anh hoặc tiếng Việt tương thích.
Đó là những cuốn “sách
biết nói” và “bút biết đọc” lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam do Công ty
Văn hóa Nhân Văn liên danh với công ty Happy Books sản xuất và tung ra
thị trường.
Sách biết nói
Ông
Võ Quang Hồng, Giám đốc Happy Books mở đầu câu chuyện về những cuốn
sách mới của mình: “Thoạt nghe sách biết nói, nhiều người tưởng rằng đây
là loại sách này chỉ có trong truyện cổ tích, hoặc chí ít cũng là một
thiết bị điện tử”. Nhưng cầm những cuốn truyện tranh in màu với hình ảnh
khá đẹp từ tay ông Hồng, người viết bài này ngạc nhiên vì “sách biết
nói” không khác gì những cuốn sách bình thường, ngay cả giá bìa mỗi cuốn
sách biết nói cũng “bình dân” như bao cuốn truyện tranh màu đang bán
trên thị trường. Mỗi cuốn sách đều in song ngữ Việt - Anh hay Hàn, Nhật,
Hoa kèm với hình ảnh sống động giúp người học ngoại ngữ dễ nhớ nhờ
“trực quan sinh động”.
Nhưng
nếu chỉ như thế thì sách nói cũng như bao nhiêu cuốn sách hình ảnh
khác. Điểm nổi bật của chúng là... “biết nói” khi hướng thiết bị chuyên
dụng vào (thiết bị đó là “bút biết đọc”) . Chẳng những nói được nhiều
ngôn ngữ, sách nói còn hấp dẫn trẻ em bởi sách không “giáo dục” một cách
khô cằn. Sách còn phát ra nhạc, bài hát, tiếng chim hót, cọp gầm... và
cả truyện cổ tích bằng tiếng Việt và một số ngoại ngữ với giọng phát âm
chuẩn.
Ông
Hồng cho biết, đến cuối năm 2009 này, liên danh Nhân Văn và Happy Books
sẽ ấn hành 50 tựa sách nói như thế này. Và nguồn sách biết nói chuẩn bị
sẵn để đáp ứng nhu cầu người dùng lên đến 1.000 tựa, mỗi tháng sẽ ấn
hành 20 quyển. Sách biết nói không chỉ giúp học ngoại ngữ - một công
việc tốn kém và mất thời gian hiện nay - mà còn giúp trẻ em học tiếng
Việt với giọng chuẩn, nhất là trẻ em kiều bào ở nước ngoài”.
Sách biết nói cần đi kèm “bút biết đọc”
Song
hành với sách biết nói hiện nay, hai công ty liên danh tung ra thị
trường cây bút biết đọc... sách. Cây bút này có tên gọi E - Teacher K -
300, tên tiếng Việt là Bút thông minh, được mua format từ Mỹ và do các
kỹ sư Việt Nam thực hiện và sản xuất trong nước.
“Bút
biết đọc” có bộ nhớ 2GB, có thể lưu trữ một lượng thông tin lớn, tải,
chép được hàng trăm quyển “sách biết đọc” và các bài hát. Bút sử dụng
pin sạc kiểu như sạc pin điện thoại di động và dùng được liên tục hơn 6
giờ, vỏ bút có thể chống sốc khi rơi từ độ cao 3 mét. Đó là những thông
số kỹ thuật sơ bộ của loại bút này.
Nhưng
một cây bút biết đọc sách hẳn phải thông minh. Người viết bài này đã
dùng thử và ngạc nhiên thêm một lần nữa khi cây bút đọc được... sách.
Sau khi khởi động bút xong, chỉ việc hướng đầu bút vào hình ảnh hay
những con chữ trên “sách biết nói”, lập tức cây bút đọc hoặc phát ra âm
thanh tương ứng như biểu tượng trên sách. Chẳng hạn như khi chỉ đầu bút
vào hình con sư tử, bút phát ra tiếng gầm, chỉ vào chữ thì bút đọc tiếng
Anh hoặc tiếng Việt tương thích. Không những bút đọc được những từ đơn
mà cả một câu thoại dài, bút “thông minh” cũng “hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ”.
Bà
Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM, đơn vị cấp phép
“sách biết đọc”, cho biết: “Giáo trình dành cho Bút thông minh từ khâu
biên soạn đến thu âm đều rất chuyên nghiệp và khoa học, có các chuyên
gia Mỹ tham gia biên soạn, và do người Mỹ gốc thu âm cũng như giọng
“phát thanh chuẩn” của người Việt, tạo ra một môi trường như được học
tiếng Anh tại Mỹ cho trẻ em Việt, trẻ em không những học được tiếng Anh
chuẩn mà còn được bồi dưỡng thêm tư duy học tiếng Anh, khiến việc học
trở nên dễ dàng”.
Bà
Trần Mai Hồng Thắm, GĐ Sản phẩm Cty LASTA: “Hồi xưa cứ nghĩ thần đồng
tiếng Anh thật cừ khôi, bây giờ trẻ em dùng Bút thông minh nói tiếng Anh
càng ngày càng lưu loát, đâu đâu cũng gặp thần đồng tiếng Anh, thật khó
mà tưởng tượng được!”.
Ông
Dương Quốc Trị, TGĐ Cty Văn hóa Nhân Văn, thì đơn giản: “Có Bút thông
minh, các em thích thú học tiếng Anh nếu ở trong nước và tiếng Việt với
trẻ em kiều bào, đây mới là giá trị thực sự của sản phẩm giáo dục và văn
hóa này!”
Trạc Tuyền
Nguon: http://thethaovanhoa.vn/397N20091031093057528T227/sach-va-but-noi-duoc-tieng-nguoi!.htm