03/10/2010 18:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 14462
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Những cuộc đối đáp 100% là ngẫu nhiên mà Búp Bê hoàn toàn không biết trước người đối diện sẽ nói gì, hỏi gì ? Dù đó là người trong gia đình nhưng ở cách xa đó hàng chục cây số hay người từ khắp mọi nẻo vùng, miền xa nhau về địa phận, khác nhau cả về giọng nói và tập tục sinh hoạt cũng chung một niềm cảm phục khả năng về Phật Pháp từ một cô bé Thùy Trang

Kỳ 4: Với dì Hai Xuân.

Dì Hai Xuân không phải họ hàng, là đồng đạo với những người thân của Búp Bê. Khi Búp Bê còn quá non nớt đã được đưa về ở tại “cốc” của dì ở huyện Chợ mới – An Giang.

Hàng ngày dì Hai chăm lo cho Búp Bê thân ái như con cháu của mình nên trong gia đình coi dì như người ruột thịt.

Một buổi chiều có hai đứa bé gái trong họ hàng đến chơi với Búp Bê, tới bữa ăn dì Hai Xuân bưng mâm cơm ra cho mấy đứa trẻ ăn trước. Búp bê thấy trong mâm đã đầy đủ chén, đũa thức ăn rồi nên xúc cơm ăn, còn hai đứa trẻ kia ham chơi khi quay lại thấy vậy, một đứa la lên: “Búp Bê tham ăn”.

Búp Bê vẫn tỉnh queo như không nghe thấy, đứa kia lại la tiếp như chọc tức: “Búp Bê ích kỷ quá”. Ngoại mỉm cười nói:

-  Búp Bê là học trò của ngài Duy Ma Cật – Chắc bà ngoại nói dựa theo ý của ngài Duy Ma Cật nói với ngài Xá Lợi Phất là “Hà tất phải ngồi sững như thế mới là tọa thiền?” Sau khi hai bé gái kia về rồi. Ngoại mới hỏi Búp Bê – Lúc đó… tâm Búp Bê thế nào ? Búp Bê nói: “Lúc đó con sống với tâm chơn”

Sau này Búp Bê mới được chuyển về ở nhà bà ngoại tại huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp. Thỉnh thoảng cô bé quan sát những người trong nhà xem ai làm gì. Một hôm, dì Hai Xuân thấy cái bóng đèn không tiếp xúc được với điện liền dùng tay gẩy nhẹ thử coi nó có sáng không. Thấy vậy, Búp Bê nhắc dì Hai coi chừng điện giật. Dì Hai vô tình đáp một cách chủ quan: “Có sao đâu”. Búp Bê nghiêm nét mặt, nói:

-  Dì Hai phải bảo vệ cái thân mà lo tu hành, bộ dì ham luân hồi lắm ?

Thế là dì Hai không còn câu nào nói nữa chỉ mủm mỉm cười, cái cười  như thay cho lời nhận lỗi và coi như học phí trả cho bài giảng ngắn cho thần đồng.

Dì Hai vốn hiền lành ít nói, có lần để một cái tô gần chỗ Búp Bê ngồi ngoài hành lang mà không nhắc. Búp Bê cùng bà ngoại hý hoáy lựa gạo khi xoay người ra đụng phải cái tô. Búp Bê nói với ngoại:

-   Ngoại ơi

-   Gì vậy Búp Bê

-   Cái tô này mà bị bể thì dì Hai thấy cái tâm của mình liền.

-   Thấy tâm là thấy chỗ nào ? – Muốn nghe Búp Bê trả lời thế nào, ngoại thường hỏi ướm thêm.

-  Khi con làm bể tô thì tâm của dì Hai Xuân vắng lặng cũng là lúc dì thấy tâm.

Dì Hai Xuân là người tu tập trước Búp Bê trên mấy mươi năm nên thông hiểu Phật Pháp nhưng vẫn rất khiêm tốn, cũng hay trao đổi kinh Phật với Búp Bê.

-  Dì Hai thấy pháp Tham Thoại Đầu là bực thượng căn, còn dì là người hạ trí. Phải không Búp Bê ?

-  Dì Hai đừng tự hạ mình như vậy. Con mới 7 tuổi là nhỏ, dì đã 53 tuổi là lớn, nhưng nhân gian nói Phật tánh thì bằng nhau. Dì phải tự tin mình như Đức Phật Thích Ca ngày xưa cũng nhờ có tự tin mà thành Phật.

Dì lại than thở:

-   Hai tu quá lâu mà sao không thấy được Phật.

Nhìn thẳng vào mắt dì Hai Xuân, Búp Bê nói:

-  Dì có thấy con gà trống nó gáy hoài mà cục mồi bên cạnh lại không ăn ?

Ý nói Phật trong tâm mình tự bao giờ mà không tin lại đi hóng tìm ở đâu. Không chỉ dùng kinh Phật để giảng giải mà Búp Bê thường hình tượng hóa có tính văn học, người nghe vừa dễ hiểu vừa thấm thía ý nghĩa sâu xa, đối đáp vừa rồi của dì Hai Xuân và Búp Bê có thể chứng minh điều này.

Đàn bà ngồi với nhau thường to nhỏ chuyện nhà rồi đến chuyện hàng xóm, có lần Búp Bê thấy ngoại và dì Hai như vậy liền can thiệp:

-   Thôi, ngoại và dì Hai đi quá xa rồi. Dừng lại đi, tốn tiền xăng lắm đó.

Ẩn ý trong câu góp ý này là chỉ nên đi loanh quanh trong nhà mình thôi, đừng nên tùy tiện vào nhà hàng xóm. Hoặc nói lỗi người khác thì tổn phước, tu còn lâu mới đắc đạo.

Cũng như dì Hai Xuân có lần kể chuyện dì Bảy sắp rời nhà đi nơi khác. Búp Bê cười nhắc khéo: “Dì Hai nên lo ngôi nhà tâm của mình, còn ngôi nhà đời đã có người lo”.

Nhà của Búp Bê rơi vào tình trạng bị ô nhiễm tiếng ồn khiến cho dì Hai Xuân khó chịu nổi thành ra phiền não. Búp Bê thấy vậy, nói:

-  Dì hai ơi. Người ta thử mình đó. Cảnh dù có động nhưng tâm mình giữ, đừng động.

-   Búp Bê thấy dì Hai tu thế nào ?

Cô bé lại cười, nói:

-   Dì tu sao để tự mình thấy mà đừng nhờ ai khác thấy mình

Thấy Búp bê muốn uống nước, dì Hai đem ly nước tới. Búp Bê định uống thì nhìn thấy xác một con kiến lờ đờ dưới đáy ly liền gọi:

-   Có con kiến chết trong ly nước dì Hai ơi.

Dì Hai Xuân hấp hay mắt dòm vào ly nước hỏi:

-   Kiến đâu ? Sao dì không thấy ?

-  Con kiến nhỏ, nó giống những vi tế trong tâm ta phải nhìn kỹ mới thấy.

Muốn tu tâm phải chặn được phiền não là chặn vô minh. Bởi phiền não tạo ra nghiệp. Có diệt được phiền não thì phải có từ bi cao cả, phải có trí huệ. Tất cả liên hệ với nhau, nên người tu tập lúc nào cũng phải chánh niệm. Những lúc bà ngoại loanh quang bếp núc và dọn dẹp trong nhà, Búp Bê chẳng có ai chuyện trò, ngồi một mình trên giường.

Ai ra, vô, làm gì, tác phong đi lại ra sao được coi như những “diễn viên” cho Búp Bê… ngắm. Nếu ai làm việc gì bị phân tâm là Búp Bê thấy ngay. Ví dụ, có lần dì Hai Xuân đang ở bếp bắc cái siêu đất lên bỏ thuốc vào sắc. Tự nhiên Búp Bê nói:

-   Dì hai bỏ thuốc vào siêu mà không… thiền.

Dì Hai thật thà hỏi lại:

-   Sao biết dì không thiền ?

Búp Bê ngó ra phía cửa la lên:

-   Dì Hai, có khách.

Dì Hai Xuân quýnh lên hỏi nhanh:

-   Đâu ? Khách đâu ?

Búp Bê cười thành tiếng, nói to:

-   Đó… Nếu dì có chánh niệm đâu có bị con… gạt ?

Lúc này dì Hai chỉ còn cười huề, chứ biết nói sao.

Thương dì Hai Xuân. Búp Bê lại nhờ ngoại lấy bút ra chép giùm một bài thơ tặng dì.

Con xin chúc Hai Xuân
Bao nhiêu điều phiền não
Tiêu tan hết chẳng còn
Chỉ còn tâm vắng lặng
Nơi Tây phương sen vàng
Nhờ chứng nghiệm nội tâm
Mới đạt tới nơi ấy
Để cứu độ chúng sanh
Vượt qua vòng sanh tử.

Cậu Tư đến thăm ngoại, gặp Búp Bê không thể không hỏi vài câu, xem như là tranh thủ học Pháp.

-   Ta từ đâu tới, vậy Búp bê ?

-   Thưa cậu, từ vô minh tới.

-   Vậy vô minh từ đâu có ?

-   Thưa cậu. Từ một niệm ra 

Đối thoại chuyển sang ý khác. Lần này Búp Bê hỏi lại cậu Tư:

-   Tâm hiện tại – quá khứ – vị lai. Cậu Tư chọn tâm nào ?

-  Tâm hiện tại – Búp Bê phủ nhận “Không đúng” – Cậu Tư hỏi – Thế thì tâm nào ?

-  Không chọn tâm nào cả. Vì khi có ước, có muốn, có chọn cũng là một dạng vọng tưởng.

Hết chuyện tâm linh, cậu Tư lại hỏi đến chuyện dưới âm:

-   Búp Bê thấy ma bao giờ chưa ?

-   Ma thì con chưa thấy. Nhưng ma tâm thì có.

Những cuộc đối đáp 100% là ngẫu nhiên mà Búp Bê hoàn toàn không biết trước người đối diện sẽ nói gì, hỏi gì ? Dù đó là người trong gia đình nhưng ở cách xa đó hàng chục cây số hay người từ khắp mọi nẻo vùng, miền xa nhau về địa phận, khác nhau cả về giọng nói và tập tục sinh hoạt cũng chung một niềm cảm phục khả năng về Phật Pháp từ một cô bé Thùy Trang đã được nhân gian gọi là Búp Bê, là thần đồng.

Mỗi khi được hỏi không phải suy nghĩ, đối đáp ẩn ý sâu xa về kinh Pháp, để lại trong tâm những ai đã được vấn đáp với Búp Bê một cách “Tâm phục, khẩu phục” từ những câu hỏi được Búp Bê đáp như Automatic.

Một trí huệ như đã được lập trình sẵn ở tận kiếp đã công phu tu học kinh sử mà ứng nghiệm vào cuộc đời cô bé Thùy Trang để độ nhân gian. Chính đó là điều bất ngờ, là điều kỳ diệu cho bất cứ ai đã có duyên tiếp cận với cô bé.  

Một nữ tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo trong một lần thăm Búp Bê đàm đạo về một câu trong sấm giảng của Đức Thầy, có thể coi như “kiểm chứng” cho lời đồn về Thần đồng này. Nữ tu sĩ đọc đoạn sấm giảng viết: “Tu với tỉnh bảo toàn thân thể – Giữ đừng mòn linh tánh mới hay”, rồi hỏi:

-   Vậy ta phải làm sao cho “đừng mòn linh tánh” như Đức Thầy dạy ?

-   Thưa cô – Búp Bê nói mạch lạc – Muốn giữ đừng mòn linh tánh thì khi tiếp duyên đối cảnh mình không nói hay, không nói dở, không nói cao, không nói thấp, không nói đúng, không nói sai. Nhưng vẫn luôn có tánh Biết trong đó.


Âm lịch

Ảnh đẹp