03/10/2010 18:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 14465
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Những đối đáp của Búp Bê, cho thấy là ứng khẩu, không phải người đã học bài bản. Theo đạo Phật, có thể Búp bê là một chủng tử. Không phải tự nhiên mà có năng lực này, mà trước đây cũng đã có tu. Qua sự triển biến của luân hồi nên kiếp này không thể quên hết.

ĐỐI PHÁP VỚI CHƯ – TĂNG – NI – PHẬT TỬ

Ngày 13/7/2007, Thiền viện Minh Đức tại huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức một buổi giao lưu giữa Búp bê với gần 300 vị Chư, Tăng, Ni, Phật tử.

Tất cả đại biểu đều ngồi ghế, riêng Búp Bê thân hình nhỏ nhoi được ban tổ chức đặt ngồi trên một cái bàn để mọi người có thể quan sát được diện mạo.

Bé ngồi đó với sắc thái bình thản, ánh mắt ngỡ ngàng vì chưa xuất hiện trước các vị Hòa thượng, các vị Chư, Tăng, Ni, Phật tử đông như vậy trong một ngôi chùa lớn.

Trông bé như một búp sen đang vươn thẳng giữa đầm sen vậy.

Chứng minh cho buổi giao lưu lớn và quan trọng này, có Hòa thượng Thích Giác Hạnh – Phó Trưởng Ban Trị Sự  Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh –  Trưởng Ban Hoằng Pháp –  Viện chủ các Chùa Hội Phước, Phước Duyên, Phước Lâm tỉnh Bà Rịa Vũng tàu; Hòa thượng Thích Nguyên Trực; Hòa thượng Thích Giác Cầu.

Thượng tọa Thích Minh Đức trụ trì thiền viện Minh Đức là trưởng ban tổ chức, đích thân dẫn chương trình.

Buổi vấn đáp về Phật Pháp này của Búp bê có thể nói là rất thú vị, tạo nhiều bất ngờ với những vị tham dự.

Một nhà sư chuyển lên ban tổ chức câu hỏi. Thầy Minh Đức đọc: “Tôi cả đời chỉ biết một chữ tu, từ 9 tuổi đã tham gia làm nhiều việc lành mà đến nay vẫn bị nghiệp chướng ngăn chính đạo, chừng nào tôi hết nghiệp chướng?"

Một cái micro không dây chuyển đến bàn tay bé nhỏ của Búp bê., bé nói:

-  Dạ thưa. Trong nghiệp tu của mình muốn hết nghiệp chướng, phải sống với chính mình. Làm sao phải sống được với cái tâm của mình thì giải nghiệp chướng nhanh hơn.

Một câu hỏi khác được thầy Minh Đức đọc: “Ngày nay có thánh nhân ẩn dật, hay có xuất hiện để độ đời không?

Búp Bê trả lời ngắn gọn:

-  Theo Búp Bê. Mình không cần biết điều đó, chỉ nên biết cái gì mình cần, mới biết.

Những câu hỏi dưới hàng ghế người tham dự liên tiếp chuyển lên. Thượng tọa Thích Minh Đức đọc tiếp: “Người tránh xa ngũ dục lạc có thề đắc quả trong kiếp này không?”.

Búp Bê đáp:

-  Tránh xa ngũ dục chưa thể đắc đạo mà phải tránh xa phiền não tham sân si và nhiều cái nữa thì mới đắc đạo được.

Hỏi:

-   Tôi đọc trong Lâm tế ngũ lực, khi một nhà sư có đến hỏi học đạo thì bị lấy gậy đánh mấy lần mà không giải một lời Pháp nào. Như thế là thế nào ?

Búp Bê ngánh về phía Thượng tọa Thich Minh Đức:

-   Búp Bê xin nhắn với Phật tử đó là dừng ngay lại đừng hỏi thêm nữa.

Một số câu hỏi không liên quan đến lý tu thì Búp Bê nói “Không hiểu”.

Cách trả lời của Búp Bê không sử dụng câu chữ dài dòng mà ngắn gọn đúng trọng tâm là dừng. Hầu hết những câu hỏi do các Chư, Tăng, Ni, Phật tử thông hiểu kinh Pháp, đã lựa những câu khó trong kinh Phật mang tính “thử” Búp bê trả lời có được không.

Có người còn tò mò: “Cô có nhớ đến tiền kiếp của cô không? Xin cho biết họ tên và nơi sinh sống của kiếp vừa qua?” 

-  Dạ, thưa Thầy. – Búp Bê ý nói với thầy Minh Đức – Người Phật tử đó dẹp bỏ những gì mình không cần, đừng tìm hiểu kiếp sống của người khác.

Hoặc có câu hỏi cũng có tính chất “thử” thế này: “Tại sao Búp Bê không đi như bao người khác?” Thì Búp bê trả lời gọn 5 từ:

-   Đó chính là nhân duyên?

Câu hỏi trên có thể khiến ta nghĩ tới nhân vật Ngộ Tĩnh – nguyên là một vị tu hành trở thành thánh được phong Quyện Liêm ban bửu trượng chầu Hoàng thượng trên cung đình, lỡ làm bể lưu ly bị đày xuống sông Lưu Sa dưới hạ giới, lấy tên sông làm Pháp danh là Sa Ngộ Tĩnh, phụng lệnh Bồ Tát chờ Đường Tăng thỉnh kinh qua sẽ theo làm đồ đệ.

Khi gặp Đường Tam Tạng, Ngộ Tĩnh quỳ vái, Đường Tăng thấy vái giống người tu hành nên đặt tên là Sa Tăng.

Cho nên Búp Bê không phân tích dài dòng mà trả lời câu hỏi trên với 5 chữ “Chính là nhân duyên” là vậy.

Một thích nữ tì kheo, hỏi: “Làm thế nào thoát khỏi bệnh hôn trầm?”

-  Vậy, phải định tâm. Định cách nào để hết hồn trầm, để kiến đạt đến con đường giải thoát – Búp Bế đáp.

Thầy Minh Đức đọc câu hỏi tiếp theo: “Căn cứ cơ sở nào? kinh sách nào? Kinh nghiệm nào mà Búp bê tham vấn với Phật tử về Phật Pháp?

Búp Bê thật thà, nét mặt biểu lộ hơi vui:

-  Dạ thưa. Con sống cũng có cái gì đó… con cũng không biết nữa mà tự nhiên có năng lực… mà con có thể trả lời những câu về Phật Pháp…

Hỏi: “Có ai tư vấn cho Búp Bê trước khi tham dự buổi vấn đáp lớn như thế này không?”

-  Thưa không, nếu có sự chuẩn bị thì Búp bê sẽ không trả lời được tự nhiên nên con đến đây trả lời các câu hỏi một cách tự nhiên thôi.

Các vị Hòa thượng đến chứng minh cho buổi vấn đáp này là người hỏi sau cùng. Hòa thượng Thích Giác Hạnh hỏi trước:

-  Xin hỏi Búp Bê một câu:  “Trong khi tu có 2 cái tâm: Tâm sinh diệt và tâm hiện tiền. Xin Búp Bê…  chỉ cho để tu”.  

Biết Hòa thượng muốn thử Búp Bê sẽ đối thế nào. Nhưng Búp Bê đã không đối mà ứng xử với một phong thái điềm tĩnh như một vị tu từng trải, nói:

-  Thưa Hòa thượng. Theo con thấy, thì… – Khóat tay – Xin mời Hòa thượng uống nước – Rồi quan sát Hòa thượng – Cả hội trường bất ngờ vang tiếng cười ròn tan như gió ngàn ùa về lay động đầm sen. Mọi người quá rõ ý của người hỏi và ý ứng xử “Mời Hòa thượng uống nước” của người được hỏi – Búp Bê tủm tỉm cười rồi mới buông câu – Vì con không dám nhận.

Búp Bê nói: “Vì con không dám nhận” là do sau câu hỏi của Hòa thượng có thêm 4 từ “… chỉ cho để tu” thì với tư cách một em bé mới 6 tuổi chưa đọc kinh sách bao giờ làm sao có thể dám chỉ giáo cho một vị Hòa thượng, cho nên Búp Bê đã đối bằng cách… “Xin mời hòa thượng uống nước”.

Một Hòa thượng khác hỏi: “Con từ đâu đến ? Con biết không?” – Búp Bê không trả lời mà hỏi lại:

-   Thưa Hòa thượng. Hòa thượng từ đâu đến ?

Và câu hỏi của vị Hòa thượng thứ ba: “Con sẽ đi về đâu?” Búp Bê bình tĩnh trả lời:

-   Dạ… Thưa Hòa thượng. Con chưa đi nên con chưa biết.

Trước đó, trong gia đình Búp Bê có một lần cậu Tư tới thăm đã hỏi một câu tương tự như vậy. Nhưng ở đây câu hỏi đặt ra từ các vị Hòa thượng, câu, chữ, có vẻ giống nội dung nhưng cách nhả âm chứa đựng ẩn ý sâu xa đến phong thái của các vị Hòa thượng mà Búp Bê hiểu ý nên đã không trả lời. Cô có ý thức của người biết phép thứ bậc trong đạo Phật thì Búp Bê không cho phép mình “giảng” lại với các vị Hòa thượng.

Để tránh điều này nên cô bé đã khôn khéo… hỏi ngược lại trước mỗi câu hỏi của các vị Hòa thượng.

Xin trích dẫn một đoạn kinh sau có thể hiểu vì sao Búp Bê không trả lời các vị tiền bối: “Có lần Đường Thuận Tông hỏi thiền sư Phật Quang Như Mãn: Phật từ đâu đến? Tịch diệt đi về đâu? Nghe nói Phật thường trụ ở đời, bây giờ Phật ở đâu?

Thiền sư Như Mãn đáp: “Phật từ vô vi đến, tịch diệt trở về vô vi. Pháp thân như hư không, có trụ về vô trụ, đến vì chúng sinh đến, đi vì chúng sinh đi, thanh tịnh biển chân như, lặng lẽ thể thường trụ. Người trí khéo tư duy, chớ có sinh nghi ngờ”.

Vốn là thần đồng về Phật Pháp nên những câu hỏi của các vị Hòa thượng, Búp Bê dường như hiểu ý thâm sâu trong kinh Phật mà các cao tăng muốn dựa vào để thử Búp Bê đối sách thế nào.

Trước khi kết thúc buổi giao lưu, Hòa thượng Thích Giác Hạnh. nói:

-  Qua những câu hỏi… Có những câu hỏi không đúng trọng tâm, chính tôi cũng không biết trả lời ra sao đừng nói đến Búp Bê. Một em bé chưa nghe giảng, không học hành gì nên kinh tạng chưa hiểu. Những đối đáp của Búp Bê, cho thấy là ứng khẩu, không phải người đã học bài bản.

Theo đạo Phật, có thể Búp bê là một chủng tử. Không phải tự nhiên mà có năng lực này, mà trước đây cũng đã có tu. Qua sự triển biến của luân hồi nên kiếp này không thể quên hết.

Mười phần đã tu, đã học kiếp trước thì nay nhớ được 8 phần, không quên hết Phật Pháp. Như các vị Lạt Ma tái sinh hầu hết cũng nhớ được 8, 9 chục phần..

Đây là trường hợp ngoại lệ còn rơi rớt trong tiềm thức…


Âm lịch

Ảnh đẹp