08/09/2010 11:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 4987
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

  Sự kiện nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng phải lên tiếng bác bỏ những tin đồn không đúng sự thật liên quan đến các "dự đoán" của chị cho thấy hoạt động của các "chuyên gia tìm mộ" đặc biệt này còn nhiều "vùng mờ"

khiến dễ dẫn đến những cách hiểu sai về bản chất một lĩnh vực nghiên cứu còn chưa nhận được đồng thuận trong giới khoa học. Chính vì thế, công chúng càng cần một thái độ thận trọng, tỉnh táo và cầu thị khi tiếp cận những thông tin "ngoại cảm".

Tối 6.9, sau khi lên Lạng Sơn chuẩn bị lễ cầu siêu cho các liệt sĩ, về tới Hà Nội, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã dành cả buổi tối kể cho PV Thanh Niên về hành trình tìm mộ liệt sĩ của chị trong nhiều năm qua, đặc biệt là việc tìm thấy di cốt của lãnh tụ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị giặc Pháp hành quyết năm 1932 tại TP Hải Phòng.



Không giấu được nỗi bức xúc, Bích Hằng tâm sự: “Hôm qua 5.9, em lên Lạng Sơn để chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ. Khi vào một ngôi chùa, bà con phật tử đang tụng kinh đã vồ vập hỏi em: “Thế Hằng bị bắt, được thả ra lúc nào vậy?". Em trả lời: “Cháu không bị bắt”. Thời gian qua, em cũng rất xúc động khi có những cụ cựu chiến binh, lão thành cách mạng gọi điện thoại cho em và khóc, hỏi xem em đang bị giam giữ ở đâu để các bác làm đơn "xin thả cho cháu ra". Em nói với các cụ: “Cháu là con của một người lính và còn là con cháu của hàng vạn người lính khác đã nằm xuống ở các chiến trường hoặc đã trở về nhưng còn mang trong người bao thương tích chiến tranh. Do vậy cháu không bao giờ làm cho những người lính phải hổ thẹn. Nên các bác cứ yên tâm. Tuy hiện nay dư luận miệng người - sóng biển không ai có thể lấp được, nhưng mọi người đều quan tâm và ưu ái đến cháu”.

Bích Hằng cho biết trong nhiều năm qua, bằng khả năng “đối thoại ngoại cảm” của mình, chị đã giúp đỡ thông tin cho các gia đình tìm được hơn 1 vạn mộ liệt sĩ và mộ thất lạc (trong đó, tìm quy tập được hơn 6.000 ngôi mộ và xác định mộ vô danh là 4.000 trường hợp). Chị cũng cho biết, đã cung cấp thông tin xác thực để các cơ quan, tổ chức, địa phương và gia đình tìm thấy phần mộ của các nhà yêu nước, nhà cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang như: Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Trí Phú, nhà văn Nam Cao, Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân, Vũ Văn Hiếu, Vũ Thị Kính, Đậu Văn Ngôn... Đáng chú ý, với di cốt các lãnh tụ cách mạng, tất cả đều đã được cơ quan nghiên cứu khoa học xét nghiệm DNA trước khi công bố kết quả.

“Trong nhiều năm qua, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã giúp Liên hiệp UIA xác định, làm rõ những thông tin “mờ” trong các hoạt động ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ, xem xét cả những trường hợp không tìm thấy được hoặc tìm sai. Hiện nay, với sự hợp tác của Viện Khoa học hình sự, UIA chúng tôi lưu trữ hàng núi hồ sơ các trường hợp tìm thấy và không tìm thấy mộ liệt sĩ”, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ - Tin học ứng dụng UIA, nói.

Nhiều trường hợp bịp bợm

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ - Tin học ứng dụng UIA  (cơ quan phối hợp với Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ văn hóa truyền thống) tại số 1 Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội, nơi chủ trì hợp tác nghiên cứu việc tìm mộ liệt sĩ trên địa bàn cả nước, cho biết: “Những người có khả năng ngoại cảm có năng lực “nhìn xuyên qua thời gian và không gian”. Họ như một nhà phiên dịch cho một thế giới khác với khả năng “đối thoại ngoại cảm” với người đã khuất”. Ông Khanh khẳng định Phan Thị Bích Hằng là một trong 15 nhà ngoại cảm có năng lực đặc biệt tìm mộ liệt sĩ đã cộng tác với Trung tâm UIA, có hồ sơ tại đây và đã được UIA kiểm định như: Nguyễn Văn Liên, Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Lư, Trần Văn Tìa, Phan Huy Lập, Vũ Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Ngọc Hoài... Bên cạnh những người này, ông Khanh cho biết còn hơn trăm người khác đang tự nhận “ngoại cảm” cũng đi tìm mộ liệt sĩ, mộ thất lạc nhưng có tới 90% là “ngoại cảm dỏm” bịp bợm để kiếm tiền.

Ông Khanh cũng nhắc tới chuyện, một số nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt nhưng số người muốn nhờ tìm mộ quá đông, họ không thể đáp ứng nổi, khiến nhiều trường hợp chờ cả năm vẫn chưa đến lượt, nên đã gây bức xúc cho chính những người muốn đến nhờ họ tìm mộ.

Ở một khía cạnh khảo sát khác, ông Khanh cho biết theo con số thống kê của UIA, trong số 15 nhà ngoại cảm đã được "kiểm định", người giỏi nhất ở thời điểm cao nhất chỉ tìm được chính xác khoảng gần 70% số mộ liệt sĩ (hơn 30% là sai); còn người bình thường chỉ tìm được chính xác khoảng 10-15% (85-90% là sai). “Có những nhà ngoại cảm sau một thời gian hoạt động thì khả năng ngoại cảm tăng lên theo từng thời điểm, nhưng cũng có nhiều người khả năng ngoại cảm giảm sút dần đi. Có nhà ngoại cảm, trong 100 trường hợp đi tìm mộ thì sai tới 40-50 trường hợp. Vì thế, họ bị những gia đình không tìm thấy mộ người thân chê trách rất nhiều”, ông Khanh nói.

Nguyễn Việt Chiến

Theo: Thanh Niên Online


Âm lịch

Ảnh đẹp