03/10/2010 18:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 14438
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Riêng tôi thì ngạc nhiên và ngưỡng mộ vô cùng. Một cô bé 10 tuổi mà hiểu Phật Pháp như một vị sư. Vì những người thân của Búp Bê đang lo lắng sức khỏe của cô nên tôi tuy rất tò mò muốn hỏi thêm về cô bé nhưng vẫn dè dặt.

Thăm thần đồng Phật Pháp

Cuối tháng 12/2009, thật bất ngờ, tôi được duyên lành theo chân Thượng tọa Thích Phật Đạo viếng các chùa ở Long An, Tiền Giang, Trà Vinh. Cuối cùng là thăm bé Thùy Trang, thường được gọi là Búp bê. Đoàn đi còn có sư cô Pháp Hỷ ở Thụy Điển, hai Phật tử là Việt kiều Mỹ, còn lại là người của TP Hồ Chí Minh.

Thùy Trang sinh ra cất tiếng khóc chào đời như hàng triệu đứa trẻ khác trên trái đất góp thêm một nốt nhạc trong bản trường ca bất tận của loài người. Đôi mắt to tròn đen láy hiền như chim câu, ngón tay dài hình tháp bút, da trắng như sữa mẹ, mái tóc mềm như lụa quê hương. Nhưng hình hài cô bé lại gây xúc động khôn lường cho những người thân trong gia đình.

Bé Thùy Trang hiện sống cùng với bà ngoại, nhà ở sát chùa Tòng Sơn, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Đoàn hành hương vừa bước tới cửa đã nghe tiếng nói lanh lảnh phát ra từ amply, truyền đến lời chào trịnh trọng thân ái.

Một bó hoa tươi từ tay bà ngoại của Thùy Trang tặng thầy Phật Đạo. Vào trong nhà mới biết do Thùy Trang bị té đau nặng, nằm trên giường không ra đón khách được nên phải mời chào khách kiểu đặc biệt như vậy.

Cô bé nằm đó đôi mắt to chớp chớp mỉm cười dịu dàng, nhưng giọng nói rất mạch lạc và chững chạc: “Con xin lỗi đã không ra đón tiếp thầy Phật Đạo và các bác, các cô trên thành phố tới. Con thấy làm tiếc. Con xin thầy Phật Đạo và các bác, các cô thông cảm”. Giọng nói, thần sắc trên gương mặt cô bé 10 tuổi đĩnh đạc như một nữ chủ nhân lớn tuổi.

Gia đình Thùy Trang theo đạo Phật giáo Hòa Hảo. Phòng ngoài là một trang thờ có hương, hoa nhìn đối diện ra cửa. Kế đó là bức tranh cụ Hồ, các Phật tử tới đây hầu hết là trong gia tộc của Búp Bê mỗi lần đến lạy Phật và lạy cả tranh cụ Hồ. Trong gia quyến có nhiều người không lập gia đình, một lòng theo đạo tu tâm, tích đức, trọn đời hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà.

Trong một tuần lễ ăn, nghỉ tại nhà của cô bé, rất ít ai gọi tên thật của cô, mọi người đều gọi Thùy Trang là “Búp Bê” như một cái tên thứ hai. Búp Bê ít nói, ai hỏi thì trả lời, hầu hết là những câu hỏi về Phật Pháp.

Khi cô bé cất giọng thì ai cũng dỏng tai, nghiêng đầu lắng nghe. Riêng tôi thì ngạc nhiên và ngưỡng mộ vô cùng. Một cô bé 10 tuổi mà hiểu Phật Pháp như một vị sư. Vì những người thân của Búp Bê đang lo lắng sức khỏe của cô nên tôi tuy rất tò mò muốn hỏi thêm về cô bé nhưng vẫn dè dặt.

Giáp tết Canh Dần, tôi lại được xuôi miền Tây lần thứ hai, sư cô Pháp Hỷ đã về chùa Đại Bi Tâm ở Thụy Điển, nhưng lại có sư cô Pháp Nhẫn đã trên 70 tuổi cùng đi viếng các chùa ở Cần Thơ, chùa Địa Tạng ở Sa Đéc, viếng lăng cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh… và lại đến thăm Búp Bê.

Lần này Búp Bê đã khỏe, tỏ ra rất vui khi thầy Phật Đạo lại ghé thăm nên cười suốt ngày.

Gia đình Búp Bê thuê thêm một xe 16 chỗ cùng đoàn Thượng tọa Thích Phật Đạo, 2 xe đi về hướng Hà Tiên viếng chùa Hang rồi về vùng Bảy núi lễ chùa Vạn Linh trên núi Cấm. Ngôi chùa thật xứng với bề dầy lịch sử, uy nghi, lộng lẫy. Chùa Vạn Linh không những là một di tích văn hóa còn là danh lam thắng cảnh tâm linh của tỉnh An Giang

Đoàn viếng thăm nhà tưởng niệm thầy Hai Thanh Sĩ của Phật giáo Hòa Hảo lần thứ hai, nhưng lần này chúng tôi được mời dự  ngày giỗ của Ngài.

Bữa cơm chay rất ngon từ những bàn tay chế biến tuyệt vời bằng những thực phẩm đặc biệt của miệt vườn An Giang. Người đến thăm viếng đông ngẹt thở, người người nhích chân từng tí một.

Búp Bê ngộp quá được bà ngoại ẵm ra bên ngoài trước. Thấy tôi thích ăn bánh tét, nhà bếp còn vui vẻ cho thêm một bịch nặng mang về. Chị Từ Nhẫn là Việt kiều Mỹ thích quá cười tít cả mắt. Còn tôi cảm động chẳng biết nói gì, hồn nhiên cầm bịch bánh tét ngoan ngoãn cám ơn như đứa trẻ ngô nghê.

Chúng tôi len chân ra bên ngoài chờ lúc lâu, chị Từ Nhẫn lo lắng, “Thầy Phật Đạo bị bao vây trong đó rồi, không ra được. Làm sao bây giờ ?" Tôi nói: “Để tôi vào phá vây mở đường cho thầy Phật Đạo đi ra. 12 giờ trưa rồi, nắng quá”.

Thấy tôi xuất hiện, thầy Phật Đạo hiểu ý đứng lên ngay. Tôi khoát tay mở lối, thầy Phật Đạo cứ việc bước ra. Nhưng chưa hết, bên ngoài rất nhiều Phật tử tiếp tục vây quanh thầy, mời thầy về nhà một Phật tử gần đó. Thầy Phật Đạo hoan hỷ nhận lời, sau khi ngâm một đoạn thơ của ngài Hai Thanh Sĩ, thầy Phật Đạo xin thoái vài lần mới trở ra được. Thật là vui.

Do ăn nghỉ tại nhà Búp Bê nên tôi có điều kiện tiếp xúc với bà ngoại của bé. Những gì nghe được về cách ra đời của Búp Bê thật kỳ lạ như trong chuyện cổ tích. Có lẽ vì những điều “kỳ lạ” mà gia đình rất tế nhị ít kể về sự ra đời của Búp Bê. Ngoại còn nói: “Trước đây cắt tóc ngắn cho Búp Bê, nhiều người tưởng là con trai nên Búp Bê thích để tóc dài”. Búp Bê để tóc dài là đúng, vì tóc cô bé rất mềm và óng.

Khi đoàn hành hương trở về lại thành phố Hồ chí Minh thì đã 28 âm lịch, giáp tết Canh Dần.



Âm lịch

Ảnh đẹp