Với người lớn có sức khỏe, có hình thể phát triển bình thường
cũng hạn chế điều kiện trau dồi kiến thức như ở các thành phố lớn,
huống chi một đứa bé không có sức khỏe, không tự đi được. Cho đến khi 6
tuổi vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với con chữ. Vậy trí tuệ về kinh
Pháp mà cố bé có được trau dồi từ đâu mà có sẵn khả năng đối đáp xuất
chúng về Phật Pháp kỳ diệu như vậy ?
Những điều kỳ diệu
Nhìn những đứa trẻ tiểu học khoác ba lô nhẩy chân sáo trong sân
trường học mà không khỏi chạnh lòng nghĩ tới hình tướng của bé Thùy
Trang. Khung xương phần ngực nhô lên phía trước, xương tay và xương chân
dẹt, mỏng, chỉ sơ suất một chút là rất dễ bị gẫy.
Mới sinh ra, dựa trên hình hài và sức khỏe rất yếu của bé, bác sĩ
khoa sản cho rằng bé sẽ không sống được lâu. Má của Thùy Trang bận rộn
làm ăn sợ chăm sóc Thùy Trang không chu đáo nhỡ ra… thì ân hận nên đã
nhờ bà ngoại và dì Hai Xuân trông nom.
Nhờ những bàn tay nâng niu, lòng thương yêu và tận tụy chăm sóc cẩn
thận từng ly, từng tý nên Thùy Trang càng lớn càng khỏe và có trí tuệ
thông hiểu Phật pháp khác thường.
Sự khác thường hơn nữa là cách chào đời của Thùy Trang. Còn ẩn nấp
trong bụng mẹ, khi siêu âm phát hiện thai ngược, đến tháng ra đời phải
mổ. Một hình hài tý hon chào đời, hai chân khoanh tròn, hai bàn tay xếp
lên nhau ngay trước bụng, đầu hơi cúi xuống trong tư thế của một người
đang… thiền.
Những người thân của bé đã mấy đời theo Phật, thấy vậy nên vô cùng xúc động. Hàng ngày nâng niu như hứng hoa, nâng trứng.
Khi 4 tuổi, bà ngoại bắt đầu cho Thùy Trang ăn mặn. Thế nhưng cứ ăn
vào là ói… và ói. Thế rồi… bé ăn chay suốt tháng suốt năm cho đến nay.
Trước đó, khi mới 3 tuổi chưa nói sõi, một lần có nhóm Phật tử đi lễ
Đức Phật thầy Tây An trên đường về ghé thăm “cốc” của Búp Bê. Trong khi
uống nước, một vị cư sĩ muốn biết bé hiểu đạo Phật không nên hỏi thăm
dò:
- Búp Bê ơi. Niệm Phật thế nào để nhứt tâm bất loạn ?
Chẳng phải suy nghĩ, Búp Bê đáp liền:
- Dạ thưa… Muốn niệm Phật nhứt tâm bất loạn thì phải buông bỏ nhân duyên.
Mọi người sững sờ nhìn nhau như không tin vào tai mình. Kỳ lạ quá,
một bé gái 3 tuổi ngộ nghĩnh như búp sen non mới ló khỏi mặt nước mà sao
đối đáp như một vị chân tu cao niên thao lược kinh Pháp. Cô bé khiếm
khuyết về hình thể, không đi được, không tiếp xúc bên ngoài, không biết
đọc, biết viết. Quả là một sự nhiệm màu đã tiềm ẩn trong bé từ kiếp nào
?
Sự kỳ diệu này cứ thế được chắp cánh bay đi khắp nẻo vùng quê An
Giang, Đồng Tháp. Ngày ngày, người người từ các nẻo xa gần, thành thị
đến thăm “Thần đồng” về Phật pháp. Trăm người là cả trăm câu hỏi khác
nhau. Người hỏi về Pháp môn, người hỏi về Thiền định. Có người tò mò hơn
lại hỏi” “Vì sao Búp Bê lại giỏi Phật Pháp như vậy ?” Cô bé bình thản
nói:
- Có lẽ, nhờ nhân duyên từ một chứng đắc nội tâm từ kiếp trước mà đã đạt được.
Búp Bê thường trả lời ngắn gọn, xúc tích, không ề à nói quanh. Những
Phật tử đến không chỉ xin tư vấn về Phật pháp, kinh nghiệm tu học mà còn
bày tỏ cả những băn khoăn trong cuộc sống, về ứng nhân xử thế trong đời
thường sao cho đúng đạo lý, cho đúng với cái tâm của một cư sĩ.
Nếu những vấn đáp này của các vị tu sĩ, của những Phật tử lớn tuổi
thì chỉ là chuyện quá bình thường. Thế nhưng nó được ứng khẩu từ một cô
bé đang ở độ tuổi măng non lại bị khiếm khuyết về hình hài, không đi lại
được.
Vì thể lực yếu nên Búp Bê ăn rất ít. Có lần ngoại Tư trách yêu:
- Búp Bê ăn cơm ít quá. Ngoại bỏ… không lo nữa.
Cô Bé nói rành rẽ:
- Đức Phật, Đức Thầy độ tận chúng sanh cách này không được thì dùng
cách khác chứ đâu có bỏ ai. Ngoại nói vậy là ngoại không làm đúng lời
Phật, lời Thầy dạy rồi.
Ngoại cười hiền lành:
- Búp Bê nói phải quá. Vậy mà ngoại quên chứ. Cám ơn Búp Bê nha.
Khi Búp Bê còn ở “cốc” của dì Hai Xuân, phía trước có cái ao nở đầy
hoa súng màu đỏ. Một lần mấy đứa trẻ hơn Búp Bê vài tuổi đang tha thẩn
mon men bờ ao bắt ốc, bắt cua chơi. Búp Bê gọi:
- Mấy anh chị ơi. – Mấy đứa trẻ hóng cổ lên chưa biết là ai gọi – Búp Bê nói tiếp – Thả cua và ốc về với cha mẹ nó đi.
Ngoại Bảy ngồi gần đó, hỏi:
- Búp Bê nói câu đó bằng tâm gì vậy ?
- Là tâm từ đó – Bé trả lời gọn lỏn.
- Tâm từ do đâu mà có ? – Ngoại lại hỏi.
- Từ nơi chơn tánh đó, ngoại.
Thấy Búp Bê trả lời kinh Pháp đâu ra đó, ngoại Bảy lại hỏi tiếp:
- Thế nào là sống với chơn tánh ?
- Là không phiền não, sân, si là sống với chơn tánh.
Những lúc dì Hai Xuân đi vắng chỉ có ngoại Bảy ở nhà. Cả ngày chẳng
lẽ không nói gì với nhau, nên thỉnh thoảng ngoại rủ rỉ trò chuyện với
Búp Bê. Nhưng mỗi câu ngoại Bảy hỏi thì Búp Bê đều trả lời bằng ngôn ngữ
từ kinh Phật, cho dù câu hỏi rất đời thường:
- Hàng ngày có đủ thứ chuyện, Búp Bê có nhớ hết chuyện này chuyện kia không ? – Ngoại Bảy hỏi.
- Tâm thanh tịnh thì không nhớ gì – Búp Bê đáp – Còn tâm bị vọng thì nhớ đủ thứ, mà không thứ gì thành thứ gì cả.
Riêng đối thoại này của Búp Bê thì giống như người từng trải ngoài
đời. Ngoại Bảy như trong vai một trẻ mẫu giáo trước thầy của mình, hỏi
tiếp:
- Vậy mình phải làm sao cho tâm hết nghĩ nọ kia ?
Lúc này thì Búp Bê không đáp, ngôn ngữ của Búp Bê cho ngoại hiểu bằng
cử chỉ nhìn xuống, yên lặng của một người đang… thiền, và cũng tỏ ý
chấm dứt đối đáp.
Thăm hỏi Búp Bê có nhiều đoàn khách Phật tử từ TP Hồ Chí Minh, miền
Trung, miền Bắc, trong đó có Việt kiều từ các nước về quê hương cũng
nghe tin lần lượt mà lận lội tới thăm. Ngoài các chư Tăng – Ni – Phật tử
có cả những người ngoài đạo. Kiến thức sống khác nhau, sự hiểu biết xã
hội khác nhau, văn hóa sống khác nhau, tính cách, cảm xúc khác nhau.
Ngay cả những vị Tu sĩ cũng mỗi người hỏi Búp Bê mỗi khác. L
à đồng đạo đã hỏi Pháp thì không né tránh, có chăng ở những người tu
học còn khiêm tốn thì cách hỏi cũng khiêm tốn. Phần nhiều khách đến thăm
Búp Bê vì tò mò muốn trực tiếp biết khả năng của bé nói kinh Phật như
thế nào ? Phần vì lòng ngưỡng mộ một thần đồng ở tận miệt vườn miền tây.
Việt kiều thì vượt qua hàng vạn dặm, người miền Bắc thì trải qua hàng
ngàn cây số, người miền Nam thì cũng phải đi ô tô hết nửa ngày mới tới
nơi. Đã cất công đến thì cũng cất công hỏi.
Cũng qua cách hỏi mà Búp Bê có thể qua đó thấy được tuệ giác của mỗi
người mà tùy vào ý tứ, khả năng tu tập của người đó trả lời sao cho mỗi
cá thể người hiểu được. Kể cả người biết rất ít về đạo Phật hỏi một cách
vu vơ chẳng ăn nhập gì với kinh Phật. Cũng có những vị cao Tăng chỉ
lẳng lặng ngồi nghe vì tất cả những gì Búp Bê đối đáp đã có trí huệ rồi.
Hơn nữa nhiều người hỏi dồn một lúc sẽ làm cho Búp Bê mệt.
Ví như có bà hàng xóm, một hôm chẳng có việc gì sang nhà Búp Bê chơi, thật thà hỏi ngược xuôi nhưng không kém phần tò mò:
- Búp Bê là Bồ Tát hay sao mà mới 6 tuổi đã biết nói Pháp vậy ? –
Cô hàng xóm chưa biết rằng Búp Bê đã biết nói Pháp khi mới 3 tuổi.
- Con đang học hạnh của Bồ Tát chứ không phải là Bồ Tát – Búp Bê đáp
- Nếu Búp Bê không phải là Bồ Tát, vậy có phải là “Ông lên, Bà xuống” hay không ? – Cô hàng xóm gặng hỏi.
- Dạ không.Con chỉ là người bình thường. Là một môn đệ của Đức Thầy
Dì Hai Xuân nghe vậy mỉm cười, hỏi chen vào:
- Những điều Búp Bê nói, có phải do dì Hai và bà ngoại dạy không ?
- Những lời giảng kinh là của dì Hai và bà ngoại. Còn những điều khác con tự nói ra là do trí tuệ.
- Vậy làm sao mà Búp Bê có trí tuệ ? – Dì Hai hỏi tiếp.
- Hàng ngày con lo niệm Phật, không có sân, si thì trí tuệ hiện.
Nhà văn Abutalip là người ở một nước cộng hòa trong khối Udơbêch của
Liên Xô cũ đã có câu nói nổi tiếng: “Con ngưởi phải có 2 năm để học nói.
Nhưng phải có 60 năm mới biết im lặng”. Còn Búp Bê ra đời trong một gia
đình nghèo ở nông thôn, vùng quê chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với
khoa học, công nghiệp không phát triển. Hiện tượng Búp Bê mới 3 tuổi,
nói còn chưa tròn âm, tròn tiếng đã biết trả lời bằng kinh Phật, không
sai một từ.
Với người lớn có sức khỏe, có hình thể phát triển bình thường cũng
hạn chế điều kiện trau dồi kiến thức như ở các thành phố lớn, huống chi
một đứa bé không có sức khỏe, không tự đi được. Cho đến khi 6 tuổi vẫn
chưa có điều kiện tiếp cận với con chữ. Vậy trí tuệ về kinh Pháp mà cố
bé có được trau dồi từ đâu mà có sẵn khả năng đối đáp xuất chúng về Phật
Pháp kỳ diệu như vậy ?
Những vị chân tu, những người tu hành, hàng trăm Phật tử tiếp xúc với
Búp Bê đều cho rằng kiếp trước có thể cô bé đã từng là một vị tu hành,
nay đã tái hiện trong niên kỷ này. Một điều mà máy móc của khoa học tiên
tiến trong thời đại vũ trụ bay lên mặt trăng cũng không thể giải mã
bằng hình ảnh và những con số, mà chỉ những người tu hành, học đạo tin
vào tâm linh mới có thể tự tìm ra câu trả lời.